Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

“Thụy bây giờ về đâu?” - Sầu Ca I


       "Sầu Ca" là một tản văn chia làm ba phần:
              Sầu Ca I: "Thụy bây giờ về đâu?"
              Sầu Ca II: "Mất anh rồi, xa anh rồi..."
              Sầu Ca III: "Con lừa và tôi".

       "Sầu Ca" được tôi viết vào năm 2018 nhưng chưa từng đăng.
       Nay "Thụy" đã đi khỏi* nên tôi đăng Sầu Ca I.


       Thụy là ai?
       Là một người bạn trên Facebook. Của tôi. Của chúng tôi.
       Ai đã hỏi “Thụy bây giờ về đâu?” 
       Không ai hỏi cả. Đó chỉ là lời một bài hát.

       Khúc Thụy Du là ai? Tôi không biết, cũng không hiểu sao lại có nhiều người mang họ tên ấy đến thế, lúc thì là đàn bà, khi thì là đàn ông. Tôi thấy họ ở trên Facebook, nhưng không bao giờ làm quen để hỏi tại sao cái tên lạ lùng này lại bị trùng nhiều đến vậy, và họ có phải là người Hoa không. Cho đến khi tôi biết đó là tên một bài hát. “Thụy bây giờ về đâu” là lời cuối của bài hát ấy.

       Được nhiều người lấy làm tên trên Facebook như vậy thì chắc bài hát phải nổi tiếng lắm. Nghe xem nào. Trời ơi nhạt! Ca sĩ trình bày nghe nói là nổi tiếng, tôi không hay nghe nhạc cũng chẳng sành về các ca sĩ. Vậy nó nổi tiếng nhờ ca sĩ sao? Nhạc sĩ thì chắc là không rồi, quá nhiều người nhầm tác giả của nó là Trịnh Công Sơn. Quá nhiều người nghe nhạc mà không sành nhạc. Dù sao cũng chỉ là phổ nhạc cho thơ, tôi còn lạ gì trò này nữa, thơ bị biến dạng chẳng còn là thơ, nhạc bám theo lời cũng chẳng ra nhạc.

       Tìm đọc bài thơ vậy. Ồ, là thơ đấy! Bài hát đã giết chết bài thơ để cho tên của nó nổi tiếng. Bài thơ làm gì có câu hỏi “Thụy bây giờ về đâu?”

       Tác giả bài thơ là Du Tử Lê.
      Du Tử Lê? Tôi chưa từng đọc thơ của ông ấy, đây là bài đầu tiên. Một cái tên lạ lẫm, mới chỉ nghe thấy một lần trong một vụ đạo thơ. “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”. Người ta nói đó là câu thơ của ông ấy, câu thơ cũng là tên một bài thơ. Câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ nổi tiếng. Một câu bình thường như thế có lẽ ai cũng nghĩ ra được, nhưng nó vào thơ của Du Tử Lê không phải chuyện tình cờ. Tôi đã google rồi, ông ấy là một thuyền nhân. Biển là con đường ông ấy rời quê hương, trong bi kịch đau thương mà tôi không chứng kiến. Đưa ông ấy ra biển để xác ông ấy trôi về đến quê nhà. Mà ông ấy, một nhà thơ miền Nam sống lưu vong từ sau tháng Tư năm Bẩy Nhăm, còn chưa chết.

       Ông ấy nổi tiếng nhưng không được tôi biết đến, vì tôi là người miền Bắc. Người miền Bắc thế hệ tôi ít biết đến văn thơ miền Nam trước năm Bẩy Nhăm. Lý do không được tự nhiên, mà tôi cũng chẳng nắm rõ, chẳng muốn nhắc tới. Tôi giống như đa số người miền Bắc, coi văn chương là thứ xa xỉ (và vô dụng), những thứ xa xỉ không dành cho mình.

       Quên nhà thơ ấy đi! Với tôi Thụy mới là kẻ đáng nhớ. Cậu ta là người miền Bắc và cậu ta biết lý luận*. Chừng ấy thôi đã đủ để Thụy bị ghét cay ghét đắng ở trên mạng xã hội. Đơn thương độc mã, Thụy hiện diện trên Facebook với vai trò một dư luận viên. Từ “dư luận viên” tôi cũng chỉ mới biết đến gần đây. Người ta thường nhắc đến từ ấy kèm theo sự khinh bỉ, dùng từ ấy để chụp mũ đối phương trong những cuộc tranh luận mà người ta không dành được phần thắng chỉ nhờ lý lẽ.

       Thụy dễ bị ghét, nhưng không dễ bị khinh. Vì cậu ta không phải một dư luận viên bình thường mà là một trùm dư luận viên, à không, phải là trùm của các trùm dư luận viên mới đúng. Mỗi khi tôi viết thiếu một chữ “trùm” khi gọi Thụy, cậu ta lập tức nhắc nhở. Nếu chỉ gọi Thụy là “trùm dư luận viên”, sẽ vô tình đánh đồng cậu ta với những dư luận viên trong “tổ ngàn like” trên Facebook, những tay trùm được đông đảo những kẻ ngốc hâm mộ nhưng lại bị những kẻ hiểu biết hơn nhìn bằng một nửa con mắt. 

       Kẻ kiêu ngạo như Thụy hẳn dễ đau lòng, nhưng bù lại, cậu ta dùng được sự hài hước làm vũ khí. Nhờ những kẻ kiêu ngạo ngay cả trong cách hài hước như Thụy, tôi học được từ “troll” ở trên Facebook, mặc dù tôi không dịch được sang tiếng Việt trong khi cũng không biết người ta dùng trong tiếng Anh như thế nào, từ điển mà trình duyệt Cốc Cốc cung cấp tuy rất tiện lợi nhưng không đủ giúp tôi việc này. Chấp nhận cái lối ngôn ngữ lai căng như thế (chả phải tôi đã chấp nhận đưa từ “google” vào tiếng Việt như đã dùng ở phía trên đó sao) tôi sẽ đọc hiểu nhanh hơn những gì những người Việt dùng Facebook viết ra hàng ngày trên mạng.

       Sự hài hước tôi nhìn thấy qua Thụy không hẳn là từ những status (tôi muốn dùng từ Việt hóa ở đây, nhưng có tới hai từ là “tút” và “thớt” đang được cư dân mạng song song sử dụng mà chưa từ nào đủ nghiêm túc cả). Ý tôi nói là những status mà Thụy cố tình hài hước trong đó. Chúng không buồn cười bằng dòng mà Thụy thường viết thêm ở dưới cùng: “P/S: Status này chỉ là troll.”

       Một bài troll bạo nhất trên mạng mà tôi nhớ được là của một Facebooker nổi tiếng trong đợt dư luận ầm ĩ về một vụ đạo thơ mà kẻ bị phát giác đã đạo quá nhiều lần và đạo của quá nhiều người. Anh ta đăng status tố cáo rằng đoạn văn xin lỗi của kẻ đạo thơ (đã đăng trên báo) là đạo văn bài xin lỗi của anh ta (cũng đã đăng báo) cách đó vài năm, cũng xin lỗi vì tội đạo văn nhưng không phải đạo bài thơ nào mà là đạo bài hướng dẫn các công thức chế biến món ăn. Và để làm chứng thì tác giả status này đưa ra hình chụp trang báo mạng trong đó đăng bài xin lỗi của anh ta với lời lẽ y hệt (dĩ nhiên anh ta đã dùng xảo thuật để tạo ra những hình chụp giả mạo). Điều bất ngờ là có nhiều người đọc tin chuyện này là thật, thậm chí một trang báo chính thống còn đăng lại.

       Thụy chưa từng đùa quá quắt đến thế, nhưng không ít lần dở khóc dở cười vì một số bạn mạng không thưởng thức được sự hài hước của cậu ta, coi câu chuyện troll là câu chuyện thật. Nếu cứ vô tư “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, Thụy có thể phớt lờ những kẻ ngốc ấy. Nhưng khốn nỗi, lý do Thụy ở đây chính là vì họ, những kẻ mà Thụy cần phải dẫn dắt, định hướng.

       Giống như tôi, Thụy sinh ra sau chiến tranh. Chúng tôi không phải ôm trong lòng mối hận thù với những kẻ bên kia chiến tuyến. Những người từng sống qua chiến tranh có còn ôm mối thù không? Các cựu chiến binh mà tôi từng gặp và trò chuyện thì không thấy họ nhắc gì đến thù hận ngày xưa cả, họ đều ở bên thắng cuộc. Bây giờ họ ôm những nỗi phẫn uất mới, với những kẻ có thể từng là đồng chí, từng cùng chiến tuyến khi xưa. Bây giờ họ là kẻ thua cuộc.

       Chúng tôi không phải đang sống trong chiến tranh, nhưng ở trên mạng xã hội suốt ngày chúng tôi nghe những lời chửi rủa, những lời căm hận. Từ những thuyền nhân mang nỗi đau vong quốc. Từ những kẻ sống trong nước nhưng đã thành lạc lõng ngay trên mảnh đất quê hương.

       Tôi không chửi. Thụy không chửi. Chúng tôi đều sắm vai những kẻ nhã nhặn và biết kiềm chế.

       Thụy bảo rằng Thụy từng ôm mộng văn chương dang dở. Trong danh sách bạn Facebook của cậu ta có một số nhà văn, tôi đoán là cậu ta được họ yêu mến. Tôi cũng mến Thụy, mặc dù không ưa công việc dư luận viên của cậu ta tí nào nhưng ngay cả trong công việc này tôi cũng đánh giá Thụy cao hơn kẻ khác. Thụy biết giữ giới hạn, tác động tích cực và tiêu cực mà Thụy mang lại trên mạng xã hội là hòa nhau. Cậu ta là dư luận viên tử tế nhất mà tôi từng biết.

       Kẻ như Thụy mà làm dư luận viên chắc không đơn giản chỉ là được thuê. Nhưng gốc gác cậu ta thế nào thì ai quan tâm đến mấy cũng chỉ có thể đoán mò. Không như các dư luận viên đình đám đường đường là phóng viên của những tờ báo lớn “vua biết mặt chúa biết tên”, không ai biết Thụy ở đâu cả. Không ai hẹn gặp được Thụy ở ngoài đời thực, vì trên Facebook thì cậu ta khai rằng cậu ta đang sống ở Đài Loan, hình đại diện của Thụy là hình một diễn viên điện ảnh Hồng Kông, còn nickname của Thụy vốn là tên một nhân vật trong truyện kiếm hiệp Cổ Long.

       Tôi không định tìm hiểu tác phẩm của Cổ Long, nhưng cũng đành lùng kiếm xem để biết nhân vật Phó Hồng Tuyết là kẻ thế nào mà Thụy lại dùng tên của y. Một kẻ mà hận thù chảy trong huyết quản, tầm thù là lẽ sống, trả thù là cứu cánh. Phó Hồng Tuyết là nhân vật như thế, nhưng không phải Thụy. Thụy đâu có khờ như Phó Hồng Tuyết suốt nửa đời săn lùng truy sát một kẻ thù được người ta ngụy tạo. Nhưng Phó Hồng Tuyết hành động với trọn niềm tin mà không phải bối rối. Còn Thụy…

       “Thụy bây giờ về đâu?”
       Trong bài thơ của Du Tử Lê không có câu hỏi ngớ ngẩn ấy. Nhưng rồi Thụy “lặn” mất tăm, không thấy online nữa. Một người bạn Facebook của chúng tôi đã đăng lên câu hỏi ấy mà tag tên Thụy kèm theo link bài hát. Và từ đó, tôi đã biết “Khúc Thụy Du” chẳng phải tên của một người.

       Nếu Thụy biết sự ngộ nhận của tôi, hẳn cậu ta phải buồn cười lắm. Cậu ta biết rất nhiều bài hát. Nhưng không rõ cậu ta có biết lời bài thơ không.
                                    
                                “Như con chim bói cá
                          Tôi lặn sâu trong bùn
                          Hoài công tìm ý nghĩa
                          Cho cảnh tình hôm nay.”*

       Thụy không kịp cười tôi được. Vì tôi chỉ đăng entry này lên khi biết chắc Thụy đã rời khỏi, đã biến mất khỏi cõi mạng. Như thế để bạn đọc thảy đều yên tâm rằng Thụy chỉ là một nhân vật hư cấu. Thụy không có thật.

       Cả tôi nữa. Tôi cũng không có thật. Tất cả chỉ là truyện, là văn chương. Khi tôi chết tức là không ai cần nhớ đến tôi cả, và cũng không cần mang tôi đi đâu. 

                                                                                      Tháng 8 - 2018 

Chú thích:
       * "Thụy" đã đi khỏi: Khi Sầu Ca được viết ra thì nhà thơ Du Tử Lê hãy còn sống. Ông mới qua đời ngày 07-10-2019.
       * "Người miền Bắc biết lý luận" là một tiêu chí chọn lãnh đạo bị cười cợt chế giễu rất nhiều.
    *"Như con chim bói cá - Tôi lặn sâu trong bùn - Hoài công tìm ý nghĩa - Cho cảnh tình hôm nay": Đây là một khổ thơ trong bài thơ "Khúc Thụy Du" của nhà thơ Du Tử Lê, khổ thơ này không có trong lời bài hát "Khúc Thụy Du".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét