Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Những điều kỳ diệu làm nên văn học

Tác giả: Nguyễn Thanh Sơn

       Nhiều người trong chúng ta còn nhớ câu chuyện về chú bé người gỗ Bu-ra-ti-no đã tìm ra bí ẩn của chiếc chìa khóa vàng như thế nào. Hẳn chúng ta còn nhớ, bếp lửa reo vui, nồi súp bốc khói trong ngôi nhà của bố Các-lô chỉ là bức vẽ treo trên tường an ủi ông trong những cơn đói triền miên. Và hẳn, chúng ta cũng biết, khi cái mũi dài nghịch ngợm của Bu-ra-ti-no xuyên thủng lớp vải mục của bức vẽ, chú đã tìm ra cánh cửa gỗ dẫn tới một điều kỳ diệu. Một điều kỳ diệu với ánh sáng xanh huyền ảo, âm nhạc  diệu kỳ và một cuộc sống mới.
       Các bạn có nhận thấy bức tranh vẽ nồi súp đặt trên lò sưởi  đó chính là văn học của chúng ta, và chúng ta, những độc giả, chính là vô vàn chú bé Bu-ra-ti-no ấy. Chúng ta trông đợi gì ở văn học? Hẳn không phải một bức tranh vải đã mục nát. Chúng ta đi tìm một cái gì quí giá hơn đằng sau những dòng chữ ngoằn nghèo trên những tranh giấy trắng. Chúng ta đi tìm cánh cửa gỗ sồi mà một nghệ nhân đã làm ra từ lâu lắm rồi.
       Bất cứ một tác phẩm văn học nào - nếu không muốn chỉ trở thành bức tranh lừa mị lúc đói lòng - phải chứa trong nó cánh cửa dẫn tới một điều kỳ diệu.

       Cánh cửa gỗ trong một  truyện cổ tích thông thường sẽ dẫn Bu-ra-ti-no và các bạn của chú tới một kho báu khổng lồ, và một kết thúc truyền thống sẽ là bác Các-lô  sống sung sướng như một ông hoàng cho đến tận cuối đời. Nhưng trong Chiếc chìa khóa vàng, cánh cửa gỗ lại dẫn đến một sân khấu múa rối khác, nơi Bu-ra-ti-no diễn lại câu chuyện về chính bản thân chú, và trên sân khấu mới, chú bé người gỗ sẽ lại mở ra một cánh cửa kỳ diệu, cánh cửa đó sẽ lại mở vào một sân khấu mới… cứ như vậy cho tới vô tận. Không có cánh cửa đầu tiên cũng như không có cánh cửa cuối cùng.
       Nếu như  chúng ta có thể làm một lát cắt xuyên qua các lớp thời gian ở thời điểm Bu-ra-ti-no đẩy cánh cửa, chú bé gỗ sẽ thấy một số lượng vô tận các chú Bu-ra-ti-no nhỏ dần đang gắng sức dẫn đầu đoàn người tiến vào những hành lang tối om dẫn đến cái sân khấu múa rối vĩ đại có tên là Cuộc đời. Câu hỏi sẽ là, tại sao Bu-ra-ti-no vẫn quyết định đẩy cánh cửa, vì sao chú quyết định trò múa rối diễn ra trên sân khấu đó vẫn chính là câu chuyện về cuộc đời chú?
       Phải chăng vì Bu-ra-ti-no biết, chú có được chiếc chìa khóa vàng-niềm tin của chú rằng, không phải đâu đó đằng sau cánh cửa kia có một điều kỳ diệu - mà bản thân câu chuyện của chú, cuộc sống của chú chính là một điều kỳ diệu, và cho dù hành động của chú được qui định do chú hay một siêu Bu-ra-ti-no nào khác thì điều ấy cũng không quan trọng - quan trọng là niềm tin bản thân cuộc sống của chú là một điều bí ẩn.
        Cuộc sống của con người sẽ ra sao nếu thiếu niềm tin bản thân mình là điều kỳ diệu nhất trong các điều kỳ diệu, rằng cuộc sống của mình còn có có những cánh cửa mở sâu vào đến vô tận, và những điều bí ẩn vẫn còn đó sâu thẳm trong tâm hồn mình, chờ mình khám phá? Cuộc sống của chúng ta là một tiểu vũ trụ nằm trong một đại vũ trụ vô tận của cuộc sống, vừa là một đại vũ trụ hàm chứa trong nó vô số những tiểu vũ trụ khác nhau, và càng đi sâu vào trong cuộc sống cá nhân của mình, chúng ta càng thấu hiểu cuộc sống ngoài mình. Chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc sống khi chúng ta thấy những cố gắng của chúng ta hình thành một mắt xích vô cùng nhỏ nhoi trên con đường tiến hóa của Tự nhiên và Lịch sử. Ðánh mất niềm tin ấy, chú bé người gỗ sẽ cho diễn một trò diễn khác, cuộc sống sẽ đi chệch khỏi vòng xoáy ốc vĩ đại của mình, và thế là bản thân chú bé người gỗ và câu chuyện tuyệt diệu về cuộc đời chú cũng sẽ không còn tồn tại.
       Cánh cửa gỗ trong căn nhà của bác Các lô chính là điểm cắt của các lớp thời gian. Bu-ra-ti-no hẳn không ý thức được tại sao hình ảnh của chú  lại được chạm ngay trên cánh cửa mà chú khám phá, chú chắc không ý thức được khi bước qua cánh cửa, chú đã bước vào chiều thứ ba của thời gian. Chiều thứ ba của thời gian chính là bề dày của các lớp thời gian đến trước, của những hồi ức, kỷ niệm của quá khứ, và có khi ngay cả những kinh nghiệm vô thức của những tiền kiếp. Sáng tạo văn học nghệ thuật, suy cho cùng, là sự thể nghiệm các cách kết hợp khác nhau của những lớp thời gian này hòng giải tỏa nỗi sợ hãi bản năng của con người đối với cái chết, là mong muốn kéo dài thêm cuộc sống của mình trên thế giới này bằng cách sống nhiều hơn với những giây phút hữu hạn của cuộc sống. Người ta đã tạo ra những đại lượng để đo đếm độ dài của thời gian, nhưng chưa có một đại lượng nào để đo chiều sâu của thời gian đó. Chiều thứ ba của thời gian là vô tận, và chính trong chiều sâu thăm thẳm chưa được khám phá của nó, các nhà văn sẽ không còn cảm thấy mình bị ràng buộc bởi cái hữu hạn của những số đếm. Những ngày tháng năm thế kỷ thiên niên kỷ sẽ thật nhỏ bé khi ta so sánh với sự phức tạp của các lớp thời gian. Nếu như độ dài của thời gian là thời gian của con người, thì độ sâu của nó là thời gian của Ðấng Sáng tạo.
       Thế kỷ mà chúng ta đang sống là thế kỷ của sự khủng hoảng lòng tin vào tương lai, vào tất cả những điều kỳ diệu đã từng tồn tại trên trái đất này. Những nhà văn lớn như  G. Steiner trăn trở “ngày nay thi sĩ có thể tồn tại được hay không?” hay “sau Lò Thiêu mà còn làm thơ thì thật là vô nhân”… Người ta nói rất nhiều đến những cái chết: cái chết của lịch sử, cái chết của âm nhạc, cái chết của tiểu thuyết, cái chết của thơ… Ðằng sau những tuyên ngôn khá ồn ào về những cái chết được báo trước ấy là nỗi âu lo của chủ nghĩa nhân văn sau hai cuộc đại chiến: liệu tiến bộ về khoa học kỹ thuật có đi kèm với tiến bộ trong đạo đức hay không, liệu xã hội loài người có thực sự tiến bộ về mặt xã hội hay không? Tại sao trong thế giới hiện đại ngày nay vẫn còn những “cánh đồng chết” ở Campuchia, còn những Somalia, Rwanda…? Con người phải làm gì trong một thế kỷ như vậy, một thế kỷ mà dường như ngày tận thế đang đến gần?
       Con người phải chống lại những u ám đó bằng hi vọng ở những điều kỳ diệu, và vũ khí của họ là văn học nghệ thuật. Sự trở lại của những bản anh hùng ca, những Harry Porter, Chúa tể của những chiếc nhẫn chứng tỏ khao khát của con người đối với những điều kỳ diệu. Không phải ngẫu nhiên câu chuyện về cuộc chiến đấu của chú bé Harry Porter chống lại Chúa tể của Bóng tối lại làm say mê hàng trăm triệu người: đó là cuộc chiến của hi vọng chống lại tuyệt vọng, của điều kỳ diệu chống lại cái tầm thường.
       Sự tuyệt vọng của cái tầm thường đang giết chết văn học của chúng ta. Trong khi thế giới đang đầy những âu lo về một cuộc sống ngày mai, văn học Việt Nam phớt lờ ngày mai, bởi vì chúng ta thiếu cả niềm tin vào sự tồn tại của những điều kỳ diệu ở ngày hôm nay. Khác với quá khứ, cái tầm thường của thời hiện đại hoạt động với một tốc độ lớn, và trong khi quay cuồng theo những bước đi của khoa học, con người đứng trước nguy cơ đánh mất cảm quan về độ sâu của thời gian, thiếu đi những “điệu nhảy chậm” vốn dĩ có thể giúp chúng ta đi sâu vào bên trong tâm hồn, suy ngẫm và tìm ra ý nghĩa của cuộc sống chính bản thân chúng ta. Những từ ngữ đẹp đẽ như “tình yêu, “cái đẹp”, “sự trong sáng”, “chân lý” khiến cho các nhà văn Việt Nam cảm thấy bất an, cứ như những điều kỳ diệu như vậy không thuộc về thế giới văn chương tầm tầm quen thuộc của chúng ta. Văn học của chúng ta ngày nay không có sự say đắm những điều kỳ diệu.
       Rất giống với cái cảm giác lạ lùng của người Việt Nam lần đầu bước chân ra nước ngoài. Biển quá xanh, trời quá cao, nắng quá trong, con người quá yên bình nhưng cũng không đem lại cho chúng ta cảm giác thanh thản, vì luôn luôn canh cánh trong lòng  cảm giác nghi ngại, đề phòng:  tất cả vẻ đẹp đó không dành cho mình, vẻ đẹp này là giả tạo…Chẳng mấy ai cảm thấy an tâm ở nước ngoài, vì một môi trường trong sạch làm những nhỏ nhen, toan tính của chúng ta trông thật thảm hại. Chỉ khi nào chúng ta quay lại với những đường phố chật hẹp bụi bặm, những chiếc xe chen chúc nhau xả khói, chúng ta mới thở phào yên tâm: thế giới của chúng ta đây rồi, môi trường của chúng ta đây rồi! Văn học Việt Nam, vì vậy, không sáng tạo thêm được những huyền thoại, những anh hùng ca. Chúng ta không viết được sách cho trẻ em - bởi vì bản thân chúng ta cũng không tin vào những câu chuyện kỳ diệu. Chúng ta không có những câu chuyện tình yêu mê đắm lòng người, vì tất cả những gì nói về sự kỳ diệu của tình yêu bị chúng ta thầm kết tội là “sến”. Giống như  câu hỏi trong một bài hát cũ  “how I can survive this romance?” - dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi - chúng ta không chuẩn bị cho mình đối với sự tồn tại của những cái kỳ diệu.

       Bertolt Brecht nói “không có nền nghệ thuật lớn nếu thiếu tư tưởng lớn”. Bước vào một thế kỷ chắc sẽ còn hắc ám hơn thế kỷ mà chúng ta vừa trải qua, tư tưởng lớn của chúng ta là gì? Nhà văn Nhật bản Kenzaburo Oe cho rằng “chủ nghĩa nhân văn hiện đại là không quá tin tưởng vào con người, và cũng không quá tuyệt vọng vào con người”. Văn chương của chúng ta có lẽ nên như vậy. Thời hiện đại đòi hỏi chúng ta một cái nhìn khe khắt hơn, thậm chí đôi khi cay đắng hơn đối với thực tại, nhưng trong cay đắng, trong sự khe khắt của trí tuệ, chúng ta vẫn gìn giữ được lòng tin vào những phép lạ của cuộc sống. Và đó chính là sự quay trở về của một chủ nghĩa lãng mạn hiện đại.
14-01-2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét