Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Từ điển Nguyễn Lân và câu chuyện về sự vô lễ - II

II – ĐIỀU NHẦM LẪN THỨ BẨY – SỰ VÔ LỄ

       Thưa quý vị!
       Ai cũng có lúc trải qua nhầm lẫn, không điều nọ thì điều kia. Nếu muốn thì tự mỗi người trong chúng ta cũng có thể liệt kê ra cho mình những điều nhầm lẫn từng mắc phải trong đời mà không phải khi nào cũng dễ xác định hậu quả của chúng nghiêm trọng đến đâu.
       Khi tôi đăng phần I của bài viết này, có người đọc đã nghĩ rằng tôi chỉ mượn chuyện bà Vòm Trời Riêng để tiếp cận vấn đề. Họ đã nhầm lẫn. Tôi viết bài này với lý do trước tiên cũng là lý do quan trọng nhất, đó là để giữ lễ với bà Vòm Trời Riêng.
       Cho dù bà Vòm Trời Riêng có nhầm lẫn và phi lý đến đâu thì tôi cũng không thể phủ nhận là bà ấy đã bỏ thời gian và nhiệt tình để viết những lời bình luận, chất vấn và than thở. Cho dù tôi và nhiều người chỉ biết bà ấy qua một “nick name” đi chăng nữa, tôi vẫn chấp nhận rằng bà ấy là một nhân vật có thật, xuất hiện và giao lưu ở BTV, tự giới thiệu bản thân bà ấy là một nhà giáo, tức là vai trò trách nhiệm của bà ấy trong xã hội cũng tương tự như ông Nguyễn Lân và ông Nguyễn Lân Dũng. Bà ấy không phải một nhân vật vu vơ mà là người đã giao lưu với tôi trên blog suốt 4 năm qua. Tôi không bao giờ nói bà ấy là một “kẻ hèn nội gián”, mặc dù khi tôi nói tôi sẽ thực hiện bài viết này, có bạn đọc ngăn cản tôi vì cho rằng tôi đang bị bà Vòm Trời Riêng “giật dây”, rằng bà ấy đang mượn tay tôi để làm lớn chuyện về gia đình Nguyễn Lân. Những ai đang tưởng tượng ra những “âm mưu” có thể giữ lại những điều tưởng tượng đó cho riêng mình, nhưng họ không thể thuyết phục tôi rằng đó là câu chuyện nghiêm túc.
       Có một điều tôi không dám cho là bà Vòm Trời Riêng nhầm lẫn: Bà ấy nhắc đi nhắc lại rằng những chuyện ngoài học thuật trong vụ từ điển Nguyễn Lân là chuyện lớn, là chuyện nghiêm trọng. Bà ấy đòi hỏi tôi giữ lời hứa viết bài về chuyện đó, trong khi không chịu để tâm khi bà Phan Lan Hoa đưa ra link bài báo dẫn chứng về việc ông Nguyễn Lân cư xử “ngoài học thuật” như thế nào. Điều đáng nói là sau đó cũng có người ở BTV đưa ra với tôi thắc mắc về vụ phê bình từ điển Nguyễn Lân, mà điều họ thắc mắc cũng không phải vấn đề học thuật. Họ ngạc nhiên không hiểu sao nhiều người phê phán gia đình Nguyễn Lân nặng nề như thế, trong khi họ cảm thấy ông Nguyễn Lân Dũng thật là dễ mến dù chỉ qua một lần tiếp xúc, liệu còn những điều gì ẩn khuất nữa chăng? Tôi nghĩ là tôi hiểu được cảm nhận của họ. Tôi giống họ là có duyên quen biết với ông Nguyễn Lân Dũng qua giao lưu ở BTV, bản thân tôi gặp ông ấy ở ngoài đời không chỉ một lần, và lần nào thì ấn tượng của tôi về ông ấy cũng vẫn thế, không thay đổi: Một người dễ mến, dễ gần, nhẹ dạ, không thâm hiểm.
       Những người con khác của ông Nguyễn Lân thì tôi chưa từng có sự giao tiếp, tôi chỉ nhận thấy là gia đình họ có sự thống nhất trong phát biểu trước truyền thông mà ông Nguyễn Lân Dũng có thể được xem là đại diện chính. Theo cách nhìn của bà Vòm Trời Riêng thì ông Nguyễn Lân Dũng chỉ là một kẻ yếu đuối và kém cỏi khi chống đỡ với dư luận: “GS là người lành tính, gặp chuyện chỉ ấp a ấp úng “nhẫn tâm, nhẫn tâm”… Tôi sẵn sàng chấp nhận cách nhìn này vì tin là nhiều người cũng nhìn nhận theo chiều hướng ấy. Và theo đó, ông Nguyễn Lân Dũng cũng như gia đình Nguyễn Lân chủ yếu là nạn nhân.
       Nạn nhân của điều gì? Của triết lý giáo dục sai lầm.
       Nạn nhân của ai? Của những kẻ hèn chưa thể vượt lên khỏi cái triết lý giáo dục sai lầm ấy. Những kẻ hèn này vô cùng đông đảo trong xã hội chứ không phải là “nội gián” ở BTV như bà Vòm Trời Riêng nhầm tưởng. Có thể xếp tôi trong những kẻ hèn đó, vì tôi không thể phủ nhận là tôi vẫn chịu ảnh hưởng của sai lầm đã thành hệ thống này.
       Để quý vị khỏi lo ngại rằng tôi đã đề cập đến một vấn đề quá to lớn, tôi xin để cụm từ “triết lý giáo dục” trong ngoặc kép để tránh phải bàn về chuyện cái này có đúng thật là “triết lý” hay không khi mà người ta vẫn còn đang tranh cãi về việc nền giáo dục ở Việt Nam ngày nay có hay không hề có một triết lý.
       Cái “triết lý giáo dục” mà tôi nói đến vô cùng dễ nhìn thấy, vì nó được kẻ vẽ rất to rất rõ trong các trường học để làm khẩu hiệu đập vào mắt chúng ta: “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”.
       Dễ nhìn thấy, nhưng không chắc là dễ hiểu. Tôi hiểu câu “triết lý” trên như thế này: LỄ là điều kiện tiên quyết nên phải lấy nó làm nền tảng trước khi dung nạp VĂN.
       Nhưng “LỄ” là gì và “VĂN” là gì? Đến đây thì tôi thật sự hoang mang.
       Tất nhiên “VĂN” ở đây không phải là… môn văn, bởi vì không hề có “môn lễ” trong thời khóa biểu của học sinh phổ thông. Theo thứ tự trong câu khẩu hiệu, trước tiên cần hiểu “LỄ” là gì.
       Nói đến “lễ”, lập tức các từ quen thuộc xuất hiện trong đầu tôi là: lễ phép, lễ độ, lễ nghi, hành lễ, thi lễ… Từ “lễ nghĩa” tuy nghe quen tai nhưng khó hiểu và tôi cảm thấy rất khó phân tích, có lẽ nó là một từ làm đệm để từ đó gán cái nghĩa “đạo đức” vào cho từ “lễ” nhưng không thành công. Dù là “lễ” trong “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” của Khổng Tử thì “lễ” cũng không phải là đạo đức, bởi vì “nhân” và “nghĩa” đều nằm ngoài “lễ”. Tôi chỉ có thể hiểu “lễ” là hình thức cư xử hoặc nghi thức, nghi lễ. “LỄ” là hình thức.
       “Văn” trong câu khẩu hiệu là nội dung kiến thức mà học sinh cần học hỏi: các kỹ năng sống, các môn khoa học tự nhiên và xã hội, đạo đức cần tu dưỡng… “VĂN” là nội dung.
       Theo logic thực tế thì từ nội dung những hiểu biết về con người, tự nhiên và xã hội mà chúng ta mới quyết định hình thức cư xử cho phù hợp. Nhưng ở đây mọi chuyện đã bị đảo lộn.
       Lấy hình thức làm nền tảng và từ đó xây dựng nội dung cho phù hợp với hình thức. Đó chính là ý nghĩa của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” khi nó được đưa vào làm phương châm giáo dục trong nhà trường.
       Cách giải nghĩa của tôi có thể không làm hài lòng quý vị, nhưng tôi không làm sao mà hiểu khác đi được. Muốn cẩn thận hơn, tôi đã google để xem những cách hiểu đã từng có hiện nay cho câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chỉ có hai kết quả đáng chú ý:
       Kết quả thứ nhất: Cách hiểu đang được tuyên truyền phổ biến mà đại diện tiêu biểu là bài văn mẫu “Giải thích câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trang thuvienvanmau.com. Xin trích đoạn quan trọng nhất:
       “Vế thứ nhất của câu tục ngữ là “Tiên học lễ”. Tiên chính là đầu tiên, là trước hết. Lễ chính là nghi lễ, là lễ phép hay chính là đối nhân xử thế với những người và những việc xung quanh. Ý nghĩa của vế thứ nhất muốn khuyên răn chúng ta điều trước tiên cần phải học tập và trau dồi lễ nghĩa, cách ứng xử đối với người khác làm sao cho đúng mực, cho được lòng và cho phù hợp với thuần phong mĩ tục của xã hội.
       Vế thứ hai là “hậu học văn”. Hậu chính là sau, văn chính là các môn học văn hóa, các kiến thức mà chúng ta học được từ bên ngoài xã hội. Như vậy vế này muốn nói rằng sau khi đã học được lễ phép thì hãy bắt đầu học các kiến thức văn hóa, trau dồi và rèn luyện kiến thức của mình khi đã biết cách ứng xử với những người xung quanh.
       Như vậy, ý nghĩa của cả câu nói chính là khuyên chúng ta nên học cách ứng xử, đối nhân xử thế với người khác trước; rồi sau đó mới bàn đến vấn đề học hỏi những kiến thức văn hóa.”
       Theo cách giải thích như trong đoạn văn trên thì “lễ” là thứ đứng ngoài văn hóa, không liên quan gì đến văn hóa cả.
       Cần thực hành thứ lễ “vô văn hóa” đó để “cho được lòng và cho phù hợp với thuần phong mĩ tục của xã hội”?
       Kết quả thứ hai: Một bài trên báo Giáo Dục Việt Nam của thạc sĩ Đỗ Thanh Vân đăng cách đây hơn một năm, có tiêu đề là “Có nên để khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” trong nhà trường nữa không?”
       Không giải nghĩa câu khẩu hiệu một cách thẳng băng như tôi, thạc sĩ Đỗ Thanh Vân đưa ý kiến rằng cần xem xét có nên tiếp tục để khẩu hiệu đó trong nhà trường nữa hay không, vì khó có thể thống nhất được cách hiểu. Tôi nghĩ đó là bài viết đáng tham khảo, trong đó phân tích khá kỹ về chữ “lễ” rắc rối.
       Đó là đề tài tranh luận chưa đi đến hồi kết. Đọc lướt qua các ý kiến bình luận thì tôi thấy phần đông mọi người không đồng ý bỏ câu khẩu hiệu tréo ngoe kia. Nhận định này của tôi được củng cố bởi kết quả thăm dò trong bài báo vào thời điểm hiện tại: 
       Nên tiếp tục để khẩu hiệu: 53,87%.
       Không nên: 38,92%.
       Tùy trường hợp cụ thể: 7,22%.

Ảnh chụp kết quả bầu chọn vào ngày 23-10-2017

       Một điều rất đáng chú ý là thông tin của tòa soạn ở phần mào đầu giới thiệu bài báo của Đỗ Thanh Vân:
       “Từ năm 1973, giáo sư Nguyễn Lân, trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật, đã nêu lên: “Có nên vận dụng phương châm: “Tiên học lễ, hậu học văn” trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?”.
       Sau năm 1975, khẩu hiệu đó đã được kẻ ở hầu hết các trường phổ thông trong cả nước.” 
       Thì ra ông Nguyễn Lân chính là người đóng vai trò lớn trong việc đưa cái thứ triết lý lộn ngược ấy vào nền giáo dục “hiện đại” của nước nhà.  
       Thứ triết lý đòi bắt người ta “đẽo chân cho vừa giày” ấy, tiếc thay, đã được thể hiện trong thực tế đời sống văn hóa của người Việt Nam.
       Cái thứ lễ cho phù hợp với “thuần phong mỹ tục” của người Việt Nam chủ yếu là để bày tỏ sự tôn kính với người trên hoặc thực hiện các nghi lễ tâm linh tôn giáo, tín ngưỡng. “Người trên” là những ai? Theo kinh nghiệm quan sát của tôi thì trong xã hội người Việt, “người trên” thường là những đối tượng sau đây:
       . Người lớn tuổi hơn mình.
       . Người có vai vế trên mình trong dòng họ.
       . Người có quyền chức, danh vị, học vị cao hơn mình trong xã hội.
       . Người đã… “quy tiên”.
       Tại sao những người đó lại là “người trên” và tại sao chúng ta lại phải tôn kính họ? Cái đó thuộc về “VĂN” nên không cần biết vội, cứ biết hành “LỄ” để sao “cho được lòng và cho phù hợp với thuần phong mĩ tục của xã hội” trước đã, từ đó sẽ xây dựng lý do cho phù hợp, nếu cần thì… bịa ra cũng được.
       Tôi thấy thực tế xã hội nó như vậy chứ không tùy tiện bịa ra. Hẳn quý vị còn nhớ cách đây chưa lâu, một giáo viên đã bị kỷ luật và phạt tiền vì nhận xét một ông quan tỉnh là có “cái mặt kênh kiệu”. Ngay trong tháng này thôi, dư luận lại rộn lên vì một bác sĩ bị kỷ luật và phạt tiền chỉ vì đưa ý kiến trên Facebook là bà Bộ trưởng Bộ Y Tế nên từ chức cho người khác làm thay. Hai trường hợp trên đều gây tranh cãi trong dư luận. Dù bà giáo và ông bác sĩ kia được nhiều người trên mạng xã hội lên tiếng bênh vực nhưng có lẽ cũng chỉ như “ném đá ao bèo”, ở ngoài đời những “người trên” kia vẫn là người trên và những “kẻ dưới” kia vẫn bị xem là vô lễ. Cũng trong năm nay, có đại biểu quốc hội đã đề nghị đưa tội bôi nhọ lãnh đạo cấp cao vào luật hình sự, và có ông quan Sở Tư Pháp nghị thêm nội dung cấm bôi nhọ lãnh tụ vào luật.
       Tại sao lãnh tụ hay lãnh đạo cấp cao lại là “người trên”? Về mặt nhân bản thì họ “trên” người khác ở chỗ nào? Nếu không phải là tôn kính con người thì chẳng lẽ lại tôn kính cái “ghế”? “VĂN” đã bị “LỄ” chà đạp một cách thảm thương.
       Tại sao những kẻ đã “quy tiên” mà không ở trong dòng họ mình lại có thể là “người trên”? Thú thật là tôi… không biết. Tôi thấy bà Vòm Trời Riêng nổi giận, ra sức bảo vệ “người đã khuất” là ông Nguyễn Lân mà tôi không biết lý do vì sao, trong khi không hề có ai phá mồ của ông ấy cả. Không chỉ bà ấy, mà tôi thấy ông tiến sĩ Lã Trọng Long cũng hành động tương tự khi viết bài “Góp ý về cuốn sách "bắt lỗi" Nhà giáo Nguyễn Lân: Nên lễ độ với người đã khuất”
        Phê bình trước tác của những tác giả quá cố là một việc vốn dĩ bình thường, do những người đang sống trao đổi với nhau chứ không phải là đối thoại với người đã khuất. Nếu ông Lã Trọng Long trao đổi với ông Hoàng Tuấn Công thì hai ông ấy chỉ cần lễ độ với nhau thôi, chứ sao bỗng dưng lại lôi một ông “đã khuất” vào đấy để đòi ông Hoàng Tuấn Công phải giữ lễ độ? Tôi cứ tưởng những chuyện hồ đồ như thế không thể có trong giới học thuật.
       Theo tôi, cái triết lý hồ đồ “Tiên học lễ, hậu học văn” đó cần được vứt vào sọt rác, kẻo người ta cứ chăm chăm mù quáng lo giữ cái LỄ hình thức mà không quan tâm nguồn gốc nền tảng đạo lý ở đâu, dẫn đến tình huống bản thân mình VÔ LỄ nhưng lại tưởng đó là lỗi của kẻ khác.
       Với tôi thì giữ lễ không có nghĩa là ca tụng, tâng bốc hay cố nói với nhau những lời êm tai, mà là đáp lại nhau những điều thiết thực với thiện chí xây dựng trên tinh thần tôn trọng và cầu thị.
       Bà Vòm Trời Riêng không phải là “người trên” của tôi, giữa chúng tôi cũng chưa có sự thống nhất về chuyện cư xử thế nào là đúng mực. Sự giữ lễ của tôi với bà ấy không dừng lại ở phép lịch sự xã giao. Dù gì thì chúng tôi cũng đã có duyên gặp nhau ở BTV, quá trình giao lưu trải qua bốn năm trời. Bà ấy muốn tôi viết về những chuyện “ngoài học thuật” trong vụ từ điển Nguyễn Lân, tôi không có lý do để từ chối vì thấy đây đúng là điều mà nhiều người vẫn còn đang quan tâm, do chưa đủ những phân tích thỏa đáng. Bản thân tôi cũng cho đây là chuyện phức tạp mà từ góc nhìn của mình may ra tôi cũng chỉ đóng góp được một phần nhỏ thôi.
       Gia đình Nguyễn Lân đã nhầm lẫn thế nào về sự VÔ LỄ? Phân tích điều đó qua vụ từ điển Nguyễn Lân là nội dung phần III của bài viết.

1 nhận xét:

  1. Lễ như lớp vỏ bên ngoài bảo vệ Đạo và Đức. Cái lớp vỏ đó mỏng manh không vững chắc thì thì đạo và đức sẽ bị xâm hại, suy thoái. Đó là cách hành xử để giữ gìn đạo đức cá nhân và xã hội.
    Lễ là biểu hiện sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn(Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ- Lão Tử).
    GS Nguyễn Lân đã thấy trước được sự suy thoái đạo đức xã hội đó chứ ( chắc ông dã nhìn thấy rõ cái giáo dục của miền bắc trong 50 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng như Khổng Tử vậy)
    Lễ không chỉ là cách hành xử giữa người với người mà còn là giữa người và tự nhiên.
    Thị dĩ đại trượng phu xử kì hậu, bất cư kì bạc, xử kì thực, bất cư kì hoa.

    Cố khứ bỉ thủ thử.(Cho nên bậc đại trượng phu [người hiểu đạo] giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi, giữ đạo mà không dùng trí xảo, bỏ cái này mà giữ cái kia.- Lão Tử).
    Người đã không hiểu Đạo không "giữ trung hậu thành tín" được thì phải dùng "Lễ" để mà chỉnh đốn tựa như " sống và làm việc theo pháp luật" vậy.

    Trả lờiXóa