Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Một bài viết không thể đăng báo

       Sau khi entry “Những kẻ tự tử” được đăng lên, điều khiến tôi bất ngờ là nó được quan tâm hơn rất nhiều so với những entry khác, ở cả hai mạng Blog Tiếng Việt và Blogspot. Có một người đề nghị tôi chuyển nó thành một bài viết để có thể đăng báo. Mà thật kỳ lạ, trang báo đó có tên là Nhịp Cầu Thế Giới. Xưa nay tôi cứ tưởng một tờ báo thì không thể mang cái tên như thế, chỉ những kẻ quá mơ mộng mới có thể nghĩ ra cái tên này. Kẻ ngủ mơ và thiếu thực tế chính là tôi, vì trang báo ấy đã ra đời và tồn tại được hơn mười năm, của người Việt ở châu Âu. Tôi không biết có phải người đề nghị đã muốn bài viết của tôi cho mục “Bạn gái” của họ hay không, nhưng họ cứ khăng khăng rằng cần phải lên án những kẻ tự tử vì tội của những người này rất lớn. Tôi đã viết xong một bài khác, tuy không hay nhưng tôi cần viết để kết nối và thống nhất với một người. Với tôi thì một người là cả một thế giới. Tôi đã đạt được mục đích của mình, nhưng trang báo của họ không đăng được, lý do đơn giản: họ không thể đăng những bài viết dài, mà tôi thì không thể viết ngắn.
       Đáng lẽ tôi không đăng bài viết này trên blog Hơi Thở Của Vũ Trụ, vì xét về mặt thông tin đơn thuần thì nó không có gì mới với các bạn đọc theo dõi blog của tôi từ những buổi đầu. Nhưng hôm nay, có một người bạn qua mạng lại hỏi tôi: “Giá trị sống của bạn là gì?” Đó không phải là một người bạn vu vơ, và họ thường không hỏi những câu vu vơ. Ngày xưa, vào lúc tôi yếu đuối, một câu hỏi kiểu như thế đủ khiến tôi tự tử rồi. Khi loài người đặt ra những câu hỏi như vậy là họ thực sự gặp bế tắc. Tôi không đủ khả năng trả lời câu hỏi ấy chỉ bằng một bài báo. Bài viết này dù không ngắn, nhưng nó không kết thúc vấn đề, nó chỉ mở đầu cho những cuộc trò chuyện mới.      



NHỮNG KẺ TỰ TỬ 
(Phiên bản 2)

       Là tình cờ hay không tình cờ, khi trong một ngày đầu năm tôi lại viết về đề tài chết chóc?
       Đúng vào ngày đầu tiên của năm 2016, tôi đăng trên blog cá nhân một bài viết có tiêu đề “Những kẻ tự tử”. Đó là tình cờ.
       Trong vài ngày cuối năm 2015, đã xảy ra một số vụ tự tử và những người bạn Facebook chia sẻ nỗi buồn của họ. Có một người, khi báo tin một người bạn của mình mới qua đời vì tự tử trong cơn trầm cảm, đã chia sẻ rằng “những loại cảm giác như buồn bã, sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng, thất tình, nghi ngờ bản thân… đều chỉ là ảo giác…”, “thiền và chánh niệm sẽ giúp xua tan đi bất kỳ cảm giác khó khăn nào”. “Status” của người bạn này rất thiện chí, nhưng trong các bình luận, anh ấy liên tục khẳng định rằng tự tử là một tội ác và những kẻ tự tử là những kẻ phạm tội ác, mà không đưa ra được lý lẽ đủ thuyết phục tôi về lời kết tội này, trong khi anh ấy là người coi trọng lý lẽ, thậm chí còn tuyên truyền kiến thức về các kiểu ngụy biện. Sau khi đọc chia sẻ của một người bạn khác về nỗi buồn và trăn trở trước việc có nhiều em học sinh tự vẫn vì lý do “không đáp ứng được nguyện vọng của gia đình”, tôi nhận ra là khi tôi cảm thấy bất mãn với anh bạn trước đó, không phải là tôi bất mãn về chuyện anh ấy thiếu lý lẽ, mà tôi thất vọng vì không nhận thấy được sự cảm thông thật sự nơi anh với những người rơi vào bi kịch. Trong bài viết trên blog, tôi đã nói rằng tôi “không bao giờ muốn biết đến thứ “chánh niệm” nào kết tội những kẻ cùng đường tuyệt vọng và đã chết”.
       Bài viết này không phải để làm rõ về chuyện những người chết bằng cách tự tử có tội hay không. Các tòa án không được mở để tuyên án cho những người đã chết và tôi nghĩ rằng cần quan tâm đến những vấn đề thực tế hơn.
       Bài viết này không tình cờ. Một người bạn sau khi đọc bài trong blog của tôi đã đề nghị tôi chuyển nó thành một bài viết thích hợp để có thể đăng báo. “Tự tử là đề tài chưa ai viết”. Người ấy nói. “Nhiều rồi chứ!” Tôi đáp theo phản xạ. Chỉ cần google là ngay lập tức có thể cung cấp vô số dẫn chứng. “Chung chung lắm, và không phải là điều mình muốn nói”.
       Chưa ai viết điều người ấy muốn nói. Người ấy tin là tôi có thể. Chúng tôi giống nhau ở chỗ đã từng tự tử khi còn trẻ tuổi, tuy không chết nhưng sau đó trong một thời gian dài vẫn không tìm thấy cuộc đời ý nghĩa của mình, rồi sau cùng…
       Chuyện sau cùng thì hãy để sau. Có lẽ nên điểm qua vài điều “chung chung” về tự tử:
       Thứ nhất là những con số, chúng có vẻ dễ hiểu nhất mặc dù thiếu chính xác. Mỗi năm trên thế giới có hơn một triệu người chết do tự sát, có khoảng mười đến hai mươi triệu vụ tự sát không thành, số người có ý định tự tử nhưng chưa thực hiện thì còn cao hơn thế nhiều lần. Tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tỉ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp đôi nam giới, nhưng tỉ lệ chết do tự sát ở nam giới lại cao hơn nữ giới hai lần. Mới gần đây, Facebook đã tích hợp chức năng chống tự tử, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến nguy cơ này trong cộng đồng.
       Thứ hai là quan điểm về hành vi tự sát, chịu ảnh hưởng bởi những quan niệm văn hóa và tôn giáo. Trong những trường hợp nhất định, tự sát được xem như hành động để bảo vệ danh dự. Điều này hay gặp trong đời sống của người Nhật Bản. Ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, vẫn tồn tại quan điểm cho rằng tự tử là một hành động hèn nhát với động cơ ích kỷ, là một tội ác. Đặc biệt truyền thống Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo xem tự tử như hành động chống lại Thiên Chúa.
       Cá nhân tôi xem tự tử là một tai nạn, không phải là một tội lỗi, cũng như không phải là hành động đáng biểu dương. Tôi không thể có ý kiến về chuyện xem tự tử như hành động bảo vệ danh dự có làm tăng số người tự tử và xem tự tử như tội lỗi có làm giảm số người tự tử hay không, tôi chỉ thấy hai cách nhìn này đều cực đoan và làm tăng áp lực cho những người đang sống. Hai cách nhìn này thật ra là một, đều là vì những lời kết tội. Dù có tự tử để bảo vệ danh dự hay thể hiện tinh thần trách nhiệm đi nữa, thì ẩn đằng sau đó cũng là những lời kết tội nếu người đó không chịu tự chết để chuộc tội. Trong trường hợp người tự tử bị lên án, thì ẩn sau đó là lời kết tội dành cho những người thân đang sống. Đây không phải là vấn đề luật pháp, mà là vấn đề thuộc đời sống tâm linh.
       Con người thường phải chịu áp lực trước những lời nguyền rủa và kết tội, nhưng càng sợ tội bao nhiêu thì họ lại càng hay lên án kẻ khác bấy nhiêu. Tại sao người ta lại ra sức kết tội những kẻ tự tử dù chẳng làm gì được họ nữa vì họ đã chết rồi? Có phải để dọa những người khác và tự ngăn ngừa chính mình? Sự thật là cái chết vì tự sát thường gây ra nỗi ám ảnh lớn hơn nhiều so với những cái chết khác. Nó chỉ ra sự vô nghĩa của cuộc sống đối với kẻ đã chết. Nó là đòn giáng mạnh vào tinh thần những người thân dù kẻ tự tử có muốn thế hay không. Nếu người chết còn là điểm tựa tinh thần của những người khác nữa thì có thể gây ra sự sụp đổ dây chuyền.
       Thật khó lường được hậu quả của một cuộc sụp đổ. Hãy hình dung về những người Hồi giáo chen nhau di chuyển trong thánh địa Mecca, nơi mà ai trong số họ cũng phải đến ít nhất một lần trong đời. Khi dòng người ấy tạo nên áp lực quá sức chịu đựng, họ trở nên rối loạn và kiệt sức, khi một người gục ngã xuống sẽ làm những người bên cạnh mất điểm tựa ngã theo, họ giẫm đạp và đè lên nhau mà chết.
       Những thảm họa nơi thánh địa Mecca khiến nhiều người kinh hoàng tự hỏi: Điều gì làm cho những người Hồi giáo không chịu thay đổi tập quán của họ? Tại sao họ cứ tiếp tục đẩy nhau vào chỗ chết? Chết bằng cách đó thì họ có lên được thiên đàng hay không?... Dù câu trả lời là thế nào đi chăng nữa thì những người Hồi giáo hàng năm vẫn tiếp tục cuộc hành hương của mình.
       Những vụ tự tử liên tiếp xảy ra như bệnh dịch trên toàn thế giới khiến nhiều người đau lòng tự hỏi: Có phải loài người đang lạc lối? Tại sao họ cứ tiếp tục đẩy nhau vào một “thánh địa” giả dối có tên là Danh Lợi Tình? Một cuộc sống luôn căng thẳng lo âu dày vò oán hận thì có thật là sống không?... Dù câu trả lời là thế nào đi chăng nữa thì khắp nơi vẫn vang lên những lời kết tội, lên án những kẻ làm ô danh, những kẻ độc ác tham lam, những kẻ bội tình.
       Ích kỷ. Hèn nhát. Phản bội. Đó là lời lên án đanh thép dành cho những kẻ tự sát. Nhưng họ là những ai? Có thể là bất cứ ai trên hành tinh này, từ kẻ dốt nát nhất đến kẻ hiểu biết nhất, từ kẻ yếu đuối nhất đến kẻ mạnh mẽ nhất. Trong vũ trụ mênh mông, bất kỳ người nào cũng chỉ là một đứa trẻ non nớt. Và vì nhân loại là một gia đình lớn, cho nên những kẻ tự vẫn đều “không đáp ứng được nguyện vọng của gia đình”.
       Hãy xem cái chết của một kẻ hiểu biết. Tam Ích là nhà văn Việt Nam ở miền Nam trước năm 1975, có nhiều đầu sách về văn và triết. Ngày 5 tháng 1 năm 1972, ông tự tử tại nhà riêng ở Sài Gòn bằng cách thắt cổ. Ông đã mặc quần áo sạch sẽ, đứng trên một chồng sách cao rồi đạp chân cho đống sách ngã xuống. Sau này có một nhà văn hải ngoại viết truyện, trong tác phẩm có nhân vật cùng đường bế tắc treo cổ tự vẫn, dưới chân là đống kinh sách nói về sự minh triết của nhân loại. Rất có thể nhân vật ấy được xây dựng từ hình ảnh của Tam Ích. Từng có nhiều nhà văn trên thế giới tự sát.
       Hãy xem cái chết của một kẻ mạnh mẽ. Đặng Ngọc Viết, một người dân Việt Nam ở Thái Bình, là người có đất ở trong diện bị thu hồi. Ngày 11 tháng 9 năm 2013, sau khi chuẩn bị di ảnh, nói lời từ biệt với người cha, anh đã tìm đến Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Thái Bình, dùng súng côn bắn năm phát đạn vào các cán bộ của trung tâm này làm một người chết và bốn người bị thương. Sau khi gây án, anh về một ngôi chùa ở quê, trò chuyện với mọi người ở đó với phong thái rất bình thường, đến bữa cơm chiều anh ăn một bát cơm chay, sau đó một mình ra ngồi lặng lẽ trước tượng Phật bà Quan Âm ở giữa ao chùa, cúi lạy tượng Phật, rồi tự bắn một phát đạn vào tim.
       Tất cả đều là vì bế tắc, khi không chọn được con đường nào vui hơn. Nếu như sống chỉ là hô hấp không khí thì loài cỏ dại xứng đáng được vinh danh Đấng Sáng Tạo hơn loài người. Có những điều còn lớn hơn chuyện sống chết.
       Điều duy nhất có thể giúp cho bài viết này không trở nên chung chung là câu chuyện của bản thân tôi, chuyện vì sao tôi không thể kết tội những người tự sát, trong khi người muốn tôi viết bài này sẽ bất mãn nếu những kẻ tự tử được xóa tội hoàn toàn. Người ấy nói: “Nhân văn. Tôi ủng hộ. Nhưng tôi cũng ủng hộ việc lên án những kẻ tự tử. Kể cả tôi, nếu tôi tự tử, tôi khinh ghét và lên án tôi trước hết. Vì tôi đã làm đau gia đình tôi, những người yêu thương tôi, quý mến tôi, và làm hả hê những kẻ ghen ghét tôi. Và thêm nữa, tôi là kẻ vô trách nhiệm. Với những đứa con không mẹ (nếu có), với người chồng mất vợ (nếu đã kết hôn). Đừng nói tôi chỉ là nạn nhân. Tôi còn là tội nhân nữa đó”.
       Năm hai mươi tuổi, trải qua nhiều biến động tinh thần, tôi nhận ra và thấm thía một sự thật: Mỗi con người trong thế giới này đều luôn hành động theo hiểu biết, theo năng lực và theo hoàn cảnh của riêng họ. Họ làm những gì tốt nhất mà họ có thể, cho dù với người khác là không tốt. Ai cũng mong muốn những điều đẹp đẽ, ai cũng muốn trở thành người tốt chứ không ai muốn làm người xấu cả. Thói đạo đức giả là minh chứng rõ nhất cho điều này. Khi không đủ năng lực để làm thật thì người ta làm giả, vậy thôi. Tôi không có tư cách để phán xét họ khi mà tôi không thể giúp họ mạnh mẽ hơn, hiểu biết hơn, hạnh phúc hơn, khi mà tôi không thể sống và trải nghiệm thay họ. Họ luôn đúng theo cách của họ. Tôi không thể căm giận họ, cho dù họ có thể đâm dao từ sau lưng tôi. Tôi không thể khinh bỉ sự hèn nhát của họ, vì nếu như không thực sự yếu đuối thì họ đã không hèn nhát. Tôi không thể oán ghét họ khi mà cái họ cần nhận được là tình yêu thương, không phải là thứ tình yêu mù quáng, mà là tình thương đủ lớn để giúp con người thực sự hạnh phúc. Nhưng bản thân tôi có thể có được tình yêu thương mạnh mẽ nhường ấy không? Tôi phải làm gì để có sức mạnh? Tôi không biết.
       Năm hai mươi ba tuổi, trải thêm nhiều biến cố, tôi nhận ra việc mà tôi có thể làm, con đường mà tôi có thể đi. Chỉ duy nhất với con đường ấy là tôi có sức mạnh. Việc ấy là việc viết, con đường ấy là con đường văn chương. Oái oăm thay, đó chính là con đường mà tôi đã từng từ chối không bước vào, cho nên đến thời điểm mà tôi nhận ra đó là định mệnh thì tôi lại đang học đại học y năm thứ năm. Tôi quyết định bỏ học. Quyết định này đã làm gia đình tôi dậy cơn sóng gió.
       Lần đầu tiên trong đời, tôi bị bố tôi lên án, không những thế ông còn nói những lời xúc phạm. Từ nhỏ tôi đã quen được bố tôi tôn trọng, ông luôn tin tưởng nơi tôi và để tôi tự quyết định mọi việc của mình. Vậy mà đúng vào lúc tôi có được quyết định đòi hỏi nhiều can đảm với tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời, thì ông đã chống lại tôi. Thêm cả mẹ tôi và anh trai tôi nữa, họ có cùng thái độ với bố tôi. Bố tôi nói rằng tôi đã làm cho ông bị mất thể diện và cảm thấy nhục nhã. Điều này bất ngờ đối với tôi, nó gây tác hại hơn lúc bình thường rất nhiều. Vào thời điểm đó, sau những nỗ lực để đi đến quyết định thay đổi, tôi hầu như đã kiệt sức, và vì thế dễ dàng bị đánh gục.
       Tôi rơi vào một cơn trầm cảm và hậu quả của nó rất tệ hại. Trong cơn mê ấy, tôi vẫn nhớ rằng không ai có lỗi, rằng những người thân trong gia đình tôi đúng theo cách của họ. Duy nhất tôi quên miễn tội cho tôi. Tự sắm vai một nhà đạo đức, tôi kết tội chính mình. Tôi biết rõ bố mẹ tôi kiếm sống nuôi các con rất khó khăn vất vả, nhưng tôi đã phản bội họ. Viết là một việc không có tương lai về mặt tài chính, không những thế còn dễ mang họa. Bố mẹ tôi đã kịp có cơ hội biết rằng ngòi bút của tôi gây bất an đến thế nào, nó viết những điều mà nhiều người không muốn nghe. Nhưng sống như bố mẹ tôi muốn thì tôi sẽ không có ích cho ai cả, và tôi không cách nào có được kết cục tốt đẹp. Nếu phản bội gia đình, tôi là kẻ không có đạo đức. Một kẻ không có đạo đức thì không đủ tư cách để trở thành một nhà văn. Không có con đường nào cho tôi. Thế giới này là nơi tôi không thể sống.
       Đó là logic của một kẻ điên, tất nhiên. Nhưng không kẻ điên nào tự biết là mình điên cả. Tôi uống thuốc độc tự tử hai lần, lần thứ hai tôi đã hôn mê sâu và phải thở bằng máy gần một tuần, gia đình đã gọi người thân ở xa về để chuẩn bị lo đám tang cho tôi, nhưng rồi tôi tỉnh lại. Thể xác tôi phục hồi rất nhanh, nhưng tinh thần thì không thế. Tình trạng ấy kéo dài một năm. Học ngành y cũng là điều may mắn cho tôi, vào ngày mà tôi đột nhiên thoát khỏi cơn trầm cảm, ngay lập tức tôi hiểu điều gì đã xảy ra và thực hiện các bước tự bảo vệ cho bản thân mình.
       Tôi đã tiếp tục mọi nỗ lực, và nhận ra có một nỗi ám ảnh sợ hãi bao trùm xã hội Việt Nam, sự sợ hãi ấy lớn hơn tôi tưởng rất nhiều, mặc dù phi lý nhưng nó vẫn tồn tại. Tôi chưa đủ nội lực để xóa đi sự sợ hãi này mà có lẽ chỉ góp phần làm cho nó tăng lên. Văn đàn không phù hợp với tôi, những người tôi gặp chỉ mải hình dung về “bữa tiệc” mà tôi sẽ được hưởng bằng tài viết của mình, tôi cảm thấy chưa thể chia sẻ những vấn đề của tôi cùng họ. Không đủ sức thắng được lực cản quá lớn, tôi tiếp tục học nốt đại học. Sau khi ra trường, tôi chủ động nhận việc ở nơi xa gia đình. Tôi buông xuôi, chỉ làm đủ để tồn tại. Môi trường trong bệnh viện giúp tôi tiếp tục trải nghiệm sự bất lực của y học, điều mà tôi đã thấy khi còn là một sinh viên. Những thuốc men kia, những phương pháp phẫu thuật kia không hề giúp ích cho tâm hồn con người. Tôi phải học cách thỏa hiệp với những điều giả trá, làm quen với sự trơ trẽn. Những người trong môi trường này cũng như những người thân trong gia đình tôi, mà tôi không có cách gì giúp họ. Họ cũng như tôi, chúng tôi phụ thuộc vào một hệ thống, một guồng máy mà chúng tôi phải uốn mình theo chứ chưa có cách thoát ra. Nhiều năm như thế, không nhìn thấy phương hướng cho đời mình mà sức khỏe tôi càng ngày càng yếu đi…
       Còn chuyện sau cùng?
       Không có chuyện sau cùng.
       Người muốn tôi viết bài này muốn nói: Thiền thật sự có tác dụng, thiền đã mở ra cho họ một cuộc đời mới, đem lại cho họ niềm hạnh phúc diệu kỳ, làm cho họ hân hoan vui sống…
       Về điều này thì tôi chúc mừng họ.
       Nhưng thiền là gì?
       Tôi vốn không muốn nhắc đến “thiền” và “chánh niệm”. Khi tôi đưa ra ý kiến với anh bạn trên Facebook rằng tự tử là một tai nạn chứ không phải là một tội, anh ấy đã lạnh lùng át lời tôi. Khi anh ấy từ chối tranh luận bằng cách nói rằng tôi không hiểu về “thiền và chánh niệm”, tôi không thể nào cãi được. Anh ấy nói đúng, tôi không hiểu về “thiền” và “chánh niệm”, cũng như chưa từng khuyên ai tìm hiểu về hai từ ấy. Tôi không muốn đưa ai cũng như theo ai vào trận đồ bát quái của chữ nghĩa. Nếu chánh niệm chỉ giống như là khi đang thở thì biết là mình đang thở, hẳn một con vật cũng có chánh niệm. Nếu thiền chỉ là xem những suy nghĩ tiêu cực như ảo giác và quẳng chúng ra khỏi đầu, hẳn một đứa trẻ nằm nôi còn cao minh hơn một vị thiền sư. Tất nhiên không thể nào như thế.
       Tôi không biết anh bạn trên Facebook kia có phải là một thiền sư không. Nếu đúng thì có lẽ chúng ta nên cảnh giác với các thiền sư. Các bậc giác ngộ thường “phá chấp”, thành ra họ nói gì cũng được. Chúng ta cứ vui khi thấy họ hiện diện trong đời này, nhưng chớ dễ dàng tin lời họ kẻo có phen “tẩu hỏa nhập ma”. “Những loại cảm giác như buồn bã, sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng, thất tình, nghi ngờ bản thân… đều chỉ là ảo giác…”, “thiền và chánh niệm sẽ giúp xua tan đi bất kỳ cảm giác khó khăn nào”. Ồ hay quá! Nhưng nếu như buồn, sợ, cô đơn… đều chỉ là ảo giác thì có phải niềm vui, niềm hạnh phúc cũng là ảo giác không? Nếu như thiền và chánh niệm có thể giúp thay thế ảo giác tiêu cực bằng ảo giác tích cực thì liệu đó có phải là một thứ ma túy? Đời chỉ là giả cảnh, thân xác là giả tạm thì cái chết cũng thường tình. Tự tử cũng chỉ là chết thôi chứ đâu có gì ghê gớm, những người thân ở lại chỉ cần “thiền và chánh niệm” là sẽ vui vẻ dễ dàng, vậy tại sao cứ phải lên án những kẻ tự tử làm gì? Người ta thường lôi loài đà điểu ra cười cợt vì câu chuyện rằng đà điểu khi gặp nguy hiểm sẽ chui đầu vào cát, chúng nghĩ nếu chúng không nhìn thấy kẻ thù nữa thì tức là kẻ thù đã biến mất. Tôi đoán đó là câu chuyện bịa đặt, được lan truyền chỉ vì đà điểu không biết cãi. Nếu chúng biết nghĩ thế, chẳng phải chúng đã thông minh ngang các “thiền sư” rồi sao?
       Nhưng người muốn tôi viết bài này không phải là một thiền sư, cũng không nói rằng họ hiểu về thiền. Người ấy chỉ biết điều này lạ lắm, một phương pháp tập giản dị đã giúp người ấy thay đổi thân tâm trong thời gian rất ngắn, người ấy lại yêu đời và khao khát làm được những điều tốt đẹp…
       Có phải người ấy đã gặp ảo giác không?
       Không. Đó không phải là ảo giác.
       Cách đây hơn tám năm, nhờ một cơ duyên may mắn, tôi được biết sức mạnh huyền bí là có thật. Thể xác và tâm hồn tôi đã được biến đổi nhờ một phép lạ. Tôi phải luyện tập sau đó, nhưng vì việc luyện tập này vô cùng dễ dàng, nó cũng không có hình thức nào cầu kỳ, nên tôi thấy không cần kể lại ở đây. Thay đổi này thật sự đột ngột, tôi giống như người bừng tỉnh dậy sau một giấc mơ nặng nề triền miên, kèm theo là những khả năng mà trước kia tôi không hề có. Tôi đã tiếp xúc với “Đấng Tối Cao”. Sự may mắn này của tôi cũng như nhiều người khác không phải ngẫu nhiên, mà nhờ một người gốc Việt đã dày công tu học từ trước, đã bôn ba trên thế giới và học hỏi với các bậc thầy tâm linh của nhân loại trong quá khứ xa xưa bằng con đường thiền định, rồi sau cùng sáng lập ra một ngành học tâm linh. Tôi gọi đó là một cuộc giải cứu, vì tôi đã được cứu thoát. Tôi đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào những kiến thức khoa học và sách vở, sức khỏe của tôi được vực dậy một cách thần kỳ và không còn là vấn đề tôi lo ngại nữa. Tôi đã đến được với “thế giới khác” mà không cần phải chết, vì đồng thời tôi vẫn có thể tồn tại ở thế giới này.
       Tôi vẫn là một người bình thường nhưng không giống như xưa, môi trường bệnh viện dần dần trở nên không còn phù hợp với tôi và tôi chủ động bước ra khỏi đó. Khi nghe báo tin tôi bỏ việc, bố mẹ tôi lại sững sờ như ngày tôi bỏ học. Bố tôi lại nói một câu có tính chất tương tự như ông đã từng nói khi xưa, nhưng tôi không im nhịn như ngày ấy. Điều bất ngờ với ngay bản thân tôi, lời tôi thốt ra chẳng hề giống một đứa con lễ phép gì cả. Nhướng mắt lên nhìn bố tôi, tôi nói: “Này, bố phát ngôn phải cẩn thận đấy!” Sự hiệu nghiệm cũng không ngờ. Tôi chứng kiến bố tôi trong tích tắc thay đổi thái độ trên nét mặt, không nói thêm gì nữa, và kể từ đó không bao giờ tôi còn nghe ông nói lại chuyện này. Có thể ông nhớ lại bài học đắt giá năm tôi hai mươi ba tuổi, cũng có thể không phải, vì từ ngày con người tôi thay đổi thì tôi luôn gặp những điều bất ngờ nằm ngoài kinh nghiệm và sự tiên liệu của bản thân, nhưng là những chuyện may mắn cho tôi. Tôi dễ chấp nhận bản thân mình hơn, tính sĩ diện nếu có còn rơi rớt thì cũng sớm bị quẳng ra ngoài cửa sổ. Tôi trở nên “vô dụng”, nhưng nhờ thế thành ra tự do hơn trước. Con người mới này của tôi không khao khát được viết, vì viết không còn là cách duy nhất để tôi truyền đi sức mạnh, mà những người xung quanh tôi hầu hết không đọc sách, viết chẳng có tác dụng gì với họ. Tôi trở thành vô dụng trong cách nhìn của bố mẹ tôi, nhưng tôi biết tôi đã thành có ích, ít nhất là với chính mình.
       Cuộc sống mới của tôi chịu nhiều áp lực hơn trước, nhưng tôi đã giàu sức chịu đựng hơn. Những lời chê bai, lên án lại dội về phía tôi. Tôi không thể cầu đến Đấng Tối Cao nhờ Ngài tha tội, bởi vì Đấng Tối Cao như tôi biết không hề kết tội ai cho nên tha tội cũng không phải là việc của Ngài. Kết tội và tha thứ là việc của loài người với nhau. Họ kết tội tôi, họ đúng, và việc của tôi là tự tha thứ cho bản thân mình. Tôi không thể kết tội người khác vì như thế là tự sát. Nếu tôi nhìn thấy tội lỗi ở bất kỳ ai thì người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn chính là tôi, vì tôi sống chung thế giới với họ mà không làm được gì để ngăn những tội lỗi đó xảy ra. Người muốn tôi viết bài này không biết rằng điều tôi muốn nói với họ là nếu họ tự kết tội bản thân mình thì không còn có ai để tha thứ cho họ nữa đâu, mà như vậy thì cuộc sống sẽ nặng nề ám ảnh vô cùng.
       Người muốn tôi viết bài này sống ở Châu Âu, nơi được nhiều người xem là đang “tự sát” bằng việc nhận hàng triệu người tị nạn, trong đó đa số là những người Hồi Giáo. Những người Hồi Giáo nhập cư từ lâu nay vẫn mang tiếng là những kẻ chẳng chịu “nhập gia tùy tục”, không chịu thay đổi bản thân trong khi cứ đòi thế giới thay đổi theo ý mình. Nhưng chẳng nhẽ mỗi chúng ta lại không hề giống họ? Thế giới sẽ thay đổi cho dù chúng ta muốn hay không, nhưng để chúng ta thay đổi được chính mình thì không dễ. Liên minh Châu Âu đang đứng trước nguy cơ tan vỡ vì vấn đề người tị nạn, họ thật sự khó khăn để có thể đi đến thống nhất với nhau. Có những người sẵn sàng chấp nhận rằng sự thay đổi đang tới và họ sẽ ứng phó với tất cả mọi khả năng. Có những người muốn chặn ngay dòng người tị nạn từ biên giới không để cho xâm nhập vào đất nước mình vì họ cảm thấy không thể thích ứng. Dù có thể thống nhất với nhau hay không thì các nguyên thủ Châu Âu cũng không có cơ hội làm “thiền sư đà điểu”. Những người dân Châu Âu biết rõ rằng cuộc sống bình yên của họ bị đe dọa, đã xảy ra những vụ khủng bố được thực hiện bởi lực lượng Hồi giáo cực đoan. Vấn đề mà người Châu Âu gặp phải là sự mâu thuẫn giữa những chuẩn mực đạo đức mà họ theo đuổi với năng lực thực tế của chính họ.
       Bóng tối cũng như ánh sáng, không đến với tất cả mọi người cùng một lúc. Đúng vào thời điểm khó khăn này của Châu Âu thì người muốn tôi viết bài này bước vào một cuộc đời mới tươi sáng. Một pháp môn thiền đã giúp họ thấy lại ý nghĩa của cuộc sống. Họ muốn làm lan truyền đi điều tốt đẹp ấy. Nhưng…
       Người ấy là người gốc Việt. Quê hương họ ở Việt Nam. Ở Việt Nam thì pháp môn thiền của người ấy bị chính quyền cho là tà pháp nên nó bị ngăn cấm. Nếu họ góp phần truyền bá pháp môn này thì họ sẽ được đối xử ra sao tại quê nhà? Họ không biết. Và họ lo lắng.
       Về điều này thì tôi có thể chia sẻ với họ. Ngành học của chúng tôi hợp pháp ở nhiều nước, nhưng trong nước thì vẫn ngoài vòng pháp luật. Những lệnh ngăn cấm kiểu ấy không hề dựa trên cơ sở pháp lý nào ngoài một điều trong Hiến pháp rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Vì họ có quyền nên họ muốn cấm gì thì họ cấm. Ngay như biểu tình là một loại hoạt động có ý nghĩa rất rõ ràng mà đến giờ vẫn còn bị coi là không hợp pháp ở Việt Nam, thì nói gì đến những thứ mơ hồ như là thiền? Đảng Cộng Sản Việt Nam có sai không? Họ sai so với mong muốn của nhiều người, trong đó có tôi. Nhưng họ đúng với trình độ hiểu biết, năng lực và hoàn cảnh của họ.
       Có thể nhiều người hỏi rằng tại sao nền chính trị lạc hậu của Việt Nam đã từ bao năm mà không thay đổi? Những người khai sáng, những nhà cải cách xã hội, những vị anh hùng ở đâu? À, họ còn nằm trong nôi. Và đa số họ chỉ là anh hùng khi còn trong nôi thôi. Khi họ lớn lên thì người anh hùng trong họ phải chết khi chưa kịp trưởng thành, để khỏi làm gia đình họ sợ hãi. Đến khi thoát khỏi sự kìm chế của cha mẹ cô dì chú bác thì họ cũng già rồi và đã lại làm chủ một gia đình mới với những kinh nghiệm cũ. Họ không sống cuộc đời của chính họ, vì họ sợ làm đau gia đình. Những người lớn lên vẫn còn là anh hùng thì họ sẽ cô đơn, thiếu những người cùng chí hướng và vì thế sự nghiệp của họ khó đạt thành tựu. Nhưng đấy chỉ là một giả thuyết thôi, có rất nhiều người không đồng ý. Nhiều người nói đó là do tội lỗi của những kẻ đã chết từ nhiều năm trước dẫn đến cơ sự hiện giờ.
       Tôi không phải là Thượng Đế, tôi không sắp đặt mọi thứ trên thế gian này và vì thế không thể có một đáp án thỏa mãn tất cả mọi người. Tôi chỉ tìm con đường đi cho riêng mình và Đấng Tối Cao đã chỉ dẫn cho tôi. Năm hai mươi tuổi, lần đầu tiên tôi đã biết đến một điều kỳ diệu, rằng tôi có thể yêu thương con người mà không oán ghét, khinh bỉ hay lên án họ. Năm hai mươi ba tuổi, tôi đã nhìn thấy con đường định mệnh của mình và muốn dứt khoát bước theo nó. Tôi đã bước đi và đã gục ngã, đã không thắng nổi mọi cản trở và vì thế đã nghi ngờ bản thân, tôi đã biết đến sự tuyệt vọng. Giờ thì tôi đã biết, những khó khăn mà tôi từng trải qua đều là do sự sắp đặt của Đấng Tối Cao để thử thách đức tin của tôi, để tôi dẹp bỏ đi lòng kiêu ngạo và chấp nhận quyền năng siêu nhiên của Thượng Đế. Những bài học thử thách vẫn tiếp tục đến với tôi, nhưng tôi có thể vượt qua sợ hãi vì tôi đã biết rằng tôi được phép sai lầm, được phép thất bại. Nếu không hiểu được một điều đơn giản như thế thì khác nào tôi vẫn chỉ như một em học sinh yếu đuối, hoảng sợ và bất lực khi không hoàn thành được bài kiểm tra rồi muốn tự tử để trốn khỏi sự lên án của gia đình?
       Ngày nay tôi không còn theo đuổi nghiệp viết, nhưng tôi vẫn bước đi trên con đường định mệnh của mình, và nghiệp viết đuổi theo tôi. Tôi biết những người bạn tâm giao của tôi đang ở đâu đó trong nhân gian, họ không bỏ được thói quen đọc. Tôi muốn họ hay rằng tôi đang nghe tiếng lòng của họ, vì thế nên tôi gõ phím.
       Người muốn tôi viết bài này đã không nói lên được điều họ muốn nói, nhưng họ có hiểu lời tôi?
       Nỗi buồn, sự sợ hãi, cô đơn… sẽ chỉ là ảo giác với một người, nếu như người ấy nhận được tình yêu thương không phê phán. Nếu một người nhận được điều kỳ diệu trong tâm hồn mà không sẵn sàng vượt qua thử thách để sống đúng với những gì mình linh nhận, thì điều kỳ diệu ấy cuối cùng cũng chỉ là ảo giác mà thôi.

                                                                                Viết xong ngày 25 – 01 – 2016.

6 nhận xét:

  1. Một bài viết thật đáng đọc. Sự chân thành, những kiến giải sâu sắc về tự tử, về lí tưởng, ..; nói chung, về cuộc sống.

    [Và] đa số họ chỉ là anh hùng khi còn trong nôi thôi. Khi họ lớn lên thì người anh hùng trong họ phải chết khi chưa kịp trưởng thành, để khỏi làm gia đình họ sợ hãi. Đến khi thoát khỏi sự kìm chế của cha mẹ cô dì chú bác thì họ cũng già rồi và đã lại làm chủ một gia đình mới với những kinh nghiệm cũ.
    Nhận xét buồn, nhưng đúng. Những người càng ưa suy nghĩ càng dễ sợ đông sợ tây. Thế nên xưa nay, những người như Lưu Bang Lưu Bị mới có khả năng làm vua, chứ không phải những Trương Lương, Khổng Minh - những người thực sự có lí tưởng trong lòng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người biết thì không làm, người làm thì không biết. Coi trọng cái biết của mình quá nhiều khi kẹt. Luôn có những cái "biết" siêu hình cao hơn hiểu biết và kinh nghiệm của chúng ta.

      Xóa
  2. Luôn có tui là người muốn đọc đây.
    Đọc và nhận thức qua từng câu chữ của em.

    Trả lờiXóa
  3. "Thiền sư" không phải là "đà điểu", bởi vì họ phải "tìm" và "thấy" được THỰC TÍNH bên trong HÌNH TƯỚNG của sự vật hiện tượng.

    Đó là một quá trình, và không dễ để "thấy" - NGỘ, mà có thể chỉ đi từ trạng thái cực đoan "chấp CÓ" sang trạng thái cực đoan "chấp KHÔNG" rồi trở thành "đà điểu" ...

    Trả lờiXóa