Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Từ điển Nguyễn Lân và câu chuyện về sự vô lễ - II

II – ĐIỀU NHẦM LẪN THỨ BẨY – SỰ VÔ LỄ

       Thưa quý vị!
       Ai cũng có lúc trải qua nhầm lẫn, không điều nọ thì điều kia. Nếu muốn thì tự mỗi người trong chúng ta cũng có thể liệt kê ra cho mình những điều nhầm lẫn từng mắc phải trong đời mà không phải khi nào cũng dễ xác định hậu quả của chúng nghiêm trọng đến đâu.
       Khi tôi đăng phần I của bài viết này, có người đọc đã nghĩ rằng tôi chỉ mượn chuyện bà Vòm Trời Riêng để tiếp cận vấn đề. Họ đã nhầm lẫn. Tôi viết bài này với lý do trước tiên cũng là lý do quan trọng nhất, đó là để giữ lễ với bà Vòm Trời Riêng.
       Cho dù bà Vòm Trời Riêng có nhầm lẫn và phi lý đến đâu thì tôi cũng không thể phủ nhận là bà ấy đã bỏ thời gian và nhiệt tình để viết những lời bình luận, chất vấn và than thở. Cho dù tôi và nhiều người chỉ biết bà ấy qua một “nick name” đi chăng nữa, tôi vẫn chấp nhận rằng bà ấy là một nhân vật có thật, xuất hiện và giao lưu ở BTV, tự giới thiệu bản thân bà ấy là một nhà giáo, tức là vai trò trách nhiệm của bà ấy trong xã hội cũng tương tự như ông Nguyễn Lân và ông Nguyễn Lân Dũng. Bà ấy không phải một nhân vật vu vơ mà là người đã giao lưu với tôi trên blog suốt 4 năm qua. Tôi không bao giờ nói bà ấy là một “kẻ hèn nội gián”, mặc dù khi tôi nói tôi sẽ thực hiện bài viết này, có bạn đọc ngăn cản tôi vì cho rằng tôi đang bị bà Vòm Trời Riêng “giật dây”, rằng bà ấy đang mượn tay tôi để làm lớn chuyện về gia đình Nguyễn Lân. Những ai đang tưởng tượng ra những “âm mưu” có thể giữ lại những điều tưởng tượng đó cho riêng mình, nhưng họ không thể thuyết phục tôi rằng đó là câu chuyện nghiêm túc.
       Có một điều tôi không dám cho là bà Vòm Trời Riêng nhầm lẫn: Bà ấy nhắc đi nhắc lại rằng những chuyện ngoài học thuật trong vụ từ điển Nguyễn Lân là chuyện lớn, là chuyện nghiêm trọng. Bà ấy đòi hỏi tôi giữ lời hứa viết bài về chuyện đó, trong khi không chịu để tâm khi bà Phan Lan Hoa đưa ra link bài báo dẫn chứng về việc ông Nguyễn Lân cư xử “ngoài học thuật” như thế nào. Điều đáng nói là sau đó cũng có người ở BTV đưa ra với tôi thắc mắc về vụ phê bình từ điển Nguyễn Lân, mà điều họ thắc mắc cũng không phải vấn đề học thuật. Họ ngạc nhiên không hiểu sao nhiều người phê phán gia đình Nguyễn Lân nặng nề như thế, trong khi họ cảm thấy ông Nguyễn Lân Dũng thật là dễ mến dù chỉ qua một lần tiếp xúc, liệu còn những điều gì ẩn khuất nữa chăng? Tôi nghĩ là tôi hiểu được cảm nhận của họ. Tôi giống họ là có duyên quen biết với ông Nguyễn Lân Dũng qua giao lưu ở BTV, bản thân tôi gặp ông ấy ở ngoài đời không chỉ một lần, và lần nào thì ấn tượng của tôi về ông ấy cũng vẫn thế, không thay đổi: Một người dễ mến, dễ gần, nhẹ dạ, không thâm hiểm.

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Từ điển Nguyễn Lân và câu chuyện về sự vô lễ - I

       I - BẨY ĐIỀU NHẦM LẪN CỦA BÀ VÒM TRỜI RIÊNG

       Thưa bà Vòm Trời Riêng!
       Theo quan sát của tôi, chất lượng những cuốn từ điển của tác giả Nguyễn Lân ra sao là một vấn đề đã ngã ngũ, bàn luận thêm về nó chỉ là chuyện dư thừa. Còn tại sao cuốn sách phê bình từ điển Nguyễn Lân của tác giả Hoàng Tuấn Công mới ra lại gây sốt trong dư luận và nhận được sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có tôi, cũng không là vấn đề phải cần đến tôi để làm sáng tỏ.
       Tôi vốn không có ý định viết bài nào xoay quanh đề tài này, nhưng tôi không thể coi thường bà, sự nhầm lẫn của bà làm tôi phải suy ngẫm. Có lẽ chính vì những chuyện như thế đã bị bỏ qua không được làm rõ, bị né tránh vì thói ngại va chạm của người Việt, nên những người đã nhầm lẫn vẫn cứ nhầm lẫn mãi vì không có ai kiên nhẫn giúp họ nhận ra là mình đã nhầm cả.
       Ông Tín Nhiệm, một blogger ở Blog Tiếng Việt (BTV), đã muốn làm người kiên nhẫn giúp ông Nguyễn Lân Dũng thoát khỏi sai lầm trong thái độ với ông Hoàng Tuấn Công. Như nhiều người đã biết, ông Nguyễn Lân Dũng là một trong những người con của ông Nguyễn Lân, cũng là một blogger lâu năm ở BTV. Ông Nguyễn Lân Dũng được nhiều người biết đến cũng một phần do ông xuất hiện nhiều trên truyền thông với tư cách một nhà khoa học, không phải ngẫu nhiên mà ông tự nhận mình là “người của công chúng”. Khi một người là người của công chúng, nhất cử nhất động của người ấy đều có thể được công chúng quan tâm phân tích mổ xẻ, vì hình ảnh của người ấy ảnh hưởng đến xã hội nhiều hơn những người khác, đặc biệt khi người ấy lại là một nhà giáo như ông Nguyễn Lân Dũng.
       Việc ông Tín Nhiệm đăng “thư ngỏ” gửi ông Nguyễn Lân Dũng là một việc bất đắc dĩ, vì theo như ông trình bày, nội dung thư ấy đã được ông gửi qua email cho ông Nguyễn Lân Dũng để đáp lại thư của ông Nguyễn Lân Dũng gửi đến cá nhân ông Tín Nhiệm sau khi ông Tín Nhiệm đăng trên blog một bài viết giới thiệu sách của ông Hoàng Tuấn Công trong tinh thần ủng hộ công trình ấy (“Đọc "Phê Bình từ điển của GS Nguyễn Lân"- Hậu Sinh Khả Úy”). Ngoài đường link những bài viết có ý phản đối tác phẩm “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, trong email ông Nguyễn Lân Dũng gửi ông Tín Nhiệm có một đoạn viết như sau: