Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Dưới giàn hoa

Truyện ngắn của Ái Nữ

        Trước cửa nhà ông trưởng phòng đào tạo có một giàn hoa giấy. Dưới giàn hoa giấy có một con chó. Con chó được xích vào một cái cột.
       Mọi người đều sợ con chó vì nó thuộc giống chó "béc" có bộ dạng hung dữ. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Con chó rất buồn vì không ai hiểu nó, kể cả ông chủ của nó nữa.
       Nhà ông trưởng phòng đào tạo ít khi có khách vì ông suốt ngày bận rộn với công việc của nhà trường. Cán bộ và sinh viên khi có việc đều đến tìm ông ở phòng đào tạo. Ông tiếp họ ở đấy. Khi về nhà là lúc ông cần được nghỉ ngơi nên ai cũng ý tứ không muốn làm phiền ông.
       Tuy vậy, thỉnh thoảng ông trưởng phòng đào tạo vẫn bị quấy rầy bởi những việc quan trọng gấp rút. Cuộc đời là thế, dẫu không muốn người ta vẫn cứ phải làm phiền nhau. Con chó thấy có người đến nhà thì vui lắm, khách lại là các anh chị sinh viên tươi trẻ thì nó càng thích. Nó muốn quấn lấy chân khách nhưng ông chủ kéo xích ghìm nó lại, động tác này làm cho khách sợ nó hơn. Vậy là nó đành bất lực.
        Cả ông chủ cũng không mấy khi quan tâm đến con chó của mình. Ông chỉ biết cho nó ăn, dắt nó đi vệ sinh, vỗ vỗ nó vài cái. Ông đâu hiểu tâm tư của nó.
       Cho nên nó cam phận quẩn quanh bên cái cột dưới giàn hoa giấy. Gắn bó với xích sắt, nó am hiểu các loại xích chó và nó biết càng ngày người ta làm xích càng dở hơn. Ngay như cái xích đang đeo cổ nó đây, dẫu trí khôn của nó không được như người cũng đủ giúp nó thoát ra dễ dàng. Nhiều lần nó toan tháo xích đi chơi nhưng lại thôi. Nó không muốn ông chủ phải lo lắng. Vả lại nó không biết người ta sẽ đối xử với nó ra sao khi thấy nó chạy ra đường.
       Những vòng sắt nối nhau cẩu thả không giữ được con chó, nhưng một sợi xích vô hình đã buộc nó ở trước cửa nhà ông trưởng phòng đào tạo.
       Một ngày nọ, con chó thấy một cô sinh viên đến nhà mình, trên tay cô cầm một tờ giấy - có lẽ là một lá đơn. Ông trưởng phòng đào tạo không có nhà. Con chó mừng rỡ nhảy xổ ra đón cô gái, suýt đứt tung cả xích. Cô sinh viên mặt tái xanh tái xám vì tưởng nó có ác ý. Cô giật lùi hai bước rồi...chạy. Con chó nhận ra sai lầm của mình, buồn nản quay về chân cột.
       Con người hay nói đến sự tự do mà họ gọi là "tự do trong khuôn khổ". Nó có tự do không? Nó không được tự do đi lại, không được tự do biểu lộ tình cảm. Nó chỉ được tự do suy nghĩ mà thôi. Nó sinh ra trên đời này để làm gì? Tại sao nó bị xích ở đây? Vì sao không ai thương nó?
       Chán chường, con chó nằm xoài ra ngẫm nghĩ. Nó mải nghĩ đến nỗi một cánh hoa giấy rơi lên mũi nó, nó cũng không buồn động đậy.
                                                                           Tháng 7 - 1999

12 nhận xét:

  1. Con chó của bạn tự do ấy chứ! Tự do của loài chó trong xã hội loài người. Không biết bạn đã từng đọc " tiếng gọi nơi hoang dã" của J. London chưa? Con chó sống trong môi trường tự nhiên của nó nó có Tự do không? Tôi nghĩ nó cũng không dám một mình mà sủa trước mặt một con sư tử đâu!
    Chúc bạn viết được nhiều truyện hay hơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sinh linh nào cũng có tự do theo cách của mình.

      Xóa
    2. Nó chỉ được tự do suy nghĩ mà thôi. @trích

      Nói thật, tôi nghi ngờ điều này. Nó nằm dưới dàn hoa, và nghĩ: bầu trời chỉ toàn hoa, và là hoa màu đỏ. Liệu suy nghĩ ấy có phải là suy nghĩ ko ? Rõ ràng nếu nó được tự do, bước ra đường, sẽ thấy ngay bầu trời ko phải chỉ toàn hoa. Và nếu nó ghé nhà cô bạn hàng xóm, nó sẽ biết thêm trên đời còn có loại hoa xanh hoa tím hoa vàng ..

      Suy nghĩ chỉ đáng là suy ngĩ nếu dựa trên thông tin đầy đủ, thiếu thông tin mà suy nghĩ chỉ có thể gọi là mơ mòng .. Và muốn có đủ thông tin thì dĩ nhiên cần có tự do.

      Câu chuyện này làm tôi nhớ đến Hồ Hữu Tường và loạt bài Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình của ông.

      HHT làm quân sư cho Bình Xuyên, bị ông Diệm kết án tử hình vào cuối thập niên 195x. Nhờ giới trí thức Anh Pháp, như nhà văn Albert Camus, .. can thiệp, ông ko được minh định tha tội tử hình, nhưng cũng ko bị thi hành án ngay mà đưa ra nhốt ở Côn Sơn. Trong phòng giam tử tù, ông ngồi viết Trầm Tư về Vũ trụ, về Hòa bình, về nạn đói ... Dù vẫn trầm tư, nhưng ông cũng thú nhận cái án tử hình như khối nam châm khổng lồ, uốn cong các tia sáng đi gần nó .. Một trường hợp khác cũng khá giống là Trần Đức Thảo với những trang viết cuối đời ở Paris ..

      Xóa
    3. Vẫn là suy nghĩ. Anh đang suy nghĩ đấy thôi!
      Còn đáng hay không đáng thì tôi không dám bàn.

      Xóa
  2. "Con chó mừng rỡ nhảy xổ ra đón cô gái, suýt đứt tung cả xích". Ở câu này thì rõ là con chó tự do biểu lộ tình cảm của nó ấy chứ. Sợi xích đâu có ngăn được nó biểu lộ sự mừng rỡ.
    Ông cán bộ này là người cẩn trọng, không ít con chó không xích thì cắn người!
    Tự do thực sự chỉ có trong chính bản thân mình. Bên ngoài chỉ là hoàn cảnh. Hoàn cảnh thì thay đổi và chỉ có giá trị tại thời điểm đó. Nội thể mình chưa tự do được thì làm sao nói đến cái tự do ở bên ngoài.
    Với một người thực sự tự do thì hoàn cảnh nào họ cũng tự do

    Trả lờiXóa
  3. Bàn đến chuyện "có tự do không" thì có mà bàn đến... tháng 10, bạn ơi! Tự do chỉ là thứ người ta mơ mộng, mơ ước thôi! Chúng ta luôn ở chỗ "tự do trong khuôn khổ". Hàng ngày tôi cũng nằm dưới giàn hoa giấy và thỉnh thoảng cũng suy nghĩ đến nỗi hoa rơi xuống mũi mà chẳng buồn phủi đấy, bạn ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải là bàn đến tháng 10, mà là đến tháng 10 tôi mới... bàn với OM. Hì hì...

      Xóa
  4. 1- Chuyện của bạn đạt một yêu cầu là NGẮN (Không đến nỗi phải đọc nhiều kì)
    2- Đến như chúng ta cũng chỉ được "tự do trong khuôn khổ" huống là chó. Chỉ nói tự do không thì sợ xã hội loạn, không cho tự do thì dân tìn oán thán. Cho nên người ta phát minh ra khái niệm tự do trong khuuon khổ - độc nhất vô nhị trên thế giới này
    3- Tại sao chú chó không nằm dưới dàn mướp, dàn bầu mà là dàn hoa giấy? Hoa là nụ cười của đất nhưng cũng chỉ là giấy. Với giống chó thì chỉ thấy hai mầu đen và trắng. Một cái đẹp rơi vào mũi nó chỉ là màu đen. Cái đẹp không thật với chó, may ra chỉ thật với người...Nó nằm yên là phải

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Tôi sẽ post một truyện ngắn không ngắn, nhưng cũng chỉ dài gấp khoảng hai chục lần như thế này thôi, đăng trong một kỳ.

      2. Nhiều khi người ta tự tạo "khuôn" cho cái tự do của cá nhân mình chứ không phải là do những người khác trong xã hội cưỡng bức. Thí dụ cụ thể như một chuyện liên quan đến truyện ngắn này. Thời đó bí thư đoàn trường đại học mời tôi lên để "phỏng vấn" về chuyện tôi viết một bài liên quan đến kết nạp và gia nhập Đảng (đăng trên trang nhất báo Tiền Phong), bài viết ấy có đưa những thí dụ ngay trong trường tôi học khiến nhà trường rất "nóng mặt". Tại văn phòng, tôi "buôn" chuyện làm cho mọi người cười suốt, người ở các phòng khác cũng tò mò nghé vào xem. Rồi tôi bảo tôi sẽ viết truyện "Con chó của ông trưởng phòng đào tạo", vì con chó nhà ổng nằm dưới giàn hoa giấy trông rất mơ mộng. Cũng phải nói thêm là ông trưởng phòng đào tạo của chúng tôi lúc ấy có đặc điểm là nhìn sinh viên trước mặt mình cũng như nhìn chỗ không người, nói chính xác hơn là ổng... không thèm nhìn hoặc không cần nhìn, hoặc mắt ổng có tật lác kiểu đặc biệt mà tôi không biết nên nghi oan cho ổng (sau này ổng còn làm đến chức hiệu trưởng). Đã trót nói ra như vậy lúc vui chuyện nên sau khi về tôi viết thật, kẻo người ta cho tôi là kẻ nói dóc. Hồi ấy tôi viết tay các bản thảo rồi đem photo. Khi đem đến hiệu photo mà tôi vẫn hay photo tài liệu sách vở thì không ngờ anh chủ hiệu không chịu photo cho tôi tác phẩm này, dứt khoát bảo đem đến chỗ khác mà không thèm phân trần giải thích. Anh này là nhân viên văn phòng hành chính của trường tôi học, chỉ có thế thôi. Tất nhiên hiệu photo khác làm cho tôi mà không thắc mắc gì, họ cũng không biết đó là tác phẩm nổi tiếng trong trường y từ lúc nó chưa được viết ra và chưa ai biết nội dung của nó, họ mới chỉ nghe cái... tít. Có nhiều cái "khuôn khổ" nó buồn cười thế đấy. "Buồn cười" là từ của người miền Bắc, người miền Nam hình như không dùng, họ dùng từ "mắc cười". Nhiều khi người ta cười là vì "buồn" với "mắc". Hì hì... Vào năm 2000, anh nhà văn mà tôi gặp trong ký túc xá trường viết văn Nguyễn Du đã phàn nàn về cái tít "Con chó..." nên bảo tôi đổi nó đi, ảnh gợi ý nhan đề "Dưới giàn hoa", tôi nghe hợp lý nên đặt lại tên truyện như vậy.

      3. Theo tôi thì loài chó cũng biết cảm thụ cái đẹp, nếu không thì tại sao chúng có thể bày tỏ thái độ yêu ghét? Thị giác của chúng chỉ phân biệt được hai màu đen trắng, nhưng khứu giác của chúng thì con người không thể sánh kịp. Tôi đặc biệt thích hình ảnh trong câu cuối truyện, đồng thời rất thích cách nhìn của bác Bu.

      Xóa
  5. Một độc giả hỏi nhà văn
    - Sao ngài viết dài vậy
    - Vì tôi chưa đủ tài năng để viết ngắn hơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó cũng là lời phàn nàn và câu trả lời cho truyện ngắn mà tôi sắp post ở trang này.

      Xóa