Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Những kẻ tự tử

       Tôi đã khóc khi đọc status của KA, khóc rất lâu. Khi bắt đầu viết những dòng này tôi vẫn chưa bình tĩnh lại.
       Không phải status của KA làm cho tôi khóc đâu. KA chỉ viết về chuyện một cô bé học sinh ở Việt Nam tự tử, chuyện ấy được đăng lên báo mạng nên KA đang sống ở nước Đức cũng biết, rồi KA nhớ đến những đứa trẻ người Việt ở Đức tự tử. “Mà nguyên nhân đều na ná như nhau: Sự thất vọng về bản thân vì đã không đáp ứng được nguyện vọng của gia đình”.
       Status của KA không làm cho tôi khóc. Không phải chỉ người Việt mới tự tử, không phải chỉ những đứa trẻ mới tự tử, phải vậy không? Nếu mỗi lần nghe tin có người vừa tự tử mà tôi khóc thì tôi làm gì có đủ nước mắt?
       Bài viết của KA chỉ là giọt nước làm tràn ly. Vừa mới hôm qua thôi, một người bạn khác trên Facebook của tôi cũng viết về một trường hợp tự tử trong cơn trầm cảm, người mà anh ấy có cơ hội tiếp xúc trong vài khoảng thời gian ngắn ngủi. Anh ấy nói sẽ chia sẻ với bất kỳ người nào bị trầm cảm mà anh ấy biết để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời, và anh ấy nhắc nhở rằng “THIỀN và CHÁNH NIỆM là cách thức vô cùng hữu hiệu để xua tan đi bất kỳ cảm giác khó khăn nào đến với ta”.
       Tôi không có lý do gì để phản đối status đầy thiện chí của người bạn ấy. Nhưng tôi thực sự thất vọng khi trong các comment, anh ấy nhắc đi nhắc lại rằng những người tự tử là những người phạm tội ác, anh ấy lên án họ.

       Anh ấy là người Việt nhưng sống ở nước Úc, một đất nước văn minh. Giống như nhiều người Việt khác đang sống ở nước ngoài vẫn mang nỗi niềm đau đáu trông về Việt Nam, anh ấy lên mạng xã hội để chia sẻ những hiểu biết của mình về chính trị, về dân chủ, về phản biện, về ngụy biện… và bây giờ là về thiền nữa. Anh ấy rất tự tin khi viết rằng: “Những loại cảm giác như buồn bã, sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng, thất tình, nghi ngờ bản thân ..vv.. đều chỉ là ẢO GIÁC nhất thời, do chúng ta TỰ sinh ra và gây tâm lý tiêu cực, tổn hại cho bản thân mình mà thôi. Đẩy "ảo giác" tiêu cực đó ra khỏi người là mọi việc sẽ ổn hết”. Chắc hẳn anh ấy là một người mạnh mẽ và đòi hỏi ai cũng phải mạnh mẽ như mình, cho nên anh ấy không hề tỏ ra do dự khi kết tội những kẻ tự tử. Có điều là nguyên nhân mà anh ấy kết tội họ lại vô cùng mâu thuẫn với những lời anh ấy viết phía trên. Khi tôi bày tỏ ý kiến của mình rằng tự tử là một tai nạn chứ không phải là một tội, anh ấy trả lời thế này: “Khi một người bị trầm cảm, anh/chị ta là nạn nhân và là một người rất cần giúp đỡ, từ gia đình, người thân, bạn bè, anh chị. Nhưng khi làm hành động quyên sinh, anh/chị ta là một tội đồ, vì đã gây ra một tội ác rất nặng. Với chính bản thân anh/chị ta, với chính gia đình, người thân anh/chị ta, bạn bè anh/chị ta. Anh/chị ta có thể ra đi mãi mãi sau đó, nhưng dư chấn và tổn thương vô cùng to lớn cho người ở lại, là không gì bù đắp được”.
       Những lời đanh thép của anh ấy khiến tôi hết sức kinh ngạc. Tại sao lại có thể tồn tại những tổn thương to lớn không gì bù đắp được khi mà buồn bã, sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng... đều chỉ là ẢO GIÁC…? Chẳng phải những người ở lại chỉ cần THIỀN và CHÁNH NIỆM để đẩy "ảo giác" tiêu cực đó ra khỏi người là mọi việc sẽ ổn hết hay sao?
       Tôi chưa nói đến những trường hợp tự tử để tránh sự trừng trị của pháp luật với kết cục tương tự. Những người tự tử mà tôi từng biết hoặc thường nghe tới chẳng có tội gì. Ham sống là bản năng của con người, tự kết liễu đời mình là một quyết định trọng đại mà người ta không thể thực hiện nếu không phải là đã tuyệt vọng. Có lẽ không dưới một nửa số người tự tử thực hiện điều đó trong cơn trầm cảm. Trầm cảm là một hội chứng bệnh tâm thần, những người rơi vào cơn trầm cảm nặng không còn khả năng ý thức bình thường trong hành vi của mình. Với pháp luật thì một kẻ giết người trong cơn bệnh tâm thần không bị kết tội, người ta chỉ đem kẻ điên đi trị bệnh. Những người trầm cảm tự sát thì nhiều khi người xung quanh không phát hiện được họ đã bị trầm cảm, và họ chỉ giết bản thân mình mà thôi.
       Tôi nghĩ rằng chuyện một người có tội hay không có tội hãy để cho luật pháp, công cụ mà loài người tạo ra để giữ thăng bằng cho cuộc sống chung. Còn trong tâm linh, tôi có tư cách để kết tội ai đây?
       Trong vũ trụ mênh mông, chẳng phải mỗi con người chỉ là một đứa trẻ ít hiểu biết hay sao? Nếu những buồn đau, cô đơn và tuyệt vọng chỉ là ảo giác thì hạnh phúc niềm vui liệu có thật hay không?
       Người bạn Facebook ấy của tôi không có gì sai khi chia sẻ với cộng đồng những hiểu biết mà anh ấy tin tưởng là đúng, như mọi “hot facebooker” khác. Anh ấy cũng đúng khi nói rằng tôi không hiểu về thiền và chánh niệm. Nhưng tôi không tìm hiểu để tiếp tục trao đổi với anh ấy, đơn giản vì tôi không bao giờ muốn biết đến thứ “chánh niệm” nào kết tội những kẻ cùng đường tuyệt vọng và đã chết.
       Những khó khăn thử thách là có thật để giúp chúng ta trưởng thành. Những nỗi đau trong đời là có thật để giúp con người lớn lên. Nhưng có những khi thử thách trở nên “quá tải”, nỗi đau trở thành “quá liều”, làm cho con người gục ngã vì không đủ sức chịu đựng. Những áp lực ấy có khi hiểu được qua những hoàn cảnh hữu hình, có nhiều khi lại là áp lực vô hình mà nếu không phải là người trực tiếp chịu đựng thì khó biết được.
       Khi một người đang đuối sức, ta lại giúp đỡ họ bằng cách đưa ra những lời khuyên răn, vẽ cho họ thấy những hậu quả nếu họ không vượt qua được, rồi dành sẵn cho họ một lời kết tội, thì hiệu quả sẽ ra sao?
       Thế giới của chúng ta đang càng ngày càng trở nên văn minh hơn đúng không? Còn các chuyên gia y tế có nói dối không khi họ dự báo rằng tỉ lệ người mắc chứng trầm cảm sẽ càng ngày càng tăng lên nữa?
       Tôi có một người bạn nữ còn trẻ và rất thông minh, bạn ấy từng học thiền và được người thầy dạy thiền của bạn ấy đặt nhiều kỳ vọng, nhưng bạn ấy nói bạn ấy đã làm người thầy thất vọng. Không những thế, bạn ấy còn hay phải sống trong tình trạng mà bạn ấy nghĩ là trầm cảm nữa. Bạn ấy học một chuyên ngành mà rất khó có việc làm, nên sau khi ra trường bạn ấy làm những việc chẳng dùng gì đến chuyên môn cả, và không có việc gì lâu bền, những khi không có việc làm thì bạn ấy ở nhà. Chỉ là thế thôi, rất bình thường phải không? Nhưng bạn ấy cảm thấy bố mẹ bạn ấy buồn lòng, và họ ngượng ngùng khi có người hỏi thăm về tình hình con cái của mình. Đó là áp lực lớn với bạn ấy. Mà bạn ấy đâu có phải là người hư hỏng, không những thế còn là người cẩn thận chu đáo, không bao giờ muốn ai đó phải chịu thiệt thòi vì mình. Một cô gái hiền hậu, trong trẻo và đáng yêu, đến nỗi mỗi khi nghĩ về bạn ấy tôi lại hình dung đến một đóa phong lan trắng. Nhưng bạn ấy lại mặc cảm rằng mình chỉ là một gánh nặng cho gia đình. Tôi biết bạn ấy không tự tưởng tượng ra sự buồn lo và xấu hổ của bố mẹ bạn ấy, vì tôi cũng nếm đủ với bố mẹ tôi rồi. Với một người đã từng tập thiền như bạn ấy, làm sao có thể nói với bạn ấy rằng chỉ cần hít vào thở ra là khó khăn sẽ biến mất?
       Tôi có một bạn nam cũng còn trẻ tuổi, đọc nhiều biết rộng và giàu lòng tự trọng. Bạn ấy đọc không ít về Phật giáo cho nên sẽ rất vô duyên nếu dạy bạn ấy từ “chánh niệm” có nghĩa là gì. Bạn ấy nói bạn ấy muốn sống một mình, nhưng không chỉ thế, bạn ấy còn tâm sự rằng bạn ấy vẫn còn một lối thoát sau cùng là tự vẫn, và điều này an ủi bạn ấy. Khi gặp tôi, bạn ấy đã mở cho tôi xem những vết sẹo tròn nhỏ tập trung từng đám trên thân thể. “Là do mình tự châm đầu thuốc lá đang cháy vào, khi bị trầm cảm, ba năm trước”. Lúc ấy tôi cũng không khóc. Chỉ cần bạn ấy không từ chối gặp tôi là tôi đã vui rồi. Ở bên bạn ấy tôi không hề thấy nặng nề, bạn ấy đã rất cởi mở với tôi, và còn biết cách làm cho tôi vui nữa. Tôi không hề nói một lời nào là tôi lo cho bạn ấy, nhưng chính bạn ấy lại tỏ ra lo lắng cho tôi. Với bạn ấy thì hoàn cảnh sống của tôi thật bấp bênh, thật đáng lo ngại. Hẳn nhiên là hoàn cảnh còn đang chi phối bạn ấy rất nhiều.
       Còn những người khác nữa, mà thường họ chỉ kể lại khi cơn trầm cảm của họ đã trở thành quá khứ. Khi một người sa vào cơn trầm cảm, rất khó khăn để họ có thể chia sẻ cùng ai, vì khi đó họ đã bước vào thế giới khác, thế giới của bóng tối.
       Chúng ta thường tin rằng thời gian đang trôi đi, năm sẽ cùng, tháng sẽ tận. Nhưng có dễ dàng để chúng ta ý thức được là chúng ta đang trôi về đâu? Và có những ai đã nghĩ rằng mình cũng sẽ có lúc cùng đường?
       Trong khi tôi viết bài này thì anh bạn Facebook của tôi đang nhiệt tình vạch mặt “một tên dư luận viên nguy hiểm” và chỉ ra thuật ngụy biện của kẻ ấy. Rồi một người bạn khác giới thiệu thêm cho anh ấy vài nhân vật để anh ấy có cơ hội chứng minh tư duy sắc sảo của mình. Những hình ảnh anh ấy post trên Facebook cho thấy anh ấy đang ở thời kỳ sung sức, anh ấy đang chiến đấu và đang “tỏa sáng”.
       Tôi không dị ứng với những lời ngụy biện, vì bản thân tôi hẳn là cũng dùng đến ngụy biện rất nhiều, nhưng tôi không thấy sự nguy hiểm nằm ở đó. Khi anh bạn Facebook của tôi nói rằng những cảm giác tiêu cực chỉ là ảo giác, tôi nhìn thấy thiện chí của anh ấy, thậm chí cả khi anh ấy nói rằng tự tử là tội ác thì tôi cũng vẫn nhìn thấy thiện chí trong kết luận ấy. Tôi đã lấy mục đích để biện minh cho phương tiện phải không? Nhưng khi anh ấy đến đích bằng cách đó thì sao? Thì anh ấy đã đứng được về phía thiện và đẩy kẻ khác về phía ác, đứng được về phía đúng và đẩy kẻ khác về phía sai. Bằng những cách tương tự, anh ấy luôn dễ dàng tạo ra được phe đối kháng để anh ấy có lý do chiến đấu, anh ấy chiến đấu hăng say và được hoan nghênh như một anh hùng.
       Nhưng anh ấy là kẻ mạnh. Cách mà người bạn Facebook của tôi thực hiện là cách của kẻ mạnh.
       Những người trầm cảm là những người yếu đuối, những người đang trong giai đoạn năng lượng sa sút, hoặc những người chưa đến tuổi trưởng thành phải sống phụ thuộc. Họ chẳng đủ sức giành được phần đúng về mình, kiểu gì thì sai lầm và tội lỗi cũng thuộc về phía họ. Mọi lời an ủi và động viên đều chỉ là nhất thời mà không giải quyết được vấn đề của họ.
       Tôi đã nghe không ít lời bình luận xung quanh những vụ tự tử: “Sao lại hèn vậy?” “Sao lại ích kỷ như vậy? Sao nó chẳng biết thương ai?” “Dại quá!”…
       Những kẻ đã yếu thì tất nhiên phải hèn thôi. Họ có biết cách yêu thương không? Trong status của KA có nhắc đến những lá thư tuyệt mệnh của các em học sinh, trong đó là những lời xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi… Nhưng KA nhớ rằng có em nhờ bạn nuôi hộ một con mèo. Yêu thương một con mèo thì dễ, mà yêu thương con người thì khó lắm!
       Tôi là kẻ đã từng tự tử trong một cơn trầm cảm, tôi biết thế giới tối tăm là có thật. Nhờ may mắn không chết nên sau này tôi có cơ hội biết đến thế giới bình yên tươi sáng, và thế giới ấy cũng có thật. Tôi đã biết cái chết của thân xác có thể giúp một người thoát khỏi hoàn cảnh cuộc đời, nhưng không đủ giúp linh hồn người ấy “ra đi mãi mãi”. Tôi đồng ý rằng tự tử có thể là một sai lầm, nhưng nếu thế thì mưu sống cũng chẳng ít sai lầm hơn.
       Nhân loại chẳng phải là một gia đình lớn đó sao? Tôi vẫn nghe khắp nơi vang lên những lời nguyền rủa và kết tội, ánh sáng chưa chiếu đến khắp mọi nơi và phần tăm tối của vũ trụ vẫn đang rình chờ những kẻ sảy chân lạc lối rơi vào đó, không phải chỉ những người tuyệt vọng tìm đường chết mà cả những người đang hân hoan đắc ý.
       Dù bây giờ không còn lý do để tự tử, nhưng rồi tôi vẫn sẽ chết vào một ngày nào đó, có thể ngay ngày mai hay lúc nữa, nhưng với tôi điều ấy không quan trọng. Quan trọng là tôi biết rõ, danh lợi là thứ hào quang phù phiếm không thể đưa ai đến với thế giới hạnh phúc thật sự. Tôi sẽ không nói với ai đó rằng chỉ cần ngồi thiền là mọi việc sẽ được giải quyết. Tôi sẽ không nói với ai đó rằng chỉ cần hiểu được chánh niệm là họ sẽ không lạc đường.
       Tôi sẽ làm gì?
       Không làm gì cả.
       Tôi chỉ kể câu chuyện của mình, rằng khi đọc status của KA, tôi đã khóc.

                                                                      Bắt đầu viết vào tối ngày 28-12-2015
                                                                              Viết xong vào sáng 01-01-2016.

Chú thích:
Bài viết của KA Ở ĐÂY.

Bài viết và các comment của anh bạn Facebook Ở ĐÂY.

20 nhận xét:

  1. Ui doa doa, hôm trước huynh chúc năm mới cho 5 con mèo, té ra có tới... 6 con lận! Huynh đã xem qua Huỳnh Phước Sang rùi, không ấn tượng lắm... Tối vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì y có nguy hiểm gì đâu mà "ấn tượng"! Y không viết cho những đối tượng như Lá Bàng. Chẳng qua là cái giọng của y có nhiều kẻ không ưa nên cứ thổi phồng lên.

      Xóa
    2. Tôi thì thấy 2 bác Sang&Hiền như nhau. :-)

      Xóa
    3. Như nhau, mà phong cách khác nhau. Đây là lời của "anh hùng diệt ngụy biện":

      "Trên con đường giới thiệu và khuếch tán, nhân rộng kiến thức về phân tích ngụy biện - fallacy (https://goo.gl/LkyT7A) cho cộng đồng mạng, mình đã phát hiện và phải đương đầu những người, vốn đang là hot facebooker, blogger nổi tiếng nhưng chuyên dùng ngụy biện trước nay. Ngụy biện là thủ thuật chính của họ để lừa và thu hút độc giả.
      Họ có nhiều fan, họ có nhiều đồng minh và Huỳnh Phước Sang là một trường hợp đặc trưng như thế. Phân tích ngụy biện, thật ra không tránh được, sẽ làm cho những người như vậy bị lật mặt nạ.
      Kệ, đường ta ta đi.
      Thật ra, đó là cuộc chiến (đụng chạm) nhỏ lẻ và cần thiết trên con đường khai dân trí. Rất thú vị, không hề có đổ máu cho "cuộc chiến" ấy, hì hì smile emoticon. Cảm ơn facebook".
      Nguồn Ở ĐÂY.

      Xông vào những cuộc chiến "không đổ máu" mà trở thành anh hùng thì đúng là "thú vị"! Cũng là một cuộc chơi. Tuy nhiên mất thời gian. Anh Trọng Hiền đã "khai dân trí" cho tôi. Nhưng tôi vẫn phải dùng ngụy biện thôi. Ngụy biện đúng là thủ thuật chính của tôi, lĩnh vực duy nhất mà tôi là thiên tài, bỏ làm sao được!

      Xóa
    4. Bác Trọng Hiền rất tự tin vào bản lĩnh phân tích, vạch trần ngụy biện, đến ngay giáo sư Ngô Bảo Châu với trò "tu quoque fallacy" cũng không qua được mắt xanh của bác Trọng Hiền. Cho đến khi gặp phải Ái Nữ, kẻ ngang nhiên tự xưng "Thiên tài ngụy biện", thì bác ấy im lặng ngậm bò hòn làm ngọt không biết xếp tài năng ngụy biện của Ái Nữ vào loại gì. Chẳng biết ở bác ấy yên lặng là vàng hay là yên lặng trước cơn bão diệt Thiên Tài Ngụy Biện.
      :-))

      --------
      Chú thích:
      - "tu quoque fallacy" là ngụy biện số 23 theo phân loại của bác Trọng Hiền ở đây

      Xóa
    5. Ồ không đâu Người Hà Nội. Tôi nghĩ là anh Trọng Hiền chưa hề biết đến bài viết của tôi. Tôi có theo dõi anh ấy chứ anh ấy không theo dõi tôi. Tôi không viết trên Facebook và không quảng giao, rất ít khi comment. Lần này là trường hợp đặc biệt. Lúc anh thông báo đường link biến mất, tôi kiểm tra thấy cả anh ấy cũng biến mất luôn thì tôi giật mình ngạc nhiên, vì tôi đã không có tí nghi ngờ nào là anh Trọng Hiền không biết đến bài viết của tôi, do tôi không có ý tiếp tục đối thoại với anh ấy nên không thông báo, tôi chỉ xem xét một quan điểm. Cuối cùng thì anh thấy đấy, anh ấy chỉ tạm thời ẩn vì lý do kỹ thuật nào đó, chứ tôi không tin là anh ấy đã đọc thấy bài viết này. Trên FB không ai cần quan tâm đến tôi, trừ vài người bạn đặc biệt.

      Xóa
    6. Tôi thấy anh đã biết dẫn link vào comment rồi đấy. Hì hì...

      Xóa
    7. Thế thì mời bác ấy đi.
      :-)

      Xóa
    8. Anh hiếu sự quá đấy Chim Câu! Theo như đường link anh dẫn thì anh Trọng Hiền mới chỉ biết đến ngụy biện từ ba năm nay thôi, anh ấy còn nhiều thời gian để trải nghiệm.

      Xóa
  2. Bài đọc từ mấy hôm trước, định viết vài giòng còm nhưng vẫn chưa viết được. Cứ thấy nao nao, chả tập trung suy nghĩ được. Không biết do cái đề tài này gợi lại nhiều kỉ niệm, gợi ra nhiều suy ngĩ; hay tại Ainu khóc nhỉ ? Tôi mà nghe phụ nữ khóc là ruột gan cứ rối lên :d

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phụ nữ dễ khóc, nhưng cũng dễ nín. Nếu bác Khung K không tin, thì đây là một ví dụ. Tôi mời bác KhungK sang nhà khác của chủ nhà này ở đây
      http://ainu.vn102.net/2016/01/01/nh_ng_k_t_t#comments
      để kiếm chứng

      Xóa
    2. @ Người Hà Nội
      Anh nhầm rồi. Tôi không dễ khóc đâu. Mẹ tôi nói là hồi nhỏ tôi khóc dai lắm, và tôi nhớ là mẹ tôi nói đúng. Tôi mà lại dễ khóc ư?

      Xóa
    3. Nếu bây giờ khóc dai, thì chỉ cần lấy hiện tại làm chứng. Đơn giản và dân làng tin ngay. Chỉ vì nay không có bằng chứng khóc dai, nên Ái Nữ mới ôn lại truyền thống thống xa xưa nào ai biết được.
      Status của bác Trọng Hiền buồn cười, thế mà Ái Nữ khóc. Nay bên Blog Tiếng Việt Ái Nữ đang cười đấy rồi. Vậy nếu chẳng dễ khóc chóng nín, thì là gì?

      Xóa
    4. Chỗ cười thì vẫn cười, chỗ khóc thì vẫn khóc chứ! Anh quên mất là tôi có thể vừa khóc vừa cười hay sao? Trên entry thì tôi vẫn khóc, dưới comment thì tôi vẫn cười. Chuyện có gì lạ đâu!

      Xóa
    5. Hôm qua vừa đọc cái tin Nhiều bạn trẻ tiêu cực rủ nhau chết tập thể. Nghe những tin như này, đúng là dễ khóc thật.

      Tôi không có điều kiện như Ainu, trực tiếp cứu chữa cho nhiều người tự tử và nhờ đó có cái nhìn gần hơn với họ. Dù vậy tôi cũng có dịp gặp cả chục vụ tự tử của người quen biết, bạn bè .. thành hoặc không; vì vậy cũng có nhiều dịp suy ngẫm.

      Nói chung, thủa mới lớn tôi khá ngạc nhiên khi nghe tin anh X, chị Y .. tự tử. Những anh ấy chị ấy trông củ mỉ cù mì thế mà cũng có những suy tư triết học, cũng thấy bế tắc trong cuộc sống và quyết định phủ nhận nó ư ?

      Giờ thì lại khá ngạc nhiên khi nghe ai đó không từng một lần trong đời (thoáng) có ý nghĩ tự tử. Nhớ mấy năm trước, khá ngạc nhiên thấy nhiều người không tin, ném đá Nguyễn Trọng Tạo khi ông kể chuyện trước hôm tự tử ngồi viết một loạt 10 bài thơ, bởi theo họ sắp tự tử còn thơ với thẩn thì thậm vô lí .. đại khái thế. Hạnh phúc thay cho những người ném đá ấy, họ đã có một cuộc sống đủ nhẹ nhàng.

      Xóa
    6. Lại nhớ câu chuyện mấy chục năm trước. Một hôm đứa bạn rất thân ghé nhà than, tự tử cũng không chết, chán. Hỏi tự tử như nào không chết, nó kể đạp xe đến chổ mấy ông du kích gom bom mìn, chôm quả bom bi, sau đó trên đường về dừng xe bên đường lấy quả bom bi ghè vào dĩa xích, bom ì ra ko nổ; trong lúc chỉ mấy hôm trước một em học sinh đi học về thấy quả bom bi tưởng cục đá ngứa chân đá phát bom nổ ùng, chết ngay. Hỏi sao không tìm cách khác, uống thuốc chả hạn. Nó lắc đầu, bảo phải ngụy trang thành tai nạn, tránh sau khi chết mọi người lại nghĩ ngợi.

      Ai bảo người ta tự tử là vì một phút giây bức xúc, trầm cảm ? Ít nhất, không phải luôn như thế.

      Xóa
    7. Lại nhớ một vụ tự tử khác (nghe kể) rất nổi tiếng hồi đầu 197x. ở Saigon. Nhà văn Tam Ích, một cây bút khá nổi tiếng bấy giờ, tác giả nhiều đầu sách về văn, triết; một hôm ăn bận chỉnh tề lên sân thượng, đứng trên một chồng sách cao, thò đầu vào dây thòng lọng rồi đạp đổ chồng sách .. Tam Ích trước đó thường cộng tác với tờ báo Phật giáo Hải Triều Âm do Nhất Hạnh phụ trách, từng viết thư cho triết gia Pháp JP Sartre về chiến tranh VN. Liệu có cần chỉ cho ổng về Thiền, về chánh niệm v. v.. ?

      Thiền, và cả thể thao thể dục, sách, nhạc .. đều có thể là biện pháp ngăn ngừa tự tử, vì có khả năng giảm stress. Nhưng khi một ai đó đã có ý định tự tử rồi thì những thứ từ ngoài ấy e là không đủ, vì họ có những lí lẽ còn mạnh hơn.

      Xóa
    8. lí lẽ mạnh hơn, ít nhất là đối với họ, trong ý kiến chủ quan của họ.

      Xóa
    9. Vậy phải làm gì với người tự tử ? Không làm gì cả, như Ainu ?

      Khuya, đi ngủ thôi. rảnh viết tiếp.

      P/s: cảm ơn cái link của nguoihanoi. Ainu đúng là khóc đó, cười đó. Như một người đàn bà :d

      Xóa
    10. Bác Khung K xuất hiện rất đúng lúc. Bác quả là kho tư liệu. Tôi đang tìm kiếm xem nhà văn Mộng Giác viết về nhân vật treo cổ trên đống sách triết học của nhân loại ở truyện nào nhưng kiếm không ra. Ai ngờ đó là nhân vật có thật trong đời.

      Xóa