Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Phỏng vấn nhà bình luận chính trị Quang Hữu Minh

       
       Tháng Tư năm 2017, khi tìm hiểu về hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở mảng "chưa được cấp phép", tôi đã thực hiện phóng sự mang tên "Nhóm Biển Xanh với người dân và Formosa", trong đó nội dung chủ yếu là các cuộc phỏng vấn. Không tìm được báo nào thích hợp để đăng, tôi đã đưa nội dung các cuộc phỏng vấn đó vào bài "Đối thoại tháng Tư", mở đầu cho chuyên mục "Phóng sự" của blog này.
       Năm 2017 vừa qua là một năm có rất nhiều các sự kiện chính trị xã hội bất ngờ, báo hiệu một thời kỳ vô cùng "nhạy cảm" của đất nước. Nhà hoạt động Nguyễn An Dân, nhân vật khởi xướng nhóm Biển Xanh với chương trình vận động chữ ký yêu cầu minh bạch Formosa vào tháng Ba năm ngoái, hiện được biết tới nhiều hơn chủ yếu trong vai trò của một nhà quan sát bình luận chính trị. Nhân vì phóng sự dang dở của tôi năm ngoái liên quan đến nhóm Biển Xanh, tôi đã đề nghị với anh một cuộc phỏng vấn mà tôi cho đây là thời điểm thích hợp. Nguyễn An Dân đã dùng tên khai sinh là Quang Hữu Minh kể từ khi trả lời phỏng vấn của BBC hồi tháng 10-2017: "VN: Vì sao chưa "nhất thể hóa" các chức cao nhất?"  

       Cuộc phỏng vấn này được thực hiện tại Đồng Xoài, Bình Phước vào 21h 18-01-2018.

       Ái Nữ (AN):  Như anh đã biết, những bài phỏng vấn tôi thực hiện hồi tháng Tư năm ngoái về hoạt động của nhóm Biển Xanh thì tôi chưa thành công trong việc hợp tác với báo chí, vì thế nên tôi đã mở riêng một chuyên mục tại blog của tôi để đăng tải những thông tin đó. Rất cảm ơn anh ngày hôm nay đã đồng ý trả lời phỏng vấn của tôi như là phỏng vấn của một blog cá nhân. 
       Đầu tiên, tôi muốn tiếp tục biết những thông tin về nhóm Biển Xanh. Nhóm Biển Xanh còn tồn tại và hoạt động hay không, nếu còn thì đường hướng hoạt động trong thời gian sắp tới ra sao?
      
       Quang Hữu Minh (QHM):  Ở đây chúng ta phải có sự phân biệt:  chương trình vận động chữ ký Formosa là riêng và nhóm Biển Xanh là riêng. Nhóm Biển Xanh chỉ là một nhóm những người quan tâm đến hiện tình đất nước thực hiện chương trình chữ ký này. Nếu không có nhóm Biển Xanh thì sẽ có những nhóm khác, nếu như họ muốn tiếp tục thì chương trình vẫn thực hiện được. Khi đó thì mặc dù nhóm Biển Xanh đã giải tán nhưng tôi sẽ bàn giao lại cho những nhóm khác (nếu họ muốn làm) những danh sách chữ ký đã thu thập được, mạng lưới những anh chị em đã từng đi vận động chữ ký, thậm chí là cả một phần tài chính còn dư. Nếu có nhóm Biển Đỏ hay nhóm Biển Vàng, Biển Trắng nào đó đứng ra tiếp tục làm công việc của nhóm Biển Xanh thì dự án vẫn còn nguyên giá trị.
      
       AN: Năm ngoái, nhóm Biển Xanh với hoạt động minh bạch Formosa, mặc dù hợp pháp nhưng đã bị can thiệp từ phía an ninh, cho nên các hoạt động dừng lại. Năm 2017 vừa qua đã có những nhà hoạt động bất đồng chính kiến bị kết án tù rất nặng, cụ thể là chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bản án 10 năm tù, chị Trần Thị Nga 9 năm tù. Anh có dự báo gì về khả năng và giới hạn hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự chưa được cấp phép trong thời gian tới?

      

       QHM:  Khi mà công an Sài Gòn họ quyết định giải tán nhóm Biển Xanh thì họ nói rằng việc thu thập chữ ký minh bạch là đúng, nhưng tư cách pháp nhân hoạt động của nhóm chưa đúng, do nhóm chưa đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động hội nhóm. Đó là lý do họ giải tán nhóm. Đó là nói về việc của nhóm Biển Xanh. 
       Nói rộng ra về xã hội dân sự và dân chủ chính trị của đất nước thì tôi cảm thấy không mấy lạc quan. Ở đại hội khóa XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam thì trong Đảng vẫn có những luồng tư tưởng chấp nhận xã hội dân sự, chấp nhận kinh tế thị trường, chấp nhận đa nguyên về chính trị, đa phương về ngoại giao. Hiện nay những xu hướng đó đã phải tàn lụi đi do quyết định 102 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CS Việt Nam vừa ban hành vào tháng 11-2017. Chúng ta thấy rằng Đảng cấm đoán các hoạt động xã hội dân sự dân chủ của nhân dân thì Đảng tự mình ngăn cản mình trước. Chính vì Đảng có động thái đó nên tôi không mấy lạc quan.
       Cái thứ hai là các nhà hoạt động đối lập với chính quyền thì án nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào họ đối lập theo hình thức nào, đối lập đến mức nào. Tuy nhiên hiện nay có một sự buông lỏng nhất định cho những người đối lập mà hoàn toàn không liên quan đến các đảng phái ở nước ngoài, còn những hoạt động của những người đối lập mà có liên quan đến các hoạt động đảng phái ở nước ngoài thì tôi cho là không mấy lạc quan. Thứ nhất là quan điểm của Đảng họ không thích. Thứ hai là chính phủ các nước mà các đảng phái đó hoạt động cũng không lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền như trước đây. Thí dụ như chính sách mới của Mỹ với Đảng CS Việt Nam là họ chuyển hóa Đảng CS Việt Nam chứ họ không đặt nặng vấn đề nhân quyền dù vẫn có nói. Xét về yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài thì tôi không thấy có gì lạc quan.

Nhà bình luận chính trị Quang Hữu Minh - Hình chụp vào tối 18-01-2018

      
       AN:  Tôi đánh giá rất cao bài trả lời phỏng vấn BBC của anh ngày 27-10-2017 về vấn đề nhất thể hóa. Anh có nói là theo anh thì nên nhất thể hóa lên cấp trung ương, kể cả các chức danh cao nhất như chủ tịch nước, tổng bí thư. Với tình hình hiện nay, theo quan sát của anh thì sự nhất thể hóa đó sẽ xảy ra sớm hay không?
      
       QHM:  Theo tôi thì sự nhất thể hóa này sẽ xảy ra sớm. Tại vì hiện giờ thì quyền lực về mặt thực tế đã tập trung hết về tổng bí thư, mặc dù trên danh nghĩa thì các chức danh khác như là thủ tướng, chủ tịch nước vẫn tham gia công việc điều hành đất nước, nhưng vai trò mờ nhạt và hạn chế hơn trước đây nhiều. Mà nếu thực chất đã nhất thể hóa về quyền lực thì tiến tới nhất thể hóa luôn về hình thức về chức danh cho danh chính ngôn thuận. Chứ danh không chính thì ngôn không thuận. Bất kỳ ai đang tập trung quyền lực về mình, không chỉ riêng ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đều muốn danh chính ngôn thuận để họ còn làm việc. Còn việc làm của họ tích cực hay không tích cực cho đất nước là chuyện về sau. Nhất thể hóa là một điều kiện cần trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, phải tập quyền rồi mới tản quyền được. Tản quyền là theo hình thức mới, chứ không phải tản quyền như bây giờ. Nhất thể hóa là một điều kiện cần, nó chưa phải là điều kiện đủ, nhưng nếu không có nó thì các điều kiện đủ không thể xảy ra được. Xét về Đảng, về dân chủ, về đối nội đối ngoại chúng ta nên nhất thể hóa.
      
       AN: Ngày hôm qua, nhiều báo chính thống đồng loạt đăng tin nhấn mạnh về phát ngôn của nhân vật Trịnh Xuân Thanh trước tòa, trong đó ông Trịnh Xuân Thanh đặc biệt gửi lời xin lỗi đến ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin ông ấy thương như thương con cháu trong gia đình và tạo điều kiện nương nhẹ, gọi ông ấy là “bác” và xưng “cháu”. Tôi có xem clip của báo Thanh Niên và thấy là các báo đã nói không sai về chi tiết này. Tôi không biết phải hiểu ra sao về cách xử xự ấy của ông Trịnh Xuân Thanh. Nó đơn giản chỉ nói lên hiểu biết ấu trĩ của một vị quan chức, hay là triệu chứng báo hiệu sự nhất thể hóa mang màu sắc tiêu cực? Tôi muốn nghe ý kiến của anh về việc này.
      
       QHM: Chúng ta muốn xét cái phát ngôn của ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa thì phải xét một quá trình xét xử và bản chất vụ án Trịnh Xuân Thanh, chứ không phải chỉ căn cứ vào một phát ngôn để đánh giá về một quá trình. Có những tấm hình mà báo chí nhà nước chụp hình đưa lên, chúng ta thấy là Trịnh Xuân Thanh có những nụ cười rất thanh thản, mặc dù anh ta biết anh ta phải đối mặt với mức án chung thân hoặc tử hình. Có nghĩa là cái thanh thản ở đây là thanh thản về tâm lý. Thành ra là dư luận phê phán ông Trịnh Xuân Thanh chuyện xưng “bác cháu” rồi xin lỗi ông tổng bí thư mà không ai hiểu được cái ý của Trịnh Xuân Thanh. Muốn hiểu được ý của Trịnh Xuân Thanh phải nhìn vào những nụ cười trong những phiên tòa diễn ra trước đó. Ở đây ông Trịnh Xuân Thanh muốn gửi gắm ra một thông điệp rằng cái sai của Trịnh Xuân Thanh là cái sai của bề dưới đối với bề trên. “Cháu” là bề dưới, “bác” là bề trên. Nó không còn là vấn đề pháp luật hay là vấn đề về mặt tổ chức nữa. Đáng lẽ là ông Trịnh Xuân Thanh nên nói là xin lỗi đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải là “cháu” xin lỗi “bác” Nguyễn Phú Trọng, đó là nói về mặt Đảng. Thành ra đây là cái xin lỗi của bề dưới đối với bề trên. Cái thứ hai, ông Trịnh Xuân Thanh muốn nói rằng cái sai của ông Trịnh Xuân Thanh là cái sai với cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, chứ ông Trịnh Xuân Thanh không sai với nhân dân và với Đảng. Lẽ ra ông Trịnh Xuân Thanh nên xin lỗi nhân dân về mặt pháp luật, còn về mặt Đảng thì xin lỗi Đảng. Ông Trọng cũng chỉ là một đồng chí của ông Trịnh Xuân Thanh thôi, về mặt Đảng nó là như thế. Chúng ta thấy là trong lời phát biểu, ông Thanh có nói là tôi xin được về Đức thăm vợ con, có nghĩa rằng ông Thanh muốn nói là tôi không có đi đầu thú, bởi vì nếu ông Thanh đi đầu thú thì ông Thanh phải đón cả vợ con về đây, nó mới đúng ý nghĩa là một người biết rằng mình sai, mình đi đầu thú để sửa cái sai của mình. Ông Thanh muốn nói với dư luận rằng nhà của tôi là ở Đức, tôi muốn được về Đức. Tại sao ông Thanh không nói là tôi muốn đón một cái tết ở Việt Nam, xin được tại ngoại để đón một cái Tết ở Việt Nam mà nói rằng tôi muốn được trở về Đức? Có nghĩa là đối với ông Thanh bây giờ, ông không còn coi Việt Nam là đất nước của ông nữa, ông muốn trở về với nước Đức. Phải hiểu cái thông điệp như vậy. Chúng ta phải nhìn cái đó cộng với những nụ cười mím chi, thanh thản và hơi có phần khinh đời của ông Trịnh Xuân Thanh để hiểu về tâm lý phát ngôn của ông Trịnh Xuân Thanh. Hiểu như vậy để chúng ta hoặc là phê phán ông Trịnh Xuân Thanh cho nó trúng nếu cần, hoặc là chúng ta hiểu những thông điệp chính trị của những người trong cuộc nói ra.
       
       AN: Câu hỏi cuối cùng: Facebook cá nhân của anh đang được nhiều người theo dõi để tìm hiểu, tham khảo về tình hình chính trị. Vậy mà giữa lúc có nhiều sự kiện sôi nổi kịch tính, anh lại đóng Facebook. Do anh bận nhiều việc quá, hay là có vấn đề gì nhạy cảm?
      
       QHM:  Có cái chung và cái riêng. Nói về cái riêng thì Facebook của tôi, tôi mở nó ra được thì tôi đóng nó được, nó không phục vụ cho ai hay là thế lực nào, tôi có toàn quyền chủ động đóng hay mở nó mà không phải chờ xin ý kiến của ai cả.
       Nói về cái chung thì người ta hay lẫn lộn giữa phe chuyển hóa và đường lối chuyển hóa. Phe chuyển hóa có nghĩa là ông này ông kia trong Đảng lắp ghép lại. Còn đường lối chuyển hóa của Đảng là một hệ tư tưởng, nó phù hợp với quy luật vận động chính trị đa nguyên và đa phương hóa của Đảng CS Việt Nam. Người ta sai lầm khi nghĩ là tôi thuộc về phe chuyển hóa, mà người ta quên là tôi đang thúc đẩy đường lối chuyển hóa. Khi bàn về đường lối thì phải bàn về phe, chứ đường lối mà không có phe thì không có đường lối. Đó là một. Cái thứ hai, như tôi nói, đường lối chuyển hóa của Đảng CS Việt Nam phải tiếp tục, cho dù là ông A ông B ông C nào đó có hay không có quyền lực. Tại vì rõ ràng là ông có quyền lực ông chuyển hóa rồi ông về hưu ông mất quyền lực, trong cái đầu ổng nó vẫn chuyển hóa, sự chuyển hóa vẫn diễn ra liên tục, giống như chúng ta hít thở vậy, làm sao ngừng được, chỉ là nổi lên hay lắng xuống. Cái thứ ba, cội nguồn của vấn đề chuyển hóa là gì? Là tư bản dùng kinh tế chuyển hóa chính trị Việt Nam. Tư bản ở đây là Mỹ. Các bạn hãy chú ý rằng ông cựu bộ trưởng ngoại giao của Mỹ là một nhân vật đã từng xếp hàng quyền lực số ba ở Mỹ, chỉ sau tổng thống và phó tổng thống. Ông ấy đang có mặt ở Việt Nam. Tôi thừa biết một điều rằng là về danh nghĩa thì ông ấy sang đây hỗ trợ Việt Nam làm điện gió, nhưng bên trong thì chắc chắn rằng ông ấy sẽ thực hiện những kế hoạch có lợi cho chính sách của nước Mỹ để chuyển hóa Việt Nam. Có một nhân vật tầm cỡ như thế hiện diện ở Việt Nam rồi thì sự có mặt hay không có mặt của Facebooker Quang Hữu Minh cũng không đảo ngược được tiến trình của lịch sử.
       Tuy nhiên, Facebook của tôi đóng lại cũng để tôi gạn lọc những bạn đọc trong nhà tôi. Tôi muốn gạn lọc lại những người thực sự đọc Facebook của tôi để tìm hiểu về hiện tình đất nước, tôi không muốn tiếp nhận những người vào đọc rồi không chịu ngẫm nghĩ để hiểu vì sao người viết viết như vậy mà phê bình phiến diện một chiều. Rồi những người đọc mà họ cho rằng tôi nói vô lý, nhưng họ vẫn đọc thì tôi không hiểu họ đọc để làm gì, những người đó tôi không cần họ đọc của tôi.
       Cái thứ ba là tôi cũng muốn mình lắng lại một thời gian, nhìn nhận lại mình, xem sắp đến con đường chính trị của đất nước sẽ đi về hướng nào, mình nên viết những cái gì để phục vụ quần chúng tốt hơn.
       Cái cuối cùng tôi muốn chuyển đến thông điệp khi đóng Facebook một thời gian là gì? Chúng ta là những người viết lách trên mạng xã hội, đọc mạng xã hội, chúng ta phải tập làm quen với việc một người có quyền đóng hay mở Facebook của họ, chúng ta đừng suy diễn hay bàn tán những gì thuộc về đời tư của họ. Đó là tập cho bạn đọc của tôi thói quen sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, đúng nghĩa, và hợp lý.


       AN:  Vâng, rất cảm ơn sự chia sẻ của anh ngày hôm nay!

                                                                                            Đăng ngày 19-01-2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét