Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Mua bán dâm - "Thuận mua vừa bán"?

       Đây không phải là một bài viết độc lập, mà là comment trao đổi với tác giả một bài viết trên báo NCTG, trao đổi này thực hiện trên facebook vào cuối năm ngoái. Lý do tôi đăng lại comment này ở đây là vì vài ngày qua trong những dư luận xung quanh một vụ án đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng, có những người trong khi bày tỏ sự thông cảm với nhân vật đã quá đà khi cho rằng bán dâm chẳng qua cũng là một nghề như bao nghề khác, những người coi khinh nó chỉ là đạo đức giả. Điều đáng nói là số người đó không ít như tôi muốn hình dung, hơn nữa họ còn có những đại diện “nặng ký”, giống như tác giả bài viết “Nghĩ về gái bán hoa” đăng báo cách đây nửa năm vốn là một nữ giảng viên đại học. Comment của tôi không nhận được hồi đáp dù tích cực hay tiêu cực, nhưng tôi xem sự im lặng cũng là một cách trả lời, mặc dù tôi không chắc là tôi có thể đọc được câu trả lời ấy. Chuyện đã qua nên tôi không có ý định tiếp tục đối thoại với tác giả bài viết nữa, chỉ là những mắc mớ này vẫn còn đó, vẫn hiển hiện và không biết đến bao lâu, khi trên mạng xã hội vẫn rất nhiều người “tân tiến” cho rằng “không thể và không nên kỳ thị con người qua nghề nghiệp” mà với họ bán dâm là một nghề nghiệp bình đẳng với những nghề nghiệp khác. Và không ít những người “đạo đức” coi khinh nghề bán dâm nhưng không hiểu sâu xa mà đơn giản là vì họ không lâm vào hoàn cảnh đó. Đau xót là trong xã hội này, người bán dâm bị coi khinh nhưng những kẻ mua dâm lại vẫn được xem là tử tế nếu “ăn bánh” mà trả tiền “sòng phẳng” không quỵt.
       26-6-2017

       H.A ngay từ đầu đã tự nhận mình là "cực kỳ thiếu thực tế" trong chuyện này, đồng thời có tính "nghĩ sao nói vậy". Ở comment phía trên, tác giả bài viết tiếp tục khẳng định mình "không tin việc làm gái bao hay mãi dâm có gì liên quan đến nhân phẩm". Qua đó tôi thấy H.A mơ hồ cả về tư cách của gái bán dâm cũng như mơ hồ về khái niệm "nhân phẩm". Liệu đó có phải là hậu quả của việc sống quá lâu trong một xã hội mà cứ "thuận mua vừa bán" là coi như đã "chơi đẹp" và "tử tế là một sự tế nhị có đi có lại" (lời một nhân vật trong phim "Chuyện tử tế")? Người ta đánh mất ý thức về nhân phẩm, nên không còn hiểu được "nhân phẩm" là gì nữa. Khi viết comment này tôi rất buồn. Tôi sợ rằng tôi không đủ sức làm cho H.A hiểu được những gì tôi muốn trao đổi.


       Tôi mới chỉ biết đến H.A qua bài viết này, theo như tâm sự trong bài viết thì H.A không còn trẻ. Tác giả bênh vực gái bán dâm cũng như nghề bán dâm, trong khi không có hiểu biết về họ và nghề của họ. Tôi tự hỏi: Tác giả bài viết này có trải nghiệm về hành vi tình dục hay không? Nếu như có, liệu có phải tác giả cho rằng gái bán dâm là một giống người khác chứ không thể giống mình? Và bài viết này không phải vì sự thông cảm hay chia sẻ với cảnh ngộ của gái bán dâm, mà vì bày tỏ thái độ "tôn trọng sự khác biệt"? Sâu trong thâm tâm, tác giả nghĩ mình chẳng bao giờ giống họ đâu, hoặc vì bản lĩnh nên mình sẽ không bao giờ rơi vào hoàn cảnh như họ? Tác giả hoặc đã cố tình lờ đi, hoặc chưa bao giờ biết đến một sự thật: Sự thăng hoa của thể xác trong tình dục cũng như sự thăng hoa của tâm hồn trong tình yêu, đều là những thứ không thể dùng tiền mua được. Ở comment phía trên H.A nói: "Bất cứ giao dịch gì hai bên đồng thuận và không lừa dối đều OK cả". Nhưng giao dịch bán dâm không hề thỏa mãn "điều kiện OK" của H.A, vì trong giao dịch này, cả hai bên đồng thuận với nhau cùng chấp nhận sự lừa dối. LỪA DỐI là bản chất của việc mua bán dâm. Lừa mình và lừa người.

       Đối tượng tình dục tự nhiên lành mạnh của một con người không có liên quan gì đến chuyện họ mang theo tiền hay không và số tiền là bao nhiêu, thân xác chúng ta khi gặp đối tượng tự nhiên sẽ có rung động và ham muốn, đó là tình yêu ở cấp độ tế bào. Song không chỉ đơn giản như thế, vì với con người, tình yêu trong sâu thẳm tâm hồn có vị trí quan trọng hơn. Nếu tâm hồn không cảm mến nhau, thì sự rung động thể xác trong tình dục cũng bị ảnh hưởng. Đa số phụ nữ lại khó tính hơn đàn ông ở điểm này, nên trong đời sống tình dục họ càng dễ bị tổn thương hơn. Nếu như nói chuyện với những người không hợp chuyện chúng ta đã cảm thấy khó khăn, thì quan hệ tình dục với đối tượng không phù hợp còn khó chịu hơn thế, thậm chí là không thể chấp nhận. Những rung động tinh tế của tâm hồn và thể xác là chìa khóa vàng mà Đấng Sáng Tạo đã trao cho chúng ta, để chúng ta mở những cánh cửa định mệnh đẹp đẽ của cuộc đời mình, để chúng ta cảm nhận giá trị sự hiện hữu của mình trong thế giới, giá trị không bao giờ đo đếm bằng tiền được và không bao giờ dùng tiền đổi lấy được.

       Nhưng trong mua bán dâm, giá trị nhân bản đó đã bị vùi dập, cả hai bên cùng thất bại trong việc chứng minh nhân phẩm của mình vô giá. Bên bán sẽ ngoan ngoãn phục tùng bên mua dù không có cảm xúc gì về tình yêu hay tình dục, chấp nhận để tâm hồn và thể xác của mình bị dày vò để đổi lấy một số tiền nhất định. Bên mua sẽ bỏ tiền ra để có được một thứ đồ chơi tình dục giống thật hơn loại làm bằng chất dẻo. Với trường hợp gái bao thì còn giống thật nhiều hơn nữa, nhưng cũng vẫn chỉ là thứ mua được bằng tiền thôi, chứ không phải là tình nhân chinh phục được bằng tình yêu và phẩm giá của mình. Thứ tình nhái càng tinh xảo bao nhiêu thì càng đắt tiền hơn bấy nhiêu, nhưng không bao giờ là thật. Mặc dù có tiền, nhưng kẻ mua không có được tình yêu thật, tức là không xứng đáng. Không gì có thể phỉ báng con người nhiều hơn thế. Sự tiêu cực về mọi mặt này đi cùng hậu quả xấu về sức khỏe mà đặc biệt là bên bán dâm phải chịu.

       H.A không biết cô gái bán dâm nào ngoài đời thì tôi nói đến nhân vật trong tiểu thuyết vậy. Trà Hoa Nữ có lẽ là nhân vật được nhiều người biết đến nhất. Khi gặp được người yêu mình, sức khỏe của cô đã trong tình trạng rất tồi tệ. Bằng cả tình yêu và tiền bạc, người yêu cô cũng không cứu được cô. Ngỡ rằng tình yêu kia có thể cứu vớt tâm hồn cô, nâng cô về lại với vị trí của một người bình thường. Nhưng không, thế giới không chỉ có hai người, người yêu cô không thể chỉ vì cô mà sống, còn cả gia đình nữa. Cha của chàng trai đã yêu cầu cô buông tha con mình, vì tương lai của anh. Nếu anh lấy cô làm vợ, tư cách của cô sẽ ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của anh. Cô không thể cãi lại, vì phẩm cách của mình cô đã bán lấy tiền tiêu bao năm rồi, giờ có dùng tiền cũng không mua lại được nữa. Đó là sự thật, cô ý thức rõ điều đó nên không thể nào cãi. Cô không còn đủ tư cách, không còn cơ hội đấu tranh cho tình yêu và hạnh phúc của mình nữa. Sự tuyệt vọng ấy giáng đòn cuối cùng, và cô không còn sống nổi.

       Việc mua bán dâm có nhiều hậu quả nghiêm trọng như vậy đấy, còn OK lắm sao? Nó là một sự sa đọa với những sa đọa tiếp nối mà loài người cần cảnh giác. Sự hợp pháp hóa mại dâm ở một số nơi không hề nói lên rằng xã hội loài người đã văn minh hơn hay bình đẳng hơn, về bản chất đó là một sự thỏa hiệp, sự lùi bước nhượng bộ trước những suy đồi trong hoàn cảnh chưa thể có biện pháp giải quyết nào tốt hơn. Cuộc đời lại chẳng giống như trong tiểu thuyết lãng mạn của Dumas. Ít nhất thì trong đó, một cô gái điếm còn ý thức được về giá trị của mình. Tại sao H.A lại nghĩ ngợi để rồi có bài viết này? Đó là vì thói đạo đức giả tràn lan trong xã hội. Nhiều người đã bán đi nhân cách của mình nhưng không tự nhận ra điều đó, thậm chí còn lên giọng rao giảng đạo đức, làm cho xã hội lẫn lộn thật giả, nhiều loại "điếm" trá hình. Bài viết này của H.A có lẽ là một phản ứng nhất thời chưa có thời gian suy xét kỹ lưỡng, tác giả chỉ nghĩ khơi khơi, nói khơi khơi, do bản thân thiếu kinh nghiệm về đề tài như tự nhận, làm nhiều người chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả. Nhưng theo tôi, đó chính là cách rất tốt mà vấn đề được đặt ra. Tôi không có hy vọng gì hơn thế ở một bài viết ngắn. Comment này của tôi cũng chỉ là để trao đổi thêm vài điều. Mong rằng mọi người góp thêm ý kiến.

29-12-2016

Link Facebook có cuộc trao đổi ở đây.

36 nhận xét:

  1. Huynh có đọc lướt qua bài của H.A. và ghi nhận câu: 'có gì khác biệt giữa những người phụ nữ lấy chồng vì danh giá, vì kinh tế, vì cái tiếng có chồng, với những kỹ nữ mà họ coi rẻ đâu?', quả thật là khó tham gia, tuy nhiên, thường xem phim 'HBO', huynh thấy kg chỉ người Việt mà họ (người phương Tây) có nghĩ là 'khác'... Huynh đang theo dõi vụ tay Cao Toàn Mẽo, nếu rảnh sẽ viết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự thật thì khác vẫn là khác, đánh đồng làm sao được.

      Xóa
  2. Hôm qua vào gặp entry này, click luôn các đường link để đọc mấy bài liên quan. Hôm nay vào để cả giờ ngồi đọc lại. Thú thật tôi rất phục các nhà văn chữ đâu lắm thế, diễn đạt rất tài hoa, sâu sắc; khiến tôi phải rất tập trung để có thể nắm bắt được ý tứ của các vị. Tôi đã phải dùng cách như thời sv, vừa đọc vừa lấy note để nắm được phần nào ý của tác giả. Kết quả hai hôm là hai cái note sau. (Khuya rồi, ghi tạm chúng ra để khỏi quên, rảnh sẽ tiếp tục bàn thêm với cô Ainu sau)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Bài trên Nhịp cầu
      1. Đĩ có lợi
      - Đĩ cần thiết vì đáp ứng nhu cầu cho một số người
      - Đĩ giúp giảm tệ nạn bạo lực tình dục
      - Đĩ không thể cấm, vì thế tốt nhất là hợp pháp hóa để thu thuế đồng thời kiểm soát được bệnh tật.

      2. Đĩ bình đẳng
      - đĩ đem thân xác mình đổi lấy đồng tiền
      - những PN lấy chồng không do tình yêu mà do nhà chồng giàu có, tiếng tăm, quyền thế, .. thì xét cho cùng khác chi đĩ? Thậm chí đĩ còn "sòng phẳng, rõ ràng hơn chứ không nấp dưới chiêu bài chính chuyên này nọ"
      - vậy cần xem nghề làm đĩ cũng bình đẳng như các nghề khác trong xã hội. "Không thể và không nên kỳ thị con người qua nghề nghiệp"

      Xóa


    2. 2. Phản biện của Ainu:
      - tình dục là tình yêu ở cấp độ tế bào, là những rung động tinh tế của cả tâm hồn và thể xác, nhờ đó giúp ta cảm nhận giá trị sự hiện hữu của mình trong thế giới.
      - trong mua bán dâm, giá trị nhân bản đó đã bị vùi dập
      - việc mua bán dâm gây những hậu quả nghiêm trọng, vd mặc cảm về tư cách của bản thân nên không dám đấu tranh cho tình yêu và hạnh phúc của mình.
      - sự hợp pháp hóa mại dâm chỉ là một sự lùi bước nhượng bộ trước những suy đồi trong hoàn cảnh chưa thể có biện pháp giải quyết nào tốt hơn
      - những người "tân tiến" cho rằng coi khinh gái điếm chỉ là đạo đức giả thực ra là những người không mấy hiểu đĩ, và chính họ là những người niễm thói đạo đức giả đang lan tràn trong xã hội.

      Xóa
    3. lưu note lại thế cho khỏi quên. (và không biết trong cái note về bài của Ainu, tôi đã hiểu đúng ý cô chưa. Nếu có chổ chưa đúng, xin Ainu vui lòng chỉnh giúp, để trên cơ sở ấy, chúng ta noi chuyện dễ hơn, ko có tình trạng ông gà bà vịt, mất thời gian vô ích) Tks cô trước nhé

      Xóa
    4. Tôi chưa biết là bác hiểu đúng ý tôi chưa, vì tôi có phần ngờ vực khi bác gạch đầu dòng những chỗ mà bác cho là "điểm nhấn". Mấy hôm trước có một vị luật sư đáng kính cũng "nhấn" kiểu như bác và hiểu lầm rằng tôi đang lên án sự hợp pháp hóa mại dâm. Điểm nhấn ở đoạn này không phải "chỉ là một sự lùi bước", mà là "không hề nói lên rằng xã hội loài người đã văn minh hơn hay bình đẳng hơn".

      Tôi là người ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm để bảo vệ phụ nữ và chống lại thói đạo đức giả. Cho nên tôi không phản đối cô H.A ở chỗ hợp pháp hóa mại dâm. Tôi chỉ phản đối cô ấy ở chỗ cô ấy nói rằng nghề mại dâm không liên quan gì đến nhân phẩm.

      "Tình dục là tình yêu ở cấp độ tế bào" không phải là điểm nhấn. Điểm nhấn là "Đối tượng tình dục tự nhiên lành mạnh của một con người không có liên quan gì đến chuyện họ mang theo tiền hay không và số tiền là bao nhiêu". Tôi rất thật thà và những điểm nhấn này được tôi đưa lên đầu câu.

      Có thể chúng ta còn nhiều chỗ chưa hiểu nhau khác, khi trao đổi chúng ta sẽ nhận ra.

      Xóa
    5. Cảm ơn cô nhé. Hồi đi học tôi cũng được dạy khi viết, mỗi đoạn (paragraph) chỉ nên viết một ý, và cái ý ấy nằm ở câu đầu hoạc câu cuối, các câu còn lại là để làm rõ nó. Nhung thú thật đọc bài của Ainu nhiều lúc tôi khá băn khoăn khi tìm cái đại ý của một đoạn. Vì nhiều đoạn chứa nhiều ý, và chúng ko phải là chính phụ, cái này làm rõ cái kia, mà là đẳng lập, quan trọng như nhau.

      1. Ví dụ cái ý về sự hợp pháp hóa mại dâm. Đấy nguyên là một câu trong đoạn cuối. Tôi tách cái ý này ra vì nó quan trọng, do bài báo gốc và Ainu nhắc tới nên tôi xem như một cái phản biện. Nguyên văn: "Sự hợp pháp hóa mại dâm ở một số nơi không hề nói lên rằng xã hội loài người đã văn minh hơn hay bình đẳng hơn, về bản chất đó là một sự thỏa hiệp, sự lùi bước nhượng bộ trước những suy đồi trong hoàn cảnh chưa thể có biện pháp giải quyết nào tốt hơn."

      Trong mệnh đề đầu (Sự hợp pháp hóa mại dâm ở một số nơi không hề nói lên rằng xã hội loài người đã văn minh hơn hay bình đẳng hơn), tôi chưa hiểu ý của Ainu trong cụm từ "xã hội loài người" là nhằm vào cái gì? là cả xã hội loài người nói chung, hay chỉ là cộng đồng nơi mà mại dâm được hợp pháp hóa? Nếu dùng để chỉ cả cái thế giới này thì .. có lộn xộn quá ko, vì nơi chấp nhận nơi không chấp nhận hợp pháp hóa mại dâm ? Còn nếu dùng để chỉ xã hội (cộng đồng, nước) nơi mại dâm đã được hợp pháp hóa, thì nếu sự hợp pháp hóa là có lí ("Tôi là người ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm để bảo vệ phụ nữ và chống lại thói đạo đức giả."), thì nó phải văn minh hơn cái xã hội ko chịu hợp pháp hóa mại dâm chứ?

      Nói thật, tôi tâm đắc với mệnh đề sau hơn ("về bản chất đó là một sự thỏa hiệp, sự lùi bước nhượng bộ trước những suy đồi trong hoàn cảnh chưa thể có biện pháp giải quyết nào tốt hơn."). Theo tôi đấy chính là bản chất vấn đề. Hợp pháp hóa mại dâm ko phải vì nó đúng, nó phải; mà chỉ là biện pháp bất đắc dĩ khi phải lựa chọn cái xấu ít hơn giữa hai cái đều xấu (hợp pháp hóa và không hợp pháp hóa). Như cô nói. dù có lựa chọn thì mại dâm vẫn là một sự suy đồi nhân cách, ko nhờ hợp pháp mà nó hết suy đồi. (và tôi nghĩ đây mới là cái chủ yếu cô mún nói ra, vì nó hô ứng với cái ý toàn bài của cô, nói về cái giá trị nhân bản?)

      Xóa
    6. 2.
      Cái ý về tình dục cũng thế, nó nằm trong câu đầu tiên của một đoạn dài, chưa khá nhiều ý. Câu ấy khá dài ("Đối tượng tình dục tự nhiên lành mạnh của một con người không có liên quan gì đến chuyện họ mang theo tiền hay không và số tiền là bao nhiêu, thân xác chúng ta khi gặp đối tượng tự nhiên sẽ có rung động và ham muốn, đó là tình yêu ở cấp độ tế bào."), trong cái note tôi phải rút nó lại, và tôi chọn mệnh đề cuối. Vì mệnh đề đầu đối với tôi là khá cần đặt câu hỏi.

      Dĩ nhiên "thân xác chúng ta khi gặp đối tượng tự nhiên sẽ có rung động và ham muốn", và chính lúc ấy thì chả ai còn bụng dạ gì nghĩ đến tiền, ít nhất một trong hai. Nhưng trước đó thì sao? Chưa nói chuyện ko có tiền thì đĩ nó ko cỡi, ngay cả với vợ, tôi vẫn luôn có một giấc mơ, rằng mỗi ngày sẽ có một món quà gì đấy kha khá cho cô ấy, vì sau đó tôi cảm nhận được cái sự trao đổi giữa hai v/ch như mặn nồng hơn. Xin đừng nghĩ tôi nói xấu vợ. Cô ấy cũng rất tự nhiên lành mạnh nếu không tặng gì (có đâu mà tặng hoài, chỉ thỉnh thoảng thôi chứ). Có lẽ là khi có quà, cô cảm động thấy mình được quí được yêu hơn nên thế? Tức là đồng tiền vẫn có ý nghĩa nào đó chứ?

      Vì thế tôi chọn mệnh đề cuối ("đó là tình yêu ở cấp độ tế bào") vào note. Như tôi hiểu thì trong câu văn diễn đạt rất hình tượng này, Ainu muốn diễn đạt cái ý mà nhiều người cũng đã nói, là tình dục (tự nhiên lành mạnh) là sự thăng hoa của tình yêu. Khi make love, cả hai người thực sự yêu nhau thì sẽ như tan vào nhau, gặp nhau đến từng tế bào. Cái ý này cũng hô ứng với ý ngay sau đó, rằng "Những rung động tinh tế của tâm hồn và thể xác là chìa khóa vàng mà Đấng Sáng Tạo đã trao cho chúng ta, để chúng ta mở những cánh cửa định mệnh đẹp đẽ của cuộc đời mình, để chúng ta cảm nhận giá trị sự hiện hữu của mình trong thế giới," và dĩ nhiên những điều ấy "không bao giờ đo đếm bằng tiền được và không bao giờ dùng tiền đổi lấy được."

      Xóa
    7. Bởi vì tôi muốn tránh cho bác sự hiểu lầm giống như bác luật sư Phùng Anh Tuấn. Khi bác ấy đọc đoạn đó và hiểu thành là tôi đang lên án sự hợp pháp hóa mại dâm, thì tôi nghĩ bác ấy dán mắt và tâm trí vào chỗ "là một sự thỏa hiệp, sự lùi bước nhượng bộ trước những suy đồi", tức là bác ấy suy ra rằng tôi không đồng ý lùi bước tức là không đồng ý chuyện hợp pháp hóa.

      "Như cô nói, dù có lựa chọn thì mại dâm vẫn là một sự suy đồi nhân cách, ko nhờ hợp pháp mà nó hết suy đồi." Đó chính là điều tôi muốn diễn giải khi viết "Sự hợp pháp hóa mại dâm ở một số nơi không hề nói lên rằng xã hội loài người đã văn minh hơn hay bình đẳng hơn..." Hợp pháp hóa mại dâm tức là thừa nhận loài người đang trong tình trạng sa đọa đó mà chưa có cách khắc phục.

      Bởi vì bài viết của Nguyễn Hoàng Ánh không phải là một bài luận bài bản mà chỉ là "nghĩ sao nói vậy", cho nên comment của tôi cũng không tổ chức như một bài phản biện rành mạch, mà chỉ nặng về tâm tình.

      Xóa
    8. 3. Đọc qua bài gốc và bài bình của Ainu, tôi thấy có lẽ không cần nói nhiều về những cái "ích lợi" của đĩ. (tôi muốn dùng chữ đĩ mà ko dùng gái điếm, vì còn có đĩ đực, càng ngày càng phổ biến, và cần được xét chung khi bàn về vấn đề này). Vấn đề còn lại là liệu có thể, có nên xem nghề làm đĩ cũng bình đẳng với các nghề khác ("Không thể và không nên kỳ thị con người qua nghề nghiệp")?

      (khuya quá rồi, mai tiếp, đi ngủ thôi, vợ mắng, hic)

      Xóa
    9. ui cô cũng thức khuya gớm nhỉ. hì, good night nhé, tôi đi ngủ đây.

      Xóa
    10. Còn ở cái ý tình dục, tôi cũng không muốn nhấn vào chỗ "tình yêu ở cấp độ tế bào", vì bác Phùng Anh Tuấn bỗng dưng đòi hỏi rằng để nói thế thì tôi phải có những dẫn chứng nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh (bác ấy làm tôi choáng).

      Tức là với một vấn đề nhiều ngóc ngách phức tạp trong một tình huống như vậy, tôi đang chủ về dùng tình, thì một số bác nam giới lại soi quá kỹ về lý. Cho nên trao đổi với nhau cứ như ông nói gà bà nói vịt.

      Hmm... Cái chỗ bác băn khoăn về chuyện tiền bạc ấy... Tiền đưa cho gái mại dâm khác với tiền đưa cho vợ. Cái logic của vợ thế này: Đưa tiền là thể hiện trách nhiệm, trách nhiệm thực hiện tốt tức là yêu, có bằng chứng tình yêu rồi thì vợ cảm thấy yên tâm thoải mái, nhẹ nhõm trong lòng rồi thì thể xác mới dễ hưng phấn. Còn logic của gái mại dâm: Có tiền mới có hàng. (Chính vì biến thân xác con người thành món hàng nên mại dâm mới làm tổn hại nhân phẩm). Về "nguyên tắc" là vậy, nhưng trong thực tế có thể xảy ra tình huống ở những thái cực sau: Đưa tiền cho vợ nhưng trong lòng xem như đưa cho gái mại dâm. Đưa tiền cho gái mại dâm mà trong lòng xem như đưa cho người đàn bà mà mình yêu mến và muốn che chở.

      Nếu chỉ nói "tình dục là sự thăng hoa của tình yêu" không thôi thì sẽ nhiều người hiểu nhầm, bởi vì họ biết rằng có thể sinh hoạt tình dục mà chẳng cần tình yêu gì cả. Thế cho nên tôi mới phải dùng "tình yêu ở cấp độ tế bào" phân biệt với "tình yêu tâm hồn" để không tầm thường hóa tình dục. Thể xác và tâm hồn con người lại không thể độc lập hoàn toàn với nhau. Ấy nó rắc rối như vậy.

      Xóa
    11. Về chuyện bình đẳng và kỳ thị thì thế này: Do mua bán dâm là hành vi làm tổn hại đến nhân phẩm (dùng thân xác con người làm công cụ để thỏa mãn, hạ con người xuống vị trí của hàng hóa) cho nên mại dâm không thể được tôn vinh, không thể BÌNH ĐẲNG với những nghề khác. Việc hợp pháp hóa mại dâm nhằm đem lại sự BÌNH QUYỀN cho những người hành nghề trong các chính sách bảo hộ lao động, an sinh xã hội. Đó là cách để bảo vệ họ.

      Bao giờ các bác trai vui vẻ tự hào khoe vợ con mình ăn nên làm ra bằng cách bán dâm thì tôi mới tin là người ta không kỳ thị nghề này. Chừng nào tôi còn chưa vui vẻ đi bán dâm như làm một công việc lao động phổ thông thì tức là tôi vẫn kỳ thị nghề này. Chừng nào tôi còn kỳ thị thì tôi không thể kêu gọi người ta đừng kỳ thị được.

      Xóa
    12. Còm này cô nói rất rõ, đủ và đúng (nhưng hay hơn) những gì tôi muốn nói.

      Chỉ nói thêm (cho vui), xưa đọc Nguyễn Văn Trung, ông gọi cái sự biến thân xác mình thành hàng hóa trao đổi là sự vong thân. Vong thân theo đánh giá của Nguyễn Văn Trung (và cả Bùi Văn Nam Sơn tôi được đọc gần đây), là khái niệm trung tâm của triết học Mác. Sau thống nhất tôi háo hức tìm mấy cuốn giáo trình Triết học Mác lê dạy trong mấy lớp chính trị, chả thấy đâu đề cập. Cứ băn khoăn mãi, chả lẽ Nguyễn Văn Trung chém gió? Đến mấy năm sau mới hiểu cái gọi là triết học dưới chế độ cs.

      Xóa
    13. Tôi không biết khái niệm ấy trong triết học Mác, mặc dù đó là triết học duy nhất tôi được học ở trường, dừng lại ở mấy cặp phạm trù gì đó. Sau này tôi cũng không đọc, không nghiên cứu triết. Cơ mà lên mạng thấy bạn trên mạng của tôi toàn tay "mọt", thành ra không tránh khỏi hóng hớt linh tinh, nghe rồi quên sạch. Tôi không biết có phải não tôi dị ứng với lý luận hay không nữa. Tuy thế mấy từ "vong bản", "vong thân", "vong quốc" tôi đã kịp nhớ, và khẳng định với bác là cả ở trường phổ thông lẫn đại học tôi không nhìn thấy cũng không nghe thấy những từ này.

      Xóa
    14. quên, còn cái này nữa, mà hình như khá nhiều người có vẻ tâm đắc như một sự phản biện sắc sảo cho thái độ coi rẻ phò: “Có gì khác biệt giữa những người phụ nữ lấy chồng vì danh giá, vì kinh tế, vì cái tiếng có chồng với những kỹ nữ mà họ coi rẻ đâu? Tất cả đều là đổi tấm thân mình để có được lợi ích nào đó mà ít ra gái mại dâm còn sòng phẳng, rõ ràng hơn chứ không nấp dưới chiêu bài chính chuyên này nọ”

      Không nên kì thị, coi rẻ một nghề nào, đúng nhưng, nói theo ngôn ngữ quốc hội ta, thì sự tôn trọng cũng có chia loại, tôn trọng cao, tôn trọng, tôn trọng thấp. Tôi tôn trọng anh ngồi vá xe bên đường, với nghĩa không vô cớ có lời nói cử chỉ xúc phạm anh ta v.v. nhưng dĩ nhiên không tôn trọng bằng anh bác sĩ vá ruột. Đơn giản vì sự đóng góp cho xã hội khác nhau của họ. (và dĩ nhiên cũng không phải cố đưa anh ta lên, vd làm đại biểu quốc hội, để anh có thể đóng góp cho xã hội nhiều hơn. không trang bị đủ những kiến thức cần thiết, lên đấy chỉ có tác dụng chọc cười thiên hạ)

      Nhưng đấy là những nghề nghiệp giúp ta có thể kiếm tiền một cách chính đáng, vd không làm mất nhân cách. Những người tự làm mất nhân cách để đổi lấy gì đó thì phải chịu sự rẻ rúng của người chung quanh nếu bị lộ, đấy là cái giá. Sự đánh mất nhân cách cũng có nhiều mức độ, nên sự khinh rẻ cũng có nhiều mức độ, khinh rẻ cao, khinh rẻ, khinh rẻ thấp, trong đó bán dâm là tận cùng của sự vong thân, nên thường được xếp hạng khinh rẻ cao. Còn nếu ai nhận thấy rằng một cô hoa hậu bán thân kiếm tiền tỉ còn tệ hơn phò (vì lừa dối) thì có thể xếp hạng họ vào khinh rẻ cao, chả sao. Không vì có hoa hậu, có mệnh phụ phu nhân .. tham gia việc bán thân mà làm cho hành động này trở nên không còn sa đọa. Không phải có nhiều cứt thì cứt bớt thúi.

      Xóa
    15. hàhà chắc không ít bạn bè biết tôi đọc mấy cái còm sẽ chưởi tôi là đạo đức giả đây, vì thời trẻ tôi cũng đi phò; giờ vẫn còn bị bạn bè kéo đi bia bọt có tip viên thích-gì-cũng-chiều, thnh3 thoảng vẫn dán mắt lên màn hình xem khoe thân đủ kiểu dưới cái mác nghệ thuật gì đấy.
      (định viết tí về cái này cho vui, nhưng bận rồi. ko xóa cái còm dở dang, để rảnh vào, có hứng thì viết tiếp)

      Xóa
    16. Quan trọng không phải là ta có "trong suốt" hay không, mà là ta ý thức được mức độ trong đục. Tôi dẫn ở đây vài comment trên Facebook:

      Nam Hoài Lê:

      Like ý cốt lõi của bạn, còn phần diễn giải thì mình ko tán đồng lắm, có lẽ Ái Nữ cũng ít kinh nghiệm về giới này, cũng như trải nghiệm trong các giao dịch mại dâm nên có phần thiếu thực tế. Ngoài ra bạn khá lý tưởng trong tình yêu.


      Ái Nữ:

      Tất nhiên là tôi ít kinh nghiệm hơn nam giới. Tuy vậy tôi nằm trong số những người ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm để có thể quản lý xã hội tốt hơn. Nhưng có người lại cho tôi biết là kinh nghiệm hợp pháp hóa mại dâm ở các nước cũng không thu được kết quả như họ kỳ vọng thế. Bác Hoài Nam Lê có thể tham khảo các bình luận trong link gốc để tìm hiểu thêm góc nhìn của những người khác. Tôi có kinh nghiệm cả với tình yêu lý tưởng và tình yêu không lý tưởng. Chẳng nhẽ bác muốn tôi phải có kinh nghiệm bán dâm nữa sao? Tôi có trải nghiệm thực tế là xung quanh tôi người ta chấp nhận đó là chuyện "bình thường", nhưng không hề có nghĩa là nghề bán dâm được "bình đẳng" và người bán dâm không bị kỳ thị. Mức độ tử tế nhất của đàn ông mua dâm chỉ là không coi khinh các cô gái bán dâm vì biết rằng khi thực hiện giao dịch đó mình cũng ngang bằng họ, và họ chấp nhận sự thật đó. Sẽ rất kinh khủng nếu bắt con người phải sống trong những khuôn mẫu lý tưởng, nhưng điều quan trọng không phải là họ có sống trong "khuôn" hay không, mà là họ cần ý thức được những ranh giới. Những diễn giải của tôi chỉ nhằm làm rõ tại sao mua bán dâm lại hạ thấp phẩm giá con người. Phẩm giá ở đây không phải là cái người khác nhìn vào đánh giá mình, mà là giá trị tự thân của mình mà mình cần nâng niu bảo vệ.

      Xóa
    17. Nam Hoài Lê:

      Thì mình tán thành ở ý cốt lõi còn gì, nghĩa là, mại dâm dù được hợp pháp hóa hay ko thì nó vẫn là 1 "nghề" đặc biệt, không tương đồng với những ngành nghề khác.

      Ái Nữ:

      Còn phần thiếu thực tế của tôi là bác Nam Hoài Lê tuy mua dâm nhưng thấy hoàn toàn thoải mái và không áy náy gì cả, và có vô số những người như bác ấy? Không, chuyện đó thì tôi biết chứ.

      Nam Hoài Lê:

      Vầng, nếu ko vi phạm luật HNGĐ, và với 1 tư tưởng cởi mở thì đúng là việc mua bán hoa chả có gì phải lăn tăn cả, và cũng ko nên lồng ghép phẩm hạnh gì vào. Ít ra đấy là cách của mình.

      Xóa
    18. Ái Nữ:

      Vâng, trong cái "tư tưởng cởi mở" ấy thì nhân phẩm là thứ nhỏ thôi, chẳng nên đưa vào vì nó không đáng kể và làm người ta mất thoải mái.
      Ý cốt lõi trong bài viết của tôi là mua bán dâm làm tổn hại phẩm giá con người. Còn việc mại dâm không thể bình đẳng với những nghề khác chỉ là hệ quả của ý cốt lõi ấy.
      Bác Nam Hoài Lê đã không chấp nhận ý cốt lõi này, mà nói lòng vòng đi đâu chả ai nắm bắt được. Vì bác trong còm đầu tiên không hề nói ý cốt lõi như bác nhận ra là gì, cũng như không hề chỉ ra đích xác chỗ diễn giải nào của tôi mà bác không tán đồng. Bác tán thành rằng nó là "nghề đặc biệt" không thể tương đồng với những nghề khác, nhưng lại lờ đi nguyên nhân thật sự làm nên sự "đặc biệt" ấy là "nghề" này hạ thấp phẩm giá của con người, dẫn đến những hệ lụy cho cả xã hội.

      Nam Hoài Lê:

      Ở VN nói đến mại dâm đa phần hình dung đến sự nhơ nhớp, bi kịch cuộc đời, ma cô, bóng tối, bị cưỡng ép, tàn phá hôn nhân, ko lối thoát, khao khát hoàn lương... Kỳ thực mại dâm ngày nay muôn màu muôn vẻ, rất khó để đánh giá hay phán xét về giới này.
      Bản thân mình, chưa bao giờ có ý nghĩ đánh giá phẩm cách của các cô gái mại dâm. Với mình, 1 quan chức (CBNN), với phẩm chất đặc trưng là thượng đội hạ đạp, tham ô nhũng nhiễu, ngu dốt và độc ác, đạo đức giả... thì phẩm hạnh còn tệ hại hơn cave nhiều.

      Ái Nữ:

      Dù muôn màu muôn vẻ gì thì mại dâm cũng vẫn là mại dâm, không có cách nào tô vẽ nó thành cái khác được. Và mua bán dâm là hành vi có hại cho phẩm giá con người. Tôi chỉ nói ra sự thật như vậy chứ không phán xét. Tôi cũng không hề nói nó là thứ tệ hại nhất trong những thứ tệ hại.

      Nam Hoài Lê:

      Mấu chốt tranh luận ở đây liên quan đến từ phẩm giá, mình e rằng khó có sự thống nhất cao ở điểm này :)

      Ái Nữ:

      Vâng, nếu không vì điều mấu chốt ấy, nếu không vì nhân phẩm ngày nay bị vùi dập đến độ người ta không còn nhớ ra nó là gì để coi trọng nữa, thì tại sao tôi lại phải tốn công viết bài này?

      Xóa
    19. Dù có tân tiến phóng khoáng kiểu gì; dù có thể thông cảm, chia sẻ kiểu gì thì thực chất đĩ vẫn hoàn đĩ, là những người tự biến thân xác mình thành đồ vật, tức tự đánh mất nhân cách của mình - nói chữ là vong thân.

      Vừa tìm ra được cuốn sách của Nguyễn Văn Trung được số hóa, đưa lên trang chungta.com, cop đoạn viết về gái điếm về cho mọi người đọc cho vui.

      Người gái điếm

      Người đàn bà bị vong thân trong hoàn cảnh phái tính của mình khi tất cả con người chỉ còn là một cái xác, một xác thịt đối tượng của cái nhìn, dụng cụ thỏa mãn dục tính của người khác. Người đàn bà vì nhu cầu sinh sống, phải làm việc bằng cách bán thân xác mình cho người khác như một món hàng theo giá thị trường: Cung nhiều cầu ít, giá rẻ, cung ít cầu nhiều, giá cao. Có nhiều cách bán, trước hết bán dưới hình thức phô trương, biểu diễn thân xác trong những trường hợp: hoa hậu, đào kép, minh tinh… Những chủ hãng phim, phòng trà, tiệm nhảy khai thác thân xác đàn bà như một cái vốn để hốt bạc. Họ là bọn con buôn, buôn một thứ hàng đặc biệt là thịt người đàn bà, ngụy trang sau bộ mặt trình diễn nghệ thuật, nhưng thật ra chẳng có nghệ thuật gì cả. Nghệ thuật chân chính dùng thân xác để biểu lộ một tình tự, một ý tưởng, để người xem ngắm nhìn thưởng thức bộ mông, bộ ngực, đùi người đàn bà như một xác thịt…

      Cách bán thân đồi trụy hơn cả là hiến thân. Ở đây thân xác không còn phải chỉ là đối tượng để nhìn ngắm mà còn là phương tiện thỏa mãn dục tính của người đàn ông mua dâm.

      Dục tính không còn nhằm phát huy con người như một mục đích trong quan hệ hôn nhân, gia đình, mà trở thành thú tính thuần túy giản lược con người vào hàng thú vật.

      Người đàn bà đĩ điếm bị vong thân vì đã mất tư cách làm người, vì thân xác, điều kiện ở đời và làm người của mình đã trở thành sở hữu của người khác. Vong thân, vì thân xác không còn là xác tôi, tôi là thân xác tôi, tôi hiện hữu trong thân xác tôi, như là tôi, nhưng chỉ còn là cái xác cho người khác.

      Thực ra vong thân về thân xác cũng thường bắt nguồn từ bóc lột kinh tế. Chỉ thay đổi đối tượng, một đằng là thân xác, một đằng là sức lao động.

      Xóa
    20. Tác giả Nguyễn Văn Trung tinh tế đấy. Nhiều người ồ lên thất vọng khi nghe hoa hậu này, á hậu nọ làm gái gọi, gái bao. Các cuộc thi hoa hậu chẳng phải đều nhấn mạnh vào các màn khoe thân cho đàn ông ngắm là gì, lại tô điểm thêm một phần thi "nói ngọt nói khéo" gọi là "ứng xử". Màn PR rất tốt cho các gái mại dâm cao cấp tiềm năng. Vì thế hoa hậu mà bán dâm không có gì đáng ngạc nhiên, con mồi khoe thân thì ắt những kẻ săn mồi lao đến. Các cuộc thi hoa hậu là cái bẫy nguy hiểm cho những cô gái đẹp lại còn quá tự tin vào sự "thông minh" của mình.

      Nhưng mà nhân cách dường như đã trở thành quá đỗi xa sỉ đến mức sự có mặt của nó là dở hơi và lố bịch. Qua một số trao đổi thì tôi nhận ra người ta hiểu phẩm giá là cái mà người khác và xã hội nhìn nhận về mình, chứ không phải là cái mà tự mình đánh giá về bản thân. Vì thế khi người ta nói đến "phẩm giá" là nói đến sự "đắt rẻ" mà mình định giá kẻ khác, chứ không hề liên hệ gì đến nhân cách của mình cả.

      Tôi muốn lưu lại ở đây một cuộc "nói gà nói vịt" rất điển hình:

      Xóa
    21. Phùng Anh Tuấn:

      định nghĩa có cánh về tình yêu và tình dục thế này nghe thì rất hay "..Những rung động tinh tế của tâm hồn và thể xác là chìa khóa vàng mà Đấng Sáng Tạo đã trao cho chúng ta, để chúng ta mở những cánh cửa định mệnh đẹp đẽ của cuộc đời mình, để chúng ta cảm nhận giá trị sự hiện hữu của mình trong thế giới,.." Nhưng cơ sở thực tế hay khoa học của nó thế nào nhỉ? Liệu có bao nhiêu người trên thế giới này có cái "chìa khóa vàng" - rung động được đồng hóa cao độ - nọ vào mọi lúc và chẳng may không có vào một giai đoạn nào của cuộc sống hoặc giả với những người không tin vào "phép mầu" của Đâng sáng tạo nọ, liệu họ có thể làm gì??

      Ái Nữ:

      Câu hỏi hay. Chính vì không thể có cái rung động tinh tế ấy vào mọi lúc mà việc bán dâm mới là không tự nhiên và có hại cho con người. Từng có một người đàn ông chất vấn tôi về "cơ sở khoa học" của một số thứ mà anh ấy nghi ngờ. Rồi khi anh ấy nói rằng anh ấy yêu tôi chân thật và không muốn tôi nghi ngờ tình cảm của anh ấy, tôi đã hỏi: "Tình yêu của anh là chân thật ư? Cơ sở khoa học của nó ở đâu?"

      Phùng Anh Tuấn:

      oops .. có lẽ bạn đang không trả lời vào câu hỏi. Tôi đang nói về cái "chìa khóa vàng" - rung động được đồng hóa cao độ - của bạn cơ. Vấn đề là nỗ lực lý tưởng hóa/tuyệt đối hóa đồng hóa - synced tình yêu & tình dục - tôi sợ rằng không giúp gì được thực tế hay phẩm giá con người. Mà muốn nói về rung động thể chất "ở mức tế bào" như bạn mà không có nghiên cứu gì về tâm lý -y/sinh học - làm cơ sở thì có lẽ sẽ chỉ tiếp tục tranh cãi chung chung về quan điểm, rất khó có cách gì tạo sự khác biệt hay thay đổi được quan điểm của những người bạn muốn thuyết phục ...

      Ái Nữ:

      Có lẽ bác đọc không kỹ. Không có chỗ nào tôi đồng bộ hóa tuyệt đối hóa gì cả. Tôi chỉ nói là cái tình yêu trong tâm hồn nó có ảnh hưởng. Dù tình yêu này có nhiều mức độ, nhưng ở phần đông nữ giới chí ít họ cũng cần chút "phải lòng" thì việc quan hệ tình dục mới thoải mái. Phụ nữ khó tính hơn đàn ông, nhưng họ lại bị động hơn và trong mại dâm họ bất lợi hơn. Chẳng phải khi đàn ông có nhu cầu sinh lý mới cần tìm mua dâm sao? Nhưng khi phụ nữ bán dâm, mấy khi là do họ có nhu cầu sinh lý? Kể cả chán ghét trong lòng họ có dễ từ chối không? Họ cần tiền. Đúng ra họ có thể có tiền bằng những công việc khác. Chúng ta có thể nói đơn giản đó là lựa chọn của họ. Nhưng còn tại sao họ chọn như thế thì câu trả lời không còn đơn giản. Khi "bán" cái này thì đại đa số là vì tiền thôi, chứ vì vui thì...

      Xóa
    22. Ái Nữ:

      Còn cái "rung động thể chất" mà bác nói, chả người đàn ông nào cần đọc một công trình nghiên cứu khoa học để biết là có nó đâu.

      Dù sao thì bài viết của tôi không thuộc về đề tài khoa học sinh lý. Có lẽ tôi không để từ "tế bào" kia trong ngoặc kép là chưa chặt chẽ chăng? Có lẽ vì nó mà bác Tuan A. Phung (tên facebook của luật sư Phùng Anh Tuấn) nhắc đến "cơ sở khoa học" ở đây.

      Phùng Anh Tuấn:

      Vấn đề là bạn lên án việc hợp pháp hoá mại dâm và không đồng ý với một ai đó coi mại dâm là một dạng lao động... Vấn đề quản lý mại dâm đã được rất nhiều học giả bàn cãi và mọi nhà nước, theo tôi biết, cho đến nay cũng chưa có một giải pháp nào hơn việc công nhận quyền được lao động mại dâm & hợp pháp hóa mại dâm - để không vô hình chung đẩy phụ nữ bán dâm vào thế giới bất hợp pháp của tú bà và ma cô ... Chuyện phẩm giá là đúng nhưng xã hội & kinh tế loài người không chỉ hoạt động bằng những khái niệm đạo đức chung chung và sang trọng như vậy. Nó cần được nuôi sống bằng những quan hệ kinh tế và lao động - trao đổi dịch vụ & tiền - rất cụ thể mà mại dâm, tiếc thay là một dạng như vậy ... Tôi không phản đối quan điểm đạo đức hay tâm lý của bạn, nhưng là một người thực tế, cần đặt ra câu hỏi đơn giản nếu bạn lên án legalized prostitution thì giải pháp thay thế là gì?? Câu viết trên là một câu khiến người ta nghĩ rằng bạn kêu gọi chỉ quan hệ tình dục kết hợp với tình yêu mới có thể được chấp thuận và nên outlaw hoạt động bán dâm... Trên thực tế tôi e rằng quan điểm tuyệt đối hóa này có thể gây thiệt hại hơn cho phụ nữ và thực ra chỉ nêu lên một mong ước lý tưởng hóa quan hệ đàn ông và đàn bà... Điều này, nếu không dựa trên một nghiên cứu khả tín hay đột phá gì mới, tôi sợ cũng không giúp đỡ gì được cho thực tế phụ nữ mại dâm ngoài việc có thêm một cuộc tranh cãi về quan điểm nữa - sau hàng triệu cuộc tương tự trong suốt lịch sử tiến hóa của loài người .... Mời bạn đọc Dubner and Levitt một trong nhiều kinh tế gia, khá nổi tiếng trong lĩnh vực này .. 'SuperFreakonomics': Prostitution as Career Choice

      Xóa
    23. Ái Nữ:

      Ồ thì ra là vậy! Hóa ra là do bác có sự hiểu lầm với bài viết của tôi. Ngay từ đầu tôi đã nói " đây không phải là một bài viết độc lập, mà là comment trao đổi..." và tôi có dẫn link bài viết của một người khác mà trên cơ sở ý kiến của họ tôi mới viết một comment phản hồi. Hơn nữa cuối bài comment của tôi còn dẫn link Facebook nơi có cuộc trao đổi bình luận của nhiều người mà tôi chỉ là một trong số đó (https://www.facebook.com/nguyen.h.linh.58173/posts/10154489260192655). Trong bài viết của tôi không có chỗ nào "lên án việc hợp pháp hoá mại dâm và không đồng ý với một ai đó coi mại dâm là một dạng lao động". Còn trong một comment trao đổi tôi đã viết thế này: "Với một đề tài như thế, bài viết ngắn như vậy không thể tránh khỏi phiến diện, có lẽ chủ yếu là để bày tỏ thái độ của tác giả. Tuy nhiên, tác giả cũng đã thừa nhận ngay trong bài viết là tác giả thiếu kinh nghiệm, chủ yếu biết đến những nhân vật trong... tiểu thuyết. Với cái tít "Nghĩ về...", tôi cho là Nguyễn Hoàng Ánh không hề có tham vọng gì lớn với bài viết này. Đây là khởi đầu tốt cho một cuộc trao đổi mà nhiều người có thể đóng góp quan điểm của mình. Mặc dù ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam, nhưng cá nhân tôi cho rằng bán dâm vĩnh viễn không thể là một "nghề" bình đẳng với các công việc khác. Với việc bán mua này, cả bên bán và bên mua đều bắt buộc phải hạ mình xuống, nó là hành vi có hại cho việc giữ gìn phẩm giá con người."

      Phùng Anh Tuấn:

      những người kêu gọi bình đẳng nghề cho mại dâm thật ra cũng muốn công nhận phẩm giá của những người làm nghề này. Bạn hay tôi có thể thích/đồng ý hay không chuyện đó, tuy nhiên thực tế cho thấy những khái niệm đạo đức là co dãn vô chừng và thay đổi tùy hoàn cảnh văn hóa và kinh tế của xã hội. Do đó nhân danh phẩm gía - đạo đức để lên án cũng là một cách không cho những người làm nghề này được tự cho nghề của mình có phẩm giá như bình thường - tôi cho cũng là một dạng vi phạm phẩm giá của họ. Tốt nhất nên tôn trọng quyết định của người đã theo nghề này - nếu họ không bị ép buộc đương nhiên. Với những người cảm thấy phẩm giá bị vi phạm khi làm nghề, nên tạo điều kiện để họ đổi nghề và tôn trọng quyết định chọn nghề mại dâm của họ chứ không phải nhân danh quan niệm đạo đức của một vài cá nhân hay nhóm nào đó quyết liệt tấn công phẩm giá của nghề này. Càng nêu cao "phẩm giá" mà không đưa được biện pháp giải quyết gì dẫn đến hệ quả là càng khiến người làm nghề mại dâm thêm mặc cảm với xã hội. Kết quả về mặt thực tế và kinh tế là đầy họ ra xa & cách ly với xã hội chứ chẳng giúp ích được gì ...

      Xóa
    24. Ái Nữ:

      Tôi muốn hợp pháp hóa là để kêu gọi BÌNH QUYỀN cho những người làm nghề mại dâm, nhưng lại không dám nói là nó có thể BÌNH ĐẲNG bác Tuan A. Phung ạ. Bởi vì bản thân tôi thấy rõ những lý do mà tôi không thể chọn nghề đó, nên cũng không thể bảo những người khác là "không thể kỳ thị" nghề mại dâm, vì như thế là không trung thực với chính bản thân tôi.

      Tôi muốn dẫn comment của bác Phan Lặng Yên:

      "Có nhiều điều cần bàn lắm:
      - Về mặt đạo đức, như hai câu cuối của Vi, md hạ phẩm giá của con người, không chỉ hai người tham gia, mà cả cộng đồng và loại người nói chung (cái này phân tích ra rất dài).
      - Về mặt xã hội, md là một biểu hiện của bất bình đẳng giới, đưa đến nhiều thứ bất công và tai hại, kể cả đói nghèo và buôn người.
      - Việc hợp pháp hóa → được bảo vệ tốt hơn nặng tính lý thuyết, thực tế có những thống kê rất buồn ngay ở Đức, trước và sau việc hợp thức hóa này.
      - Hợp pháp hóa chỉ có-thể có ý nghĩa tích cực khi xh có nhận thức đủ và việc THỰC THI được tiến hành tốt (chứ không phải luật lệ trên giấy tờ). Hai điều kiện này rất thiếu ở VN, lực lượng thực thi pl thì tha hóa, người hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất là xã hội dân sự thì bị kìm kẹp, giới bảo kê và kiếm tiền trên thân xác họ thì đang khuynh loát, nhìn nhận của xã hội thì tiêu chuẩn kép. Vì tất cả những điều trên, hợp pháp hóa ở VN là việc tuyệt đối tai hại, trong hiện tại và tương lai gần. Nãy có nói tiêu chuẩn kép, ở chỗ, người ta sẵn sàng ủng hộ hợp pháp hóa, nhưng lại cực lực phản đối nếu người thân chọn nghề này, và hoàn toàn không chấp nhận một người từng làm nghề này có thể công khai trở lại cuộc sống bình thường (đói nghèo nhắc đến trên kia một phần vì kì thị này)."

      Phùng Anh Tuấn:

      Tôi đang nhìn vấn đề từ góc nhìn đánh giá một thực tế & biện pháp cho nó của một xã hội và tôi không nghĩ là có thể dùng quan niệm cá nhân để đánh giá & đưa giải pháp một cách có ý nghĩa . Theo đoạn trích của bạn thì vấn đề là "xã hội có nhận thức đủ và việc THỰC THI" pháp luật. Như vậy để giải quyết vấn đề phải thay đổi nhận thức xã hội và tối ưu hoá việc thực thi. Liên quan đến quan niệm của bạn, vì bạn lấy quan điểm của mình là cơ sở đánh giá, thì tấn công phẩm giá của nghề này không giúp thay đổi được nhận thức xã hội ...

      Ái Nữ:

      Ở đây tôi không có mục đích "tấn công phẩm giá" của ai, mà là muốn nhắc đến những ranh giới mà con người cần ý thức được để ngăn mình sa vào cạm bẫy.

      Xóa
    25. Phùng Anh Tuấn:

      Ok, nhưng vấn đề thực tế là khi đề cao việc mất phẩm giá của việc tham gia nghề này bạn vô hình chung khiến những người làm nghề cảm thấy phẩm giá của họ bị đặt vấn đề theo hướng hạ thấp ...

      Ái Nữ:

      Không ngờ bác Tuan A. Phung lại quá lo xa như vậy. :) Làm sao tôi có khả năng "đề cao" việc mất phẩm giá của gái mại dâm. Tôi chỉ nói ra sự thật, nhắc lại sự thật, để cho CÂN BẰNG với việc nhiều người trong sự hân hoan với "tư tưởng cởi mở" mà vô tình hay cố ý xóa đi hoàn toàn những ranh giới mà nếu không nhận thức rõ người ta có thể sa lầy. Còn chuyện "những người làm nghề cảm thấy phẩm giá của họ bị đặt vấn đề theo hướng hạ thấp" thì tôi nghĩ bác đang coi thường ý thức của họ đấy. Theo chỗ tôi biết, thường những người đã chấp nhận làm nghề này thì họ ý thức được rất rõ vị trí của mình, không cần đạo đức giả, và họ cũng xác định được "vị trí" của đối tượng rất nhanh chóng, cho nên khó ai "nâng" hay "hạ" được họ lắm. Còn với tôi, người làm nghề mại dâm tự hạ thấp bản thân họ không có nghĩa là nhân phẩm của họ dứt khoát phải thấp hơn những người không hành nghề mại dâm, vì con người còn nhiều cách tự hạ giá phong phú khác.

      Phùng Anh Tuấn:

      để không mất thời gian & tự lặp lại mình tôi xin quote lại ý đã nói "Tôi đang nhìn vấn đề từ góc nhìn đánh giá một thực tế & biện pháp cho nó của một xã hội và tôi không nghĩ là có thể dùng quan niệm cá nhân để đánh giá & đưa giải pháp một cách có ý nghĩa.." vì quan điểm của tôi là không nên cố áp đặt quan niệm cá nhân vào vấn đề rất đa diện của xã hội này. Tôi không có gì thêm và do vậy xin chấm dứt ý kiến ở đây. Cheers

      Ái Nữ:

      Vâng, tôi hiểu là bác quan tâm đến "biện pháp cho xã hội". Còn tôi quan tâm đến phương diện cá nhân. Xã hội dù sao cũng không thể chối bỏ cá nhân. Cảm ơn bác đã dành thời gian trao đổi!

      Nam Hoài Lê:

      Bác Tuan A. Phung cmt rất rõ ràng, sáng ý, hoàn toàn trùng khớp với suy nghĩ của mình.
      Theo dõi trao đổi của 2 người thật thú vị.

      Ái Nữ:

      Vì cùng ý với bác Nam Hoài Lê nên bác mới thấy "sáng rõ" thôi, còn tôi thì tôi chẳng hiểu gì lập luận của bác ấy. Quan điểm, ý kiến của tôi là của cá nhân. Vâng, cá nhân. Thế còn ý kiến, quan điểm của bác Phùng Anh Tuấn thì không phải của cá nhân bác ấy? Vậy bác ấy nói với tôi bằng tư cách của ai? Của Trời? Hay của... Đảng?

      Xóa
    26. Ái Nữ:

      Đọc cái link mà bác luật sư Phùng Anh Tuấn đưa, tôi lại nhớ trong cuốn sách nào đó của ông Osho có kể một câu chuyện về một cô gái điếm treo trên tường đủ thứ bằng cấp (có bằng ngoại giao thì phải), khi được khách hỏi rằng tại sao lại làm nghề này (mại dâm), cô ta đáp: "Chỉ là may thôi." Cô Allie trong câu chuyện ở đây cũng tương tự, thuộc hàng "triết gia", những người được Trời phú cho sự thông minh nhạy bén và luôn biết cách để mình chiếm được ưu thế. Với những nhân vật như vậy thì việc họ làm hợp pháp hay không chẳng quan trọng gì. Họ có khả năng thích ứng cao và giữ cho mình quyền lựa chọn. Những người như thế đâu cần được bảo vệ bằng hợp pháp hóa mại dâm. Nhìn vào số ít các nhân vật xuất sắc ấy (cần lưu ý rằng người ta chỉ kể ra những yếu tố "thi vị") để hình dung ra tương lai tươi sáng của kinh tế mại dâm và cổ vũ nó thì tôi e rằng tương lai sẽ thành "tương lại". 'SuperFreakonomics': Prostitution as Career Choice

      Nam Hoài Lê:

      Câu chuyện rất thú vị.
      Mình xin tham gia 1 ý kiến:
      Mại dâm, có lẽ là "nghề" cổ xưa nhất của loài người, và chắc chắn nó sẽ tồn tại và phát triển cùng với xh loài người. Phụ nữ trong bất kỳ hình thức MD nào (bên bán hay bên mua) đều có nguy cơ gặp bất lợi về thể chất hoặc tinh thần nhất định, ngoài ra sự tồn tại nghề MD, cách nào đó có thể nói là nhằm phục vụ nhu cầu của bọn đàn ông- giống đực. Ở đây, cần nhận thức rõ, sự "bất lợi" của PN trong hoạt động MD và nhiều khía cạnh khác liên quan đến tâm/ sinh lý loài (đực - cái), và điều này là tuyệt đối không thể khác....
      Vậy, những quan điểm về phẩm hạnh phẩm cách của PN khi tham gia mại dâm dù dưới danh nghĩa yêu thương và bảo vệ nữ quyền, vô hình trung lại càng ràng buộc họ vào khuôn khổ, khiến XH càng có cớ khắt khe với PN hơn.
      Khi tôi hoặc những người như tôi ko lồng ghép bất cứ lề thói đạo đức nào vào, tức chúng tôi tôn trọng tuyệt đối người PN, cho rằng con cái hoàn toàn ngang hàng con đực, đó chính là cách chúng tôi tôn trọng phẩm hạnh của họ vậy.

      Ái Nữ:

      Bác Nam Hoài Lê là nam giới, tức là phái mạnh, nên tôi hiểu được động cơ của bác. Ngay bác Phùng Anh Tuấn dù có nói lòng vòng thì cũng không thể phủ nhận vấn đề phẩm giá trong mại dâm. Tóm lại sự thật là không thể tách rời mại dâm ra khỏi vấn đề nhân phẩm được. "Con cái hoàn toàn ngang bằng con đực" là bác nói cho vui thôi chứ không dựa trên cơ sở thực tế của loài người. Thực tế thì sức mạnh thể chất của đa số phụ nữ có ngang bằng đàn ông không? Tỉ lệ đàn ông hiếp dâm phụ nữ/phụ nữ hiếp dâm đàn ông là bao nhiêu phần nghìn? Các bác nheo nhẻo nói về tôn trọng phẩm hạnh của người bán dâm chẳng qua để lờ đi không chịu đề cập đến phẩm giá của người mua dâm, trong khi bài viết của tôi nhắc đến phẩm giá của cả đôi bên chứ không thiên vị bên nào. Phụ nữ luôn bị bất lợi trong mại dâm vì họ là kẻ yếu. Tôi ghê sợ sự kinh doanh trên thân xác con người.

      Xóa
  3. Cô Ainu có thể cho cái link về mấy trao đổi này được ko? đây là câu chuyện dài, định vết nhưng lười quá. Vào trực tiếp xem, biết đâu lại có hứng cãi nhau :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vừa kiểm tra, các comment của bác Nam Hoài Lê lúc này biến mất. Lần trước đã biến mất một lần nhưng rồi hiện trở lại. Tài khoản của bác ấy gặp vấn đề trục trặc gì đó.

      Xóa
    2. cám ơn cô, hóa ra trên face. Tôi có kết bạn với cô nhưng lười vào face nên không biết

      Xóa
  4. Mấy hôm nay không biết có ai đang đọc bài viết này mà thấy nhiều lượt truy cập. Làm tôi nhớ lại cuộc trao đổi về đề tài này cũng thấy vã mồ hôi.

    Có mấy bác trí thức cấp tiến làm tôi cảm thấy tuyệt vọng khi đối thoại, chỉ vì họ dứt khoát không chịu hiểu từ "nhân phẩm", "phẩm giá" như tôi hiểu, khiến tôi hoang mang không biết rồi đây từ "phẩm giá" có xuất hiện ở quầy thịt heo không nữa, hoặc nó sẽ mất tích hoàn toàn trong tiếng Việt. May quá cũng có bác giúp tôi hoàn hồn khi trấn an được tôi rằng tiếng Việt của tôi bác ấy hoàn toàn hiểu được. Cuộc đời cứ phải lắm phen xối nước lạnh vào ta...

    Mua bán dâm là đề tài nhạy cảm trong bất cứ xã hội nào, nền văn hóa nào từ cổ chí kim. Nhưng quả thật tôi đã không ngờ trong xã hội Việt hiện tại người ta lại có hiểu biết về nó lơ mơ đến như vậy. Tôi hoàn toàn bị SỐC.

    Khi viết comment trao đổi với H.A thì tôi còn chưa được đọc tác phẩm "Xóm Rá", nếu không tôi đã đề nghị H.A đọc rồi. Vâng, nếu muốn hình dung về nghề điếm trong thực tế, xin đừng đọc "Trà Hoa Nữ" mà hãy đọc "Xóm Rá" của Ngọc Giao, một thiên phóng sự dưới hình thức văn chương. Chỉ bằng một tác phẩm này thôi Ngọc Giao đã khiến tôi dành cho ông tất cả sự kính trọng dành cho một nhà văn.

    Tôi không phản đối các tác phẩm lãng mạn du dương, nhưng chớ quên rằng chúng ta còn phải đối diện với hiện thực. Tôi luôn thấy sự cần thiết của các nhà văn biết xối nước lạnh và phun lửa nóng vào độc giả.

    Trả lờiXóa
  5. Vì link facebook của tổng biên tập báo Nhịp Cầu Thế Giới đã để ở chế độ bạn bè nên tôi copy thêm về đây những comment có nội dung đáng chú ý (từ 3 năm trước). Những nhân vật còm trong đây thì Nhan Thanh Frey là nữ giới còn Phan Lặng Yên là nam giới.

    Phan Lặng Yên:
    Đề tài này lều báo lớn nhỏ ở VN đã viết cả chục bài. Thực dụng, hời hợt, không nhìn đến cốt lõi vấn đề. Giờ cô Ánh cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Nhưng chưa có thời gian phản biện ngay :(

    Nhan Thanh Frey:
    Phan Lặng Yên phản biện đi, mình hóng vì đây là đề tài khá nhức nhối, cần mổ xẻ.

    Ha Thi Thanh Vi:
    Với một đề tài như thế, bài viết ngắn như vậy không thể tránh khỏi phiến diện, có lẽ chủ yếu là để bày tỏ thái độ của tác giả. Tuy nhiên, tác giả cũng đã thừa nhận ngay trong bài viết là tác giả thiếu kinh nghiệm, chủ yếu biết đến những nhân vật trong... tiểu thuyết. Với cái tít "Nghĩ về...", tôi cho là Nguyễn Hoàng Ánh không hề có tham vọng gì lớn với bài viết này. Đây là khởi đầu tốt cho một cuộc trao đổi mà nhiều người có thể đóng góp quan điểm của mình. Mặc dù ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam, nhưng cá nhân tôi cho rằng bán dâm vĩnh viễn không thể là một "nghề" bình đẳng với các công việc khác. Với việc bán mua này, cả bên bán và bên mua đều bắt buộc phải hạ mình xuống, nó là hành vi có hại cho việc giữ gìn phẩm giá con người.

    Nhan Thanh Frey:
    Mình đọc nhiều report về nghề này bên này thấy rằng đây là một công việc nặng nhọc cho nữ giới. Nên bảo vệ phụ nữ, tốt nhất là ko ai phải hành nghề này.Tất nhiên khi chưa được như thế thì cái gì hợp thức hóa vẫn hơn, ít nhất là những quy định về y tế và bảo vệ sức khỏe cho người tham gia.

    Phan Lặng Yên:
    Có nhiều điều cần bàn lắm:
    - Về mặt đạo đức, như hai câu cuối của Vi, mại dâm hạ phẩm giá của con người, không chỉ hai người tham gia, mà cả cộng đồng và loại người nói chung (cái này phân tích ra rất dài).
    - Về mặt xã hội, mại dâm là một biểu hiện của bất bình đẳng giới, đưa đến nhiều thứ bất công và tai hại, kể cả đói nghèo và buôn người.
    - Việc hợp pháp hóa → được bảo vệ tốt hơn nặng tính lý thuyết, thực tế có những thống kê rất buồn ngay ở Đức, trước và sau việc hợp thức hóa này.
    - Hợp pháp hóa chỉ có thể có ý nghĩa tích cực khi xã hội có nhận thức đủ và việc THỰC THI được tiến hành tốt (chứ không phải luật lệ trên giấy tờ). Hai điều kiện này rất thiếu ở VN, lực lượng thực thi pháp luật thì tha hóa, người hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất là xã hội dân sự thì bị kìm kẹp, giới bảo kê và kiếm tiền trên thân xác họ thì đang khuynh loát, nhìn nhận của xã hội thì tiêu chuẩn kép. Vì tất cả những điều trên, hợp pháp hóa ở VN là việc tuyệt đối tai hại, trong hiện tại và tương lai gần.
    Thực tế thì chỉ khoảng 1/4 số nước hợp pháp hóa, trong số đó 3/4 thì mại dâm là hợp pháp, với điều kiện tự tìm tự bán, nhà chứa hoặc môi giới đều là phi pháp - chỉ duy nhất hợp pháp kiểu này là còn có thể chấp nhận trong chừng mực.
    À, nãy nhắc đến nhận thức, người Việt vốn sính ngoại và lai căng sẵn, sau hơn nửa thế kỷ bị kìm kẹp cộng với hệ thống giáo dục lệch lạc, giờ mở cửa thì sinh ra kiểu liberal thái quá thiếu suy xét và nền tảng nhận thức, như bàn tay gắn vào cùi chỏ vậy. Từ chuyện [nhận thức về] hôn nhân đồng tính đến mại dâm hay hút cỏ đều vậy. Mà những thứ này không ảnh hưởng đến 'an ninh', nên nhà nước lại thả rông cho thoải mái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ha Thi Thanh Vi:
      Thú thật, tôi cũng rất e ngại điều mà bạn Phan Lặng Yên nói về hợp pháp hóa. Trong tình hình của Việt Nam, làm gì cũng khó.

      Nhan Thanh Frey:
      Đồng ý với sự «liberal thái quá», mình xa VN mười mấy năm mà khi ngoảnh lại phải giật mình vì một số nhận thức của người Việt còn thoáng hơn cả dân bên này.

      Phan Lặng Yên:
      =)) Mỹ cãi nhau mấy chục năm trời về HN đồng tính, sau cùng mới thông qua sít sao 5-4 ở tòa án (nhờ mấy vị Obama bổ nhiệm và một ông phản phé), mà ở VN thì cái một :D Chuyện hút cỏ cũng vậy, rõ ràng là tiêu cực, không hại sức khỏe như thuốc lá, nhưng việc bất cứ thứ gì điều khiển hay làm lệch lạc đầu óc thì đều tai hại; nhưng cm phản đối phát thì cả mấy trăm đứa vào &%^$, cứ như thể cỏ chẳng khác gì kẹo cao su.

      À, ở các nước văn minh đã quan tâm đến cái sex abuse/rape bởi chồng hay partner rồi ấy (1). Từ đó có thể dẫn đến việc quan tâm đến rape trong mại dâm (cái này cũng phổ biến luôn), nhưng vẫn khó và còn xa lắm. Ngay cả (1) giờ vẫn còn rất lạ với VN thì (2) khó lòng lắm.

      Nãy có nói tiêu chuẩn kép, ở chỗ, người ta sẵn sàng ủng hộ hợp pháp hóa, nhưng lại cực lực phản đối nếu người thân chọn nghề này, và hoàn toàn không chấp nhận một người từng làm nghề này có thể công khai trở lại cuộc sống bình thường (đói nghèo nhắc đến trên kia một phần vì kì thị này).

      Nhan Thanh Frey:
      Sau những phân tích rất có lý của Phan Lặng Yên, thì tạm kết luận là chưa thể và ko nên hợp thức hóa md ở VN. Nên cấm tiệt, nhỉ!

      Ha Thi Thanh Vi:
      Khổ nỗi việc cấm cũng chẳng thể làm xong.

      Nhan Thanh Frey:
      Vì đúng là ngay cả Đức cũng gặp trở ngại khi quản lý nghề này. Đã có nhiều luật được thực thi, nhưng những kẻ lách luật lại lôi phụ nữ nước ngoài vào hành nghề (phần lớn là từ Đông Âu), họ ko nắm được quyền của mình nên lại bị lạm dụng, bóc lột.
      Mình cũng mong ko có nghề này. Có lẽ Xh nên đầu tư để cải thiện quan hệ con người, ai cũng tìm được partner, vợ chồng cho mình. Giáo dục ý thức sức khỏe và cư xử đúng mực, sống cân bằng để ko bị cuốn vào guồng «thèm thuồng» đến mức có nhu cầu md.
      Biết là khó nhưng cứ mong thế :)

      Xóa