Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 2

       Ngày 05-4, tôi đã gặp nhà hoạt động Nguyễn An Dân và thực hiện được cuộc phỏng vấn. Bài tôi gửi về làm đau đầu tổng biên tập báo X, vì vừa thừa vừa thiếu cho báo của anh. Anh nói sẽ trao đổi kỹ với tôi trong quá trình biên tập, anh có thiện chí không muốn nhân vật Nguyễn An Dân và nhóm Biển Xanh bị chụp mũ vì những phát biểu trong bài phỏng vấn này. Tuy vậy, do điều kiện hoàn cảnh có những sự việc bất ngờ xảy đến làm cho chúng tôi không có thời gian để trao đổi nhiều, tôi chỉ biết anh đã biên tập nhưng rồi lại hoàn toàn không hài lòng với kết quả.
       Báo X thường không đăng những bài phỏng vấn trực tiếp như vậy. Mặc dù tôi cố nhét bài phỏng vấn vào trong một kỳ phóng sự, nhưng nó vẫn chình ình choán gần hết bài. Nếu đột nhiên xuất hiện bài phỏng vấn này trên báo X, người ta có thể sẽ nghĩ báo X giờ chuyển thành… “lề trái”. Tôi đoán đó là cái khó cho tổng biên tập, vì báo X xưa nay vẫn trung lập, và “hiền”.
       Có cần phải lo nhân vật Nguyễn An Dân bị chụp mũ không? Tôi cho là không. Theo những thông tin mà anh từng tiết lộ trên Facebook cá nhân, cách đây hơn mười năm anh bị nhà cầm quyền tống giam do có liên quan đến một vụ âm mưu lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Gần một năm ở trong tù, đối thoại với những cán bộ an ninh có trình độ, tư tưởng của anh đã thay đổi, anh nhận ra rằng đối đầu chống Đảng Cộng Sản là chuyện viển vông, cần phải có phương pháp đấu tranh khác. Chủ động góp phần thúc đẩy sự chuyển hóa trong nội bộ Đảng Cộng Sản là điều anh tin có thể làm. Giờ anh là người đấu tranh theo đường lối ôn hòa. Nhưng dù vậy, anh vẫn là người đối lập chính trị.
       Nguyễn An Dân trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn, không chút úp mở. Anh có phản xạ rất nhanh trước mọi câu hỏi và thể hiện lập trường vững chắc, cũng như thể hiện sự tự tin về sức ảnh hưởng cá nhân. Trong những phát biểu của anh, tôi đặc biệt chú ý đến đoạn anh nói về vai trò của các linh mục Công Giáo trong phong trào đấu tranh của người dân ở miền Trung, vì trước đó tôi chưa được nghe ai nói vào vấn đề này rõ ràng như thế.
       Không nghi ngờ gì, gây áp lực để lập tư thế đối thoại là mục đích của nhóm Biển Xanh. Còn tôi, tại sao tôi không tiếp cận nhóm Biển Xanh bằng con đường khác dễ dàng hơn để khai thác thông tin mà lại chọn tư cách báo chí? Bởi vì tôi cũng quan tâm đến tư thế đối thoại.
       Nội dung bài mà tôi gửi về cho báo X:


Kỳ 2: Phỏng vấn nhà hoạt động Nguyễn An Dân

Ngày 05-4-2017.
       Để chuẩn bị cho những câu phỏng vấn Nguyễn An Dân, tôi gõ vào trang Google tên “Nhóm Biển Xanh” kèm vài từ khóa khác. Ngoài các trang mạng không chính thống ở Việt Nam, chỉ tìm thấy hai trang báo nước ngoài là VOA và RFA đăng tin từ hồi tháng 3, một trang nữa là trang Trẻ có địa chỉ baotreonline.com đưa tin theo nguồn của VOA kèm theo vài bức ảnh lấy từ Facebook, trong đó họ đưa hình nhà báo tự do Nguyễn An Dân thật lớn, nhưng người trong ảnh lại không phải là Nguyễn An Dân, mà là anh Nguyễn Hoành Hùng, một thành viên khác của nhóm Biển Xanh. Các trang mạng không giấy phép chính thức ở Việt Nam đưa tin không nhiều lắm, tin tức lặp lại. Đặc biệt có một bài viết được copy và tung lên nhiều trang khác nhau với nhan đề “Về cái gọi là “Phiếu yêu cầuminh bạch” của “Nhóm Biển xanh”, trong đó Nguyễn An Dân được gọi là “một trong những tên tay sai cầm đầu trong nước”. Trang đầu tiên mà tôi đọc được bài viết đó là trang Việt Nam Thời Báo ở địa chỉ http://vntb.org/ , nhái tên trang của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) ở địa chỉ www.ijavn.org. Thì ra Nguyễn An Dân “nổi” hơn tôi tưởng. Facebook của anh khô khan vì toàn các bài viết phân tích chính trị, hiện chỉ có 2150 người theo dõi, tăng chưa đầy 200 người so với trước khi khởi xướng nhóm Biển Xanh. Anh khó có cơ hội lọt vào “tổ ngàn like”. Trang fanpage của nhóm Biển Xanh hiện mới chỉ có hơn 800 người theo dõi, một con số không gây ấn tượng trên Facebook.
       Mãi đến tối, Nguyễn An Dân mới có thể đến địa chỉ hẹn. Anh ăn mặc giản dị, tác phong xuề xòa dễ gần, giọng nói của anh là giọng Nam Bộ rất đặc trưng. Chúng tôi không có nhiều thời gian nên cuộc phỏng vấn lập tức bắt đầu:
 
       AN: Chào anh Nguyễn An Dân! Tôi là cộng tác viên của báo X. Như tôi đã hẹn với anh, tôi có một số câu hỏi dành cho anh về hoạt động của nhóm Biển Xanh. Anh sẵn sàng chứ ạ?
       NAD: Vâng, xin chào chị! Hiện giờ mình sẵn sàng trình bày về những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhóm Biển Xanh cho quý độc giả biết.
       AN: Câu hỏi thứ nhất là đến giờ phút này đã có trang báo chính thống nào ở Việt Nam đưa tin về hoạt động của nhóm Biển Xanh chưa ạ?
       NAD: Hiện nay thì do vấn đề về Formosa là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị, và nhóm Biển Xanh đang thu thập chữ ký để đòi minh bạch hóa một số hoạt động liên quan đến thảm họa Formosa. Tôi nghĩ rằng báo chính thống họ có biết về chương trình, vì Facebook của tôi có nhiều nhà báo chính thống vào xem thường xuyên, nhưng chắc là họ thận trọng trong vấn đề đưa tin. Và nói chung là quan điểm của Đảng và Nhà nước thì cũng không muốn báo “lề phải” nói nhiều về Formosa, thưa chị.
       AN: Nhóm Biển Xanh có được các nhóm hoạt động xã hội dân sự khác ủng hộ giúp đỡ và phối hợp trong công việc hay không? Nếu có thì cụ thể bằng những hình thức nào?
       NAD: Hiện giờ trong xã hội dân sự của Việt Nam có hai mảng: mảng được cấp phép và mảng chưa được cấp phép. Mảng được cấp phép thì đương nhiên họ là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước, thành ra họ sẽ không cộng tác với mình. Còn những nhóm tự phát do nhân dân lập ra thì có một số nhóm cũng hỗ trợ chúng tôi trong việc thu thập chữ ký, trong việc đưa tin để quảng bá về chương trình cho quần chúng biết. Tuy nhiên không phải là tất cả, có những nhóm đang cộng tác với chúng tôi, có những nhóm thì chưa thấy sự cộng tác. Có lẽ là tôi sẽ gửi thư mời họ trong tương lai để chương trình được thực hiện tốt hơn.
       AN: Hoạt động của nhóm Biển Xanh có bị gây trở ngại gì từ phía chính quyền, từ công an hay không?
       NAD: Hiện nay, nói là gây trở ngại thì không đúng, nhưng mà họ đang giám sát chặt chẽ. Bộ công an họ cũng  mời tôi lên. Ban đầu thì họ cũng không muốn cho tôi làm, nhưng tôi có nõi rõ là đã đến lúc Nhà nước và nhân dân phải có một kênh để đối thoại với nhau, chính thức hay không chính thức thì không cần biết, nhưng phải có. Nhóm Biển Xanh làm cái này là để bắt đầu tạo ra một kênh đối thoại. Tôi đề nghị Bộ công an không nên phá rối chương trình. Họ bắt tôi làm cam kết là sẽ không để hoạt động của nhóm đi ra ngoài vấn đề Formosa, không đưa nó thành chống Đảng và Nhà nước. Tôi có làm cam kết đó. Cái thứ hai là ở một số địa phương, có một số anh em đi thu thập chữ ký, họ cũng bị an ninh khuyến cáo là không nên hợp tác với nhóm Biển Xanh làm việc này. Nhưng mà ngoài khuyến cáo đó ra thì chưa thấy biện pháp gì đàn áp nặng nề hay có thể phá hỏng chương trình. Tôi ghi nhận đó là một dấu hiệu tích cực, thưa chị.
       AN: Trong ngày 03-4 vừa rồi, theo thông tin trên các báo chính thống, Chính phủ có ra một kênh online để cho người dân có thể kiến nghị đến chính phủ, tất nhiên là trong mọi vấn đề chứ không phải là chỉ cho Formosa. Anh đánh giá thế nào về động thái này?
       NAD: Nó có hai luồng dư luận. Một luồng dư luận đánh giá là tích cực, là chính phủ muốn đối thoại với nhân dân. Một luồng dư luận khác hoài nghi hơn và chiếm số đông hơn thì nghĩ rằng đây là việc xoa dịu và mị dân của Đảng và Nhà nước. Tôi không ủng hộ góc nhìn tích cực hay góc nhìn tiêu cực, mà tôi ủng hộ góc nhìn thiết thực, tức là chính phủ tạo ra cái đó thì chúng ta cứ làm cái đó. Còn nếu như chúng ta đã kiến nghị đúng, đầy đủ theo quy định của họ mà họ không làm thì bấy giờ chúng ta phê phán sau cũng chưa muộn. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là trong thông cáo của Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng khi ông ta thông báo về chương trình này thì ông ta nói rất rõ là người dân có quyền kiến nghị những vấn đề phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và hiến pháp và luật pháp Việt Nam. Như vậy thì tôi nghĩ rằng các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết có các công ước về môi trường, nó có liên quan đến Formosa, có các công ước về các quyền dân sự và chính trị cũng có liên quan đến việc lên tiếng tranh đấu với sự mù mờ thiếu minh bạch của Formosa. Chúng ta có thể tận dụng hai cái này để đòi minh bạch Formosa. Đòi minh bạch Formosa không phải là một việc để lật đổ Đảng và Nhà nước, nó phù hợp với các công ước mà Việt Nam tham gia. Cái thứ ba là nếu như chúng ta thực hiện việc minh bạch này mà chúng ta làm ôn hòa, không mang tính cực đoan, thì tôi nghĩ rằng chính phủ phải lắng nghe thôi. Không phải tự nhiên mà họ ra chương trình này một tháng sau khi nhóm Biển Xanh ra đời. Tôi nghĩ rằng họ có cân nhắc, đương nhiên là việc nhóm Biển Xanh làm thì Bộ công an chắc chắn phải có báo cáo với chính phủ, thưa chị.
       AN: Tôi muốn hỏi là những người ký tên kiến nghị theo chương trình của nhóm Biển Xanh được yêu cầu ghi rõ địa chỉ nơi ở của mình, thì điều này có gây khó khăn đáng kể cho việc thu thập chữ ký của người dân hay không?
       NAD: Điều này cũng gây khó khăn, vì không phải ai cũng muốn cho người khác biết chỗ ở, số điện thoại, những thông tin cá nhân của mình. Nhưng mà đây là một kiến nghị gửi cho chính phủ, tôi nghĩ rằng chính phủ sẽ không dùng những thông tin cá nhân này để làm khổ những người tham gia ký tên, vì không ai muốn cả chục ngàn người thù ghét mình hết. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai là những thông tin này được nhóm cam kết bảo mật. Có nghĩa là chúng tôi không đưa ra công chúng trừ những trường hợp chúng tôi có xin phép trước. Các bạn có thể vào Facebook của nhóm hoặc vào Facebook Nguyễn An Dân của tôi, các bạn sẽ thấy là khi tôi đưa chữ ký quần chúng lên trong bài đăng mới nhất ngày hôm qua, tôi đã che đi phần địa chỉ và nhân thân của họ. Đó là sự thận trọng của ban tổ chức trong việc sử dụng thông tin này. Đó là hai điều mà tôi nghĩ là quần chúng nên chú ý thấy để bớt e dè trong việc ký tên.

Ảnh chụp những lá phiếu đã ký nhưng được che đi phần thông tin cá nhân người ký trên Facebook của Nguyễn An Dân ngày 04-4-2017

       AN: Nhóm Biển Xanh có các chuyên gia về môi trường, về kinh tế hay không?
       NAD: Nhóm Biển Xanh có sự quan hệ về mặt cá nhân của bản thân đại diện nhóm là tôi với một vài cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Tài nguyên Môi trường của Sài Gòn, cũng như là các cán bộ ở các viện nghiên cứu môi trường trong mạng lưới những thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư của trường Đại học Tài nguyên Môi trường có quan hệ với tôi. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là nhóm Biển Xanh thành lập trên nền tảng của một phong trào mong muốn Việt Nam thực hiện cái gọi là Việt Nam Mới. Trong phong trào đó, do tôi là thành viên lâu nay, có sự quan hệ với nhiều chuyên gia và chuyên trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì kinh tế. Các bạn có thể vào Facebook riêng của tôi, các bạn thấy là có những nhân sĩ, trí thức, họ thường xuyên vào đó trao đổi về tình hình chính trị của đất nước. Đó là một thuận lợi của nhóm Biển Xanh mà một số nhóm xã hội dân sự được cấp giấy phép của Nhà nước khó có được, do quần chúng và các trí thức không tin cậy vào các nhóm của Nhà nước. Cái thứ ba là tôi nghĩ rằng việc làm của nhóm Biển Xanh có lợi ích cho đất nước và nhân dân chứ không phải có lợi ích cho nhóm Biển Xanh, thành ra một khi nhóm Biển Xanh cần sự hỗ trợ của nhóm trí thức về mặt chuyên môn, tôi tin rằng nếu như chúng tôi kêu gọi thì họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ chứ không cần phải có quan hệ trước hay là không có quan hệ trước.
       AN: Trong bản tin lúc 19h 04-4 của VTV1, nhà đài đã khẳng định rằng việc đền bù cho người dân 4 tỉnh miền Trung một năm qua là “công bằng và kịp thời”, và “hiện các hoạt động nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy hải sản về cơ bản đã trở lại bình thường”. Anh đánh giá thông tin này của VTV như thế nào?
       NAD: VTV và không chỉ VTV, mà nhiều cơ quan truyền thông của Đảng và Chính phủ, từ một năm nay xảy ra thảm họa thì họ vẫn nói là vấn đề đền bù là kịp thời, minh bạch, khách quan và đúng đối tượng gì đó. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một phía, chứ còn nhân dân có nhiều người không đồng tình với kết luận đó, thành ra họ có nhiều hành động như họ viết bài, họ trả lời phỏng vấn báo chí, rồi họ tham gia các chương trình ký tên, rồi thậm chí họ đi biểu tình, để phản đối thông điệp của nhà nước như của đài truyền hình VTV như thế… Tôi nghĩ rằng nhân dân có cái lý của họ. Nhân dân luôn khôn ngoan hơn chính quyền, thưa chị.
       AN: Việc người dân Nghệ An tụ tập đông người đi đến Hà Tĩnh để kiện Formosa hồi tháng 2 và việc người dân tỉnh Hà Tĩnh biểu tình chiếm trụ sở UBND huyện Lộc Hà ngày 03-4 vừa qua theo anh có phải là do bị xúi giục nên cố tình gây rối không? Tại sao họ lại kích động như vậy? Theo anh thì họ nên phải hành động thế nào?
       NAD: Tôi hoàn toàn bác bỏ quan điểm cho rằng nhân dân bị xúi giục. Như tôi đã nói là nhân dân luôn khôn ngoan hơn chính quyền, bất kỳ chính quyền nước nào chứ không riêng gì chính quyền Việt Nam, mà đặc biệt là chính quyền Việt Nam với cái sự lạc hậu của nó thì nó càng đi chậm hơn thực tế nhân dân đang diễn ra… Đó là một. Cái thứ hai, chúng ta phải thấy rằng đó là nhu cầu chính đáng của người dân, bụng đói thì đầu gối sẽ bò, chứ không phải là ai kích động được. Giả sử như không có thảm họa Formosa, hoặc trong quá trình hình thành, đầu tư dự án Formosa mà các cơ quan Đảng và Chính phủ quản lý chặt chẽ kỹ lưỡng, không để xảy ra thảm họa, thì ở đâu vẫn ở yên đó, Đảng lo việc quản lý, nhân dân lo việc làm ăn sinh sống như xưa nay. Chúng ta hãy chú ý là trước khi có Formosa thì Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rất ít xảy ra những biến động về chính trị. Đó là cái mà chúng ta cần thấy. Cái thứ ba, đứng trên góc nhìn của tôi, thì ở đây, nhu cầu của Đảng, của Formosa và của nhân dân đang chưa gặp nhau. Nhân dân mong muốn công bằng, công lý và minh bạch. Còn về phía các cơ quan quản lý của Nhà nước thì không phải cán bộ nào, cơ quan nào cũng muốn mang đến sự công bằng, công lý và minh bạch đến cho nhân dân. Điều đó dẫn đến vấn đề hai bên không gặp nhau. Nhân dân bức xúc, họ đi khiếu kiện, thậm chí họ chiếm đóng luôn cả UBND huyện Lộc Hà là chuyện tất yếu. Muốn giải quyết vấn nạn này từ gốc, thì tôi nghĩ rằng Nhà nước trước tiên, giống như tôi kêu gọi, phải minh bạch hóa toàn bộ những thông tin cần thiết về dự án Formosa. Cái thứ hai là xử lý đúng và đầy đủ theo pháp luật tất cả những ai có sai phạm trong dự án đó. Về phía nhân dân thì tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, ảnh hưởng của các tổ chức xã hội dân sự về việc giúp đỡ người dân ở các vùng miền Trung bị nạn tranh đấu cũng chưa hiệu quả lắm, mà chủ yếu là sự giúp đỡ tư vấn của các cha Công giáo thì nhiều. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật để chúng ta nói chuyện. Tuy nhiên các cha Công giáo bị một trở ngại là các cha bị hạn chế về mặt giáo hội, về mặt vị trí xã hội. Các cha không thể làm thay công việc của các tổ chức xã hội dân sự được. Muốn giải quyết vấn đề này thì phải có một nhóm hoặc một tổ chức nào đó nhờ xã hội dân sự đứng ra làm trung gian giữa chính quyền và người dân, để nhận lãnh vai trò đối thoại cho các bên. Chứ các cha không thể đứng ra đối thoại được, tại vì các cha không muốn và các cha cũng không ở vị trí đó. Tôn giáo không thể đại diện cho nhân dân được, đó là trở ngại của các cha. Chỉ có nhân dân mới đại diện cho nhân dân. Thành ra ở đây phải có một tổ chức nhân dân đủ uy tín và đủ nghiêm túc để Đảng cũng phải tôn trọng và giáo dân cũng phải tôn trọng. Nếu có một lực lượng đó đứng ra để đàm phán đối thoại giữa hai bên thì tháo gỡ vấn đề từ từ. Chứ nếu không thì cứ biểu tình như thế này hoài thì… Biểu tình là nhu cầu chính đáng và không thể ngăn cản được. Và đàn áp biểu tình là việc chính quyền bắt buộc phải làm, không một chính quyền nào muốn một cuộc biểu tình đưa đến lật đổ mình cả. Như vậy hai bên sẽ mâu thuẫn hoài và nhân dân bị khổ nạn và chính quyền cũng mệt mỏi. Mà chính quyền mệt mỏi thì cũng không phải là chính quyền thiệt hại, mà là những người dân ở các vùng khác của đất nước đóng thuế nuôi chính quyền cũng phải bị thiệt hại, vì chính quyền sử dụng tiền của họ trong việc đàn áp những người biểu tình ở miền Trung. Thành ra, tôi nghĩ rằng cuối cùng bản thân các vị linh mục Công giáo cũng phải tư vấn cho bà con miền Trung chọn một tổ chức hoặc một lực lượng, hoặc một cá nhân chẳng hạn trong phong trào xã hội dân sự đại diện cho bà con lên tiếng một cách chính thức, và đồng thời chính quyền cũng phải lắng nghe lực lượng đó là lực lượng trung gian để tiến tới tháo gỡ dần dần trở ngại của đôi bên. Tất nhiên là trong tiến trình đó không thể làm hài lòng bên nào một cách tuyệt đối cả, nhưng đạt đến một sự đồng thuận trong lúc này là cần thiết, nếu không cứ căng thẳng đối đầu hoài thì cuối cùng là nhân dân khổ, chứ không phải những người tranh đấu chính trị khổ hay là Đảng khổ. Đó là điều mà tôi muốn lưu ý trong sự kiện này. Nhưng tuy nhiên trong thời gian chờ điều mà chúng ta đang nói xảy ra, thì tôi vẫn khuyến khích là bà con nên đi biểu tình để bảo vệ cho quyền lợi của họ, thưa chị.
       AN: Tôi muốn hỏi thêm câu nữa. Tôi có theo dõi Facebook của anh, tôi thấy anh nhận anh là người nghiên cứu và hoạt động chính trị từ mười lăm năm nay. Với tư cách đó, khi anh đứng ra khởi xướng nhóm Biển Xanh, mà nhóm Biển Xanh lại không phải là một nhóm hoạt động chính trị, thì theo anh là có lợi hay bất lợi cho hoạt động của nhóm Biển Xanh?
       NAD: Trước tiên là nói về cái bất lợi. Bất lợi là người ta sẽ nghĩ rằng nhóm Biển Xanh sẽ đi theo tôi để làm chính trị. Thuận lợi là chiều ngược lại, với kinh nghiệm chính trị của tôi thì tôi hy vọng rằng tôi có thể đưa chương trình của nhóm Biển Xanh đi tới thành công hơn. Nói gì thì nói, chính trị nằm trong tất cả các mặt của cuộc sống, và chúng ta phải vận dụng nhiều nguyên lý và quy tắc chính trị để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Ở đây nhóm Biển Xanh không làm chính trị, nhưng không ai cấm nhóm Biển Xanh vận dụng những kinh nghiệm và nguyên lý chính trị để giải quyết dự án của nhóm Biển Xanh. Đó là hai mặt, vừa thuận lợi vừa khó khăn. Nhưng mà nếu chúng ta đạt được sự cân bằng, thì con đường chúng ta đi  sẽ nhanh hơn là nếu chúng ta thiên về một phía.
       AN: Với việc thu thập chữ ký trên giấy thì các anh sẽ phải đến vận động trực tiếp người dân. Nhóm Biển Xanh có sẵn sàng để chúng tôi, trong những điều kiện phù hợp, có thể bám gót các anh để quan sát quá trình đó và đưa tin được không?
       NAD: A, đi theo thì cũng tốt thôi, nhưng có vấn đề là trong quá trình chúng tôi đi làm thì nhiều khi an ninh hốt lúc nào mình cũng không biết, hoặc là có va chạm rắc rối với chính quyền thì mình cũng không biết được. Tại vì những người đi thu thập chữ ký ấy, hiện nay những người quần chúng bình dân tích cực trong việc này rất ít, thành ra đa số là những người có hoạt động tranh đấu chính trị, dân chủ, đối lập không ít thì nhiều. Thì khi mà họ đi thực hiện công việc của nhóm Biển Xanh, có thể họ bị gặp rắc rối, không phải vì thực hiện công việc của nhóm, mà gặp rắc rối do họ làm những việc tranh đấu khác. Thì có khi là đội ngũ cộng tác viên hay phóng viên của bên bạn mà đi theo nhiều khi gặp rắc rối như vậy thì cũng khó lòng cho các bạn. Mình chỉ nói trước một nguy cơ như vậy, còn quyền quyết định là ở phía các bạn. Chứ còn bên này chúng tôi làm việc công khai minh bạch rõ ràng, chúng tôi không có gì phải che giấu ai, chúng tôi không đề phòng báo chí hay phóng viên tiếp cận.
       AN: Vâng, vậy chúng ta sẽ trao đổi về chuyện đó sau. Rất cảm ơn anh!
       NAD: Vâng, xin cám ơn chị và cám ơn quý vị độc giả đã quan tâm đến chương trình “Minh bạch Formosa” của nhóm Biển Xanh đang thực hiện!

      Cuộc phỏng vấn kết thúc. Khi tôi đề nghị Nguyễn An Dân cho tôi chụp hình anh thì anh tỏ ra hơi bối rối và ngượng nghịu. Anh than phiền rằng mấy hôm nay anh bận rộn nên có phần mệt mỏi bơ phờ, quên cả cạo râu. Và đây là lúc tôi biết mình gặp may: Tôi chỉ bấm máy duy nhất một lần, rồi đưa anh xem để anh yên tâm là nhìn anh trong ảnh không quá tệ. Anh mỉm cười gật đầu.

Nguyễn An Dân trong cuộc phỏng vấn với báo X tối ngày 05-4-2017

 
       Theo những thông tin mà nhà hoạt động Nguyễn An Dân đã công khai trên Facebook thì họ tên trong giấy tờ hành chính của anh là Quang Hữu Minh. Anh sinh năm 1977, ra đời và lớn lên ở Sài Gòn, đã từng tốt nghiệp đại học luật.

07-4-2017
       Tôi nóng lòng chờ Nguyễn An Dân liên lạc lại. Trên Facebook, anh đã công khai là tuần này anh đi các tỉnh miền Tây để thu thập chữ ký của người dân ở đó. Anh đã chấp nhận cho tôi theo chân để viết tiếp phóng sự. Nhưng cả buổi sáng không thấy anh trên Facebook, gọi điện thoại cũng không thấy nghe máy. Đến trưa anh mới online và nhắn cho tôi rằng chuyến đi chưa thể thực hiện, sáng nay anh đã phải lên trình diện công an, viết cam kết không kích động biểu tình vân vân… “Tình hình đang rất căng.” Anh cho tôi biết thế.
       Ngay lúc này, tôi chưa thể yêu cầu gì hơn ở anh. Tình hình của tôi cũng căng. Tôi không thể bỏ lửng thiên phóng sự mới mở đầu. Chừng nào nhóm Biển Xanh chưa bỏ cuộc, tôi lại bỏ cuộc chăng? Không thể nào!


                                                                                             (Kỳ 2 viết xong vào ngày 07-4-2017).

1 nhận xét:

  1. Giờ này mới đọc được mấy bài này khi mà mọi chuyện đã xong, thiệt kg biết nói gì luôn :-(

    Trả lờiXóa