Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 1

       Ngày 03-4-2017, tôi trao đổi với tổng biên tập một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài:
       “Anh có muốn đưa bài về hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam không?”
       “Có đấy. Em viết đi!”
       “… Hoạt động của họ minh bạch đến mức nào, gặp khó khăn thuận lợi ra sao, đoàn kết hay bất đồng… Bắt đầu như thế được chứ?”
       “Được. Mình thử làm xem sao.”
       Hành trình tháng Tư của tôi bắt đầu, lần theo một đầu mối.
       Cứ vài ngày tôi lại gửi về tòa soạn những gì tôi thu thập được, chủ yếu là những bài phỏng vấn mà tôi đã thực hiện. Tôi cũng không biết tổng biên tập của tờ báo sẽ biên tập kiểu gì để dùng. Họ chưa có phóng viên thực địa ở Việt Nam và đề tài này là hoàn toàn mới đối với họ. Chả lẽ lại đột ngột đăng bài phỏng vấn những nhân vật mới toanh và khá vô danh? Tôi đã để những bài phỏng vấn nằm trong phóng sự viết khá sơ sài, chỉ có nội dung phỏng vấn là thông tin đáng kể. Một món ăn khó nấu. Nhưng đây không phải văn chương, không phải là câu chuyện của riêng tôi, mà là câu chuyện tôi muốn trực tiếp khám phá. Tôi không thể biết trước tôi sẽ gặp những điều gì. Nếu tôi để đến kết thúc mọi diễn biến mới viết bài thì tính thời sự của thông tin sẽ giảm và không chắc đó là hành động khôn ngoan nhất. Tôi muốn cho tổng biên tập của tờ báo biết tôi đã làm như tôi nói. Có lẽ anh rất “khó ở” với bài gửi về của tôi, nhưng là một kẻ ích kỷ, tôi không quan tâm quá nhiều về điều đó. Tôi cần tư cách của tờ báo để tiếp cận với nhân vật.
       Phóng sự được tôi đặt tên là “Nhóm Biển Xanh với người dân và Formosa”. Sau đây là nội dung 3 kỳ mà tôi lần lượt gửi về tòa soạn:


Kỳ 1: Người quen của người quen

       Lâu nay tôi thường nghe người ta phàn nàn trên mạng rằng các nhóm xã hội dân sự đấu tranh dân chủ ở Việt Nam chỉ hoạt động bề nổi, hầu hết chỉ “chém gió” trên Facebook và các diễn đàn mạng, chứ hoạt động thật sự của họ ở ngoài đời thì thật đáng nghi ngờ. Ở ngoài Facebook thì họ có bị phàn nàn không? Không. Tôi không nghe thấy. Đơn giản vì những người không dùng Facebook xung quanh tôi không biết đến họ. Câu chuyện về họ rất khó tìm thấy trên báo chí chính thống của Việt Nam, cho đến khi ai đó trong số họ bị bắt và đưa ra tòa xét xử như những kẻ gây rối hoặc phản động. Hẳn là có nhiều người cũng như tôi, muốn tận tai nghe, tận mắt thấy những hoạt động “offline” của họ.
       Ngày hôm qua 03-4-2017, hàng nghìn người dân ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh biểu tình, bao vây và chiếm trụ sở UBND huyện, họ trương những băng rôn đòi đền bù thiệt hại và phản đối đàn áp. Ngày hôm nay 04-4, tôi vào Sài Gòn để “săn” nhóm Biển Xanh.
       Tại sao lại là nhóm Biển Xanh mà không phải nhóm nào khác? Vì họ mới nhất, xuất hiện vào đầu tháng 3 năm nay, chính thức phát động chương trình “Minh bạch Formosa” vào ngày 08-3-2017. Hoạt động của họ là lấy chữ ký “sống” của người dân trên lá đơn kiến nghị bằng giấy chứ không phải là chữ ký điện tử. Kế hoạch của họ là lấy mười nghìn chữ ký vào đơn kiến nghị gửi đến chính phủ. Theo như họ công bố thì đến giờ họ đã thu thập được khoảng một nghìn chữ ký.

Hình 1: Hình cover fanpage của nhóm Biển Xanh


Hình 2: Nội dung tờ đơn cần lấy chữ ký


Hình 3: Bản hướng dẫn việc ký đơn


       Nhóm Biển Xanh hiện chỉ dùng duy nhất một trang fanpage ở địa chỉ https://www.facebook.com/Bienxanhvn2017. Qua Facebook và điện thoại, tôi đã liên lạc được với nhà hoạt động Nguyễn An Dân, người khởi xướng nhóm Biển Xanh. Tôi đề nghị anh cho tôi gặp trực tiếp để phỏng vấn với tư cách là cộng tác viên của báo X. Anh đồng ý và hứa sẽ sắp xếp trong thời gian ngắn nhất có thể. Nhà riêng của anh ở quận Bình Tân, nhưng anh khuyên tôi không nên đến đó, vì sắp đến ngày tròn một năm xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, công an canh gác nhà của những người đấu tranh để phòng xảy ra biểu tình, nhà anh cũng trong diện “được ưu tiên”, anh không muốn tôi chuốc lấy rắc rối không cần thiết.
       Trong lúc chờ đợi, để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, tôi xem lại bản tin thời sự lúc 19h hôm qua của VTV1. Trích đoạn “gỡ băng”:
       “Sáng nay (03-4-2017) đoàn công tác của bộ TN&MT cùng các nhà khoa học phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa về công tác khắc phục sự cố môi trường biển. Đợt kiểm tra diễn ra trong 3 ngày, từ nay đến ngày 05-4”.
       “Sau khi tiến hành kiểm tra kỹ từng hạng mục, nhiều nhà khoa học đánh giá, công ty Formosa đã lắp đặt bổ sung các công trình cải thiện môi trường đúng như đã cam kết”. Ông PGS.TS Cao Thế Hà nói: “Qua khảo sát thì chúng tôi cũng thấy là Formosa cũng đã rất cố gắng, đã thực hiện đúng cam kết. Tức là đã bổ sung tất cả những cái mà đã được Bộ TNMT yêu cầu. Và những thiết bị mà họ bổ cập để phục vụ công tác thì là những thiết bị hiện đại”. Ông PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện khoa học và kỹ thuật môi trường nói: “Với tiêu chuẩn công nghệ hiện nay, với các bậc kiểm soát sự cố hiện nay, và với cách quản lý dữ liệu như vậy thì chúng ta có thể tương đối yên tâm với cái công nghệ này để đảm bảo cho nước thải của Formosa khi đi vào hoạt động chính thức thì có thể yên tâm về mặt môi trường”.
       Tôi nghĩ đến bố tôi đang ở quê, VTV là nguồn tin thời sự duy nhất của ông, ngoài những cuộc họp chi bộ đảng ở tổ dân phố.
       Nhưng còn người Sài Gòn thì sao? Tôi quyết định sẽ phỏng vấn người đầu tiên mà tôi gặp trong chuyến đi này. Đến tối thì tôi biết đó là ai, không phải một, mà là hai. Hai vợ chồng anh Tăng Anh Tuấn và chị Nguyễn Đỗ Minh Hà. Họ đều làm nghề kinh doanh. Anh Tuấn ở Công ty Cổ phần Quốc tế BMG, còn chị Hà ở Công ty Unilever Việt Nam.
       Với vị trí công việc của mình, anh Tuấn và chị Hà không e ngại khi tiếp xúc với các phóng viên, nhưng họ rất ngạc nhiên khi người phỏng vấn họ lại là… tôi. Chúng tôi mới biết nhau gần đây, họ hầu như không biết gì về công việc viết lách của tôi và không nghĩ tôi lại có liên quan đến báo chí. Họ cảm thấy thú vị và không thắc mắc gì khi tôi giải thích rằng tôi cần phỏng vấn để biết người dân quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội ở mức độ nào, với vài câu hỏi đơn giản và sẽ chỉ làm mất của họ vài phút. Tôi bật máy ghi âm:

       AN: Anh Tuấn chị Hà ở Sài Gòn bao lâu rồi nhỉ?
       Chị Hà: Mình ở Sài Gòn từ khi sinh ra, đến giờ được 40 năm.
       Anh Tuấn: Mình thì quê ở Hà Nội, nhưng mình ở SG được hơn 3 năm rồi. Tất nhiên là đi ra đi vào thì nhiều nhưng ở mang tính chất lâu dài thì hơn 3 năm.
       AN: Anh chị đã từng có thời gian nào sống hay làm việc ở miền Trung chưa?
       Chị Hà: Có đi công tác, nhưng sống ở đấy thì chưa.
       Anh Tuấn: Mình đi công tác hoặc đi chơi, nhưng sống ở miền Trung thời gian dài thì chưa.
       AN: Ngày hôm qua có một sự kiện xã hội xảy ra ở tỉnh Hà Tĩnh, anh chị có nghe nói không?
       Chị Hà: Chưa, mình chưa kịp cập nhật.
       Anh Tuấn: Đúng rồi, mình chưa cập nhật.
       AN: Hôm qua mùng 3 tháng 4, người dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh biểu tình, bao vây và chiếm trụ sở UBND huyện Lộc Hà. Lâu nay anh chị có nghe nói nhiều về vấn đề ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra không?
       Anh Tuấn: Có, vụ Formosa thì mình có quan tâm.
       AN: Ngày 06-4 tới đây là một năm ngày xảy ra sự cố môi trường biển do công ty Formosa ở Vũng Áng gây ra. Mấy ngày nay anh chị không cập nhật tin tức?
       Chị Hà: Vụ Hà Tĩnh vừa rồi thì mình chưa cập nhật, nhưng về Formosa thì mình có nghe lâu nay.
       AN: Trong môi trường xung quanh anh chị, nơi sống và làm việc của anh chị, với bạn bè đồng nghiệp, gia đình…, anh chị và mọi người có thường xuyên trao đổi với nhau về vấn đề ô nhiễm môi trường không?
       Anh Tuấn: Có chứ! Vấn đề môi trường rất quan trọng, bản thân mình rất quan tâm.
       Chị Hà: Ở chỗ mình làm ấy, không chỉ là giữa các nhân viên trao đổi trò chuyện với nhau, không chỉ về thời trang, về kinh tế chính trị xã hội, mà có một số phong trào, chương trình của công ty về bảo vệ môi trường, như là làm sao để tiết kiệm nước, tiết kiệm điện… Về chuyện Formosa thì không trực tiếp quảng bá, tiếp cận đến nhân viên nhiều, nhưng đó là đề tài đã xã hội hóa, nên vẫn được nhắc tới.
       AN: Gần đây có những hoạt động xã hội dân sự. Có những người khởi xướng một vài chương trình vận động ký tên vào bản  kiến nghị yêu cầu minh bạch vấn đề đền bù thiệt hại do Formosa gây ra, yêu cầu minh bạch quá trình khắc phục sự cố môi trường của Formosa. Anh chị có biết, có nghe nói tới không?
       Anh Tuấn: Không. Mình không được nghe nói.
       Chị Hà: Không, mình chưa nghe nói nhiều lắm. Mình biết là có được đền bù, và mình có nghe loáng thoáng là đền cho người dân không được thỏa đáng, một cách nào đấy thì người dân không được nhận đền bù ổn thỏa. Có thể là một chỗ nào đấy đã nhận rồi, nhưng đền bù bao nhiêu thì người dân không được biết, hoặc có số tiền nào đó họ đã nhận nhưng họ chưa thấy thỏa đáng. Nghe được thông tin như thế thôi, còn chính xác cụ thể thì không biết hơn.
       AN: Anh chị có thường xuyên dùng Facebook không?
       Chị Hà: Mình dùng không thường xuyên.
       Anh Tuấn: Mình cũng thỉnh thoảng thôi, ít khi dùng lắm.
       AN: Anh chị có thường xuyên đọc báo mạng không?
       Anh Tuấn: Có, đọc báo trên mạng thì có.
       Chị Hà: Cái đó thì có.
       AN: Sau đây, nếu anh chị tìm hiểu trên mạng Facebook, có một vài nhóm, họ tổ chức vận động ký tên vào bản kiến nghị, nếu mà anh chị cảm thấy điều đấy đúng đắn, hợp pháp, hợp tình hợp lý thì anh chị có ủng hộ và ký cùng họ không?
       Chị Hà: Cái đấy là quyền lợi của người dân , với lại cái đấy là đền bù cho sự thiệt hại mà người dân đã phải chịu. Sợ là đền bù bao nhiêu cũng không đủ, vì thiệt hại như vậy là rất lâu dài. Tiền đền bù này chỉ cho một thời gian ngắn thôi. Cần có giải pháp lâu dài hơn để khôi phục, cải thiện môi trường, trả lại môi trường sống tốt hơn. Cần có thêm hành động chứ không phải là chỉ riêng tiền đền bù đấy… Theo mình nghĩ là như thế.
       AN: Vâng, vậy thì rất mong là sau cuộc trao đổi này anh chị có thể dành thời gian tìm hiểu, và chúng ta có thể tiếp tục trao đổi lại vấn đề này. Cảm ơn anh chị!

       Tôi vừa tắt máy ghi âm, anh Tuấn “phỏng vấn” tôi: “Em làm cho báo nào thế?” Tôi đã thiếu sót khi không giới thiệu tên tờ báo trước khi thực hiện phỏng vấn. “Phóng sự này em làm với báo X anh ạ!”
       Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của anh, tôi nghĩ là anh chưa biết nên giới thiệu tiếp: “Đó là một tờ báo nhỏ của người Việt ở…”
       Mắt anh Tuấn sáng ra và anh nói gần như reo lên: “A, có phải báo X có anh… không?” Anh Tuấn nhắc tên tổng biên tập của tờ báo.
       Thì ra là vài năm trước, báo X có đăng bài viết về một sản phẩm của công ty BMG, công ty này có văn phòng chi nhánh ở nước Áo.
       Tôi cảm thấy may mắn khi người được phỏng vấn đầu tiên có thiện chí với tờ báo. Không biết ngày mai tôi có may mắn hơn thế không.
       Khi chia tay tôi, anh Tuấn và chị Hà vẫn chưa biết gì về nhóm Biển Xanh. Rồi họ có tìm hiểu không nhỉ? Nhóm Biển Xanh có đến được với những người như họ không? Liệu tôi có được biết điều đó khi phóng sự này kết thúc?
       Nhưng lúc này, tôi phải chuẩn bị những câu hỏi  cho cuộc phỏng vấn ngày mai.

                                                                                     04-4-2017

                                                                                                         (Kỳ 1 viết xong vào ngày 06-4-2017)

Xem tiếp: Đối thoại tháng Tư - Phần 2

4 nhận xét:

  1. Huynh có đọc, nhưng kg rõ ý của bài!, thiết nghĩ nên tóm tắt phần in nghiêng 1 (Sáng nay (03-4-2017) đoàn công tác của bộ TN&MT...), tóm lược phần in nghiêng 2 (anh Tuấn và chị Hà, quá dài, không rõ ý chính họ muốn nói gì!)..., hình nhiều quá! - mà nếu kg nhầm, đây là một bài pr cho 'Xanh'!
    TM.

    P/s: Blogspot của huynh đang bị kẹt!, chưa sửa được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phần của VTV thì đã trích đoạn tức là ngắn rồi.

      Phần phỏng vấn tôi để nguyên. Ở đây vấn đề không chỉ là hai người này nói gì mà còn là họ đã trả lời câu hỏi phỏng vấn thế nào trước một vấn đề nhạy cảm.

      Hình nhiều quá? Trong hình là chữ. Đó là bằng chứng, chỉ cần đọc vào đó, tôi không cần viết và diễn giải gì nhiều về chương trình của nhóm Biển Xanh, vì 3 bức hình đó đã nói hết.

      Rất tốt khi đọc vào bài viết người ta cảm thấy bài PR cho nhóm Biển Xanh, mặc dù vào thời điểm này tôi tin là nhóm Biển Xanh không chờ đợi điều đó.

      Không rõ ý của bài? Bác hãy đọc lại tiêu đề của bài viết. Hãy đọc kỹ các đối thoại và thu hoạch lấy phần mà mình quan tâm.

      Xóa
    2. Tóm lược bài phỏng vấn đôi vợ chồng này thì dễ thôi, bác tổng biên tập đã làm việc đó và tự cho là ổn, tôi đã xem và cũng thấy ok. Tuy nhiên đến những bài phỏng vấn tiếp theo thì bác ấy HOÀN TOÀN không ổn, bác ấy nói thế chứ tôi chưa được xem bài biên tập.

      Xóa