Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

"CON ĐƯỜNG ĐẠI ĐẠO?"


       Đó là tiêu đề của buổi livestream tối 11-12-2024 cũng là buổi phát sóng trực tiếp đầu tiên của ông Báu trên kênh Youtube mới lập mang tên “Đoàn Văn Báu-Về miền đất Phật”. Cái tiêu đề này mang sức gợi tưởng lớn đến mức tôi mượn nó để làm tiêu đề cho bài viết này.

       Trong một bài đăng cách đây hơn nửa tháng về câu chuyện “Ý ĐẢNG-LÒNG DÂN”, tôi đã viết: “Ông Đoàn Văn Báu là một nhân vật không ai thích hợp hơn để làm trung gian, làm dấu gạch nối giữa hai bên, vì ông vừa là Đảng vừa là dân, mang tình cảm của lòng dân nhưng hành động thì không thể ra ngoài ý Đảng.”

       “Con đường đại đạo” vốn là cụm từ mà ông Báu nhắc tới khi ông đi khảo sát cung đường qua Myanmar. Phản đối kế hoạch của một chuyên gia nước ngoài, ông Báu nói ông sẽ không chọn những con đường lắt léo bất hợp pháp, bởi vì sư Minh Tuệ cần bước đi một cách quang minh chính đại. Cho nên kế hoạch của ông là tổ chức cho đoàn bộ hành đi con đường đại đạo. Ông sẽ liên hệ với hội Chữ Thập Đỏ ở Myanmar, trên đường đi sẽ phát đồ cứu tế, chữa bệnh phát thuốc cho người dân ở đây, và đoàn bộ hành khi đó càng đông càng tốt, có thể lên đến hàng trăm người. Trong khi nhiều người lo lắng về nội chiến ở Myamar chưa chấm dứt thì ông Báu lại không có vẻ gì lo ngại, thấy rằng đi theo cách “trống giong cờ mở” trên đại đạo để xuyên qua đất nước này là phương án hoàn toàn khả thi, thậm chí phải nói là khả thi nhất. Tôi cũng thấy ông rất có lý và hoàn toàn đồng ý với ông.

       Trong video trực tiếp tối 11-12-2024, ông Báu nói rằng kế hoạch đi đại đạo ở Myanmar không có gì thay đổi, không phải là bài toán khó giải, không phải là vấn đề. Vấn đề nan giải nhất lại chính là đường đi từ… Gia Lai tới cửa khẩu để xuất cảnh. Vâng, chặng đường vài ngàn ki-lô-mét qua vài quốc gia trong đó có quốc gia đang nội chiến không thành vấn đề, vấn đề nằm ở chặng đường vài chục ki-lô-mét trên đất nước quê hương yêu dấu đang sống trong hòa bình của người Việt chúng ta.

"Con đường đại đạo?" - Video 11-12-2024 của ông Báu

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Giấc mơ trong suối

 Thơ của Ái Nữ 

       

       Hôm nay ta tìm về

       Dòng yêu thương vẫn chảy

       Đáy trời lòng suối một màu mây.

 

       Từng sợi pha lê rung trên phím đá

       Suối ca khúc nhạc nghìn năm.

 

       Gối đá ta nằm

       Đá dầm trong suối

       Nắng phơi những phiến, hòn không tên không tuổi

       Giấc mơ ta có tiếng vỗ về.

 

       Ngày mai ta lại đi

       Lại nhuốm bụi đường, lại dãi dầu nắng gió

       Làm người hành khất trong câu chuyện cổ

       Vay tình nghĩa khắp nhân gian.

 

       Một ngày kia khi mây núi giăng màn

       Vũ trụ dịu êm, tinh khiết trong hơi thở

       Ta sẽ về làm viên cuội giữa dòng suối nhỏ

       Cọ cho sạch chuyện trần ai.

 

                                       18 - 8 - 1999

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

ÔNG ĐOÀN VĂN BÁU DẠY CON - CÂU CHUYỆN "Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN"

        Mấy hôm vừa rồi trên mạng xã hội loan truyền một mẩu video trong đó thượng tá công an (về hưu), tiến sĩ Đoàn Văn Báu dạy đứa con gái nhỏ vài điều liên quan đến thầy tu Minh Tuệ. Đa số quần chúng nhân dân nhiệt liệt hoan hô ông, nhưng một số thì ngơ ngác: “Gì thế nhỉ? Ông Báu dạy con nói dối à?”



       Gỡ băng lời dạy con của ông Đoàn Văn Báu:

       “- Con biết thầy Minh Tuệ không?

       - Biết.

       - Thầy ấy là người như thế nào?

       - Rất hiền và tốt bụng.

      - Sau này con PHẢI KỂ cho con của con nghe rằng gia đình mình đã được chứng kiến một vị chân tu, đó là thầy Minh Tuệ.

        - OK.

       - Và thầy ấy được tất cả người dân Việt Nam và nhiều người trên thế giới kính phục, mến mộ. Con biết không?

       - Biết.

       - Ừ! Và con KHÔNG ĐƯỢC KỂ với con của con là có những người ghét thầy ấy, có những người hại thầy ấy. Con nhớ không?

       - Dạ.

       - Nhớ nha!”

       Lời dạy này được ghi âm và đưa lên mạng xã hội. Ít nhất có đến 80% số người khen ngợi ông Báu đã dạy con rất tốt và rất thiện lương. Đây là theo tôi quan sát, hình dung và đồng thời nghĩ đến “quy luật 80%-20%” trong lời của cư sĩ Hoàng Quý Sơn về tỉ lệ những người “dễ dãi” và những người “khó tính”. “Dễ dãi” và “khó tính” là từ tôi dùng thay thế cho những từ khó nghe của ông Hoàng Quý Sơn.