Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Chú bé trong vườn hoa - Phần tiếp theo

      Tôi nhớ Hiệp. Sau hai mươi năm tròn tôi vẫn không hề quên và cũng không muốn quên đi. Bao nhiêu lần tôi muốn viết ra câu chuyện giữa chúng tôi thì bấy nhiêu lần tôi không thực hiện. Những câu chuyện khác đã phai mờ, nhưng câu chuyện về Hiệp thì không như thế.
       Tôi gõ phím nhan đề “Chú bé trong vườn hoa”. Dưới cái tên truyện ấy, tôi lần lượt liệt kê theo trình tự những tình huống đã xảy ra hai mươi năm trước, một cách dễ dàng, như chưa hề có chi tiết nào rơi rụng khỏi trí nhớ của tôi. Tôi bỏ quên bạn đọc, chỉ nhớ đến nhân vật trong đời thực. Có lẽ không nhà văn chuyên nghiệp nào lại làm như vậy khi họ viết văn.
       Những cô bạn của tôi – công viên – ghế đá – chú bé mười tuổi với gương mặt thoa phấn tô son cùng những cánh hoa râm bụt trên trán và hai má. Cuốn vở tập viết – chiếc mũ của một cô bạn – chiếc xắc của một cô bạn khác. Chú bé Hiệp theo tôi về nhà – cuộc trao đổi giữa tôi và bố - Hiệp từ chối sự giúp đỡ cưu mang của bố tôi. Người anh bụi đời của Hiệp – bó chổi chít - bữa cơm trưa. Hiệp chờ tôi ở cổng trường – chúng tôi đã ở bên nhau lần cuối – chiếc thuyền buồm và ngôi sao trên tay Hiệp khi Hiệp ra đi…

       ...
       Với nhu cầu phơi bày những gì đang có trong tâm hồn để rồi nhìn lại, những câu chuyện viết ngắn đều được tôi đăng lên blog. Câu chuyện về Hiệp cũng vậy. Có những độc giả cảm động khi đọc. Bác sĩ Bích Thủy, một người phụ nữ nhạy cảm, lập tức thốt lên: “Em ơi, câu chuyện có thật này…” Tôi đã dán nhãn “truyện ngắn” rồi mà chị ấy vẫn phát hiện ra ngay là chuyện thật. Những người kể chuyện không phải với mục đích văn chương hay kể theo kiểu như thế. Tính có thật của một câu chuyện ảnh hưởng đến bạn đọc ở mức nào đó.
       Có nhiều người giống như bác sĩ Bích Thủy, và đó là những bạn đọc vô cùng tài năng. Dù người kể chuyện có bất tài thế nào đi chăng nữa, họ vẫn có thể dựa vào những chi tiết thô sơ để liên hệ đến đời sống, hình dung và tưởng tượng câu chuyện hoàn hảo trong tâm trí họ. Chỉ cần đưa cho họ một nắm hạt giống, họ sẽ nhìn ra ngay cả khu vườn trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu nhân loại toàn những người như thế, tôi tin rằng không cần phải có những nhà văn.
       Nhưng những nhà văn vẫn tồn tại, bởi vì có những người khác, như là bạn đọc Bu-lu-khin. Ông là đại diện cho những người từng trải, không dễ ngây thơ tin vào sự tưởng tượng của mình. Bạn bè ông rất nhiều văn nghệ sĩ, bản thân ông thì thích làm công việc chuyển thể tác phẩm văn học sang kịch bản phim. Bình luận của ông nhắc tôi rằng với yêu cầu của một tác phẩm văn chương thì cách kể chuyện của tôi là vô tổ chức và thiếu trách nhiệm. Bạn đọc của tôi là những người lớn, những người không còn nhớ cách hiểu một đứa trẻ nữa, vì họ từ lâu không còn sống như những đứa trẻ. Nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, trong tác phẩm “Hoàng Tử Bé” nổi tiếng của mình, đã chỉ ra mức độ hư hỏng nghiêm trọng của những người lớn. Nếu một đứa trẻ vẽ hình một con voi nằm trong bụng một con trăn khổng lồ do bị nuốt, người lớn nhìn vào lại tưởng đó là hình chiếc mũ. Đưa cho họ bức tranh vẽ con cừu bé bỏng, họ nhìn vào chỉ thấy hình chiếc hộp. Những nhà văn, những người trong tâm hồn vẫn còn là đứa trẻ, phải có trách nhiệm nhìn hộ họ.
       …
       Các độc giả đọc câu chuyện về Hiệp như tác phẩm của một nhà văn, nhưng tôi đã không hề giúp họ nhìn thấy trong công viên ngày hôm ấy đẹp như thế nào. Bầu trời thì xanh trong, nắng thì vàng lộng lẫy, những chú bướm rực rỡ tìm đến những bông hoa tươi thắm của mình… Nhưng tôi có để ý gì đâu, tôi chỉ nhìn thấy Hiệp.
       Họa sĩ Tuệ Hương thắc mắc là tại sao ngay từ đầu truyện tôi đã nhấn mạnh rằng “tôi không thích nó”. Có ý tứ gì ở đó mà họa sĩ Tuệ Hương đọc đến hết truyện vẫn không sao hiểu được? Làm sao mà Tuệ Hương có thể hiểu, trong khi ngay chính tôi cũng không hiểu cơ chứ! Nhưng tôi không thể viết khác. Bao nhiêu lần tôi muốn viết ra câu chuyện này, thì bấy nhiêu lần trong đầu tôi vang lên câu đầu tiên: “Tôi không thích nó”.
       Có phần nào đó trong con người tôi muốn chống lại tình cảm của tôi đối với Hiệp. Tôi đổ lý do cho chuyện Hiệp đã đòi các cô bạn tôi vẽ mặt. Với Hiệp khi ấy, thoa son phấn lên mặt đâu có ý nghĩa khác gì với việc dán những cánh hoa râm bụt, đó chỉ là một trò nghịch ngợm. Nhưng tôi phải có cớ để ghét Hiệp.
       Tôi ghét Hiệp, nhưng tôi lại mừng khi Hiệp về nhà tôi chơi chứ không phải là về nhà một cô bạn khác của tôi. Ở bên Hiệp tôi thấy vui và trong lòng cảm thấy ấm áp. Từ Hiệp tỏa ra một niềm hạnh phúc mà tôi không ý thức được rõ ràng. Tôi muốn nhìn thấy Hiệp cười, gương mặt Hiệp khi ấy rạng ngời đến mức mọi thứ xung quanh Hiệp đều bừng sáng.
       Chúng tôi đã vui vẻ biết bao! Nhưng khi Hiệp muốn xưng anh với tôi thì thật là bất ổn. Làm sao tôi có thể chấp nhận để cho một đứa trẻ mười tuổi xưng anh với tôi, một người lớn mười tám tuổi? Tôi phớt lờ ý muốn của Hiệp, không trả lời mà quay sang hỏi Hiệp rằng có phải Hiệp hay xem video không. Một người mười tuổi có lẫn lộn giữa chuyện phim ảnh và đời thực không? Không. Năm mười tuổi tôi đã biết rất nhiều, nhưng tôi vẫn mang bộ mặt ngây thơ, như Hiệp. Nhưng dù sao tôi cũng không hiểu nổi tình cảm lạ lùng đó của Hiệp, và tôi không thể chấp nhận. Hẳn là Hiệp đủ khôn ngoan để nhận thức được khó khăn ấy, nên không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa.
       Tôi muốn Hiệp sống cùng tôi, nên đã thuyết phục được bố tôi nhận nuôi Hiệp. Tôi thất vọng khi Hiệp từ chối, nhưng đồng thời cũng cảm thấy đỡ bị khó xử. Làm sao tôi có thể chịu nổi khi Hiệp bị bỏ ngoài hè với cánh cửa khóa, một cách cố tình? Song không thể không ngạc nhiên khi Hiệp từ chối bố tôi quá nhanh, không băn khoăn suy nghĩ, không chờ hỏi ý kiến người anh.
       Cuộc sống trôi đi theo cách mà người ta không thể dành thì giờ suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề. Tôi lãng quên Hiệp một thời gian, để rồi khi biết Hiệp đã ra đi, tôi lại cảm thấy mất mát và tự trách bản thân mình.
       Hình ảnh chú bé Hiệp vẫn ở trong tôi suốt hai mươi năm qua, đẹp đẽ và sống động. Cuối cùng tôi cũng viết ra những ký ức ấy, và độc giả giúp tôi nhìn thấy những khía cạnh khác. Nếu không có bạn đọc Bu-lu-khin, tôi không bao giờ nhận ra Hiệp là một chú bé khác thường, và không hề thấy những hành động của Hiệp là khác thường, trừ một lần Hiệp muốn xưng anh với tôi. Tôi thoải mái khi ở bên Hiệp và coi mọi việc Hiệp làm đều rất tự nhiên. Bạn đọc Bu-lu-khin cho rằng những hành động của Hiệp không phù hợp với một đứa trẻ mười tuổi, như người ta vẫn nghĩ. Hiệp đã không cư xử giống như một đứa em của tôi. Liệu có thể nào, Hiệp dứt khoát từ chối làm con nuôi của bố tôi chỉ vì không muốn làm em tôi?
       Trong suốt hai mươi năm, tôi vẫn nhớ Hiệp đồng thời vẫn phủ nhận tình yêu của Hiệp, vì tôi luôn khăng khăng cho rằng Hiệp là trẻ con, mà trẻ con thì không thể biết yêu, hoặc không được quyền yêu như người lớn. Tôi đối xử với Hiệp như thế, trong khi nếu có ai đó nhìn vào tuổi của tôi mà xem tôi như trẻ con, tôi sẽ phản ứng nếu có cơ hội. Bây giờ thì Hiệp không còn là trẻ con nữa, song tôi không biết đến người đàn ông ấy. Còn tôi thì đã chấp nhận để những chàng trai trẻ nào đó xưng anh với tôi, nói lời yêu tôi. Khi Hiệp mười tuổi thì họ chỉ vừa mới sinh ra chưa được bao lâu, nhưng khi họ biết đến tôi thì họ đã ở lứa tuổi đôi mươi. Tôi biết rằng khi yêu và được yêu thì người ta sẽ vui, nhưng tôi chỉ cho phép họ bày tỏ tình cảm ấy khi họ ở xa, và không nghĩ đến chuyện tạo cơ hội cho họ ở bên tôi với những ham muốn thân xác. Bởi vì thân xác dù có giỏi giang đến mấy cũng bị giới hạn vào thời gian và không gian ba chiều, không giống như linh hồn có thể đi đến bất cứ nơi đâu, bất cứ chiều nào trong vũ trụ nếu đủ năng lực.
       Bài học mà mãi sau này tôi mới học được, thì Hiệp đã cho tôi biết từ cách đây hai mươi năm, nhưng lúc đó tôi không hiểu. Bây giờ thì tôi không dám coi thường chú bé Hiệp ngày ấy như coi thường một đứa trẻ nữa, vì tôi đã biết Hiệp mang một linh hồn có sức mạnh kỳ lạ, linh hồn ấy vẫn theo tôi từng ấy năm qua.
       …
       Ôi những thể xác cao ngạo của chúng ta, luôn kiêu hãnh khi được xem là lớn, rồi lại tủi thân khi trở nên cằn cỗi già nua. Chúng ta càng ngày càng hiểu biết nhiều hơn, đồng thời càng hư hỏng nhiều hơn. Rất nhiều khi chúng ta đặt lợi ích của thể xác tạm bợ lên trên những khao khát của linh hồn vĩnh cửu. Chúng ta sợ hãi cái chết, trong khi cái chết là một đặc ân của đấng sáng tạo giúp chúng ta thay đổi, để chúng ta có cơ hội hồi sinh trong hình hài của những đứa trẻ, những kẻ có được hạnh phúc là không ngần ngại làm theo sự mách bảo của linh hồn.
       …
       Công viên năm xưa nay đã trở thành quán xá. Hoa vẫn nở nhưng là trong khu vườn khác. Đâu đó vẫn có những chú bé lang thang…
                                                                           Viết xong ngày 22 – 6 – 2014.

29 nhận xét:

  1. Sang thăm Ái Nữ với phần tiếp theo. Nhưng HA nghĩ câu truyện đã kết thúc ở phần 1.

    Đã là truyện ngắn hư và thực tác giả đều có quyền.

    Chủ nhật thanh thản an lành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HA nói phải, phần "ngoài hộp" đã kết thúc, còn đây là phần "trong hộp".

      Xóa
  2. Lần trước đã được đọc "quái văn" của bạn rồi, giờ chờ bạn định nghĩa tiếp xem phàn 2 này gọi là gì. Tôi không thể xếp nó vào truyện ngắn được.
    Còn việc nhà văn viết mà lại không thể hiểu được tại sao mình lại viết như thế, chỉ vì trong đầu luôn luôn nghĩ nó là phải như vậy, thì tôi chưa thông nhé! Nếu bạn đưa tác phẩm của mình cho công chúng đọc thì ít ra nó phải có một thứ logic nào đó để bạn đọc tiếp nhận, chứ không thể nói rằng đó là logic của riêng tôi, bạn không hiểu thì thôi! Tuy nhiên, ở bài viết này, bạn đã giải nghĩa cái logic đó rồi. Tôi hiểu rồi. Có điều phàn giải nghĩa nó lại nằm ngoài truyện ngắn.
    Hehe. Tôi bắt đầu rối lên rồi! Đúng là đang tập thể dục quá sức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây không phải chuyện người viết giúp cho người đọc thông, mà là người đọc giúp cho người viết thông đấy nhé. Tôi đóng vai nhà văn không phải vì văn chương, mà là để học hỏi những bài học mới về con người. Mỗi bạn đọc đối với tôi giống như một tác phẩm mà tôi phải tìm ra cách để tiếp cận.

      Bạn không cần phải rối, yên tâm là chẳng có ai dại dột đẽo chân cho vừa giày cả. Bạn không xếp entry này vào truyện ngắn cũng không sao, bác Bu cũng không thấy entry trước giống truyện ngắn lắm. Nếu in ra tôi sẽ xếp phần một và phần hai nối đuôi nhau nhưng tách bạch rõ ràng bằng cách ghi rõ thời gian viết và đăng trên blog. Bạn đọc và các nhà phê bình thích "dán nhãn" cho nó vào thể loại gì thì tùy họ. Còn nếu bạn muốn biết định nghĩa của tôi thì tôi xếp entry hai phần liên hoàn này vào thể loại văn "Chờ Hòn Sỏi Nở Hoa".

      Xóa
    2. Nhà văn và công chúng? Ừ có những trang blog kỳ công thật.
      Ái Nữ: đóng vai nhà văn để học hỏi những bài học mới về con người,mỗi bạn là một tác phẩm mà tôi phải tìm ra cách để tiếp cận.
      Chị đọc thì chỉ cần có vài chi tiết đắt giá gây rung chân tóc là thấy thích bài viết,nhiều khi các bạn đọc thông tuệ mổ xẻ xong chị ngác ngơ....tiếc.

      Xóa
    3. Ý kiến của chị Ong Nâu khiến Ái Nữ nhớ tới ví von của nhà thơ Xuân Diệu. Đại ý ông ấy nói rằng thơ văn giống như con cá vàng bơi lội tung tăng, cứ để nó bơi vậy thì nhìn thấy đẹp (còn đẹp đến mức nào thì chắc là tùy loại cá, hic hic), nhưng khi đem mổ xẻ ra để xem lòng ruột nó ra sao thì lúc ấy nhìn chẳng còn gì để mơ mộng nữa.

      Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có lẽ ác cảm ghê gớm với công việc của các nhà nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam nên ông gọi họ là "đồ tể văn học", thậm chí đã viết ra vở kịch "Mổ nhà văn". Ông cho rằng các nhà phê bình chỉ muốn các nhà văn (hay các tác phẩm) giống như những con vật nằm im không cựa quậy để cho họ dễ thọc dao.

      Nghe mà thấy khiếp! Đã làm nhà văn thì không nên yếu bóng vía, nếu yếu quá có lẽ cần tu luyện thêm hãy viết nếu không thì đời khó vui. Riêng trên blog thì không có "đồ tể", chỉ sợ những lời khen xã giao thôi. Người ta dễ mắc bệnh mà suy yếu vì xơi nhiều đồ ngọt. Hì hì...

      Xóa
    4. Đã làm nhà văn thì không nên yếu bóng vía?cần tu luyện thêm hãy viết để cho đời thêm vui.
      Trên blog thì viết là nhu cầu muốn viết thôi,mấy người có khả năng mạch lạc hay ho đến mức chỉ có lời khen, mà thích chưa chắc đã thèm khen đâu ạ.
      Có một câu chuyện chị đọc từ ngày còn nhỏ lắm,đã giúp chị sớm vỡ mộng văn chương,kết quả là cả đống sổ đầy chữ giờ ố vàng chỉ để đọc lại và tự thú vị một mình,khi văn minh hơn lưu trữ hàng trăm bài bổ và vô bổ vẫn thấy mình có cả một kho của,vẫn thấy rất vui.
      Ai làm đồ tể cứ làm ai viết cứ viết, trò hơn thua được mất thật vớ vẩn. Mà em ấy Ái Nữ ạ em đanh đá kinh đó thôi,chị đang tu luyện để cãi nhau với em cho sướng đây.

      Xóa
  3. Hương [Bạn đọc] 23.06.14@02:28

    Lần trước tôi cảm thấy hơi bị "quê" nên không dám "còm", bởi vì không lẽ lại chạy vào la lên:
    "Đọc xong câu chuyện AN kể, tôi đã bị lừa vì cứ tưởng đó là chuyện thật.
    Nhưng chỉ sau khi đọc các còm của mọi người thì mới hiểu ai cũng tỉnh táo, chỉ có mình là không chú ý xem "nhãn" nên không biết thôi"
    .
    Và tôi cũng dự định hôm nay sẽ vào khen AN có tài viết văn như thật.
    Ai dè... Phần 2 lại có nhanh quá!

    Cuối cùng thì tưởng bị lầm lại không phải là lầm.
    Đúng là cái chữ NGỜ thật là khó học!

    Ái Nữ[Blogger] Email 23.06.14@15:48

    Nhà văn Ái Nữ là một vai diễn, độc giả không cần tin những gì Ái Nữ viết là thật, bởi vì không ai có thể kiểm chứng. Bác sĩ Bích Thủy đã từng tin một chuyện kể của một blogger là thật (tác giả nói là chuyện thật), nhưng rốt cục mọi người lại thấy câu chuyện không thật.

    Trong entry này bác sĩ Bích Thủy đã trở thành một nhân vật đại diện cho trạng thái đọc của một số không ít độc giả, trong đó có bạn Hương, dễ dàng chấp nhận sự dẫn dắt của người kể chuyện, chỉ lắng nghe tình cảm của người kể chuyện mà không cần nghe những lời lý giải. Họ chỉ đọc tình cảm trong câu chuyện mà không có nhu cầu phân tích mổ xẻ câu chuyện, họ tin đó là chuyện thật vì họ có sự đồng cảm.

    Bạn đọc Bu-lu-khin đại diện cho một trạng thái đọc khác. Những người này không dễ động lòng vì những tình cảm ủy mị, họ luôn có ý thức phòng thủ trước những kẻ lừa đảo, luôn "bới lông tìm vết" mà đem so sánh những bằng chứng họ thu thập được đối chiếu với những kinh nghiệm sống thực tiễn của họ, với họ thì những "dấu tích" này chưa đủ giúp họ hình dung ra được nhân vật chú bé trong truyện, và họ có thể cảm nhận rằng tình cảm của nhân vật "tôi" trong phần một của truyện là rất "sến súa".

    Vậy bạn đọc phải đọc thế nào cho đúng? Bạn đọc luôn đúng, bất kể họ đọc theo cách nào. Chỉ có những nhà văn là không đúng với họ mà thôi. Chính vì thế mà cần phải có nhiều nhà văn, chỉ một vài nhà văn thì chẳng thể làm nên một nền văn học. Có những tác phẩm được xem là có giá trị nhưng rất ít người đọc. Một số người dù ít đến đâu vẫn cần được phục vụ, họ có thể là những người dốt nát nhất, hoặc là những người tiến hóa nhất. Với văn chương, tác phẩm có giá trị lâu bền mà ít người đọc thì độc giả của nó là những người rất từng trải, họ đi tìm những kinh nghiệm tâm linh mới lạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. '' Ôi những thể xác cao ngạo của chúng ta, luôn kiêu hãnh khi được xem là lớn, rồi lại tủi thân khi trở nên cằn cỗi già nua. Chúng ta càng ngày càng hiểu biết nhiều hơn, đồng thời càng hư hỏng nhiều hơn.''

      Tôi thích câu này.

      Xóa
    2. Ai cũng thích vừa trẻ trung tươi mới vừa có bản lĩnh "cáo già". Ha ha ha...

      Xóa
    3. Chính xác. Hồi năm ngoái bọn này hội lớp cấp 3 sau 24 năm ra trường, rượu tây tây rồi ôn chuyện yêu đương ngày đi học. Thằng nào cũng chung kết là giá mà mình có ''tư duy'' bây giờ để quay về hồi ấy, kkk... :))

      Xóa
    4. Định re-còm bác Hương bên BlogTV nhưng ko được, nên dán bên này.

      Khi đọc tôi không quan tâm có người thật hay không, miễn sao nhân vật đó sống được trong cái đầu của tôi, vậy tôi không lo bị tác giả lừa. Đối với tôi, nhân vật "Tôi" của chủ nhà thú vị hơn tất cả. Trong các câu chuyện và các còm nhân vật "Tôi" này nói năng, suy nghĩ thật thà, nên dễ thấy quá trình diễn biến hòa bình của chủ nhà. Ai không tin, xin mời xem lại từ đầu, nên xem, nhất là với những ai muốn làm quen với Ái Nữ hơn ở mức sỹ còm.
      Khi đọc Ái Nữ, đừng máy móc xếp thể loại văn thơ, không nên tìm ẩn ý cao siêu, thấy chũ thế nào hiểu như vậy, khi đó sẽ thấy dễ hiểu và đỡ bị đau đầu.

      Xóa
    5. @ Người Hà Nội
      Anh dán bên này thì bạn Hương chả nhìn thấy đâu. Nhưng tôi nghĩ bạn Hương không cần tham khảo cái re-còm này của anh. Còn những bạn đọc khác thì sao? Tôi không nghĩ văn chương là một thứ sản phẩm mà nhà sản xuất cần phải ghi ở ngoài bao bì: "Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng". Nếu người ta đọc văn của Ái Nữ mà trong trí óc họ bỗng hình dung đến những ý tưởng cao siêu thì có gì mà không hay đâu nhỉ?

      Xóa
    6. Chịu không dán còm được bên nớ. Phiền Bác Ái hỏi BQT BlogTV, họ có dùng Filter để thanh lọc những kẻ ngoại quốc không nhà không cửa không?

      Xóa
    7. Hôm qua tôi đã định dán hộ anh nhưng không thành công. Luôn hiện ra dòng chữ "Supplied comment is invalid". Tôi không biết gì về cái Filter ấy, nhưng lại có một kinh nghiệm mà tôi tin là anh chưa có. Sau khi đăng bài "Thay hồn đổi xác", tôi từng một hai lần bị gặp trục trặc khi đăng những comment cho bài ấy. Lúc đó tôi lang thang bên ngoài và dùng máy của quán internet, khi thấy hiện lên "Supplied comment is invalid" tôi liền nghĩ rằng hay cái máy này có vấn đề, liền chuyển sang máy khác đăng lại nội dung comment y như thế, cũng xảy ra y như vậy, tôi bèn đổi quán nhưng không đổi nội dung comment, tình hình không hề cải thiện. Song nếu tôi đăng một comment nội dung khác hẳn thì lại được ngay. Tôi vô cùng kinh ngạc. Con người thì làm sao có thể phản ứng nhanh như máy khi kiểm duyệt nội dung được?

      Một thời gian ngắn sau tôi đăng lại những comment với nội dung tương tự nhưng không còn giống y nguyên văn lần trước nữa, thì không gặp trở ngại nào. Tôi ngạc nhiên hơn khi nhận ra rằng nếu tôi đăng thành công cùng nội dung như vậy nhưng vào thời điểm trước thì tôi có thể đã gặp bất lợi, tức là sự kiểm duyệt "siêu hình" này có vẻ như bảo vệ tôi vậy, vào đúng cái entry tôi viết về vấn đề siêu hình theo kiểu siêu hình.

      Lẽ dĩ nhiên tôi mừng rỡ khi thấy năng lực siêu hình có thể bảo vệ tôi ngay cả trong những công việc hữu hình vô cùng cụ thể, trên một phương tiện có vẻ bất cần đấng tối cao như là máy tính. Nhưng cụ thể điều đó xảy ra như thế nào thì tôi không sao hình dung nổi. Sau đó không lâu tôi tình cờ đọc được giải thích cho một trường hợp thắc mắc, người ta nói rằng thỉnh thoảng họ chạy một chương trình chống quảng cáo trong đó cấm nhập những cụm từ nhất định nào đó, nếu nội dung chúng ta thực hiện đăng tình cờ có những từ khóa trùng với những từ cấm trong chương trình đó của họ thì chúng ta không thành công. Nhưng những chương trình như vậy chỉ có hiệu lực trong một thời gian rồi bị dỡ bỏ. Oh my God, thượng đế quả là hài hước ngay từ trong những việc nhỏ.

      Anh thử đăng một commen khác hẳn mà xem, tôi tin là không có trở ngại, bởi vì sau khi đăng cái còm trên của anh không được, tôi đăng cái khác gửi bạn Hương và thế là được ngay.

      Xóa
    8. Blog Việt có vẻ rất nhạy với những năng lực siêu hình, có lẽ chính vì thế mà các chức năng máy của họ khó hoàn thiện, nhưng họ có sự duyên dáng đầy bản sắc. Những blog có mục đích quảng cáo kinh doanh trên Blog Việt chưa bao giờ hiệu quả, những blog có xu hướng đấu tranh chính trị cũng không thể tìm thấy môi trường tốt ở đấy. Tôi đã quan sát nhiều blog "lấp ló" và thấy rằng điều này không phải do Ban Quản Trị kiểm soát, họ không thể nào có đủ trình độ và khả năng làm việc ấy, người ta có nghi oan nhiều cho họ.

      Xóa
    9. Có lẽ cụm từ
      Diễn biến hòa bin...

      Xóa
    10. Tôi đã kiểm tra lại và thấy phát hiện của anh hoàn toàn chính xác, nhưng tôi cũng tìm ra cách khắc phục, đó là chuyển sang chế độ in hoa toàn bộ các ký tự. Anh thử lại đi!

      Cách này của Blog Việt thật tinh vi, nhưng có lẽ không được thực hiện luôn luôn, vì trên Blog Việt vẫn có đủ cả quảng cáo và chính trị, họ còn chưa kịp hoạt động nhiều đến mức có được kinh nghiệm của tôi. Chúng ta thử chờ ba tháng sau đăng lại cụm từ này xem sao. Họ cũng không áp dụng cho các entry, vì tôi vừa đăng thử cụm từ "diễn biến hòa bình" dưới cùng của entry "Bạn tôi - Nhân vật" đã thành công, anh xem xong đi rồi tôi xóa. Có lẽ chưa bao giờ điều này xảy ra với các entry, vì tôi chưa hề nghe blogger nào phàn nàn cả.

      Xóa
    11. Bữa nay chủ Blog chỉ réo chứ không chịu mang qua đây treo lên làm phải nhảy qua nhảy về, "vất vả" ghê!:):

      "Người Hà Nội04:52 Ngày 26 tháng 06 năm 2014

      Định re-còm bác Hương bên BlogTV nhưng ko được, nên dán bên này.

      Khi đọc tôi không quan tâm có người thật hay không, miễn sao nhân vật đó sống được trong cái đầu của tôi, vậy tôi không lo bị tác giả lừa. Đối với tôi, nhân vật "Tôi" của chủ nhà thú vị hơn tất cả. Trong các câu chuyện và các còm nhân vật "Tôi" này nói năng, suy nghĩ thật thà, nên dễ thấy quá trình diễn biến hòa bình của chủ nhà. Ai không tin, xin mời xem lại từ đầu, nên xem, nhất là với những ai muốn làm quen với Ái Nữ hơn ở mức sỹ còm.
      Khi đọc Ái Nữ, đừng máy móc xếp thể loại văn thơ, không nên tìm ẩn ý cao siêu, thấy chũ thế nào hiểu như vậy, khi đó sẽ thấy dễ hiểu và đỡ bị đau đầu."


      Tôi đồng ý với nhận định "Trong các câu chuyện và các còm nhân vật "Tôi" này nói năng, suy nghĩ thật thà, nên dễ thấy quá DIỄN BIẾN HÒA BÌNH của chủ nhà" của bạn Người Hà Nội.

      Tôi cũng đã đọc không sót bài nào của chủ chủ Blog từ lúc nói chuyện nghe chua lè đến lúc ngọt ngào dễ thương và câu nào tôi cũng nghĩ là... thật.


      Xóa
  4. Tôi lại lúng túng với cách chọn hồ sơ nên biến thành kẻ nặc danh, khổ ghê!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác thì "khổ ghê", bác thì "khổ quá". Tôi nghĩ món "khổ qua" vẫn ngon hơn.

      Xóa
  5. Hì! Vui quá lại được gặp NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG ở đây rồi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Người của công chúng" nào, ở đâu? Sao tôi không thấy hả Gái Núi?

      Xóa
    2. Người Hà Nộilúc 11:22 2 tháng 7, 2014

      - Hì! Vui quá lại được gặp NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG ở đây rồi !
      - Sao tôi không thấy hả Gái Núi?
      - Sao NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG không dùng gương?

      Xóa
    3. Người ngoài gương khác với người trong gương, giống như Người Hà Nội màu đen khác với Người Hà Nội màu xanh. Hì hì...

      Xóa
  6. Cảm nhận từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email 01.07.14@13:51

    Tất nhiên cuộc sống là lựa chọn nhưng chắc chắn trước mỗi lựa chọn là sự nhận biết. Quyết định của cu Hiệp thì có gì đáng phải ngạc nhiên? Phải chăng bạn Ái Nữ vẫn còn non trẻ đến độ phải bận tâm đến một điều không thể bình thường hơn như thế. Đã quá nhậy cảm khi nghĩ quyết định của cu Hiệp là vì không muốn làm em bạn Ái Nữ. Và nếu như lời từ chối ấy ko như suy nghĩ của bạn Ái Nữ thì sao...nhỉ. Nhưng bạn Ái Nữ có biết điều vô lý hất trong cuộc sống này là gì không? Điều đó là phải lựa chọn - thật nghiệt ngã. Tại sao ko sống như mình muốn mà phải lựa chọn? Tại sao ko từ chối lựa chọn nếu không như mình muốn? Tất nhiên điều ta muốn đâu phải ai cũng muốn. Lang thang đôi khi chỉ vì muốn...

    Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 01.07.14@14:47

    Cảm ơn cái còm này của bạn!
    "Nếu không có bạn đọc Bu-lu-khin, tôi không bao giờ nhận ra Hiệp là một chú bé khác thường".
    Đoạn phát triển này dựa trên "các trạng thái đọc" của người đọc. Những người thích bay bổng họ thích đoạn này hơn. Còn tôi, thú thật là tôi chả hiểu tại sao tôi vẫn còn viết văn nữa, chắc chỉ là sự tình cờ thôi. Tôi cũng muốn lang thang lắm, có điều tôi cũng sợ bị bỏ đói. Hu hu...

    Trả lờiXóa
  7. Những ngày vừa qua mải xem bóng đá và ngại đọc những truyện "ngắn" nhưng viết khá dài của AN nên hôm nay mới đọc lại từ đầu cả hai phần phần đầu và phần phát triển .Về nội dung tôi khôn nói gì thêm vì mọi người đã nói nhiều rồi. Chỉ có chi tiết câu bé đề nghị nhân vật "TÔI "gọi nó là ANH và nó gọi "TÔI" là EM thì tôi không ngạc nhiên vì trong thực tế có những trường hợp có nhũng cậu bé yêu người lớn tuổi như chị mình là có thật. Ví dụ trường hợp nhà thơ Hoàng Cầm yêu chị Vinh (lúc đó đã 20 tuổi ) khi ấy Hoàng Cầm chỉ là cậu bé cỡ tuổi như câu bé trong truyện của AN.Chỉ có điều HC yêu âm thầm từ đó cho đến lúc chị Vinh đi lấy chồng ,có con rồi tình yêu ấy vẫn cháy âm ỉ .Vì thế mới có bài thơ bất hủ LÁ DIÊU BÔNG. Trong truyện ngắn của AN cậu bé đường đột đề nghị đổi cách xưng hô song có lẽ nhân vật TÔI không nhận ra tình cảm của cậu bé mà lại cho rằng đó là do ảnh hưởng của video .Tình cảm thật của cậu bé như thế nào lúc đó chỉ cạu bé mới xác định được . Còn HC khi kể xuất xứ của bà thơ LÁ DIÊU BÔNG đã thú nhận mình yêu thật sự với tình yêu nam nữ chứ không phải tình yêu của một đứa trẻ. Nhân vật TÔI sau 20 năm vẫn nhớ tới chú bé Hiệp song tình cảm thật sự với cậu bé (từ l10 tuổi) cho đến bây giờ như thế nào thì cũng chỉ nhuxmg người trong cuộc mới biết được. Vậy AN có thể nói rõ thêm chăng ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã trả lời câu hỏi này của bác bên Blog Việt.

      Xóa