Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

TÔN GIÁO VỚI CHÍNH TRỊ


       Ngày 06-02-2019 vừa qua, nhà bình luận chính trị Quang Hữu Minh có bài viết “Dân tộc và đức tin” trên Facebook cá nhân của ông, trong đó ông đưa ra vấn đề về cơ hội xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Cam-pu-chia khi tăng cường hợp tác Phật giáo hai bên. Và theo ông thì: “Nếu lúc này mà nhân dân Việt Nam và đảng CSVN có sự lưu ý ủng hộ cho tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng phát triển để các nguồn lực này tham gia ủng hộ các chính sách quốc gia thì rất đáng hoan nghênh. Cam-pu-chia từng có nhiều chính sách chính trị theo Việt Nam nhưng riêng trong vấn đề tôn giáo và Phật giáo, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ Cam-pu-chia.” Ông cũng nói: “Nếu Phật giáo Việt Nam có khả năng tương đương như Phật giáo của Cam-pu-chia thì điều này thiết nghĩ không khó.”

       Khi viết chữ “nếu”, ông Quang Hữu Minh đã biết rằng hiện tại thì về mặt chính trị, Phật giáo Việt Nam chưa có khả năng tương đương như Phật giáo Cam-pu-chia. Thứ nhất, Phật giáo ở Việt Nam hiện nay không phải là quốc giáo. Thứ hai, quan hệ giữa Phật giáo với Đảng cầm quyền chưa được xem là lành mạnh, mặc dù về mặt hình thức thì có vẻ như Phật giáo đã được ưu tiên hơn các tôn giáo khác. Còn về mặt chăm sóc đời sống tâm linh, bồi dưỡng đức tin cho người dân, vốn là chức năng cơ bản của một tôn giáo, thì thật chẳng nên đem so Phật giáo nước ta với nước nào. Dư luận xã hội trong những ngày gần đây không hề chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được dân chúng tín nhiệm.

       Với tình hình như vậy, hẳn ông Quang Hữu Minh đã hiểu rằng cái cơ hội mà ông đề cập đến là “khó”. Thêm nữa, có những người như tôi góp ý về những bất cập khiến Phật giáo Việt Nam khó giành được vai trò đóng góp về chính trị như Phật giáo Cam-pu-chia hay Phật giáo Thái Lan. Từ đó, ông Quang Hữu Minh có đặt câu hỏi cho tôi rằng: “Phật giáo và nhân dân cần làm gì để phát triển Phật giáo (nghiêm túc) cho Việt Nam?”

        “Nhân dân” trong câu hỏi của ông Quang Hữu Minh là những ai? Đó hẳn nhiên gồm cả những người trong và ngoài Phật giáo, trong đó có cả những thành viên và những người lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

       Nếu vương quốc Cam-pu-chia có khẩu hiệu “Dân tộc – Tôn giáo – Quốc vương” thì là vì họ ý thức rõ được vai trò của tôn giáo trong mối tương quan với dân chúng và nhà cầm quyền. Dân tộc, nhân dân là gốc rễ của tôn giáo, vì không có nhu cầu tâm linh của con người thì không có tôn giáo. Tôn giáo sinh ra là để dẫn dắt nâng đỡ tinh thần cho người dân một cách rốt ráo trên hành trình đạt tới cứu cánh của cuộc đời họ. Các thầy tu trong phận sự của mình có phần giống như thầy giáo và thầy thuốc. Sự giáo dục của tôn giáo mang tính nền tảng, giúp hình thành đức tin và văn hóa sống trong xã hội. Còn quốc vương – đại diện cho thế lực trị vì đất nước – thì tất nhiên là không thể thiếu trong vai trò giữ gìn sự ổn định xã hội. Tuy vậy, các cơ cấu chính trị là nhất thời và đều phải dựa trên nền tảng văn hóa xã hội mà tôn giáo gây dựng. Trong lịch sử loài người, không có triều đại của vị vua nào mà tồn tại lâu hơn tôn giáo nền tảng của đất nước cả. Do đó mà quốc vương đứng sau dân tộc và tôn giáo trong khẩu hiệu của nước Cam-pu-chia là thuận theo quy luật xã hội một cách tự nhiên.

       Khẩu hiệu của nước Việt Nam ta là gì?

       Khẩu hiệu ở nước ta hơi nhiều. Tuy nhiên có một khẩu hiệu quan trọng là “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm”. Nhìn vào khẩu hiệu đó đã có thể nhận thấy ý thức “tôn giáo hóa” của Đảng Cộng Sản. Ở Việt Nam hiện tại, Đảng Cộng Sản chiếm vai  “quốc giáo”, đẩy các tôn giáo ra khỏi vị thế cần có của họ trước người dân, trong khi các đảng viên Đảng Cộng Sản lại không thể làm thay vai trò của các thầy tu tôn giáo. Thiếu điều kiện để phát triển lành mạnh, các tôn giáo càng dễ bị lệch lạc, trong khi Đảng Cộng Sản không hề vì thế mà được tín nhiệm nhiều hơn. Người dân tuy có quyền “tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng”, nhưng chính các thầy tu tôn giáo lại bị kiềm chế quá đà. Mặc dù người dân vẫn chuộng Đức Phật, nhưng các nhà sư thì ít gây được uy tín với những người hiểu biết trong xã hội, nhiều chùa chiền biến thành nơi mê tín dị đoan.

       Muốn các tôn giáo nói chung cũng như Phật giáo nói riêng phát triển thật sự thì cần tháo gỡ được tình trạng nói trên, để người nào việc nấy, đảng chính trị cứ lo việc chèo lái đất nước, còn phần đức tin thì để các tôn giáo lo. Khi các tôn giáo có được uy tín với người dân bằng việc thực hiện đúng bổn phận của mình thì họ mới có thể góp phần ảnh hưởng đến chính trị một cách lành mạnh, thuận tự nhiên, vì mục đích tốt đẹp cho dân tộc.

       Do sự đa nguyên về tôn giáo ở Việt Nam nên Phật giáo sẽ không trở thành quốc giáo như ở Cam-pu-chia, nhưng sẽ trở thành một trong những tôn giáo mạnh nhất vì Phật giáo dễ đổi mới và ứng biến hơn cả.

       Tôi sinh ra trong một gia đình mà cha anh là đảng viên Đảng Cộng Sản, trong gia đình tôi không ai theo một tôn giáo nào. Tuy nhiên bản thân tôi là thành viên của một ngành học tâm linh do người Việt sáng lập, ngành học này có từ cách đây ba mươi năm, học viên của ngành học này đến từ nhiều tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới. Chúng tôi được trải nghiệm những bài học tâm linh từ ngàn năm của các tôn giáo, về các vấn đề muôn thủa của con người. Giúp đỡ cho các tôn giáo phát triển lành mạnh không nằm ngoài nhiệm vụ của chúng tôi.

       Ông Quang Hữu Minh dùng hình ảnh so sánh rất hay: “Tôn giáo là sông, đức tin là biển”. Tôn giáo là phương tiện hướng con người đến đức tin, chứ bản thân tôn giáo không phải là đức tin. Người dân cần có đời sống tâm linh hạnh phúc cho từng cá nhân họ, chứ không phải là cần sự muôn năm trường tồn của một tôn giáo nào đó.

23-02-2019
Vi Thị Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét