Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần cuối

       Đúng là Nguyễn An Dân đã không được yên, nhưng không phải do tôi. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ liệu có phải anh nghi ngờ tôi là công an không, vì tôi phỏng vấn anh mà chả thấy bài báo nào đăng lên.
       Ngày 13-4-2017, Nguyễn An Dân đăng trên Facebook lời mời một cuộc “nhậu” vào tối 15-4 ở Sài Gòn, những ai tham dự thì đăng ký qua hộp thư Messenger, địa điểm hẹn được thông báo riêng cho từng người vào sát giờ hẹn. Nhưng tôi không thể tham dự, vì lúc đó tôi đã rời xa Sài Gòn.
       Ngày 16-4, trong khi mạng Facebook nóng lên từng giờ với thông tin mấy chục viên cảnh sát cơ động bị người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bắt giữ làm con tin thì tài khoản Facebook của Nguyễn An Dân đã biến mất tăm, đồng thời fanpage Nhóm Biển Xanh cũng không còn tồn tại. Suốt một ngày vẫn không thấy đâu, gọi vào số điện thoại của anh cũng không có người bắt máy. Sáng 17-4, anh xuất hiện trở lại trên Facebook với tài khoản mới. Không phải tài khoản Facebook cũ của anh bị hack, mà anh tự hủy nó. Nhóm Biển Xanh đã chủ động đóng fanpage.
       Nguyễn An Dân không hề nhắc đến buổi “nhậu” tối 15-4 trên trang Facebook cá nhân mới, anh chỉ nói công an đã yêu cầu một số bạn trẻ của nhóm Biển Xanh viết cam kết rời bỏ nhóm. Còn theo thông tin mà K, người tạo trang fanpage Nhóm Biển Xanh cung cấp riêng cho tôi, thì buổi gặp hôm đó có 7 người bao gồm cả Nguyễn An Dân và K. Có cả N.H.A, đại diện miền Bắc của nhóm từ Hà Nội vào. Trong 4 người còn lại thì có 2 người là công an. Tất nhiên K chỉ biết điều này khi K và N.H.A được công an Sài Gòn mời ngay sau cuộc “nhậu”. K cho biết mình đã phải viết cam kết không tiếp tục ủng hộ nhóm Biển Xanh.

       Nguyễn An Dân nói những người trong nhóm không từ bỏ việc đấu tranh đòi minh bạch những vấn đề của Formosa, nhưng sẽ tiếp tục dưới hình thức khác, còn hiện giờ thì họ “án binh bất động” để giữ an toàn cho những người đấu tranh. Về sau anh mới cho tôi biết có 5 bạn trẻ tham gia nhóm Biển Xanh bị đuổi khỏi nhà trọ vào thời điểm đó, nhưng thông tin này không hề được đưa trên Facebook của bất cứ thành viên nào trong nhóm. Nguyễn An Dân đã kêu gọi ủng hộ tức thời về mặt tài chính trên facebook cá nhân của anh, nhưng lúc đó anh chỉ nói là cá nhân anh cần giúp đỡ chứ không hề công khai những rắc rối của 5 bạn trẻ, nguyên nhân thực sự của việc kêu gọi ủng hộ. Nhóm đã không còn thì việc giải quyết những hậu quả như thế đúng là trách nhiệm của cá nhân anh.
       Như vậy là sau hơn một tháng kể từ khi khởi xướng nhóm và phát động chương trình “Minh bạch Formosa”, nhóm Biển Xanh đã bị “ép chết”, mặc dù công việc của nhóm hoàn toàn hợp pháp. Những người dân bận rộn với việc làm ăn như anh Tuấn chị Hà chẳng có cơ hội biết đến những nhóm xã hội dân sự như vậy. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là chuyện nói suông, trong thực tế không những không  được tạo điều kiện thích đáng mà thậm chí còn bị ngăn chặn. Tôi không muốn tin vào chuyện này, nhưng vào thời điểm tôi đang gõ những dòng ở đây, trên mạng đã lan truyền ảnh chụp một công văn cấp phường ở TP. Hồ Chí Minh, ngày ký công văn là ngày 17-4-2017. Thời điểm công văn này ra đời gần như ngay sau vụ việc những thành viên của nhóm Biển Xanh được công an mời có lẽ chỉ là ngẫu nhiên.

Ảnh chụp công văn của phường Tân Tạo A, quận Bình Tân 

 
       Các báo BBC, VOA, RFA đều lên tiếng về sự xuất hiện của văn bản hết sức “nhạy cảm” này. Họ nói đã gọi điện đến cho bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên, phó chủ tịch phường Tân Tạo A, người ký văn bản như trong ảnh chụp, nhưng không có người bắt máy. Các báo này đều khẳng định một số chủ tiệm photocopy ở phường Tân Tạo A (giấu tên) đã xác nhận với họ là có nhận được văn bản như trên.

       Những khó khăn mà nhóm Biển Xanh gặp phải không chỉ đến từ phía công an. Nguyễn An Dân bị rất nhiều người trong giới bất đồng chính kiến nghi ngờ. Họ cho rằng Nguyễn An Dân là công an, và nhóm Biển Xanh là một cái bẫy để công an “hốt một mẻ” những người chống Formosa. Tôi đọc thấy khá nhiều câu bình luận với nội dung đại loại như vậy trên Facebook. Tinh thần trung lập trong các bài viết của Nguyễn An Dân không thỏa mãn những người chống cộng cực đoan. Trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) từng đăng bài viết “Nguyễn An Dân: Bóng tối hơi hám dư luận viên” vào cuối năm ngoái. Sau khi nhóm Biển Xanh được thành lập và chương trình “Minh bạch Formosa” được phát động, một lần biết Nguyễn An Dân ra Hà Nội, tôi đã báo cho một người bạn blogger biết, vì người này vào năm 2013 đã từng viết một loạt bài về Formosa Vũng Áng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc. Mới đầu khi nghe về đấu tranh với Formosa thì blogger này rất quan tâm, nhưng khi biết đó là Nguyễn An Dân thì người này im lặng, không liên lạc cũng không trao đổi gì thêm với tôi nữa. Về phần Nguyễn An Dân, anh cho rằng không cần để tâm ai là công an, mà chỉ nên quan tâm xem việc làm của anh có chính đáng, minh bạch và hợp lý hay không. Nhưng những ý kiến thẳng thắn của anh vẫn gây sóng gió trong giới đấu tranh. Như khi anh lên tiếng rằng bà con không nên cầm cờ vàng ba sọc đỏ trong biểu tình chống Formosa, anh đã bị rất nhiều người phản ứng kịch liệt, thậm chí Nguyễn Thị Bích Ngà (Ngà Voi), một nhân vật tiêu biểu trong nhóm Cứu Lấy Dân Oan, còn viết hẳn một bài để phản đối trên các báo “lề trái”.

Một status trên Facebook của Nguyễn An Dân gây được sự ủng hộ và phản đối tương đương nhau trong dư luận

 
       Về chuyện cần khôn khéo trong đấu tranh để giảm thiểu sự hao tổn thì Nguyễn An Dân có lý. Rất nhiều người để ý thấy trong cuộc đấu tranh của người dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), mặc dù dùng chướng ngại vật chặn đường vào thôn, bắt giữ tới 38 người của cơ quan công quyền, nhưng băng rôn mà họ trương lên lại có nội dung: “Toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm luôn luôn tin tưởng vào đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Băng rôn của người dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức trong cuộc đấu tranh giữ đất tháng Tư năm 2017
Hình ảnh có liên quan
 
       Nhiều người “lề trái” thất vọng và bực tức trước nội dung băng rôn của người dân xã Đồng Tâm, mà không chịu nhìn nhận việc nào ra việc đó. Người dân Đồng Tâm đã chủ ý nhấn mạnh rằng cuộc đấu tranh của họ là đòi hỏi sự minh bạch về sở hữu đất đai chứ không phải là đòi lật đổ đảng cộng sản hay lật đổ chính quyền. Xác định rõ phạm vi mục đích để họ có thể tập trung sức lực đấu tranh hiệu quả, không chuốc lấy những rắc rối ngoài lề không đáng có. Đáng lẽ người dân Đồng Tâm không cần làm như vậy nếu như không có chuyện những cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của người dân dễ bị cán bộ công quyền bóp méo xuyên tạc thành việc phá rối của “thế lực thù địch” với những “âm mưu phản động”, đồng thời lờ đi vấn đề cần được đối thoại và giải quyết. Điều quan trọng cần nhìn thấy ở đây không phải là người dân Đồng Tâm tin hay không tin Đảng và Nhà nước, mà là họ biết rõ muốn chính quyền chịu đối thoại với mình thì họ cần gây được áp lực.
       Từ câu chuyện của nhóm Biển Xanh, có thể hiểu vì sao những người bất đồng chính kiến hầu như chỉ lên tiếng trên mạng xã hội với tư cách cá nhân chứ không tập hợp được thành tổ chức lớn mạnh. Các tổ chức xã hội dân sự đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, chưa nói gì đến các tổ chức chính trị. (Tôi không nói đến những hội như hội yêu thơ, hội đồng hương, hội yêu chó mèo…)
*
       Phóng sự “Nhóm Biển Xanh với người dân và Formosa” là một phóng sự dang dở. Tôi và tổng biên tập báo X đã bỏ dở cuộc trao đổi với nhau. Cuộc đối thoại của người dân Đồng Tâm với lãnh đạo thành phố Hà Nội chưa biết sẽ đi đến đâu, vì họ đang trong thời gian chờ đợi kết quả cuộc thanh tra.
       Tôi trở về nhà vào cuối tháng Tư. Bố tôi vẫn chịu khó xem ti vi như cũ.
       “Bố có theo dõi tin tức vụ Đồng Tâm không?”
       “Có.”
       “Một ông già gần sáu mươi tuổi Đảng bị bắt rồi quăng lên xe như quăng một con lợn. Nhưng bố chẳng biết được chuyện đó qua ti vi đâu. Bố mới chỉ bốn mươi nhăm năm tuổi Đảng thôi nhỉ?”
       “Gần sáu mươi tuổi Đảng à? Thế thì ông ấy lạc hậu rồi. Đường lối của Đảng bây giờ khác ngày xưa.” (Bố tôi là đảng viên mẫu mực ở tổ dân phố, từng là cán bộ phụ trách hội chữ thập đỏ ở phường, ông giỏi lý luận và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng.)
       “Thế đường lối lãnh đạo của Đảng bây giờ là gì hả bố?”
       Bố tôi ngây mặt chẳng biết phải trả lời thế nào. Lý luận của Đảng thì nhiều quá, tôi chẳng có thời gian tìm hiểu.
       “Đời bố có Đảng lãnh đạo chắc đủ rồi, nhưng đời con thì Đảng không lãnh đạo được. Con chỉ nhắc để nếu có chuyện gì xảy ra với bố thì bố đừng có bất ngờ thôi.” (Tôi không nói với bố tôi là ông già hơn tám mươi tuổi ở xã Đồng Tâm không hề lạc hậu, ông ấy rất tỉnh táo minh mẫn, ông ấy không nói về đường lối lãnh đạo của Đảng mà nói về các văn bản có giá trị pháp luật.)
       Tôi hy vọng bố tôi có thể sống yên ổn đến hết đời và sẽ chết yên ổn trong niềm tin của ông. Tôi không muốn gây hấn với ông vì niềm tin đó. Nhưng sự không yên ổn của tôi trước sau gì cũng ảnh hưởng liên lụy đến gia đình, mà điều đó không phải là chưa từng xảy ra.
       Mọi cuộc đối thoại của tháng Tư đều dang dở. Khi tôi viết những dòng cuối cùng của bài viết này thì đã là cuối tháng Năm. Trên mạng xã hội người ta lại tranh luận ồn ào về chuyện Đảng có thực sự muốn đối thoại với những người bất đồng chính kiến hay không, hay chỉ đang bày ra những trò mị dân để đánh bóng hồ sơ nhân quyền. Nguyễn An Dân quay về với vai trò của một người bình luận chính trị. Điều tôi không ngờ là tài khoản Facebook mới của anh (https://www.facebook.com/An.Dan.Nguyen2010) chỉ trong một tháng đã thu hút số người theo dõi đông gấp đôi so với tài khoản cũ, do có một số bài viết “ngàn like”.
       Nguyễn An Dân và nhóm Biển Xanh đã làm tôi mất thời gian suy nghĩ về chuyện có thể có những tổ chức hoạt động xã hội dân sự hiệu quả mà không phải do những người đối lập chính trị tổ chức hay không. Những người dân Đồng Tâm đã giúp tôi trả lời câu hỏi đó. Cho dù những người đấu tranh không chủ động tư thế đối lập, nhưng rồi cách hành xử của giới cầm quyền trước sau cũng đẩy họ vào tình thế đối lập.
       Tôi ghi chép lại câu chuyện này làm tư liệu, để chuẩn bị cho những cuộc đối thoại với con cháu tôi nay mai. Cho dù không có báo chí thì sự thật cũng không vì thế mà mất đi. Sự thật luôn hiện lên khi ta sẵn sàng đối diện với nó.

                                                                              Viết xong ngày 26-5-2017. 

Chú thích: 
       Ông già hơn sáu mươi tuổi Đảng bị bắt trong vụ Đồng Tâm là cụ Lê Đình Kình. Cụ bị bắt mà không có lệnh bắt, không rõ lý do bắt. Chỉ biết cụ là một trong những người cầm đầu cuộc đấu tranh ở xã Đồng Tâm, nắm rõ các văn bản hành chính liên quan đến đất ở xã Đồng Tâm và các hồ sơ chứng cứ. Chính vì cụ Kình và vài người nữa đột nhiên bị bắt một cách không minh bạch mà người dân Đồng Tâm nổi giận, bắt giữ vài chục cảnh sát cơ động và cán bộ cơ quan công quyền làm con tin. Về sau trước áp lực đấu tranh của người dân Đồng Tâm và áp lực dư luận, cụ Kình được thả trong tình trạng bị thương và đang được chữa trị, nhưng không được xin lỗi hay minh bạch lý do cụ bị bắt.

1 nhận xét: