Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Bác sĩ và họa sĩ

Truyện ngắn của Ái Nữ

       Một bệnh nhân đang chờ mổ phiên. Các xét nghiệm đã làm xong, bác sĩ đã ký mổ. Cô y tá vừa cầm bệnh án đi ra thì anh họa sĩ ló đầu vào. Ngay tháng trước anh thay lại biển đề các khoa phòng cho toàn bệnh viện nên bác sĩ vẫn nhận ra. Lần này anh đến với tư cách là người nhà bệnh nhân.
       Họa sĩ mời bác sĩ dùng bữa cơm trưa. Bác sĩ rất cảm tình với anh chàng có cái miệng tươi cười và đôi mắt lanh lợi này. Cánh trẻ bây giờ nhanh nhạy thật! Thời buổi thị trường, các dịch vụ chen nhau nghẹt thở, theo đó các cửa hiệu kẻ vẽ quảng cáo cũng mọc lên như nấm. Trong bệnh viện của ông có nhiều đổi khác, đời sống bác sĩ tươi hơn hẳn. Trước kia bệnh nhân sau khi khỏi đem quà cáp đến cảm ơn, bây giờ họ đưa tiền bồi dưỡng trước, họ có nhiều tiền mà. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Bệnh viện có bộ phận thu viện phí riêng nên chẳng liên quan gì đến chuyện này cả. Ông vẫn được tiếng là bác sĩ có trách nhiệm. Nghề này mà không cẩn trọng dễ vào nhà đá chứ phải đùa! Bệnh nhân đông, ai hơi đâu giữ họ lại quá thời gian cần thiết cho khó xếp giường nằm. Nào phải họ không đưa tiền cho ông thì ông bỏ kéo trong bụng họ đâu, nhưng họ cứ theo nhau mà thành lệ. Có những người rất thực tâm, nếu ông không nhận sự chân tình ấy họ không bằng lòng. Với những kẻ hợm tiền hợm của thì có gì mà phải áy náy! Mấy chục năm trong nghề, am hiểu tâm lý bệnh nhân, ông thừa những mẹo vặt để làm vừa ý họ... Anh họa sĩ này chịu chơi mà dễ mến quá, nói năng nghe hay thật!
       Họa sĩ không biết gì về bác sĩ nhiều lắm. Anh chỉ nghe người ta bảo phải làm thế này thế kia. Anh làm tất cả trong khả năng mình có thể. Đây là bố vợ của anh, lỡ xảy ra điều gì cũng đỡ ân hận, đỡ mang điều tiếng. Ông bác sĩ có tấm thân mũm mĩm, đôi má bầu bầu như trẻ con, kiểu gương mặt đôi khi vẫn gặp trong những tranh chân dung anh vẽ.
       Bác sĩ và họa sĩ hồ hởi bắt tay nhau. Cuộc mổ thành công mỹ mãn, hậu phẫu cũng tốt đẹp. Bác sĩ ghi vào bệnh án: "Bệnh nhân sau mổ...ngày thứ...sức khỏe ổn định. Cho ra viện!"
       Ông bố vợ khỏe mạnh về quê, kể cho bà xã nghe về chàng rể tận tình và ông bác sĩ biết điều. Bà lão lẩm bẩm: "Bây giờ khác ngày xưa nhiều quá!"
       Bác sĩ tiếp tục công việc thường ngày, những cuộc mổ, những bữa rượu chiêu đãi, những phong bì phong bao... Đôi lúc hút theo ông ánh mắt ngơ ngác của nhiều bệnh nhân. "Họ sẽ nghĩ mình là người thân quen với gia đình ấy." 
       Sau khi đưa tiễn ông nhạc chu đáo, họa sĩ trở lại cửa hiệu của mình. Ghim bức tranh phong cảnh của Sis-kin vào giữa một khung vải lớn, anh bắt đầu vẽ. Chép tranh là công việc nghiêm túc trong hội họa. Hai ngày sau bức tranh hoàn thành. Cậu học trò nhỏ đến học vẽ sau một hồi ngắm nghía thốt lên: "Trong tranh của Sis-kin đến mặt nước cũng in màu trời sắp nổi giông bão, trong tranh của anh trời xanh ngăn ngắt. Trong tranh của Sis-kin có vết bánh xe lăn trên đường, con đường trong tranh anh trống trơn."
       Chép tranh giống hệt đến từng chi tiết nhỏ thì phải họa sĩ bậc thầy mới làm được. Chú bé chưa hiểu điều đó. Nhưng còn vết bánh xe thì quả là anh không để ý thấy vì ảnh chụp bản gốc quá nhỏ. Anh khen:
       - Chú mày có óc nhận xét đấy! Nhưng cứ làm y như người khác nhiều khi cũng không hay.
       Nói thế rồi anh tự nhủ vẽ như mình có khi lại dễ xem hơn. Song hình ảnh con đường thiếu vết bánh xe không hiểu sao cứ lởn vởn trong đầu anh. Nhưng rồi anh chặc lưỡi: "Xét cho cùng thì điều đó cần thiết quái gì nhỉ!"
                                                                                            Tháng 6 - 1999

6 nhận xét:

  1. Thăm khuya Ái Nữ. Ngủ ngon nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời ơi, HA đừng chúc nữa! Ít hôm trước Ái Nữ đã mắng bác Mẫn rồi, nếu không mắng HA thì mọi người sẽ thấy là Ái Nữ không công bằng. Blog này không thích hợp cho việc thăm hỏi và chúc ngủ ngon quá nhiều. Hu hu...

      Xóa
  2. Hôm nào gặp nhau, tôi sẽ chép tranh Shishkin, còn bạn sẽ chữa bệnh miễn phí cho tôi nhé! :D Xin hứa là chép đủ vết bánh xe! :p

    Truyện ngắn của bạn có cái đinh chốt lại ở đoạn cuối cùng, làm cho người đọc khựng lại, rồi ngỡ ngàng nhận ra hình như mình cũng thế. Hình như cũng có lúc trong đầu mình lởn vởn về một vết bánh xe chưa hoàn thành, nhưng rồi chính mình lại tặc lưỡi cho qua.

    Hoạ sĩ và bác sĩ - có thể rồi họ cũng sẽ đọc truyện này của bạn, và cũng sẽ khựng lại trong giây lát - như tôi. Rồi sau đó, mọi chuyện lại... đâu vào đó. Cả xã hội như thế mà. Có hoạ điên mới không nhận tiền và có mà dở hơi mới ngồi lấy kính lúp soi vết bánh xe. Hehe!

    Có chút góp ý với bạn. Thường thì hoạ sĩ chỉ chép tranh khi anh ta là sinh viên thôi. Còn nếu đã ra trường, đã có học trò thì anh ta chép tranh là để kinh doanh, chứ nghề của hoạ sĩ là sáng tác chứ đâu phải sao chép. Dùng câu " Chép tranh là công việc nghiêm túc trong hội họa." e rằng chưa chuẩn.

    (OM đang cố đăng nhập vào nhà mình mà chưa được, nên đành nặc danh)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, nếu OM nhận chép cái tranh ấy của Sis-kin cho tôi thì tôi đương nhiên coi việc đó là rất nghiêm túc chứ! Dù chép để học hay để phục vụ những người muốn có bản sao thì theo tôi đó vẫn là việc nghiêm túc, dù những họa sĩ có khát vọng lớn coi nhẹ công việc này đi chăng nữa, nhưng một khi họ đã làm thì chắc rằng họ vẫn làm nghiêm túc theo cách của họ.

      Cách đây hai năm trong một góc phố nhỏ của Sài Gòn, tôi mới có dịp biết rằng "công nghệ" chép tranh đã khác xưa. Tấm vải vẽ chính là tấm ảnh bản gốc, người ta chỉ việc phết màu lên sao cho chính xác. Nhưng tôi không rõ những người làm vậy có thu được hiệu quả tốt ngoài sự dễ dàng hay không, vì tranh chép ở đó nhìn chán lắm. Nếu tôi muốn có một tranh chép tử tế, tôi cũng phải xem xét nơi đặt hàng phải không?

      OM có dành nhiều thời gian cho sáng tác hội họa không? Hình như các họa sĩ rất có duyên với tác phẩm của tôi. Con trai đỡ đầu của tôi có thiên hướng về hội họa, vừa rồi cậu ta thi vào khoa thiết kế đồ họa của ĐHSP Nghệ Thuật HN, có lẽ đủ điểm để đỗ rồi. Cậu ta thích vẽ tranh, nhưng chỉ ngồi với những cây cọ thì chắc là khó sống. Con người bây giờ thật là tất bật quá, nên họ thưởng thức tranh sao chép cũng thấy đủ rồi. Ở Sài Gòn có nhiều họa sĩ sống chỉ bằng sáng tác tranh không OM? Con trai đỡ đầu của tôi có tính mơ mộng, nếu có được cuộc sống chỉ việc thả hồn vào những bức tranh thì hẳn là cậu ta thích lắm, vì cậu ta không mấy thích hợp với những toan tính đời thường.

      Xóa
    2. Hihi, OM chỉ dành thời gian để thiết kế đồ họa kiếm tiền thôi, hầu như chả bao giờ sáng tác tranh nữa. Đôi khi cũng day dứt tí chút, nhưng lại tặc lưỡi tự nhủ "thì cũng là sáng tác mà!"
      Con trai đỡ đầu của bạn, nếu đủ điểm đậu thì e rằng cháu đã bước 1 chân vào con đường vừa vất vả, vừa nghèo rồi! Nhưng không sao, như tôi đây, nghèo nhưng vẫn tưng tửng và không thấy cái nghề này làm cho mình khổ mấy. Được sống với công việc mình yêu thích, nghèo 1 tí vẫn còn hơn là kiếm được tiền, nhưng chán công việc của mình.
      Về công nghệ chép tranh thì đã khác xưa từ hồi máy in kĩ thuật số in được trên vải. Nếu chép tranh để kiếm tiền thì tội gì mà người ta không làm như vậy cho nhanh.
      Cá nhân tôi thì chưa tìm được chỗ nào chép tranh thật ưng ý cả. Những ông chủ tiệm đa phần là họa sĩ, truyền nghề cho đám sinh viên và đám thợ, nhưng bọn trẻ thường thể hiện không đạt. Đúng như bạn nói, chán lắm! Nếu bạn muốn có 1 bức tranh chép, cách tốt nhất là vào photoshop, tăng độ tương phản của file bức tranh, rồi đem đi in cho xong! Hì!

      Xóa
    3. Chao ôi! Như vậy là tôi sẽ phải chú ý đến chuyện con trai đỡ đầu của tôi làm cách nào để không bị biến thành một "bức tranh sao chép". Tôi thích cậu ta lắm, khi nào có cơ hội tôi muốn nhờ một họa sĩ vẽ tranh chân dung cậu ta khi cậu ta còn tươi trẻ và tràn đầy những ước mơ trong trẻo. Nhiều năm sau chúng tôi sẽ cùng nhìn lại xem chúng tôi đã thay đổi ra sao.

      Xóa