Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Từ điển Nguyễn Lân và câu chuyện về sự vô lễ - I

       I - BẨY ĐIỀU NHẦM LẪN CỦA BÀ VÒM TRỜI RIÊNG

       Thưa bà Vòm Trời Riêng!
       Theo quan sát của tôi, chất lượng những cuốn từ điển của tác giả Nguyễn Lân ra sao là một vấn đề đã ngã ngũ, bàn luận thêm về nó chỉ là chuyện dư thừa. Còn tại sao cuốn sách phê bình từ điển Nguyễn Lân của tác giả Hoàng Tuấn Công mới ra lại gây sốt trong dư luận và nhận được sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có tôi, cũng không là vấn đề phải cần đến tôi để làm sáng tỏ.
       Tôi vốn không có ý định viết bài nào xoay quanh đề tài này, nhưng tôi không thể coi thường bà, sự nhầm lẫn của bà làm tôi phải suy ngẫm. Có lẽ chính vì những chuyện như thế đã bị bỏ qua không được làm rõ, bị né tránh vì thói ngại va chạm của người Việt, nên những người đã nhầm lẫn vẫn cứ nhầm lẫn mãi vì không có ai kiên nhẫn giúp họ nhận ra là mình đã nhầm cả.
       Ông Tín Nhiệm, một blogger ở Blog Tiếng Việt (BTV), đã muốn làm người kiên nhẫn giúp ông Nguyễn Lân Dũng thoát khỏi sai lầm trong thái độ với ông Hoàng Tuấn Công. Như nhiều người đã biết, ông Nguyễn Lân Dũng là một trong những người con của ông Nguyễn Lân, cũng là một blogger lâu năm ở BTV. Ông Nguyễn Lân Dũng được nhiều người biết đến cũng một phần do ông xuất hiện nhiều trên truyền thông với tư cách một nhà khoa học, không phải ngẫu nhiên mà ông tự nhận mình là “người của công chúng”. Khi một người là người của công chúng, nhất cử nhất động của người ấy đều có thể được công chúng quan tâm phân tích mổ xẻ, vì hình ảnh của người ấy ảnh hưởng đến xã hội nhiều hơn những người khác, đặc biệt khi người ấy lại là một nhà giáo như ông Nguyễn Lân Dũng.
       Việc ông Tín Nhiệm đăng “thư ngỏ” gửi ông Nguyễn Lân Dũng là một việc bất đắc dĩ, vì theo như ông trình bày, nội dung thư ấy đã được ông gửi qua email cho ông Nguyễn Lân Dũng để đáp lại thư của ông Nguyễn Lân Dũng gửi đến cá nhân ông Tín Nhiệm sau khi ông Tín Nhiệm đăng trên blog một bài viết giới thiệu sách của ông Hoàng Tuấn Công trong tinh thần ủng hộ công trình ấy (“Đọc "Phê Bình từ điển của GS Nguyễn Lân"- Hậu Sinh Khả Úy”). Ngoài đường link những bài viết có ý phản đối tác phẩm “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, trong email ông Nguyễn Lân Dũng gửi ông Tín Nhiệm có một đoạn viết như sau:
       “Tôi không thạo về ngôn ngữ nên không dám bình luận gì về học thuật.
       Nhưng thái độ của HTC tôi không chấp nhận được. Ví dụ bảo cụ Lân không biết chữ Hán thì thật quá đáng, Cụ rất giỏi chữ Hán và thuộc thế hệ Hán học.
       Trước đây anh Nguyễn Khải nói với tôi, khi viết văn mình luôn để sách Từ điển của bố Dũng ngay bên cạnh (!)
       Ngôn ngữ mỗi thời mỗi khác. Phê bình chung ba cuốn ở ba thể loại khác nhau thì là không khoa học.”
       Như vậy, có thể hiểu rằng ông Nguyễn Lân Dũng gửi email cho ông Tín Nhiệm nhằm bày tỏ sự phản đối ông Hoàng Tuấn Công, và xem như cũng gián tiếp phản đối bài viết giới thiệu sách Hoàng Tuấn Công trước đó của ông Tín Nhiệm. Việc ông Tín Nhiệm viết email phản hồi để bày tỏ rõ quan điểm của mình với ông Nguyễn Lân Dũng là đương nhiên như một người xử lý vấn đề rốt ráo cần phải thế. Nhưng ông Tín Nhiệm sau vài ngày không nhận được phản hồi nào từ ông Nguyễn Lân Dũng để có thể biết rằng thư của ông có được đọc hay không, ông đã chọn cách đăng công khai trên blog cá nhân.
       Bài viết trên blog “Nhiều Thứ Quý Hơn Vàng” của ông Tín Nhiệm với tiêu đề “Vụ phê bình từ điển của GS Nguyễn Lân-Thưngỏ gửi anh Lân Dũng” nhận được sự quan tâm rất lớn trong cộng đồng mạng. Nó được chia sẻ nhiều trên Facebook, đặc biệt được chia sẻ đường link trên Facebook cá nhân của nhà văn Nguyễn Quang Lậpmột nhân vật đặc biệt có sức mạnh truyền thông, kèm theo vài lời giới thiệu của nhà văn này. Nó cũng được đăng ở nhiều trang mạng khác. Riêng số lượt xem bài viết này tại BTV tăng đột biến, có tới vài chục nghìn lượt (đến thời điểm hiện tại là trên 64 nghìn lượt) trong khi các bài viết khác của ông Tín Nhiệm cao lắm cũng chỉ có vài nghìn lượt xem. Và từ đây dẫn đến sự nhầm lẫn của bà, và có thể không chỉ riêng bà mà còn cả một số blogger khác trong BTV. 
        Thưa bà Vòm Trời Riêng! Việc một người nhầm lẫn là chuyện nhỏ, nhưng bà nhầm lẫn nhiều vấn đề và cách bà đưa chuyện làm cho câu chuyện trở thành rối beng. Các nhà báo, nhà văn xuất hiện ở trang của bà để xác nhận là họ nghe chuyện, nhưng không ai góp lời giải thích rõ ràng cho bà hiểu là bà nhầm cả. Theo tôi thì có ba khả năng: Khả năng thứ nhất là họ không hiểu bà đang nói chuyện gì (nhưng không thừa nhận là họ không hiểu). Khả năng thứ hai là họ cũng hiểu giống như bà nên hoàn toàn đồng tình với bà. Khả năng thứ ba là họ rất sợ làm bà giận, sợ làm bà bị tổn thương và dẫn đến bà gây tổn thương ngược lại cho họ, bởi vì bà là một nhà “tình phiệt” ở BTV.
       Mong bà thông cảm cho tôi vì đã dùng một từ kỳ cục lạ tai mà chính tôi cũng chưa từng đọc thấy bao giờ, nhưng tình huống mà tôi đang quan sát đây quả là kỳ cục. Nhân chuyện người ta nhắc tới từ “học phiệt” trong vụ từ điển Nguyễn Lân nên tôi bắt chước để tạo ra từ “tình phiệt” với nghĩa như sau: “Tình phiệt” là hạng người bị chữ tình đè nặng, tự cho mình là kẻ từ ái có lòng yêu thương tha thiết hơn người, dùng “tình” để lôi kéo sự ủng hộ, đàn áp tư tưởng tình cảm những kẻ trái ý, nhằm gây ảnh hưởng trong cộng đồng để thu được… nhiều “tình” hơn.
       Tôi khó tránh khỏi cho rằng vụ từ điển Nguyễn Lân vốn rất dễ thống nhất về mặt học thuật nhưng lại được xử lý theo cách rối beng chính là vì có những nhà “tình phiệt” như bà tham gia.
       Hãy xem bà đã nhầm lẫn ở những điểm nào.

       Thứ nhất: Bà cho rằng việc chia sẻ “thư ngỏ” của ông Tín Nhiệm lên Facebook và các trang mạng khác là “điều kinh hoàng và ghê tởm”, là hành động của “kẻ hèn giấu mặt” ở BTV.
       
       Tôi rất kinh hoàng trước phê phán này của bà. Thưa bà, “share” trực tiếp lên Facebook là chức năng của một nút mới có từ mấy năm gần đây của BTV, nó minh bạch công khai và tất nhiên không phải là của một “kẻ hèn giấu mặt” nào đó có thể tùy tiện gắn vào. Khi một blogger đã đăng bài ở chế độ công khai thì mặc nhiên đã phải sẵn sàng chấp nhận việc người đọc có thể chia sẻ đường link bài viết đến các mạng khác trên internet, cho dù là có nút “share” trực tiếp hay không, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung bài của mình. Cụ thể là “thư ngỏ” của ông Tín Nhiệm đã có trên một trăm hoặc ít hơn thì vài chục người chia sẻ trực tiếp lên Facebook bằng nút “share” của BTV.
       (Tại sao tôi không thể đưa ra con số chính xác? Vì nút “share” của BTV hiện tại mặc dù dùng được, nhưng mỗi khi ta “share” thì nó không hiện lên một lượt ở nút “share” mà lại hiện lên ở nút “like”, thành ra trong một trăm mấy chục lượt “like” kia thì tôi không biết trong đó có bao nhiêu lượt là “share”. Nếu người đọc không “share” thẳng từ BTV mà lại “share” link từ trên Facebook thì các nút “share” hay “like” của BTV đều không  thống kê, tức là không tính lượt nào hết. Thí dụ có trên hai trăm lượt “share” link này từ Facebook của nhà văn Nguyễn Quang Lập thì đều không được tính vào lượt “like” hay “share” ở các nút của BTV. Chưa kể đến các trang mạng khác cóp dán đường link.)
       Thưa bà Vòm Trời Riêng, BTV hoàn toàn không phải là một hội kín để cho ai đó có cơ hội phản bội bằng cách chia sẻ các bài viết ra ngoài. Nếu bà “ghê tởm dạng người này vô cùng” thì kẻ mà bà ghê tởm chính là admin của BTV.
       Nếu không phải bà thiếu hiểu biết đến nỗi thế thì tức là bà cố tình xỉa xói nhục mạ ông Tín Nhiệm, người chịu trách nhiệm về bài viết “Vụ phê bình từ điển của GS Nguyễn Lân-Thư ngỏ gửi anh Lân Dũng”. Mà điều này thì tôi không thể ủng hộ cũng như không thể bênh vực cho bà. Dù bà thích hay không thích thì quyền bày tỏ ý kiến của ông Tín Nhiệm hay bất kỳ ai cũng đều cần được tôn trọng. Như tôi thấy, ông Tín Nhiệm đã trình bày ý kiến của mình một cách đàng hoàng công khai cũng như luôn dùng những từ ngữ ôn hòa đúng mực, không hề xúc phạm ai.
       
       Thứ hai: Bà cho rằng thông tin về nghề nghiệp của ông Tín Nhiệm mà ông Nguyễn Quang Lập biết được thì phải do những kẻ đưa tin với động cơ mờ ám, những kẻ “không nghĩa khí và đầy thủ đoạn tinh vi”.

       Thưa bà, tuy rằng tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Tín Nhiệm dù là ngoài đời hay trên mạng về nghề nghiệp của ông ấy, nên không biết ông Nguyễn Quang Lập đưa tin rằng ông Tín Nhiệm là “nhà kinh doanh vàng” thì chính xác ở mức độ nào, nhưng nếu tôi tìm hiểu qua blog của ông Tín Nhiệm thì tôi cũng kết luận giống như ông Nguyễn Quang Lập mà thôi. Các bài viết trong blog của ông Tín Nhiệm được sắp xếp theo chuyên mục rất ngăn nắp, chỉ vừa nhìn đã có thể thấy ngay chuyên mục “Hiều về vàng” có 4 bài viết, và chỉ cần đọc lướt những bài này là đủ đưa ra kết luận rằng người viết có nghề kinh doanh vàng. Chính BTV đã cung cấp “thủ đoạn tinh vi” này cho các blogger và người đọc, chỉ là bà không chịu sử dụng mà thôi.
       
       Thứ ba: Bà cho rằng việc link bài viết của ông Tín Nhiệm được chia sẻ trên Facebook của ông Nguyễn Quang Lập mà lại có hình ông nhà báo Nguyễn Chu Nhạc của đài VOV thể hiện một động cơ làm bà “ghê sợ”.

       Thưa bà, tôi e ngại rằng admin của BTV sẽ rất buồn khi nghe điều đó, bởi cái lỗi “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi hiển thị ảnh trên link là lỗi của BTV, mà BTV vẫn còn nhiều lỗi kỹ thuật chưa khắc phục được chứ không phải riêng lỗi này. Tôi cũng buồn rầu thông báo với bà rằng khi tôi thử “share” bài viết “Gửi những người tôi yêu mến nơi này” của bà lên Facebook lần đầu, cái bài mà tôi cho rằng nội dung entry và comment của bà đã xúc phạm ông Tín Nhiệm, thì trên link hiện ra hình một mụ phù thủy có hai mặt với đôi tay móng vuốt đáng sợ. Không biết do “âm mưu” của ai bày ra mà blogger duy nhất trong danh sách “blog kết nghĩa” của bà lại lấy cái hình ấy làm avatar. Vì nghĩ đến tâm trạng của bà rất hay bị ảnh hưởng thất thường bởi những tình tiết kiểu như thế, nên khi gõ đến những dòng này tôi đã thử lại và mừng thay, không còn thấy mụ phù thủy nữa mà thấy hình bông sen, là avatar của ông Tín Nhiệm, người đầu tiên viết comment cho bài viết ấy của bà.
       
       Thứ tư: Bà có ý nghi ngờ rằng số lượt xem vượt trội ở bài viết của ông Tín Nhiệm là kết quả của chiêu trò mờ ám nhằm đánh bóng tên tuổi của ông Tín Nhiệm.

       Thưa bà, tôi nghĩ lần sau bà nên thận trọng hơn khi phát biểu về những vấn đề mà bà không có kinh nghiệm, kẻo người ta không chịu tin rằng bà thật sự ngây thơ đến thế mà cho rằng bà cố ý bôi xấu người khác.
       Với hiệu ứng lan tỏa của các trang mạng xã hội và đặc biệt là Facebook thì việc “thư ngỏ” của ông Tín Nhiệm có số lượt xem tăng rất cao so với những bài viết khác cùng blog là một chuyện hợp lý. Cũng không ai chỉ vì có một bài viết được đọc nhiều mà từ đấy trở thành có ảnh hưởng hơn trên mạng xã hội. Ông Tín Nhiệm cũng chẳng thể vì thế mà bán được nhiều vàng hơn nếu như ông ấy đang kinh doanh vàng. Tôi vào mạng BTV và biết trang của ông Tín Nhiệm cũng 4 năm rồi, đủ để biết ông ấy là người chừng mực, không thích tham gia những chuyện thị phi.
       Người ta đánh giá cao bài viết của ông Tín Nhiệm vì đó là những lời thẳng thắn của một người mà họ tin rằng có quan hệ thân thiết với ông Nguyễn Lân Dũng, trong khi những người khác đã chọn im lặng không lên tiếng hoặc nếu lên tiếng thì lại là để phản đối ông Hoàng Tuấn Công.
       
       Thứ năm: Bà cho rằng linh hồn ông Nguyễn Lân phải “ngậm hờn không giải oan được”.

       Thưa bà, nếu những người bị ông Nguyễn Lân chửi mắng oan mà giận hờn ông ấy thì nghe còn có lý, chứ ông Nguyễn Lân khi còn sống đã từng bị oan bao giờ đâu. Ông ấy được gọi là “nhà giáo nhân dân”, được giải thưởng này nọ. Sau khi ông ấy chết rồi thì tên ông ấy lại được đặt làm tên cho một con đường ở thủ đô nữa. Tôi chưa đọc thấy tài liệu nào nói ông Nguyễn Lân phải chịu oan uổng khi nào cả, chỉ thấy nói ông ấy tham gia vào việc gây oan trái cho kẻ khác thôi.
       
       Thứ sáu: Bà tự cho rằng mình là người ngay thẳng, “việc nào ra việc đó”.

       Thưa bà, nếu quả thật bà biết phân biệt rạch ròi như vậy thì đáng lẽ việc bà cầu cúng cho hồn ông Nguyễn Lân bà cứ giữ kín cho riêng bản thân bà, sao lại đem tuyên bố trên blog như thể làm gương cho người đời phải noi theo? Không những thế, bà như còn tranh thủ làm một cuộc “hòa hợp hòa giải dân tộc” khi cùng lúc kể ra chuyện ông cha bà không cùng phe cộng sản, nào thì “thông ngôn cho Pháp” nào thì “tay sai của Mỹ”, nhưng nay bà cầu cúng cho ông Nguyễn Lân (là người của phe cộng sản) trong khi lẽ ra bà phải “hả hê”.
       Toàn những chuyện ôm đồm nhập nhằng. Người ta khó tránh khỏi nghĩ rằng bà cố tình đem cái đạo đức sáng ngời của bà ra để so bì với “bầy đàn đánh hôi và kẻ nội gián hèn hạ”, những kẻ bà luôn miệng tỏ ra khinh bỉ nhưng không nói thẳng ra là ai. Bà úp úp mở mở rằng bà chửi thẳng “kẻ hèn nội gián” đó là tôi, blogger Ái Nữ.
       Thưa bà, bà đang diễn một vở kịch hài hước. Cách đây hơn 4 năm khi tôi mới đến BTV, bà đã cho rằng tôi “ăn gian”, tôi “chơi không đẹp” khi giấu tên tuổi, tôi chỉ là “vô hình trong vũ trụ”. Từ đó đến nay đã có nhiều blogger gặp tôi ngoài đời, riêng ông Nguyễn Lân Dũng cũng đã gặp tôi mấy lần, nhưng tôi chưa nghe ai nói được gặp bà, khi tôi vào Sài Gòn có hẹn gặp bà thì bà luôn từ chối vì bận. Bà vẫn nấp trong “vòm trời riêng” để chửi đổng cả vũ trụ, rồi bịa ra những “kẻ nội gián” mà không biết nội gián trong vòm trời nào.
       Vâng thưa nhà “tình phiệt” Vòm Trời Riêng, cả BTV này có lẽ không ai là không sợ bà, bởi bà có cái miếng võ lợi hại là thổn thức khóc hờn như gánh cả trời tức tối, “buồn cho mình tức cho người”. Vì thế khi bà cư xử vô lễ với ông Tín Nhiệm cũng không ai dám phân tích cho bà điều hơn lẽ thiệt. Bà Phan Lan Hoa (O Ví) thì tôi không kể vì bà ấy cũng ở tình thế tương tự như tôi, là đối tượng để bà tấn công cùng lúc với tấn công cá nhân ông Tín Nhiệm. Bà đúng là người đáng sợ và quả thực tôi không dám coi thường bà, nên phải kiễn nhẫn viết bài này để phân tích về sự vô lễ qua câu chuyện phê bình từ điển Nguyễn Lân.
       
       Điều nhầm lẫn thứ bẩy của bà Vòm Trời Riêng cũng là nhầm lẫn của  nhiều người và có tính phổ biến, đó là về sự vô lễ. Vì sự nhầm lẫn này mà bà Vòm Trời Riêng so sánh những người ủng hộ Hoàng Tuấn Công với “bầy sói nhảy múa trên nấm mồ người đã khuất”.

       Tôi sẽ phân tích điều đó ở phần II của bài viết này.
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét