Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Tôi chưa đọc "Đèn Cù"

Tùy bút của Ái Nữ       

       Đó là một cuốn tiểu thuyết hay tự truyện gì đấy, vì chưa đọc nên tôi cũng không rõ. Nhưng nó đang gây dư luận xôn xao khắp đó đây, không phải vì người ta đề cử giải Nô–ben cho nó. Dĩ nhiên bây giờ “Đèn Cù” đã là một từ khóa được tra tìm rất nhiều trên Google, song tôi lại nghe về nó từ trước qua miệng những người của “Bên Thắng Cuộc” trong lúc không phải “trà dư tửu hậu”, người ta có những khi háo hức gặp nhau vì sự nóng sốt của “Đèn Cù”. Chẳng là gần đây tôi có công việc mới: Chạy bàn cà phê. Công việc này làm cho thời gian đọc của tôi ít hơn, nhưng tôi lại nghe nhiều hơn.
       Tôi cũng chưa đọc “Bên Thắng Cuộc”, dù blog của tôi có đường link dẫn tới nó. Trong email của tôi đã có một bản “Đèn Cù” năm trăm chín mươi chín trang, không rõ số chữ mỗi trang là bao nhiêu. Không những thế, tay tôi từng được cầm đến bản in sách giấy photocopy của “Đèn Cù”. Nghe nói tác giả đã đồng ý cho phát tán tác phẩm này mà không đặt nặng vấn đề bản quyền, lý do là “Đèn Cù” được xuất bản ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có thể “Đèn Cù” sẽ bị cấm phát hành giống như số phận của nhiều tác phẩm khác. Như vậy là tôi có đầy đủ điều kiện để đọc “Đèn Cù” cùng lúc nghe những tin đồn giật gân về nó, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa đọc.

       Tôi không đói khát thông tin trong thế giới này, trong khi phải “bắt sóng” với nhiều thế giới khác nhau thì một cây đèn cù không đủ sức hâm nóng tôi được. Nhưng nhiều người quanh tôi thì đang nóng, đang lạnh, hoặc sững sờ, hoặc bức xúc và có nhu cầu tìm gặp những người bạn để giải tỏa. Cái “Đèn Cù” đó có bí mật gì ghê gớm vậy? Ồ không! Không phải chuyện ghê gớm. Họ bảo tác giả của “Đèn Cù” vốn là người chuyên viết hồi ký, tự truyện cho các chính trị gia Việt Nam, trong số các chính trị gia đó có ông Hồ Chí Minh. Rồi không hiểu có phải tình cờ không, trong bầu không khí hoang mang ấy, bỗng nhiên các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản tổ chức triển lãm về cuộc cải cách ruộng đất cách đây hơn nửa thế kỷ, mà cuộc triển lãm này không rõ tổ chức ra sao và trưng bày những gì mà khắp các trang mạng “lề trái” cũng như nhiều blog cá nhân dày đặc những bài viết thể hiện sự giận dữ. Trong lúc lang thang lướt mạng “sưu tập tin đồn” để chế biến thứ “cà phê” riêng cho blog này, tôi đã hít phải bầu khí nóng của tầng “khí quyển” đó.
       Vấn đề không phải ở “Đèn Cù” hay ở cuộc cải cách ruộng đất, vì đó là những chuyện xưa rồi. Mà là chuyện bỗng dưng người ta có cách nhìn mới khác cách nhìn trước kia về những người xưa cũ, những người đi đầu xây dựng nền móng chế độ của nước Việt Nam hiện nay. Vài lần tôi nhìn thấy gương mặt thẫn thờ của chủ nhà nơi tôi tá túc, ấy là mỗi khi ông đọc xong một đoạn của “Đèn Cù”. Ông ngang tuổi cha tôi, thật thà và tốt bụng. Thời còn trẻ ông hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Ông nói trong cuốn sách ông đang đọc có những chuyện “thâm cung bí sử” mà ông chưa từng biết đến. Nếu tôi ở vào địa vị như ông, chắc cuốn sách ấy cũng làm tôi xáo động và khó có thể trì hoãn việc đọc nó. Nhưng tôi ở không gian tâm linh khác và sự ảnh hưởng của những “thần tượng” chỉ còn rất mờ nhạt đối với tôi, cho nên việc một cuốn sách viết ra những chuyện không phù hợp với hình ảnh thần tượng dân tộc một thời không làm tôi ngạc nhiên. “Thần tượng” tức là giả, không thật. Nếu người ta kể ra chuyện thật thì đương nhiên chuyện ấy không thể giống “thần tượng”.
       Tôi chưa đọc “Đèn Cù”, nhưng tôi đã đọc thấy sự thất vọng và đổ vỡ trong những độc giả của nó. Họ đọc cuốn sách ấy không phải để thưởng thức văn chương mà là để đọc những câu chuyện về cuộc đời họ, hoặc liên quan đến cuộc đời họ do một nhân chứng sống kể lại. Mà cuộc đời họ thì in dấu ấn lên thế hệ chúng tôi.
       Hồi còn nhỏ, tôi rất yêu quý hình tượng Bác Hồ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những ảnh hưởng tích cực của hình ảnh ấy đến tôi và không hề bực mình về bài hát “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, dù bài hát này ngày nay trong dư luận có nhiều người phê phán chỉ vì bất đồng chính trị. Một đứa trẻ rất khó có thể có định kiến về một bài hát trong đó có tên của một người mà mình chưa hề gặp, song đồng thời cũng hiểu rằng bài hát là chuyện “văn nghệ”. Chưa từng có ai được nghe tôi bày tỏ tình yêu của tôi với nhân vật Bác Hồ, ngoại trừ con mèo của tôi. Lúc ấy tôi khoảng mười tuổi, tôi có một con mèo mướp bé nhỏ khôn ngoan và giỏi làm nũng, tôi không bao giờ chán khi chơi với nó. Một lần nó nằm ngủ trong lòng tôi, tôi cảm nhận rõ thân mình nó rất mềm rất ấm, và nhận ra tôi quyến luyến nó vô cùng. Tôi thủ thỉ với nó thành lời: “Mày biết không, sau Bác Hồ thì tao yêu mày nhất”. Không hiểu sao tôi lại rất nhớ câu chuyện trẻ con đó, có thể vì tôi chưa bao giờ phân tích nổi logic tình cảm của đứa trẻ, cho dù tôi từng là đứa trẻ ấy. Nếu ông Hồ Chí Minh còn sống mà nghe thấy lời nói trẻ con như vậy, dù không tự hào thì ông ấy cũng không thiệt hại gì, còn loài mèo thì tất nhiên không kiện tụng tôi.
       Từ nhiều năm nay tôi không còn là đứa trẻ nữa. Tôi đã biết phân biệt giữa hình tượng và con người thực tế. Con người thực rất nhỏ bé và yếu đuối trong vũ trụ. Một người có thể điều khiển thế giới, nhưng chỉ là thế giới nhỏ bé hữu hạn mà tạo hóa dành riêng cho từng người, chứ không thể điều khiển thế giới của cả nhân loại hay đại vũ trụ. Để bù đắp cho sự yếu đuối của mình, con người thích tin vào những thần tượng và muốn những thần tượng đó có thật để dẫn dắt và che chở cho họ. Nhưng một con người thật còn phải loay hoay với rất nhiều tình tiết trong đời sống của họ, làm sao có thể sống như một hình mẫu mà người khác mong muốn, cho dù chỉ là mong muốn của một người chứ chưa nói đến muôn người. Điều đó là không thể. Thật dễ khi ở ngoài cuộc và bình luận rằng một người phải hành động thế này và không được phép hành động thế kia. Nhưng nhìn vào sự thật cuộc đời chúng ta thì hành động đúng liệu có dễ không?
       …
       Nhiều người Việt Nam yêu thần tượng Hồ Chí Minh của dân tộc, tình yêu của họ hẳn là ít ngây thơ hơn tình yêu của tôi khi còn là đứa trẻ. Nhưng giờ đây tôi vẫn được chứng kiến sự đổ vỡ trong tâm hồn họ khi sự kết nối giữa hình ảnh thần tượng và hình ảnh con người trong đời thực bị lung lay. Họ có đủ sức hình dung ra việc ông Hồ Chí Minh, một con người bình thường như mọi người, phải sống cuộc sống khác thường để không làm hỏng sức mạnh của thần tượng?
       Tôi không biết các nhà lãnh đạo của nước Việt Nam có ngây thơ thật không khi họ muốn toàn dân phải học hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh. Bất kể tư tưởng của ông Hồ Chí Minh có tốt đẹp đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là tư tưởng của một cá nhân, làm sao có thể áp đặt nó cho cả một dân tộc? Ấy là chưa nói đến chuyện người ta có khả năng biết được chính xác tư tưởng của ông Hồ Chí Minh hay không mà học hỏi? Nếu một người đủ sức hiểu được tư tưởng của ông Hồ Chí Minh rồi thì chắc gì họ cần phải học nữa, còn nếu không hiểu thì họ làm sao mà học? Chả nhẽ ngoài ông Hồ Chí Minh ra thì nhân loại không còn ai xứng đáng để người dân Việt Nam học hỏi hay sao?
       Có phải các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn biến ông Hồ Chí Minh thành hình tượng của một tôn giáo – “tôn giáo cộng sản”? Nếu quả thật họ muốn thế thì họ không thể thành công, đơn giản vì đó là bài học đã lỗi thời. Ngay bản thân các tôn giáo còn muốn đổi mới cho phù hợp thời đại, lẽ nào “chủ nghĩa xã hội khoa học” dùng lại bài cũ của tôn giáo? Cách đây mấy ngày, Đạt Lại Lạt Ma thứ 14, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, tuyên bố ông muốn là nhà lãnh đạo tâm linh cuối cùng của định chế Lạt Ma hóa thân. Hành động này chứng tỏ ông là người thật sự muốn mang lại tiến bộ cho dân tộc.
       …
       Tôi chưa đọc cuốn sách của tác giả Trần Đĩnh nhưng có ấn tượng với tên truyện. Người dân Việt Nam có thể đổi mới thật sự để xây dựng một xã hội tiến bộ hơn hay không? Nếu con người không đổi mới, dù có thay đổi mô hình xã hội bao nhiêu lần thì chỉ là những hình ảnh thay nhau chạy vòng quanh như các hình vẽ trên chiếc đèn cù mà thôi.
                                                                                  13 – 9 – 2014.

28 nhận xét:

  1. Cái cách lập luận của Ái Nữ về những vấn đề của xã hội hiện nay làm Sỏi thấy quen và trúng gan ruột. Bạn không ngại nói những cái mình nghe, mình nghĩ. Cách bạn suy diễn cũng nhẹ nhàng và được lắm xuôi và dễ hiểu, bởi nó tường tận. Sỏi thích nhất đoạn này:"Bất kể tư tưởng của ông Hồ Chí Minh có tốt đẹp đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là tư tưởng của một cá nhân, làm sao có thể áp đặt nó cho cả một dân tộc? Ấy là chưa nói đến chuyện người ta có khả năng biết được chính xác tư tưởng của ông Hồ Chí Minh hay không mà học hỏi? Nếu một người đủ sức hiểu được tư tưởng của ông Hồ Chí Minh rồi thì chắc gì họ cần phải học nữa, còn nếu không hiểu thì họ làm sao mà học? Chả nhẽ ngoài ông Hồ Chí Minh ra thì nhân loại không còn ai xứng đáng để người dân Việt Nam học hỏi hay sao?" Đọc đi đọc lại, vừa đọc vừa nghĩ . Cách đây một năm các tổ chức đảng nói chung họ tổng kết (Nhác lại là tổng kết} học tập tư tưởng đạo đức HCM lần một, Thế rồi lần hai bắt đầu sau đó gần một năm , Bố khỉ, học tư tưởng đạo đức từng đợt từng lần, thật mà nói rất khó ngửi...!
    Còn nhiều chuyện , nhiều lắm ! Cái tùy bút này được lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong một cuốn sách kể chuyện về tấm gương Hồ Chí Minh, có đoạn kể Bác Hồ từng nghe lời bọn trẻ trâu có lý mới biết chống gậy mà đi cho vững.

      Tôi từng gặp một bệnh nhân là người từng phục vụ Bác Hồ thời trẻ, hiện nay ông ấy vẫn sống giản dị và giữ được những kỷ niệm tốt đẹp khi sống cùng ông Hồ Chí Minh. Tôi hỏi ông: "Bác Hồ có khi nào bảo rằng các chú cần học Bác không?" Ông ngớ người ra, trả lời: "Không".

      Xóa
  2. Cô xin lỗi AN nha, hồi sáng giờ cô gửi đoạn thơ này vào trang anh Duyben mà không được, cô thử gửi vào nhà Phẫu cũng vậy. Thử qua nhà bên này của AN (nếu được thì blogtiengviet kiểm duyệt gắt hơn). Nếu được AN xóa dùm cô nha, cô thử thôi chứ không hợp nội dung. Mến.

    Anh em ơi, quyết chung lưng
    Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
    Địa hào, đối lập ra tro
    Lừng chừng phản động đến giờ tan xương
    Thắp đuốc cho sáng khắp đường
    Thắp đuốc cho sáng đình làng hôm nay
    Lôi cổ bọn nó ra đây
    Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi.
    (Giết Hết, thơ Xuân Diệu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không cần phải xóa đâu cô Ray ạ. Đó là thơ về cải cách ruộng đất phải không?
      Cô thử dùng chế độ Caps Lock cho comment bên Blog Việt xem sao.

      Xóa
  3. Lý Quang Diệu làm nên những điều ky diệu cho Singapore nhưng nước này chả cần phải xây dựng ông ta thành thần tượng và học tập ông ta gì cả.Vấn đề là ý tưởng của ông đã được tiếp nối và hướng đến sự cải tiến ,phát triển không ngừng ở Singpore.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái gì thật sự phù hợp thì người ta tự nhiên sẽ tiếp thu, cho dù đó là ý tưởng của ai.
      Ông Lý Quang Diệu không chỉ có ý tưởng mà ông ấy còn kiên quyết đấu tranh để thực hiện được ý tưởng.

      Xóa
  4. Chị kể chuyện này Ái Nữ nhé, chuyện của cá nhân chị thôi:
    Cách đây mấy năm, chị được cử đi tham dự cuộc thi KỂ CHUYỆN TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH, chị đã dựa vào một câu chuyện người ta đã kể trong "Những mẩu chuyện về đời hoạt động cách mạng của HCM" và biên soạn lại, tập cách kể sao cho hấp dẫn. Và chị đã thành công. Cả hội trường ngồi lặng đi. Câu chuyện kết thúc, nhiều khán giả lén lau nước mắt. Dân tộc mình xem Bác là một vị thánh, nhưng vị thánh ấy lại gần gũi như một người cha.
    Lúc trao giải cuộc thi, chị nhận giải nhì trong sự phản ứng gay gắt của khán giả. Mọi người la ó, phản đối.
    Chị không buồn vì mình nhận giải nhì ( một vị trong ban tổ chức nói nhỏ để thông cảm với chị: phải nhường giải nhất cho con bé kia vì nó là người yêu của con ông chủ tịch) nhưng chị buồn một nỗi, những kẻ đứng ra tổ chức cuộc vận động ấy, tổ chức tuyên truyền bằng hình thức thi trên sân khấu ấy đã không thèm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giây phút cảm động vì Người nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho sự tức giận những kẻ trâng tráo coi thường mọi người.
    Tư tưởng HCM là đáng để học tập, nó tiếp nối tư tưởng của Nguyễn Trãi: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Nhưng những kẻ đang đứng ra phát động đó thì không đáng tin.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn truyện "Đèn Cù" thì chị đã đọc chưa?
      Dưới đây là trích đoạn nhà văn Vũ Thư Hiên trả lời phỏng vấn Dân News:

      "Điểm quan trọng trong Đèn Cù, là việc nói nhiều về bóng tối của cái tên Hồ Chí Minh. Đây là điều mà tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày cũng có nói đến, nhưng không nhiều. Thưa ông, liệu Hồ Chí Minh có là một tượng đài thật sự trong trái tim của nhiều người đã từng có liên quan đến Đảng CSVN, khiến việc lật đổ hay “giải thiêng” là điều hết sức khó khăn?

      VTH: Tôi cho rằng việc phá bỏ tâm thức sùng bái bất cứ người nào, bất cứ cái gì là việc rất cần thiết trên đường đi tới tương lai của một dân tộc. Ông Hồ Chí Minh là một nhân vật không thể xoá bỏ trong lịch sử Việt Nam, cũng như Lenin, Stalin trong lịch sử Nga, hoặc Mao Trạch Đông trong lịch sử Trung Quốc. Cùng với vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong giai đoạn mới thành lập với tư cách một chính đảng chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, và cùng với sự bắt rễ sâu chắc trong suốt thời gian dài mà đảng này áp đặt sự cai trị độc tôn trên toàn quốc Việt Nam, thì việc ông Hồ Chí Minh có là một tượng đài trong trái tim nhiều người Việt Nam là hiện tượng bình thường. Nó không khác gì tượng đài Lenin, Stalin trong trái tim người dân Liên Xô (cũ). Nhưng giờ ở nơi đó nó chỉ còn rơi rớt trong số rất ít trái tim già, chứ những trái tim trẻ của nước Nga bây giờ không có chỗ cho ba thứ lẩm cẩm ấy. Việc “giải thiêng” nằm trong phạm trù tâm thức sùng bái cần phải kiên quyết chống bằng những phân tích chính trị chứ không phải bằng những lời chửi rủa hoặc những bới móc về đời tư hay khía cạnh tình dục."


      Trích từ bài "Giải thiêng là cần thiết trong cái nhìn lịch sử văn minh".

      Xóa
  5. Chị chưa có Đèn cù để đọc, mới đọc quanh quẩn những bàn luận xung quanh nó, nhưng chị nghĩ, HCM là một con người, một con người bằng xương bằng thịt, một con người có đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Vậy thì những gì thuộc về đời sống tình cảm một con người có ở HCM cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng không ai phủ nhận được rằng, Bác là một anh hùng dân tộc, Bác có công với nước, với dân. Nếu một ngày nào đó ánh hào quang HCM mờ đi thì cũng là theo qui luật lịch sử. Nghĩa là thời đại HCM đã trôi vào quá khứ, nhường chỗ cho một thời đại khác (mong sao có một nhân vật xuất chúng khác sẽ xuất hiện để cứu dân ta trong bể khổ hôm nay).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị Nhật Thành phân tích hay lắm! Phần lớn OM nhất trí với chị. Tuy nhiên, cái đoạn "Nhưng không ai phủ nhận..." thì có thể chị hơi chủ quan!
      Đèn cù muốn có là có ngay mà chị! Chỉ là mình có muốn đọc hay không thôi!

      Xóa
    2. Vì tò mò, chị cũng đã mượn của ông gu gồ để đọc. Nhưng chưa xong. Tuy nhiên có những chuyện đã bị biến dạng. Ví dụ: Hồi trước đây kể Bác đến dự hội nghị, thấy câu khẩu hiệu HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM không có dấu, Bác nói vui: "Các chú nên thêm dấu vào, nếu không có người lại đọc Hồ chủ tịch muốn nằm đó." Giờ lại bị kể khác theo hướng dung tục. Ngoài ra còn một số chuyện khác kể theo kiểu lấp lửng, hướng người đọc liên tưởng theo kiểu tục tĩu.
      Om nói đúng, chị hơi chủ quan khi nói thế, vì ngoài ĐÈN CÙ gây phản ứng dây chuyền như hiện nay thì trước đây ở trên mạng cũng đã nhiều bài quá quắt hơn viết về HCM.. Tuy nhiên, nội dung phản ánh trong ĐÈN CÙ được nhiều người tin vì tên tác giả.

      Xóa
  6. Cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nguyên văn nó là vậy mà bạn. Tư tưởng gì đâu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không để ý lắm đến cuộc vận động ấy nên không thuộc nguyên văn, nhưng nếu học tập "tấm gương đạo đức" thì càng khó hơn, vì quan niệm về đạo đức của nhân loại cứ thay đổi xoành xoạch.

      "Tư tưởng Hồ Chí Minh" được xem là kim chỉ nam cùng với chủ nghĩa Mac - Lenin đấy, không chỉ có cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức đâu bạn ơi.

      Xóa
    2. À, cái đấy thì năm nhất đại cương ai cũng phải trải qua.
      Đạo đức theo tôi chẳng thay đổi gì mấy, bạn nói thay đổi "xoành xoạch" không biết có nói quá không?

      Xóa
    3. Tôi cũng chẳng biết tôi có nói quá không. Bởi vì người ta hay bỏ vào cái bồ "đạo đức" quá nhiều tiểu tiết. Khi người ta đem đạo đức của một người ra "soi gương" thì chao ôi... Chỉ riêng quan niệm về tình yêu - tình dục - hôn nhân thôi đã thay đổi ít nhất là theo thời gian và không gian rồi, lại còn các dân tộc khác nhau, các tôn giáo khác nhau có những "quy ước" khác nhau nữa...

      Xóa
    4. Bạn đang nói tính bất biến tương đối của đạo đức, về tính chuẩn mực của nó. Tôi công nhận đạo đức có sự thay đổi rất lớn lao và rõ ràng nó mỗi ngày đều được phát triển và bổ sung cho đầy đủ và hoàn chỉnh để hướng đến tính THIỆN của loài người. Và dù có thay đổi, có khác nhau về các chuẩn mực, dù thế nào nó cũng lấy chữ Thiện làm nền tảng.

      Xóa
  7. Ông ngoại tôi là một trí thức yêu nước. Ông tham gia kháng chiến 9 năm, một lòng theo cách mạng. Có thời gian Ông đã ở rất gần Bác Hồ. Tuy nhiên, sau khi kháng chiến thành công, ông kiên quyết không vào đảng.
    Hồi tôi học lớp 1, có lần Ông cầm quyển sách giáo khoa của tôi lên xem và nói với Bà: "Giáo dục của mình phải xem lại! Dạy cho trẻ con thì điều đầu tiên là phải dạy chúng nó biết thương yêu kính trọng ông bà, cha mẹ, chứ sao lại dạy kính yêu một người mà chúng nó chưa gặp bao giờ!"
    Tôi được ảnh hưởng tư tưởng của ông ngoại từ nhỏ cho đến nay.

    À, tôi cũng chưa đọc Đèn Cù dù nó đang ở trong máy tính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông ngoại của OM nói chính xác. Và bây giờ, trong sách học trò tiểu học, chủ điểm gia đình được đưa lên trước.

      Xóa
    2. Ông nội tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, bị quân Pháp bắn chết năm bố tôi mới lên hai tuổi. Bố tôi thì mải làm ăn, ông thích nói chuyện chính trị nhưng thật ra ông không quan tâm được điều gì sâu sắc, rốt cuộc bây giờ tôi cũng không nhớ là ông có chủ kiến nào không.

      Chẳng có ai sống gần tôi mà ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của tôi. Có ai dạy tôi phải yêu thương con mèo đâu mà tôi vẫn yêu nó, còn mẹ tôi thì nhiều phen cầm cái cắp củi ném rượt theo con mèo. Đấy là hồi tôi còn nhỏ, chứ bây giờ thì mẹ tôi chịu khó chăm sóc mèo rồi, nếu không có một con mèo trong nhà thì bố mẹ tôi rất khó sống với nhau, vì họ gần như chỉ thống nhất được trong việc chăm sóc mèo với chó.

      Xóa
  8. Lẫn mất rồi,chị ấy,
    Ngày đi học,lúc cũng nhớn rồi,ít thuộc gì lắm nhưng mấy bài thơ ( nhớ được mấy câu) của Tố Hữu và Chế lan Viên về Bác Hồ thì ghi lòng tạc dạ và sống theo kia đấy- Lúc sắp bị chồng bỏ bạn í điện thoại hỏi thăm: em đang làm gì,cười như con dại em đọc : tư tưởng Hồ chí Minh( thề,chả biết có cuốn ấy không) nhưng là tự CƯỜI cái cách mình sống mình duy trì cái kiếp mình- thằng nào chịu nổi nhà mình chưa to mà cứ đem tiền mồ hôi nước mắt đi nuôi một đống trẻ con đủ tiêu chuẩn có tố chất nhưng nhà nghèo để xây dựng một tương lai.....rõ khỉ , là vầy: ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc,chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa. Thời thế nào thì mình vẫn là mình,bớt viển vông nhưng vậy.
    Mắt mở rồi,ipad thì không biết sử dụng các chức năng,chữ bé tẹo,em đừng có mà bắt bẻ.( lộn xộn kinh)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn cái ipad mà... chẳng muốn dùng.
      Thần tượng không có tội, chỉ là chúng ta cần đặt nó đúng chỗ.

      Xóa
  9. Cảm ơn sự quan tâm của ông!

    Trả lờiXóa
  10. Một đề tài khó viết. Tuy tôi có đọc rồi nhưng chưa có ý kiến xác đáng được như AN. Các lời bàn tán cũng rất đáng suy nghĩ. Cái khổ của người Việt là có cái cũ rích vẫn mới "mới tinh" với họ. Một phần vì môi trường chính trị, một phần bản chất cầu an.Gần đây có thêm bài của cụ Khiêu, bà Vân. Tôi thấy mấy thứ này vớ vẩn cả. Cũng trong mớ đèn cù ấy mà thôi. Chẳng qua như những lý do tôi nopis ở trên với nhiều người thấy giật mình cho là chuyện lạ. Người bình tĩnh có cái nhìn khác. Môn phái nào có trò diễn, "quyền" của môn phái đó. Khác chăng là sự tò mò của khán giả khi không biết trò diễn mà thôi. AN đã có bài viết nhẹ nhàng, sâu và thật hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy màn "khiêu vũ" như của cụ Vũ Khiêu, tôi cũng biết cách trình diễn. Trò của tôi còn vớ vẩn hơn nhiều, nhưng tôi tích hợp nó cho một màn diễn đặc sắc. Chúng ta không thể loại bỏ những thứ vớ vẩn ra khỏi vũ trụ, cho nên tốt hơn là cứ sử dụng nó.

      Tôi sẽ tiếp tục khai thác tình thế entry này cho vở kịch của mình.

      Xóa
  11. Bài này trước đọc rồi nhưng chưa hiểu vì bận đi công tác tối về mắt lem nhem không thấy đường thấy xá hi! nên không dám coment.

    HA cũng chưa đọc Đèn Cù nhưng cũng nghe một số thông tin về tác phẩm này.

    Sự thật cũng là sự thật thôi trước hay sau cũng phơi bày. AN chờ xem còn nhiều "đèn cù "hay "Những lời trăn trối" mới sẽ xuất hiện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự thật luôn phơi bày, chẳng qua là con người có dám nhìn nhận nó hay không mà thôi. Không phải bây giờ sự thật phơi bày mà là bây giờ đến lúc kịch hạ màn.

      Xóa
  12. Nghĩ mà khổ thân ông Cụ. Vì cái mục đích độc tôn cho độc trị mà chúng nó đẩy ông Cụ lên mức '' học tập tư tưởng ''. Tư tưởng của ông Cụ là cái mà chúng nó đang rao giảng chắc? Tư tưởng của ông Cụ là hút thuốc lá, ở nhà to, có cây xanh có ao cá... Sau khi giành được độc lập thì ko thụ hưởng à? Tiên sư lũ ngợm.

    Còn anh Đĩnh '' Đèn Cù '' thì anh thử sống ở VN đi, anh có tư tưởng lúc dek nào cũng phải phấn đấu để có ông Cụ trong ví với tk ở ngân hàng không? Có mong '' Bác sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta '' không??? Chả qua anh già roài, anh té ra nước ngoài, nên anh viết những điều đó dựa trên cái mác anh đã từng viết hồi ký cho nhiều thằng mà cụ Đại tướng cũng chả muốn chôn cùng chỗ với chúng nó. Gừng càng già càng cay. Anh thả quả bom cuối hy vọng như cái thằng đốt đền ngày xưa được lưu danh tên tuổi.

    Tôi cũng chưa đọc Đèn Cù, hôm lượn qua bọn sách lậu, bọn nó bảo giá chát lắm đừng mua. Tôi hỏi có hay không chứ ko hỏi giá, bọn nó lắc. Nhưng chắc mua không khó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tác giả Trần Đĩnh vẫn sống ở Việt Nam chứ không phải ở nước ngoài, chỉ in sách ở nước ngoài thôi. Nhưng ông sắp chín chục tuổi rồi, còn ai làm gì ông nữa. Tác phẩm này có thể đọc thoải mái trên mạng mà.

      Nhiều tác giả các bài viết mạnh mẽ hiện nay là người sống trong nước, như ông Nguyễn Trung hay ông Hoàng Xuân Phú.

      Xóa