Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Cánh đồng Kỳ Diệu ở xứ Ngu Si

(Bài đăng đồng thời trên Blog Việt và Blogspot)

       Thưa quý vị và các bạn!
       Thời gian qua tôi bận thích nghi với môi trường mới nên không theo dõi các blog được thường xuyên. Có bạn sốt ruột sao chờ mãi chẳng thấy tôi đăng bài mới gì cả. Vấn đề không phải vì tôi không có gì để viết, mà là có quá nhiều cái muốn viết và đã viết được một phần rồi vẫn bỏ dở, vì chưa quyết định được bài nào cần hoàn thành và đăng lên trước. Trong tôi tràn ngập những ý tưởng, những cảm xúc xô nhau như sóng dồn.
       Một mặt thì tôi không cảm thấy phải vội vã, mặt khác thì những ý tưởng thôi thúc tôi, trong khi chúng không có gì rõ ràng cả. Những trải nghiệm với Blog Việt và Blogspot thời gian qua khiến tôi rất thú vị, nhưng tôi cần cái gì đó mới mẻ hơn. Tôi muốn một sự kết nối sâu rộng hơn dựa trên những gì mà chúng ta đã có với nhau, giúp chúng ta tích tụ và giải phóng năng lượng mạnh mẽ hơn nữa.
       Blog cá nhân của tôi là một blog thuần túy văn chương, nhưng mục đích của tôi lại không phải là văn chương. Tôi không sống với ước mộng viết ra một tác phẩm văn học vĩ đại. Tôi chỉ thích sống thoải mái thôi. Tôi đã tranh thủ mọi cơ hội để vứt bỏ đi những áp lực mà tôi cho rằng không thật sự cần thiết phải chịu đựng. Tôi rảnh rang và bận bịu với những mơ mộng.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Những điều kỳ diệu làm nên văn học

Tác giả: Nguyễn Thanh Sơn

       Nhiều người trong chúng ta còn nhớ câu chuyện về chú bé người gỗ Bu-ra-ti-no đã tìm ra bí ẩn của chiếc chìa khóa vàng như thế nào. Hẳn chúng ta còn nhớ, bếp lửa reo vui, nồi súp bốc khói trong ngôi nhà của bố Các-lô chỉ là bức vẽ treo trên tường an ủi ông trong những cơn đói triền miên. Và hẳn, chúng ta cũng biết, khi cái mũi dài nghịch ngợm của Bu-ra-ti-no xuyên thủng lớp vải mục của bức vẽ, chú đã tìm ra cánh cửa gỗ dẫn tới một điều kỳ diệu. Một điều kỳ diệu với ánh sáng xanh huyền ảo, âm nhạc  diệu kỳ và một cuộc sống mới.
       Các bạn có nhận thấy bức tranh vẽ nồi súp đặt trên lò sưởi  đó chính là văn học của chúng ta, và chúng ta, những độc giả, chính là vô vàn chú bé Bu-ra-ti-no ấy. Chúng ta trông đợi gì ở văn học? Hẳn không phải một bức tranh vải đã mục nát. Chúng ta đi tìm một cái gì quí giá hơn đằng sau những dòng chữ ngoằn nghèo trên những tranh giấy trắng. Chúng ta đi tìm cánh cửa gỗ sồi mà một nghệ nhân đã làm ra từ lâu lắm rồi.
       Bất cứ một tác phẩm văn học nào - nếu không muốn chỉ trở thành bức tranh lừa mị lúc đói lòng - phải chứa trong nó cánh cửa dẫn tới một điều kỳ diệu.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Phê bình văn học của tôi

Tác giả: Nguyễn Thanh Sơn

-1-
       Không có âm thanh nào lại xóa đi những ước lệ về thời gian bằng những âm thanh của biển. Nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng rì rào của sóng vỗ, của cảm giác buồn mênh mông trước cái vô hạn của biển, tưởng như cả Trái đất đang trở lại với lứa tuổi còn nằm nôi, chỉ có cảm giác yên bình của một nỗi buồn  êm đềm.
       Tôi nhớ lại bức tranh Con quỉ ngồi của Vrubel. Nhớ lại vẻ mặt buồn và cô độc của người khổng lồ trên đỉnh núi, tay buông thõng và chìm đắm trong suy tưởng. Trong suy tư, con người đó đang cố gắng thoát khỏi xác thịt của mình, hòa vào không gian và thời gian đang đặc sánh xung quanh, để thoát khỏi nỗi cô đơn vĩnh viễn đang đè nặng trĩu trong tim.
       Người ta thường hình dung về nhà phê bình như một ông già đeo kính, loay hoay viết chú giải cho những cuốn sách - còn tôi, tôi sẽ hình dung về người viết phê bình như một con người thường xuyên ngồi suy ngẫm.