Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Tâm Kinh dùng để… ăn sáng

       Đáng lẽ tôi chưa định kể câu chuyện này, nhưng mấy ngày nay giao lưu với những người bạn vui tính trên facebook, chúng tôi có “buôn dưa lê” đôi chút về chuyện bản dịch Tâm Kinh của ông Thích Nhất Hạnh. Tôi không tìm hiểu kinh sách của Phật giáo, nhưng cũng buột miệng khoe rằng tôi có biết một công dụng của Bát Nhã Tâm Kinh, đó là người ta dùng nó để ăn sáng. Đã mất công lục lại kỷ niệm, tôi nghĩ biết đâu câu chuyện lại có ý nghĩa với ai đó, bởi vì ít nhất nó cũng có nhiều ý nghĩa với tôi.

       Cách đây gần chục năm, vào thời điểm mà sư thầy Thích Tâm Mẫn của chùa Hoằng Pháp đã rời điểm xuất phát đâu như chừng ba tháng trên đường Bắc tiến "nhất bộ nhất bái", tôi có kết giao với hai người bạn bên Phật giáo, họ thuộc thế hệ 8X. Đó là những thanh niên rất thú vị.

       Thanh niên thứ nhất (V) là một võ sư. V dạy võ miễn phí cho thanh thiếu niên ở sân đình gần nhà cậu ấy, ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh. V giỏi hơn nhiều võ sư dạy ở các trung tâm mà tôi từng biết. Cậu ấy làm nghề y, y lý vững vàng mà y thuật cũng tinh xảo, bắt mạch tốt hơn các thầy thuốc đông y trong bệnh viện của chúng tôi. V là một cư sĩ Phật giáo. Dường như V trăn trở về đường đạo từ lúc sinh ra. V tu tỉ mỉ mọi đường. Tính V kiên nhẫn mềm mỏng mà ý chí thì cương quyết. Giọng nói của V nhỏ nhẻ gần giống phụ nữ, lời nói thì văn vẻ thận trọng cầu kỳ, đến nỗi đôi khi tôi sốt ruột vì “ái ngữ” của cậu ấy.

       Thanh niên thứ hai (T), như tự nhận vốn là một kẻ… lêu lổng, sành sỏi ăn chơi. T bỏ nghề giáo viên ra ngoài kinh doanh điện thoại di động, việc bon chen với đời của T dường như dễ dàng vì cậu ấy rất nhanh thạo đời. Nhưng mọi chuyện không còn dễ dàng nữa từ khi T gặp V. Cậu ấy mê V hơn mê gái. Cuộc gặp gỡ của họ nghe rất “hài hước lãng mạn”. Với bản tính hiếu kỳ và hiếu thắng, “trẻ trâu” T tìm đến V gây sự, vì nói gì thì nói, T cũng ở ngay cùng xã với V, chỉ là làng trên xóm dưới, danh tiếng V có lẽ vang khắp vùng, T muốn kiểm chứng. Không rõ T gây gổ kiểu gì, chỉ nghe T kể rằng cậu ấy đã bị bắn ra cửa với một công lực mà voi cũng phải bay. Hừm cái thằng cha V, trông loẻo khoẻo như thế mà hắn làm thế nào được vậy nhỉ? Đấy, ở đời mà muốn kết bạn thú vị nhiều khi cứ phải đánh nhau, cách khác không nghiệm hay sao ấy. Nhưng T không mê võ của V mà mê… Phật pháp. Ôi quả thực lại có thứ mở mang trí tuệ được vậy chăng, không phải là huyền thoại? Rõ ràng V là kẻ trí tuệ nhất mà T từng gặp trong đời.


       Nhưng V không thể đủ cho T, bởi vì như T nói, V mới chỉ là bậc “tiểu giác ngộ” thôi. Kinh sách là một chuyện, cần phải được sự giúp đỡ của một người thầy lớn. T quyết chí đi tìm, và để tỏ rõ quyết tâm, cậu ấy cạo trọc đầu sẵn, tìm đến các chùa xin thụ giáo. Khi tôi gặp T thì cậu ấy đã chu du một chuyến dài trở về, không rõ đã qua bao nhiêu chùa và thiền viện. Cậu ấy than thở với tôi rằng trong chùa người ta có tu mà không có học, chẳng gặp được ai hơn bạn V của cậu ấy, ngang tầm như thế trong Nam ngoài Bắc mỗi nơi chỉ gặp được một người, còn lại toàn phí công cãi lộn “phá đám” lại trở ra. Tôi tin chuyện T kể, vì cậu ấy là kiểu người tinh như cú. Vừa gặp tôi và cô bạn tôi buổi đầu, T đã nhận xét điều khác biệt giữa chúng tôi: “Chị (là bạn tôi) khó bị lừa chuyện nhỏ nhưng dễ bị lừa chuyện lớn. Còn chị (là tôi), chuyện nhỏ dễ bị lừa mà chuyện lớn thì không”. Tôi và cô bạn nhìn nhau cười. Lúc ấy cô bạn tôi lo chuyện lớn còn tôi giúp cô ấy làm những chuyện nhỏ. T nhắc nhở cô bạn tôi chút kinh nghiệm về tình cảm nam nữ, đúng là cậu ấy rất sành.  Nếu gặp được người thầy lớn của cậu ấy, hẳn là T sẽ nhận ra ngay. Tôi tin thế.

       Với chuyện “tầm sư học đạo” của T, tôi gặp được ở V cái mỉm cười ý nhị. Cái đó V từng trải qua rồi, nhưng hình như không phải đi tìm các thầy chùa mà tìm các thầy võ, có vẻ kết quả chẳng khả quan hơn so với T.  V chẳng thể xa nhà nên chỉ loanh quanh làm việc ở gần, tự học rồi tự làm thầy. Hồi tôi gặp V thì cậu ấy đang nghiên cứu thực dưỡng, thuyết phục mọi người ăn cơm gạo lứt. Kết quả có nhưng chưa nhiều, không phải vì người ta không tin mà là… không ăn nổi. Tôi phải cảm ơn V đã nhắc lại chuyện gạo lứt. Lúc ấy tôi đang sống trong một làng nông thôn, lại có dịch vụ xát gạo ngay bên đối diện nên rất tiện, ăn cơm gạo lứt không hề là vấn đề khẩu vị đối với tôi, những thứ khác tôi vẫn ăn như cũ, tiện có gì thì ăn nấy. Khi tôi chuyển khỏi đó, tức là xa cái máy xát thì món cơm gạo lứt cũng xa tôi luôn. Ở nhà V thì sao? Mẹ V kiên nhẫn ăn được vài tháng rồi van V trở lại ăn cơm gạo trắng vì bà khó nuốt nổi, thôi thì bỏ bột cám kèm vào nồi cơm cũng được. Các thứ nước gạo rang và đậu rang cũng rất tốt. V chế các loại nước uống  có lợi cho sức khỏe, nhưng vẫn để sẵn trong tủ lạnh nước ngọt công nghiệp có ga để khách uống trong trường hợp khách không muốn uống thứ nước thực dưỡng quý giá của V. Một lần tôi đến chơi, V cho tôi xem hai chai nước, một thực dưỡng một công nghiệp, rồi giảng giải cho tôi cái tốt của đồ uống thực dưỡng và cái hại của đồ uống công nghiệp, sau đó cho tôi chọn một loại để V còn rót mời. Tôi vốn ghét nước ngọt công nghiệp, miễn lý do. Nhưng tôi còn bận ngơ ngác và nhất thời không biết phải đáp lại ra sao. Người ta mời gì thì uống nấy thôi, chứ tôi chưa ngờ tới tình huống này. Có lẽ V nghĩ V đã thất bại, nghĩ rằng mời tôi uống nước thực dưỡng là chuyện “ép duyên”. Tôi suy đoán thế vì thấy V rót nước ngọt có ga đặt trước mặt tôi. Tôi không nghĩ ngợi gì, cầm lấy uống luôn, “ghét của nào trời trao của nấy” mà. Thế là chúng tôi kết thúc được chuyện nước uống để chuyển sang đề tài khác.
       …

       Ấy dài dòng như thế để người đọc hiểu là tại sao tôi sẵn sàng nhịn cả bữa ăn trưa (tôi cũng không ăn sáng do dậy muộn), sau khi vừa đi công việc xa về vội vã đến gặp V và T cho kịp hẹn để cùng các cậu ấy đi chơi. Các cậu ấy rủ tôi đi Côn Sơn và Yên Tử liền một chuyến bằng xe máy. Chả bao giờ tôi muốn bỏ lỡ cơ hội vui chơi với những người bạn thú vị cả. Ba người chỉ cần hai xe nên tôi không cần cầm lái, coi như không hao tổn năng lượng trên đường nhựa. Chúng tôi qua Côn Sơn khá nhanh chóng, muốn đến núi Yên Tử trước khi trời tối. Kế hoạch là chúng tôi sẽ ngủ nhờ ở thiền viện Trúc Lâm rồi sáng hôm sau sẽ leo núi. Chúng tôi gặp trục trặc một chút là khi gần đến chân Yên Tử thì trời đổ mưa rào, nên phải vào một quán nước trú chân chờ mưa tạnh. V dọn ra thức ăn cậu ấy đã chuẩn bị sẵn từ nhà: Cơm nắm gạo lứt, thức ăn và nước thực dưỡng, có đủ cả đũa nữa. Nhìn từng thao thác cẩn thận và khéo léo của V, tôi thầm tưởng tượng đến sự “khó khăn” của vợ V sau này, vì tôi tin chắc là không người phụ nữ nào có thể vượt được V trong sự chu đáo tỉ mỉ. Lúc ấy V đã có người yêu, tình cảm của họ rất tốt đẹp.

       Thức ăn V làm phải nói là ngon, nhưng tôi ăn chậm nên chưa kịp ăn được bao nhiêu thì mưa tạnh, mà có vẻ nó sẽ không tạnh hẳn. Chúng tôi quyết định đi ngay để vượt trước cơn mưa tiếp theo cho kịp đến thiền viện Trúc Lâm kẻo muộn không kịp giờ sinh hoạt buổi tối ở đó. Đến thiền viện chúng tôi được đón tiếp, nhưng đã quá giờ ăn tối, và họ tách đôi nhóm chúng tôi ra để dẫn về phòng nghỉ ở khu nam và khu nữ riêng biệt. Tôi phải xa… túi cơm nắm của V và không còn cơ hội ăn nữa, chúng tôi không kịp nghĩ ra bất cứ chuyện gì, chỉ biết răm rắp theo đúng hướng dẫn của người trong thiền viện từng bước một.

       Tôi được dẫn vào một phòng thiền trải sẵn những tấm bồ đoàn, được hướng dẫn cách ngồi vắt chân kiểu hoa sen, trong lúc ngồi có đọc gì đó không thì lâu quá tôi đã quên rồi, nhưng nếu có đọc cũng là những người khác, vì tôi có biết gì đâu mà đọc. Ngồi yên với tôi là một việc dễ dàng và dễ chịu, không khó hơn ăn cơm gạo lứt, nhưng việc vắt chân theo tư thế hoa sen là cả một vấn đề. Khớp của tôi không dễ thích ứng với chuyện ấy, hồi trẻ tôi đã từng ráng tập khi thử luyện yoga mà không ăn thua, trong khi có những người chả cần tập luyện gì cũng làm được mọi tư thế mềm dẻo một cách dễ dàng. Tuy vậy tôi cũng không cảm thấy phiền, chỉ là chuyện vặt vãnh khi phải ngồi có một lần. Sau giờ ngồi thiền, một ni cô đứng tuổi dẫn tôi về phòng ngủ, có nhiều người nằm ở đây trên những tấm chiếu trải trên sàn nhà. Ni cô hỏi chuyện tôi sơ sơ. Vẻ mặt vị ấy có vẻ đăm chiêu khắc khổ. Khi biết tôi dùng “tha lực”, vị ấy nói ở chỗ họ chủ trương phải dùng “tự lực”, chỉ có tu bằng “tự lực” thì mới có thể đắc đạo. Vị ni cô ấy đi tu lâu rồi, nhưng khổ nhiều lắm, tự biết chưa thoát được, không biết kiếp nào mới tới niết bàn.

       Tôi với V, T chẳng bao giờ phải cãi nhau về “tự lực” và “tha lực”. Dù sao thì chúng tôi cũng đủ thực tế để chấp nhận rằng cái tấm thân “tứ đại” của chúng tôi chịu chi phối từ quá nhiều nguồn lực, không có “tha lực” chắc không sống nổi. V cần tu, T cần trí tuệ, với họ niết bàn tất nhiên là một khái niệm mà họ rất thông.

       Sáng hôm sau, tôi theo mọi người vào phòng ăn sáng, vẫn là ở khu riêng của nữ. Tôi không nhớ được món ăn thế nào, chỉ nhớ là giống như chiều tối hôm trước, tôi chưa kịp ăn được bao nhiêu thì đã… hết giờ. V luôn nhắc nhở mọi người rằng cần ăn chậm, dù tôi ăn chậm là tự nhiên bẩm sinh nhưng còn chưa đạt tới tiêu chuẩn của V. Ở chốn thiền này họ ăn quá nhanh, hẳn là vì lý do kỷ luật, ăn như thế nhanh chả kém gì lính. Nhưng cũng có thể tôi… nhầm. Có một “tha lực” đã giúp họ ăn được nhanh như vậy nhưng vẫn tiêu hóa tốt, đó là… Bát Nhã Tâm Kinh. Trước khi đụng vào thức ăn trong đĩa, tất cả bọn họ nâng đũa ngang trán, giữ nguyên tư thế ấy và đọc Bát Nhã Tâm Kinh từ đầu cho đến hết bài. Tôi đã từng nhìn thấy bài kinh này nên biết cái họ đọc chính là Bát Nhã Tâm Kinh. Họ đọc cũng… nhanh như ăn, còn nhanh hơn thế. Những người từng đứng chào cờ và hát quốc ca nhanh như hát khoán cho kịp mọi người có thể hình dung ở đây người ta đọc kinh cho bữa sáng cũng nhanh như vậy.

       Tôi gặp lại V và T với cái bụng đói meo. Hai cậu ấy chắc đã xơi nốt cơm nắm đêm hôm trước. Cả ngày hôm trước tôi mới ăn vài miếng vào lúc chiều tối sau khi đã leo Côn Sơn, sáng ra thì lại thế này. Tôi không cảm thấy trong người có chút sức lực nào, ấy thế mà chúng tôi lại đang chuẩn bị leo núi Yên Tử. Nhưng rõ ràng không phải là lúc để than thở, dù sao cũng chỉ là leo núi chứ không phải chuyện gì to tát. Tôi đã từng leo núi này một lần khi đi cùng anh chị em trong cơ quan. Đi bộ, trèo đèo lội suối (không bơi) là sở trường của tôi, có lẽ là năng khiếu từ trong máu. Hồi còn trẻ có lần tôi đã đi bộ vài chục cây số một ngày. Dĩ nhiên Yên Tử thì nhiều người biết rồi đấy, cho nên nếu nói tôi không lo lắng ngán ngẩm tí nào thì chỉ là nói phét, đói thế thì còn tinh thần gì nữa! Nhưng mà “tha lực” đã giúp tôi. Niềm vui khi được cùng đi đường cùng “tán dóc” với V và T đáng kể hơn nhiều so với nỗi niềm của cái dạ dày. V thì khỏi phải nói, tu luyện thể chất là việc luôn song hành với việc tu luyện tinh thần của cậu ấy, núi Yên Tử chỉ là một bài tập thể dục bình thường. Tôi thì… chặc… Bảo tôi nhảy phóc một cái từ chân núi lên đến đỉnh núi thì tôi chịu không làm được, chứ leo từng bước một thì thôi khỏi phàn nàn, chỉ cần đừng có đi nhanh quá. Nhưng T có lẽ chưa phải dốc sức như vậy bao giờ, đi được gần nửa đường, cậu ấy phải dừng lại để… nôn ói. Tôi có kinh nghiệm vụ này nên yên tâm chờ cậu ấy nghỉ ngơi, “thần y” V cũng điềm nhiên không sốt ruột. Tôi không còn nhớ chúng tôi đã ăn uống như thế nào khi ở trên núi nữa, chỉ nhớ đã dừng lại trò chuyện rất lâu trên đỉnh Yên Tử lẫn vào mây trắng.
       …

       Thời mà tôi vừa kể ấy, mặc dù không chủ ý khuyến khích bạn mình ngao du thiên hạ “tầm sư học đạo”, nhưng V ủng hộ T một cách thiết thực bằng cách dặn dò T khâu chuẩn bị, dạy cho T vài thế võ phòng thân, hình như còn giúp chuẩn bị cả tài chính nữa.

       Khi kể lại câu chuyện này, tôi cảm thấy thật thiếu sót nếu thiếu thông tin hiện tại của các nhân vật. V thì tôi đã gặp lại cách đây hơn một năm, cậu ấy có hợp tác làm việc với một dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hà Nội, như thế đủ gần nhà để cậu ấy có thể đi về trong ngày bằng xe máy. V đã kết hôn, nếu không nhầm thì vẫn là người V yêu từ hồi ấy. Tôi chưa tiện hỏi những chi tiết linh tinh khác, vì lúc gặp V là tình cờ do tôi có hẹn với người chủ cơ sở mà V làm việc, đó cũng là một người tốt và sống mẫu mực. Nhưng còn T thì lâu nay tôi chưa biết tin tức gì, cũng không giữ liên lạc. Chỉ có cách là gọi điện cho V để hỏi thăm. Lần trước cách đây lâu lắm, V có cho tôi biết là T đang sống ở bãi giữa sông Hồng, nơi có cơ sở của những người tu theo một trường phái thực dưỡng.

       V không lưu số điện thoại của tôi, nhưng chỉ cần tôi gọi là cậu ấy nhận ra giọng tôi ngay. Trước khi gọi cho V, tôi cảm thấy bực với trí nhớ của mình vì nó không chịu “khai” cho tôi tên của T, lẽ nào tôi lại quên hẳn tên cậu ấy được. Gọi một lần không thấy V trả lời máy, tôi chưa gọi thêm lần nào mà cố gắng lục lọi trong não mình cái tên của T, nhưng chịu chết không sao nhớ ra được. Hôm sau, khi tôi đã hoàn toàn quên ý định gọi lại cho V thì V gọi cho tôi, trúng vào lúc tôi đang chụp hình một người đẹp bên hồ Suối Cam. Vừa bấm máy trả lời V thì lập tức tôi tự nhớ ra được tên của T, đúng là thần tình! Trong lúc trò chuyện với V qua điện thoại, tôi đã chụp được những hình đẹp nhất cho cô gái.

       V cho tôi biết T đã thôi việc đi tìm thầy trong chùa từ lâu rồi, hiện kinh doanh trong Sài Gòn, bán bảo hiểm, chơi “tiền ảo”, đã xong “tập một” trong hôn nhân, có con. V cho tôi số điện thoại của T. Buổi tối tôi gọi cho T, giọng T tôi tưởng tôi không còn nhớ lắm, nhưng qua điện thoại nghe vẫn còn rất quen thuộc, T nói T vẫn lưu số của tôi, nghe giọng tôi T cũng nhận ra ngay. T xác nhận vài điều V đã cho tôi biết: T có lấy vợ trong Sài Gòn, đã chia tay và để con cho vợ nuôi, hiện T làm công việc kinh doanh, bán bảo hiểm, nhưng T đang ở ngoài Bắc, T về nhà từ lâu rồi. “Ơ, thế sao V nói với mình là T đang ở Sài Gòn?” Tôi thắc mắc. “À, từ khi về em chưa liên lạc với nó. Em với nó không giống nhau...”

       Tất nhiên tôi nhớ điểm khác biệt giữa V và T. Không giống như V chủ trương tự mình tu, với người khác thì “tùy duyên hóa độ”, T cho rằng phải chủ động tích cực hoằng dương Phật pháp phổ độ chúng sinh. T có tài hùng biện và tin là mình có năng khiếu thuyết pháp hơn V, sẽ làm tốt hơn V trong việc đó.

       Tôi hỏi T đã tìm được người thầy cho mình chưa, T cho biết lúc tìm thì không được, lúc chán quá thôi không tìm nữa thì lại gặp. Thầy của T tu ở một chùa thuộc quận Thủ Đức. Thầy trò họ gặp nhau ở Phước Sơn, Đồng Nai khi thầy của T đến đó dạy thiền. T nói thầy của T là người duy nhất còn lại trên thế giới dạy được thiền Minh Sát Niệm Xứ. T tự tin khẳng định rằng hiện giờ T “đã có thể lý luận về tất cả các loại thiền”. Theo T thì thiền chia làm hai loại: thiền định và thiền tuệ. Thiền định thì có lợi cho sức khỏe, nhưng chỉ có thiền tuệ mới giúp người ta phát triển trí tuệ. Thiền Minh Sát Niệm Xứ chính là thiền tuệ. Cho đến giờ T đã giúp được hàng vạn người hiểu phương pháp thực dưỡng và đến với thiền.

       T hỏi tôi có muốn gặp người thầy của T không, T sẽ cho tôi số điện thoại. Tôi từ chối, vì từ trước khi gặp T tôi đã là người tự do, không còn cần một người thầy trực tiếp giảng dạy về những vấn đề tâm linh nữa. Dù thầy của T có giỏi đến đâu thì tôi cũng không sao kiểm chứng được ông ấy có phải là người duy nhất trên thế giới hiện tại dạy được thiền Minh Sát Niệm Xứ, và loại thiền này có phải là ưu việt hơn hẳn tất cả các loại thiền khác hay không. Tôi cũng không cần kiểm chứng điều đó, tôi tin T nói thật và nói đúng trong thế giới của cậu ấy.

       Tôi vui vì T vẫn lạc quan yêu đời, có tiến bộ có thành công, mặc dù tôi không rõ khả năng thuyết pháp của cậu ấy hơn trước như thế nào. Nếu tính số người chịu ảnh hưởng của T thì tôi e rằng còn lâu cậu ấy mới đạt được mức “phủ sóng” như nhân vật Jack Ma đang đến Việt Nam “làm mưa làm gió”. Dù sao tôi cũng chưa gặp lại T ngoài đời, chưa chứng kiến những thành tựu của cậu ấy nên khó hình dung được chuyện gì. Với tôi, điều quan trọng là cậu ấy không rời bỏ con đường tu tập.
       …

       Dù không tìm hiểu kinh sách Phật giáo, nhưng tôi có cơ duyên gặp một số người tu theo Phật pháp. Có những người không giỏi giang như hai nhân vật tôi kể ở trên, nhưng chuyện của họ có lẽ còn hay hơn nhiều vì tôi được tận mắt chứng kiến tình huống khó khăn đáng kể mà họ gặp phải.

       Có nhiều người ca tụng Đức Phật vĩ đại. Có những người khẳng định rằng họ biết Đức Thế Tôn thật sự nói gì trong khi những người khác hiểu sai giảng láo cả. Tôi nhớ có một tác phẩm văn chương của Ấn Độ mà tôi đã quên tên truyện cũng như quên tên tác giả, tôi chỉ nhớ cảm xúc đẹp mà tác phẩm mang lại và đặc biệt là một tình tiết trong truyện: Một người tu hành trên đường đi gặp Đức Phật, trải qua bao gian khổ, anh gặp một thầy tu nơi quán trọ và có tranh luận về giáo lý với vị thầy tu ấy, anh đắc thắng vì nhận thấy vị thầy tu quá ngây ngô, vị ấy không hiểu được giáo lý cao siêu của Đức Phật. Sau khi tạm biệt vị thầy tu ngây ngô và đến được nơi anh muốn đến, người ta mới cho anh biết rằng người anh gặp nơi quán trọ chính là… Đức Phật.
       …

       Tôi ăn rất chậm, rất lâu, nhưng cũng có thể bỏ qua một số bữa không ăn. Tôi viết lại những câu chuyện rất chậm, rất lâu, và cũng bỏ qua nhiều chuyện không kể. Tôi không biết vì sao tôi không bỏ qua câu chuyện về hai người bạn V và T khi mà tôi chỉ có thể ghi chép lại một cách vội vã. Tôi cảm thấy bất công với các nhân vật vì hình ảnh của họ trong bài viết của tôi chưa được sống động, chưa đẹp như họ vốn thế. Liệu trong tương lai tôi có gặp lại họ và kể tiếp những câu chuyện của tôi trong đó có họ là nhân vật nữa không?

       Tôi không biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét