Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Hẹn với Dũng

Tùy bút của Ái Nữ      

       Câu chuyện xảy ra cuối năm Mười Ba, được kể lại trên Blog Tiếng Việt. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vốn hòa đồng, thích giao lưu, ông đã hẹn tôi đến những cuộc giao lưu của Blog Tiếng Việt nhiều lần nhưng tôi đều từ chối, vì chưa cảm thấy thích hợp. Nhưng lần này là kỷ niệm mười năm ngày mất của thân phụ ông, cụ Nguyễn Lân. Tôi thấy đây là dịp thích hợp để đáp lễ, cũng tiện giải mối nghi ngờ cho các blogger của Blog Tiếng Việt, kẻo họ cứ mất công dò tìm xem tôi là nhân vật nào trong làng văn giấu mặt để... gây sự. Có người về sau còn cho tôi biết họ tưởng tôi là một lão già trong giới khoa học và có thù oán với giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Họ biết tôi làm sao được, vì bản thân tôi cũng có biết ai vào với ai đâu. Tôi sống xa môi trường văn chương sách vở, thậm chí trước đó còn chẳng biết cụ Nguyễn Lân là ai, giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì tôi biết vì từng nhìn thấy trên ti vi và nhớ được ông vì phong cách nói chuyện dí dỏm. Sự xuất hiện offline của tôi khiến các blogger trố mắt rồi phì cười, vì thấy tôi... vô hại quá. Tôi đúng là Mèo thật, còn Cọp là họ tự tưởng tượng ra thôi.
       Bài dưới đây đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 17-12-2013.

       Buổi sáng ngày Chín tháng Mười Hai tôi qua tiệm sửa xe để thay dầu cho chiếc moto cũ kỹ. Tôi phàn nàn vì xe này hao dầu nhanh quá. Anh thợ sửa xe giải thích rằng với một cái xe cũ thì không thể mong đợi gì hơn, nhất là nếu chạy đường dài thì dầu sẽ bẩn rất nhanh.
       Đúng là cái xe của tôi thường xuyên phải chạy đường dài. Tôi đã hẹn với Dũng chiều hôm ấy tôi sẽ đến Hà Nội và ngủ nhờ phòng trọ của cậu ta ở Cổ Nhuế. Dũng là cậu em đồng môn của tôi hồi chúng tôi học Karate ở võ đường Nghĩa Dũng do thầy Nguyễn Văn Dũng sáng lập. Lớp trưởng của chúng tôi hồi ấy cũng tên là Dũng, biệt hiệu Dũng “chì”. Anh Dũng “chì” lúc ấy là sinh viên đại học công nghiệp, tính trầm tĩnh ít nói, sau này làm kỹ thuật cho một nhà máy của quân đội. Dũng mà tôi hẹn lần này là Đặng Đình Dũng, học ở đại học bách khoa ra và làm việc trong lĩnh vực tin học. Tính cậu ta rất trẻ con nên lúc nào cũng chịu làm một đứa em ngoan ngoãn của tôi.
       Thật ra tôi còn có thể tá túc ở những chỗ khác mà không cần phải chiếm cái gác xép nhỏ bé của Dũng, nhưng tôi thích thế, vì chuyến đi lần này của tôi rất đặc biệt. Chỉ có Trời mới biết tại sao có nhiều người tên là Dũng liên quan đến cuộc đời tôi, không có mối quan hệ nào của tôi với một người tên là Dũng mà dừng lại ở mức độ tầm phào. Lần này tôi đến thủ đô vì có hẹn với chữ “Dũng”: tất cả những người tôi hẹn gặp đều tên là Dũng. Người đầu tiên hẹn tôi là giáo sư Nguyễn Lân Dũng, người thứ hai mà tôi hẹn là bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng, và người thứ ba là anh Phạm Trung Dũng. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với ba người này, tôi hẹn với Đặng Đình Dũng, vì chỗ cậu ta rất gần trường đại học sư phạm Hà Nội, nơi sẽ diễn ra hội thảo về giáo sư Nguyễn Lân vào ngày Mười tháng Mười Hai, hội thảo đó là lý do để tôi xuất hành chuyến này.

       Mùa đông trời tối nhanh nên tôi đến Hà Nội khá sớm, không thể đến chỗ Dũng ngay vì bẩy giờ tối vợ chồng cậu ta mới về. Tôi cũng không có việc gì phải vội, nên chạy lòng vòng trên những con đường thủ đô vào đúng giờ cao điểm. Những người Hà Nội đổ dồn mắt vào tôi chỉ trỏ hoảng hốt, như thể nhìn thấy yêu tinh cưỡi chổi. Không phải tôi đến đây lần đầu, cho nên thái độ của họ làm tôi ngạc nhiên, tôi quay lại nhìn và nhận ra mình đang “cưỡi chổi” không sai. Từ ống xả xe tôi phả ra một chổi khói mù mịt làm người ta tưởng xe sắp bốc cháy đến nơi, họ không biết là tôi vừa mới thay dầu xe lúc sáng.
       Đúng ra tối ngày Chín tôi không định làm gì ngoài việc ngủ, nhưng anh Phạm Trung Dũng lại hẹn tôi. Anh là người tôi hẹn sau cùng, nhưng lại đến gặp tôi trước tiên sau khi biết tin tôi đã có mặt ở Hà Nội. Vợ chồng Dũng đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm nhỏ nhẹ hơn chiếc của tôi để tôi mang đi chơi cho tiện, họ chắc mẩm rằng tôi hẹn hò với một chàng trai nào đó nên “chúc thành công” khi tiễn tôi ra cửa. Tôi bấm bụng nhịn cười. Hơn mười rưỡi đêm tôi về, Dũng hỏi ngay:
       - Thế nào rồi?
       Tôi chìa chiếc mũ bảo hiểm ra:
       - Quê quá! Người ta đi ô tô chứ không phải xe máy.
       - Xe có to không? – Mắt Dũng sáng lên.
       - Chắc chắn không phải là xe tải rồi – Tôi phì cười.
       - Nhưng là xe gì chứ? – Dũng vẫn cố gắng tìm hiểu.
       - Không biết, nhưng có đủ bốn bánh – Tôi không cố tình trêu chọc Dũng, nhưng tôi không nhớ gì về cái xe trừ màu đen của nó.
       - Có màn hình cảm ứng từ không? – Dũng tiếp tục tò mò.
       Tôi đành cung cấp vài thông tin về chủ nhân của cái xe thay cho những chi tiết khác:
       - Một người gốc Nghệ An, sáu mươi ba tuổi, tự nhận mình thuộc trường phái bảo thủ, đã ở Hà Nội bốn mươi năm và đi lại bằng ô tô riêng từ mười năm nay thì xe của anh ta chắc là không thuộc loại hiện đại nhất đâu.
       Vợ Dũng cười phá lên, còn Dũng thì gieo mình xuống chiếc giường chiếm phần lớn diện tích căn phòng, rên rỉ:
       - Chán chết cái bà chị này! Cứ như thế thì đến bao giờ mới có tiền cho em vay để làm nhà kia chứ!
       Dũng là con một của một bà mẹ đơn thân. Mẹ Dũng làm nghề chở than nuôi con ăn học, nay đã già yếu nhưng vẫn một mình ở lại Thái Nguyên. Dũng chỉ có một mơ ước đáng kể là kiếm đủ tiền xây một căn nhà đủ rộng đón mẹ về ở cùng, nhưng ước mơ này không biết đến bao giờ mới có thể thành hiện thực trong khi lương của vợ chồng Dũng còn chưa cao, ước mua đất xây nhà ở Hà Nội thì khác gì ước lên trời.
       Nếu tôi lo lắng đến chuyện phải kiếm được nhiều tiền thì cũng chẳng có thời gian mà đến thăm Dũng và quan tâm xem Dũng đang sống thế nào. Nếu Dũng có nhà cao cửa rộng thì chưa chắc tôi đã đến tá túc. Những người có nhà cao cửa rộng ở thủ đô thường bận rộn, họ thừa chỗ ở nhưng nhiều khả năng là họ thiếu thời gian để quan tâm đến tôi, như thế tôi sẽ cảm thấy mình làm phiền họ. Các khách sạn và nhà nghỉ ngoài việc ngốn tiền để đuổi tôi thật nhanh khỏi chốn đô thành, sẽ chẳng giúp gì tôi trong việc tìm hiểu về mảnh đất ngàn năm văn vật này.
       Anh Phạm Trung Dũng rất thật thà, nghe tôi nói chưa biết gì về Hà Nội, anh ngỏ ý sẵn sàng đưa tôi đi xem hồ Hoàn Kiếm. Anh không biết rằng tôi đã sống trong lòng Hà Nội gần mười tháng, vào cái thời các bốt điện thoại công cộng đang là biểu hiện mới của văn minh thủ đô mà các thành thị khác ra sức chạy theo. Các bốt điện thoại đó đã được dỡ đi lâu rồi, nhưng Hồ Gươm thì chưa thể nào đổi chỗ.
       Tôi không nói dối anh Phạm Trung Dũng. Tôi chưa biết gì về Hà Nội, nhưng không phải là Hà Nội đường chật người đông, đầy bụi bặm và khói xe, những cửa hàng mặt tiền bé xíu chen chúc, những con người mặt mũi nhớn nhác chạy theo vòng quay của đồng tiền… Tôi chưa biết gì về một Hà Nội tinh hoa, những trí thức chân chính, những nghệ sĩ đích thực, những người bình dân hạnh phúc… Nếu chịu khó để ý thì tôi sẽ thấy bề nổi lao xao của họ, nhưng đó không phải là những gì tôi tìm kiếm.
       Là một người Hà Nội đã bốn mươi năm, anh Phạm Trung Dũng đón tiếp tôi một cách lịch sự và trân trọng, không có gì thiếu hay thừa. Anh yêu thơ, và câu chuyện giữa chúng tôi không hề lạc ra ngoài đề tài đó. Với tôi thơ là cảm xúc tự nhiên đến, còn với anh thơ không thể chỉ là cảm xúc mà còn phải có nghề. Anh đem sự gọt dũa công phu vào thơ, cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi cũng giống như một bài thơ mà anh đã dụng công gọt dũa. Thế là tôi đã biết đến một người Hà Nội, mặc dù chưa kịp hiểu gì nhiều lắm.
       Vừa chia tay với anh Phạm Trung Dũng, tôi gọi điện ngay cho bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng. Đúng ra tôi phải làm việc này đầu tiên, nhưng với một bác sĩ phẫu thuật thì không thể hẹn hò theo kiểu “chụp giật” được, tôi muốn để cho anh có thời gian sắp xếp.
       Không giống như tôi nghĩ, bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng là người sẵn sàng “chụp giật” thời gian. Vừa nghe tôi giới thiệu qua điện thoại, anh tỏ thái độ sửng sốt, theo anh thì giọng nói của tôi không tương xứng với giọng văn chút nào. Nghe đồn anh đã cá rằng Ái Nữ là một lão già khú đế. Anh hỏi tôi đang ở đâu và sẵn sàng gặp tôi ngay, để xem “con sâu róm ấy mặt ngang mũi dọc như thế nào”. Nhưng anh kịp nhớ ra là đã mười một giờ đêm, mà tôi là Ái Nữ chứ không phải Ái Nam. Nếu tôi chủ động hơn về chỗ ở thì tôi đã ra đường gặp anh lập tức, nữ với nam gì cơ chứ, tôi khoái phong cách của anh. Anh dặn tôi sáng hôm sau dự hội thảo xong thì gọi cho anh ngay.
       Tôi không gọi điện cho giáo sư Nguyễn Lân Dũng, vì lần này tôi hẹn đến dự hội thảo về cha ông là giáo sư Nguyễn Lân, chứ chưa hẹn gặp riêng ông. Hội thảo thì chẳng thể chạy đi đâu mất, ông tất nhiên phải bận rộn với nó và tôi chưa nên phiền ông làm gì.
       Sáng ngày Mười tháng Mười Hai, tôi qua cổng trường đại học ngoại ngữ đến hội trường K của đại học sư phạm. Tôi chưa kịp nhìn thấy chữ K ở đâu nhưng thấy băng rôn biểu ngữ của hội thảo. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đang loay hoay ở phòng tiếp tân. Khi tôi tiến đến để tự giới thiệu, ông ngắm nghía tôi như một nhà khoa học quan sát đối tượng nghiên cứu. Điều mà ông thốt lên là “nhỏ quá, nhẹ quá”. Ấy thế mà có những người dám phàn nàn rằng cách tôi bày tỏ tình cảm với ông là “mạnh quá, nặng quá”. Thái độ của ông cho thấy một bác sĩ mà nhẹ ký như vậy thì thật không tương xứng. Giá trị của một con người không thể đếm bằng ki-lô-gam và xăng-ti-mét, nhưng bộ óc khoa học của ông lại được cài đặt đầy rẫy những công thức kiểu như chỉ số khối BMI, nên ông cứ loay hoay băn khoăn với nó mãi. Sự ngạc nhiên này ông còn nhắc lại mãi về sau. Tôi cũng đã nghe nhiều người nói nhìn tôi không giống bác sĩ, cho nên tôi không lấy làm lạ khi thấy trước lời giới thiệu của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cô tiếp tân sau khi trao tài liệu tặng cho tôi đã ghi mấy chữ vào danh sách đại biểu: “Nhà văn Ái Nữ”. Tôi cần phải ký vào đó như xác nhận vai diễn của mình.
       Từ hồi say mê giáo sư Nguyễn Lân Dũng qua chương trình KCT trên ti vi, không bao giờ tôi có thể ngờ rằng giữa chúng tôi sẽ diễn ra những cuộc giao lưu thi vị, đượm màu hài hước đúng như những gì tôi yêu thích ở ông. Tuy có vài bạn đọc thích chuyện giật gân cố tình lu loa lên rằng tình yêu sôi nổi của tôi có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhưng tin đồn đó của họ hài hước chẳng kém gì tin đồn ăn chuối hột chấm mật ong thì chết người. Tôi rất thích sự hài hước của các nhà khoa học, nó nhẹ nhàng thoải mái hơn sự hài hước của các nhà văn. Mặc dù tôi giữ ý kiến rằng giáo sư Nguyễn Lân Dũng là một bạn đọc văn chương có phần dễ tính, nhưng tôi lại thích chuyện ông là người đầu tiên khoác áo “nhà văn” cho tôi. Ông đã phát hiện ra một nhà văn bằng con mắt của một nhà khoa học. Sau này dù có bao nhiêu người gọi Ái Nữ là nhà văn đi nữa, họ cũng chỉ là “theo đuôi” giáo sư Nguyễn Lân Dũng mà thôi. Với tình cảm riêng mà tôi dành cho ông thì tôi lại càng thích thú điều này.
       Trong suốt cuộc hội thảo không có diễn giả nào đủ gây ấn tượng với tôi. Nhưng tôi không chờ mong gì hơn, đã từ lâu tôi ngán ngẩm với những diễn văn mang màu sắc hội nghị ở Việt Nam. Điều quan trọng là tôi đến để chứng kiến một sự kiện và cổ vũ cho ngành giáo dục. Tôi luôn biết ơn những trí thức chân chính đã đóng góp cho nền học thuật của Việt Nam bằng tất cả tấm lòng và sự tận tụy của họ. Không nghi ngờ gì, gia đình giáo sư Nguyễn Lân là một bông hoa quý của nền giáo dục nước nhà. Nhưng tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Một blogger cẩn trọng của Blog Việt đã nhắc đến một thành tích của giáo sư Nguyễn Lân: “Trường Đại học Sư phạm đã nhổ được hai cái gai của nhà trường. Đó là Trương Tửu và Trần Đức Thảo”. Đây là lời của giáo sư Nguyễn Lân vào năm 1958, trong thời kỳ “Nhân văn – Giai phẩm”. Việc “ôn cố tri tân” luôn là điều cần thiết. Ngay cả giáo sư Nguyễn Lân cũng không có cách nào tránh khỏi liên quan đến những phiền lụy rắc rối của một nền học thuật nặng về phục vụ chính trị. Những “cái gai” có thể chỉ gây vết xước cho người này, nhưng lại gây vết thương chí mạng cho người khác. Trong thời đại mới với nhiều cơ hội kèm theo rất nhiều thách thức, những bi kịch cũ sẽ khiến cho giới trí thức Việt Nam thêm can đảm hay làm họ chùn bước? Họ có dám tin vào sự sáng suốt của chính mình, có dám nhận trách nhiệm về cá nhân mình hay chỉ trông chờ vào sự lãnh đạo của người khác, chỉ tuân theo sự điều khiển của người khác?
       Tôi thích nhìn gương mặt của giáo sư Nguyễn Lân trên những tấm ảnh để lại. Chân dung ấy thể hiện tâm hồn nhẹ nhõm của một con người đã hết mình làm những gì có thể theo những gì mà mình biết. Nhưng cái biết của người này khác với cái biết của người khác, cái biết của thời này khác với cái biết của thời khác. Với những gì tôi đã làm và đã hưởng, tôi không thể từ chối vai trò trách nhiệm của cá nhân mình. Trách nhiệm cá nhân là những gì tôi tự nhận thấy tôi phải làm chứ không phải là những trách nhiệm mà người ta gán cho tôi.
       Trong số những người leo lên bục phát biểu, chỉ có ông Phạm Vũ Luận, bộ trưởng bộ giáo dục, là có vẻ tự nhiên hơn cả. Một phần vì ông không cầm giấy đọc một bài viết chuẩn bị trước, phần nữa vì ông có bản lĩnh của một chính khách, rất tự tin và có ý thức về quyền lực của vị trí bản thân hiện tại. Nhìn ông bộ trưởng bộ giáo dục có vẻ đang độ sung mãn, sức khỏe của ông không góp thêm một chi tiết ảm đạm vào bức tranh miêu tả nền giáo dục ọp ẹp của nước nhà. Ông cũng đang “được điểm” ở chuyện trong nhiệm kỳ của ông, từ một hai năm nay người ta bắt đầu sử dụng lại một bộ sách giáo khoa tiểu học đã “đắp chiếu” từ hai mươi năm trước, và quyết định rằng ba năm nữa các trường đại học sẽ lại chủ động việc tuyển sinh. Người Việt Nam đang tìm lại những giá trị cũ từng bị bỏ xó, vì không phải cái mới nào cũng có giá trị sáng tạo.
       Tôi muốn giữ trật tự suốt buổi hội thảo, nhưng sự nghiêm trang căng thẳng không mấy thích hợp với tôi. Có một cô giáo trẻ lên bục phát biểu, bộc lộ sự xúc động chân thành khi đọc cuốn sách “Con người văn minh sống như thế nào” của giáo sư Nguyễn Lân. Cuốn sách mỏng ấy tôi đã mượn được trong thư viện nhưng rồi không đọc, vì xét thấy nó không phù hợp với một độc giả như tôi. Khi cô giáo trẻ trên bục đang dẫn những lời trong cuốn sách, về chuyện một con người văn minh cần biết trang trí phòng mình bằng lọ hoa tươi, tôi bật cười khi nhớ tới căn phòng trọ của vợ chồng Dũng. Có lẽ giáo sư Nguyễn Lân khi viết cuốn sách ấy không ngờ rằng mười năm sau ngày ông mất, đất nước hòa bình đã rất lâu rồi, nhiều sinh viên đại học ra trường có ý thức làm việc chăm chỉ và được sống trong điều kiện hoàn cảnh văn minh đến nỗi nơi họ ở không đủ chỗ để đặt một lọ hoa. Ấy là chưa nói đến những người xếp xó bằng đại học để xin việc làm của công nhân trình độ văn hóa phổ thông. Tôi đem mấy ý nghĩ ấy tán với người ngồi bên cạnh. Ông này là một viên chức của ngành giáo dục đã về hưu, nhưng rất cởi mở thoải mái và không có phong cách mô phạm, ông không nhịn được cười khi nghe những điều tôi nói. Từ sách vở đến thực tế đời sống là một khoảng cách lớn đến nỗi để lấp đầy nó người ta không thể sống thiếu sự hài hước. Nếu có ai còn viết hay nói đến những tiêu chuẩn của một con người văn minh, tôi sẽ “nhắm mắt bịt tai” lại, thế là xong.
       Hội thảo kết thúc thì đã gần mười hai giờ trưa. Tôi gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng, anh nói tôi cứ ở nguyên cổng trường đại học ngoại ngữ, anh sẽ mang xe tới đón. Xe anh dừng phía bên kia đường, anh gọi qua điện thoại cho đến khi nhìn thấy tôi. Anh để tôi đi bộ sang đường cho nhanh, nhưng lại sang đón và bắt tay tôi ở dải phân cách. Tất cả mọi cử chỉ hành động của anh đều thể hiện sự ngẫu hứng tự nhiên, nồng nhiệt và không có ý thức sắp đặt. Nhìn chiếc xe của anh, tôi bắt đầu hiểu câu hỏi của Dũng tối hôm trước. Bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng có khổ người khá cao lớn, nhưng chiếc xe của anh xinh xinh như một con thỏ xám. Trên đường đi, anh tranh thủ khai thác tiểu sử bản thân của tôi một cách thẳng thắn và nhanh gọn như cách mà các bác sĩ vẫn làm, không chút úp mở. Gặp anh, người ta sẽ quên hết ấn tượng về những người Hà Nội luôn vào đề một cách “vòng vo tam quốc”, lịch sự nhưng khó hiểu. Anh hỏi tôi muốn uống rượu hay uống bia. Rượu hay bia đều không nằm trong nhu cầu của tôi, tôi chỉ muốn gặp anh thôi. Nhưng đồ uống có men là phát minh vĩ đại của loài người, khi gặp những người bạn quý người ta khó có thể quên nó. Thầm so sánh dung tích dạ dày của tôi so với của anh, tôi nói rằng tôi muốn uống rượu, như thế tôi sẽ ít bị thiệt thòi hơn. Vào thời điểm này, hơn bao giờ hết, người dân Việt Nam coi uống rượu là một hành động nguy hiểm, trên mọi phương tiện truyền thông nhắc đi nhắc lại chuyện sáu người dân đất mỏ Quảng Ninh đã “hy sinh” vì uống rượu của một hãng ở thủ đô Hà Nội. Các bác sĩ là những người vừa dũng cảm vừa cẩn thận, ở nhà anh có cất giữ một chai rượu an toàn, chúng tôi không tiếc thời gian để quay về lấy nó. Nhưng ý người không qua được ý trời, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng rung lên, các bloggers của Blog Việt đang chờ sẵn ở một địa chỉ, chúng tôi có nhiệm vụ là đến đó để… uống bia. Tôi lang thang theo họ cho đến tối.
       Ngày Mười sắp kết thúc, tôi không muốn về chỗ trọ của vợ chồng Dũng sớm quá, nên tìm đến một quán cà phê bên bờ sông. Không gian không được yên tĩnh lắm, vì có trận bóng đá giữa Việt Nam và Singapor. Nhưng tâm hồn tôi đang rất yên tĩnh. Nhớ đến một người, tôi nhấc điện thoại lên. Đó là một cuộc gặp gỡ không hẹn trước…
       Sáng ngày Mười Một, chất ba lô quần áo lên xe, tôi chia tay vợ chồng Dũng. Tôi đã gặp đủ hết những người tên là Dũng mà tôi hẹn rồi. Chiều nay tôi sẽ trở về Thái Nguyên, nhưng trước khi về Thái thì tôi phải gặp chữ “Thái” đã.
       Chữ “Thái” nằm trong tên của anh Nguyễn Xuân Thái. Đó là một cái tên đẹp, tất nhiên. Nhưng đối với riêng tôi thì chữ “Thái” còn có nhiều ý nghĩa hơn nữa. Sự thật thì nếu không có đóng góp của anh Nguyễn Xuân Thái, tôi chưa thể hẹn gặp anh Phạm Trung Dũng. Nếu không có chữ “Thái”, quá nhiều chữ “Dũng” sẽ làm đời tôi gặp nguy hiểm.
       Cuộc hẹn tay ba đã thành ra tay năm. Anh Nguyễn Xuân Thái đến một mình, tôi đi cùng bạn, anh Phạm Trung Dũng rước theo phu nhân. Cả năm chúng tôi đều ưa chuộng nhau, liên quan đến nhau theo một cách nào đó. Chuyện này cũng chỉ có Trời mới hiểu được, con người thì cần thêm nhiều thời gian. Anh Xuân Thái trẻ hơn tuổi rất nhiều, nhẹ nhõm và tươi tắn như cái tên của anh. Phu nhân của anh Trung Dũng có nụ cười đẹp và nồng ấm. Người bạn của tôi thì trẻ trung và ngây thơ. Câu chuyện giữa chúng tôi không định trước chủ đề nên không ai đi lạc. Nhưng khi hai vợ chồng anh Trung Dũng ở đó, câu chuyện chủ yếu xoay quanh vấn đề sức khỏe, vì anh Trung Dũng vừa đón vợ kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện về. Sau khi vợ chồng họ đi khỏi, còn lại ba anh em chúng tôi, câu chuyện chuyển từ sức khỏe sang kinh doanh, từ kinh doanh sang phong thủy và từ phong thủy sang thơ… Anh Xuân Thái là một diễn giả nhiệt tình, còn người bạn tôi thì thật thà. Cô thốt lên:
       - Từ nãy những gì anh nói em không hiểu gì cả…- Đầu óc cô đã ù đặc.
       - Các em có biết anh định nghĩa thơ như thế nào không? – Anh Xuân Thái mỉm cười duyên dáng.
       - Em biết, em đã đọc thấy câu đó trong blog của anh – Tôi mừng rỡ vì trí nhớ của tôi chưa bay hết.
       - Thơ là bầu trời bỗng tối sầm lại vì đàn vịt trời di cư – Anh Xuân Thái đọc câu này một cách vô cùng diễn cảm.
       Tôi cười nhìn sang cô bạn có lẽ đang chóng mặt:
       - Tối sầm hết cả rồi thì không thể hiểu được gì nữa đâu.
       Thế là chúng tôi tính chuyện đi ăn. Chúng tôi chuyển từ quán cà phê sang quán phở, từ quán phở sang quán trà, hết hơn nửa ngày rồi mới chia tay nhau khi vẫn còn quyến luyến. Ấn tượng mà anh Nguyễn Xuân Thái để lại cho người bạn tôi rất đẹp. Sau này cô nhắc đi nhắc lại: “Thật là một người sâu sắc!”
       Tôi cùng người bạn lên Bờ Hồ, tới phố Đinh Lễ để mua cuốn sách “Đi tìm thời gian đã mất”. Tôi muốn đọc cuốn sách này vì giống như nhiều người, tôi có tính hiếu kỳ. Nghe nói có tới bốn dịch giả lão thành chung tay để dịch tiểu thuyết, trong khi họ không hy vọng có nhiều người đọc nó, bởi vì sách của Marcel Proust chưa bao giờ có nhiều người đọc, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi không quan tâm đến chuyện những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đó đi về phương nào để tìm thời gian đã mất. Tìm đường không còn là việc của tôi. Tôi chỉ còn việc lên đường. Với dũng khí mà Thượng Đế ban tặng, tôi có thể chấp nhận tổn thương đến từ những chiếc gai để đổi lấy đóa hoa thơm ngát cho tâm hồn.
       Chiều ấy tôi chưa về Thái Nguyên như đã định. Hà Nội đã mở ra trước tôi một rừng tai-ga huyền bí. Thượng Đế vẫy gọi tôi. Có người tìm đường và tôi cần mở ra cho họ một cánh cửa. Việc này không dễ, nhưng hay hơn tất cả những cuốn tiểu thuyết trên đời cộng lại. Mỗi khi tôi mở cửa cho một người nào đó, Thượng Đế lại mở thêm một cánh cửa cho tôi, cứ như thế cuộc đời tôi thay đổi. Tôi sẽ không quên ngày Mười Một tháng Mười Hai năm Mười Ba. Đó là ngày tôi mở cửa đón một thiên thần và cuốn tiểu thuyết cuộc đời tôi sang trang mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét