Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

CỜ KHAI CUỘC KHÔNG CÂN SỨC

  Tự truyện của Nguyễn An Dân

Tác phẩm này vốn được tôi đăng trên Facebook ở phần note cách đây ba năm, nhưng gần đây Facebook có những thay đổi trong đó note không dùng được nữa, note cũ tuy không bị xóa nhưng cũng rất khó tìm. Chính tôi không tự tìm được note của mình. Vì vậy tôi đăng lại ở đây để tiện cho những người tìm đọc.

Lời giới thiệu đi kèm dưới đây đã được sử dụng ở bài đăng trên Facebook.

LỜI GIỚI THIỆU

Tự truyện của Nguyễn An Dân (tức Quang Hữu Minh) được viết từ ngày 24-12-2016 đến ngày 08-1-2017, biên làm 15 status trên Facebook, mỗi status đều được tác giả đặt tiêu đề nên xem như mỗi status là một chương.

Theo tự truyện của ông Nguyễn An Dân thì ông từng tham gia vào một tổ chức với âm mưu lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam, bị bắt giam gần một năm (được cho là may mắn nhờ có sự can thiệp từ bên ngoài nên mới có thể ra tù sớm).

Điều đáng chú ý là tự truyện này nói đến quá trình diễn biến tư tưởng, thay đổi nhận thức của ông Nguyễn An Dân, dẫn đến việc ông từ bỏ ý định lật đổ Đảng Cộng Sản. Có một số tình tiết ly kỳ liên quan đến “tâm linh”.

Tác phẩm này được ông Nguyễn An Dân soạn thẳng vào Facebook mà chưa hề chỉnh sửa, về sau tài khoản Facebook đó của ông đã bị xóa (tự ông xóa) mà tác phẩm cũng không được tác giả lưu lại. Thấy tự truyện này có nhiều ý nghĩa nên tôi đã lưu lại ngay sau khi tác giả viết xong. Gần đây có người muốn tìm đọc nên tôi đăng lại sau khi biên tập sơ sơ. Phần biên tập của tôi hầu như chỉ là chỉnh sửa các lỗi gõ chữ, một số dấu ngắt câu, và cả những lúc tác giả sơ suất như khi ở một chương tác giả đã cho một nhân vật những hai tên (tác giả đặt lại tên các nhân vật công an bằng những chữ cái in hoa, nhưng ở một chương nhân vật trung tá B bỗng có tên khác là tên thật của nhân vật ở ngoài đời).

Tôi cũng đã đăng từng chương ở các status, nhưng nay gộp lại toàn bộ truyện ở một note để độc giả có thể đọc liền mạch. Tự truyện của ông Nguyễn An Dân vốn chưa có nhan đề mà chỉ có tiêu đề các chương, nay tôi lấy tên chương 5 làm tên cho tự truyện: “Cờ khai cuộc không cân sức”.

Tên của 15 chương tự truyện lần lượt như sau:

1. CÓ MỘT NGÀY NOEL KHÁC

       2. NGÀY CHỦ NHẬT LẶNG LẼ
       3. ANH ẤY SẼ ĐI LÂU ĐẤY
       4. CON MỒI SUY YẾU TRONG CÁI BẪY VỮNG CHẮC
       5. CỜ KHAI CUỘC KHÔNG CÂN SỨC
       6. LỆNH TẠM GIAM LẦN THỨ NHẤT
       7. KHI CHƯA ĐƯỢC THĂM NUÔI
       8. MÌNH KHÔNG BẰNG NGƯỜI
       9. CHUYỆN THĂM NUÔI
       10. NGƯỜI THẦY CHÍNH TRỊ ĐẦU TIÊN
       11. PHÚC CHO AI CHƯA THẤY TA MÀ VẪN TIN TA
       12. NGÀY TẾT TÂY TRONG TÙ
       13. ÁNH LỬA TRONG ĐÊM TỐI
       14. ĐỐI THOẠI VỚI AN NINH
       15. ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM

Chúc các bạn đọc đủ kiên nhẫn để đọc tác phẩm này trên Facebook, trước khi tác phẩm được in ra sách giấy.

06-9-2018

Ái Nữ

__________________________________

Chương 1 - CÓ MỘT NGÀY NOEL KHÁC

Gã thức dậy trong tiếng xủng xoảng của chùm chìa khóa, của âm thanh đóng mở các cánh cửa thép dày nặng, gã nhớ ra hôm qua mình ngủ muộn, vì tối hôm qua là Noel 24/12/2005.

Gã nhớ chiều hôm qua gã nghe các cán bộ quản giáo về sớm, có người hẹn nhau cùng tổ chức tiệc Noel, có người khước từ vì bận đưa vợ con, người yêu đi chơi riêng, có người lớn tuổi thì nói ngại kẹt xe nên ở nhà.

Gã nhớ tối hôm qua gã đứng ở ô cửa bé bằng bàn tay đâu khoảng 4-5 tiếng đồng hồ gì đó, nhìn ra sân nhà tù, nhớ gia đình, nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ những ngày Noel vui vẻ từng năm từng năm một trong đời thằng thanh niên hai mấy tuổi.

Gã cũng nhớ tối qua gã đứng ở ô cửa đó để hít cái không khí se se lạnh theo những cơn gió hiếm hoi lùa qua các hàng rào lưới B40 thổi vào buồng giam, nó giúp gã quên đi không khí ngột ngạt của buồng giam 4m2, gồm cả nơi đi vệ sinh, ăn ngủ...

Gã cũng nhớ tối hôm qua gã bật khóc khi nghe những bài hát đón xuân, đón Noel vẳng ra từ dàn máy hát của phòng cán bộ quản giáo ở khu trực ban.

Gã cũng nhớ và thầm cảm ơn người quản giáo trẻ khuya hôm qua đi tuần, thấy mắt gã đỏ, đã châm và mời gã một điếu thuốc, chuyền qua lỗ đưa cơm nước, rồi lặng lẽ đứng đợi gã hút xong.

Trưa nay Noel 24/12/2016, gã ngồi nhà pha ly cà phê và nhớ những người gã quen hoặc chưa quen, cũng đang đón một ngày Noel như gã năm đó, hoặc có người còn da diết hơn gã, vì họ có con cái, cha mẹ già...

Đó là những Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Hồ Hải, Lưu Văn Vịnh, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng và nhiều người khác gã không nhớ tên...

Gã soạn riêng cho họ một tấm thiệp chúc Noel khác.

24-12-2016

Chương 2 - NGÀY CHỦ NHẬT LẶNG LẼ

Chủ nhật 25/12, cũng là ngày Chủ Nhật sau Noel như 11 năm trước.

Gã ngồi dậy đi đánh răng rửa mặt sau khi tiếng mở cửa ầm ầm của các cánh cửa thép khu buồng giam kết thúc, trả lại không khí im lìm cuối tuần như một nhà mồ cho các tù nhân ở khu tạm giam chờ xử lý.

Hôm nay là Chủ Nhật nên người ta không mở cửa ra hành lang cho gã ngồi hóng mát. Buồng giam được thiết kế 2 lớp, phần giam bên trong được ngăn cách với hành lang bên ngoài bằng một bức tường dày khoảng 3 tấc, và một cánh cửa thép dày nặng với một lỗ thông hơi bé bằng bàn tay trên cánh cửa.

Trong khuôn viên dài 2m rộng 2m như cái hộp diêm đó, gồm 1m2 hố xí, 1m2 để tù sinh hoạt, ăn uống... kế bên hố xí, 1 bệ xi măng 2m2 để tù làm bệ ngủ.

Ở trại giam của Bộ, do an ninh quản lý thì chế độ tạm giam cũng thoải mái hơn các trại tỉnh/thành phố. Người ta giam riêng 1-2 người/buồng giam. Riêng gã thì ở một mình suốt từ lúc bị bắt cho đến lúc thả về.

Ra khỏi buồng là một hành lang dài 2m rộng 1m, hàng ngày để tù ngồi hóng gió, có một bể nước bằng xi măng nhỏ để tắm, giặt giũ, quần áo được phơi thẳng lên cửa lưới B40. Phía ngoài cửa lưới là lối đi chung dành cho việc dẫn tù đi hỏi cung, tuần tra...

Cửa sắt buồng giam được mở hàng ngày từ 7h30-16h, Thứ Hai đến Thứ Sáu để tù hóng mát và bớt ngột ngạt. Với các tù có lý lịch đặc biệt như từng có công với cách mạng, lớn tuổi hay đau ốm... thì cửa này mở luôn Thứ Bảy-Chủ Nhật và ban đêm, như một ưu đãi nhiều hơn. Trong trường hợp tù vi phạm kỷ luật trại giam, cửa sắt này sẽ đóng lại hoặc mở hạn chế hơn, xem như một hình thức kỷ luật nhẹ.

Cuộc sống trong tù gò bó, bí bách đến độ tù nhân sẽ cảm thấy quý từng cm2 không gian và từng làn không khí trong lành khi có được.

Hôm nay Chủ Nhật, trại nghỉ nên im lặng hoàn toàn, đánh răng rửa mặt ở hố xí xong, gã ngồi dựa vào tường, nhìn lên cái bóng đèn 60W vàng vàng trên đầu, rồi... mở miệng hát để xua đi cảm giác ủy mị nhớ nhà suốt cả ngày và đêm Noel hôm qua.

Gã hát chút thì buồng giam số 5 hát theo. Người tù ở buồng số 5 là một ông có tiếng nói trong đạo Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang. Vì là dân quê nên ông hát toàn vọng cổ và cải lương. Gã nghe từng vần điệu mà thấm thía, và cảm thấy ông hát còn hay hơn... Minh Vương. Gã cảm thấy thế vì hát to trong tù cũng là cái tội, theo tờ nội quy dán trong từng buồng giam.

Buồng gã số 3, ông đạo số 5, số 4 để trống.

Đến chừng 9h30 thì có tiếng mở cửa sắt để tù có án, đi kèm một cán bộ quản giáo, vào đưa cơm sáng.

Tiếng cửa sắt ầm ầm mở ra làm chương trình ca nhạc tùy hứng lý qua cầu kết thúc.

Suốt cả ngày Chủ Nhật hôm ấy gã chỉ ăn, rồi đi lòng vòng, thỉnh thoảng lại đứng ở lỗ thông hơi nhìn ra sân nhà tù, rồi hát hò, ngẫm nghĩ…

25-12-2016

Chương 3 - ANH ẤY SẼ ĐI LÂU ĐẤY

Chiều Chủ Nhật, gã ngủ trưa dậy, làm một phần thịt bò với trứng gà ốp la rồi nhớ lại một chiều Chủ Nhật khác 11 năm trước.

Chiều nay gã có hẹn đi nhậu với hai người bạn, một nam một nữ, là bạn gã quen khi sinh hoạt các phòng chát chính trị trên paltalk khi đó. Họ là người mà trước đó gã nghĩ là đồng quan điểm, muốn “lật đổ đảng CSVN". Bữa nhậu cũng vui, gã và hai người thay nhau... chửi đảng.

Gã chạy xe ra khỏi quán nhậu gần đường Cách Mạng Tháng 8 tầm 19h tối thì dừng lại châm điếu thuốc, đột nhiên có hai người đàn ông to cao áp xe vào sát xe gã đang đậu, một người vỗ vai gã: “Theo chúng tôi về văn phòng công an". Gã nhướng mắt tính hỏi lại thì anh ta đưa ra thẻ ngành công an cho gã xem, hỏi tên gã rồi mời gã lên xe. Gã ngồi giữa, sau người lái, anh ta ngồi sau lưng.

Hai chiến xe máy chở bốn người đậu gần đó có một người tách ra, bảo gã đưa chìa khóa để anh ta chạy xe gã theo.

4 chiếc xe máy và 7 người cùng chạy về văn phòng Bộ Công An ở đường Nguyễn Văn Cừ, sau đó gã được đưa vào một căn phòng có tấm bảng ghi "Phòng hỏi cung số 3", có mấy người đàn ông đã đợi sẵn.

Họ kêu gã móc hết đồ vật cá nhân trong các túi ra, rồi họ mang ví tiền, điện thoại của gã qua phòng khác, chừa lại cho gã bao thuốc lá và cái hộp quẹt. Sau đó bắt đầu các thủ tục hỏi lý lịch cá nhân, nơi ở, nơi làm việc... đầy đủ các chi tiết cá nhân gã.

Đầu óc gã hoang mang và rối loạn từ khi bị áp giải về phòng cung, gã trả lời như cái máy, đốt điếu thuốc còn đốt ngược vào đầu lọc.

Sau đó gã xin đi toilet, có một người đi kèm gã và đứng ngoài đợi, gã nhìn vào kiếng soi mặt, thấy mặt mình xanh mét, thất thần. Mà gã cũng thất thần thật. Chưa bao giờ gã nghĩ gã sẽ bị bắt vì những phát biểu công kích chính quyền của mình, gã nghĩ gã đã kín đáo, cẩn thận lắm, đại diện của đảng chính trị mà gã tham gia cũng chưa bao giờ nói với gã về việc sẽ bị bắt.

Một thằng thanh niên hai mấy tuổi, học rồi ra trường, đi làm, thấy bức xúc xã hội thì nói, rồi quen, kết bạn với mấy người ở các chatroom chính trị. Họ khen ngợi tung hô, mời gã vào đảng chính trị ở hải ngoại.

Gã thấy hay, có lý thì làm đơn tham gia theo hướng dẫn của họ, chứ không ai nói với gã trò chơi sẽ nguy hiểm như thế nào, khi bị bắt thì ra sao, chính trị quốc gia là cái gì, lật đổ cộng sản rồi là gì nữa...

Gã đi toilet xong thì có một người đàn ông mặc đồ sĩ quan an ninh, cấp bậc trung tá, tạm gọi là B, vỗ vai gã, bây giờ về nhà em.

Gã và chừng 8 sĩ quan an ninh đi một xe 16 chỗ, về địa phương gã tạm trú cùng người yêu, đón ông công an khu vực đi kèm, cùng vào nhà gã ở, trong sự xì xào của bà con hàng xóm kéo đến xem.

Thủ tục xét nhà, thu giữ máy tính, một số giấy tờ sổ sách cần kiểm tra sau diễn ra, sau đó người ta dán niêm phong máy tính, tài liệu... kêu gã ký vào niêm phong, rồi đọc lệnh bắt giữ gã với tội danh "có dấu hiệu hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân".

Một sĩ quan trẻ bảo người yêu gã soạn cho gã ít quần áo, anh ta nhỏ nhẹ: "Em soạn cho anh ấy ít quần áo, chăn màn".

Gã xách túi đồ cô ấy soạn, không bị còng tay, đi theo toán sĩ quan an ninh ra xe, gã nhìn thấy trong mắt những người hàng xóm sự lo sợ, kỳ thị và đề phòng. Gã quay qua hỏi người an ninh kế bên: "Không còng tay sao?"

Anh ta im lặng, chút sau quay qua nói: "Anh không chống đối lệnh bắt giữ, chúng ta cũng không phải kẻ thù, còng tay làm gì?"

Người yêu gã đi theo ra xe, cô hỏi một người sĩ quan an ninh bao giờ anh ấy về được. Người sĩ quan an ninh nói: "Chị ở nhà lo đi làm, có ai đến tìm, nói gì thấy lạ thì điện thoại báo cho chúng tôi theo số điện thoại tôi ghi cho chị".

Trước khi kéo cửa xe đóng lại, anh ta nói: "Anh ấy sẽ đi lâu đấy!"

Chương 4 - CON MỒI SUY YẾU TRONG CÁI BẪY VỮNG CHẮC

Gã và toán an ninh điều tra về lại trụ sở Bộ Công An thì đã hơn 23h đêm. Họ cũng giải tán hết, chỉ còn trung tá B, người điều tra viên chính và một trung úy trạc tuổi gã. Họ lấy ra biên bản ghi lời khai và bắt đầu hỏi lại gã về quá trình đi học, đi làm, một số quan hệ gia đình như cha mẹ, anh em và cô người yêu.

Sau đó họ đưa cho gã một số tờ giấy trắng và bảo gã ghi bản tự khai quá trình từ khi đi làm, đến vào mạng internet... rồi hoạt động chống đối đảng và nhà nước.

Gã kết thúc bản tự khai xong phải hơn 2h sáng. Trung tá B đọc cho gã nghe lệnh tạm giữ 3 ngày rồi gã ký nhận một bản, đưa cho gã một chai nước và một hộp xôi mặn, sau đó bàn giao cho cán bộ quản giáo dẫn gã vào buồng tạm giam.

Người thiếu úy quản giáo trẻ soát xét một vòng khắp người gã, rồi mở 3 lần cửa sắt đưa gã vào một buồng giam nằm dưới tầng trệt. Gã bị đưa vào một phòng giam ẩm thấp, đầy mùi gián, không khí nặng nề bí bách, gã vứt đại chai nước và hộp xôi vào một góc buồng giam rồi ngồi dựa lưng vào vách buồng. Rã rời, kiệt sức từ tinh thần đến thể xác.

Chút sau thấy hồi phục lại, gã rà soát lại những diễn biến mấy hôm nay và nhận ra mình sơ hở nhiều quá, từ quan hệ trên mạng đến quan hệ trong nhóm "chống cộng" quen biết từ mạng. Gã lờ mờ cảm thấy lỗ lủng nằm ở lá đơn xin gia nhập đảng phái gửi đi từ email và từ anh bạn trai gã mới nhậu hồi chiều trước khi bị bắt.

Gã bắt đầu tính toán xem an ninh có thể biết những gì và chưa biết những gì. Đầu tiên là những chuyện chỉ gã và một hai người khác bàn bạc, trao đổi một cách ngẫu nhiên qua mạng thì khả năng họ chưa biết là lớn. Sau đó độ bảo mật sẽ giảm dần đi với các sự việc khác mở rộng đông người hơn, và cuối cùng là những gì gã nói công khai ở chatroom, đài phát thanh... thì tất cả cùng nghe, là cái không cần giấu.

Đói và mệt rũ, gã cũng không ăn nổi hộp xôi mà chỉ uống nước và suy nghĩ, đầu óc gã chạy loang loáng các sự việc từ 3 tháng trước bắt đầu chống cộng cho đến hôm nay bị bắt. Và gã biết rằng chỉ 20% những gì mình nói và làm được chứng minh thôi là đủ để họ kết tội.

Nhìn tờ giấy tạm giữ 3 ngày, gã nhớ lại câu nói của anh sĩ quan an ninh trẻ, "anh ấy sẽ đi lâu đấy", gã bắt đầu hiểu ra những tờ giấy này chỉ là thủ tục, thời gian ở tù của gã thực sự gần như đã được quyết định từ khi họ ra quyết định bắt giữ. Có chăng là chỉ tăng thêm hay giảm đi tí chút căn cứ vào các biên bản lấy cung tiếp theo.

Cứ thế, gã ngồi cho đến trời mờ sáng thì thiếp ngủ vì cơ thể đã quá tải. Cho đến chừng 7h30 sáng, có một cán bộ Viện Kiểm Sát Tối Cao vào tận buồng giam, ghi tên gã xong hỏi gã về tình trạng sức khỏe, có bị đánh đập tra tấn không, khi bị xét nhà thì có ký niêm phong các tài liệu, chứng cứ và việc thu giữ có khách quan không... thông báo cho gã biết Viện Kiểm Sát đã phê chuẩn quyết định tạm giữ 3 ngày của Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An.

Đến 8h thì quản giáo vào áp giải gã ra lại khu vực phòng hỏi cung, và bắt đầu cuộc hỏi cung đầu tiên trong trạng thái gã cùng kiệt về sức lực, tinh thần lơ ngơ vì mất ngủ và đói.

Cuộc đấu trí không cân sức bắt đầu giữa một bên là người tù bắt đầu suy yếu toàn diện và một bên là các cán bộ an ninh khỏe mạnh, tỉnh táo, và áp đảo về mặt quyền lực và số lượng.

Âm thanh cánh cửa phòng hỏi cung đóng lại nghe như tiếng bẫy sập và con mồi chưa biết mình nên vùng vẫy kiểu nào.


Chương 5 - CỜ KHAI CUỘC KHÔNG CÂN SỨC

Gã vào, ngồi lên cái ghế đối diện bàn hỏi cung, đối diện 3 cán bộ an ninh, một người trạc tuổi cha chú gã và một thanh niên trạc tuổi gã mặc thường phục lịch sự, và một trung úy mặc đồng phục an ninh, bảng tên nghiêm chỉnh.

Sau này gã biết đây là 2 cơ quan phối hợp cùng làm việc, người trung úy mặc đồng phục an ninh là thuộc Cơ Quan An Ninh Điều Tra của bộ, anh ta là phụ tá cho trung tá B. Bên này chịu trách nhiệm về các bước tố tụng hình sự trong điều tra phá án. Đồng thời họ cũng chịu trách nhiệm về tính mạng, sức khỏe của bị can, bị cáo... Tạm gọi trung úy trẻ này là A.

Hai người sĩ quan mặc thường phục là thuộc một cục nghiệp vụ có chức năng bảo vệ Đảng-bảo vệ chính trị của Bộ, họ có chức năng phát hiện đầu mối chống đối Đảng-Nhà nước, tổ chức điều tra phá án, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ Quan An Ninh Điều Tra tiến hành khởi tố và truy tố.

Tuy nhiên chức năng của họ không chỉ dừng ở điều tra ban đầu, mà còn quản lý hồ sơ vụ án để phục vụ các án khác, cũng như theo sát các bị can bị cáo, kể cả sau khi được thả hay vụ án kết thúc, để tiếp tục quản lý đối tượng chính trị.

Sau này gã biết vị thường phục lớn tuổi có cấp bậc thiếu tá, tạm gọi là D, và anh sĩ quan trẻ đi cùng là trung úy, tạm gọi là H.

Gã nhớ ra H là người đã nói chuyện tử tế với cô người yêu gã, nên gã gật đầu chào, cảm ơn anh ta. H đưa cho gã bao thuốc: "Hút đi, bọn tôi biết ông thèm thuốc, tối qua quản giáo cũng đã tịch thu thuốc lá, hộp quẹt rồi mà".

Gã cũng tính không hút, vì quản giáo đã nói vào đây phải tập bỏ thuốc, nhưng gã thèm thật, và gã cũng cần tỉnh táo ngay lúc này, nên gã rút ra hút.

H đẩy qua cho gã coi tờ giấy người yêu gã ký nhận xe máy của gã bị tạm giữ cùng gã hôm qua. Nhìn thời gian cô ký nhận sáng sớm hôm nay và chữ ký của cô, gã biết an ninh họ tinh ý, họ trả xe cho người yêu gã đi làm, vì không còn gã đưa đón.

Gã cảm ơn, tính cất tờ biên nhận vào túi thì H lấy lại: “Bọn tôi giữ, sau này ông lu loa là công an cướp xe của ông thì bọn tôi móc túi ra đền à?”

H cất tờ giấy xong, nhìn gã, chút sau anh ta nói: "Học ra trường đi làm công ty nước ngoài, lương quy ra gần 3 chỉ vàng 1 tháng, chưa tính tiền ngoài, không lo làm, đi chống cộng làm gì?”

Gã mỉm cười, cũng nói thật: "Cũng chả biết tại sao, nhưng đi làm va chạm, thấy nhiều cái muốn chửi, ngứa miệng không nhịn được".

H đẩy ly cà phê qua cho gã: “Uống đi, bọn tôi theo dõi ông cũng cực bỏ mẹ, ông đi thì lâu lâu lại quay lại nhìn phía sau".

Gã biết gã thất thế trong bàn cờ này rồi, không kể sức khỏe và tinh thần suy sụp từ đây về sau, mà họ đã theo dõi gã lâu nay, nhưng gã không biết họ đã biết những gì. Họ biết nhiều về gã, cả những ưu khuyết điểm, sở thích...

Gã uống cà phê xong thì trung úy A bắt đầu hỏi cung chính thức vào nội dung vụ án, có ghi biên bản. Có những câu hỏi gã im lặng thì anh ta hỏi qua câu khác. Hai sĩ quan thường phục im lặng, thỉnh thoảng hỏi xen vào làm rõ ý của trung úy A hơn.

Đến 11h30 thì kết thúc ván cờ khai cuộc đầu tiên của họ và gã, dù gã không khai gì quan trọng, nhưng gã biết gã đã mắc sâu thêm vào cái bẫy.

Một thượng sĩ quản giáo nhận bàn giao gã từ điều tra viên, đưa vào khu buồng giam. Trước khi khép cánh cửa sắt, anh ta vỗ vai gã: “Ráng mà ăn cơm, giai đoạn lấy lời khai để định tội rất quan trọng, không có sức khỏe để minh mẫn thì mình thiệt thân chứ nhà nước chả mất gì đâu".

Gã cười chua chát: "Nếu mình không khai thì sao?”

Anh ta cười ha hả: “Ông không chịu khai tùy ông, nhưng họ có đủ quyền để cho ông nằm im trong này 2 năm, tối đa được giữ bị can 6 lệnh là 24 tháng, ông chịu nổi thì cứ im lặng".

Chương 6 - LỆNH TẠM GIAM LẦN THỨ NHẤT

Đã 8 ngày từ khi gã bị bắt, sáng nay gã đang ngồi trước mặt trung tá B, điều tra viên chính của việc xét hỏi gã. Ông khoảng hơn 50 tuổi, có chức danh tư pháp là điều tra viên cao cấp.

Gã nhớ lại hôm ông trao cho gã quyết định tạm giữ lần thứ hai, một lệnh 3 ngày, ông còn nói: “Chú là chú lì và khai báo loanh quanh lắm nhé! Nhưng thôi đó là việc của chú, khai như thế nào là việc của chú, thành khẩn thì anh ghi vào để sau này chú được xem xét khoan hồng, còn ngoan cố thì anh cũng ghi ngoan cố, án chú nặng thêm. Quyền khai báo thế nào là của bị can, còn chứng minh lời khai là trách nhiệm của cơ quan điều tra".

Gã cũng nhớ lại hôm nhận lệnh tạm giữ lần hai, nhóm điều tra mở niêm phong máy tính trước mặt gã, cùng các tài liệu thu giữ ở nhà gã. Sau đó với sự chứng kiến của gã, họ in ra các tài liệu từ trong máy cho gã ký, cũng không có gì quan trọng, vài bài thơ gã làm và sưu tầm lưu trong máy, những tài liệu đi làm quản lý thương hiệu cho một công ty hàng tiêu dùng của Mỹ, vài thứ linh tinh vớ vẩn.

Gã nhớ mình đã bật cười khi hôm đó trung tá B bảo: “Máy tính của chú có lưu phim sex, bọn anh muốn làm khó chú thì khởi tố chú thêm tội tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy cũng được, nhưng thôi đó là việc của bên cảnh sát, không phải việc của bọn anh, bắt chú tội nào thì điều tra tội đó".

Chút sau thì hai cán bộ an ninh bên cơ quan bảo vệ chính trị cũng vào, ngồi cạnh trung tá B. Lát sau anh thiếu tá D nhìn gã, rồi đưa cho gã coi... lá đơn xin gia nhập đảng phái mà họ in ra từ email của gã, đúng và đầy đủ như khi gã viết theo sự hướng dẫn của vị đại diện đảng phái mà gã quen trên paltalk, gã nhớ chính xác họ không thêm hay bớt gì, chỉ tô đậm những phần quan trọng.

Họ bắt đầu hỏi về lá đơn nhưng gã chối không nhận, nói qua nói lại một hồi thì vị thiếu tá nổi nóng, anh ta tát gã một cái thì trung tá B can ra, sau đó anh trung úy H đưa thiếu tá D ra ngoài.

Trung tá B nhìn gã sau khi hai bên ổn định lại: "Chú từng có phát biểu muốn lật đổ chính quyền, đúng không?” Gã trầm ngâm suy nghĩ, chút sau gã gật đầu: "Phải, em có phát biểu trên room chính trị như vậy, chính quyền cộng sản thì cần thay thế".

Trung tá B cười: "Chú cũng có chữ nghĩa ăn học, dám làm mà không dám nhận, chuyện chính trị chú coi là trò chơi sao, chú không nhận bọn anh vẫn đủ cơ sở để định tội, vì không chỉ căn cứ vào lời khai của chú, mà còn có các chứng cứ và lời khai khác của những người khác về chú".

Gã ngồi trầm ngâm, suy nghĩ về những gì trung tá B nói. Gã nhớ lại mình cũng có lần nói về việc tham gia đảng phái với anh chàng đi nhậu cùng hôm bị bắt, sau khi cô gái kia giới thiệu anh chàng đó với gã như... chiến hữu.

Mấy hôm nay qua việc hỏi đáp lấy cung, gã cố tình thăm dò và đã lần ra manh mối nhóm của gã đã bị anh chàng này chỉ điểm. Có nhiều cái gã nói riêng với anh chàng đó thì cán bộ an ninh biết rõ, còn với mấy anh em khác thì không lộ hoặc lộ nhưng... còn thiếu.

Gã biết là họ cũng đã bị bắt hoặc bị mời lên làm việc, căn cứ vào những gì hỏi cung mà gã đoán ra, và sau này khi được thả ra, gã biết khi đó mình đoán đúng. Với cô gái đã đưa anh chàng chỉ điểm vào nhóm, gã không giận, chỉ thấy lo cho cô. Gã chỉ trách mình vội vã, thiếu kinh nghiệm sống nên nhìn sai người. Sau này gã biết là không nên bàn chuyện chính trị với những người không thích hợp, không có quyết tâm và tố chất để làm chính trị.

Hút hết hai điếu thuốc trong khi trung tá B im lặng ngồi đợi, gã mở lời với ông: "Anh lập bản cung đi! Phải, em có làm thì có nhận. Anh nói đúng, chuyện chính trị không phải trò chơi con nít".

Trung tá B đẩy tờ đơn gia nhập đảng phái sang cho gã ký xác nhận chứng cứ, ông nói: "Anh khuyên chú, cái gì cảm thấy cơ quan điều tra biết rõ, có chứng cứ, nhân chứng cụ thể thì nhận đi, còn việc gì bọn anh không biết chú cứ im luôn, chứ bọn anh biết rõ mà chú không nhận thì khổ cho chú thôi. Bọn anh cũng không thích chú khai lung tung làm mệt bọn anh, lại có hại cho những đứa kia. Đúng người, đúng tội, thế thôi. Mình là thằng đàn ông, có chữ nghĩa ăn học, dám làm quốc sự thì cần có tư thế của người chính trị, đừng hèn, lúc bình thường thì nói cho to tát, gặp chuyện thì loanh quanh đùn đẩy người khác, chối bỏ... không hay ho con mẹ gì".

Gã im lặng, vì mệt mỏi và cũng không muốn tranh cãi với ông, hơn thua nhau câu chữ bẻ đôi để làm gì. Nhưng với cá tính của mình, gã nghĩ ông nói đúng, dám làm dám nhận.

Ông lấy trong cặp ra quyết định tạm giam, đưa gã đọc: "Hôm nay chú không nhận thì anh vẫn quyết định tống đạt lệnh tạm giam, căn cứ vào các bằng chứng khác và các lời khai khác". Gã ký nhận lệnh tạm giam 4 tháng lần thứ nhất, cất một bản vào túi.

Gã về buồng giam, lấy phần cơm trại giam ăn sạch, xong gã đứng dậy hít thở đi lại, và lấy cái muỗng nhựa ăn cơm khắc ngày bị bắt lên tường.

Sau đó gã gạch dưới ngày tháng một vạch. Một tuần gã sẽ khắc một vạch. Gã thở hắt ra một hơi, thấy mình không còn mệt mỏi nữa. Gã nhớ lại những hồi ký của những người tù khác, và thấy mình còn may mắn hơn họ rất nhiều.

Chương 7 - KHI CHƯA ĐƯỢC THĂM NUÔI

Có lệnh tạm giam rồi, gã cũng xác định mình phải sống lâu trong tù, vụ của gã mang tính tổ chức, dính dáng nhiều người trong và ngoài nước, tội chứng rõ ràng thì về sớm thế nào được, thế nên cuộc sống trong tù phải ổn định để còn cầm cự lâu dài.

Chưa kể gã chửi đảng như hát trên các room paltalk, gã không biết đảng ghét mình đến mức nào.

Đầu tiên là gã nhận biên lai thu giữ tài sản của quản giáo khi nhận ví tiền của gã, trong đó còn 76000 đồng vì hôm 3 đứa đi nhậu, gã thanh toán hóa đơn xong rời quán thì bị bắt luôn nên hết tiền mặt, mà hôm công an về xét nhà thì gã và người yêu cũng bối rối, không ai nhớ lấy thêm tiền cho gã, an ninh cũng không nhắc.

Trong tù thì ăn uống rất kém về chất lượng và số lượng, mỗi bữa được chừng hai chén cơm, một chén canh với ít rau, củ, hay bí... tùy bữa, và thức ăn mặn gồm 2 miếng thịt bằng nửa đầu ngón tay út kho với 4-5 miếng củ cải mặn cắt lát mỏng, hoặc món ruốc (con tép nhỏ xíu) rang muối, có khi là một lát cá trê hoặc cá nục kho mặn có thể dán vào tường mà không rớt xuống vì quá nhỏ về diện tích và quá mỏng về bề ngang.

Gạo loại dở. Nhưng được cái trại giam làm sạch sẽ, nấu chín. Nước uống thì nấu sôi để nguội, uống thoải mái.

Những bữa ăn như thế gã nhai sạch cả xương cá, vét đến miếng hành lá bé tí khuất trong góc lon đựng cơm canh.

Có những ngày buồn không làm gì, gã đem mấy con ruốc bé tí trong suất ăn ra đếm, được 40-50 con/ phần ăn, ít khi nào được đến 60 con. Thịt kho không khi nào quá 3 miếng to bằng nửa đầu ngón tay út. Củ cải mặn thì nhiều hơn, bình quân là 4-6 miếng, có hôm được 10 miếng.

Gã còn nhớ sau khi có lệnh tạm giam, gã có hỏi quản giáo về việc thăm nuôi thì quản giáo nói trại này không cho gửi đồ ăn, chỉ cho gửi tiền mặt, tù nhân dùng tiền mặt đó đặt mua đồ ăn của nhà bếp nấu chín cung cấp. Nhưng khi nào thăm nuôi, ai được thăm nuôi (chính yếu là cha mẹ, vợ chồng con cái, anh chị em ruột...) thì do cán bộ điều tra quyết định.

Gã nhớ sau đó gã có hỏi trung tá B, thì anh ta bảo: "Chú mày khai báo trên trời dưới đất như thế thì ai cho thăm nuôi, cứ nằm đó đi đã."

Trong trại ăn uống thì một ngày hai cữ, cơm sẽ phát lúc 9h sáng và 15h30 chiều, nên gã phải chia phần ăn ra kẻo đêm mà không ngủ được là đói rã bụng. Các tù khác có thăm nuôi, bị bắt đem theo nhiều tiền thì còn cầm cự được, mình còn 76000 thì làm gì, gã đặt mua một ống kem đánh răng và bàn chải xong là còn 50000.

Gã mua thêm một bịch đậu phộng muối to tướng là hết sạch tiền. Kiến thức dinh dưỡng cho gã biết đậu phộng bổ sung dinh dưỡng tốt mà rẻ tiền.

Cơm phát thì suất 9h30 nếu không hỏi cung thì gã ăn ngay. Còn suất 15h30 thì gã chia hai ra, hàng ngày chiều 17h gã tập thể dục xong ăn một nửa, còn một nữa gã để khuya, ngủ không được thì 23h ăn nốt.

Trong tù canh giờ bằng thời gian đi tuần của quản giáo, cứ 4 tiếng họ đi một lần sau khi hết giờ hành chính, gã theo đó mà tính thời gian.

Nửa ký đậu phộng rang muối gã ăn cũng dè sẻn, một ngày ăn hai lần vào sáng dậy và chiều trước khi tập thể dục, mỗi lần 15 hạt. Nhiều lúc gã đói và thèm ăn quá, phải ráng quyết tâm mà nhịn, tự ép mình không được ăn thêm, biết bao giờ an ninh mới cho thăm nuôi mà dám vung phí.

Cái đói và thèm ăn trong tù nó quay quắt, liên tục và hành hạ đầu óc tù nhân lắm. Nhất là một tháng đầu tiên từ khi bị bắt, sau đó bao tử, sinh lý cơ thể mới quen dần đi, ép mình vào khuôn khổ.

Bây giờ ra tù nhiều năm rồi, gã thầm cám ơn những quản giáo hay cho gã các suất cơm dư của tù bệnh bỏ cơm, của tù chuyển trại, của tù được tha... dư ra khi gã chưa có thăm nuôi, nhờ đó mà gã cầm cự được với chế độ của nhà tù.

Tình người luôn tồn tại ở bất kỳ nơi đâu, dù là nhà tù là nơi nội quy nghiêm khắc nhất.

Chương 8 - MÌNH KHÔNG BẰNG NGƯỜI

Sau khi có lệnh tạm giam rồi thì các buổi hỏi cung cũng thưa dần. Gã hiểu an ninh không vội, họ để mình suy yếu từ từ về sức khỏe, mỏi mệt về tinh thần do lo lắng suy nghĩ nhiều rồi mới ra đòn tiếp, họ còn nhiều lệnh tạm giam nữa, họ chẳng việc gì phải vội.

Trong số các nhân viên an ninh chính tham gia điều tra xét hỏi gã, gồm hai người là trung tá B và trung úy A là của an ninh điều tra, và thiếu tá D và trung úy H ở cơ quan bảo vệ chính trị thì gã có ấn tượng tốt với trung úy H.

Gã có ấn tượng tốt không phải vì H không quát nạt người yêu gã, động viên cô, mà gã có ấn tượng vì hiểu biết và kiến thức của anh ta về chính trị, lịch sử, văn hóa... và cả nghiệp vụ an ninh.

Anh ta từng nói với gã: “Ông vào đây là do ông có tội với đảng, chứ ông không phải có tội với cá nhân bọn tôi, đừng biến cuộc đối đầu với đảng thành cuộc đối đầu của bọn mình với nhau, ông chỉ thiệt thân mà án tù thì vẫn thế. Có chơi có chịu, liệu sức mà chơi, ông thích khai gì hay im lặng tùy ông, chả ai đánh đập ông, nhưng ông đừng nói năng mất dạy bố láo, kiểu đó tôi cho bọn nhỏ nó tát vỡ mồm".

Ban đầu gã cũng không hợp tác khai báo gì, cứ loanh quanh lòng vòng cho đến một hôm H vào một mình, rồi nói chuyện thẳng thắn với gã.

"Bọn tôi làm theo chỉ đạo của trên, ông lỳ không nhận khi sự việc đã rành rành ra đó, có nhân chứng vật chứng khác đầy đủ thì khỏi gặp người nhà, khỏi thăm nuôi. Bọn tôi là lính lác, không quyết được ông ở tù bao lâu, nhưng đủ quyền để cấm ông được thăm nuôi bao lâu. Ông không nghĩ cho ông cũng phải nghĩ cho gia đình ông, cho cô ấy, họ không biết ông sống chết thế nào, ăn ở ra sao thì làm sao họ yên tâm mà sống? Cấp trên ghè đầu bọn tôi thì bọn tôi ghè đầu ông, dùi đánh đục thì đục đánh khăn. Ông khai đúng hay khai sai là quyền của ông, nhưng bọn tôi cũng phải có cái mà nộp lên trên chứ".

Gã thấy H nói cũng có lý, mình chẳng việc gì "chửi nhau" hay căng thẳng với họ làm chi, cái cần phê phán là thể chế và đảng, phê phán từng ông an ninh thì bao nhiêu cho đủ.

Thế là các buổi lấy cung giữa hai bên diễn ra ôn hòa và tử tế với nhau, gã khai theo ý gã, an ninh ghi chép rồi gã đọc lại, cái nào không đúng mà ít thì gã ghi lại đúng ý kiến của mình ở dưới rồi ký tên, cái nào sai nhiều thì ghi lại bản cung khác.

Trong suốt các buổi làm việc hai bên, gã và họ cũng tranh luận với nhau nhiều vấn đề, từ vi mô như tình cảm trai gái cho đến cuộc chiến 1975 rồi cả chính trị quốc gia. Trong suốt các cuộc trao đổi đó, với các ông an ninh lớn tuổi thì không nói, ngay cả với H là người cùng tuổi gã, gã cũng thấy mình thua kém anh ta về mưu kế, sự thâm trầm cần thiết... gọi chung là thua kém về đẳng cấp đánh cờ.

Gã tự nghĩ đối đầu thì phải đối đẳng, mình còn kém an ninh về tầm suy nghĩ thì đấu tranh chính trị với nhau thế nào. Vấn đề chính trị không phải ai sai ai đúng, mà là phải hiểu đường đi nước bước, suy nghĩ của nhau để tính toán bàn cờ, chứ mình đúng thì làm gì, đúng mà thua thì đúng đó chỉ là hư danh mà thôi.

Thế là trong những ngày tù, gã nghiền ngẫm từng câu nói, từng việc làm của họ với gã, để học được tư duy, tư thế của những người đã tham gia trong các bàn cờ lớn hơn, gã học từ trung tá B cho đến trung úy A, tự lý giải vì sao trong cùng một vấn đề mà ông này làm thế này, anh kia làm thế kia. Trong cùng một ý hỏi mà thiếu tá hỏi cách này, trung úy hỏi bằng kiểu khác...

Chính trị là những cái vĩ mô bao trùm lên cái vi mô, người đủ tư thế ngồi vào bàn cờ là người phải thấy cái vĩ mô nhưng không được bỏ sót hay xem nhẹ từng cái vi mô dù nó li ti chút chít. Một cái bây giờ không quan trọng nhưng biết đâu 10-20 năm sau nó trở nên quan trọng.

Cứ thế, suốt thời gian ở tù, gã tự biến gã thành học trò và các buổi hỏi cung trở thành bắt đầu học tác phong của một tay cờ cao thủ. Không môn phái nào có thể dạy ra một cao thủ nếu tự anh ta không quyết tâm trở thành cao thủ.

Cuộc cờ sẩy mấy buông lơi

Ăn năn thì đã muộn rồi còn chi.

Chương 9 - CHUYỆN THĂM NUÔI

Sáng 25 tết, khi gã đang tập thể dục thì thiếu úy quản giáo vào buồng giam, đưa gã một tờ giấy biên nhận là có người gửi cho gã 100000 đồng vào tài khoản lưu ký của gã ở trại giam, nâng tổng số tiền gã đón tết năm đó ở trại là 107000 đồng.

100000 đồng này là trung úy H gửi cho gã, sau này gã hỏi thì anh ta bảo là tiền túi riêng của anh ta cho gã... ăn tết, vì biết gã chưa được thăm nuôi, không phải cho để kêu gã khai thêm, gã cứ an tâm. Gã cũng cho là có lý, 100000 đồng để mua tin thì quá rẻ, ai làm thế làm gì.

Tết năm 2005-2006 gã đón tết trong tù với số tiền 107000 đồng kia. Gã cũng không mua gì thêm ngoài một gói đậu phộng khác, số tiền 60000 còn lại gã thuê sách để đọc.

Trại giam có chế độ cho thuê sách truyện hàng tuần. Gã thuê nhiều, đủ loại tiểu thuyết, nhưng có hai tựa làm gã thích là cuốn "Thời Xa Vắng" của nhà văn Lê Lựu, và bộ ba cuốn "Mười Năm Đại Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc".

Mặc dù gã cũng đã nhận những gì an ninh biết rõ, có nhân chứng chứng cứ nhưng 5 tháng sau khi bị bắt gã mới gặp lại cô người yêu và gia đình vào thăm. Trại giam tổ chức thăm nuôi vào ngày 10 hàng tháng, nếu ngày 10 trùng vào ngày lễ, ngày nghỉ thì đôn lên trước một ngày.

Gã nhớ mình đã vui mừng đến chừng nào khi quản giáo vào thông báo gã ra để gặp người nhà. Khu thăm gặp được bố trí một dãy bàn rộng 1,5m bề ngang, tù nhân ngồi phía trong và thân nhân ngồi phía ngoài, mỗi người một ô, thời của gã thì chưa lắp kính và nói bằng điện thoại.

Mắt gã rươm rướm và cô thì khóc. Quản giáo quy định chỉ nói chuyện sức khỏe, gia đình, không nói chuyện vụ án. Có một người ngồi sát bên gã và một người đứng dựa lưng vào tường phía sau gã , còn bên thân nhân thì không có ai, chỉ có hai cán bộ trẻ quan sát chung.

Nghe cô nói mấy tháng gã đi thì cô khó khăn, vừa đi làm lo cho con đi học (thằng bé con riêng của cô, nhưng khi quen nhau, gã lo cho nó ăn học đầy đủ, lại dạy dỗ nó ngoan ngoãn nên nó thương gã lắm) vừa tiền nhà, tiền sinh hoạt... Cô mệt mỏi lắm, rồi không biết tin tức của gã, lâu lâu gọi điện hỏi trung úy H thì anh ta bận, hoặc không nghe máy nên cô càng lo hơn. Ban ngày đi làm, đêm không ngủ được, cô bệnh hoài nên cứ phải nghỉ làm hoài.

Chừng nghe an ninh điều tra báo cho thăm nuôi, cô lên công an phường, nơi đang tạm trú để chứng sổ, thì cũng phải đút lót cho tay cảnh sát khu vực 500000 đồng hắn ta mới trình ban chỉ huy công an phường xác nhận, còn trước đó hắn ta hẹn cô lên xuống chán chê gần hai tuần.

Mà nhìn cô gầy đi trông thấy, gã xót xa lắm. Khi gã còn tự do thì gã lo tiền học (thằng bé học dân lập bán trú nên cũng tốn kém), tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt phí cho gã, còn cô thì lo tiền chợ và dành dụm cho cả nhà về sau.

Hỏi chuyện cá nhân xong, gã vờ ho khan cho cô chú ý, rồi hỏi cô có gặp "anh Năm" chưa. Đó là mật hiệu gã quy ước với cô trước khi bị bắt. Cô nói cô có liên lạc, nhưng "anh Năm" không trả lời. Gã còn nhớ lúc đó gã bật cười ha hả: “Bỏ đi em!” Quản giáo chắc tưởng “anh Năm” là người nhà nên cũng lơ đi.

Nghe cô nói cô chỉ gửi được cho gã ba trăm ngàn thôi, gã ráng xoay xở vì khó gửi thêm, gã rươm rướm nước mắt, dặn cô cứ lo cho mình và thằng bé cho tốt, gã sẽ tiết kiệm ăn xài, hàng tháng nhớ đi thăm gã, tiền có thì gửi ít ít thôi, không có cũng không sao, trong này gã không chết được đâu.

Thời gian thăm gặp là 15 phút, nhưng do gã là lần đầu nên quản giáo du di cho 30 phút, rồi cũng kết thúc. Gã cầm tờ biên lai 300000 mà trại cấp xác nhận người yêu gửi cho mình, gã bật khóc sau khi quản giáo khóa cửa buồng giam.

Gã hiểu cô khó khăn vất vả thế nào nếu không có mình, nhưng gã làm gì được đây. Con người ta không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ mình biết mà bất lực, và có cả lỗi của mình trong đó.

Chương 10 - NGƯỜI THẦY CHÍNH TRỊ ĐẦU TIÊN

Sau tết 2005-2006, gã cũng khủng hoảng tinh thần lắm và suy yếu về thể xác do ăn uống thiếu thốn kéo dài, bộ đồ tù Juventus vốn lúc vào trại gã mặc vừa bụng thì trở nên rộng lùng thùng, lưng quần lỏng tới nỗi gã phải lấy dây thun cột thắt lưng cho nó siết lại.

Trong lúc như thế thì trại sửa buồng giam khu gã đang ở, nên gã phải chuyển buồng giam sang khu khác, và nơi đó gã quen người thầy chính trị đầu tiên của mình.

Gã gọi ông là ông Sáu, vì ông thứ sáu và khi đó cũng còn trẻ, hơn gã chừng 20 tuổi. Buồng giam gã chuyển qua sát vách buồng ông, và có lẽ là may mắn, hoặc số mệnh, nhờ ông mà gã biết về toàn cảnh vụ án của gã, cũng như có sức mạnh tinh thần để chịu đựng qua những ngày tù.

Ông Sáu tu đạo Hòa Hảo, sau vì có ơn trên gọi nên ông và hai người nữa là ông Ba (là anh trai ông), và ông Hai lập ra đạo Vô Vi, để khỏi trùng theo đạo Hòa Hảo quốc doanh của nhà nước.

Ông Hai sau 1975 là tỉnh đội trưởng tỉnh đội An Giang, hàm đại tá, bằng khen quân công, huy chương kháng chiến chống Mỹ, giấy thương binh... treo kín một vách nhà (cái này là sau này gã ra tù về thăm vợ ông gã biết). Năm đó khi còn đương chức, ông có ơn trên gọi nên ra thành lập đạo Vô Vi, cách tu vẫn theo đạo lý của Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng ông đặt tên Vô Vi để tín đồ phân biệt với Hòa Hảo quốc doanh do nhà nước quản lý. Sau khi thành đạo và khai môn lập phái, ông theo ơn trên chỉ dẫn, đi tìm ông Ba và ông Sáu để mời họ về làm phó.

Ba ông vì có huyền nhiệm trên ban, nên có tín đồ các tỉnh Miền Tây, Sài Gòn, Đông Nam Bộ theo đông đảo, lúc trước khi bị bắt, lên gần 25000 tín đồ. Trong đó có cả những nhân vật có số má như nguyên bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu, chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, còn cán bộ cấp sở, phòng huyện xã đương chức và hưu cũng đông kha khá. Sau này khi gã tiếp xúc với nhiều tín đồ cũ của bổn đạo trung thành sống chết với các ông, gã mới biết ngày trước ba ông có nhiều cái khó lý giải, nói theo tâm linh là "có linh ứng", tín đồ tai nghe mắt thấy nên theo ngày một đông.

Ba ông và thêm gần chục người nữa bị bắt trước gã vì đã tổ chức cho bổn đạo Vô Vi hợp tác với mấy tổ chức, đảng phái ở hải ngoại vận chuyển máy phá sóng phát thanh mua ở Thái Lan, mang qua đường Campuchia rồi đưa vào Việt Nam để... hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Sự việc bại lộ, ông Hai giáo chủ và hai ông phó giáo chủ là ông Ba và ông Sáu đều bị hốt hết kèm đầy đủ nhân chứng vật chứng. Bốn người Việt kiều Mỹ về Việt Nam để phối hợp cho vụ án này, cùng số tôm tép như gã... bị dính hết vào trại giam.

Vốn gã cũng không biết gì, nhưng khi ở buồng giam sát nhau, ông Sáu, sau khi tin cậy gã không phải là do an ninh sắp đặt để lấy tin, đã tâm sự với gã về hoàn cảnh, bổn đạo Vô Vi, rồi nguyên nhân vì sao ông và các vị khác vào tù, về gia cảnh nghèo khó tu hành từ nhỏ của ông. Còn ông Ba anh của ông lại từng là đại úy, đội trưởng đội bảo vệ chính trị công an một huyện ở An Giang cho đến khi bỏ ghế, bỏ ngành, bỏ đảng đi theo tiếng ơn trên nhập đời hành đạo.

Cho đến một ngày kia, ông Sáu tuồn cho gã coi kết luận điều tra vụ án của ông, qua khe hở của hàng rào B40 ngăn cách hai buồng giam, và nhờ đó gã biết vụ án của gã là vụ án nhỏ nằm trong một chuyên án lớn của Bộ lập đã lâu. Gã là con tép trong rất nhiều con tôm càng to bự như ba ông giáo chủ và mấy người Việt kiều kia.

Theo kết luận điều tra đó thì vụ án là ngẫu nhiên, nhưng gã đọc đi đọc lại kết luận điều tra đó vài chục lần, nghiền ngẫm từng chữ, từng câu... và gã kết luận là đây là một cái mồi câu từ hải ngoại về để có lý do mà bắt 10 ông đạo và 4 người Việt kiều, nhằm phá tan đạo Vô Vi, vốn là cái gai trong mắt chính quyền gần hơn 20 năm từ khi ba ông khai đạo, qua nhiều cách mà nhổ không được. Cũng do uy tín của ba ông giáo chủ cao trong dân, trong hệ thống đảng, quan chức chính quyền các địa phương họ từng đến truyền đạo.

Ông Sáu nhà nghèo, con cái cũng theo đạo, nên khi ông ở tù gia đình cũng không tiếp tế thăm nuôi gì mấy, nên ngay từ khi biết hoàn cảnh của ông, gã đã chia sẻ với ông nửa gói đậu phộng rang mà gã có.

Đó là cũng là bắt đầu cho mối quan hệ sư phụ-đệ tử của ông Sáu và gã sau này, sau khi cái tình tri ngộ ban đầu lập nên. Cũng là góp một phần để gã biết sống ngay thẳng hơn, ảnh hưởng cái khí khái của người dân Nam Bộ cũng là từ ông Sáu.

Trại giam gã ở là nơi rồng ẩn cọp nằm, từ tù cho đến quản giáo, và an ninh làm các án của tù bị giam trong đó.

Chương 11 - PHÚC CHO AI CHƯA THẤY TA MÀ VẪN TIN TA

Gã vốn sinh ra có đạo gốc về bên mẹ ruột là đạo Công Giáo, cũng có lễ rửa tội. Sau mẹ ruột mất thì ở với mẹ kế thì cũng đạo Công Giáo. Bên nội thì là đạo Phật nên ở nhà thì đi nhà thờ, vào nhà nội thì đi chùa.

Rồi sau này khi ra tù, gã nghiên cứu về thần học, và gã nghĩ cội nguồn của các đạo đều là một, theo nguyên lý Vạn Pháp Quy Tông. Cũng đấng tạo hóa đó, khi ổng hiện ra ở Arab thì ổng quấn vải trùm khăn nên người ta gọi là Thánh Ala, khi ổng hiện ra ở Ấn Độ thì ổng mặc cà sa cạo đầu, nên gọi là Phật Thích Ca, khi ổng hiện ra ở Israel, sinh trong máng cỏ thì người ta gọi là Đức Chúa Con, khi ổng đến Việt Nam thì ổng hóa ra là thần Kim Quy...

Gã và ông Sáu nói nhiều với nhau về chính trị (là sở trường của gã) và đạo pháp (là sở trường của ông Sáu). Lúc ban đầu quen ông, gã quý ông vì ông dám làm dám chịu, sống ngay thẳng hiền lành kiểu người dân quê chứ không nghĩ gì về vấn đề ông ở tầm giáo chủ, vì gã vốn không quan tâm về đạo.

Theo kết luận điều tra gã coi, thì ông bị khởi tố tội "phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” (Điều 85 – BLHS), và gã biết ông có các tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, có tổ chức, lôi kéo nhiều người cùng phạm tội... Nói tóm lại, trong vụ án của đạo Vô Vi, thì tội nặng nhất của ông Sáu là về hành động thực tế, còn tội về chủ trương là ông Hai giáo chủ, và người đứng đầu nhóm 4 Việt kiều Mỹ (cũng đã bị bắt giam).

Gã nhớ ông Sáu và gã từng nói với nhau, chắc án của ông không dưới 12-15 năm. Gã hỏi ông có hối hận khi nghe lời ông Hai chỉ đạo không, ông nói theo thầy thì sống chết với thầy, gã càng nể ông Sáu hơn. Ông ít học, nhưng những cái ông nói ra nó là đạo nghĩa con người.

Sau này khi cô người yêu gã gửi tiền vào đều sau đợt thăm nuôi đầu tiên, trung bình mỗi tháng 200-400 ngàn, gã đều mua thức ăn, bánh kẹo... gửi cho ông, chia cho ông nửa phần tiền của mình. Lúc còn ở sát buồng giam nhau thì tuồn qua cái khe lưới B40, khi chuyển phòng lên lầu, gã buồng số 3, ông buồng số 5 thì gã nhờ quản giáo chuyển thức ăn giúp.

Thực ra những người quản giáo có hai người rất nhiệt tình chuyển giúp vì ông Sáu hay cho họ số đề và đánh là trúng. Ông Sáu cũng dặn họ đánh vừa thôi, hễ đánh nhiều là trật. Từ đó mà hai người quản giáo thân với gã và ông, rồi cũng lấy tiền trúng số đề để phụ gã nuôi ông.

Gã từng hỏi ông về vụ số đề này, ông bảo chừng 13h chiều là bàn tay ông nổi số, ông cho là trúng, nhưng ít, hễ tham mà đánh to là trật, trời cho mình sao thì mình hưởng thế, đừng tham lam mà chết.

Kế bên buồng giam số 3 của gã là buồng số 2, của anh Tám. Anh Tám là tỷ phú buôn bán đồ cổ ở An Giang, cũng là đệ tử trong đạo Vô Vi, đồng phạm trong vụ việc. Qua những câu chuyện anh Tám kể về đạo và về 3 ông giáo chủ, gã càng kính trọng ông Sáu hơn, nói 3 ông là tay trắng gây dựng cơ đồ cũng không sai là mấy.

Sau đó thì ông Sáu nhận gã làm đệ tử, qua những cuộc giảng đạo, ông dạy gã ngồi thiền, dạy gã tĩnh tâm. Ông giảng về linh khí núi sông, về tâm đạo và quốc đạo... Cho đến một đêm gã nằm ngủ, thấy có một ông rồng vàng đến dạy mình đánh võ, sau đó lâu lâu là gã thấy trong giấc mơ xuất hồn đi bắt ma bắt quỷ, kể cả bây giờ vẫn thế, những đêm như thế tỉnh dậy là cả người đau như dần, trầy trụa khắp người.

Gã ngồi thiền chừng 2 tháng thì đạt được kiến tánh, ngộ ra nhiều những cái về đạo và đời, khai mở huệ tâm, nên sau đó gã nghe một hiểu mười, đạo tâm dần vững vàng, chính trung úy H sau này khi vào làm việc với gã, anh ta cũng nói gã có nhiều thay đổi, mà không biết rõ là cái gì.

Và cái quan trọng nhất là khi gã hỏi ông Sáu dự đoán xem chừng nào họ tự do, thì ông bảo gã: “Mày chỉ ăn một cái tết trong này, sau đó mày về trước tao, xong không quá 6 tháng sau khi mày về là tao về". Lúc đó gã nghe vậy thì biết vậy, nhưng gã cũng nửa tin nửa ngờ. Nửa tin vì gã đã chứng kiến đạo hạnh của ông, nửa ngờ vì gã cũng là con người.

Thực tế về sau là đúng như lời ông Sáu nói trước. Vụ án được chính giới Mỹ can thiệp mạnh, đưa ra xử sớm và hết án sớm, nhóm 10 ông đạo Vô Vi được trả tự do sau 17 tháng tù, còn 4 vị Việt kiều thì bị trục xuất về Mỹ ngay sau phiên tòa.

Sau khi gã được thả ra trước ông, theo mật hiệu mà ông cho, gã liên lạc với gia đình ông và gia đình ông Hai giáo chủ, đi thăm họ, kể chuyện trong tù để động viên họ, rồi gã quyên góp vận động giúp họ có tiền thăm nuôi các ông. Sau khi 3 ông về thì gã làm lễ nhập đạo chính thức, trở thành cố vấn cho các ông về pháp luật, chính trị...

“Tái ông thất mã” là chuyện có lý của nó, tính đi tính lại, trong lần đi tù của gã, gã được nhiều hơn mất. Có lẽ đó là số phận và số mệnh của gã.

Những đêm trong nhà tù từ sau khi gã ngộ đạo, đã không còn khủng khiếp nữa, khi gã nhìn qua cái lỗ thông hơi trên cánh cửa thép và thấy trăng trên trời, gã sửa hai câu thơ sư phụ dạy lại một chút để tự thưởng cho mình.

Tiêu dao trời đất bao la

Càn khôn vũ trụ mình ta vui thầm.

Chương 12 - NGÀY TẾT TÂY TRONG TÙ

Gã đang nằm miên man suy nghĩ thì có tiếng mở cổng sắt để đưa cơm tù vào. Hôm nay ngày lễ nên trại nghỉ làm việc, chỉ có trực ban quản giáo và tù có án làm lao động quét dọn sinh hoạt. Tù có án muốn ở lại trại này thì án phải dưới 5 năm và có hạnh kiểm cải tạo tốt.

Lon nhựa đựng cơm trong tù gồm có ba ngăn, một đựng cơm, một đựng canh và một nắp nhựa ở trên đựng thức ăn mặn. Tiêu chuẩn ăn của tù một tháng là 17kg gạo tẻ thường, 700gr thịt, 800gr cá, 500gr đường loại trung bình, 1kg muối, 15kg rau xanh, 750ml nước mắm, chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than. Phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại có thể được tăng thêm 15%.

Theo đánh giá của gã thì trại giam không ăn bớt tiêu chuẩn của tù trong này như gã hay nghe nói về các trại khác. Nhưng đồ ăn căn tin mà tù mua bằng tiền lưu ký thì giá mắc bằng 1,5 lần giá bên ngoài. Tù nếu không mua thì nhịn vì không cho gửi đồ ăn thăm nuôi. Có thể mua từ trái ớt tươi cho đến các loại món ăn cơm để dành ăn dần được như khô chiên, thịt cá kho... nhà bếp tù làm mặn để lâu được.

Sau này gã có tiền thăm nuôi thì gã chỉ mua mỗi món khô cá lù đù chiên, nó mặn chát nhưng để lâu không hôi mốc, và ăn có chất dinh dưỡng, với thêm ớt tươi. Gã dè sẻn vì còn mua đồ gửi cho ông Sáu, và cũng không muốn người yêu tốn kém quá cho mình, bên ngoài có hàng trăm thứ chi phí cô ấy phải lo.

Buổi sáng tù muốn ăn mì gói sáng thì đặt mua nước sôi, một ngày 2000 đồng, 6h30 là quản giáo xách bình thủy đi phát nước sôi tận buồng. Tuần nào gã có mua thêm mì gói thì quản giáo cho gã miễn phí, họ biết gã không có tiền nhiều. Gã chỉ mua loại mì gói 20 vắt trong bao 1kg, cho rẻ tiền và ăn được nhiều.

Hôm nay thì gã chưa có thăm nuôi. Sau này cô người yêu gửi tiền vào thì thứ hai là quản giáo phát phiếu mua hàng và bút để ghi rồi họ thu giấy bút lại. Trong buồng giam không cho để lại bất kỳ vật gì cứng hay sắt nhọn, tất cả đều phải dùng đồ nhựa kể cả muỗng ăn cơm. Thứ năm thì chiều tầm 15h giờ là phát lại đồ đặt mua, có cả sách báo, truyện đọc nếu tù mua hay thuê.

Báo thì không có các loại báo nói nhiều về tiêu cực xã hội như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Công An... Chỉ có các loại báo chí vô thưởng vô phạt như Thể Thao Văn Hóa, Thế Giới Mới, Nhân Dân... Nhớ đến đây gã lại nhớ thiếu úy quản giáo, anh ta hay gom các báo chí cũ của các tù khác bỏ ra cho gã.

Ốm đau thì có y sĩ của trại lên hỏi khám tận buồng giam. Trong trại gã thấy có cô này duy nhất là nữ. Có lần gã sốt nặng bỏ cơm mấy ngày liền thì trại phát thuốc, thay cơm bằng cháo ăn với dưa mắm. Gã thấy thuốc uống lâu khỏi, gã báo đổi thuốc thì quản giáo nói tiêu chuẩn tiền thuốc một tù nhân là 5000 đồng/tháng, thuốc mắc tiền làm sao mua.

Gã nhớ tối qua giao thừa Tết dương lịch, gã nhớ nhà quá gã hát um sùm, tới chừng gã hát bài "Đảng đã cho ta một mùa xuân ở trong này" thì anh chàng thượng sĩ quản giáo thò đầu vào nạt gã im lặng: "Bố khỉ ông, vào đây rồi mà còn hát mấy cái đó, ông không sợ chết nhưng phải nghĩ cho bọn tôi bị kỷ luật chớ". Thế là gã cười ha hả với anh ta rồi chuyển đề tài. Quan hệ cũa gã và các quản giáo to nhỏ của trại cũng hòa nhã thân thiện.

Gã mở lon cơm ra thì thấy có món... bò kho, dù đã nguội ngắt nhưng thơm phưng phức. Vốn ăn con ruốc và củ cải mặn kho gần 3 tháng qua, hôm nay gã thật sự bất ngờ... và nhớ ra hôm nay Tết dương lịch, người ta cho tù nhân khẩu phần gấp đôi ngày thường về giá trị.

Có lẽ đó là khẩu phần bò kho ngon nhất đời của gã, dù nó chỉ có 4 miếng thịt mỗi miếng bằng nửa ngón tay cái, loại thịt bò vụn rẻ tiền, 3 miếng cà rốt xắt tròn. Gã nhớ mình đã vét sạch đến cả cây sả nấu kèm bò kho.

Mọi khi cơm là gã chia hai phần để ăn được nhiều cữ, nhưng thôi hôm nay ngon, gã ăn sạch, khuya đói thì ăn nhiều đậu phộng chút. Sống trong tù phải khép mình vào kỷ luật ăn uống, không thì đói chịu không nổi.

Ăn xong gã lại ô cửa thông hơi nhìn ra sân trại giam, gã nhớ cô người yêu, nhớ bạn bè đồng nghiệp. Cũng ngày này năm ngoái, gã còn tụ tập lính tráng trong phòng quản lý khách hàng ăn nhậu cả ngày, tiền tiêu không phải nghĩ.

Gã cắn môi mà nước mắt chảy dài xuống ô cửa sắt, gã thấy mình có lỗi với cô ấy nhiều quá. Cứ những ngày lễ tết là gã lại nhớ nhà hơn ngày thường.

....

Ngày 01/01/2017, gã dắt con gái đi ăn bò kho, gã tự hỏi những anh chị em như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh... hôm nay có ăn bò kho không?

Chương 13 - ÁNH LỬA TRONG ĐÊM TỐI

Gã ngồi trước sân hóng mát bên ngoài buồng giam, sáng nay bóng đèn buồng giam của gã bị hư, quản giáo đi tuần tra ca 5h sáng phát hiện và thay cho gã. Sau đó họ mở cửa thép cho gã ra hành lang hóng mát sớm.

Ở lâu trong tù, từng làn gió mát cũng có giá trị của nó. Đã hơn 6 tháng rồi gã mới hít thở được không khí trong lành của lúc trời còn mờ sáng.

Nghe văng vẳng tiếng nhạc xuân đón tết vọng ra từ phòng trực ban quản giáo đầu dãy, gã thấy lòng chùng xuống. “Ai xuôi ngược khắp nẻo đường quê hương, nhớ quay về vui đón mùa xuân yêu thương..." Gã lại nhớ cô người yêu. Gã lấy hai tờ biên nhận gửi tiền có chữ ký của cô cầm trong tay như cảm nhận hơi ấm của cô nó luồn vào cái lạnh lẽo của bê tông và các khung thép.

Gã nhớ lại những ngày đầu quen cô. Sau khi học hết cấp 3, gã rời gia đình ra ngoài sống, tự làm và học, không phiền đến ai nữa. Gia đình gã vốn thế, mạnh ai nấy sống, không ai giúp ai nhưng cũng không ai phiền ai, gã mất mẹ từ năm một tuổi, nên mối dây liên lạc chắp nối những con chim đã bay xa khỏi cái tổ hầu như không có.

Ngay như chính hôm kia anh trai gã vào thăm gã, anh ta chửi gã là thằng ngu, làm phản động để phiền gia đình. Gã cũng thấy mình ngu thật, có gan đi làm "phản động" mà không chịu nghiên cứu, không có tư duy lớn, không biết nhìn và nghĩ xa đến các vấn đề lớn hơn ngoài mớ lý luận "tiêu diệt cộng sản"... Nhưng bị anh trai chửi vào mặt như thế không dễ chịu gì.

Anh trai gã là người thành đạt, nếu gã chịu nhún nhận sai, nịnh nọt vài câu thì tiền thăm nuôi không phải nghĩ, nhưng gã đứng lên nói quản giáo sau này anh này đến thì gã từ chối gặp mặt. Gã lựa chọn thế để gã được yên ổn, nhưng gã đẩy cái gánh nặng nuôi tù lên vai cô người yêu. Sau khi anh trai về rồi, trong tù gã tĩnh tâm suy nghĩ, gã không biết mình làm thế là đúng hay sai. Nhưng dù cái gì đúng, với cô ấy, mình đã sai.

Sau một thời gian bôn ba, gã về ở với chị hai của gã, vừa đi làm vừa đi học thì gã quen cô. Cô có một đứa con khi ba của nó đi Mỹ. Và vì để đi Mỹ nhanh, anh ta gạt bỏ mẹ con nó ra khỏi hoàn cảnh pháp lý cá nhân của mình. Rồi qua Mỹ thì anh ta quên mẹ con nó, sau này sợi dây chắp nối lại cho thằng bé là nhà nội của nó.

Gã và cô người thì sống lang bạt, người thì một mình nuôi con nên gặp nhau là dính nhau ghê lắm, vì cả hai đều là người tự lập, nên dễ hiểu nhau và yêu thương nhau. Trai mới lớn gái nạ dòng, cái hấp dẫn tình dục là không thể chối bỏ, cũng vì một phần như thế mà gã và cô gắn bó nhau sau khi hiểu đủ về nhau.

Khi đó gã đi làm quản lý nhãn hiệu cho một công ty hàng tiêu dùng của Mỹ. Lương tháng tính bằng USD chưa kể tiền ngoài luồng do các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ biếu xén. Và cũng từ đây gã bức xúc với thể chế.

Số là công ty gã triển khai một dự án học bổng kha khá dành cho nữ sinh học giỏi ở các trường cấp 2-3 trên cả nước. Trong cái nhìn khách quan, gã biết công ty làm thì công ty có lợi trước, nhưng xã hội cũng có lợi, nhưng bắt tay vào dự án đầu tay rồi gã khá bức xúc.

Tới chừng cái quỹ học bổng chính thức công bố ra đời, tổng giám đốc công ty gã hồ hởi bắt tay vị thứ trưởng của Bộ Giáo Dục trong buổi truyền hình trực tiếp hoành tráng thì số tiền lót tay để các quan chức cấp phép cũng hết gần chục tỉ từ cấp Cục, Vụ đến cấp lãnh đạo Bộ. Gã lấy làm ngao ngán, và từ đó sinh ra bất mãn, rồi đi làm thì lửa đổ thêm dầu khi va chạm hệ thống càng nhiều. Bao nhiêu em nữ sinh sẽ có điều kiện vươn lên nếu gần chục tỉ không chảy vào túi các quan chức của chính cái Bộ đi giáo dục người khác?

Những chuyện đó gã về tâm sự hết với cô sau những lúc ái ân mặn nồng cuồng dại. Rồi từ thương mẹ gã thương con, gã cùng cô nuôi thằng bé khôn lớn, không phiền gì đến nhà nội thằng bé, vốn là Việt kiều Mỹ. Chính vì vậy mà hôm nay gã ở tù, cô nuôi gã. Hai đứa không cưới hỏi nhưng nặng nghĩa nặng tình.

Gã siết mạnh 2 tờ biên nhận thăm nuôi, như để nhớ lại những lúc hai đứa quấn vào nhau mỗi khi gã đi công tác xa theo dự án hàng tuần cả tháng mới về. Thằng tù thì cũng còn là thằng người, ăn uống thiếu thốn nhưng thèm đàn bà là phải có, mà kéo dài, nên nó càng âm ĩ dữ dội. Nhớ người yêu, nhớ vợ... cũng từ bản năng mà ra chứ đâu.

Cứ hai tuần gã giặt cái mền mỏng dính của trại giam phát một lần cũng là do mấy đêm gã nằm nhớ cô.

Tiếng chân của cán bộ quản giáo vào kêu gã ra hỏi cung, nụ cười toe toét của trung úy H sau gần 2 tháng không gặp cắt đứt dòng suy tư và cả nỗi khao khát dồn nén của gã.

02-01-2017

Chương 14 - ĐỐI THOẠI VỚI AN NINH

Gã bước vào căn phòng hỏi cung quen thuộc sau gần hai tháng không ra để hỏi cung nữa. Các cuộc hỏi cung rất dồn dập khoảng một tháng đầu khi gã bị bắt, tháng thứ hai thưa dần và cuối cùng là rất ít khi kêu ra hỏi trừ khi trong vụ án có tình tiết gì mới phát sinh.

Làm việc với an ninh lâu ngày, người gã quý trọng vẫn là trung úy H ở bộ phận bảo vệ chính trị. Cùng tuổi gã, nhưng anh ta hơn gã ở tầm nhìn và tư duy phân tích chính trị. Nhất là anh ta là người nói chuyện sòng phẳng, không dựa vào nấm đấm hay dùi cui của chế độ trao cho anh ta để bắt gã phải nói ra những cái gã không thể, hay không muốn nói. Nhưng ngược lại, H rất kiên quyết khi bắt gã phải thừa nhận những gì mà anh ta và ban chuyên án nắm rõ mà có liên quan đến gã, và họ biết không ít chuyện.

Đẩy qua cho gã ly cà phê và gói thuốc, H bảo gã hút. "Hôm nay là ngày 19/06/2006, là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi không có gì để ăn mừng, nhưng tôi không cấm ông tưởng niệm". H nói nhẹ giọng vừa phải với ngữ điệu nghiêm túc.

Tuy lúc còn ở ngoài gã chưa có tìm hiểu chính trị nhiều, nhưng gia đình gã có nhiều người từng là sĩ quan và công chức VNCH, nên gã đốt một điếu thuốc gác lên cái gạt tàn thay cho nén nhang tưởng niệm, và tự đốt cho mình một điếu rồi im lặng cùng hút với trung úy H.

Khi đó gã không hiểu nhiều về quân sử VNCH, nhưng đối với gã, những người đã dám chiến đấu và hi sinh cho một lý tưởng mà mình đeo đuổi, thì xứng đáng để hậu nhân tưởng niệm, dù là phe nào. Việc lý tưởng đó nó đúng hay sai đối với nhân dân là việc của thể chế và lãnh đạo cấp cao, người lính ở dưới là việc khác.

Gã cũng không hận thù gì cộng sản, vì họ cũng chẳng tàn ác gì với bản thân gã, chuyện các thế hệ trước thì cha chú ít nói cho gã nghe. Gã bức xúc thể chế vì thấy nó làm sai nhiều chuyện quá, làm dân khổ sở, mất quyền lợi, tù đày oan ức... nên gã chống đối, thế thôi.

Trung úy H đợi điếu thuốc tưởng niệm tàn rồi, anh ta hỏi gã: "Thế nào, hơn 6 tháng trong này, 2 tháng không gặp bọn tôi, ông có nghĩ ra ông sai cái gì chưa, ngoài có tội với đảng và với pháp luật?"

Gã thở dài, trầm ngâm suy nghĩ rồi lắc đầu: "Ngoài chuyện hoạt động lật đổ chính quyền ra, tôi chả thấy mình sai gì. Đúng, tôi có tội với đảng là muốn tiêu diệt đảng cộng sản, thế thôi".

Trung úy H cười ha hả: “Ông nhìn thẳng vào mặt tôi, nói cho tôi nghe, giả sử các ông lật đổ được chính quyền này rồi, tôi vẫn đòi có đảng cộng sản, tôi vẫn công khai tuyên bố tôi theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng tôi sống chấp hành đúng pháp luật và có ích cho thời kỳ mới, ông có tiêu diệt tôi không?"

Gã nhìn thẳng vào trung úy H. Gã đốt điếu thuốc thứ 3, gã nhớ lại những gì H nói với người yêu gã, với gã, và chuyện hôm nay.

Chút sau gã thở dài và lắc đầu với H: “Tôi không làm được, tôi tự biết mình không tiêu diệt ông được, tôi cũng không thể bắt ông từ bỏ chủ nghĩa cộng sản nếu ông thật sự yêu thích nó được".

Và từ khi đó, gã đã biết mình sai, không phải sai trong chuyện tù tội mà sai trong nếp nghĩ cho đến hôm nay mới nhận ra, thay đổi thể chế và tiêu diệt cộng sản là hai vấn đề khác nhau.

Trung úy H nhìn sang gã: "Nhân dân cần dân chủ, các ông cũng cần dân chủ, thậm chí tôi cũng cần dân chủ trong đảng chứ, đâu phải lúc nào cấp trên của tôi cũng đúng, tôi cũng phải đấu tranh với sếp, với bản thân tôi chứ, ai không là con người... Nhưng tôi lật đổ sếp tôi hay sao, hay tiêu diệt họ vì... bức xúc cá nhân?"

Gã thở dài mệt mỏi, trong điều kiện tù đày mệt mỏi thiếu thốn, kiệt quệ dần về tinh thần và thể xác, gã không muốn suy nghĩ nhiều, nhưng cuộc nói chuyện hôm nay với trung úy H đã cho gã thấy ra những vấn đề khác, những vấn đề phức tạp hơn, hơn xa những cái gã đã biết và đã nghĩ rất nhiều...

Trung úy H vỗ vai gã: “Thôi vào buồng giam ngẫm nghĩ đi, hôm nay tôi đến không phải để lấy khẩu cung, mà để thăm ông như một người bạn, nó ngu nó mắc nạn, mình đi thăm, thế thôi. Ông vẫn khỏe là tôi vui, ông chống đảng thì đảng xử tù ông, ông có chửi đảng thì chửi, đừng chửi tôi là được.”

Thiếu tá quản giáo đứng đợi gã ở cửa phòng hỏi cung để gã hút nốt điếu thuốc. Gã đứng trầm ngâm nhìn theo bóng trung úy H đi xa. Gã đoán ra lờ mờ tâm tư của anh ta. Và đúng như gã linh cảm, hai năm sau khi gã ra tù, trung úy H cũng xin ra khỏi ngành an ninh, phục viên làm dân thường.

Gã nhớ vào cuối năm 2008, khi trung úy H thông báo với gã là anh ta đã nghỉ hẳn khỏi ngành công an, từ nay không còn quản lý chính trị gã nữa, gã nhớ là khi đó gã đã buồn rất nhiều. Trong lần cuối cùng gặp nhau, H nói với gã từ sau này nếu an ninh cần, sẽ có người khác mời gã lên làm việc, anh ta không được phép gặp gã nữa vì đó là nguyên tắc nghề nghiệp. Gã nhớ hôm đó gã và H ngồi im lặng uống cà phê, hút thuốc gần 2 tiếng rồi lặng lẽ chia tay.

Gã trở vào buồng giam sau khi vẫy tay tạm biệt trung úy H, và đêm đó cùng rất nhiều đêm về sau, khi nằm đánh giá lại nhiều sự việc, gã thấy ra lờ mờ một cái gì đó đang thay đổi ở chính trong những người an ninh, và cao hơn là đảng.

Cái đó chính là cái mà hôm nay đảng gọi nó là “tự diễn biến và tự chuyển hóa", còn gã thì muốn gọi khác đi, đó là ĐA NGUYÊN TRONG ĐẢNG.

Chương 15 - ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM

Gã nhìn lên những vạch khắc mà gã khắc lên vách tường buồng giam để tính ngày tháng. Cứ một vạch là một tuần tính từ ngày bị bắt, và đến hôm nay sau khi gã nhận quyết định tạm giam lần thứ ba thì đã hơn 40 vạch.

Gã trở ra hành lang hóng mát ngồi tiếp. Buồng giam của gã số 3, là gần đầu dãy phòng giam, nên gã hay nghe các cán bộ trực ban quản giáo nói chuyện, tâm sự về cuộc sống hàng ngày của họ. Và từ đó gã sinh ra đồng cảm với họ vì những chuyện gã nghe được nó cũng không khác gì nhiều so với cuộc sống đời thường của gã và nhiều người dân khác, cũng vợ đau con bệnh, chạy trường, phê bình sở này ngành kia... khi họ và người quen biết có va chạm để giải quyết các nhu cầu cá nhân.

Hóa ra họ cũng bực bội, cũng phê bình các hiện tượng tiêu cực trong đời sống và thể chế như gã, họ cũng có nhu cầu muốn sống trong một xã hội văn minh pháp trị như gã. Đôi khi nhờ màu cờ sắc áo là lính ngành công an của họ, họ đỡ hơn dân thường tí chút trong việc được ưu tiên giải quyết cái này, việc kia... Chỉ thế thôi!

Nghe riết thành thấm, gã hiểu được rằng nếu sau này tranh đấu chính trị, nếu không thể coi họ là đồng minh tự nhiên thì cũng nên coi là bạn, vì cơ bản tâm tư chả khác nhau gì mấy, chỉ khác là họ có đảng tịch, còn mình thì không, nên họ nói năng giữ mồm miệng nhiều hơn mình chút chút mà thôi.

Gã đang ngồi suy tư thì được dẫn giải ra, và gã thấy lại trung tá B sau nhiều tháng không gặp. Trừ hai vị sĩ quan bên bảo vệ chính trị là hỏi cung nhiều, bên cơ quan an ninh điều tra thì ít hơn, gã ngạc nhiên khi hôm nay gặp lại ông. Gã biết với chức danh điều tra viên cao cấp, ông còn tham gia điều tra nhiều vụ án khác, chứ không chỉ chuyên án của gã.

Trung tá B không hút thuốc, nhưng ông cũng để sẵn gói thuốc cho gã, rồi lấy ra tờ giấy, ông kêu gã viết bản tự kiểm điểm, cam kết không hoạt động chống đảng và nhà nước nữa. Gã nhướng mắt ngạc nhiên thì ông mở lời: “Chú mày cứ viết cho xong thủ tục đi, rồi anh nói chuyện với chú mày".

Gã cũng viết, gã ghi rõ cam kết không chống đảng và nhà nước, nhưng gã cười cười khi biết ở đây là vấn đề chơi chữ, gã chống là chống cái sai trái, độc tài sinh ra bệnh hoạn của đảng và nhà nước, chứ gã có chống nhà nước đâu. Đảng và nhà nước làm cho đúng, cho tốt trên cơ sở lợi ích lớn thì nhân dân như gã lo làm giàu mà hưởng thụ vợ đẹp hầu non, đi chống đối làm gì.

Trung tá B vừa thu lại tờ kiểm điểm khi gã viết xong, vừa chống nạnh nhìn xuống gã rồi ông cười nhạt: “Mày tưởng anh không biết mày nghĩ cái gì trong đầu à, nhưng mà thôi, anh bắt mày vào đây là vấn đề anh phải làm, cấp trên có quyết định tha mày về thì anh làm thủ tục thả mày ra. Còn sau này mày chống nữa thì bọn anh bắt tiếp, anh về hưu thì còn đứa khác nó làm án".

Gã không tranh cãi với ông, gã im lặng hút thuốc nghe ông nói tiếp: “Những đứa như chúng mày thì về sẽ chống tiếp, ít hay nhiều là việc khác và bọn tao biết cả. Mày có biết bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ông Đoàn Viết Hoạt, ông Lê Minh Nguyên, ông Vũ Thư Hiên, ông Lê Hồng Hà, tướng Trần Độ, ông Trần Xuân Bách, ông Võ Văn Kiệt... không?"

Gã lắc đầu sau khi ông đọc ra hàng loạt cái tên xa lạ với mình rồi im lặng nghe ông nói tiếp: "Anh đủ tuổi sinh ra mày được nên anh khuyên mày một câu, có chống thì chống ở tầm như các ông ấy thì may ra việc mày làm nó có ích thực sự cho dân cho nước, là cái mà khi mới vào đây mày hay viện dẫn khi tranh luận với bọn tao. Chứ chống kiểu lông gà vỏ tỏi như chúng mày, chả ăn thua đâu. Nếu sau này mày chống đối tiếp, anh khuyên mày lấy lợi ích quốc gia, dân tộc để làm động cơ khi chống, chứ đừng chống vì lợi ích của đảng phái hội nhóm nào, hay để nổi tiếng cá nhân mưu cầu lợi ích riêng cho mình. Mày chống kiểu đó nhân dân này sẽ không ủng hộ chứ đừng nói gì đến đảng viên tiến bộ. Thời này là thời bình, không phải thời chiến, không có địch và ta, chỉ có hợp lý, có thượng tôn lợi ích dân tộc và đất nước hay núp bóng nó kiếm tiền và danh lợi cho mày hay không mà thôi".

Trung tá B nhìn gã chăm chú: “Đây là lần cuối anh gặp mày trong kỳ này, qua bản kiểm điểm hôm nay chắc mày biết sắp được tha. Anh khuyên mày, nghe hay không tùy mày, anh khuyên vì thấy tiếc cho mày và xót cho con bồ mày phải vất vả nuôi mày, thế thôi".

Đêm đó gã mất ngủ, không chỉ mừng vì sắp được tha, mà gã tự nhủ sau này ra tù, sẽ tìm hiểu coi trung tá B khuyên đúng hay sai, và những cái tên ông nhắc đến, họ là người như thế nào mà trung tá B tôn trọng và đánh giá cao.

Gã nhìn ra ô cửa sổ thông hơi của buồng giam, và thấy ánh trăng hôm nay dường như sáng hơn mọi ngày.

08-01-2017

HẾT.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét