Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Tòa soạn

Truyện ngắn của Ái Nữ


      Việt Nam, một năm cuối của thế kỷ hai mươi.
       Một tòa soạn báo văn nghệ giống như mọi tòa soạn tương tự nằm đây đó khắp các tỉnh, một ngày như rất nhiều ngày. Nhà văn Biển Việt, một nhà văn nổi tiếng như rất nhiều nhà văn trong nước, đang bận rộn với công việc biên tập thì phải bỏ dở giữa chừng để tiếp khách. Không chỉ là khách của tòa soạn mà còn là khách của riêng ông. Không phải khách quen, không phải bạn văn cũng không phải cộng tác viên. Một bạn đọc tên là Ba Đào.
       Cả tòa soạn ngạc nhiên. Đã lâu rồi họ không còn biết đến niềm hạnh phúc vì sự hâm mộ của độc giả. Như mọi tờ báo được bao cấp khác, báo của họ in ra hầu như chỉ để phát, văn chương đăng trên đó không được mấy ai quan tâm ngoài những người sáng tác trong cùng hội văn học nghệ thuật địa phương. Vậy mà nay có độc giả đến đây vì niềm cảm mến sau khi đọc một tác phẩm đăng trên tờ báo của họ, truyện ngắn “Chú bé đi giày một chân”* của nhà văn Biển Việt.
       Biển Việt ngắm nhìn Ba Đào, nguyên mẫu lý tưởng cho một tác phẩm tương lai. Đó là chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, có đôi mắt sáng với ánh nhìn nồng nàn chứa đựng những điều sâu kín. Vóc người thanh, làn da sáng, gương mặt nghiêm nghị của một người nhiều suy nghĩ trước tuổi. Đôi mắt chàng trai rực lên như chiếu tỏa ngọn lửa từ bên trong.
       - Vậy là cậu thấy truyện đó hay ư? – Nhà văn hỏi sau khi rót cho bạn đọc một tách nước trà.
       - Vâng, câu chuyện ấy gợi lên nhiều tâm tư – Giọng Ba Đào xúc động – Hẳn là tác giả đã suy nghĩ rất nhiều…
       “Nhạy cảm quá!” Biển Việt thầm nghĩ.
       Những người không nghĩ nhiều thì tất nhiên không viết văn. Nhưng không phải cứ quẳng ý nghĩ lên mặt giấy là làm thành tác phẩm hay được. Những tư tưởng non trẻ hay già nua không giúp cho tác phẩm của nhà văn sống lâu. Cuộc đời của các tác phẩm văn chương không giống như cuộc đời của thân xác con người. Ở tuổi trung niên, Biển Việt không còn quá nhiều ảo tưởng. Kiếm sống bằng ngòi bút là việc nhọc nhằn. Có lẽ Ba Đào ít được đọc văn nên mới đánh giá cao truyện ngắn của ông đến thế. Trong câu chuyện ấy, dù lòng ông chân thật, nhưng ông độc đoán dùng quyền hư cấu của văn chương để nhồi nhét suy nghĩ của mình vào miệng nhân vật đứa trẻ lang thang thất học một cách thô vụng. Mọi tình tiết trong truyện đều phi lý. Hai thằng bé bụi đời chung nhau đôi giày theo cách mỗi đứa chỉ đi giày bằng một chân thôi, chúng cho là thà cả hai đều được ấm một chân còn hơn để một đứa bị lạnh cả hai chân. Đôi giày vốn là sở hữu riêng của một thằng bé, nhưng nó đã chia cho bạn một nửa trong khi đấy là toàn bộ gia tài của nó. Và bạn nó, thằng bé nhân vật chính trong truyện, phê phán những người lớn rằng họ rất tồi tệ, họ không bao giờ dám chia cho bạn mình một nửa gia tài, nếu cuộc sống không tốt đẹp thì họ luôn đổ lỗi cho nhau, vì thế nó quyết định sẽ không trở thành người lớn. Một ngày mưa lũ, dòng sông chảy qua thành phố dâng nước lên cuồn cuộn, dưới sông có một người đang bị dòng nước hung dữ cuốn trôi, trên bờ có nhiều người lớn đứng nhìn hoảng hốt nhưng không ai dám nhảy xuống sông cứu người bị nạn. Thằng bé đi giày một chân đã dũng cảm nhảy xuống nhưng không cứu được ai và mãi mãi không trở về. Nó không bao giờ trở thành người lớn nữa.
       - Một tác phẩm văn chương làm xúc động lòng người, người đọc sẽ suy nghĩ và muốn sống tốt hơn – Giọng Ba Đào trầm xuống và nhỏ lại, nhưng đôi mắt chàng trai rực sáng hơn, nhìn thẳng vào Biển Việt– Vì điều ấy mà cháu muốn viết văn. Chú sẽ ủng hộ cháu chứ?
       “Đó là động cơ viết của một nhà văn chân chính”. Biển Việt mỉm cười nghĩ. “Nhưng cần phải có tài năng nữa. Phải xem trời có ủng hộ anh không đã, anh bạn trẻ ạ!” Ông khích lệ Ba Đào với giọng hân hoan:
       - Chúng tôi luôn mong chờ những cây bút mới. Cậu hãy viết và đem đến đây, nếu hay chúng tôi sẽ đăng, nếu chưa hay thì chúng tôi sẽ góp ý.
       Ba Đào ra về trong niềm vui pha lẫn chút phấn khích của Biển Việt. Chàng trai đã đem đến những cảm xúc tươi mới cho ông. Ông sẽ chứng kiến và nâng đỡ bước đi chập chững đầu tiên của một nhà văn trẻ. Còn ông, ông là nhà văn trẻ đã quá lâu rồi. Ở đất nước này, giới trí thức vẫn giữ gìn kỹ lưỡng phong tục “kính lão đắc thọ” của cha ông, các văn nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Chừng nào còn có người nhiều tuổi hơn họ, chừng nào còn có người cầm bút trước họ thì họ vẫn là “nhà văn trẻ” trong cách gọi hoặc trong ý thức của chính mình hay của người khác. Năm nay Biển Việt đã ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, ông biết cái mệnh của ông là còn làm “nhà văn trẻ” rất lâu, bởi các bậc cha chú, các bậc đàn anh của ông trong giới cầm bút cỡ tuổi “bát thập” vẫn khá đông đảo mà họ sẽ còn sống lâu hơn nữa. Tuổi tác và cách xưng hô đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra vai vế trong xã hội Việt Nam và gây cho giới văn nghệ sĩ lắm phen bối rối. Ba Đào xưng hô lễ phép với Biển Việt theo một cách không thể khác. Nhiều nhà thơ khi đứng trước một cô gái đẹp đã than: “Em ơi, sao gọi anh bằng chú?” Họ không muốn từ bỏ vai trò cha chú, vai trò đàn anh của mình đồng thời khó chấp nhận sự thật là mình đã nhiều tuổi, vì ở Việt Nam “nhiều tuổi” thường được hiểu đồng nghĩa với “già”, còn “già” thì hay được hiểu là “cũ”. Mâu thuẫn ở chỗ là người ta tỏ ra kính trọng người “già” nhưng lại thích người “mới”. Cách xưng hô phân biệt tỉ mỉ của người Việt Nam không thể hiện được tính chất “vừa già vừa mới” mà những văn nghệ sĩ lãng mạn muốn được nhìn nhận. Nếu cứ như bên các nước phương Tây thì chuyện này chẳng thể là vấn đề, bởi vì họ thường chỉ dùng một từ ở ngôi thứ nhất số ít và một từ ở ngôi thứ hai số ít, không có chuyện phải băn khoăn “uốn lưỡi bẩy lần” trước khi quyết định xưng hô với một người chưa quen như thế nào. Các nhà phê bình cầu toàn hay phàn nàn về chuyện Việt Nam thiếu những nhà văn nhà thơ lớn, họ quên mất rằng người Việt Nam muốn được xem là “lớn” thì đầu tiên phải “già” trước đã. Cứ viết thường xuyên, anh sẽ được gọi là nhà văn nhà thơ, cứ in tác phẩm thật nhiều, anh sẽ được giới thiệu là “nhà văn nổi tiếng”, “nhà thơ nổi tiếng”. Người “nổi tiếng” rất sẵn, còn người “lớn” thì… Cụ Tản Đà, ấy là nhà thơ tài hoa thời trước mà người ta kính trọng nên hay gọi bằng “cụ” như thế, có câu thơ rằng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con”. Thời nay số dân của Việt Nam đã tăng gấp mấy lần mà người ta vẫn trích dẫn câu thơ đó mãi. Những người “lớn” thật thì ai còn nghĩ đến tuổi tác của họ chứ! Nhiều nhà văn nhà thơ của thế giới không sống đến tuổi bốn mươi nhưng đã kịp để lại di sản lớn cho nhân loại. Họ trẻ mãi, bất diệt, không ai gọi họ bằng “cụ”.
       Ba Đào đã đem đến tòa soạn hai truyện ngắn đầu tiên. Biển Việt đọc xong thấy hài lòng vì bài viết của chàng trai không có lỗi chính tả, phần ngữ pháp cũng chuẩn mực, câu chuyện giàu cảm xúc. Sinh viên đại học y có khác, rất có triển vọng. Những truyện này của cậu ta đủ trình độ để được đăng trên những tờ báo dành cho tuổi ngây thơ như “Hoa Học Trò” hay “Áo Trắng”. Sau khi khen những ưu điểm để khích lệ, Biển Việt phân tích cho Ba Đào vài chỗ khờ khạo trong xây dựng cấu trúc truyện ngắn mà những người mới vào nghề viết thường mắc phải. Không chỉ người mới vào nghề, những nhà văn lâu năm như Biển Việt cũng vẫn dễ mắc sai lầm như thường, vì khi viết người ta không tỉnh táo được như lúc đọc tác phẩm của người khác, cho nên giới viết lách mới có câu “văn mình vợ người”. Chàng trai ngoan ngoãn lắng nghe một cách chăm chú, nhưng Biển Việt không tin là cậu ta tiếp thu ngay được. Muốn trở thành Lỗ Tấn đâu có dễ!
       Lần thứ hai, Ba Đào lại đem tác phẩm mới viết đến tòa soạn. Biển Việt đọc lướt nhanh rồi chững lại, mặt ông nghệt ra, điếu thuốc đang kẹp hờ giữa hai ngón tay suýt rớt xuống sàn. Ngoài sức tưởng tượng của ông, đây là truyện ngắn hết sức đĩnh đạc, văn phong khác hẳn những truyện lần trước. Không nghi ngờ gì nữa, ông đang đọc tác phẩm của một Sê-khốp trong tương lai. Câu chuyện nhỏ xảy ra trong bệnh viện, giản dị nhưng nhiều tầng ý nghĩa. Biển Việt ngẩng lên, bỏ kính xuống, phấn chấn nói với Ba Đào:
       - Tốt lắm, cậu cứ như thế mà viết! Chúng tôi sẽ đăng trong số báo gần nhất. Cậu quả thật có năng khiếu, tôi xin chúc mừng!
       - Thật vậy ư? Cháu rất cảm ơn chú – Ba Đào thay đổi sắc mặt nhưng không có vẻ vui mừng – Còn những khuyết điểm của tác phẩm, chú sẽ nói chứ?
       - Ồ, tất nhiên - Biển Việt vui vẻ - Tất nhiên là còn phải sửa, vì đó là công việc của tôi, song cũng nhanh thôi. Cậu xem đoạn này nhé…
       Biển Việt chỉ cho Ba Đào một đoạn trong bản thảo:
       - Nhân vật này là một thằng cha khoác lác kiêu ngạo, hãy để anh ta cao giọng lên. Chúng ta sẽ sửa thành “anh ta cao giọng…” Còn chỗ này… chỗ này… - Biển Việt dùng bút khuyên vào từng chỗ trong bản thảo một cách thành thạo, mãn nguyện nhìn Ba Đào với vẻ không còn gì để bàn cãi – Cậu thống nhất thế chứ?
       - Vâng – giọng Ba Đào hơi có vẻ dè dặt – Cháu đồng ý.
       - Khi nào đăng chúng tôi sẽ gửi báo và nhuận bút cho cậu – Biển Việt bắt tay tạm biệt chàng trai, ông thấy vẻ mặt Ba Đào thoáng buồn nhưng không hiểu vì sao.
       Hôm sau, khi Biển Việt đến tòa soạn thì thấy Ba Đào đã chờ sẵn. Ông ngạc nhiên hỏi vồn vã:
       - Cậu đã viết được truyện mới rồi à? Hãy để tôi xem!
       Ba Đào mở to mắt nhìn thẳng Biển Việt, nói chậm rãi nhưng chắc chắn:
       - Xin lỗi chú! Cháu đến để lấy lại bản thảo hôm qua. Cháu đã nghĩ kỹ và thấy là không thể đồng ý với những sửa chữa của chú.
       - Cậu ngồi xuống, ngồi xuống đã! – Biển Việt rút mấy trang bản thảo từ tập giấy trên bàn làm việc, tròn mắt nhìn chàng trai – Hôm qua cậu đã đồng ý…
       - Cháu muốn đồng ý với chú, nhưng nhân vật trong truyện không tầm thường như thế. Không thể như thế được! Chú sửa như vậy là làm tầm thường hóa nhân vật - Ba Đào đột nhiên lạc giọng đi một cách lạ lùng – Với những con người tầm thường thì không còn gì để nói. Nếu nhà văn nhìn thấy con người tầm thường thì còn có thể giúp gì cho họ nữa?
       Vẻ xúc động của chàng trai làm cho Biển Việt bối rối. Tình huống này khiến ông bất ngờ, ông không hiểu Ba Đào đang nói gì. Sao lại không có những nhân vật tầm thường? Các nhân vật phản diện vẫn thường xuyên xuất hiện trong văn học tự cổ chí kim. Cuộc sống không thể thiếu những kẻ xấu xa.
       - Thế này anh bạn ạ! – Biển Việt nhăn mặt nói – Nếu cậu không muốn người ta sửa truyện của mình thì khi gửi bài đến bất kỳ tòa soạn nào hãy ghi thêm bên lề mấy chữ: “Đề nghị không sửa bản thảo!” Ở nước ta đến lúc này mới chỉ có mỗi nhà văn Nguyễn Tuân làm như vậy thôi. Với tài năng của cậu, tôi tin rằng năm năm nữa cậu có thể xử sự như Nguyễn Tuân. Nhưng không phải bây giờ…
       Đến lượt Ba Đào không hiểu Biển Việt đang nói gì, chàng trai trân trân nhìn nhà văn trước mặt mình một cách kinh ngạc. Gương mặt đầy đặn của ông nhuộm màu mệt mỏi, dù thân hình nhỏ nhắn của ông thường di chuyển nhanh nhẹn. Tiếng nói của ông dường như không hoàn toàn thoát khỏi cuống họng, làm cho giọng nghe khàn khàn.
       Ba Đào im lặng. Biển Việt đã bình tĩnh hơn, ông bảo:
       - Thôi thế này, cậu đưa cho tôi đọc truyện khác. Có thể có truyện không cần sửa.
       Ba Đào mở chiếc cặp mang theo, rút một bản thảo khác đưa cho Biển Việt. Ông cầm lấy đọc tức khắc, chăm chú một mạch. Sau đó ông thở dài và bỗng đổi cách xưng hô:
       - Này cháu! Cháu thật sự có tài đấy, chú không nhầm đâu. Truyện rất hay. Với tư cách là bạn đọc thì chú muốn được đọc những tác phẩm như thế, nhưng với tư cách là người biên tập thì chú không thể cho xuất bản được. Truyện này “gai góc” quá, nó sẽ gây đụng chạm.
       Ba Đào không ngạc nhiên thêm nữa nhưng ra chiều suy nghĩ. Mọi học sinh trung học trên đất nước này đều được các giáo viên dạy văn nhắc cho nghe những “kỳ án” của giới văn nghệ sĩ mang chung cái tên “nhân văn giai phẩm”. Đó là lịch sử một thời đã qua, nhưng đến nay nỗi lo sợ bị “chụp mũ” vẫn ám ảnh nhiều thế hệ nhà văn, như chim phải tên sợ làn cây cong.
       - Nếu viết như thế mà sợ đụng chạm thì cháu còn biết viết gì? – Ba Đào thất vọng hỏi.
       - Thiếu gì chuyện để viết! Cứ viết về những thói xấu của dân đen, những bi kịch gia đình vì đạo đức suy đồi, những chuyện tình ái…
       - Nhưng những chuyện ấy đâu có xảy ra trên cung trăng? Ai trong chúng ta có thể vô can tuyệt đối trong các bi kịch? – Ba Đào mím môi bướng bỉnh – Nếu chỉ có thể viết những truyện “lá cải” thì cháu không viết nữa.
       - Không viết cũng không sao cháu ạ! Viết văn chỉ là việc nhỏ thôi – Biển Việt châm điếu thuốc rít một hơi dài – Nghề bác sĩ của cháu kiếm sống tốt hơn nhiều. Chú đâu có vui sướng gì, nhiều người cùng như chú, sách viết ra hầu như chỉ để “đắp chiếu” trong các thư viện hoặc đem tặng. Phải biết sống sao cho yên ổn, vì bây giờ đâu phải là thời “dùng bút làm đòn xoay chế độ”* nữa.
       Ba Đào đứng bật dậy, ánh mắt chàng trai nhìn Biển Việt đầy bi phẫn.
       - Yên ổn ư? Chú nghĩ rằng những tác phẩm của chú không đụng chạm đến ai ư? Nó đụng chạm đến cháu. Chú có hiểu tại sao thằng bé đi giày một chân nhảy xuống dòng nước lũ trong khi ai cũng biết là nó chưa đủ sức không? – Ba Đào run giọng - Nó nhảy xuống để tự tử, để khỏi phải sống trong thế giới của những người lớn như thế.
       Cầm lên tất cả các bản thảo, Ba Đào bước ra khỏi tòa soạn.
       Điếu thuốc trên tay Biển Việt rơi xuống. “Vừa rời khỏi đây chính là Chú Bé Đi Giày Một Chân?” Biển Việt bàng hoàng. Ông chưa từng nghĩ nhân vật trong truyện của ông nhảy xuống dòng nước lũ để tự tử, ông hoàn toàn tin đó là một hành động dũng cảm. Tự tử là trò điên rồ của những kẻ ngốc yếu đuối hoặc của những nhà văn lớn. Nhà văn lớn phải biết đến những đau khổ lớn, lớn đến mức họ tưởng không chịu nổi. Họ không viết vì niềm đam mê, họ viết do trời xô đẩy. Thế giới có được Mac-xim Gooc-ki là nhờ may mắn, lẽ ra ông ta đã chết rồi, vì một phát đạn xuyên thấu ngực – tự sát.
       Biển Việt đã năm mươi tuổi. Có chân trong tòa soạn này là điều may mắn với ông. Ông có thể yên tâm đau những niềm đau nho nhỏ, vui những niềm vui dịu dàng.
       Ba Đào không quay lại tòa soạn lần nào nữa. Biển Việt không biết cậu ta đi đâu. Dù sao, ông cũng không đủ sức để biết quá nhiều.

                                                                           Viết xong ngày 13 – 01 – 2014.

Chú thích:
* “Chú bé đi giày một chân” là một truyện ngắn có thật, tác giả là nhà văn Hồ Thủy Giang. 
* “Dùng bút làm đòn xoay chế độ”: Trong bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng có hai câu nguyên văn như sau:
                   “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
                     Mỗi vần thơ:  bom đạn phá cường quyền”.

       

91 nhận xét:

  1. Câu truyện Ái Nữ viết nội tâm, phản ảnh được Góc khuất của văn chương . Có những đoạn văn rất ấn tượng : "Nhà văn lớn phải biết đến những đau khổ lớn, lớn đến mức họ tưởng không chịu nổi" Rất chính xác và hay!

    HA cố tập viết truyện xem sao có gì Ái Nữ góp ý nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã là văn chương thì không nên "cố". Nếu HA thích viết thì viết thôi. AN sẽ đọc xem "nỗi đau" của HA lớn đến mức nào.

      Xóa
    2. HA không viết văn thất tình như thơ đâu. Viết về xã hội cơ !

      Xóa
    3. Xã hội thì nhiều tình lắm chứ không phải chỉ có "thất tình". AN sẽ chờ đợi được nhìn xã hội qua "ống kính" của HA.

      Xóa
  2. Lớn và nhỏ là phạm trù so sánh chứ không định mức. cái lớn chỉ lớn khi nó đứng bên cài nhỏ và nó lớn hơn cái nhỏ bên nó.(luận lý toán học) sang chào bạn . chúc bạn chiều chúa nhật vui vẻ ấm áp nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mẫn nói đúng. Ngay cả chuyển động hay đứng yên còn phải so sánh dựa trên một hệ quy chiếu. Nhưng những "hệ quy chiếu" trong văn chương còn phức tạp hơn nhiều.
      Cảm ơn bạn đã ghé thăm ngôi nhà mới của tôi! Chúc bạn luôn "nhiều chuyện" và hạnh phúc!

      Xóa
  3. Lần đầu ghé thăm AÍ NỮ ,chúc bạn tuần mới tràn đầy niềm vui HP

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm! Chúc bạn một năm mới tươi thắm rạng rỡ!

      Xóa
  4. E rằng bạn Ong tái nghiện blog là hợp cả lý lẫn tình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là Ong Nâu đã từng cai blog rồi sao? Tôi mới sử dụng blog chưa được một năm. "Nhà" của tôi vốn bên Blog Việt ở địa chỉ ainu.blogtiengviet.net , bên Xóm Lá đó tôi có những bạn đọc sâu sắc, họ rất yêu văn chương, nhiều người là nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp, nhiều nhân vật rất "cộm", họ chịu khó trao đổi tranh luận với tôi và hay để lại những comment vô cùng đặc sắc. Sân chơi ấy đặc biệt hay ở chỗ các bloggers thường xuyên giao lưu và kết bạn với nhau ngoài đời.
      Tuy nhiên Blog Tiếng Việt là một mạng nhỏ và chưa đủ tiêu chuẩn là một trang mạng xã hội, cho nên họ tự kiểm soát một cách rất gắt gao. Vừa rồi có một bạn blogger của tôi đột ngột bị khóa blog vì một lý do rất "hỡi ơi" khiến tôi suy nghĩ. Tôi quyết định mở thêm một "kênh" mới để có thể giao lưu rộng rãi hơn, nhận được nhiều hơn những phản hồi, những ý kiến, những tâm sự. Tôi muốn biết thực tế hơn những suy tư của người Việt Nam thời đại ngày nay, để biết nên viết gì cho những người bạn của mình. Tôi không muốn các tác phẩm của tôi làm mất thời gian của bạn đọc một cách vô ích.

      Xóa
    2. Ong chỉ nói thế thôi! chứ Ong có nghiện gì đâu! Có chăng là ngiện HBO thôi! xem ba cái phim holyut ế ẩm ấy mà ... Hahahaha!

      Xóa
    3. HiHi có Biển Việt thì cũng có Ba Đào , hay thật đấy!
      Dzê ! đọc hết cái chuyện ngắn Nhà Ái Nữ nhọc nhọc là! Ngắn chỗ nào í chứ chuyện này thấy dài hihi!
      Mong bạn viết nhiều ,viết khỏe để Sỏi và bạn bè đọc ké ! hihihi!

      Xóa
    4. Truyện này không hề dài hơn câu chuyện "Ước mơ của hòn sỏi". Tôi biết với thói quen đọc trên mạng thì tác phẩm này có dung lượng lớn, nhưng đây chưa xếp vào loại dài trong các truyện ngắn của tôi. Tôi từng post lên một entry rất khó xếp loại, trong bản thảo nó dài 40 trang A4 với cỡ chữ 14, các bạn đọc có nhiều người phải đọc vài ngày mới hết, nhưng bài ấy lại có nhiều người đọc, mặc dù một số người than "khó tiêu hóa".
      Tuy nhiên tôi lại có những truyện ngắn hơn truyện này bốn năm lần. Để từ từ tôi sẽ post. Tôi không viết nhiều đâu, vì viết nhiều người ta sẽ không đọc. Các bạn có thể đọc từ từ, đi đâu mà vội!

      Xóa
    5. Vậy là Bác Sỏi nhà mình như oà chỗ quen biết với bạn Ong mới được biết ư? Thật thích vì khỏi phải ý tứ - Ong có tật là nghĩ gì nói đó, lắm lúc ngô nghê( có làm mất,phí thời gian bạn bè).
      Chữa lại: Ong nghiện đọc blog và tự cho sự ham đọc của mình vào loại khá- Có Lão Sỏi làm chứng.

      Xóa
  5. Ba Đào chưa trở về vì Biển Việt vẫn còn đó và tư tưởng vẫn thế -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoặc Ba Đào không viết nữa, hoặc anh ta phải tìm được tòa soạn khác.

      Xóa
  6. Theo chân bạn sang đây, rất vui được làm quen, chúc bạn một năm mới hạnh phúc, may mắn và viết nhiều câu chuyện hay cho mọi người thưởng thức...!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn gaigia đã đặt chân đến làm ấm ngôi nhà mới của tôi! Chúc gaigia luôn bình an với những điều tốt lành!

      Xóa
  7. Chao ban lam quen nhe Chuc that vui va sang tac hay

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui được Nhã My đến thăm! Ái Nữ mới đến sân chơi này, sẽ làm quen dần với những cây viết nơi đây.

      Xóa
  8. Mới thấy tên nhân vật thì đã hình dung là sẽ có chút gì gai góc đây. Gai góc nhưng rất thú vị. Sơ giao không dám "đa ngôn". Rất vui vì được đọc bài này và được biết thêm một địa chỉ mới. Cám ơn Ái Nữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói ít nói nhiều không quan trọng, mà là có nói hay không và nói gì. Comment trên của bác sẽ được bạn đọc dịch ra thành: "Tôi là một người thận trọng".
      Đùa bác một chút cho vui vậy thôi! Tôi thích những người kiệm lời, vì bản thân tôi không phải khi nào cũng tiết kiệm được như thế.

      Xóa
  9. 1- Biết được kiếp trước mình là nhà văn thì bạn cũng bằng đức Phật rồi. Ngài Thích Ca kể lại 300 câu chuyện về kiếp trước của ông tuyệt hay....Hihihi bạn Ái Nữ có nhớ được một tác phẩm nào của mình ở kiếp trước không, cho chúng sinh đọc với.
    2- Người xưa nói "Hậu sinh khả úy", anh chàng trẻ tuổi Ba Đào đáng "sợ" hơn nhà văn ngũ thập tri thiên mạng Biển Việt nhiều. Nghịch lý ở đây là ông lớn tuổi đứng trên lề phải cầm gậy chỉ huy "Bắt tình cảm ngược xuôi đi theo đường nhà nước". Tài năng Ba Đào có thể rực sáng ở một lề khac hoặc thui chột. Tình trạng này đã xẩy ra cho văn chương nước nhà thời thảm họa NHÂN VĂN GIAI PHẨM....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Biết được kiếp trước mình là nhà văn thì bạn cũng bằng đức Phật rồi". Bác Bu phát biểu như thế hơi liều, vì biết được kiếp trước không phải là khả năng gì to tát quá, cũng không phải là điều rất quan trọng của tâm linh. Chưa chắc Đức Phật đã có được tất cả những khả năng mà tôi có ngày hôm nay. Nếu sau này không có ai bằng Đức Phật thì hóa ra là Đức Phật nói điêu sao?
      "Ngài Thích Ca kể lại 300 câu chuyện về kiếp trước của ông tuyệt hay..." Tôi tin 300 câu chuyện ấy toàn là do các "nhà văn" kể lại, ngay bản thân Đức Phật cũng là một "nhà văn".
      "Tri giả bất ngôn - Ngôn giả bất tri". Những ai tâm niệm câu ấy hẳn sẽ cười phá lên khi thấy "một nhà văn từ trong kiếp trước". Nhà văn Ái Nữ là một nhân vật đã được hóa thân, khi lên sân khấu diễn viên có xưng mình là Thượng Đế thì khán giả vẫn mặc nhiên chấp nhận, vấn đề ở chỗ là vở diễn có người xem hay không. Tôi lấy cái danh "nhà văn từ trong kiếp trước" ra xài, để còn tiện bề ứng phó với các nhà văn trong kiếp này đã viết ra "thiên kinh vạn quyển" hoặc dùng tiền để lấy cái danh nhà văn, cách của họ rất tốn kém và mất thì giờ, tôi theo không kịp.
      "Chúng ta cần biết quên đi những gì không cần thiết trong quá khứ để học lấy những gì cần cho hôm nay và mai sau". Đó là lời của một người thầy tâm linh lớn. Tác phẩm kiếp trước đọc bây giờ thì không hợp thời, nhưng kiếp này tôi "xoay xở" cũng nhanh lắm bác Bu ạ! Tôi đã từng "lên lớp" cho bao nhiêu người kinh nghiệm làm nhà văn của tôi:

      "Ái Nữ: Kẻ lười biếng thành học trò Thượng Đế, quỷ ma nào cũng phải xếp đằng sau, trong sân chầu nối hàng tiếp theo nhau... Một ngày kia lên cửa Trời tôi đứng, thuận mắt nhìn ngó xuống nước Nam ta, buột miệng kêu lên một tiếng: "Ôi cha!"...
      Tiếng vọng: Ôi cha...a...a!...
      Ái Nữ: Cả nước Nam là một phường chèo lớn, mỗi người dân đều là một diễn viên, họ diễn chèo cho cả thế giới xem...
      Tiếng vọng: ...diễn chèo cho cả thế giới xem...
      Ái Nữ: Vì chèo là quốc hồn quốc túy, người Việt Nam diễn giỏi nhất năm châu. Tất cả mọi trò trên thế giới đâu đâu, đều được đem về Việt Nam diễn tuốt...
      Tiếng vọng: Tất cả mọi trò trên thế giới đâu đâu, đều được đem về Việt Nam diễn tuốt...
      Ái Nữ: Người Việt Nam vốn tuyệt vời sáng tạo, khi về Việt Nam cả thế giới "đổi màu"... Từ ăn uống tiệc tùng đến ca nhạc đêm thâu, ở Việt Nam phải quy về "bản sắc". Mọi tiêu chuẩn ở Việt Nam đều đứng đầu thế giới, thủ tục hành chính thông thoáng nhất địa cầu, nông dân thành tiến sĩ chẳng mấy lâu, trường đại học không thiếu những "giáo sư Từ Giấy"...
      Tiếng vọng: ...không thiếu những giáo sư Từ Giấy...
      Ái Nữ: Thí dụ chẳng cần tìm đâu xa mấy, các bạn nhìn ngay Ái Nữ này đi! Ái Nữ tôi vỗ ngực xưng danh "nhà" nọ "nhà" kia, nhưng thiên hạ không ai buồn phản đối, vì "quy trình làm nhà" của tôi theo đúng lối, đủ theo tiêu chuẩn Việt Nam ta. Với một bài thơ đăng báo từ những ngày rất xa, và một cuốn tiểu thuyết còn lâu tôi mới viết..., tôi đã thành một nhà văn thứ thiệt, khiến cho bao độc giả vỗ tay mừng... Tôi có thể làm như vậy ở nước Mỹ hay không?
      Tiếng vọng: ...có thể làm như vậy ở nước Mỹ hay không?..."

      (Trích độc tấu "chèo đời mới": "Tài hoa và bí hiểm - đặc điểm của người Việt Nam").

      Rõ ràng thời buổi lộn xộn này thích hợp cho một kẻ vênh vang như tôi, và ở đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta tôi mới dễ dàng được công nhận, chứ cứ "cứng nhắc" như người Mỹ thì đã chả nên chuyện. Ha ha ha...

      Cuộc đời đẩy chúng ta vào những vai diễn bất đắc dĩ, người ta tự tiện xếp chúng ta vào lề nọ lề kia, đến nỗi có những người nhanh nhẹn tự nhận trước lấy một lề. Còn như để giữ đạo, lòng ta cần giữ sự trung chính.

      Xóa
    2. 1- Bu tui sở hữu hai tập tiền thân đức Phật... và nói với bạn như lời giới thiệu của sách chứ trong thâm tâm không nghỉ là 300 câu chuyện ấy do đức Phật nói ra. Cũng phải nhận rằng những câu chuyện đó rất hấp dẫn...
      2- Cứ theo Phật sử và nhiều sách bàn về "Đạo phật và khoa học" thì không ai hơn đức Phật về mọi khả năng. Sau khi ngài ngộ được "Tam minh" thì khả năng của ngài là phi thường. Những phát kiến của khoa học hôm nay như thuyết vũ trụ nở, nguyên tử, trái đất chuyển đông quanh mặt trời, chuyển động Brao, định luật bảo toàn năng lượng,...Những vấn đề về thiên văn, toán học, sinh học......đã được đức Phật nói tới ở dạng kháii niệm các nay 2500 năm.. Kỹ thuật chụp ảnh toàn kí hôm nay đã chứng minh được lời nói của đức Phật "Một trong tất cả, tất cả trong một". Bộ óc vĩ đại của nhân loại là bác học Einstein nói: "Đạo phật không chỉ là khoa học mà còn trùm lên mọi khoa học". Nhưng "tín tận thư như vô thư" ...Cũng có thể ở một khả năng nào đó bạn AN hơn đức Phật...hihihi
      3- Bu tui đã đọc một lần "chèo đời mới"...chưa có thì giờ để đọc lần hai, lần ba...Trước đó bu đọc toàn bộ còm của bạn bè và ngạc nhiên về một vài người trong số đó. Bài viết của bạn độc đáo, tài hoa và không có gì bí
      hiểm. Nhà văn tư duy theo một tần số nào đó và ghi ra giấy...người đọc phải có tân số phù hợp mới thu được. Nếu không thu được thì cũng đừng chê người ta bí hiểm, đi vào vào ngõ cụt, hoặc văn chương mất dạy. "Vở chèo" mới của bạn không nói vu vơ mà đề cập đến nhiều vấn nạn của xã hội ta, của dân Việt. Nhân loại có một Thượng đế là quá đủ, dân Việt ta có thêm một thượng đế nửa thành ra thừa. Cái gì thừa cũng sinh ra nghịch lí và khủng hoảng...
      4- Bác sỹ đang cấm bu ngồi vào máy tính nhưng không thể không trả lời bạn được,.. Bu sẽ có Mail cho bạn về điều bạn hỏi....

      Xóa
    3. Sự thật thì tâm linh luôn đi trước khoa học, Đức Thích Ca đã học hỏi về vũ trụ bằng tâm linh và Ngài đạt được giác ngộ trước trong nhân loại. Tuy nhiên Ngài không truyền lại được sự giác ngộ đó bằng "tâm truyền", Ngài thuyết pháp giỏi nhưng chủ yếu là "ngôn truyền", mà ngôn ngữ có khả năng làm cho người ta ngộ nhận ghê gớm. Cuối cùng thì đạo Phật phát triển hùng mạnh về kinh sách và chùa chiền, trong khi nhân loại cứ đắm chìm dần. Đức Thích Ca giác ngộ về khả năng của các khả năng, chứ thân xác Ngài không thể dùng được tất cả những khả năng đó, vì theo sự hiểu biết chung của chúng ta thì Thượng Đế chưa từng sáng tạo ra hai cá thể giống hệt nhau với những năng lực giống hệt nhau.(Chỉ có con người với những "lô sản xuất" ảo tưởng rằng mình có thể làm được điều đó). Thân xác Ngài là phàm nhân như tất cả chúng ta, nếu chúng ta không chịu tin điều đó thì có nghĩa là chúng ta phủ nhận niềm tin của Đức Phật.
      Vũ trụ đã xoay vần và nhân loại đang đón nhận những cơ duyên mới. Sùng bái không bằng học hỏi, dù Đức Thích Ca có tái sinh thì thân xác Ngài vẫn phải học những điều mới mẻ của thế giới hiện tại, và Ngài không thể dùng được những khả năng mà Thượng Đế không dành cho Ngài, dù linh hồn Ngài có biết nhưng thân xác Ngài không biết. Đó là những trải nghiệm tâm linh mà tôi đã trải qua, không phải bằng đường sách vở.
      Chẳng hạn như cái việc mà tôi nhờ bác, không việc gì mà tôi phải ngồi thiền định để hỏi Đức Phật, vì rõ ràng nó đã có sẵn rồi, tôi không biết thì bác biết hoặc người khác biết. Tôi không cần phải hoang mang về chuyện kiến thức của tôi khiếm khuyết hoặc tôi không có một khả năng nào đó. Tôi chỉ cần chú ý dùng khả năng Thượng Đế dành cho mình, những việc khác để người khác làm. Tất cả chỉ là MỘT mà thôi.

      Xóa
  10. Biết trước kiếp trước- xưa Ong không biết nhưng giờ thì tin chắc chắn có.
    Mình thích bạn, nói thẳng và nói thật nhưng không làm những người hay e dè như Ong phải ngại(chỉ khi tâm phục khẩu phục thì lời trách mắng cũng làm ta vui). Là mới đọc chưa nhiều sao mà bạn Ong thích thế chứ. Kể như khoe chút nha: 12 năm hay lang thang trên núi, được 7-8 tháng nay thì biết tới đạo Phật và học lẫn hành theo khá nghiêm túc( so với đứa lười là Ong thì như vậy có tiến bộ) có hôm ngồi thiền Ong thấy mình lúc ba tuổi đấy, như là cứ lùi dần ấy, hy một vài năm, hoặc một vài chục năm Ong nhìn thấy kiếp trước( .....các kiếp trước) vì rất tin nên Ong hy vọng.
    Còn khi Ong hứng thú là không kiệm lời nổi đâu đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là Ong ba hoa thật, hi hi... Làm gì mà người ta cần "biết trước kiếp trước"? Nhất là nếu một vài chục năm nữa mới biết thì còn gì là "biết trước"?
      Ong nói lộn rồi, thật ra là một vài chục năm nữa Ong sẽ biết trước kiếp sau đấy! Ha ha...

      Xóa
    2. Ái Nữ đáng mến!
      Mình có một người bạn hơn mình sáu tuổi,ý là xung ghê gớm theo cách tính nào đó, quý nhau nhiều nhưng cứ gặp là cãi nhau, bạn ấy đã từng chọn lúc Ong đi vắng để trồng cây leo trong vườn nhà Ong dù chẳng bao giờ mó tay mó chân ngoài vườn của chính bạn ấy, làm nghề làm vườn mà,thuê hết.
      Buồn cười Ong kể vậy vì đôi lúc người Bắc hay bị có thói quen kể nể quen ông này bà nọ để thấy mình thêm giá trị ấy. Bạn ấy làm vườn cho các ngôi biệt thự ấy, nói mình: em sống hời hợt thế .........lúc đó có nghĩ ngợi như hơi giận nhưng xem lại thì thấy thương cho voi cho vọt là đúng cách,Ong lớt phớt mọi thứ thật,sống lớt phớt thì làm ra trò trống sao nổi, ví dụ: ăn lớt phớt,ngủ chả đâu vào đâu,làm việc thì tuỳ hứng lúc thì nhiều lúc thì tẻ ngắt....
      Ong ba hoa nhé- nghe cũng thích nha- như nghe như nhìn thấy cái cười của Ái Nữ( chị ấy nhẹ ...quá,nói nhỏ lắm.......).
      Đọc mấy câu trả lời của Ái Nữ cho bác Bu ấy,Ong thích mê đấy,vốn các Bác là Ong không dám nói gì đâu, chơi bao lâu qua đọc rồi về thôi.Mà bên blogtiengviet Ong không đọc được là sao? Hướng dẫn Ong đi nhé!
      Trên mạng đọc dài được mà, Ong ké bên bạn đang đọc lại Đèn không hắt bóng đó.

      Xóa
    3. Khi bàn luận trao đổi, chúng ta nên đặt tuổi tác và địa vị ra ngoài, không cần minh họa thêm cho truyện ngắn "Tòa soạn" nữa đâu. Hic hic...
      Còn tại sao Ong vẫn chưa đọc được bên Blog Việt thì Ái Nữ chịu, bác Bu bác ấy đọc được đấy thôi. À mà hình như bên ấy được kiểm soát kỹ lưỡng bởi các lực lượng siêu nhiên, có lẽ giời phật không muốn Ong đọc thiếu điều độ nên tạm thời ngăn cản đó thôi. Định đọc gì, có lẽ Ong nên... cầu nguyện trước đã. Hic hic...

      Xóa
  11. Bên nhà HA thấy bài mới Ái Nữ...sang đây không thấy hihii, ngủ ngon nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là Ái Nữ tưởng có thể có một đường thông bình luận vào Quê Choa nhưng hóa ra không phải, thao tác nhầm nên phải xóa vội đó.

      Xóa
  12. Câu chuyện cũng hay nhưng chưa hay lắm Ái ạ…
    Bởi vì chưa phê phán đúng lỗi lầm cơ bản của các nhà văn VN hiện nay…
    Ko phải ở chỗ họ ko biết đến những nỗi đau lớn, bởi vì những nỗi đau lớn thì rất nhìu người biết và bản thân họ tất biết…
    Cũng ko phải ở chỗ ngòi bút của họ chưa làm xoay chuyển đc chế độ, bởi vì trong lịch sử nhân loại thì chế độ đã xoay chuyển rất nhìu, kể cả hiện nay thì chế độ cũng luôn tự đổi mới nhưng xét cho cùng thì vẫn rứa…
    Mà đó là ở chỗ trong số họ ko ai có đc tư tưởng lớn cả, ko ai nói lên đc tinh thần khai sáng của Chúa cả, ko ai chú ý làm cách nào để làm thay đổi tư tưởng nhận thức, để làm cho yêu thương rạng rỡ cả…

    Rất vui đc Ái đến thăm nhà,
    Một chiều thật nhiều niềm vui ấm áp chào đón năm mới thật xinh tươi hp Vio nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng biết là truyện ngắn này chưa hay lắm, nhưng comment của bạn lại hay đặc biệt. Sự xuất hiện của bạn làm ngôi nhà của tôi rạng rỡ hẳn lên.
      Bạn làm tôi nhớ đến vài bạn đọc đặc biệt của tôi, họ cũng gọi tôi là Ái như bạn vậy đó: Ái này, Ái ơi, Ái ạ...
      Nhưng rất xin lỗi Hoa Tím, tôi biết tôi sẽ không bao giờ dùng văn chương để phê phán các nhà văn Việt Nam rằng họ không có tư tưởng lớn. Tôi đã đọc thấy nhiều bài viết của các nhà phê bình phàn nàn về điều này. Nhưng cá nhân tôi không cho rằng thiếu tư tưởng lớn là "lỗi lầm cơ bản" của các nhà văn Việt Nam. Bởi nói như thế thì khác nào kết luận người nghèo là người tội lỗi? "Thiếu" không phải là một lỗi lầm.
      Mỗi sinh linh trên Trái Đất đều là một phần của Chúa Trời, con người lại nhận được đặc ân hơn mọi loài khác nữa. Nhưng được nuông chiều nên con người đã trở nên kiêu ngạo, họ cho rằng họ chính là Thượng Đế có quyền thống trị, sửa chữa những sai lầm của "Thượng Đế thiên nhiên" hòng đem lại lợi ích vật chất lớn nhất cho mình. Con người dần dần quên mất nhiều điều, không còn nhận thức được tính MỘT của vũ trụ. Với bao nhiêu "tư tưởng lớn" của nhân loại mà con người cứ từ từ đưa nhau xuống hố.
      Tôi thấy vấn đề không phải ở chỗ con người thiếu tư tưởng lớn. Linh hồn Thượng Đế vẫn luôn ở trong họ nhưng đã ngủ sâu, vì những dục vọng loại thấp của thân xác đang trỗi dậy hoành hành.
      Con người biết có những nỗi đau lớn, nhưng họ không đau, vì họ đã bị gây mê hoặc tự gây mê cho mình rồi. Chúng ta không thiếu những người có tư tưởng lớn, mà chúng ta chưa có đủ những người tỉnh thức.
      Thượng Đế luôn yêu thương và không phê phán, chỉ con người luôn làm những chuyện để tự trừng phạt mình. Tại sao chúng ta lại phải phê phán các nhà văn? Các nhà văn không cần phải lớn hơn họ vốn có, nhưng họ cần được sống trong tình yêu chân thành tha thiết và hành động như trái tim mách bảo. Khi con người sẵn sàng hy sinh cho tình yêu cao thượng thì Thiên Chúa sẽ ngời sáng trong họ.

      Xóa
    2. Hihi,
      Thật ko ngờ bạn lại trả lời dài thế…

      Thực ra đọc mãi gần hết truyện rồi mà mình chẳng hiểu bạn viết gì cả. mãi đến hai đoạn gần cuối này:
      “Ba Đào run giọng - Nó nhảy xuống để tự tử, để khỏi phải sống trong thế giới của những người lớn như thế.”
      “Biển Việt bàng hoàng. Ông chưa từng nghĩ nhân vật trong truyện của ông nhảy xuống dòng nước lũ để tự tử, ông hoàn toàn tin đó là một hành động dũng cảm.”

      Mình mới hiểu à hóa ra Ba Đào phê phán Biển Việt là chả hiểu gì về nỗi đau lớn của nó cả…
      Hihi,
      Thế thì có phải nhà văn Ái Nữ đã dùng câu chuyện trên để phê phán các nhà văn khác rồi ko…

      Theo mình thì ai cũng rất cần đc phê phán cả, nhất là các nhà văn là những người viết cho công chúng, những nghệ sỹ tâm hồn, những người làm trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng…
      Và ko những công chúng phê phán, mà các nhà văn cũng rất cần phải phê phán…
      Và hơn nữa còn có cả những đội ngũ các nhà chuyên phê bình văn học cơ…

      Như thế thì phê phán là rất cần thiết. Và những nhà văn đc quan tâm phê phán để tiến bộ hơn để tạo ra những kiệt tác, đó chính là họ đc sống trong tình thương yêu chân thành tha thiết đấy…
      Bởi vậy mà nhà văn cần phải chân thành tiếp thu để ko ngừng lớn hơn mình vốn có để phục vụ công chúng tốt hơn…

      Còn về tư tưởng, nhà văn viết cho quảng đại công chúng mà ko có tư tưởng lớn thì rõ ràng là một nỗi lầm quá lớn bạn ạ…

      Bởi vì tư tưởng nhận thức chính là cốt lõi của nhà văn, ko có tư tưởng lớn tất sẽ gây tác hại cho xã hội, chắc chắn sẽ ko nói lên đc tinh thần khai sáng của Chúa, và như vậy cũng sẽ ko cải biến đc tư tưởng nhận thức của xã hội, ko thể làm cho yêu thương rạng rỡ…

      Cần phải có tư tưởng lớn mới đưa xã hội đến hạnh phúc xinh tươi… Những tư tưởng mà đưa nhân loại xuống hố như bạn nói, đó chính là những tư tưởng cực đoan quá nhỏ, chứ tuyệt nhiên ko phải là tư tưởng lớn…

      Còn về quyền đc làm chủ bản thân và làm chủ thiên nhiên, đó ko phải là kiêu ngạo, mà là quyền năng đặc biệt mà Chúa đã ưu ái ban cho loài người để thay Ngài làm cho thế giới này ngày càng lung linh rạng rỡ hơn, tình yêu hạnh phúc ngày càng sáng ngời hơn…

      Chúc bạn một tối thật ngon giấc ấm áp Vio nhé !

      Xóa
    3. À quên,
      Còn thiếu một ý…
      Theo mình thì tư tưởng lớn với sự thức tỉnh là một Vio ạ !
      Nếu đã có tư tưởng lớn tất phải thức tỉnh, mà nếu đã thức tỉnh thì tư tưởng cũng chắc là lớn rồi…
      Hiện nay nhân loại rất hiếm hoi người có tư tưởng lớn đấy…
      Ko phải dễ gì mà có đc tư tưởng lớn đâu, ít nhất phải vượt qua đc chính mình cơ…

      Xóa
    4. Bạn thật là một bạn đọc nhiệt tình, mặc dù bạn nói là bạn không hiểu tác phẩm này lắm, và có lẽ đúng thế thật. Ngay bản thân tôi chưa chắc đã hình dung hết những ấn tượng mà tác phẩm này đem đến cho người đọc. Tôi chỉ tìm cách diễn tả lại những gì tôi quan sát thấy trong cuộc sống chứ không định phê phán, và tôi chờ đợi sự phản hồi của độc giả để biết những gì tôi quan sát và chiêm nghiệm có được sự đồng cảm hay không.
      Theo từ điển tiếng Việt thì phê phán có nghĩa là phân tích ra cái sai để đánh giá hoặc lên án. Nhưng sự sai đúng chỉ là tương đối, đúng với người này lại không đúng với người khác. Tôi không lên án, tôi chỉ muốn mọi người nhận diện vấn đề và tự lựa chọn con đường của mình. Nhà văn Biển Việt không sai khi muốn sống yên ổn, chàng trai Ba Đào không sai khi muốn sống cho chân lý. Nhưng sự mâu thuẫn của họ quá lớn, tư tưởng của họ không gặp nhau, họ sống đúng với chính mình nhưng sai với người khác. Vấn đề như bạn nói là phải vượt qua được chính mình, nhà văn Biển Việt cũng muốn thế khi ông viết truyện "Chú bé đi giày một chân", nhưng trong thực tế ông chưa đủ dũng cảm để chia sẻ cho Ba Đào "một chiếc giày" vì ông sợ ông sẽ bị "lạnh". Tôi không thể lên án Biển Việt vì ông ấy đã yếu đuối, tôi chỉ muốn hình ảnh một con người như thế hiện lên để chúng ta cùng nhìn nhận xem có nên lựa chọn cách sống như thế không. Ba Đào vì đọc tác phẩm "Chú bé đi giày một chân" mà tin tưởng Biển Việt, tin là ông ấy thấu hiểu nỗi đau của mình nên đã tìm đến để mong có người bạn đồng lý tưởng. Nhưng từ suy nghĩ đến hành động là một khoảng cách lớn, Ba Đào đã thất vọng như bao người trẻ tuổi.
      Công việc của các nhà phê bình là phê bình chứ không phải phê phán, hai khái niệm ấy có khác nhau. Mặc dù từ trước người ta có nói đến văn học phê phán, nhưng tôi không định làm như thế. Tuy câu chuyện của tôi có thể khiến độc giả nảy sinh những ý nghĩ phê phán, nhưng trăm người đọc thì có trăm cảm xúc. Có một độc giả cao tuổi của Blog Việt khi đọc truyện này đã phát biểu rằng ông ấy thích nhân vật Biển Việt, ông ấy thấy người như thế không tệ. Như vậy là ông ấy không nhận ra sự phê phán của tôi trong tác phẩm giống như Hoa Tím.
      Hoa Tím thật mâu thuẫn khi đòi các nhà văn phải có tư tưởng lớn, nhưng lại nhận định rằng: "Hiện nay nhân loại rất hiếm hoi người có tư tưởng lớn đấy". Nói như vậy thì hầu hết các nhà văn trên thế giới này đều nên gác bút chứ không phải chỉ riêng các nhà văn Việt Nam.
      "Ko phải dễ gì mà có đc tư tưởng lớn đâu, ít nhất phải vượt qua đc chính mình cơ…" Bạn nói câu này hồn nhiên như một đứa trẻ, mà trẻ con hay nói thật. Để vượt qua được chính mình thì chưa cần phải có tư tưởng lớn, mà chỉ cần có lòng dũng cảm.
      Bạn thật hồn nhiên, Hoa Tím ạ! Tôi rất thích bạn rồi đấy!

      Xóa
    5. Ôi chao,
      Mình có ý nói với bạn những điều tâm huyết nhất, mấu chốt quan trọng nhất, với tình cảm chân tình yêu quý nhất nhưng bạn ko hiểu…
      Chắc là mình với bạn ko hợp rồi, thôi chào Vio nhé !

      Xóa
    6. Tôi nhận thấy bạn đã rất nhiệt tình với tôi và tôi cũng đáp lại bạn bằng tất cả lòng nhiệt tình của mình. Nhưng có lẽ tư tưởng của bạn lớn quá mà tôi lại chưa đủ tỉnh thức để hiểu được.

      Xóa
    7. Tôi cũng đã đọc mấy dòng "nói chuyện về tư tưởng mới" bên nhà bạn trong bài "Mừng năm mới" rồi. Quả thật tôi thấy con người tôi quá bé nhỏ nên không dám hô hào như thế.

      Xóa
  13. Ngựa ghé thăm cho biết nhà!
    Lúc nào thong thả sẽ đọc và comment...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chao ôi Ngựa cẩn thận quá!
      Chạy đi chạy lại nhiều hèn chi mà không mỏi chân!
      Hic hic hic...

      Xóa
  14. Lần đầu tiên mình đến nhà Ái Như và được đọc truyện ngắn này. Nhân vật Ba Đào rất giống ngoài đời thực bạn tôi- Thái Bảo. Là một Bác sĩ ở Mỹ, nhưng lại là cây bút đang lên trong Tạp chí văn nghệ Quân đội hiện nay. Tôi rất thích những "tay ngang" như thế này viết văn, bởi những :nhà văn chân chính" hiện nay khi đã có chân trong một tòa soạn nào ấy họ lại lười suy nghĩ, viết văn cho có lệ. Rồi đến khi có giải thưởng này, giải thưởng nọ họ chia nhau lên ẵm giải. Viết văn là một nghệ nhọc công, song đôi khi hiện tại có rất nhiều cái bất công. Nhưng thôi tôi ko muốn bình luận gì nhiều thêm. Ái Như lần đầu tiên tôi biết bạn, nhưng mọi thứ bạn đã để lại cho tôi một nấ tượng mạnh. Năm mới chúc bạn và gia đình an lành và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã đặt thêm tên mới cho tôi! Tôi rất vui được biết có những Ba Đào thực trong đời. Thái Bảo là bút danh của người bạn ấy ư? Tôi sẽ tìm đọc.
      Đối với tôi, phần thưởng lớn nhất mà một nhà văn có được là những phút giây bừng sáng của tình yêu với con người, với Thượng Đế. Tôi đã có được phần thưởng ấy và tôi đem chia sẻ cùng các bạn.

      Xóa
  15. Chúc nhà văn luôn giàu cảm hứng và có một mùa xuân mới thật tuyệt vời nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc bạn dù thiếu rồi hết mà không cần phàn nàn nhé! Bởi vì phải hết cái cũ rồi mới có cái mới! Chúc bạn một năm với thật nhiều cái mới!

      Xóa
  16. Theo chân đến thăm nhà vào một ngày cuối năm bận rộn, đọc chuyện ngắn hay và giàu tính nhân văn,rất vui được làm quen, mong gặp luôn. chúc năm mới nhiều hạnh phúc và niềm vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị đã sớm ghé thăm ngôi nhà mới này!
      Chúc chị một năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc!

      Xóa
  17. Chào nhà văn ! Hy vọng được đọc thêm nhiều truyện ngắn khác nữa của bạn . Chúc bạn mùa xuân vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã tới thăm tôi! Chúc bạn một mùa xuân trong lành!

      Xóa
  18. Cảm ơn bạn đã tặng tôi những lời ấm áp!
    Chúc bạn một năm mới yên lành, tươi vui!

    Trả lờiXóa
  19. Mộc đến thăm bạn, đọc truyện, đọc một số cmt của các anh chị khác, thú vị lắm. Mộc blog rất hay. Chúc bạn vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã ghé qua! Tôi mong nhận được những ý kiến chia sẻ chân tình từ bạn đọc, dù đó có thể là những ý kiến trái chiều và cần tranh luận. Nếu tất cả chỉ cùng một giọng thì... chán lắm!

      Xóa
    2. bạn có giọng văn của một người viết truyện vừa, còn truyện ngắn thì chưa đạt, qua nhà Mộc xem mấy cái truyện ngắn để làm mẫu đi ... trả " đá " lại cho ấy đấy, bốc lên ném tiếp đi, hihihi, thôi dìa!

      Xóa
    3. Làm ơn nói kỹ hơn một chút! Theo anh Mộc thì truyện thế nào là ngắn, thế nào là vừa?

      Xóa
    4. ấy là đùa tí làm quen thôi chứ đâu nặng nề thế, tuy nhiên truyện ngắn theo mộc hiểu là "cái giọng văn" nó ngắn, nó tức, nó đanh lại như dây thép gai ấy, đọc nó mới đả, mới sướng, còn dàn trải, chi tiết, giải thích ... thì nó cũng hay, cũng dể hiểu nhưng lại dài quá, phù hợp với cốt truyện nhiều tình huống, nhiều nhân vật, trải rộng trên một sườn thời gian. Đó là ý kiến chủ quan thôi nhé, hổng phải sách vỡ đâu!

      Xóa
    5. Thật ra ý kiến của anh lại thấy tôi yên tâm hơn. Tôi vẫn còn hơi ngại rằng giọng văn của tôi ngắn quá và "đanh" quá. Nếu anh đọc truyện này không thấy "đanh" thì tôi lại hài lòng.
      Tuy nhiên tôi có những truyện rất ngắn nhưng lại có nhiều tình huống, nhiều nhân vật hơn truyện này, mạch văn có một tốc độ rất khác. Để khi nào thong thả tôi sẽ post lên, hy vọng phù hợp với khẩu vị của anh.

      Xóa
    6. bạn ạ, cơ bản là giọng văn, cách sắp xếp chữ, cách chấm, phẩy sao cho tức điên người lên mới truyện ngắn, còn bố cục bạn nói đúng cũng tuỳ cốt truyện mà số nhân vật nhiều hay ít, bối cảnh xa hay gần, nhưng mộc có nhận xét chung là văn bạn vẫn còn hiền, còn nhân từ lắm nếu theo đuổi truyện vừa hoặc tiểu thuyết sẽ tốt hơn đấy, mộc cho bạn đường link nầy, bạn đọc thử một truyện ngắn của mộc (được đầu tư) còn tầm tầm vài ba ngày một tác phẩm đăng trên facebook thì cần phải chỉnh sửa mới ok được :http://binhdiamoc123.blogspot.com/2013/02/khai-but-au-nam-truyen-ngan-6bay-ran.html ... thế nhé, nói chung gặp nhau lần đầu "ném đá" nhưng chẳng ai hề hấn gì, báo hiệu một tình bạn đẹp đấy!

      Xóa
    7. ĐÂY LÀ TRUYỆN MỘC MỚI VIẾT SÁNG NAY ĐĂNG TRÊN FB MỜI BẠN ĐỌC

      truyện ngắn
      GIẤC MƠ CON

      Nghe tin con nhậm chức giám đốc (à không) tổng giám đốc chứ. Oai lắm con ơi! Thế là, lặn lội từ dưới quê lên, mang theo cái "ruột tượng" để mần chi, mẹ nỏ biết nhưng chỉ loáng thoáng nhớ rằng ngày xưa mẹ dùng nó để đong gạo, dành cho bố con cỏng lên rừng mà có cái ăn, có sức đặng đánh Mỹ. Thế thôi!

      Ngày ấy bố con cũng oai lắm nha, sau hàng tháng trời nấp sâu dưới hầm bí mật, chờ tin tức và thức ăn của mẹ đem xuống, người gầy nhom và xanh lét như tàu lá chuối, nhưng hể có lệnh chiến đấu là nhảy cẫng lên mạnh mẽ và quyết liệt rồi đi ngay. Thi thoảng mẹ níu bố con lại hỏi "anh từ từ đã, cho em ngắm chân dung chú bộ đội giữa ban ngày ban mặt coi". Bố cười, dừng lại nhìn mẹ. Hơi lạnh từ bố, từ chiều, từ lệnh hành quân túa ra ấm áp lạ thường. Bấy giờ bố chậm rãi bảo "con người có nhiều ước mơ như vợ đẹp, con xinh, nhà lầu, xe hơi ... nhưng mục đích chỉ có một và một mà thôi". Mẹ bước đến, ôm chầm bố con, mùi đàn ông lẫn mùi đất lạnh bấu chặt lấy mẹ lẫy bẫy. Mẹ hỏi "thế em là gì ?". Bố lại cười, nụ cười "chú bộ đội" tròn huynh, giải thích "em là ước mơ, còn đánh Mỹ, giải phóng miền nam mới là mục đích cuối cùng, đừng biến giấc mơ con kia cản đường mục đích em ạ". Nghe thế, mẹ rất buồn, nỗi buồn con gái quá đổi vu vơ!

      Hôm nay, mẹ nghe tin con sắp bị tử hình vì tội tham ô, mẹ lại lọm khọm lên đây, ngồi đấy, nhưng không có cái "ruột tượng" thứ hai để cầm cho đỡ run, đỡ lẫy bẩy như ngày xưa nữa. Đôi tay gầy đét của mẹ dường như sắp dư ra rồi, sắp thừa thãi đến tệ hại, đến nhũn nhữn trong căn biệt thự sang trọng nhưng vắng vẻ, quạnh hiu, nhuốm mùi tang tóc nầy bởi chính nó, với cái ti vi kia, cùng chiếc xe nọ và sự xa xỉ đó "chỉ là giấc mơ con" như bố con từng nói thôi. Con nỏ biết, nỏ nhớ chi hết để rồi cơ sự ra nông nổi như ngày hôm nay.

      Ai, ai đã đánh mất mục đích của con trai tôi, bắt nó nhầy nhụa trong cái ước mơ con tầm thường và nhỏ bé ấy để phải nhận án tử hình. Ai?

      Tiếng gọi của bà lại rơi xuống căn hầm bí mật năm xưa, nơi chú bộ đội nấp cả tháng trời mới được lệnh chiến đấu chui lên khỏi mặt đất lạnh ngắt. Căn hầm bí mật mãi mãi bí mật!

      Sài Gòn, 25.01.2014
      Bình Địa Mộc

      Xóa
    8. Hì hì... Đọc cái comment phía trên của anh Mộc, tôi lại ngỡ anh đặt ra tiêu chí mới cho các thể loại, tức là tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa thì có tính nhân từ, còn truyện ngắn thì phải ác. Nhưng đọc đến truyện ngắn của anh thì tôi thấy nó hiền khô chứ có ác chỗ nào đâu!
      Trong "Giấc mơ con" của anh, hầu hết truyện là tự sự của nhân vật, có mỗi ba dòng cuối cùng là không phải. Cách "bài binh bố trận" của anh cực hiền.
      Cảm ơn anh đã không chê tôi ác! Còn với "mẫu" truyện ngắn của anh vừa cho tôi xem, có lẽ tôi chỉ cần đổi cách xếp loại tác phẩm của tôi từ "truyện ngắn" thành "truyện vừa" thì anh sẽ không phàn nàn nữa phải không? Có nhiều người xếp những truyện ngắn như trên của anh vào thể loại truyện cực ngắn hay truyện ngắn mini, nhưng tôi không thích dùng cách gọi ấy. Song tên gọi thể loại không thành vấn đề.

      Xóa
    9. nói thực dài hay ngắn chỉ là time đầu tư thôi, chứ tứ truyện thì không khó, nhưng càng ngắn thì viết càng khó hơn bởi đặc điểm của truyện ngắn là "vòng tròn khép kín" nghĩa là đưa cái gì ra phải giải quyết dứt điểm cái đó như "căn hầm bí mật" của mộc chẳng hạn, vậy đưa càng nhiều sự kiện nhân vật vào thì truyện sẽ dài ra thôi, còn nếu bõ ngõ thì không phải là truyện ngắn rồi, thứ hai đề tài phải lớn nữa, nói về xã hội thì tính khái quát càng cao, còn con người thì thấp hơn một chút ... mộc thích viết ngắn nhưng đề tài phải cấp "nhà nước / chế độ ... " trở lên nó mới sướng ngòi bút bạn ạ, thôi lần đầu tiên gặp gỡ và giao lưu như thế có gì không phải bạn bỏ quá cho mộc nha, trân trọng!

      Xóa
    10. nói nhỏ, mộc là người ngoại đạo, viết văn làm thơ theo năng khiếu bẩm sinh nhưng mộc không tán thành cách nói truyện ngắn mi ni, truyện cực ngắn, truyện ngắn 100 chữ ... chỉ cần gọi truyện ngắn là đủ, là đúng rồi, nói như trên nhắm để phân khúc độ dài của truyện ra thôi chẳng nghĩa lý gì cả bởi theo nguyên tắc lượng chữ càng ít thì nội dung chuyển tải càng nhiều ví dụ như các mẫu quảng cáo trên tivi có mấy giây thôi nhưng người ta nhớ suốt đời trong khi đó cả một bộ phim dài mấy trăm tập xem xong chẳng ai nhớ gì cả, vậy nên độ dài chỉ là thước đo tính cần cù, mức đọ đầu tư còn đẳng cấp, trí tuệ vẫn là ... ngắn!

      Xóa
    11. Với tôi, giao lưu cốt ở chân tình, nếu ý tứ quá đà e lại thành không thật.
      Có những cái người ta nhớ suốt đời nhưng chưa chắc đã có nhiều giá trị, ví dụ như nhớ một khẩu hiệu quảng cáo chẳng hạn. Có những tác phẩm đọc xong ta không nhớ nổi, nhưng cảm xúc đẹp về nó thì còn vương vấn mãi. Theo kinh nghiệm đọc của tôi, văn chương không phải khi nào cũng chuyển tải những thông điệp có thể phát biểu thành lời. Để chia sẻ những rung động rất sâu rất xa, một tác phẩm quá ngắn thường không phải là phương tiện phù hợp. Hạn chế của việc đọc trên mạng chính là không phù hợp với những tác phẩm dài. Những truyện của tôi hợp với việc đọc bằng sách giấy.

      Xóa
    12. tks bạn, thôi nhé, chúng ta dừng lại từ đây, chúc mừng bạn mặc dầu mới chuyển sang blog google nhưng đã sớm làm quen được mọi người, blog bạn nhanh chóng trở thành nơi chốn đi về của chúng tôi để giao lưu học hỏi lẫn nhau là điều rất tốt, rất đáng trân trọng, mong rằng bạn giữ vững và phát huy đẳng cấp nầy, mộc về đây!

      Xóa
  20. Mình đọc một lèo đến chỗ ngoặt duy nhất : Ba Đào chán sống. Không bị vướng vào ma trận ngã ba ngã tư kẹt xe , khói bụi triền miên. Hihi.
    Đọc tiếp các còm của AN và các anh chị, mình thấy rất thú vị nhưng hơi sợ vì mình không đủ vốn “ ngôn truyền” để diễn đạt. Cho phép mình vô thường bằng cách chủ yếu đọc, thận trọng còm ít nha.
    Rất vui vì được biết Ái Nữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì... Càng nói nhiều càng sai nhiều ấy mà... Bạn thật khôn ngoan khi chọn việc quan sát những cái sai của chúng tôi để học hỏi.

      Xóa
  21. Bất ngờ vì được Ái Nữ ghé thăm nhà. Cứ nghĩ bạn là bạn của mình vừa thay đổi blog vì thấy bạn để lại lời com khá gẫn gũi, giống như những người đã thân, rất thân.
    Sang đọc thì thấy mình đoán nhầm. Nhưng sao vẫn thấy rất thân.
    Sáng nay, mình dậy sớm. Câu chuyện nhà bạn là câu chuyện mình đọc đầu tiên trong ngày.Mình đọc sơ về giới thiệu bản thân của bạn.Và dừng lại ở đây.Mình sẽ chưa bày tỏ ý kiến về truyện ngắn này vì sẽ đọc lại. Nhất định mình sẽ đọc lại và nói với bạn mình thích nó chỗ nào.Mình ngạc nhiên là sao lại có tên blog của mình bên nhà bạn? Hay bạn là ai đó rất thân của mình?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kiếp này thì đây là lần đầu tiên tôi biết bạn.
      Nhưng có lẽ chúng ta đã thân nhau từ trong kiếp trước.

      Xóa
  22. Đọc entry và cả những com, suy ngẫm ...Chúc Ái Nữ những ngày cuối năm thật an vui...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc bạn một năm mới với nhiều điều mới trong cuộc sống!

      Xóa
  23. chia sẽ với bạn và chúc tết vạn sự nhưys

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã ghé thăm! Chúc anh một mùa xuân tươi thắm!

      Xóa
  24. Cảm ơn bạn đã ghé nhà. Nhờ vậy Giáo mới biết thêm được một trang blog mới sắc sảo. Giáo đã đọc truyện ngắn của bạn và tất cả những lời còm cũng như phần trả lời của bạn. Giờ thì giáo chúc bạn một năm mới an lạc trước đã. Có lẽ sẽ có lúc Giáo tham gia bàn luận, nếu có hứng. Blog bạn khá thú vị, và Giáo sẽ ghé đọc tiếp...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ái Nữ mong nhận được ý kiến chia sẻ từ bạn đọc. Rất vui vì Giáo đã ghé qua!

      Xóa
  25. cuối năm tôi đến chào người
    mới quen nhưng đã một cười rạng môi
    một gần gũi một xa xôi
    bắt tay nhau vãn chuyện thôi, còn gì ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc quá tôi không có tài ứng khẩu thành thơ như anh.
      Chúc anh một cái tết thật vui vẻ!

      Xóa
  26. sang thăm bạn ngày cuối năm xin được chúc mọi người tết vui vẽ vạn sự như ý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn thiện chí của anh, nhưng xin bổ sung thêm là "vạn sự như ý" chỉ với những ý tích cực.

      Xóa
  27. Giữa mênh mang sắc Xuân đang giao hòa với hơi trở của Vũ trụ, chim ríu rít chuyền cành đón Tết, mình chúc Ái Nữ thật hạnh phúc, có thật nhiều niềm vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình tin rằng lời chúc của bạn sẽ hiệu nghiệm.
      Mình cũng chúc bạn vui như vậy nhé!

      Xóa
  28. Ái ơi bạn đã nghỉ chưa
    hay còn làm việc để vừa lòng xuân ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ái nghỉ nhưng vẫn phân vân
      Viết bài thơ mới cho xuân vừa lòng?

      Xóa
  29. Sao bên nhà HA vẫn thấy Ái Nữ hiện bài khác hihihi mà vào thì chỉ thấy tòa soạn!

    Năm mới vui nhiều nhé Ái Nữ! HA có tập thơ của các anh chị em facebook mà đa số là bên blogviet. Ai Nu gởi đc qua mail HA sẽ gởi ra tặng làm quà xuân nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình đã nói là mình nhầm cho nên xóa ngay rồi mà, nhưng cái "dấu vết" ấy bên nhà mọi người thì mình không xóa được.
      Mình sẽ gửi địa chỉ vào email và cảm ơn HA trước. Nhưng mình cũng nói trước là mình không có khả năng tặng sách lại cho mọi người đâu đấy. Nếu sách của mình được xuất bản, chắc mình không có tiền để... mua. Hu hu...

      Xóa
    2. Mùng một tết bulukhin sang xông đất nhà Ái nữ đây, chúc bạn năm nay dồi dào sức khỏe dồi dào niềm vui,
      Mong được đọc nhiều bài viết rất hay của bạn

      Xóa
    3. Cảm ơn bác Bu về lời chúc sức khỏe! Tôi cũng chúc bác năm mới mạnh khỏe để có thể tiếp tục ngồi máy tính viết bài cho bà con đỡ buồn. Bản thân tôi thì mong đến lúc tôi không viết nữa, vì bài viết của tôi hình như toàn chuyện... không hay.

      Xóa
  30. NĂM MỚI MỘC SANG ĐÂY CHÚC BẠN SỨC KHỎE & HẠNH PHÚC!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh! Năm mới tôi ngủ suốt, chưa kịp ghé thăm mọi người.
      Chúc anh luôn trẻ trung và dồi dào sức lực!

      Xóa
  31. Người tốt luôn ở quang ta, nhưng nếu người tốt mà được trả ơn, được mọi điều tốt lành thì ai cũng muốn làm người tốt. Có điều viết về người tốt để những ai chưa tốt nhìn lại chính kình, nhìn lại để tốt hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mèo Lười trả lời Mèo Con: Ai cũng muốn làm người tốt, chẳng qua là không đủ sức, vì chỉ làm người thôi đã khó lắm rồi.

      "Ái Nữ: Ái Nữ tôi là học trò Thượng Đế, bọn quỷ ma cũng là bạn tôi đây, nên thế gian hiện rõ ở trong tay, tôi vẫn nói là theo người không nổi...
      Tiếng vọng: Con mèo lười Ái Nữ kia ơi, cớ làm sao hôm nay chưa ngủ? Nói gì mà nói lắm thế!...
      Ái Nữ: Tính lười của tôi cũng do Trời đấy chứ! Vì lười nên chẳng màng chốn lợi danh, ngày tháng dông dài "buôn" những chuyện loanh quanh... Nhưng thà làm mèo mà ăn no ngủ kỹ, làm người chi cho nặng nhọc tấm thân! Đường tìm chân lý ôi rất đỗi gian truân!...
      Tiếng vọng: Đường tìm chân lý ôi rất đỗi gian truân!..."

      (Trích "Tài hoa và bí hiểm - đặc điểm của người Việt Nam").

      Xóa
    2. Nên cho Ba Đào một quốc tịch khác để xuất bản, còn nếu ở xứ Lừa, thì gọi là Bá Đạo. Kkk...:))

      Xóa