Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

“Pedro Páramo” và một độc giả ít tuổi


       Tôi là một độc giả hồn nhiên, không hiếu thắng, không tham vọng. Gần đây tôi mới để ý và nhận ra điều đó. Tôi đã thừa nhận với nhiều người là tôi đọc ít, một phần do điều kiện hoàn cảnh năng lực riêng của cá nhân, phần còn lại do tôi không tin tưởng nhiều lắm vào sách vở. Những người say mê văn chương có thể ngạc nhiên khi biết có những tác gia kinh điển với những tác phẩm được dịch được in ở Việt Nam từ rất sớm nhưng tôi chưa hề đọc đến. Tôi chưa đọc hầu hết các cuốn sách được giới thiệu là “không thể không đọc” và phần nhiều cũng sẽ không đọc chúng trong tương lai.

       Mọi chuyện rất dễ hiểu nếu quý vị hình dung được điều kiện sách vở ở một tỉnh lẻ vào cái thời tôi còn là học sinh phổ thông, khi tôi có thời gian và có hứng thú thì tôi lại không có nhiều thứ để đọc. Thượng vàng hạ cám cứ món gì đến tay tôi là tôi đọc tuốt. Đọc mà không cần nhớ tên tác giả, không nhớ tên dịch giả. Không nhiều, chỉ đủ để gây thèm thuồng, một cơn thèm không được thỏa mãn cũng không làm ai chết được. Thời ấy cái đói của dạ dày mới là đáng kể. Đến khi hết đói, sách vở nhiều lên thì tôi lại chả còn sức lực cũng như tâm trạng để mà đọc nữa. Những người sống quanh tôi nếu không xem việc đọc sách là hành vi bệnh hoạn thì cũng tốt lắm rồi.

       Gần đây tôi có điều kiện và tâm trạng tốt để đọc, và tôi tiếp tục đọc để giải trí như hồi còn nhỏ. Bây giờ lại nhiều sách quá, mà những cuốn sách được quảng cáo rùm beng không chắc là lựa chọn tốt. Sự thèm thuồng cũng khó quay trở lại. Tôi hầu như làm ngơ với văn chương kinh điển, làm ngơ với các tác giả Nobel cũng như với các tác phẩm mới viết từ hải ngoại được dư luận ưu ái. Tôi đọc sách kiếm hiệp cũ và mừng rằng nó giúp tôi quay lại làm một đứa trẻ.


       “Pedro Páramo… Pedro Páramo… Pedro Páramo…” Những từ này đã làm tim tôi rung lên như nghe thấy tiếng chuông ngân. Một cuốn sách xuất hiện trở lại, không phải sách kiếm hiệp, nhưng làm tái hiện một vài phân cảnh trong tuổi thơ tôi. Lần đầu tiên sau nhiều năm dài, tôi nhớ lại được cái bàn học kê cạnh cửa sổ trong phòng của anh em tôi, cái thời nhà tranh vách đất. Một tấm gỗ hình chữ nhật dày chừng hai phân, rộng chừng hai gang, dài chừng năm gang. Không nhớ tấm ván ấy cố định vào tường và gờ cửa sổ bằng cách nào, còn rìa ngoài thì hai thanh sắt tròn to chừng bằng ngón tay chống lấy mặt bàn và cắm lút xuống nền đất. Hay là nó có cả bốn chân bằng sắt nhỉ? Nhưng tôi chỉ nhớ được hai chân của nó. Ba anh em tôi đã chụm đầu đọc chung từng cuốn truyện trên cái bàn ấy, truyện kiếm hiệp, không phải “Pedro Páramo”.

       Tôi có đọc “Pedro Páramo” trên cái bàn ấy không, hay là trên cái bàn khác, cái bàn có muộn hơn mà tôi có thể nhớ từng chi tiết của nó một cách rõ ràng? Cái nhà tranh mục quá nên bố mẹ tôi đã vay mượn để xây một cái nhà mới lợp ngói. Sau khi vừa xây xong, chưa kịp quét vôi, bố mẹ tôi đã phải đi làm ăn xa để lo trả nợ. Không còn ai nhắc mấy anh em tôi đừng đọc truyện quá khuya, ánh đèn sáng làm mẹ tôi khó ngủ, đã thế còn phải nghe tiếng cười vụt ra khi bọn tôi không kìm nổi. Nhà mới xây lùi về sau, nền nhà cũ thành sân, căn phòng đọc sách vẫn ở cùng bên như lúc còn là nhà tranh, vẫn cửa sổ mở hướng ra sân trước, nhưng không còn là phòng của chung anh em tôi mà chỉ còn là của tôi. Anh cả tôi đã đi lính. Chỉ còn anh trai thứ hai lớn nhất nhà và quyết định mọi chuyện ở nhà. Anh ấy đã gọi thợ đóng cho tôi một cái bàn gỗ tử tế có đủ bốn chân và hẳn hai ngăn kéo, mặt bàn rộng gấp đôi và dài gấp rưỡi cái bàn khi còn ở nhà cũ. Cái bàn mà tôi còn nhớ mùi thơm gỗ mới ấy đã khía vào óc vào tim tôi một nỗi tiếc nuối ngậm ngùi mà ngày nay tôi vẫn chưa quên. Vết khía ấy là cái khe giữa hai tấm ván ghép chạy dọc mặt bàn, do gỗ không phẳng nên ở chỗ ghép mặt bàn bỗng lõm xuống ở đúng vị trí mà tôi phải đặt vở lên để viết. Chuyện không có gì đáng nói nếu hai mảnh ván ấy đổi chỗ cho nhau, mảnh rộng hơn đặt ở chỗ tôi kê vở viết và như thế cái khe lõm sẽ ở về phía bên kia không ảnh hưởng gì cả. Nhưng chắc người thợ mộc không mấy khi dùng bàn để viết hay đọc nên không hiểu được điều đó. Có lẽ vì khiếm khuyết này mà cái bàn được tôi nhớ lâu hơn.

       Tôi đã đọc “Pedro Páramo” trước khung cửa sổ, trên một trong hai cái bàn mà tôi vừa tả. Nếu trên chiếc bàn hẹp có hai chân sắt mỏng mảnh thì là vào thập niên 80. Nếu trên chiếc bàn rộng đủ bốn chân và mặt bàn bị lõm thì là vào những năm 90. Tôi không thể nào chắc chắn được. Tôi chỉ cảm thấy chắc chắn về trang bìa của nó với hai màu vàng sậm và đen. Khối màu đen trên tranh bìa có phải là bóng người đàn ông với cái mũ của ông ta không? Chuyện này tôi không nhớ. Tôi đã google nhưng không tìm được vết tích nào về một bản dịch tiếng Việt của “Pedro Páramo” vào những năm như thế, ngay cả tên tác giả tôi còn không nhớ thì làm sao nhớ tên dịch giả cho nổi.

       Tôi nhớ tôi đã đọc “Pedro Páramo” một mình chứ không đọc chung với các anh. Anh em chúng tôi chỉ có thể đọc cùng nhau truyện kiếm hiệp và trinh thám hoặc những thứ hấp dẫn kiểu tương tự. Anh trai thứ hai của tôi vẫn là một nguồn cung cấp sách truyện đáng kể, mặc dù không phải cuốn nào mang về anh ấy cũng thưởng thức nổi. Tôi đã từng sững sờ giận dữ khi phát hiện ra cuốn “Nghệ nhân và Mác-gơ-rít” bị xé mất vài trang đầu tiên, mà lúc mới về nó còn nguyên vẹn. Bìa cuốn sách có hình con mèo đen to tướng, tên nhân vật Mác-gơ-rít được viết chính xác như thế nào thì tôi không nhớ, tên dịch giả tôi cũng không nhớ. Nhưng tôi nhớ rằng nếu truyện này mà bị mất vài trang đầu thì người đọc sẽ không sao theo dõi nổi câu chuyện nữa. Cơn giận dữ này của tôi bị mắc nghẹn trong cổ không phát ra được mà chuyển thành cơn tuyệt vọng khi biết thủ phạm chính là anh trai tôi, người có công mang cuốn sách về cho tôi đọc. Cuốn sách bị xé vì anh ấy cần giấy đi hố xí. Cái ác và điều thiện chẳng phải khi nào cũng có thể minh định dễ dàng, cuốn truyện nhắc tôi điều ấy, không đúng vậy sao?

       Tôi nhớ “Pedro Páramo” là một quyển truyện cũ còn nguyên vẹn, chưa hề bị xé mất trang nào. Tôi tin chắc tôi đã đọc hết nó không hề bỏ dở. Thời ấy tôi không có bất cứ lý do gì để bỏ dở một cuốn sách mà tôi đã có trong tay, trong khi “Pedro Páramo” là một cuốn sách mỏng. Rất mỏng. Ngày đó, trừ những cuốn sách dịch được in ở Liên Xô, còn thì quyển truyện nào cũng được in bằng một loại giấy đen mỏng, một mặt nhẵn và một mặt thô nhám. “Pedro Páramo” khó có thể là ngoại lệ, vì nếu nó đẹp đặc biệt thì hẳn là tôi đã nhớ. Nó không để lại ấn tượng nào về chất liệu giấy in, chỉ là một cuốn sách bằng thứ giấy xoàng xĩnh không hơn gì nhiều cuốn sách khác. “Pedro Páramo” khi ấy đặc biệt ở chỗ nó làm tôi băn khoăn.

       Tôi không băn khoăn về giá trị của “Pedro Páramo”, tất nhiên là thế. Ngày ấy những truyện nước ngoài trước khi được dịch ra cho độc giả Việt Nam đều đã vang danh trên thế giới từ rất lâu, điều này tôi không chút nghi ngờ. Tôi phân vân là vì mặc dù đọc không sót chữ nào, nhưng tôi vẫn không nắm bắt được câu chuyện, không hiểu được nhân vật. “Pedro Páramo” là tên một nhân vật, tôi nhớ thế, nhưng nhân vật ấy như thế nào thì tôi không còn nhớ. Tất cả những gì tôi nhớ được là có một người đàn ông đi tìm một ngôi làng để hỏi thăm một người. Theo bước chân của ông ta, ngôi làng dường như dần dần hiện lên và cũng dường như dần dần biến mất, các nhân vật hiện lên chuyện trò như hư như thực, không rõ là người sống hay hồn ma. Tôi không nhớ được là người đàn ông đi tìm ngôi làng ấy đã dừng lại ở đâu, đã tìm được điều ông ấy muốn hay chưa. Không có gì kinh dị hay giật gân, câu chuyện chỉ nhuốm lên tôi một không khí u buồn. Tôi đã không đọc lại truyện lần hai, chỉ bảo lưu dấu hỏi cho tác phẩm. Ngày nay tôi diễn giải được câu hỏi ấy thành thế này: Tại sao người ta viết những truyện như vậy và tại sao người ta tìm đọc những truyện thế ấy?

       Tôi đã không hiểu, vì tôi không tìm “Pedro Páramo” mà chính “Pedro Páramo” đã đến tìm tôi. Cuốn sách duy nhất tôi nhớ thủa xa xưa tôi đã đi tìm, đã chuẩn bị một số tiền đáng kể và đi bộ một quãng đường dài để đến được nơi bán nó, đấy là cuốn truyện “Bác sĩ Ai-bô-lít”. Sẽ là nói dối nếu bảo rằng cuốn sách ấy nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp của tôi. Thật ra thì không liên quan gì cả, chỉ là tình cờ tôi đã trở thành bác sĩ. Tôi không giỏi như vị bác sĩ trong truyện, vì thế nên chưa từng được cưỡi một con Kéo Đẩy.

       Ngày nay tôi cũng không đi tìm những cuốn sách, những cuốn sách cũng ít khi tìm tôi, chúng tôi thường chỉ tình cờ gặp nhau, tôi thích thế. “Pedro Páramo… Pedro Páramo… Pedro Páramo…” Tim tôi rung lên bồi hồi khi nghe âm điệu ngân nga đó. “Pedro Páramo” đã quay trở lại, lần này nó không tìm tôi nữa mà chỉ ở đấy ngân nga thúc giục.

       Căn phòng xưa còn đó mà tôi đã xa lìa. Chiếc bàn anh hai tôi đặt đóng cho tôi giờ ở đâu tôi không biết. Những người trong gia đình tôi ngày ấy đi xa đều đã quay về, nhà mới ngày xưa nay đã bắt đầu mục nát, hai anh em tôi không còn đó nữa. Mẹ tôi không còn than phiền về nỗi anh em tôi thắp đèn đọc truyện và cười giữa đêm khuya, nhưng bà vẫn khó ngủ y như cũ. Thỉnh thoảng bà sẽ lắc đầu thở dài vì không hiểu được đời chúng tôi rồi đây thành ra thế nào. Tôi cầu cho bà không còn phải biết thêm chuyện ly kỳ giật gân nào xảy đến với anh em tôi trước khi bà sang cõi khác. Bố và anh cả tôi là những người ít nhạy cảm hơn, có lẽ cũng nhờ thế mà vững chãi.

       “Pedro Páramo”. Tôi không tìm cuốn sách đó. Tôi cần nó để tìm lại tôi của xa xưa, để trả lời câu hỏi rằng vì sao ngày ấy tôi không hiểu nổi một câu chuyện được kể chỉ trong một cuốn sách. “Pedro Páramo” của hôm nay trên bìa có màu xanh lá, còn tôi “Đen-Vàng Sậm”. Sách hôm nay dày hơn hẳn ngày xưa, nhờ chất giấy và sự thoáng đãng khi giãn dòng, lời giới thiệu có dài hơn không thì tôi không rõ. Tôi đã biết ngày xưa khi đọc “Pedro Páramo” thì tôi mới chỉ là một đứa bé đọc chữ thạo. Cuốn sách kể quá nhiều câu chuyện với quá ít chữ. Đứa bé biết chữ chứ chưa biết chuyện. Cuốn sách không diễn giải những câu chuyện mà xướng lên những nốt nhạc dưới hình thức ngôn từ. Khi một người đọc từng trải nghe những lời ca vu vơ đó, từng lời từng nhịp một lần nữa như những ngón tay nghệ sĩ nhấn lên từng phím trên cây đàn muôn điệu tơ lòng của độc giả, những khúc nhạc những lời ca cứ thế tuôn trào cứ thế kể lể vô vàn câu chuyện. Kinh nghiệm sống của người đọc càng phong phú bao nhiêu thì tác phẩm với họ càng hay bấy nhiêu.

       Còn gì phong phú hơn là những kinh nghiệm đau thương của kiếp sống con người? Những niềm vui, những hạnh phúc mới cũng phải bắt rễ từ cái nền mục nát đó. Khi tôi là một đứa trẻ, tôi có thể nhận ra vẻ u buồn của thiên truyện, nhưng tôi không hiểu được mạch sống ngầm chảy dưới câu chuyện của những hồn ma bóng quế.

       Càng lắm đau thương càng nhiều hy vọng. Đọc “Pedro Páramo” mà biết rằng hay thì tất nhiên là chuyện hay. Nhưng tôi tin không ai cần mong muốn điều đó.



                                                                                                          24-12-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét