Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

“Chết trong ngày Chúa Nhật”– cơn hồng thủy?


       Trong tháng vừa rồi có một sự kiện, đó là một cuốn tiểu thuyết gần chục năm nay lăn lóc chu du qua cửa các nhà xuất bản nhưng chưa từng được nơi nào đón nhận, đã đến tay người đọc bằng câu thần chú “lưu hành nội bộ”.
       
       Mấy năm trước tôi nghe có nhà phê bình nói rằng văn học Việt Nam những năm gần đây “không có tác phẩm”, họ cũng phủ nhận sự tồn tại của “văn học ngăn kéo”. Tôi thì lười nên vẫn cứ trông chờ những người đọc chuyên nghiệp và chăm chỉ. Thông tin ra sách vẫn ào ào và trong đó rất nhiều tác phẩm “gan ruột” của các cây bút, nhưng tôi vẫn chưa thể quan tâm. Tôi không đọc. Các nhà phê bình hình như đã rút vào “cổ mộ” thì phải, âm thanh từ phía họ không vang đến tôi.
       
       Tôi không nghiên cứu phê bình văn học cũng không làm nghề xuất bản, chuyện nước nhà có hay không có tác phẩm văn học “ra hồn” không phải chuyện của tôi. Tôi không cần vội.
       
       Thế mà tôi đã vội vã đọc “Chết trong ngày Chúa Nhật” ngay khi sách vừa lưu hành. Có mấy động cơ đồng thời. Thứ nhất là cơ hội tìm hiểu khung thẩm mỹ văn chương và mức độ kiểm duyệt (bị phàn nàn bất bình quá nhiều) của các nhà xuất bản hiện tại. Thứ hai là tò mò muốn biết với nhịp văn (đều đều chán ngắt) như ở vài trang hé lộ trước thì người viết chuyển nhịp kiểu gì, còn trong trường hợp cả sáu trăm trang (nghe nói là không hề xuống dòng) vẫn giữ nguyên nhịp như vậy thì thần kinh của tôi có tiếp nhận được suôn sẻ không, trong khi có những người chỉ xem một trang đã bỏ cuộc vì họ sợ đọc một thứ như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm hứng đọc văn chương của họ. Thứ ba là… Có động cơ thứ ba nữa không nhỉ? Có chứ! Nhưng động cơ này mơ hồ khó gọi tên ra được, có lẽ đó là linh cảm.




*
       Vội đọc nhưng không đọc vội. Sau năm ngày tôi mới đọc hết cuốn sách.
       
       Trái với lo ngại của tôi, hóa ra là truyện dễ đọc hơn tôi tưởng rất nhiều, mặc dù đúng là không hề xuống dòng chia đoạn cũng không hề đổi nhịp. Không thiếu những dấu chấm dấu phẩy, tuy vậy tôi không chắc lắm về ảnh hưởng của những dấu câu này tới nhịp văn, bởi vì “đội quân” này thậm chí lơ đễnh ngay cả trong việc giữ gìn trật tự ngữ pháp vốn là nhiệm vụ đầu tiên then chốt của chúng. Dù các dấu chấm dấu phẩy lúc thưa thớt lúc dày đặc thì nhịp văn vẫn thế, vẫn cứ đều đều mà không có chỗ nào khác biệt hoặc nếu có thì cũng không đủ để tôi kịp nhận ra vì tôi đã bị cuốn đi theo nhịp suy tưởng của nhân vật mà không còn đủ sức để tâm đến nhịp văn nữa. Và cứ như thế từ đầu đến cuối. Nhưng bù lại mỗi khi tôi muốn tôi đều có thể dừng lại nghỉ, chỉ cần ghi nhớ trang mình đang đọc dở là trang thứ bao nhiêu, không cần tiếc nuối vì mình đã bỏ không theo kịp cao trào nào đó của truyện. Bởi vì trước sau như nhất cũng chỉ có một thằng cha lải nha lải nhải trong óc hắn ngày này qua tháng khác không có dấu hiệu kết thúc, chỉ có cuốn sách là kết thúc sau hơn sáu trăm trang.
       
       Những người muốn giữ gìn cảm xúc trong trẻo tươi sáng lạc quan yêu đời hoàn toàn đúng khi chọn bỏ qua không đọc truyện này. Ngay từ mở đầu, thằng cha nhân vật đã trưng chộ mớ lý sự lằng nhằng câu từ rối rắm, một trong những dấu hiệu điển hình khiến người ta lập tức nghĩ tới những kẻ nốc lắm sách vở chữ nghĩa nhưng không làm ra chuyện gì có kết quả, như khi nhìn đám dây khoai mọc bò tràn lan rậm rạp thì ta biết là không thể mong thu hoạch được củ vậy. Vâng nhưng khoai không phải khi nào trồng cũng để lấy củ, nếu ta được mời xơi lá xơi ngọn thì cũng hãy cứ thưởng thức vì rau khoai dù sao cũng lành. Ái dà cái gì nữa này, giữa rau có sâu? Giữa mớ chữ nghĩa điệu bộ loằng ngoằng bỗng chồi ra những hồi tưởng hoặc mơ tưởng dâm dục cùng những từ bậy bạ tục tĩu. Vậy là bản năng của con thú vẫn còn trong hắn mà chưa bị những khái niệm nuốt chửng. Thôi vậy thì cũng chẳng tệ quá! Mới chỉ chưa đầy chục trang đã vậy, cứ theo dõi tiếp xem hắn thế nào…
       
       Ô hô ai tai nào đâu phải chỉ có khát dục, thằng nhân vật này, à không, bốn thằng này (thì ra là có tới bốn thằng cơ) đã giẫm qua một lằn ranh đạo đức. Bọn chúng thuê chung một cô gái điếm. Ngủ với gái điếm thì chưa có gì đặc biệt, nhưng đây bọn chúng đem cô vào ở chung cùng một nhà và chia phiên hưởng thụ, thế này thì đày ải nhau quá! Ơ nhưng gì thế? Mỗi thằng mỗi tháng chi cho cô điếm nửa tháng lương của mình à, tử tế nhỉ? Giờ thì chả biết là gái điếm hay nàng Bạch Tuyết nữa. Bọn chúng giàu lòng thương xót vậy ư? Thậm chí bọn chúng còn sợ chúng sẽ yêu nàng…
       
       Ô không hóa ra chỉ là trò tự lừa đảo bản thân của thằng “tôi” ấy thôi. Trong tầng tầng lớp lớp ký ức nhập nhoạng của hắn đã hiện ra tội ác kinh hoàng: Cô gái điếm tên Hạnh kia hóa ra không phải là gái điếm được bốn thằng Tùng-Lâm-Hưng-Vũ ấy thuê về, cô ta cũng chưa từng là gái điếm, cô ta bị bọn chúng hiếp dâm tập thể và bắt mang theo làm nô lệ tình dục cho chúng. Cô gái non tội nghiệp chẳng làm sao thoát được…
       
       Thật quái quỷ! Thì ra tôi đã bị thằng “tôi” kia với lải-nhải-tràng-thiên của hắn lừa một vố thật to. Giờ thì tôi không làm sao còn biết được tội ác kia có thật đã từng xảy ra hay không, rốt cục cô Hạnh kia là gái điếm hay nô lệ tình dục sau khi bị hiếp dâm, và cô tên Hạnh là chị gái hay em gái hay bạn gái hay mẹ của một thằng “tôi” nào, cô Hạnh này chỉ là một cô hay là có nhiều cô đều trùng tên Hạnh…
       
       Đã bao giờ quý vị gặp một kẻ mà ngay từ phút đầu tiên y đã cho quý vị cái ấn tượng rằng y là một nhân vật đặc biệt xuất chúng với khả năng tư duy logic cùng lập luận sắc bén đến nỗi dù y có khác lạ sao đó thì quý vị vẫn mở lòng chấp nhận lắng nghe rồi sau vài tiếng đồng hồ hoặc sau một số ngày quý vị mới ngã ngửa ra rằng y là một bệnh nhân tâm thần? Vâng tôi đã từng. Ấy thế mà kinh nghiệm đó chẳng giúp gì cho tôi khi đọc tiểu thuyết này, đến khi vỡ lẽ cái thằng cha nhân vật chỉ là thằng điên đa nhân cách thì tôi đã ngốn hết nửa cuốn sách chứ ít gì đâu!
       
       Thật ra tôi cũng chẳng nhớ tôi phát hiện “tôi” là thằng điên từ đoạn nào từ trang nào, nhưng thôi truy cứu chuyện ấy chẳng ích gì còn làm mất thêm thời gian của quý vị. Tóm lại, có thể gọi cái thằng Vũ-Hưng-Lâm-Tùng ấy là nhân vật Một-Chẻ-Tư Hoặc Bốn-Trong-Một, tức là tính thành một thằng hay bốn thằng đều được. Tại sao lại là bốn mà không phải là ba hay năm? Cụ thể thì trong truyện có vài cách “liệt kê”. Cách thứ nhất: một nhà lãnh đạo cách mạng, một thầy tu, một nhà thơ và một đao phủ. Cách thứ hai: một kẻ độc ác luôn tỏ ra độc ác, một kẻ độc ác luôn tỏ ra tử tế, một kẻ tử tế luôn tỏ ra độc ác và một kẻ tử tế luôn tỏ ra tử tế. Hình như có vài cách nữa mà không rõ ràng chính xác lắm nên tôi quên rồi.
       
       Đã chấp nhận nhân vật đang kể chuyện là kẻ mang bệnh tâm thần với những cơn hoang tưởng thì độc giả không cần phải lo lắng về chuyện mình không sao nắm nổi đầu đuôi câu chuyện mà hắn kể cũng như những nhân vật trong câu chuyện là ai với ai nữa, và cứ thoải mái yên lòng mà nghe hắn tường thuật những hành vi đê tiện phi nhân mà hắn và đồng bọn thực hiện, vì kẻ điên không phải chịu trách nhiệm gì dù tội ác có thật hay tưởng tượng. Cũng chính từ lúc tôi vừa kịp nhận ra Tùng-Lâm-Hưng-Vũ là một thằng hoặc một bọn tâm thần thì mức độ điên rồ, đau đớn, ác độc, kinh tởm, tàn khốc, tuyệt vọng trong câu chuyện cũng tăng dần… Người đọc không còn lo cho nhân vật mà có lẽ cần lo cho chính mình.

*
       Tôi đã nhận ra cái nhịp văn nhanh đều đều suốt từ đầu đến cuối truyện ấy chính là nhịp mưa. Một trận mưa ngôn từ xối xả trút xuống, mới đầu tưởng không nguy hiểm gì mà ngờ đâu không dừng không tạnh, mây đen cứ tiếp tục kéo đến ngày càng dày càng nặng, nước dâng lên dần thành một cơn lũ làm xói lở và cuốn trôi những gì với ta là cần thiết quý giá, đồng thời làm nổi dềnh lên những thứ bẩn thỉu hôi thối mà không bao giờ ta muốn nhìn muốn ngửi, rồi dần dần đồ quý hay rác rưởi cũng không còn quan trọng nữa vì ngay cả nơi trú ẩn cuối cùng của ta cũng bị cuốn đi…
       
       Những nhân vật trong truyện từ chối mọi hy vọng và mơ ước thanh cao, vì những gì đẹp đẽ không hề có trong đời thực của họ mà chỉ có trong Kinh Thánh. Những biểu tượng ẩn dụ trong Kinh Thánh khi đem ghép vào những tình tiết trong câu chuyện của họ trở thành lố lăng kệch cỡm hoặc chua xót tức cười. Một cơn mưa không đủ dài để nhấn chìm những kẻ chờ chết, một con tàu được làm để phòng ngày tận thế mà dang dở không bao giờ xong, một đường hầm tiêu tốn cả phần dài ngoẵng của cuộc đời đến ngày đào xong thì hóa ra chẳng còn cần dùng vào việc gì, một kẻ rao tin mừng lại là thằng tâm thần làm bạn bè người thân xấu hổ…
       
       Tam Yên, “miền đất hứa” của những thằng “tôi” ấy không có bằng chứng gì về sự tồn tại của nó, nhưng dù bốn thằng Tùng-Lâm-Hưng-Vũ có cãi nhau thế nào thì bọn họ vẫn luôn thống nhất trong việc phải tìm đến Tam Yên, dù không ai trong số họ biết Tam Yên có gì chờ họ ở đó. Đến sẽ biết. Họ tìm hoài không thấy, hoặc không ai chịu chỉ đường hoặc có kẻ chỉ đường nhưng lại là lừa dối. Với những kẻ cho là họ biết Tam Yên ở đâu (những người không tìm Tam Yên) thì Tam Yên khi là một trại cai nghiện, khi là một nhà tù, có khi lại là một trại tâm thần. Khi bọn “tôi” đến Tam Yên thì Tam Yên là một nơi hoang phế chết chóc, nhưng họ đều nhận đó chính là Tam Yên của họ. Điều gì chờ họ ở đó? Một tiếng nói thì thầm bên tai nhận là Đấng Phán Truyền thôi thúc “tôi” hãy giết người mình yêu dấu nhất để hiến tế. “Tôi” hoàn tất việc đó, rồi điều gì xảy ra? “Tôi” nhận ra mình đã bị lừa. Chỉ có thể là ma quỷ chứ không phải Đấng Hằng Hữu nào cả.
       
       Thằng “tôi” ấy có bị điên thật không? Tất cả là do người đọc tự suy đoán chứ tác giả không hề kết luận điều gì. Nhưng chắc chắn là trong mọi câu chuyện của “tôi” có quá nhiều điều dối trá. “Tôi” đã tưởng thế là thật trong cơn điên hay là ngay cả trong cơn điên hắn cũng cố tình né tránh sự thật? Tất cả đều có thể.

*
       Những độc giả mong đọc văn chương để thưởng thức sự bóng bẩy của ngôn từ hay những cảm xúc đẹp đẽ dịu ngọt thảy đều nên tránh xa tác phẩm này. Những từ ngữ thô lỗ, những triết lý sống sượng nhai lại, những câu thoại cụt lủn đơn điệu… được thằng Một-Chẻ-Tư Hoặc Bốn-Trong-Một thổ ra tràn lan ngập ngụa. Có những khi chẳng thể nào tránh khỏi, hồi ức về người mẹ, người chị, người em gái… với tình thương rất đỗi tha thiết rất đỗi dịu dàng sống dậy nhưng liền ngay đó bị vùi dập trong nỗi xót xa. Đôi chỗ hiếm hoi, khi thằng “tôi” mơ màng nhớ về một người con gái nào đó với cảm xúc trong trẻo, hắn đột nhiên quên mất giọng điệu thô thiển và lúc đó độc giả được thấy những hồi ức tuyệt đẹp, giống như giữa cả màn mây dày xám xịt bỗng hé ra một khoảng trời trong xanh nhưng chỉ trong phút chốc đã bị lấp kín như cũ.
       
       Những câu chuyện không đầu không đuôi đột ngột thay đổi nối tiếp nhau với nhịp văn đều đều hối hả đã gợi lên cho người đọc những trường liên tưởng chồng chất, những nỗi ám ảnh mà tôi không thể phủ nhận rằng chúng rất thật.

*
       Có lẽ sẽ không nhiều người đọc tiểu thuyết này, bởi vì tuy nó không khó đọc nhưng đọc nó rất khó chịu. Một tác phẩm không chiều chuộng độc giả, không khoan nhượng, không né tránh. Một tác phẩm không dễ viết.
       
       Trước đây tôi chưa từng đọc truyện nào của Nguyễn Nguyên Phước và thậm chí chưa từng biết tới tên anh. Tôi cảm thấy may mắn đã đọc “Chết trong ngày Chúa Nhật”, vì với tôi đó là bằng chứng xác thực rằng trên mảnh đất này những nhà văn vẫn còn đang sống.
       
       Một tác phẩm tự vấn nghiêm khắc, đủ sức nặng để đối thoại.
       
       Tôi không nghĩ tiểu thuyết này của Nguyễn Nguyên Phước sẽ ảnh hưởng đến hình thức hay nội dung chuyện kể của những nhà văn khác, nhưng nó góp phần ảnh hưởng đến việc những câu chuyện có thể không bao giờ kể ra sẽ được kể ra. Một mình nó không đủ là một cơn hồng thủy, nhưng rất có thể nó là tín hiệu mở đầu cho “cơn hồng thủy”.
       
       Tôi tin “Tam Yên” của Nguyễn Nguyên Phước là nơi các nhà văn cất lên tiếng nói bằng những tác phẩm sâu sắc, họ ý thức rõ rằng trên thế giới này họ luôn là những người được tự do nhiều nhất trong công việc của mình, và vì thế họ chỉ có thể đòi tự do từ chính bản thân mình mà thôi.

                                                                     
                                                                                              03 – 12 – 2019.


2 nhận xét:

  1. Đọc bài review ni cũng đã thấy hoảng rùi. Sao lại có người chịu khó đọc thế nhỉ? Bái phục!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ối là bác đấy ạ!

      Tui lười học nhưng hồi nhỏ đọc truyện rất chăm, mỗi tội khi ấy có quá ít truyện để đọc. Giờ thì truyện cũng lười nốt vì... nhiều truyện quá. Tánh tui cứ thấy việc nhiều quá là bỏ phắt khỏi làm. :D

      Vì nhiều người sợ không đọc nổi truyện này nên tui đọc xem sao. Có chỗ thiếu sót là tui nói truyện dễ đọc nhưng chưa nói vì sao dễ đọc. Thiệt ra thì nó rất là hài hước.

      Xóa