Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

TÔN GIÁO VỚI CHÍNH TRỊ


       Ngày 06-02-2019 vừa qua, nhà bình luận chính trị Quang Hữu Minh có bài viết “Dân tộc và đức tin” trên Facebook cá nhân của ông, trong đó ông đưa ra vấn đề về cơ hội xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Cam-pu-chia khi tăng cường hợp tác Phật giáo hai bên. Và theo ông thì: “Nếu lúc này mà nhân dân Việt Nam và đảng CSVN có sự lưu ý ủng hộ cho tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng phát triển để các nguồn lực này tham gia ủng hộ các chính sách quốc gia thì rất đáng hoan nghênh. Cam-pu-chia từng có nhiều chính sách chính trị theo Việt Nam nhưng riêng trong vấn đề tôn giáo và Phật giáo, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ Cam-pu-chia.” Ông cũng nói: “Nếu Phật giáo Việt Nam có khả năng tương đương như Phật giáo của Cam-pu-chia thì điều này thiết nghĩ không khó.”

       Khi viết chữ “nếu”, ông Quang Hữu Minh đã biết rằng hiện tại thì về mặt chính trị, Phật giáo Việt Nam chưa có khả năng tương đương như Phật giáo Cam-pu-chia. Thứ nhất, Phật giáo ở Việt Nam hiện nay không phải là quốc giáo. Thứ hai, quan hệ giữa Phật giáo với Đảng cầm quyền chưa được xem là lành mạnh, mặc dù về mặt hình thức thì có vẻ như Phật giáo đã được ưu tiên hơn các tôn giáo khác. Còn về mặt chăm sóc đời sống tâm linh, bồi dưỡng đức tin cho người dân, vốn là chức năng cơ bản của một tôn giáo, thì thật chẳng nên đem so Phật giáo nước ta với nước nào. Dư luận xã hội trong những ngày gần đây không hề chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được dân chúng tín nhiệm.

       Với tình hình như vậy, hẳn ông Quang Hữu Minh đã hiểu rằng cái cơ hội mà ông đề cập đến là “khó”. Thêm nữa, có những người như tôi góp ý về những bất cập khiến Phật giáo Việt Nam khó giành được vai trò đóng góp về chính trị như Phật giáo Cam-pu-chia hay Phật giáo Thái Lan. Từ đó, ông Quang Hữu Minh có đặt câu hỏi cho tôi rằng: “Phật giáo và nhân dân cần làm gì để phát triển Phật giáo (nghiêm túc) cho Việt Nam?”