Tác giả: Đinh Phương
1. Chiều Chủ nhật. Thành phố vội vã khoác lên mình lại bộ quần áo của sự ồn ào sau hai ngày nghỉ. Anh len lỏi bước giữa những con đường rất quen. Vết sẹo trên cây sấu số 123, số 124 đánh dấu trên cây hoa sữa già đã quá mùa ra hoa.
Minh họa: Hổ Văn |
Bà bán bánh cuốn ngồi ngủ gật với chiếc que buộc vải trắng ở đầu phe phẩy đuổi ruồi. Mảnh vải hết dâng lên hạ xuống, sang trái sang phải. Vội vã mơ giấc mơ ngắn ngủi giữa phố. Vài ba con ruồi, một hai con nhặng xanh học được nhịp phe phẩy biết tìm đường tấn công những cuộn bánh trắng phau, nhân đen nhạt, bát nước chấm nổi vài lát ớt đỏ.
Anh đi nhẹ hơn khi bước qua hàng bánh cuốn. Bụng sôi theo những nhịp rung trầm trầm của Trịnh. Ca từ khắc sâu một khoảng rộng những nỗi nhớ chập chờn, hư ảo.
Bốn năm chẳng đủ để anh quên đi cái đói bằng sự lãng mãng, dằn vặt của kiếp người. Vẫn ước mơ về một bữa cơm thật nhiều món, gồm cả thịt gà luộc vàng ươm lẫn mực xào trắng muốt thơm phức. Borges ở bên kia đại dương xa xăm chưa bao giờ có thể dắt anh qua mê cung của sự hỗn loạn đầu đời.
Hiện thực huyền ảo là gì khi cuộc sống ở trước mặt chỉ rặt lo toan. Trong những ngày tháng ấy anh đã cố gắng yêu tất cả bằng những gì anh có và học được.
2. Anh chưa tin mình đã bước qua tuổi 23 một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Trong bốn năm tập tọng viết văn anh đã cho rất nhiều. Cảm xúc đầu đời vuột nhanh ra khỏi những ngón tay xanh xao, gầy guộc.
Để rồi nhận lại chỉ là một vài câu văn, mấy câu thơ cũ mèm trước cả khi cảm xúc trong anh kịp mới. Ngày kịp len ánh sáng qua khe cửa cạnh phòng.
Đừng bao giờ bỏ cuộc.
Thằng bạn cùng phòng anh trong cơn say của sự hưng phấn đầu năm nhất đã nói thế. Nó gục xuống khi nôn tất cả mọi thứ tống vào dạ dày ra nền nhà. Rượu cồn lẫn xoài xanh và hạt hướng dương. Mùi tanh nồng của ngày bắt đầu xanh trong suốt.
Rồi sẽ phải viết những năm tháng tiếp theo bằng gì? Bằng trải nghiệm hay hiện thực? Cuối cuộc rượu anh cũng say. Anh cũng biến mình thành một cái máy xay sinh tố. Rượu cồn lẫn xoài và hạt hướng dương.
Anh đã nói gì trong cơn mê sảng cuối đêm ấy? Cuồng loạn hay rụt rè? Rồ dại hay bi phẫn? Hay là anh không nói? Chỉ tự đặt ra câu hỏi cho những ngày tháng tiếp theo của mình.
Một cuộc tự ru triền miên khúc này sang khúc khác. Trong các cuộc tự ru rượu được thay bằng nước chè đặc. Anh soi mình trong miệng chén sánh vàng. Khuôn mặt tràn ướt. Anh uống chính bản thân mình trong hình hài chiếc bóng để tuyệt đối tỉnh táo.
Uống mãi.
Nâng lên hạ xuống mãi. Hết quán này sang quán khác. Mặt trời soi nghiêng, soi dọc, chếch trước mặt, sau lưng. Mười hai quán trên một quãng đường ngắn anh đều quen cả. Họ quen nhìn anh dưới con mắt của kẻ tò mò đối với Đôn ki hô tê của thế kỉ 21. Khi mà cái cối xay gió vô hình vẫn quay đều đặn. Lúc ấy anh mới 19 tuổi. Song thực ra nó đã nhuốm màu 23.
Em bảo 23 tuổi chẳng ai còn trẻ nữa. Cần có một công việc ổn định và tính đến tương lai.
Anh ngàn lần không tin điều ấy.
3. Anh quyết định đến tìm em với sự ngờ vực. Căn nhà trọ tồi tàn nằm khuất nẻo, ngoắt ngoéo sau những tòa nhà cao tầng của thành phố. Vài người bạn sống cùng, học cùng khoa vẫn miệt mài nuôi ước mơ chưa biết khi nào thành hiện thực. Ánh mắt soi xuống tán thẫm của cây hoàng lan trước nhà. Hương thơm thoang thoảng. Họ nghĩ đến sâm cầm.
Nhưng mà sâm cầm mùa này đâu có về thành phố. Hồ Tây xa lắc phải đi hai chặng xe buýt hoặc một chặng cộng thêm quãng đường đi bộ rất xa. Giả dụ nếu có về thì chẳng quá ngày sẽ xuất hiện trong bình rượu thuốc nào đấy mà họ chẳng có cơ hội được nhìn.
Có chăng chỉ có khói. Khói từ ngoại thành cuồn cuộn ùa về chiếm lĩnh thành phố. Trắng, đen, xám xen nhau. Rồi khói biến thành mây. Mây tầng, mây lớp, đủ hình hài, từ rồng đến chó cảnh. Anh vốn không thích mây.
Ngắm mây thường buồn. Nỗi buồn vô cớ là một điều không đáng có khi vẫn phải nhồi nhét vào đầu đủ thứ từ triết học đến tin học, thêm cả lí thuyết thể dục.
Anh vẫn đi mê mải.
Hàng ai phớ đây vừa lướt qua. Người bán mệt mỏi nhấn pê - đan vượt qua cái bóng của anh ở trước mặt để đi về phố chính. Anh dừng lại. Nhìn chằm chằm vào con số chỉ ngõ đã bị dán đè bởi vài tờ Khoan cắt bê tông xanh đỏ chất chồng lên nhau. Chỉ còn lại số 6 chỏng chơ trên tấm biển. Tên ngõ biến mất. Con số 6 ở trạng thái sắp bị nuốt chửng.
Anh tiến đến, cố cậy Khoan cắt ra dù biết nếu có cậy được thì ngày mai nó cũng sẽ được dán lại không khó gì. Móng tay cùn vẹt cắm vào kí ức. Từng mảng giấy rơi xuống bệt lại lơ lửng trên vũng nước sau trận mưa đêm. Người đi đường nhìn anh thản nhiên. Chấp nhận những điều bất thường là một tập tính quen thuộc đã ăn vào máu của người thành phố.
Anh nhớ lại cơn mưa đêm qua một cách rơi giống giấy, thản nhiên. Anh đã ngủ mê mệt mà không biết đến mưa đến ngoài cửa sổ. Tất cả tại con mèo xám. Nhân vật chính cho truyện ngắn mới.
Con mèo có thể nói năng, đi lại và tự nhiên xuất hiện. Anh đã nghĩ đến con mèo khi nhìn một con rùa có mai màu xanh thẫm, loang vài vết mốc nuôi trong chậu nhựa đỏ. Con rùa mồm ngáp ngáp, uể oải đi lại.
Tăm sủi từng đợt giãn cách, nhiều ít. Con rùa lúc ấy nghĩ gì? Anh không biết. Anh chợt nghĩ đến một con mèo. Hai thứ vốn chẳng liên quan gì đến nhau. Đời toàn vô thức. Anh vịn vào Freud để chống lại thực tế cuộc sống. Nhân vật của anh cũng thế.
Truyện của anh toàn bọn quái đản.
Cái ngõ em ở cũng quái đản. Ngõ số 6 khiến anh nhớ đến truyện ngắn Phòng số 6 của Chekhov đã đọc trong tập truyện ngắn Nga. Một truyện ngắn có rất nhiều người điên. Không gian tù túng, ngột ngạt.
Chẳng liên quan gì cả. Mà em không thích văn học Nga. Em chỉ thích Tào Đình của Trung Quốc.
Im lặng, vài bìa sách lòe loẹt lướt qua. Khuôn mặt Tào Đình thế nào anh không nhớ. Lên google gõ, ấn vào hình ảnh ra rất nhiều khuôn mặt. Những khuôn mặt biểu lộ rất nhiều cảm xúc với người khác. Song đối với anh hầu như chúng chẳng có cảm xúc gì. Chuyển sang tên một cuốn tiểu thuyết cụ thể.
Xin lỗi em chỉ là con đĩ.
Trong lúc chờ đợi mất mạng anh nhìn ra ngoài cửa sổ. Có đợt gió nhẹ lùa qua. Hoa giun phớt hồng len lỏi trong nắng chiều khẽ rung. Chúng sẽ leo lên đến đỉnh của chiếc đèn cao áp. Rồi sau đấy thì đi đâu nữa?
Một mùa tàn trong mắt hay lại mùa nữa đến? Anh học được sự nghi ngờ từ Buồn nôn của Sartre. Anh không còn tin ngay cả chính bản thân mình. Thèm muốn khôn nguôi một kết thúc cho ngày tháng trước mắt. Để trở về làm một dấu chấm im lìm trên khoảng đất rộng nhiều dấu chấm.
Tuổi 19 chưa bao giờ yên bình. Tuổi 19 là bắt đầu của sóng gió. Sau 4 năm. Tuổi 23 cũng không phải kết thúc. Em hãy tin điều ấy. Bởi cái viễn cảnh kề lưỡi dao lam vào cổ tay, cứa mạnh và chờ đợi đau đớn cứ hiện lên thúc giục. Máu có thể dùng để vẽ nhiều tòa nhà trên mặt giấy trắng. Anh tin mình sẽ có được rất nhiều hình tam giác tuyệt đẹp để vẽ mái nhà.
Trong ngôi nhà nhỏ vẽ bằng màu đỏ ấy anh vẫn tin em đang nằm ngủ cạnh một người khác không phải anh. Người đàn ông quay lưng vào bức tường trắng mặc cho em thỉnh thoảng trong mơ ú ớ cầu cứu một cái ôm rất nhẹ. Ở giữa hai người là một bông hoa hồng nhung đang tách từng cánh trải xuống hai thân thể trắng.Họ ngủ mãi như một truyện rất ngắn đọc trên tờ báo bất kì…
4. Chết hoặc đi tìm em?
Lần nào anh cũng chọn điều dễ dàng hơn. Vùng dậy mặc quần áo bước nhanh ra ngoài với hình ảnh về nỗi nhớ. Chẳng có hình tam giác nào đủ kiên trì để ở lại bên anh. Anh đi như bay trên đường. Mọi khuôn mặt lướt qua đều mang máng quen. Xe buýt 23, 33 và 49 trộn vào nhau, màu vàng phù phiếm di chuyển, dừng lại đều đặn. Đôi khi lẫn cả tiếng gọi.
Phương.
Cả cái thành phố này có đến cả nghìn người tên Phương. Họ gọi ai đấy ngoài anh? Hoặc họ nhầm lẫn anh với người quen nào đấy. Anh không dừng lại. Vỉa hè trôi trong nhịp bước đều đặn. Lời thầy chủ nhiệm hôm đầu tiên họp lớp lởn vởn.
Các anh chị phải trở về mặt đất ngay đi. Đừng có sống trên mây là hỏng hết đấy. Phải biết mình là ai, mình là cái gì, mình đang ở chỗ nào.
Anh đang tìm cách tìm ra chính bản thân anh. Bốn mươi con người trong lớp cũng loay hoay tìm cách. Đã có một số chán nản với cuộc tìm kiếm vô tăm tích bỏ đi. Họ trốn khỏi thực tại đã mang ở một phương trời khác thực tế hơn, ít phiêu lưu hơn. Người ở lại tìm cách thích nghi. Anh tìm cách nổi loạn bằng cách đày đọa bản thân mình. Rượu, thuốc lá, chè đặc.
Họ đúng hay anh đúng?
Em im lặng nhìn mãi vào chiếc đồng hồ treo tường. Không gian xung quanh tím sẫm. Thời gian từ lúc nào đã bỏ rơi chúng ta để đi đến miền đất khác tốt lành hơn. Chỉ còn lại những chiếc kim vô tri nhinh nhích chậm chạp.
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…
Giọng Khánh Ly nghẹn ngào, vô lý bật ra từ quán cà phê nào đấy.
Có rất nhiều ngõ ngách để dẫn đến căn nhà. Nhưng lần nào anh cũng đi lạc. Ngõ nào cũng na ná giống nhau. Cây cối, người ngợm, cách nhịp của bàn chân. Anh đến nhầm nơi cần đến. Để rồi khi quay lại thêm một lần nữa anh lại lạc. Bóng em xa mờ tan trong phố thị.
5. Anh quay lại nơi cư ngụ cuối cùng trong 4 năm đại học.
Hà thành nhiều ngõ, nhiều người, nhiều nhà, nhiều cả hàng bánh cuốn có người bán ngủ gật. Chỗ em ở lẩn khuất chỗ nào anh tìm mãi không thấy?
Mà giả dụ có thấy, có gặp thì câu chuyện của chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu? Anh không muốn nói với em về Borges hay Chekhov nữa khi chúng trở thành cũ. Em cũng chẳng muốn nghe. Bóng hình Tào Đình cười cợt.
Mây bay phía ngoài thành hình chiếc bát ụp xuống. Nơi đến của chúng mình đâu có gì ngoài những cuốn sách mệt nhọc chuyền tay nhau. Thoát ra khỏi những cuốn sách chúng mình chỉ như những đứa trẻ lạc trong phố chẳng biết đi hướng nào. Chẳng có chỗ nào trong sách giống ngoài đời cả.
Anh nhận ra trí óc mình đã cố tình đi lạc trong cuộc tìm kiếm em.
Kí túc xá những ngày cuối tháng sáu lạnh lẽo. Dư âm của cuộc tụ họp cuối cùng vẫn còn rơi vãi. Bạn bè về hết chẳng biết bao giờ gặp lại. Kí ức cố quẫy đạp lần cuối trước khi chìm lẫn vào bụi bặm thời gian. Anh sợ cái cảm giác biến mất của một khoảng thời gian nào đấy trong đó có anh. Nhưng chẳng cách nào chống được. Bước lên cầu thang mệt mỏi.
Chẳng có ai gặp để được mỉm cười. Cây bàng già cỗi rung nhịp theo gió. Lá phủ xanh khoảng mắt. Mở cửa phòng len vào. Thau chậu, sách vở, chăn màn vất lộn xộn dưới đất.
Phòng 4 người, 2 người đã về ngay sau buổi liên hoan cuối năm.
Thằng bạn thân vẫn nằm ngủ. Chăn vắt qua bụng. Đầu ngoẹo sang bên. Nó vẫn tìm trong mơ những hoài niệm đẹp nhất về ngày hôm qua. Chút ít tươi đẹp rồi sẽ phải chuyển sang một bầu trời mới ít tươi sáng hơn.
Mở máy tính. Định viết tiếp câu chuyện tối qua. Nhưng con mèo xám chờ mãi không đến. Nó còn có cuộc sống của riêng nó. Tại sao anh lại cứ bắt những nhân vật làm theo ý của mình. Đáng ra nó muốn A.
Anh lại bắt nó phải làm B. Thượng đế đâu phải bao giờ cũng đúng. Anh thấy mình vô lý và bất lực trước cuộc sống. Thứ anh tạo ra để người khác đọc nhiều khi chỉ là một thứ phế phẩm của sự tưởng tượng.
6. Kí túc xá cho người lên giục đi lấy chỗ cho thí sinh đợt thi đại học đầu tháng 7. Bố gọi điện hỏi bao giờ về. Anh ừ hữ bảo vài hôm nữa. Nhưng đã bắt tay thu dọn, đóng gói đồ đạc sẵn sàng trở về thị trấn bất cứ lúc nào.
Thằng bạn cùng phòng vẫn chần chừ. Nó bảo tao sẽ ở đây đến khi nào người ta đuổi đi mới thôi. Chứ dọn ra ngoài tao chẳng biết mình sẽ đi đâu cả. Xa nơi đây tao thấy mình thành một con người khác.
Anh bảo hay uống.
Nó bảo tao sợ say.
Anh cũng sợ. Nhánh hoa giun vàng úa gục xuống vì nắng quái. Nó đã sống tốt được bốn mùa. Mùa thứ năm ở ngay phía trước kia nhưng chẳng bao giờ nó nhìn thấy nữa.
Ngay chiều ấy anh bắt xe ôm ra bến xe không dám nhìn lại phía sau. Thằng bạn cùng phòng vẫn ngủ. Nó phải ngủ cho kí ức quá khứ tiếp tục sống trong khung cảnh cũ. Nhưng anh biết nó sẽ chẳng sống mãi được thế.
Rồi nó cũng vẫn phải trở về cuộc sống thường nhật với tấm bằng đại học loại khá. Chật vật, cạy cục xin chỗ này chỗ kia. Đi làm rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái. Phút nhớ lại 4 năm đại học dài không quá thời gian đánh răng mỗi ngày.
7. Về đến thị trấn em nhắn tin.
Anh dau roi? ( Anh đâu rồi?)
Anh không biết mình đang ở đâu nữa. Thị trấn bụi bặm đến mỏi mệt. Anh dừng lại bên này đường ray nhìn về căn nhà mình đã sống đến năm 19 tuổi trước cuộc tạm chia tay 4 năm đại học. Mẹ anh đang phơi chiếu trên sân thượng. Bố đi làm trong mỏ chắc chưa về. Họ vui mừng đón anh. Anh cũng vui mừng, nhưng lẫn trong đó vẫn là sự tiếc nuối.
Điện thoại báo tin nhắn mới.
Anh dau roi? Sao không trả lời em? (Anh đâu rồi? Sao không trả lời em?)
Chần chừ.
Anh ve nha roi. (Anh về nhà rồi)
Điện thoại báo tin nhắn không gửi được. Khóa bàn phím tự động bật. Tài khoản về 0 đồng. Có cơn gió thổi qua. Hoa xuyến chi trước mặt khe khẽ rung. Tiếng kẻng báo tàu về vang vọng bốn phía. Đoàn tàu khách từ từ hú còi vào ga.
8. Rồi ngày mai chúng mình đi đâu?
Rồi ngày mai chúng mình ra
Trả lờiXóamột cái bàn đá
bên cạnh một cây móng bò
nở đầy hoa tím.
Bỗng chú mèo
đến cà cạ bên ta.
Nhớ con rùa ở nhà,
hay là ta về cho nó ăn nhỉ!
Ôi, hết đồ ăn rồi,
nhớ chiều nay phải đi mua cho nó
một ít rau muống vậy!
Hihi...
Ái Nữ nhớ Lá Bàng đã cố tình "dìm hàng" con rùa ở chỗ này đấy nhé! Bây giờ tìm cơ hội cứu vãn phải không?
Trả lờiXóaỜ mà lạ nhỉ! Tình cờ hay ngẫu nhiên? Trong entry của Lá Bàng và trong tác phẩm này của Đinh Phương, mèo và rùa cùng xuất hiện. Hì hì...
Thấy cả Mèo lẫn Rùa. Ờ mà lạ nhỉ! Tình cờ hay ngẫu nhiên?
XóaHay chủ nhà cố tình chọn bài có mèo, rùa vờn nhau?
Chuyện ấy thì có Trời biết! Tại sao một số tác giả lại cho hai "nhân vật" này sống trong cùng một tác phẩm? Tôi không tìm câu trả lời mà tôi "học tập" họ trong entry sắp tới.
XóaNgười Hà Nội ơi, tôi tìm thấy ảnh chụp con mèo và con rùa vật nhau rất đẹp, muốn dán vào còm ở đây nhưng không làm được. Anh có thể chỉ cách giúp tôi không?
"Nghiệp giữa Mèo và Rùa " thật lãng mạn và bình yên. Muốn dán ảnh vào đây nhưng chịu, vì Blogspot không chấp nhận HTML code dán ảnh ở phần còm.
XóaUi, đó là chuyện có thật, chứ LB nào có dìm hàng con rùa,
Xóamà 2 con rùa, nay còn có 1 con rùa cái thôi à,
à, 2 hôm nay LB quên cho nó ăn rồi, híc.. híc...
Tội nghiệp cho Rùa nhà Lá Bàng nhỉ!
XóaChỉ ăn rau muống mà phải vác cả "tứ thư ngũ kinh". Ha ha ha...
Chả biết con rùa trong bài viết mà Ái Nữ dẫn phía dưới có vác "tứ thư ngũ kinh" không mà để cho con mèo tha lôi quăng quật khắp đó đây như thế!!!
Giỡn Lá Bàng chút thôi. Bây giờ hỏi thiệt: Con rùa của Lá Bàng từng nhịn ăn lâu nhất là bao nhiêu ngày? Nghe nói loài rùa "ăn đứt" loài mèo ở khả năng này?
Con rùa có thể nhịn đói 2-3 tháng,
Xóanghe nói nó có thể nhịn đói cả năm,
nhưng sự thật không phải vậy,
hình như nó có ăn ruồi muỗi hay cái gì đó,
có gì hỏi nó nhé, hi...
Có bài viết "Nghiệp giữa mèo và rùa" ngộ lắm nữa đây này.
Trả lờiXóaTôi qua thăm bạn, tôi chúc bạn tối thứ Tư vui vẻ.
Trả lờiXóaÔi cảm ơn Mèo đã đến thăm nhé! Vui quá!
XóaChỉ thiếu... Rùa nữa thôi nhỉ! Hì hì...