Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Giữa hai ngày

Truyện ngắn của Ái Nữ

       Đêm trung thu.
       Nó rời lũ bạn trở về. Đã mười giờ đêm. Đón nó là ngôi nhà im ỉm vì đã bị khóa miệng bởi cái ổ khóa đen sì, to tướng. Không ngạc nhiên, nhưng cảnh tối tăm làm nó cụt hứng. Những bức tường xây đã lâu mà không được vôi ve, quàu quạu bộ mặt xám xịt, chẳng chịu phản chiếu ánh trăng.
       Không có chìa khóa để lại - điều đó đã được quy ước. Trong khi náo nức vì một đêm trăng đẹp, chìa khóa của nó bị bỏ quên trong nhà. Lòng đầy bất mãn, nó ngồi phệt xuống bậc thềm, hình dung ra ông anh trai đang nốc rượu với mấy thằng bạn ở đâu đó, hoặc la hét trong một đám bài bạc. Nó sẽ phải đợi đến quá nửa đêm. Có thể anh nó không về. Đôi khi như thế. Con người nhẫn nại thường trực trong nó vụt ra đi theo tiếng thở dài ngao ngán. Mặt trăng chưa chịu lùi về phía tây, cứ vằng vặc giữa trời như thiêu như đốt. Nó chặc lưỡi, cưỡi lên xe đạp phóng đi, chẳng cần hiểu để làm gì. Nó đi về nơi sáng nhất thành phố.
       Ở cái thành phố chưa giàu này, chẳng có nơi nào thú vị ngoài đường tròn ở trung tâm. Ngay cả đường tròn cũng không có gì đáng gọi là đẹp nếu gần đây người ta không dựng một cột đồng hồ đứng dầm chân giữa một bể phun, xung quanh là những bồn trồng toàn thứ cây lá đốm, hoa mười giờ và cỏ. Đồng hồ ở vị trí cao nhất, bốn mặt vuông vắn, ban đêm nhìn từ xa có màu sáng xanh. Thỉnh thoảng một mặt đồng hồ chỉ 9h trong khi mặt khác là 9h30'. Còn những vòi phun chỉ phun vào ngày lễ. Tuy thế cũng là kỳ quan ở nơi đây rồi. "Kỳ quan" ấy chẳng đủ sức lôi kéo nó. Nó đến đây đơn giản theo một thói quen.
       Những dải đèn màu chỉ mắc cho những đêm hội. Những dãy đèn cao áp hai bên đường. Những cột đèn thấp quanh cột đồng hồ... Thành phố đêm trừng mắt trơ tráo. Vầng trăng như cũng sượng sùng biết mình vô duyên. Còn nó, sau khi dựng xe và yên chỗ trên bờ bể phun, nó cảm thấy mình trống rỗng và vô vị.
       Gần 11 giờ. Cả bốn ngả đường đều vắng ngắt. Chỉ còn ông già bán bóng bay dưới gốc xà cừ và hai thanh niên cũng ngồi trên bờ bể phun, nhưng phía bên kia chân cột đồng hồ. Nó ngạc nhiên không hiểu còn ai mua bóng bay vào giờ này. Chắc không phải hai thanh niên kia, còn nó đến đây tất nhiên không vì những quả bóng màu. Thế thì ông già chờ ai, đợi cái gì? Nó nghĩ ra vô số lý do khiến một người già cả chưa muốn về nhà khi trời đã quá khuya. Biết đâu chẳng vì lý do nào cả, đơn giản là ông già vẫn chờ người mua, vậy thôi. Đôi khi người ta cứ chờ đợi những điều xem ra vô lý. Còn hai tay kia hẳn là những kẻ thích sống về đêm... Một tiếng tục tĩu văng mạnh vào không gian tĩnh lặng. Biết mà! Nó nhếch mép tự nhủ: "Chúng chắc đang nghĩ về mình không tốt đẹp gì hơn". Bao chuyện xót xa lẫn nực cười hiện về trong tâm trí cùng mấy câu thơ nó nhớ nhất trong "Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin"*:
                             "Ai đã sống và tư duy không thể
                              Trong thâm tâm không khinh ghét con người
                              Ai còn biết ghét và yêu cũng thế
                              Tháng và ngày không để trái tim nguôi".
       Hai thanh niên bắt đầu to tiếng hơn và nó hiểu chúng không định để nó yên. Nó nhếch mép một lần nữa. Những câu thơ Puskin vụt bay mất, thay vào đấy là hình ảnh một con bé có vẻ rất hiền lành, nhưng lúc cần thì lạnh như báo, dữ tợn như mèo rừng.
       Chợt có tiếng lịch kịch: ông già bán bóng thu đồ đạc lên xe. Trong nó như có một cái gì tan vỡ. Ông già đã lên xe đi, nhưng kìa ông dừng lại cạnh đường tròn loay hoay sửa sang gì đó. Mừng rỡ như thể cơ hội cứu vãn cho chính mình, nó nhanh nhẹn khóa xe, cảnh giác phóng mắt về phía hai tay thanh niên. Một tên đã bắt đầu tiến về phía nó, khệnh khạng và nhâng nháo...
       "Ông ơi, cho cháu mua bóng!" Nó lộn túi, tiền chỉ đủ mua một quả. Nó thoắt buồn cảm thấy sự vô nghĩa của việc mình làm. Chọn trái bóng tím, nó lững thững quay về chỗ. Ông già lại lên xe đi. Thanh niên kia đã ngồi ở chỗ của nó, đang giương mắt nhìn như ngạc nhiên.
       - Chào cô bé!
       - Vâng, chào anh! - Giọng nó quá ư lịch sự so với ý nghĩ trong đầu. Cuộc sống dạy nó phải luôn giữ thiện chí chừng nào người ta còn chưa tỏ ra xấu bụng với mình.
       - Em đang đợi ai phải không?
       - Đợi thời gian.
       - Để làm gì? - Anh ta có vẻ quan tâm thật sự.
       - Để biết khi hôm nay bắt đầu chuyển sang ngày mai, thành phố khác đi như thế nào.
       Nó vừa thốt ra cái điều mà chính nó chưa hề nghĩ tới. Những khoảnh đất trần trụi bừa bãi vỏ hồng, vỏ bưởi... Những ngọn cỏ xám ngoét như sắp chết vì bị giày xéo... Những cái đó cho đến ngày mai chẳng thay đổi gì hết. Nó biết thế.
       - Vẫn còn thích chơi bóng bay cơ đấy! Em thích màu tím à?
       Phải, nó thích màu tím. Chẳng phải vì những ý nghĩa hay ho rắc rối người ta gán cho màu tím. Nó ưa màu tím ở cái vẻ u uẩn.
       - Vâng... Nhưng sao?
       - À... - Giọng người thanh niên trầm hẳn xuống - Nếu không thấy em mua bóng bay, anh đã nghĩ khác...
       Nó hiểu ý nghĩ ấy và cố gắng giấu cái giọng mỉa mai cố hữu, mặc dù nó muốn anh ta hiểu nó cũng "nghĩ khác" về anh ta như thế nào.
       Thì ra người thanh niên là sinh viên năm cuối của chính cái trường nó vừa nhập học. Không dối trá một cách văn hoa như nó, anh kể mới bị người yêu "đá" nên mới chán đời, uống rượu và rủ thằng bạn đi lang thang đến lúc khuya khoắt thế này. Sao người ta không chịu dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn cho sự việc nghe bớt tàn nhẫn? Bây giờ nó mới để ý quan sát anh: chẳng có gì đặc biệt ngoài vẻ đượm buồn, khắc khổ. Tội nghiệp! Chắc là nghèo, thiếu "tình phí", tương lai không sáng sủa nên mới bị "đá", nên có lúc "hỏng hóc" như thế này đây. Vừa nãy nó tính toán sẽ cho anh bao nhiêu cú đá thật sự, còn anh không hiểu định bỡn cợt những gì. Trớ trêu thay!
       - Em bao nhiêu tuổi rồi?
       - Anh tự đoán lấy!
       - Cùng lắm năm nay em học lớp mười.
       "Sự lầm lẫn muôn thủa! Chẳng lẽ trông mày giống một con bé đáng thương lắm sao? Hóa ra mày còn ngây thơ thật hay chỉ giả vờ ngây thơ?" Nó tự hỏi mà không tự trả lời được.
       - Nhà em gần đây không?
       - Cách bốn ki-lô-mét. Nhà anh ở đâu?
       - Ở xa, đi ô tô hết bốn giờ đồng hồ.
       Anh bạn ngồi đằng kia sốt ruột gọi. Sắp 12 giờ.
       - Em về đi, muộn quá rồi...
       - Anh cứ về trước. Em về sau.
       - Em còn định ở đến bao giờ? Chỗ này không yên tâm được đâu! - Gương mặt người thanh niên lộ vẻ lo lắng chân thành.
       Chút tự ái trỗi dậy. Nó vẫn là nó, rành rẽ và cương quyết:
       - Anh về đi kẻo bạn giục. Em phải chờ sang đến ngày mai.
       - Ừ thôi thì em về sau. Nhưng... nhớ về ngay đi em nhé!
       Vậy là cả họ cũng đi rồi. Còn lại một mình nó. Giữa thành phố. Giữa ánh đèn điện. Giữa ánh trăng. "Về ngay đi em nhé!..." Một cái gì nong nóng giống như nước mắt dâng lên đến cổ rồi nghẹn lại, nó chật vật nuốt xuống.
       Cả kim giờ và kim phút đều qua khỏi số 12. Nó cẩn thận nhìn quanh. Chẳng có sự thay đổi nào xảy ra trước mắt nó. Nhưng nó biết hôm nay đã khác hôm qua.
        Theo trăng, nó đi về phía tây. Nhà nó đã sáng ánh đèn.
                                                                            Viết xong ngày 10 - 8 - 1997.
 Chú thích: 
* "Epghênhi Ônhêghin": tên một truyện thơ của nhà thơ Nga Puskin. Bốn câu thơ trích trong "Epghênhi Ônhêghin" của  Puskin lấy từ bản dịch thơ của nhà thơ Thái Bá Tân.

7 nhận xét:

  1. Tôi cũng chờ đợi những điều xem ra vô lý: một chuyện gì đó xảy ra với cô nàng chẳng hạn, hay chút gì đó kịch tính, nhưng mà truyện hết rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cô nàng cũng tưởng tượng sẽ xảy ra chuyện nọ chuyện kia, nhưng rốt cục đó chỉ là "tưởng" thôi.

      Xóa
  2. Từ trung thu 19997 đến trung thu 2014, biết bao nhiêu ngày mai đã thay thế ngày hôm qua. Chỉ có nỗi buồn và cô đơn là vẫn nguyên vẹn khi tái bản.

    Trả lờiXóa
  3. Ui, LB đọc và không hình dung được là chuyện có thật hay không nhỉ! 'Cô pé' học lớp 10! Có một điều rất đúng là 'cô pé' rất bướng bỉnh, nếu anh ấy bảo 'em cứ ở lại chơi đến khuya nhé' thì cô pé sẽ nói 'em sẽ về ngay', và ngược lại, chắc tôi không nhầm và tôi không mong bị mấy cú... đá, hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào "nhà cà phê học"! Quán này cà phê không đường không đá, chỉ có... đấm thôi.
      Anh đọc chưa kỹ, chắc tại không tìm thấy kính. Nếu còm ít lời hơn thì không bị lộ.

      Xóa
  4. Chị đọc rồi, ở nhà kia, ko nhớ đã com chưa nữa.
    Sẽ an lành cả thôi, dù là đêm tối là quanh quẩn đâu đó có hung bạo hay có vẻ không an toàn rồi sẽ vẫn an lành cả thôi, nhân tính còn đầy, người ung dung tự tại ít biết sợ,vậy thôi.

    Trả lờiXóa