Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Phải yêu?

"Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người - đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi! "

       Trong bài thơ "Tiếng ru" của Tố Hữu, hai khổ thơ đầu tiên như ở trên đã sống với thời gian. (Có thể phần không nhỏ là nhờ được đưa vào sách giáo khoa?) Hai khổ thơ sau thì ít được nhắc tới, có lẽ bởi nó nặng tính công thức và ngôn từ thiếu sức gợi.
       Bài thơ thấm đẫm chất ca dao. Hai câu đầu tiên tôi đã nhớ nhầm là ca dao.
       Nhưng rốt cục, hai khổ thơ đã được chọn lọc kia cũng không thể hoàn hảo, bởi không ai thay tác giả mà xóa đi rồi viết lại hai câu sau của khổ thơ đầu được.
"Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em."
       Tại sao lại "phải yêu"? Chỉ vì "muốn sống"? Tình yêu thương là một mạch nguồn tự nhiên, mạch nguồn đó chảy theo những quy luật tự nhiên, không thể khiên cưỡng. Nếu tình yêu thương bị cưỡng ép, nó có thể biến thành sức mạnh hủy diệt. Nếu ta bảo vệ anh em của mình, đồng đội của mình chỉ với động cơ bảo vệ bản thân khỏi sự diệt vong thì tình cảm chi phối hành động này mới chỉ là tình cảm vị kỷ; và như vậy, khi đồng chí gây nguy hiểm đến mình thì không còn là đồng chí nữa, khi anh em gây tổn hại đến mình thì không còn là anh em nữa.

       Tình yêu thương cao cả đứng trên sự sống chết. Dù người ta yêu thương ai đó cũng vì mình thôi, nhưng để trao truyền đi tình thương này, có những khi người ta phải lựa chọn cái chết. Dù tình yêu thương cũng là một thứ lợi ích thôi, nhưng lợi ích tinh thần này còn cao hơn sự sống của thân xác. Người ta có thể hy sinh sự sống thể xác để cho tình yêu được sống, để linh hồn mình mãi mãi ở nơi thượng giới.
       Câu thơ dạy con "phải yêu" của Tố Hữu, xét cho đến cùng, chỉ là một câu dạy đời du dương đã được lắp vần một cách trơn tru, được những người đọc dễ dãi chấp nhận. Nếu "phải yêu" như thế thì có lẽ đúng với loài ong. Những con ong yếu ớt, bệnh tật sẽ bị đuổi ra khỏi tổ, để cho tổ ong luôn sạch sẽ và mật ong không bị hỏng, để những con ong còn khỏe không bị lây bệnh. Bản năng sinh tồn đã làm cho ong chỉ yêu những "đồng chí", những "anh em" còn sức lao động, rút lại tình yêu, rút lại tình đồng chí, tình anh em với những cá thể đuối sức và trở thành mối nguy. Loài người không phải một loài côn trùng nhưng cũng đã từng như thế, và có thể ở đâu đó vẫn còn như thế.
       Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ tới nhận xét của một số người, rằng người Việt chỉ khi ở trong tình thế nguy hiểm mới phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; còn khi họ chưa nhìn ra nguy hiểm ngay trước mắt thì họ ghen ăn tức ở, vùi dập lẫn nhau. Nhưng người Việt thì chả nhẽ không phải loài người hay sao? Tôi tin là dân tộc nào cũng vậy, nhưng sự khác nhau nằm ở khả năng nhìn xa trông rộng để phát hiện mối nguy hiểm khi nó còn ở xa chứ chưa kề đến cổ mình.
       Khả năng nhìn xa trông rộng ấy đến từ đâu?
      Trí tuệ sáng suốt luôn đi cùng tình cảm cao thượng. Những rung động thanh cao sẽ thanh lọc tâm trí con người, mách cho họ biết những gì nên làm và những gì không nên làm.
      Văn chương là nơi lưu lại những tư tưởng, tình cảm của loài người. Những rung động tinh tế nhất biến ngôn từ thành thơ. Loài người lưu giữ những tác phẩm văn học giá trị như loài ong cất giữ loại mật có tác dụng nuôi dưỡng và chữa lành. Và để khỏi làm hỏng thứ "mật" quý giá này, con người cũng tìm cách tống khứ ra khỏi kho tàng những tác phẩm chứa đựng tư tưởng tình cảm thấp hèn, xa rời nhân bản.
       Có thể hiểu được tại sao nhiều người dị ứng với Tố Hữu đến thế. So với câu thơ tôi nhắc đến ở trên trong bài "Tiếng ru" thì Tố Hữu còn có những câu thơ, những bài thơ cưỡng ép tình cảm tự nhiên hơn nhiều. Đó là vì ông đã dùng thơ như một công cụ để phục vụ chính trị. Hay được đem làm dẫn chứng nhất là những câu thơ trong bài thơ "Đời đời nhớ ông" viết vào năm mà Stalin mất:
"Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!
...
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười".
       Nhưng Tố Hữu không phải là nhà thơ Việt Nam duy nhất hành xử như vậy. Ở những đất nước tiến bộ, các nhà văn nhà thơ thường là những người đi trước trong lĩnh vực tư tưởng, các nhà hoạt động chính trị xã hội cần tham khảo tác phẩm của họ. Nhưng ở Việt Nam, các nhà văn nhà thơ lại thường chịu sự chỉ đạo tư tưởng của những nhà cầm quyền. Trường hợp Tố Hữu còn đặc biệt hơn nữa, nhà chính trị và nhà thơ trong ông không thể tách bạch, mà trong đó nhà chính trị vẫn đứng trên, đứng trước, vẫn chỉ đạo nhà thơ. Đó là bi kịch của dân tộc.
       Tố Hữu đã có những bài thơ hay. Tôi tin rằng ông đã từng sống với lý tưởng trong sáng và tràn đầy nhiệt huyết. Nhưng nhà thơ trong ông đã có những lúc mù quáng, nếu không thì ông đã chẳng viết ra những thứ làm cho giới cầm bút phải hổ thẹn.
       Điều đã xảy ra với Tố Hữu cũng có thể xảy ra với bất kỳ người cầm bút nào. Cuộc đời có những cạm bẫy nguy hiểm mà người ta cần phải đủ sức mạnh và sự tỉnh táo để hoặc là hóa giải được nó, hoặc là tránh xa nó. Có những nhà văn nhà thơ về sau đã thú nhận rằng ngòi bút của mình bất lực và sa ngã, họ biết xấu hổ và đã thừa nhận sai lầm. Nhưng tôi không được nghe những điều tương tự về Tố Hữu. Liệu đó có phải là lý do mà nhiều người ác cảm với ông đến nỗi cười cợt cả những bài thơ hay của ông không?
       Như tôi lúc này cũng đang tự chất vấn mình rằng liệu tôi có cực đoan với câu thơ dạy con trong bài "Tiếng ru" của Tố Hữu? Có lẽ câu thơ ấy, khổ thơ ấy vốn dĩ hoàn hảo theo cách của nó, chỉ có tôi là không hoàn hảo nên đang tìm cách thanh lọc chính mình.
       Tôi không phải là nhà phê bình văn học, cũng không có dự định về việc đem thơ Tố Hữu ra bình luận. Chỉ là mấy ngày nay khi đọc về loài ong, tôi chợt nhớ và google câu thơ "con ong làm mật yêu hoa..." Tôi đã không hề nhớ đó là thơ của Tố Hữu, và không hề nhớ là còn có câu thơ tiếp theo làm thành một khổ thơ. Khi đọc đến tôi đã khựng lại. Lúc còn nhỏ tôi đã đọc hai khổ thơ này trong sách giáo khoa. Hồi ấy khi đọc tôi không gặp vấn đề gì cả, cũng không hề thấy "phải yêu đồng chí, yêu người anh em" là bất tự nhiên. Lúc đó có lẽ với tôi thơ chỉ là phải có vần. Thơ Tố Hữu luôn có vần, nhịp nhàng và dễ thuộc. Tôi không nghi ngờ là tôi đã từng thuộc hai khổ thơ ấy, nhưng sau đó đã quên, chỉ nhớ hai câu đầu tiên.
       Bây giờ tôi không còn là một đứa bé, cũng không còn phải tập kỹ năng học thuộc lòng một bài thơ. Nhưng vấn đề tôi gặp phải hôm nay làm cho tôi sẽ rất khó quên những câu thơ này của Tố Hữu. Trong cùng một khổ thơ mà hai câu đầu thì tôi yêu biết mấy, hai câu sau thì tôi ghét biết mấy.
"Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời".
       Yêu thì tự nhiên giản dị thế thôi. Yêu không vì phải yêu, thậm chí không tự biết đó là yêu nữa.

                                                                                                          30 - 10 - 2016

4 nhận xét:

  1. Có những nhà văn nhà thơ về sau đã thú nhận rằng ngòi bút của mình bất lực và sa ngã, họ biết xấu hổ và đã thừa nhận sai lầm. Nhưng tôi không được nghe những điều tương tự về Tố Hữu.

    Về cái bài phỏng vân Tố Hữu của Nhật Hoa Khanh thật hay giả nhỉ ? Đoc thì thấy trái ngược 180 độ với những gì từng biết về TH. Nhưng NHK thì lại cam đoan có ghi băng. Mà nếu không có băng, NHK sao dám công bố bài phỏng vấn - đụng đến TH, dù đã thất sủng, đâu phải chuyện đùa.

    Yêu thì tự nhiên giản dị thế thôi. Yêu không vì phải yêu, thậm chí không tự biết đó là yêu nữa.

    Thuở còn bé, sống ở Nam nhưng vẫn nghe bà già thỉnh thoảng vui miệng đọc mấy bài thơ TH bà thuộc lòng từ hồi con gái đi tham gia kháng chiến - Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu Dấn thân vô là phải chịu tù đày, rồi lào cào lục cục, lục cục lào cào. Anh phá tôi phá .. ..

    Sau 1975, có lần lên rừng, thấy trên vách núi bên đường đoạn gần cầu D'krong ai đó bạt phẳng, đắp nổi hai câu thơ
    Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước
    Nghe lòng phơi phới dậy tương lai

    tự nhiên thấy rùng mình. Câu thơ hay, nhưng ác quá.

    Sau này có dịp đọc ông nhiều hơn, càng đọc càng chán. Chán nhất là viết về tình yêu trai gái, cái gì mà tim anh đấy chia ba phần, Đảng phần nhiều, còn em và thơ ít thôi. Nhớ mấy câu thơ tình của Xuân Diệu hồi mới lớn học thuộc lòng, để trích dẫn khi viết thư tán gái .. dùm bạn

    Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
    Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều.
    Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
    Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.


    hay

    Yêu là chết ở trong lòng một ít
    Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu


    và cả mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thư

    Một thương là sự đã liều
    Thì theo cho đến xế chiều, biết sao


    Thuở ấy viết thư tình trên giấy pelure xanh, pelure hồng .. Thư con gái còn thoang thoảng mùi thơm. Giờ thì chắc không mấy cặp tình nhân gởi thư nhỉ. Chỉ quẹt quẹt mấy dòng tin nhắn trên phone. Thân thiết hơn thì vào viber, face, .. gì gi đấy, mở wc nhăn răng cười với nhau cái, khỏe re.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi viết bài này, tôi có kiểm tra lại thông tin trên mạng, có đọc một phần đầu bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh đăng trên Talawas, nhưng rồi dừng lại không tham khảo tiếp vì không thấy thú vị cũng như không đảm bảo độ tin cậy. Vì bác Khung K nhắc đến nên tôi đã bỏ thời gian ra đọc hết. Tôi tin nó là giả, ở điểm này tôi tin bà Thanh vợ Tố Hữu hơn là tin Nhật Hoa Khanh.

      Lại nhắc chuyện trái tim ba phần của Tố Hữu, dường như ai cũng nhớ. Tôi cũng nhớ nhưng chả nhớ ở bài nào, lại google. Tôi có chỗ bênh vực Tố Hữu: Tim ấy đúng là tim ông, mà tim ông không giống tim nhiều người khác, vậy thôi. Tôi tin ông đã trung thực, bằng chứng là vợ ông cũng là đồng chí trung thành của ông. Nhưng dù sao thì nó cũng là sự trung thực của nhà chính trị cách mạng chứ không phải của nhà thơ. Thơ thì khác, thơ phải đi đến tận cùng, và ở chốn tận cùng đó, ở cõi riêng sâu thẳm đó, không thể nói chuyện chia chác được.

      Xóa
  2. Chấp gì ông đòi chia ba trái tim (Ba phần tươi đỏ) Phần cho em yêu là nịnh vợ, phần cho thơ là đánh bóng mình (Học theo Bác Hồ) Chẳng có phần cho bậc sinh thành quả là bất hiếu. Anh không thích nhà sáng tác văn vần này.
    Thơ là sự thăng hoa (bay lên) của ngôn ngữ. Nó phải bay tự do và không được bay lập trình như tên lửa đạn đạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Tuấn mà không nói ra thì em cũng chẳng nhớ: Một khi đã đem chia thì thiên hạ thế nào cũng xúm vào ngó xem rồi khen chê tính công bằng. Cứ theo tinh thần chia mà anh đòi hỏi thì tim phải chia muôn mảnh, chứ vài phần thôi thì không thiếu đối tượng bực tức. Không chỉ bố mẹ, còn anh chị em, còn bạn bè, còn muông thú, còn cỏ cây hoa lá vân vân...

      Chặc... Bác Lành đúng là làm khó bao người!

      Xóa