Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Vẽ ảnh bằng lời


       Tại sao chuyên mục "Bài từ Blog Tiếng Việt" lại được Ái Nữ mở đầu bằng bài viết này mà không theo trình tự thời gian? Có hai lý do: Thứ nhất, đây là bài viết được một số bạn đọc nhận xét là có không khí tươi vui nhất trong blog Hơi Thở Của Vũ Trụ tính đến thời điểm hiện giờ. Thứ hai, hôm nay giới báo chí được nhắc nhiều đến "rát tai đỏ mặt" vì là Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam, mà bài viết này có liên quan đến báo chí.
       "Vẽ ảnh bằng lời" được đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 17-11-2013.

       Một sự kiện trong vô vàn những sự kiện của sinh hoạt văn hóa: Triển lãm ảnh nhạc sĩ Văn Cao của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.
       Trước đó các báo đăng tin: Giờ khai mạc là 8h30 ngày 15-11-2013. Gần ngày khai mạc họ lại cải chính: 16h30. Sau giờ khai mạc thông tin ấy của họ chẳng có gì thay đổi, vì họ không có cơ hội biết và không quan tâm đến sự thật này: Triển lãm ảnh Văn Cao đã khai trương và đón khách vào 8h35, mặc dù nhiếp ảnh gia của chúng ta chưa có mặt, nhưng giờ ấy các cô bán vé múa rối nước đã mở cửa, và họ phải quét nhà quét sân. Tôi không rõ thủ đô Hà Nội còn chỗ nào khác thích hợp hơn cho một triển lãm ảnh hay không, nhưng triển lãm ảnh của nghệ sĩ Toán được bày ở ngay cửa rạp múa rối, và vì thế mà đã có những màn kịch vui nhộn.
       Cô bán vé múa rối nước: Triển lãm à? Triển lãm nào?
       Ái Nữ: Triển lãm ảnh Văn Cao.
       Cô bán vé múa rối nước: Ơ đã thấy có ai nói gì đâu nhỉ?
       Ái Nữ: Thì ảnh bày kia rồi đấy thôi…
       Cô bán vé múa rối nước: À họ mới chuyển những thứ ấy đến tối hôm qua. Nhưng đã có ai nói gì đến khai trương ngày nào đâu?
       Ái Nữ: Báo đã đăng tin là ngày hôm nay. Còn phải nói gì nữa chứ? Ảnh đã trưng bày rồi, xem được rồi, ta khai trương thôi…

       Sau khi giúp cô bán vé khiêng cái biển to quảng cáo múa rối nước ra dựa gốc cây, Ái Nữ thoải mái xem ảnh, cả những cái đã đặt lên giá và những cái còn xếp trong kho, sau đó thì… đón khách.
       Khách đầu tiên là một cô phóng viên tập sự. Tờ báo của cô rất có máu mặt, còn cô thì… nai tơ quá.
       Cô phóng viên: Triển lãm đã khai trương chưa hả chị?
       Ái Nữ: Khai trương rồi.
       Cô phóng viên: Tác giả có ở đây không chị nhỉ?
       Ái Nữ: Tất nhiên là có, nhưng bây giờ chưa tới. Bạn chưa biết mặt anh Toán à?
       Cô phóng viên: Em chưa biết.
       Ái Nữ (rất tin là mình biết mặt nghệ sĩ Toán, mặc dù chưa gặp bao giờ): Bao giờ đến thì biết ngay ấy mà! Bạn cần phỏng vấn à?
       Cô phóng viên: Vâng, em muốn được trao đổi với tác giả triển lãm. Tờ báo mà em tập sự rất khó tính, họ chọn bài chứ không chọn tin, nếu chỉ “cào” thông tin thì họ sẽ không đăng. Em muốn có được cái gì đó mới...
       Ái Nữ: Được làm việc cho một tờ báo khó tính là cơ hội tốt, nhưng để luôn tìm được cái gì đó mới thì khó đấy. Bạn có thể khai thác điều gì?
       Cô phóng viên: Có thể tác giả Nguyễn Đình Toán có mối quan hệ thân tình đặc biệt với nhạc sĩ Văn Cao…
       Ái Nữ (tự nhủ rằng cô phóng viên tuổi đời còn quá trẻ, có lẽ chưa kịp hình dung ra chuyện những người nghệ sĩ luôn có mối quan hệ đặc biệt với nhau, với mỗi người theo một kiểu, và có thể cô chưa biết nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán được rất nhiều nghệ sĩ coi là người bạn quý): Nghe hấp dẫn đấy, nhưng cái mới luôn ở phía trước, chỉ khi vào cuộc ta mới biết được. Khi nào đăng bài thì cho tôi đọc với nhé!
       Cô phóng viên (cười rạng rỡ): Vâng, chị cho em số điện thoại, khi nào bài đăng em sẽ báo cho chị. Tên em dùng khi đăng bài là…
       Những người khách khác tiếp tục đến. Một nhóm bốn người đàn ông, hầu như đều đeo túi đựng máy ảnh.
       Người lớn tuổi: Anh Toán đâu rồi cô nhỉ? Bảo 8h30 khai mạc cơ mà!
       Ái Nữ: Trời trở lạnh nên thời gian co lại. Trước sau gì anh ấy cũng sẽ đến thôi. Ảnh đã trưng ở đây rồi, đến triển lãm ảnh thì để xem ảnh chứ còn xem cái gì nữa? Mời các anh cứ xem tự nhiên!    
       Người lớn tuổi: Tối quá! Sao không bật điện lên để xem cho sáng?
       Ái Nữ (chợt hiểu ra mình đang là đại diện lâm thời của ban tổ chức, liền vội vã tìm vị trí công tắc bóng đèn và bật hết lên không sót cái nào): Rồi nhé!
       Người lớn tuổi: Ừ có thế chứ! Nhưng sao ảnh lại bọc giấy bóng hết thế này nhỉ? Chắc là phải bóc ra…
       Ái Nữ: Chắc thế, nhưng chưa làm lễ nên chưa thể bóc được. Xem thì không sao, nhưng nếu các anh chụp ảnh thì không đẹp đâu.
       Một người khác (sốt ruột gọi điện cho ai đó): ... Sao cơ?... Đổi giờ à? Bốn giờ mới khai mạc?
       Ái Nữ: Các anh có số điện thoại của anh Toán không?
       Người chưa lớn tuổi: Tôi có đây… (Anh ta chứng minh mối quan hệ mật thiết của mình với nghệ sĩ Toán bằng cách đọc một lèo số điện thoại mà không cần mở xem danh bạ).
       Ái Nữ (bấm số nhanh không kém người đọc, gọi cho nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán để “hoạnh họe”): … Anh là anh Toán phải không?... Sao báo đăng tin 8h30 khai mạc mà giờ này anh còn chưa tới?... Đổi giờ à? Nhưng có những người chưa kịp đọc, họ đang ở triển lãm, và tôi đang tiếp khách của anh… Xin lỗi à? Anh xin đúng chỗ rồi đấy, tôi có cả một núi ở đây…
       Cái núi lỗi lầm của Ái Nữ trút sang nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, và nó đã gây tác động cho những diễn biến tiếp theo.
       Cô phóng viên (nói riêng với Ái Nữ): Mấy người này là ai nhỉ? Phóng viên hay văn nghệ sĩ?
       Ái Nữ (với cô phóng viên): Muốn biết thì hỏi… (Với mấy người khách): Các anh là phóng viên hay văn nghệ sĩ?
       Người lớn tuổi (cười): Chúng tôi là bạn của anh Toán thời lính, là dân thường đến xem ảnh.
       Ái Nữ: Vậy thì các anh là những nghệ sĩ đích thực.
       Người lớn tuổi: Triển lãm này khi nào kết thúc?
       Cô phóng viên và Ái Nữ (đồng thanh): Mười bẩy giờ ngày mười bẩy.
       Người lớn tuổi: Chủ Nhật chúng tôi sẽ quay lại xem, như vậy cho thong thả.
       Mấy người khách đi khỏi. Ái Nữ và cô phóng viên chia tay nhau.
       …
       14h30 ngày 15. Trước cửa rạp múa rối, những chiếc giá gỗ xếp để trưng bày ảnh lúc sáng còn có màu xám xịt thì bây giờ đã có màu trắng tinh, mùi sơn mới rất nồng nàn. Một số giá được kê ở ngoài sân, còn một số kê trong sảnh. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cùng vài người nữa chạy lăng xăng, kê kê xếp xếp…
       Người đàn ông áo đỏ: Thật chẳng hiểu ra làm sao. Giấy mời ghi thời gian từ một rưỡi đến năm rưỡi chiều, vậy mà bây giờ còn thế này, làm sao tôi kịp bắt xe về Hưng Yên chứ?
       Ái Nữ: Thì ra lại còn có một giờ khác được thông báo nữa ư? Nghe nói triển lãm này của Tạp chí Xưa và Nay tổ chức…
       Người đàn ông áo đỏ: Của cả Hội quán di sản nữa. Giấy mời của tôi là do Hội quán di sản phát.
       Ái Nữ (cười): Hai nhà tổ chức à? Rõ là “lắm cha con khó lấy chồng”!
       Người đàn ông áo đỏ: Mùi sơn nồng quá, thà cứ để mộc luôn đi còn hơn.
       Ái Nữ (quệt tay vào một chiếc giá gỗ): Vừa quét xong mà sơn khô không dính tay tẹo nào. Thế này là tốt lắm rồi, mùi chỉ rất nhẹ thôi mà!
       Người đàn ông áo đỏ: Đây là ở ngoài sân, còn trong nhà thì mùi không kịp bay đi được.
       …
       Mặc dù có mái tóc ngả trắng, nhưng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán có đôi mắt trong sáng, nét môi tươi tắn, gương mặt săn chắc hồng hào, dáng đi thoăn thoắt nhanh nhẹn như thanh niên. Bỏ lại công việc dang dở cho bạn mình, một người đàn ông nhỏ nhắn mặc áo com-lê sẫm màu, nghệ sĩ Toán trèo lên mô-tô, đội mũ bảo hiểm, và biến mất.
       Người ta bắt đầu bày ra hai bên cửa hai tấm áp-phích lớn: “Văn Cao mười tám năm trước”. Tấm bên phải in một đoạn giới thiệu bằng tiếng Anh, không có tiếng Việt đi kèm. Ái Nữ dốt ngoại ngữ, không đọc được đoạn phía trên, chỉ biết đoạn cuối cùng có dẫn lời của Nguyễn Đình Toán: “Not for me – he said – but for him, the man I loved so much…”
       Bên trong sảnh, các miếng giấy chú thích đã được cài phía dưới các tấm ảnh. “Mười tám năm trước” là một lát cắt của thời gian, cho nên không có ảnh Văn Cao xếp theo từng thời kỳ mà là theo từng sự kiện, từng tình huống: Văn Cao trong đêm nhạc, Văn Cao trong đại hội, Văn Cao nhận danh hiệu cao quý, Văn Cao với nhạc sĩ này, Văn Cao với nhà thơ kia, Văn Cao với tướng lĩnh nọ, Văn Cao nâng chén, Văn Cao cầm ba-toong, Văn Cao vừa cầm chén vừa cầm ba-toong, Văn Cao cầm điếu thuốc… Sảnh này nối thông hai lần cửa, các tấm ảnh đều kê sát tường, cho nên không có tấm ảnh nào được đặt chính giữa, vì chính giữa là cái cửa cho khách vào xem múa rối, chủ yếu là khách nước ngoài. Hai bên cái cửa trong là hai tấm ảnh khổ lớn, thể hiện hai trạng thái tinh thần trái ngược của Văn Cao. Tấm bên phải là ảnh bán thân, Văn Cao hơi nghiêng người về phía trước, vẫn tấm thân thanh mảnh và khuôn mặt gầy guộc ấy, nhưng đôi mắt ánh lên sức sống thanh xuân. Tấm bên trái là ảnh Văn Cao ngồi trên giường bệnh, trong bệnh viện, những ngày cuối đời, trên mặt bàn đầu giường là một bình hoa sen trắng, gương mặt và dáng điệu của Văn Cao giống như cánh sen tàn sắp rụng.
       Có một tấm ảnh tuyệt đẹp chụp cảnh nhạc sĩ Văn Cao và nhiếp ảnh gia Võ An Ninh đang trò chuyện. Hai người cùng ăn mặc giản dị, trên bàn là một chiếc ấm và hai tách trà bằng sứ. Tóc râu của Văn Cao thì như sương như khói, còn tóc râu của Võ An Ninh thì như mây bông trắng xốp. Đôi tay của họ giống như trong một điệu vũ thần bí, mái đầu họ hơi nghiêng nhẹ về nhau, gương mặt họ chăm chú. Dường như tư tưởng họ đang hòa vào nhau trong cùng một làn rung của cảm xúc. Cuộc “luận kiếm” của hai vị anh hùng trong nghệ thuật ấy nói về đề tài gì thì người xem không thể biết được, nhưng điều đó thật ra không quan trọng. Câu chuyện của những người bạn chỉ là cái cớ để họ ngồi bên nhau, lắng nghe tâm hồn nhau và nghe tiếng dội của lòng mình…
       Có một vật được trưng bày chính giữa gian phòng, đó là bức tượng bán thân của Văn Cao với mái đầu nghiêng nghiêng và tay cầm điếu thuốc. Tác giả của bức tượng không phải là Nguyễn Đình Toán, nhưng bức tượng thật phù hợp để bày ở đây vào lúc này. Nhìn bức tượng, không ai phủ nhận đó là Văn Cao.
       Ái Nữ: Sao không thấy tên tác giả? Tác giả của bức tượng là ai?
       Người đàn ông áo đen: Ồ, tôi không biết tên, đó là một người rất trẻ…
       Ái Nữ: Dù trẻ thì cũng phải có tên chứ!
       Người đàn ông áo đen: Vâng, chúng tôi thật sự xin lỗi vì thiếu sót.
       Ái Nữ: Anh thuộc ban tổ chức à? Anh ở Tạp chí Xưa và Nay hay Hội quán di sản?
       Người đàn ông áo đen: Không, tôi chỉ là người quản lý nhà hát này… (Chỉ về phía người đàn ông nhỏ nhắn mặc áo com-lê sẫm màu): Còn kia là anh Trần Định, bạn thân của anh Toán.
       Ái Nữ: Ồ…
       …
       Đã sát giờ khai mạc, khách tập trung rất đông ở ngoài sân, nhưng nghệ sĩ Toán từ lúc rời đi chưa thấy quay lại. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên của anh.
       Trần Định (sốt ruột gọi qua điện thoại): … Bây giờ còn đang ở đâu?... Nhanh lên nhé, hãy đi với tốc độ nhanh nhất có thể! À mà không, nhanh nhất có thể nhưng đi với tốc độ trung bình thôi! Tốc độ trung bình thôi, nhanh lên đấy nhé…
       Người đàn ông áo đen (vẫy tay gọi Ái Nữ): Tác giả bức tượng ở đây rồi…
       Một người đàn ông trẻ mỉm cười tiến về phía Ái Nữ, tóc anh dài vừa đủ để búi gọn ra phía sau. Ái Nữ và nhà điêu khắc bắt tay nhau.
       Ái Nữ: Tôi không nhìn thấy tên của tác giả bức tượng nên đã thắc mắc…
       Nhà điêu khắc (chỉ vào dấu hiệu nào đó phía sau bức tượng): Tôi có đề tên ở đây, nhưng quả thực rất khó đọc. Tên tôi là…
       Ái Nữ: Tôi biết là bất lịch sự khi hỏi tuổi của người khác, nhưng tôi muốn hiểu về khái niệm “trẻ” trong giới nghệ sĩ…
       Nhà điêu khắc (mỉm cười, không bối rối): Trong cái hội của tôi, “trẻ” được quy định là ba mươi nhăm tuổi trở xuống. Năm nay tôi ba mươi ba tuổi, bức tượng này được làm ra từ mười năm trước, khi đó chắc chắn là tôi còn trẻ. Chị cũng là một nghệ sĩ?
       Ái Nữ (hơi bối rối): Nghệ sĩ ư?... Tôi cũng có chữ “sĩ”, nhưng là bác sĩ.
       Nhà điêu khắc: Có nhiều bác sĩ yêu nghệ thuật.
       Ái Nữ (dùng mặt sau ngón tay gõ vào bức tượng màu đồng, nó rất nhẹ): Tượng này làm bằng chất liệu gì vậy?
       Nhà điêu khắc: Bằng composit.
       Ái Nữ: Composit? Nó có giống như composit mà các bác sĩ dùng để hàn răng không?
       Nhà điêu khắc: Ôi không, chất liệu dùng trong y khoa rất khác chất liệu của chúng tôi…
       Hẳn là thế, các chất liệu khác nhau cũng như bác sĩ và nghệ sĩ khác nhau vậy. Nếu ai đó gọi Ái Nữ là “nhà trẻ”, tôi sẽ phản đối, vì bác sĩ bao giờ cũng khó tính. Nhưng có chắc là nghệ sĩ dễ tính không nhỉ? Sẽ ra sao nếu khi tôi phản đối họ gọi Ái Nữ là “nhà trẻ”, thay vào đó họ lại gọi Ái Nữ là “nhà dưỡng lão”? Tôi sẽ phản đối. Tôi không có lý do để hiểu sự phân biệt già trẻ trong giới nghệ sĩ, vì nghệ thuật không có tuổi. Hãy để tuổi tác lại cho các bác sĩ, vì họ cần cân đo đong đếm những liều thuốc cho thể xác của chúng ta. Tâm hồn chúng ta không có tuổi, tâm hồn lớn lên bằng tình yêu và không già đi theo năm tháng.
       …
       Ảnh triển lãm được kê cả ở ngoài sân, khách ngoài khách trong nhốn nháo. Đã hơn 16h. Cô phóng viên tập sự lách qua đám đông đến chỗ Ái Nữ.
       Cô phóng viên: Bác Toán đến chưa hả chị?
       Ái Nữ: Chưa, mới chỉ có ông Dương Trung Quốc đến thôi.
       Cô phóng viên: Đây là lần đầu tiên em nhìn thấy bác Dương Trung Quốc ngoài đời đấy!
       Ái Nữ (nhìn lại ông tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay đang hồ hởi tươi cười trong đám đông): Ừ, nhìn ông ấy “tốt bụng” thật!
       Cô phóng viên (vẻ tiếc nuối): Em không có cơ hội đăng bài về triển lãm này nữa chị ạ, tòa soạn đã cử một người kỳ cựu đến đây. Các anh chị ấy bảo nếu chờ em thì lâu lắm, năm giờ chiều là họ phải có bài rồi.
       Ái Nữ: Vậy ư? Bạn cứ viết đi, tôi sẽ đọc. Tôi sẽ xem bài của một người kỳ cựu và một người mới có gì khác nhau. Bạn có thể viết cho một người đọc chứ?
       Cô phóng viên (vẻ mặt tươi tỉnh): Vâng, em sẽ viết.
       …
       Lễ khai mạc đã bắt đầu khi nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán còn chưa tới. Bậc thềm cửa ngoài là sân khấu, các phóng viên đứng chật dưới sân, chĩa ống kính lên với những ánh sáng chớp nhoáng. Lần lượt người nọ người kia lên phát biểu. Có cả những người trong gia đình của cố nhạc sĩ Văn Cao. Phu nhân của ông còn khỏe, con trai ông để tóc dài và chống ba-toong giống bố khi xưa. Bài hát “Suối mơ” vang lên xúc động với giọng hát của một người đàn ông nhỏ nhắn và không còn trẻ.
       Nguyễn Đình Toán đã tới, lời phát biểu của anh không trơn tru và không có vẻ chuyên nghiệp, có lẽ anh chỉ quen nói bằng những bức ảnh mà thôi. Anh bá vai bà xã mình và phân trần rằng hai mươi bẩy năm trước khi tổ chức đám cưới, anh cũng có nhiều sơ suất, nhưng dù sao anh cũng sẽ không cưới lần nữa để sửa lỗi.
       Sau lễ khai mạc, mọi người đua nhau chụp ảnh cạnh bức tượng và những bức ảnh chân dung Văn Cao, thỉnh thoảng lại có một chiếc giá bị xô và một tấm ảnh rớt xuống, rồi người ta lại dựng nó lên. Trong những “phó nháy” xông xáo người ta có thể thấy cả blogger Nguyễn Thanh Quang, người nổi tiếng trên Blog Việt với một bức ảnh chân dung tự chụp “trên đông dưới hè”.
       Trần Định (tiến về phía Ái Nữ): Anh thấy em rất quen. Chúng ta đã gặp nhau ở đâu nhỉ?
       Ái Nữ: Chúng ta chưa hề gặp nhau.
       Trần Định (vẻ mặt băn khoăn): Không, anh nhìn em quen lắm! Em làm ở bảo tàng phải không?
       Ái Nữ mỉm cười lắc đầu. Với mái tóc xơ cứng, bộ y phục tối sẫm và chiếc cặp đen ám bụi đường, nhìn nàng còn cũ hơn cả một cái bảo tàng.
       Trần Định (vẻ quả quyết): Nhất định là anh đã gặp em ở đâu đó…
       Ái Nữ (lại mỉm cười): Nếu vậy thì chỉ có thể là trong kiếp trước.
       Trần Định (đưa cho Ái Nữ một tờ giấy khổ A4): Anh tặng em bài viết này, anh mới viết sáng nay.
       Ái Nữ (đã kịp đọc thấy đó là bài viết về nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán với nhan đề “Chân dung là lẽ sống”): Anh vừa nói với người khác rằng bài này đã đăng trên blog của anh. Em có thể đọc blog của anh được không?
       Trần Định (vẻ nghiêm trang): Không cần đâu em ạ. Nói thật, anh vẫn sợ em là an ninh…
       Trong bài viết của bạn mình, nghệ sĩ Toán chỉ thích chụp chân dung và thờ ơ với phong cảnh đẹp. Anh cũng chỉ chụp những người mà anh yêu quý, đặc biệt là những văn nghệ sĩ.
       …
       Trên chiếc bàn đá đen bóng dưới gốc cây ở sân nhà hát, cô phóng viên tập sự đang ngồi trầm ngâm, vẻ hào hứng của cô đã biến mất.
       Ái Nữ: Nếu chờ để gặp riêng được tác giả triển lãm thì lâu đấy, mọi người đều bận rộn…
       Cô phóng viên: Nhưng có thể ngày mai bác ấy không có mặt ở đây nữa, bác ấy bận thế kia mà!
       Chuông điện thoại di động reo lên. Cô phóng viên tập sự mở máy nghe một cách chăm chú…
       Cô phóng viên: Ngày mai em sẽ quay lại. Đang có một sự kiện ở gần đây… Dù sao em cũng phải viết được bài gì đó cho tòa soạn…
       Ái Nữ gật đầu chào và nhìn theo cô phóng viên tập sự dần khuất bóng.
       …
       Trong phòng triển lãm đã vãn người, hầu như chỉ còn những người bạn ở lại cùng Nguyễn Đình Toán.
       Ái Nữ (nói với nghệ sĩ Toán): Có một cô phóng viên chờ gặp anh nhưng không được, cô ấy đã đến đây từ lúc sáng sớm. Có lẽ ngày mai cô ấy sẽ quay lại.
       Nguyễn Đình Toán (lắc lắc cái đầu bạc): Các bạn tôi có viết gì thì viết, chứ tôi không có thời gian để gặp phóng viên đâu.
       …
       Đã có nhiều phóng viên đến chụp ảnh đưa tin về triển lãm này, cả vì đây là triển lãm đầu tiên của Nguyễn Đình Toán, cả vì đây là triển lãm kỷ niệm chín mươi năm ngày sinh của Văn Cao. Người ta có nhiều lý do để không thờ ơ với một sự kiện như vậy. Với Nguyễn Đình Toán cũng như với tất cả mọi người, “bạn” và “phóng viên” không phải lúc nào cũng là một. Có những phóng viên không còn trẻ, ý thức “làm bài” của họ rất chuyên nghiệp, và không phải lúc nào họ cũng đến với chúng ta như đến với một người bạn. Trước khi gọi Nguyễn Đình Toán là nghệ sĩ, chẳng phải người ta vẫn gọi anh là phóng viên ảnh, là nhà báo đó sao? Nhưng dường như nhiều người đã quên mất rằng anh là một nhà báo, mà họ chỉ nhớ anh là một người bạn. Liệu cô phóng viên tập sự có thể gặp được nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán không? Liệu cô có từ bỏ ý định viết một bài viết mới mẻ hay không? Trước áp lực của các tòa soạn và vòng quay của cuộc đời, chắc chắn cô sẽ phải cố gắng rất nhiều trên con đường trở thành một nhà báo chân chính, trong thời buổi mà có nhiều người tuyên bố rằng họ không còn thích đọc báo nữa.
       Trong tất cả những bức ảnh được trưng bày ở cuộc triển lãm, có một bức không phải là chân dung Văn Cao. Một bức ảnh chân dung duy nhất của Nguyễn Đình Toán trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp, thẻ gài ngực áo, máy ảnh trên tay. Tấm ảnh chân dung này nói rằng nghệ sĩ Toán không già, anh không giương mục kỉnh lên nhìn chúng ta, đôi kính của anh hạ xuống, để anh nhìn chúng ta rõ hơn.

       (Bài đã đăng trên Blog Tiếng Việt ở đây).

2 nhận xét:

  1. Ui, cái này được con mèo nào đó gọi là 'cuộn tơ rối', còn huynh gọi là 'trình độ siêu tổ chức', và sẽ có ai đó 'đọc' báo cáo là 'tổ chức triển lãm thành công tốt đẹp'... TM.

    Trả lờiXóa