Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Đêm qua có người gọi điện thoại...

Tùy bút của Ái Nữ

       Không phải là chuyện giật gân gì đâu, mà là chuyện không đầu không cuối.
       Người ta gọi vào ban ngày, tôi được nghe cuộc gọi đó vào ban đêm, nhưng gọi và nghe cùng một lúc.
       Cùng một lúc, tôi sống trong ngày của người khác và trong đêm của mình.
       Người đó bảo: “Học hành mất bấy nhiêu năm, cô bỏ nghề thì tiếc lắm!” Tôi vốn là đồng nghiệp của họ. Họ đang sống vào ngày, còn tôi đang sống vào đêm.
       Đêm là lúc nên nghỉ ngơi, nhưng điều này không đúng với tất cả mọi người, cũng không luôn đúng với tôi.
       Người đó hỏi: “Bao giờ thì cô lập gia đình? Đến khi đó nhớ báo tin cho tôi nhé! Tôi sẽ gửi quà cho cô”. Tôi tự hỏi sao họ không chịu nghĩ đến việc tặng quà cho tôi vì lý do khác? Như vậy “gửi quà” không phải là mối quan tâm của họ.
       Tôi không giấu họ rằng tôi không quan tâm đến chuyện lập gia đình. Họ không biết gia đình của tôi ở khắp nơi, phần lớn là những người còn chưa nhận ra tôi.
       Người đó nói: “Cô xem nhẹ trái tim, xem nặng cái đầu”. Tôi mỉm cười. Theo nghĩa đen, tim nhẹ hơn đầu. Theo nghĩa đen, vị trí của trái tim không ở trên cái đầu. Tự bản thân tôi chưa bao giờ so sánh giống như họ.
       Con người không phải chỉ có thể xác. Tôi và họ là đồng nghiệp, nhưng khác chuyên khoa. Chúng tôi cùng nghiên cứu về con người. Nhưng giống như tất cả mọi người, chúng tôi chưa nghiên cứu đúng mức về bản thân.
       Bây giờ tôi đang làm điều đó, còn họ thì quan sát.
       …
       Sáng qua có người gọi điện thoại, nhưng không phải cho tôi. Họ báo: “A.N đã vào S.G, nhưng không có ai tiếp đón. Gọi điện rủ nó đi uống cà phê kẻo nó tủi thân…”
       Tin ấy đến tai tôi. Tôi lại mỉm cười. Tôi không đến S.G theo lời mời. Tôi là “khách không mời mà đến”.
       Cư dân mạng S.G có người chuyên tổ chức tiếp đón các blogger mọi miền đến đây, những cuộc đón tiếp này hầu hết đều diễn ra ở nhà hàng, có lẽ là sang trọng.
       Tôi từng nói trước với người ấy là tôi không hẹn gặp họ ở chốn đông người. Khi đến S.G, tôi đã uống trà trong bếp của họ, lại còn đòi họ cho tôi lấy đi cả trà và cà phê nữa…
       Nếu tôi là VIP và có paparazzi bám theo, những thông tin kiểu ấy có thể làm ù tai giới blogger.
       Nhưng tôi không phải là “người của công chúng”, tôi là “con mèo lười” bước đi không gây ra tiếng động. No bụng và có chỗ ngủ ấm áp, với tôi như thế là đủ.
       …
       Người đêm qua gọi điện cho tôi không thể nào ngờ. Nếu tôi không bỏ công việc cũ, tôi không bao giờ được sống những ngày thần tiên, là những ngày tôi đang sống.
       Nơi tôi ở là một khu vườn rất đẹp. Người làm vườn ở đây nói họ đã chăm sóc nó trong mười chín năm. Trong vườn nhiều loài hoa đang nở. Mẫu đơn đỏ làm dáng bên hồ. Những bông hoa nguyệt quế xinh xắn lúc nào cũng tỏa hương đây đó.
       Trước căn phòng tôi hay ngồi là cây móng bò, một loài cây mà trước kia tôi chưa bao giờ được thấy. Ai ngờ tên của nó lại xấu đến thế, so với hình dáng nó xinh đẹp, từ cành lá đến những bông hoa tím biếc.
       Đứng bên cây móng bò là cây Osaka, một loài cây xù xì mà khi chưa nở hoa thì khó được ai chú ý. Bây giờ nó chưa nở hoa, có lẽ để làm vui lòng nàng móng bò bên cạnh.
       Cây Osaka không biết tôi đã viết riêng một entry mang tên nó, vì entry ấy vẫn chưa xuất bản.
       Dưới cây Osaka có bàn ghế đá. Trên chiếc bàn này, mỗi sáng con mèo háo hức đợi tôi chia cho nó những con tép trong suất ăn sáng, nó không quan tâm đến cháo đậu xanh.
       Tôi đã từng chăm sóc nhiều con mèo, nhưng một con mèo với bộ lông trắng xốp mịn như nó thì chưa. Nghe nói nó đã sống rất lâu, nhưng nó vẫn chưa già.
       Chúng tôi cũng uống trà trên chiếc bàn đá đó. Bạn tôi khoe trà mà anh mang tới là trà mà người ta tặng cho một vị tướng, nhưng chẳng nói là tướng nào. Tôi bấm bụng cười thầm.
       Một vị tướng vô danh nào đó chẳng thể mang lại vinh dự cho một gói trà. Tôi chưa có cơ hội được biết những người sành trà trong giới tướng lĩnh.
       Giỏi chinh phục phụ nữ, nghe nói có tướng Nguyễn Sơn. Còn giỏi thưởng thức trà thì tôi không rõ. Có lẽ năng khiếu này không đem lại vinh dự cho các vị tướng nên người ta không buồn nhắc tới như đã nức nở khen các văn nhân.
       Gói trà tôi mang về mới thật hữu danh. Tôi sinh ra ở đất trà nên không cần nhắc tới thương hiệu trên bao bì của nó, vả lại cái danh đó không có ích gì khi đem so với “vị tướng”.
       Tôi cầm gói trà này từ tay một người có nickname là Hoa Mai, người này cho biết họ nhận nó từ một người có tên là Bích Thủy.
       Hoa Mai và Bích Thủy là những phụ nữ miền Bắc sành sỏi, những ai từng nghe danh họ sẽ khó tin rằng họ có thể nhầm lẫn khi chọn một gói trà.
       Dù vô danh hay hữu danh thì những gói trà này đều ngon. Ngoài trà Thái Nguyên ra, chúng tôi còn có cà phê Ban Mê nữa.
       Tôi sinh ra ở Thái Nguyên, bạn tôi thì sống ở Ban Mê.
       …
       Sông S.G chảy ngang bên vườn. Chúng tôi thích ngắm sông khi uống cà phê trong một chiếc chòi dành riêng cho khách trò chuyện và ngắm cảnh.
       Tôi từng ngạc nhiên khi trong thơ bạn tôi tả lục bình trên sông “sáng ngược chiều xuôi”. Tôi cứ ngỡ mọi con sông đều chảy về một hướng. Nhưng sông ở đây sắp chạm vào biển cả, dòng nước cứ lưỡng lự với hai chiều xuôi ngược.
       Có lần tôi hỏi bạn tôi, rằng anh muốn như đám lục bình đang lênh đênh thơ thới giữa dòng hay như đám bèo nấp trong rặng dừa nước dưới chân vườn? Anh thích trôi theo dòng nước.
       Tôi cười vang. Tôi là dòng nước. Tôi sắp về biển cả.
       Biển không có lục bình nên tôi còn lưỡng lự.
       …
       Đó là câu chuyện đùa thôi.
       Bạn tôi không là lục bình, tôi không là dòng sông.
       Chúng-Tôi-Là-Một.
       …
       Người đêm qua gọi điện cho tôi không thể nào ngờ. Công việc mới của tôi là một công việc đầy quyền lực.
       Thế nào cũng có người cười: “Quyền lực cà phê?!!!”
       Đừng cười vội! Tôi cũng chỉ mới phát hiện ra thôi.
       Một sáng Thứ Bẩy tôi rủ bạn tôi ra phố uống cà phê chứ không uống trong chòi nữa. Chúng tôi cần đi sớm, vì đây không phải là cà phê Ban Mê, mà là “cà phê sách”.
       Nhưng ông trời không cho chúng tôi đi sớm. Bạn tôi đã thức khuya thì không thể dậy sớm được, anh cứ khăng khăng rằng đến sớm cũng chẳng để làm gì. Nhà anh trồng cà phê, còn sách thì anh “bội thực” từ lâu, may mà chưa chết.
       Tôi không tò mò về cà phê hay về sách, nhưng người nhà quê như tôi chưa được biết đến “salon văn hóa” bao giờ.
       Chúng tôi đến khi diễn giả đã thực hiện xong một nửa bài thuyết trình. Nội dung cuốn sách là chủ nghĩa tự do. Vô tổ chức là một nửa của tự do, chúng tôi cũng vừa thực hiện xong nó.
       Chủ trì buổi “salon văn hóa” đó là một học giả chuyên nghiên cứu triết học. Nhiều người gọi ông là triết gia. Tôi có nghe tên ông, nhưng chưa kịp nghe tên triết thuyết của ông. Tôi rất ít kiến thức về môn này.
       Chúng tôi ngồi ghế trên cùng, đối diện với vị học giả chủ trì nọ. Đó là chỗ duy nhất còn trống khi chúng tôi bước vào “salon”. Trong các cuộc họp, người Việt thường tránh ngồi vào vị trí này.
       Đó là chỗ mà họ dành cho những nhân vật đặc biệt quan trọng, hoặc cho những kẻ “lộn xộn”. Như chúng tôi.
       Những người lớn tuổi im lặng. Những khán giả trẻ đưa ra nhiều câu hỏi. Phần lớn trong số họ đều thiếu tự tin, kẻ có vẻ tự tin thì sốt ruột vì bế tắc. Câu hỏi cuối cùng: “Hay tự do chỉ là một cảm giác?”
       Tôi ngọ ngoạy trên ghế như một con sâu đo. Ở vị trí của tôi thì chẳng có cách nào khác hơn để quan sát được hết căn phòng.
       Lâu rồi tôi không được dự cuộc họp nào nghiêm túc như thế. Khi tôi còn là một người thích nghiêm túc, chả có cuộc họp nào mà tôi dự lại thật sự nghiêm túc cả. Khi tôi lọt vào nơi nghiêm trang này thì tôi đã là kẻ ưa những trò nổi loạn.
       Tôi hài lòng vì không có băng rôn hay biểu ngữ nghiêm túc nào trang trí cho “salon”. Nhưng cho quán cà phê thì có.
       Chiếm lĩnh riêng một bức tường là hình các vĩ nhân cùng những “tuyên ngôn” nổi tiếng của họ.
       Beethoven: “Tôi có thói quen lựa chọn đủ 60 hạt cà phê để pha cho mình một tách Mocha”.
       Balzac: “Khi chúng ta uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội…”
       Napoleon: “Không có cà phê, chính trị mất vị, chỉ còn có mùi”.
       Tôi vẫn tin rằng cà phê cũng giống như trà, không thể đem lại vinh dự cho các danh nhân. Giờ thì tôi đã biết, cà phê hay trà đều có những tín đồ đem lại vinh dự cho chúng.
       …
       Đêm qua có người gọi điện thoại…
                                                                                               Viết ngày 03-10-2014

13 nhận xét:

  1. Nếu Ái Nữ có chuyến công du miền tây alo Hoàng Anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ái Nữ chỉ "tư du" thôi chứ không "công du". Hì hì...

      Xóa
  2. Tôi vẫn thường hay nhớ về cây móng bò
    Mà người Cần Thơ hay người miền Tây vẫn gọi
    Khi tôi ngồi bên ghế đá, nói chuyện với họ...
    Hôm trước tôi thấy một cây trổ đầy hoa tím
    -Ồ, hoa cây móng bò, đẹp quá!, tôi thốt lên
    Chú tôi cười ngất, té ra tôi nhầm
    Cây mòng bò cũng cho ra những chùm hoa tím
    Cây bằng lăng cũng cho ra hoa tím, những chùm
    Có điều lá của nó giống lá ổi, to hơn, và mướt hơn
    Tôi đã nhiều lần thấy hoa bằng lăng tím ở Tây Nguyên
    nhưng tôi không để ý, nay nó lại…
    ngự trị trước mắt tôi, trong vườn nhà tôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ah thi sĩ triết gia Lá Bàng đây rồi!
      Thú thật, trước đây tôi chưa từng nghe danh triết gia Lá Bàng bao giờ. Tôi biết đến triết gia Lá Bàng chỉ sau triết gia Bùi Văn Nam Sơn một tí. Tuy nhiên tôi chưa biết triết thuyết của ông Bùi Văn Nam Sơn là gì. Còn triết thuyết "BÓNG HỒNG" của Lá Bàng thì tôi đã nghe muốn nhức tai luôn. Hic hic hic...

      Xóa
  3. Từ lúc biết Ái Nữ, tôi thấy bạn luôn viết bằng cái đầu tỉnh táo với những lập luận sắc bén, đôi khi khô khan và khó đọc.
    Nhưng bài viết này thì hình như có sự đổi khác đấy! Vẫn là câu cú chặt chẽ không chê vào đâu được, vẫn là những ý nghĩ sâu, nhiều chất lý trí, nhưng dường như nó thêm chút màu, thêm chút mùi, thêm chút mềm mại của trái tim. Tôi thích.
    Hi vọng sắp tới sẽ được gặp bạn để... hát và tám những chuyện chẳng cần tới chút lý trí nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là "ghét của nào trời trao của ấy"! Tại OM không thích những gì khô khan nên cứ đọc phải những bài viết như vậy, chứ những bài viết "mềm mại" của tôi cũng không ít lắm. Người ta thường nói người Việt duy tình, văn của tôi là chút "phụ gia" hay "tá dược" để hòa tan cái định kiến đó thôi.

      Tôi đã viết phần đầu cho hai entry, một "mềm mại" và một "lạnh lùng". Tôi đang có chút phân vân về chuyện nên hoàn thành và đưa entry nào lên trước. Comment của OM gợi ý tôi nên cho mọi người đọc cái "mềm mại" trước để thư giãn tinh thần. Hì hì...

      Xóa
  4. Ui, qua nhà ANU xem thử có gì mới không!
    Đọc lời bình bên Blog Tiếng Việt thú vị quá,
    tuy nhiên, LB kg tiện xen vào,
    vì đoạn cuối nghe... rên rỉ quá,
    híc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu viết không dấu thì tên Ái Nữ là AINU chứ không phải ANU đâu Lá Bàng ơi! Ainu có một nghĩa đặc biệt, chứ còn anu thì vô nghĩa. Lá Bàng xem nghĩa của từ "Ainu" nhé:

      "Ainu" means "human". The Ainu people regard things useful to them or beyond their control as "kamuy"(gods). In daily life, they prayed to and performed various ceremonies for the gods. These gods include : "nature" gods, such as of fire, water, wind and thunder ; "animal" gods, such as of bears, foxes, spotted owls and gram-puses ; "plant" gods, such as of aconite, mush-room and mugwort ; "object" gods, such as of boats and pots ; and gods which protect houses, gods of mountains and gods of lakes. The word "Ainu" refers to the opposite of these gods".

      Nguồn: Ainu History and Culture.

      Xóa
    2. A di thò phò, bần tăng không biết... tiếng Anh, Anu này hơi giống AChâu nên được Tiêu Phong cưng nắm, hihi...

      Xóa
  5. Đêm qua có người gọi điện thoại.
    Gọi gì lâu quá tốn điện thoại chết!
    Ái Nữ viết bài mới đi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã "nấu cháo" thì phải đủ nhừ. Hic hic... Dạo này tôi hơi bận.
      Tôi đang chuẩn bị món xúp có tên là "Cuốn sách nào trong truyện cổ tích của tương lai".

      Xóa
    2. Hi hi...
      Nhưng để nhừ quá thì đói bụng lắm. Chả thế mà hôm nay đã có bài mới.
      Ngoan nhể?

      Xóa
    3. Nhầm, bài cũ đăng lại thì phải.

      Xóa