Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Phê bình văn học của tôi

Tác giả: Nguyễn Thanh Sơn

-1-
       Không có âm thanh nào lại xóa đi những ước lệ về thời gian bằng những âm thanh của biển. Nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng rì rào của sóng vỗ, của cảm giác buồn mênh mông trước cái vô hạn của biển, tưởng như cả Trái đất đang trở lại với lứa tuổi còn nằm nôi, chỉ có cảm giác yên bình của một nỗi buồn  êm đềm.
       Tôi nhớ lại bức tranh Con quỉ ngồi của Vrubel. Nhớ lại vẻ mặt buồn và cô độc của người khổng lồ trên đỉnh núi, tay buông thõng và chìm đắm trong suy tưởng. Trong suy tư, con người đó đang cố gắng thoát khỏi xác thịt của mình, hòa vào không gian và thời gian đang đặc sánh xung quanh, để thoát khỏi nỗi cô đơn vĩnh viễn đang đè nặng trĩu trong tim.
       Người ta thường hình dung về nhà phê bình như một ông già đeo kính, loay hoay viết chú giải cho những cuốn sách - còn tôi, tôi sẽ hình dung về người viết phê bình như một con người thường xuyên ngồi suy ngẫm.
       Suy ngẫm trước hết tại sao anh muốn viết phê bình? Tại sao mọi người gọi anh là nhà phê bình văn học? Nếu cứ tin theo các định nghĩa gần đây, người viết phê bình văn học hẳn là một “động vật lai”: một phần là người bạn tâm giao, một phần là người thầy, một phần là bác sĩ tâm lý trị liệu cho nhà văn. Một thứ “u già” có trách nhiệm chia sẻ, định hướng, khen ngợi, khuyên bảo… Nhà phê bình nói một cách quả quyết: tôi hiểu cuốn sách này, tôi biết nó nói gì, và tôi muốn hướng dẫn cho độc giả cùng hiểu nó. Nhà phê bình nói một cách cao ngạo: tôi hiểu cuốn sách này còn hơn tác giả của nó, tôi biết tại sao anh ta viết thế này, tôi biết cả những gì ở phía sau những dòng chữ của tác giả, tôi có thể giải mã cho những ám ảnh của tác giả trong cuốn sách của chính anh ta. Nhưng ít ai tin rằng, nguyên do của công việc viết phê bình đôi khi thật đơn giản: tôi viết phê bình vì tôi yêu những cuốn sách và tôi yêu thích công việc viết về chúng.

       Suy ngẫm về mối quan hệ của nhà phê bình với tác giả. Phải chăng chỉ có tác giả là Người Sáng Tạo, còn nhà phê bình là người mô phỏng và diễn dịch,  làm “sang giá và sáng giá” tạo phẩm đó? Nhưng con đường từ suy đoán đến võ đoán chỉ cách nhau một sợi chỉ mỏng manh. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn Việt Nam hay coi thường các nhà phê bình. Sợ hãi không dám trình bày những suy tư cá nhân, nhiều nhà phê bình thường gán ghép những ý nghĩ của họ vào tác phẩm mà họ nghiên cứu, lén lút vứt đứa con sơ sinh của mình lên bậc thềm nhà khác. Những nhà văn cười cợt những ý tưởng cao siêu mà người ta áp đặt cho họ, cho tác phẩm của họ – đứa con hoang hiếm khi được những bàn tay ân cần đưa vào trong nhà!
       Nhiều nhà văn hăng hái giải thích cho những nhà phê bình, rằng chỉ có họ mới là Người Sáng Tạo đích thực, và nhà phê bình-những kẻ ăn theo-sẽ không bao giờ có thể hiểu nổi những giây phút “thần hứng”, những lý do sâu thẳm khiến họ sáng tạo nên tạo phẩm của họ. Mối quan hệ của các nhà văn với tác phẩm của họ cũng giống như mối quan hệ của bố mẹ với con cái: rất ít người chịu chấp nhận ý nghĩ là một khi chúng ra đời, cho dù chúng có là một phần máu thịt của họ, chúng cũng không còn hoàn toàn là của họ nữa, và chúng có số phận độc lập của chúng. Họ không hiểu rằng, nhà phê bình ít khi quan tâm đến những giây phút thần hứng ấy của họ. Là những kẻ ích kỷ, nhà phê bình đang mải chăm lo cho những giây phút  thần hứng của mình.
       Họ không biết rằng,  nhà phê bình có thể đến nhà uống trà đọc báo, nói chuyện thời tiết hay khai lý lịch với ông bố bà mẹ của các tác phẩm, nhưng tình yêu của nhà phê bình là dành cho con cái của họ cơ.
       Tình yêu của nhà phê bình đối với tác phẩm của người khác  là một thứ tình cảm đặc biệt: tình cảm dành cho chất liệu của sự sáng tạo. Nhà phê bình cũng là Người Sáng Tạo, nhưng chất liệu tác phẩm của anh ta lại chính là những tác phẩm của những nhà sáng tạo khác. Nếu anh ta chỉ muốn viết ra những gì Người Sáng Tạo trước muốn nói, tác phẩm của anh ta sẽ chỉ là một trang giấy trắng rỗng không. Nếu coi tạo vật của nhà sáng tạo là cái đích cuối cùng của bài phê bình, thì thực ra còn có gì có thể nói hay hơn về một tác phẩm bằng chính tác phẩm đó nữa? Không, tác phẩm của các nhà văn, đối với nhà phê bình, chỉ tạo nên nền đất, những suy tư của anh ta sẽ khởi động những suy tư của chính nhà phê bình, thành gốc rễ, thành cành lá của một tạo vật mới, tạo vật  riêng của nhà phê bình. Tác phẩm của nhà văn chỉ là đối tượng cho tình yêu của nhà phê bình. Cái trân quí thực sự với nhà phê bình chính là tình yêu của anh ta, chứ không phải là đối tượng của tình yêu ấy.
       Dường như không gì làm nhà phê bình khó chịu và bất lực bằng một tác phẩm dở, bởi vì người ta có thể giải thích tại sao nó dở, nhưng câu chuyện chỉ đến đó là hết. Anh ta không sao rút ra được cái gì đó cho mình, dường như không một tư tưởng nào, một hình ảnh nào có thể khả dĩ làm nền cho  sáng tạo của nhà phê bình vươn lên. Một tác phẩm dở là một nền đất sa mạc.
       Nhưng ngay ở trong sa mạc cũng có những ốc đảo, hoặc chí ít những loài xương rồng kỳ thú có thể sinh sôi? Những tác phẩm dở cũng vậy, bởi trong khi đi tìm nguyên nhân cho sự thất bại của nó, một nhà phê bình tài năng cũng có thể tạo nên một tác phẩm tuyệt diệu của chính anh ta. Một lần nữa, sáng tạo của người đi trước chỉ còn là chất liệu cho sáng tạo của người đến sau.
       Và, bởi nó biết chắt lọc những gì tinh túy nhất từ lòng đất cứng rắn, ngay cả những vùng đất cằn vẫn có những cây cổ thụ.
-2-

       Một trong những giấc mơ đẹp nhất của tôi là những giấc mơ tôi thấy mình biết bay. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu, niềm hạnh phúc lớn lao của tôi khi đó không phải là cảm giác tôi có khả năng bay lượn như chim, mà là cảm giác tôi như không còn trọng lượng, không còn mang vác những gánh trĩu nặng của xác thịt và những thiên kiến nặng nề, cảm giác tôi lướt đi vun vút trong một đại dương tự do, cảm giác tôi đang hòa tan trong nó.
       Giống như vậy, điểm mấu chốt trong sáng tạo của các nhà phê bình không phải chỉ ở óc phân tích, không chỉ ở khả năng cảm nhận và giao hòa với tác phẩm. (Phê bình, đó là nhận biết người khác và đồng nhận biết của bản thân nó về cuộc đời, nói như Claudel). Những cái đó là cần thiết, nhưng cái quan trọng hơn là anh phải vượt thoát khỏi cả nó nữa, để đạt được tự do đích thực cho sáng tạo của anh. Sản phẩm của nhà phê bình không lệ thuộc vào sản phẩm của đối tượng mà anh ta phê bình, chính xác hơn, nó phát triển tác phẩm đó theo một cách riêng của mình. Phê bình phải thoát ra khỏi cái bóng đối tượng của nó để trở thành một hình thức sáng tạo “Phê bình thơ ca”, nói như Eliot, là “phân tích thơ ca để sáng tạo nên thơ ca”.
       Phê bình văn học, với tôi, bắt đầu trước tiên từ những ấn tượng cá nhân về một tác phẩm, nó không nhằm tìm hiểu nhà văn, không bó buộc mình trong hành trình đọc văn để hiểu người-trừ phi “người” ở đây chính là cá nhân nhà phê bình. Nó tìm hiếu tác phẩm, nhưng tìm hiểu theo cái nghĩa luôn luôn làm một cuộc so sánh tác phẩm ấy với kinh nghiệm, tình cảm, tri thức của người viết phê bình. Phê bình văn học là một cuộc tổng duyệt lại các thang giá trị của nhà phê bình đối với cuộc sống thông qua phản ứng của các thang giá trị đó đối với tác phẩm. Nói cách khác, viết phê bình là một cuộc trò chuyện của nhà phê bình với chính bản thân mình, với một “cái tôi thứ hai”, mà chủ đề của cuộc trò chuyện đó bắt đầu bằng tác phẩm được phê bình.
       Tôi gọi đó là “phê bình văn học cho mình”.
       Mà đã cho mình thì phê bình văn học, một mặt phải chống lại với sự nhàm chán trì trệ của những đề tài và phong cách biểu hiện cũ kỹ, những thứ chắc chắn sẽ không bao giờ tạo được cú sốc khơi dậy cảm xúc dưới đáy sâu của tâm hồn người đọc. (Chỉ có cái Mới mới đủ sức đập vỡ lớp vỏ vô tình mà dù muốn dù không, cuộc sống thường nhật cứ ngày ngày bồi thêm lên trên bề mặt của tư tưởng, tâm hồn và xúc cảm người cầm bút). Loại phê bình văn học này cũng phải cưỡng lại sức cám dỗ của những toan tính duy lý tuyệt đối chuyên đi tìm những công thức chung cho văn học, cho dù những toan tính này nhân danh Cấu trúc luận, Phê bình Mới, rồi Giải cơ cấu, Hậu hiện đại… hay gì gì đi nữa. Không chỉ bởi khó có một công thức chung cho năm tỷ trạng thái đọc và hàng triệu người viết, mà còn bởi nhân danh những cuộc tìm kiếm này, người ta đã cách ly phê bình văn học trong tòa lâu đài của những tâm linh, tích hợp văn hóa, siêu văn bản, liên văn bản, làm nhòe văn bản... tóm lại là những mỹ từ sáng choang đang đào một bức hào sâu ngăn cách phê bình hàn lâm với người đọc và với cảm xúc của chính mình. Phải rất can đảm mới có thể thốt ra: “Tôi không hiểu! Vậy thì rốt cục thực sự các người muốn nói gì?” trong khi mê mụ trong trận đồ bát quái đó của chữ nghĩa hàn lâm. Phê bình văn học không phủ nhận giá trị của các lý thuyết, nhưng các lý thuyết phải luôn luôn mang trong nó sức hấp dẫn của nỗi xúc động khi tiếp xúc với cái mới, khi nhà phê bình được nhìn tác phẩm mà mình phê bình với một cái nhìn mới. Những cố gắng avant-garde (tiên phong) nửa mùa luôn luôn dừng lại ở chỗ trình bày các lý thuyết, cũng như lựa chọn tác phẩm chủ yếu để minh họa cho các lý thuyết vay mượn của mình. Phê bình văn học đòi hỏi trả phê bình văn học lại cho độc giả, một độc giả muốn đọc phê bình như một tác phẩm, như một góc tâm hồn của nhà phê bình để soi lại chính bản thân chứ không phải một công trình khoa học cứng ngắc mà sẽ không ai còn nhớ đến. Phê bình văn học như vậy đòi hỏi nhà phê bình cũng phải đồng thời là một nhà văn.
       Liệu cuộc trò chuyện của tôi với “cái tôi thứ hai” đó có cuốn hút những người khác hay không? Quả thực tôi không biết. Nhưng, nói như nhà văn Nhật Yasunari Kawabata “Khi đứng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tuyết trắng hay của mặt trăng, tóm lại, khi chúng ta xao động bởi vẻ đẹp bốn mùa, khi lòng cảm thấy tràn đầy biết ơn vì cuộc gặp gỡ với cái đẹp, là lúc chúng ta nghĩ đến bạn bè nhiều nhất: chúng ta muốn chia sẻ niềm vui của mình với họ. Sự nhận thức cái đẹp đánh thức dậy trong con người cảm giác thông cảm với con người, và khi đó, từ bạn sẽ được thay thế bằng từ nhân loại.” Sự chia sẻ niềm vui đó chính là cốt lõi của cái việc mà tôi muốn làm – cái công việc “phê bình cho mình”, trước tiên, và sau đó là chia sẻ với bạn. Còn nếu không tìm được “bạn”, thì tôi đành trò chuyện với cái “tôi” của mình, sáng tạo ra một bạn đồng hành có thể chung bước với tôi tới vạn dặm.
                                                                                                      1995 - 2001. 

4 nhận xét:

  1. ANU ơi, huynh thấy đa số người (VN) có quán tính là phê bình - bằng cách dùng kính hiển vi - văn học của tất cả những người (VN) khác, như vậy quả thật là không... đúng, và cũng vì vậy, phê bình ván học của chính mình sẽ lại là không... sai, giá như ai cũng nhìn 'tạo hóa' để phê bình văn học của chính mình nhỉ, vâng, giá như...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ái Nữ đã soi kính hiển vi vào cái còm này của Lá Bàng. Tại sao Lá Bàng lại cố tình ăn bớt chữ "i trong tên Ainu? Như thế là biến mèo Ainu thành... chuột đấy. Bởi vì nếu hiểu "a" theo ngoại ngữ (tiếng Anh) và hiểu "nu" theo nội ngữ (tiếng Tày) thì A Nu có nghĩa là... một con chuột.

      Xóa
    2. Trời, ANU theo tiếng thời Tống là cục cưng đó, không tin thì em đi hỏi Tiêu Phong nhé, hihi...

      Xóa
    3. Trời, cục cưng để làm gì cơ chứ! Đó là một thứ rất dễ hư hỏng.

      Xóa