Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Con ma cà rồng

Truyện ngắn của Ái Nữ

       Ở một phòng nữ ký túc xá trường X, mọi người bỗng phát hiện cô bạn hoa khôi của lớp hay thức dậy đi ra ngoài lúc nửa đêm về sáng, hỏi thì cô nói là đi vệ sinh. Nhà vệ sinh ở khá xa dãy tập thể nên sinh viên nữ không ai dám ra đó một mình.
       Hiện tượng này theo những chuyện ngồi lê đôi mách chui vào tai người nọ người kia. Nhiều kẻ nhớ đến vụ xảy ra ở trường bên cạnh mấy năm về trước, thì thầm bảo: "Coi chừng ma cà rồng!"
       Cô hoa khôi bỗng thấy nhiều người quan tâm đến mình hơn, không phải chiêm ngưỡng mà vì tò mò. Cô phải đổi quán ăn liên tục. Càng ngày càng có nhiều sinh viên tụ tập trước cửa lớp cô vào giờ giải lao. Ấy là vì chưa ai thấy ma cà rồng bao giờ. Người ta bảo ma cà rồng thường đội lốt những cô gái mắt sáng long lanh, môi đỏ như son, da trứng gà bóc. Con ma cà rồng này quả là đẹp!
        Có lần người ta thấy cô sinh viên khóc. Ma cà rồng giống như người, khi lo sợ nó cũng khóc.
       Sinh viên bàn tán: "Sao không thấy nhà trường xử lý gì nhỉ? Phải giải quyết khéo như ở trường Y ấy chứ!"
       Chuyện cũng đã đến tai ban giám hiệu, song ý kiến của mọi người không thống nhất. Cô sinh viên này người miền xuôi, lý lịch không có vấn đề gì. Các cuộc dò xét bí mật không thu được chứng cứ.
       Nhà trường im lặng. Sinh viên thì không ai không biết mặt con ma cà rồng nữa.
       Một buổi sáng ở phòng nữ ấy có người dậy sớm. Thấy cửa mở toang, một chiếc xe đạp không cánh mà bay, thu hết sức cô gào lên: "Trộm! Trộm! Ôi giời ơi...Trô...ô...ộ...m!" Mọi người đổ xô đến.
       Không phải trộm. Cô sinh viên hoa khôi cùng tất cả hòm xiểng đồ đạc của cô biến mất. Con ma cà rồng đã trốn rồi.
       Tin loan đi khắp trường. Nhiều người xuýt xoa tiếc.
       Ban giám hiệu trường X, lớp ấy, phòng ấy phải trình bày đi trình bày lại với cơ quan điều tra. Cuối cùng mọi việc cũng xong.
       Cả phòng nữ ăn mừng thoát nạn. Một cô sinh viên - người đầu tiên phát hiện sự lạ trong phòng - buột miệng hỏi: "Này, ma cà rồng nghĩa là như thế nào?"
                                                                          Tháng 6 - 1999.

14 nhận xét:

  1. Nhìn cái tựa cũng hơi lo sợ vì HA chúa sợ ma đó.

    Mọi tin đồn đều có thể gây thất thiệt.

    Chúc Ái Nữ vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi không phải thế đâu! Ái Nữ vừa mới đăng bài "Ba câu chuyện và đôi lời bàn" trên Blog Việt ở đường link này để chứng minh rằng những tin đồn thất thiệt không thể làm chết ai, nhất là những tin đồn tung ra từ... Xóm Lá, thế mà có bạn đọc nhảy bổ vào kết tội Ái Nữ là làm mất sự bình yên của mọi người. Thế có chán không!

      Xóa
  2. Người ta có thể giết nhau bằng lời đồn đại...

    Trả lờiXóa
  3. Cũng có lúc mình thấy môi trường sinh viên nó như một bao khoai tây, Vô cảm và rời rạc. Thậm chí còn có những hành vi hiểm độc! Thật tệ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không biết sinh viên các nước khác sống thế nào, chứ môi trường sinh viên Việt Nam thì quả là chưa được lành mạnh. Nhà dột từ nóc, sinh viên biết phải làm sao?

      Xóa
  4. Dư luận tốt và dư luận xấu -mà nơi như trường đại học mà còn để dư luận này tồn tại nhỉ ?
    Chúc bạn chiều vui nhé -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi bạn ơi! Trường đại học chỉ là môi trường của những người còn non trẻ thôi mà! Dư luận tốt xấu có ở khắp nơi trong xã hội chứ đâu phải chỉ có ở trường đại học!

      Xóa
  5. 1. Tôi có theo link qua bên blog Viet đọc bài. Ba mẫu chuyện đều có sự hư cấu, nhưng ý nghĩa rất khác nhau.
    Chuyện chiếc lông gà đọc qua ai cũng thấy ngay bịa. Thế nhưng đằng sau cái bịa ấy lại vẫn có cái logic, và câu chuyện nghe vẫn rất thật. Ví như sợi tóc nhìn qua kính lúp, trông có vẻ ko thật - tóc gì to như cọng rơm ?. Nhưng ai cũng nhận ra nó chính là sợi tóc.
    Hư cấu trong "Chuyện thắng Nhái" ko thế. Nó như chiếc bao cao su, nhìn có vẻ OK. Nhưng soi kính lúp hóa ra lại bị thủng, chả dùng được.

    "Chuyện Thằng Nhái" làm tôi nhớ đến những cuốn truyện đọc hồi sau giải phóng. Háo hức tìm bao nhiêu sau đấy thất vọng bấy nhiêu. Vì những chi tiết bịa đặt thô thiển. Những chi tiết nhỏ thôi, nhưng khiến người đọc ko còn tin được câu chuyện kể trong truyện nữa.

    2. Tôi tin tác giả "Chuyện Thằng Nhái" rất thật tình - nghe sao kể vậy. Đây chính là cái kém của tác giả - ko đánh giá được thông tin.
    Nhưng sự dễ tin này ko chỉ mỗi tác giả truyện ấy. Mấy ngày nay trên mạng diễu cợt chuyện ở đâu đó gắn biển: Vua gì gì Hùng, thọ 500 tuổi, có 50 vợ sinh được 400 con vv. Những tấm biển ấy đi qua bao nhiêu cặp mắt xét duyệt mới được kẻ chữ gắn bảng ..
    Lại nhớ chuyện kể trong một bài báo: Để tạo bất ngờ cho địch, trong trận đánh ở làng Vei (hay đâu đấy) bộ đội ta đã thảo rời các chiếc T54 ra, đến gần trận địa mới ráp lại. Những cái đầu thô thiển nghĩ chiếc tăng 40 tấn như khẩu cối 61 li bộ đội thường chia nhỏ ra mang vác. Xa hơn thì có anh gì lấy súng trường hạ B52, anh gì lấy thân mình đốt đuốc chạy cả 100 m lao vào kho đạn địch ..
    Phải chăng đấy là hậu quả của lối dạy bắt học sinh tin tưởng thừa nhận mọi thứ nói ra đều "duy nhất đúng", tạo nên những con người ko có chút óc nghi ngờ, phê phán.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thấy anh có biệt tài về so sánh. "Nó như chiếc bao cao su, nhìn có vẻ OK. Nhưng soi kính lúp hóa ra lại bị thủng, chả dùng được". Tôi chả bao giờ nghĩ ra nổi một cách so sánh như thế, đọc mà muốn vỡ bụng cười, nhưng quả là rất giống.

      Người Việt Nam không kém thông minh hơn người các nước khác, bằng chứng là ra nước ngoài họ rất giỏi và dễ "nên cơm nên cháo". Nhưng khi ở trong nước thì rất nhiều khi họ không có cơ hội để biết mình có năng lực gì. Bản thân tôi từng tin tưởng một cách chắc chắn rằng tôi rất... đần độn, bởi vì tôi không hiểu được xã hội mình đang sống bằng cách suy đoán, cuộc đời tôi giống hệt cái bụi rậm khi mà có quá nhiều thứ tôi không hiểu, quan trọng là tôi không hiểu tôi là ai. May mà tôi đã được lôi ra khỏi cái bụi rậm ấy.

      Xóa
  6. sang thăm và chúc bạn đêm chúa nhật an lành bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  7. Đọc truyện này cho thấy rằng mọi đồn đãi dầu vô tình hay cố ý đều bất lợi, trong truyện thì cô SV là nạn nhân. Có lẽ vì thế nên nhà nước ta “luôn luôn cảnh giác với mọi âm mưu diễn biến hòa bình của thằng địch”!. Không hiểu sao tác giả cho tôi liên tưởng nhiều thứ: truyện ngắn Linh nghiệm của Trần Huy Quang (toquocvietnam.org/LinhNghiem.htm‎), đọc cmt của Khung K lại liên tưởng đến bao cao su của anh Cù Huy Hà Vũ? Cám ơn Ái Nữ đã cho đọc để đầu óc mình chậm lão hóa. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả thật đầu óc liên tưởng của con người là vô giới hạn. Theo tôi, không thể đổ lỗi cho những lời đồn đại "vô tình", dù sự vô tình ấy là "hữu ý" đi chăng nữa. Chúng ta chẳng có cách nào hơn là tu luyện để có bản lĩnh thật sự, đủ sức hóa giải được những lực lượng mờ ám vô hình tấn công chúng ta thông qua những tin đồn.

      Xóa