Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Ước mơ của hòn sỏi

       Đây là một trong những entry được bạn đọc trên Blog Tiếng Việt yêu thích nhất.
       
       Một ngày nọ, trong khu vườn lớn bỗng xuất hiện một vật thể mới tinh khôi làm cho những cư dân của khu vườn phải xôn xao. Không ai biết vật này từ đâu đến và do ai đưa đến, bỗng nhiên có một ngày mọi người đều nhận ra là nó đã ở đó, dường như rất quen nhưng chưa ai từng thấy trước đó bao giờ. Việc đầu tiên cần làm là xác định thể loại của nó.
       - Đây là hạt của một loài cây lạ - Một chuyên gia thực vật học nói – Nếu tôi không nhầm thì cái cây này sẽ rất lớn đây, nhưng mà nó lại có gai. Vừa nứt vỏ nảy mầm nó sẽ chìa gai ngay ra cho mà xem! Chắc chắn hoa của nó sẽ rất thơm…
       - Ngài nói gì lạ vậy? Đây không thể là một cái hạt – Nhà động vật học phản đối – Dứt khoát đây là trứng của một giống chim từ phương xa. Nó đẹp, nhưng mà có vẻ hung dữ đấy! Dường như tôi nhìn thấy nó quắc mắt xù lông xù mỏ ngay từ trong trứng để dọa chúng ta…
       - Sao mà các ngài giàu óc tưởng tượng thế! – Người sưu tầm thiên thạch cười phá lên – Nó có thể là mẩu vụn của một hành tinh khác chứ không phải cây hay chim gì cả. Đã bao giờ chúng ta nhìn thấy hạt cây hay trứng chim có màu sắc như vậy hay chưa?
       - Ôi hòn sỏi này đẹp quá! – Bọn trẻ vừa nhìn thấy đã reo vui – Cho chúng cháu giữ để chơi nhé!
       Vì không thể đi đến kết luận đó là cái gì, cho nên cuối cùng các cư dân của khu vườn đã cho phép bọn trẻ được giữ hòn sỏi, dù sao niềm vui của chúng cũng là lợi ích. Trước mắt bọn trẻ, hòn sỏi ánh lên những sắc màu rực rỡ và biến đổi theo từng lúc một cách kỳ ảo. Những đứa trẻ lại mơ ước rằng từ đó sẽ nở ra một cái cây hay một con chim…
       …
       Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe về ước mơ thầm kín của tôi từ hồi còn nhỏ, mà tôi đã tin rằng nếu mơ ước đó trở thành sự thực thì tôi là người hạnh phúc, tôi chẳng cần gì hơn thế. Tôi đã ước trở thành người đọc truyện cổ tích trên đài phát thanh.
       Tôi không chỉ sở hữu một chất giọng trong trẻo mà còn có khả năng đọc vô cùng diễn cảm. Nhưng điều quan trọng là tôi say mê những câu chuyện cổ tích. Từ thời tiểu học tôi đã có những thính giả của mình, những đứa bạn cùng trường, họ nghe tôi kể chuyện trên đường đến lớp hay trên đường về. Hồi ấy chúng tôi đều thích những câu chuyện có nhiều tình tiết biến hóa ly kỳ hấp dẫn, kiểu như chiếc lược quăng ra biến thành cánh rừng hay Sói Xám nhảy uốn mình đã biến thành một cô gái đẹp, hoặc chuyện nước sống và nước chết… Trí nhớ của tôi rất tốt và tôi cẩn thận, khi kể chuyện tôi luôn cố gắng kể giống y như trong sách. Không ngờ trí nhớ ấy có lúc hại tôi.
       Hồi lớp bốn chúng tôi được tập làm văn kể chuyện. Bài tập đầu tiên tôi được điểm kém. Cô giáo đọc cho chúng tôi nghe câu chuyện về Mai An Tiêm hay là sự tích quả dưa hấu, sau đó cho chúng tôi kể lại chuyện ấy vào bài kiểm tra làm tại nhà. Khi cô giáo trả bài kiểm tra, tôi thấy tôi được điểm sáu kèm lời phê: “Không nên nhìn sách”. Cô giáo giải thích lý do tôi chỉ được điểm sáu là do tôi chép trong sách. Điều này oan uổng và bất công, vì tôi không hề có sách ấy và trước đó cũng chưa được đọc câu chuyện ấy lần nào, nhưng do câu chuyện có mô-tip giống rất nhiều chuyện cổ tích mà tôi đã đọc, nên tôi nhớ được nó không khó khăn gì. Song tôi không hề thanh minh, không những thế tôi còn thầm đắc ý vì trí nhớ của mình.
       Lần thứ hai cô giáo đọc cho chúng tôi nghe một truyện viết về thời chiến tranh, không còn gì giống những chuyện cổ tích, và chúng tôi kể lại. Không còn nhớ nổi làu làu nữa, tôi phải kể bằng cách riêng của mình, thế là cô giáo cho tôi chín điểm. Lần thứ ba, cô giáo đọc một truyện viết về thời bình, có tên là “Chuyện ở ga Hàng Cỏ”, chuyện khó nhớ tới mức đến giờ tôi không còn nhớ được chi tiết nào, hình như trong đó có một anh bộ đội, một kẻ cắp và một em bé. Cái logic của câu chuyện ấy xa lạ với tôi đến nỗi khi kể lại tôi đã phải sáng tác thêm để thay vào những chỗ tôi không nhớ được, và cô giáo đã cho tôi điểm mười. Điểm mười duy nhất trong lịch sử các bài tập làm văn ở trường của tôi, mặc dù đó không phải là bài văn hay nhất. Cô giáo ấy cũng là cô giáo dịu hiền nhất của tôi thời cắp sách, không phải vì cô đã cho tôi điểm mười môn văn, mà vì cô không có thành kiến với học sinh. Đã xảy ra cả một câu chuyện để tôi có thể biết được điều ấy.
       Trường tiểu học của chúng tôi có hai cơ sở, khi tôi lên lớp năm thì lớp tôi phải chuyển sang học ở cơ sở hai, cô giáo chủ nhiệm vẫn tiếp tục theo chúng tôi. Khu trường mới này có hai dãy lớp nằm ở chân đồi, còn sân trường thì lại ở đỉnh đồi, mặc dù đỉnh đồi đã san phẳng thành sân, nhưng cái sân vẫn cao ngang mái nhà lớp học, và chúng tôi có nhiều “lối mòn” để trèo lên sân trường ấy.
       Một lần lớp chúng tôi có chút khúc mắc mâu thuẫn với lớp bên cạnh về ranh giới mà chúng tôi phải chịu trách nhiệm làm vệ sinh. Thật ra đó không hề là chuyện to tát gì khi có thể giải quyết được bằng ba nhát chổi, và học sinh cũng chưa kịp lớn tiếng khi cãi nhau. Nhưng cô giáo chủ nhiệm lớp bên kia xuất hiện, tuôn ra một tràng những lời thịnh nộ và dai dẳng nhằm vào học sinh lớp tôi. Với tấm thân tròn lẳn, tóc vấn ngược, hàm răng vẩu, đôi mắt long lên hăm dọa và phong cách ngôn từ chao chát ấy, tôi thấy cô giống một bà buôn cá ngoài chợ hơn là một cô giáo. Trong lúc cùng đứa bạn hót rác ở một góc khá xa, tôi nói với nó: “Sao cô giáo lắm mồm thế nhỉ?”
       Nói nhỏ là nhược điểm của tôi mà các giáo viên thường phàn nàn. Họ sẽ không phàn nàn nếu họ có được đôi tai thính như cô giáo “buôn cá” kia. Tôi vừa dứt lời thì cô giáo ấy đã xông tới, túm tóc tôi giật ngược lên, bù lu bù loa: “Đồ hỗn xược! Dám nói cô giáo lắm mồm à? Tôi phải cho cô biết tay…” Cú giật tóc ấy khá là đau, nhưng chưa ăn nhằm gì với khả năng chịu đòn của tôi, vì đến lúc ấy tôi đã có bề dày thành tích đáng kể trong những cuộc ẩu đả với bọn con trai cùng lớp cùng trường, nhưng các giáo viên không biết đến điều ấy vì chúng tôi không đánh nhau ở trong lớp, và không đứa con trai nào dám mách cô giáo về chuyện chúng đã no đòn với tôi, dù sao cũng toàn là do chúng gây sự. Bọn con trai thời ấy khá kỳ quặc, không hiểu sao chúng lại nghĩ rằng chúng có quyền dùng sức mạnh vượt trội của đàn ông để bắt nạt bọn con gái, tôi thì không nghĩ ra cách gì hay hơn để chứng minh sự bình đẳng. Dù sao, tôi cũng thừa nhận là chưa có thằng con trai nào giật tóc tôi, tôi cũng chưa từng dùng miếng ấy với chúng. Cái chiêu giật tóc ấy nó… đàn bà quá!
       Thời đó tôi có một nguyên tắc là không đánh nhau, không cãi nhau với bọn con gái. Cô “buôn cá” này không chỉ là đàn bà, mà oái ăm thay lại có tư cách là một cô giáo, cho nên tôi không có cách gì khác hơn là im lặng chịu trận. Cô lôi cổ tôi đến trước cửa lớp, hùng hổ hỏi một học sinh khác: “Nói cho tôi biết, cô này họ tên là gì?” Tôi không hiểu sao cô “buôn cá” không hỏi tôi mà lại hỏi bạn tôi. Tội nghiệp cho đứa bạn ấy, nó chậm hiểu nên có biệt danh là “tồ”. Nhưng dù không phải là đứa “tồ” đi chăng nữa, với diễn biến quá nhanh chóng của vụ việc và lối ứng xử có logic khác thường của cô “buôn cá” thì một đứa thông minh nhất cũng khó mà tiếp thu được. Đứa bạn “tồ” lớp tôi đứng ngẩn người, há hốc miệng không biết nói gì, liền bị mắng xối xả: “À, cô dám bênh bạn cô phải không? Cô cứ liệu đấy!...”
       Cô “buôn cá” la lối om xòm đến nỗi các lớp khác cũng xúm lại xem vì tưởng có một vụ ẩu đả. Nhưng với học sinh thì vụ này còn nghiêm trọng hơn cả chuyện đánh nhau. Cô “buôn cá” dẫn tôi lên sân trường giống như lên pháp trường để “tuyên án”, các học sinh đứng dưới nhìn lên để chứng kiến, sau khi kể lể trọng tội của đứa học sinh mười tuổi, cô thô bạo tước khăn quàng đỏ đội viên của tôi.
       Ấy thế mà vẫn chưa hết. Đến sáng thứ hai, giờ chào cờ toàn trường, tôi được hiệu trưởng gọi lên đứng trước cột cờ làm gương, một lần nữa câu nói “cô giáo lắm mồm” lại vang lên từ miệng người đại diện cho các thầy cô giáo. Hình phạt đứng cột cờ là một kiểu phạt dành cho học sinh cá biệt. Tôi đứng đó và bỗng nhận ra mình đang là một anh hùng. Còn gì nữa, với màn “vạch áo cho người xem lưng” của nhà trường, lời bình luận trong xó của tôi đã được toàn trường biết đến. Những học sinh do cô “buôn cá” chủ nhiệm la ó huýt sáo để chế nhạo tôi, thằng bạn cùng lớp từng bị tôi cho ăn no đòn đang thè lưỡi ra để “lêu lêu” tôi. Còn lại tất cả mọi người im lặng, nhiều người trong số họ chẳng biết chuyện gì đã xảy ra ngoài một câu nói gây choáng váng.
       Sau buổi hôm ấy, cô giáo chủ nhiệm của tôi đem khăn quàng đỏ trả lại cho tôi, chiếc khăn mà mấy hôm trước cô “buôn cá” đã tước. Cô tự tay quàng khăn lại cho tôi và dịu dàng nói: “Lần sau nhớ rút kinh nghiệm em nhé!” Trong giọng nói của cô tôi không nhận ra sự phê phán nào. Nhưng đó cũng là buổi cuối cùng cô là cô giáo chủ nhiệm của tôi. Nghe nói cô phải quay về cơ sở một của trường.
       Tôi có rút kinh nghiệm không? Có chứ! Tôi nhanh chóng nhận ra mình đã chịu ảnh hưởng xấu từ mẹ. Mẹ tôi thì chịu ảnh hưởng xấu từ chợ búa, hồi ấy mẹ tôi buôn gạo. “Lắm mồm” chính là từ mà mẹ thường dùng để mắng tôi. Các cô giáo hay băn khoăn rằng tôi quá ít nói, họ không biết là lúc ở nhà tôi đã nói hết suất của mình rồi, để cãi lại mẹ tôi. Nhưng mẹ nói tôi thế vẫn chưa ăn thua gì, anh trai tôi còn bị mẹ gọi là “hũ mắm tôm”. Tất cả mấy anh em tôi đều cãi mẹ. Tôi đinh ninh trong lòng là phải rút kinh nghiệm tức khắc: Nếu lần sau phải nói một câu tương tự, tôi sẽ thay chữ “mồm” bằng chữ “lời”. Rõ ràng “lắm mồm” là một từ không chính xác, nói một cô giáo là “lắm mồm” thì khác gì đang tả một con quái vật! Mà tôi mang tiếng là học sinh giỏi văn cơ đấy, thật đáng xấu hổ!
       Cô giáo chủ nhiệm mới công khai bày tỏ ấn tượng không tốt về tôi trong buổi đầu tiên nhận lớp. Cô nói: “Tôi không thể ngờ một học sinh như vậy lại có thể nói những lời như thế…” Tôi nghe nhưng chẳng hiểu gì, trong đầu tôi không có khái niệm về chuyện một học sinh ra sao thì phải làm sao, nên tôi không nhớ nổi những lời nhận xét của cô. Tuy nhiên ấn tượng ấy đã không trở thành định kiến. Giống như bao người tôi đã gặp trong đời, họ có thể có một ấn tượng nào đó về tôi, nhưng sau đó họ lại quên mất. Cô giáo chủ nhiệm mới của tôi cũng vậy, thậm chí tôi nghĩ rằng cô đã ưu ái tôi, vì các điểm môn làm văn của tôi vẫn cao. Chúng tôi vẫn tiếp tục với thể loại văn kể chuyện, nhưng khó hơn. Một lần cô ra đề thế này: “Hãy kể lại bằng văn xuôi câu chuyện trong bài thơ “Con cáo và tổ ong”.
       Đoạn thơ ấy có mười câu, chắc là nhiều bạn vẫn nhớ. Tôi nhắc lại ở đây ba câu:
                “Tổ ong lủng lẳng trên cành
            Trong đầy mật ngọt ngon lành lắm thay
                 Cáo già nhè nhẹ lên cây…”
       Những câu còn lại thì tôi không thích. Nhưng dù thích dù không thì chúng tôi vẫn phải dựa vào đó để kể lại cả một câu chuyện. Chao ôi là khó, vì tôi “ăn sẵn” đã quen rồi. Rất may những đề văn như thế chúng tôi đều được làm ở nhà nên thoải mái về thời gian. Tôi bỏ ra khá nhiều thời gian để dùng trí tưởng tượng vẽ một khu rừng, miêu tả sự rình rập của con cáo, cuộc chiến đấu của đàn ong… Cũng được đôi ba trang. Tôi không tin tưởng gì lắm về kết quả của bài tập này. Lúc trả bài, cô giáo nói với tôi trước cả lớp: “Tôi bắt buộc phải trừ điểm của em. Sau khi những con ong châm nọc của mình vào con cáo thì chúng sẽ phải chết, nhưng em lại không hề miêu tả điều ấy”. Tôi ngạc nhiên tròn xoe mắt, vì tôi chưa hề biết đến đặc điểm này ở loài ong. Nhưng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết điểm bài văn của tôi: điểm chín. Điểm chín là điểm rất “xa xỉ” mà chẳng mấy khi chúng tôi được hưởng với các bài tập làm văn. Như vậy là bài tập của tôi đã được cô giáo đánh giá rất cao, thiếu sót chỉ ở phần kiến thức. Nếu cô giáo cũ của tôi dịu hiền thì cô giáo mới quả là phóng khoáng, cô đã cho tôi biết bài học về loài ong mà tôi không thể quên.
       Với môn làm văn ở nhà trường, thời huy hoàng của tôi chỉ đi cùng với thể loại văn kể chuyện và tả cảnh. Học lên các lớp trên, môn văn là nỗi ám ảnh của tôi. Tôi rất căng thẳng với những bài viết ở lớp cũng như về nhà, dù khi hết thời gian thì tôi cũng có bài để nộp. Cô giáo dạy văn hồi tôi học cấp ba tuy không đẹp lắm nhưng nhìn khá hấp dẫn, vì cô biết cách làm cho người ta chú ý đến mình. Tuy nhiên, cô không gần gũi tôi được đến mức để tôi có thể nói thật với cô rằng tôi chưa bao giờ phân biệt được văn phân tích, văn chứng minh và văn bình luận khác nhau như thế nào. Điều duy nhất trong những điều cô dạy mà tôi nhớ được là một bài văn phân tích, chứng minh hay bình luận thì phải có đủ ba phần: phần mở bài, phần thân bài, và phần kết luận. Tôi viết sao cho câu văn có vẻ dễ nghe, và đọc vào bài văn thì phân biệt được rõ ba phần ấy. Viết văn mà cứ như đóng gạch, không hứng thú chút nào. Chúng tôi lại phải có cả vở soạn văn, thứ mà tôi rất ngán. Tôi đã cầu cứu bọn bạn cùng lớp để họ cho tôi mượn vở soạn văn của họ, tôi chỉ việc chép vào vở của tôi cho đỡ mệt, vì tôi thấy họ viết văn dễ dàng hơn tôi, dù sao cuốn vở ấy cũng chỉ để đối phó với nghĩa vụ học sinh. Họ vui vẻ cho tôi mượn, nhưng khi tôi mở ra chép thì… méo mặt. Tôi đọc nhưng không hiểu những câu chữ họ viết nói cái gì và đưa vấn đề đi đến đâu, còn tay tôi thì không chịu viết những điều mà đầu óc tôi không cảm nhận được. Không “cóp” được bài của bạn, tôi lại đành tự xoay xỏa lấy. Điểm văn của tôi không cao, nhưng điểm của các bạn tôi còn kém hơn nữa, có lẽ do văn của họ “đời mới” quá nên ngay cả cô giáo cũng không hiểu, bù lại họ không bị mệt như tôi. Cứ nghĩ đến việc học văn hồi cấp ba là tôi sợ. Sao người ta lại cứ bắt chúng tôi phải phân tích, chứng minh, bình luận rằng những nhận định của sách hướng dẫn và thầy cô giáo về một tác phẩm văn chương là đúng? Tôi không hề phàn nàn khi làm điều đó với một định lý toán học. Thầy cô giáo các môn tự nhiên hài lòng với tôi, cho nên tôi bỏ qua lời khuyên hướng nghiệp của các giáo viên dạy văn. Tôi không muốn chết sớm một cách vô nghĩa. Số phận của các nhà văn nhà thơ thì nghe nói rất ảm đạm, đến nỗi tôi không muốn hình dung có mình trong nhóm người ấy, mặc dù tôi thích đọc văn thơ của họ.
       Tôi không theo nghiệp văn chương, mà theo đuổi những việc tôi cho là thực tế hơn. Nhưng rồi tôi mau chóng nhận ra mình chỉ là một kẻ vô tích sự, tôi sẽ không làm được việc gì thực tế cả. Khi ấy cách nhìn của tôi về văn chương khác đi, tôi lại thấy viết văn là việc lớn quá, đến nỗi tôi không kham nổi. Tôi đầu hàng cuộc đời, sống cho qua ngày đoạn tháng, nhưng tình yêu của tôi với những câu chuyện cổ tích thì không hề phai nhạt. Tôi luôn dành một khoản trong số tiền lương ít ỏi của mình để sưu tầm những tập truyện cổ tích hay khi có cơ hội, xếp lại thành hòm. Tôi mong sẽ có lúc tôi sở hữu một thư viện riêng gồm toàn truyện cổ tích, đó là thư viện của những ước mơ.
       Chúng ta đều biết cuộc sống không đối xử dễ dãi với những mơ ước. Những căn phòng trọ của tôi luôn thay đổi vị trí nhưng lại không thay đổi về diện tích, chúng quá nhỏ bé để chứa ước mơ bé nhỏ của tôi. Những đứa trẻ mà tôi biết thì đa số không ham truyện cổ, bây giờ chúng mê chơi trò chơi điện tử và đọc truyện tranh. Tuy nhiên vẫn có vài người bạn nhỏ thích những cuốn sách tôi tặng. Dần dần tôi không còn đủ điều kiện để tha lôi kho tàng truyện quý của tôi từ chỗ này sang chỗ khác nữa, tôi chọn ra hai người thừa kế: đứa con trai đỡ đầu của tôi và đứa cháu gái của một người bạn. Vài năm sau quay lại để thăm kho tàng chia đôi ấy thì tôi biết được kết quả: Đứa cháu gái bạn tôi, là con của một kiến trúc sư, không thích truyện cổ tích lắm. Cô bé học trường chuyên, theo đuổi môn vật lý. Cô bé có giá sách đàng hoàng và những cuốn truyện cổ của tôi vẫn còn phẳng phiu nguyên vẹn. Đứa con trai đỡ đầu của tôi, là con của cô bạn bán bánh mỳ rong, rất thích truyện cổ tích. Cậu bé chưa bao giờ có nổi giá sách, và cậu sẵn sàng cho các bạn hay các anh chị họ của mình mượn truyện. Bây giờ cậu chẳng còn giữ lại được cuốn truyện nào, nhưng vẫn giữ nguyên ước mơ trở thành họa sĩ.
       Tôi vẫn giữ lại cho mình tập truyện cổ An-đéc-xen và tập truyện dân gian I-ta-li-a. Hồi nhỏ tôi không thích những chuyện ấy lắm, vì ở đó hơi ít những tình tiết ly kỳ hấp dẫn. Nhưng càng lớn lên thì những tập truyện ấy lại càng làm tôi say mê. Có lúc tôi đã thầm định rằng, chàng trai nào muốn đến với tôi thì phải có đủ lòng kiên nhẫn để ngồi nghe tôi đọc hết truyện “Nàng tiên cá”. Song trời thậm chí không hề đưa đến cho tôi một chàng trai nào mà tôi có thể mở miệng để nói ra điều ấy. Cũng từng có một chàng chịu nghe tôi đọc truyện qua điện thoại, vào cái thời mà các mạng di động đua nhau khuyến mãi. Nhưng chủ yếu là chàng muốn nghe cái giọng êm êm của tôi đưa chàng vào giấc ngủ, và chàng ngủ nhanh đến nỗi tôi chưa bao giờ có ý định đọc truyện “Nàng tiên cá” cho chàng.
       Tôi đã ngỡ cuộc đời vùi chôn ước mơ thời thơ bé của tôi. Không ngờ giờ đây tôi lại có một “kênh phát sóng” riêng để kể chuyện cho các bạn. Mặc dù tôi không còn đọc cho các bạn nghe những truyện có sẵn mà tôi viết ra những câu chuyện, nhưng tôi không bị mệt, vì khi viết tôi thấy có dòng sinh lực chảy qua thân xác tôi khiến tôi nhẹ nhõm. Tôi đang kể cho các bạn nghe những câu chuyện cổ tích xảy ra cùng thời hiện đại của chúng ta. Trong truyện của tôi luôn có những “con ong” phải hy sinh, còn “cáo già” thì không phải khi nào cũng bại trận. Bởi vì các độc giả của tôi đều lớn cả rồi, họ không tin vào những hồi kết có hậu dễ dãi hay bịa đặt.
       Bằng những câu chuyện của mình, liệu tôi có thể đem đến cho tâm hồn bạn đọc loài cây kỳ diệu nở hoa thơm ngát hay cánh chim tự do bay về bầu trời cao rộng?
       Có thể tôi chỉ đem đến cho các bạn một hòn sỏi, nhưng là hòn sỏi biết ước mơ.

                                                Đăng trên Blog Tiếng Việt ngày 26 - 11 - 2013.


4 nhận xét:

  1. Bài rất hay! Chuyện 'con cáo bị ong đốt' được dẫn đầy ấn tượng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này bác đọc bên Blog Tiếng Việt rồi mà.
      Hết tháng Bẩy rồi mà Blog Tiếng Việt vẫn liệt đứ đừ. Nghe nhạc điệu đoán chương trình, tôi phải chuyển dần bài vở sang đây. Bác Trần Mỹ Giống thì rời nhà hẳn luôn rồi.

      Xóa
  2. Bởi vì các độc giả của tôi đều lớn cả rồi, họ không tin vào những hồi kết có hậu dễ dãi hay bịa đặt.

    Cô Ai Nữ có lạc quan quá không ? Tôi thấy bây giờ "người lớn" cũng rất thích tin những cái kết có hậu. Ví dụ như trước đây thì tin Mỹ sẽ giúp ta đánh thằng Tàu khựa gian ác. Chờ hoài chả thấy Mỹ thay trời hành đạo, gần đây lại tin trực tiếp ông Trời sẽ giúp ta (Là mấy hôm trước đọc cái tin trên tờ báo gì đấy, rằng các đảo nhân tạo của Tàu ở biển Đông chỉ cần một trận bão cấp 8, 9 gì đấy là tiêu).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì... Tôi cũng hóng thấy có nhiều người nguyền rủa Tàu khựa và mong "nhân quả báo ứng" gì đó sẽ xảy ra với "khựa", mà không hề nghĩ là nước mình rơi vào tình thế này cũng do "nhân quả báo ứng" mà ra.

      Xóa