Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Nói gì với Hùng John?

 Tùy bút của Ái Nữ     

        "Vấn đề lớn hơn ở đây là vấn đề về xã hội. Tại sao người Việt Nam cứ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhau để kiếm tiền, từ ngành dịch vụ đến bán sản phẩm… Sự lừa dối này đang làm cho xã hội hiện tại của chúng ta bị xấu đi và hơn thế còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai. Hùng đã viết một cuốn sách về việc nuôi dạy con ở Việt Nam. Nhìn thấy những việc như thế này, Hùng càng nghĩ nhiều hơn đến việc trở về Mỹ khi mình xây dựng một gia đình và có con. Một quyết định như thế không hề dễ dàng, bởi vì Hùng đã chấp nhận về Việt Nam và định sống ở đây. Chuyện gì đã xảy ra với một Việt Nam mà mọi người tin tưởng và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh như bà ngoại Hùng đã kể cho Hùng? Ký ức của bà ngoại về Việt Nam có lẽ chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ mà Hùng sẽ không bao giờ thấy được?"
       Đó là lời của tác giả cuốn sách "John đi tìm Hùng" trong một status trên Facebook sáng nay.
      "Nói gì với Hùng John?" được đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 01-4-2014.


       Ồ, xin được nói ngay với các bạn rằng tôi không gặp chuyện gì mắc mớ với anh chàng Hùng John cả. Thậm chí tôi cũng chẳng để ý đến cậu ta lắm, bao nhiêu dòng chữ trên truyền thông cũng chỉ giúp tôi nhớ được là cậu ta có viết một cuốn sách với nhan đề “John đi tìm Hùng” để kể về một chuyến đi của bản thân. Thông tin ấy không hấp dẫn tôi, bởi vì như các bạn biết đấy, mấy năm gần đây người ta đi nhiều quá, kể nhiều quá, cho nên một người dù hiếu kỳ như tôi cũng chẳng muốn tò mò thêm về những chuyến đi nữa.
       Chắc các bạn còn nhớ chuyến đi “nhất bộ nhất bái” của nhà sư Thích Tâm Mẫn kéo dài gần bốn năm ròng rã chứ? Là bác sĩ, tôi không dám khuyên ai làm chuyện tương tự, vì một “chương trình luyện tập” như thế có vẻ phản khoa học và bất lợi cho sức khỏe. Còn về tâm linh, cá nhân tôi không tin rằng “cuộc hành xác vĩ đại” này có thể khiến Trời Phật động lòng mà phù hộ cho Việt Nam “quốc thái dân an”, nhưng tại sao sư thầy Thích Tâm Mẫn cứ nhất quyết phải làm như thế thì chỉ thầy ấy mới biết, tôi không dám bàn luận. Trời Phật có cảm động hay không thì chả ai rõ, nhưng rõ nhiều người động tâm cãi nhau chí chóe trên mạng về chuyến đi của đại đức Thích Tâm Mẫn, ít nhất thì cũng vì lý do… gây cản trở giao thông. Chẳng là thầy ấy không phiêu lưu một mình, mà có cả một bộ phận dẹp đường, “tiền hô hậu ủng”, trong khi đường sá ở Việt Nam thì chật hẹp.
       Lại còn chuyến đi của Huyền Chip. Tôi không đọc sách của Huyền Chip, vì tôi không đủ sức và thời gian đọc tất cả những cuốn sách người ta viết ra, và vì lời phê bình của bạn Acemediavn Trẻ Trâu* cho tôi biết cuốn sách ấy không hợp “khẩu vị” của tôi. Nhưng không vì thế mà tôi không thiện cảm với cô gái Huyền Chip, dù sao nhiều người cũng nên cảm ơn cô ấy đã giúp các bạn đọc được thử thách trong “trường văn trận bút” của một cuộc cãi lộn mà không bên nào giành được phần thắng.
       Với sư thầy Thích Tâm Mẫn, người ta cãi nhau về việc thầy đi như thế nào. Với cô gái Huyền Chip thì người ta cãi nhau về việc cô kể như thế nào. Còn Hùng John thì không hiểu đi như thế nào và kể như thế nào mà chẳng thấy người ta cãi nhau gì hết. Tôi không có ý định tìm hiểu, vì vừa nhìn thấy ảnh cậu ta trên mạng là tôi đã thấy không “hợp gu” rồi, cái tên “Hùng” hay “John” tôi cũng không thích. Các bạn đừng tưởng cứ đẹp và đức hạnh là người ta sẽ thích mình nhé, nhầm đấy!
       Khi nghe nói Xóm Lá đón hụt Hùng John thì tôi đã cười thầm, nhớ tới lần Huyền Chip được bà con dựng giúp một “căn nhà” ở đây nhưng rồi cô không đủ sức chăm sóc nên “bỏ hoang”. Đầu trò của những cuộc gặp gỡ với các người nổi tiếng là giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Giáo sư thật nhiệt tình, sau vụ bị “ném đá” dữ dội vì bênh vực Huyền Chip vẫn không “chừa”. Mà tính tốt thì đâu cần chừa nhỉ! Dù Blog Việt có bao phen bị “ngoại nhân” tấn công đi chăng nữa, tôi tin chắc bà con Xóm Lá vẫn sẵn sàng. Vậy chứ cơn cớ gì mà tôi lại lôi Hùng John ra nói? À, vụ này tôi bị động, nhận phải “đề bài” của giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Không phải giáo sư đề nghị tôi viết bài về Hùng John đâu, mà việc khó hơn nhiều.
       Hôm mùng Một tháng Ba vừa rồi, khi tôi ngồi cạnh giáo sư trên ô tô trên đường đi tới Hải Dương dự cuộc gặp mặt với bà con Blog Việt, ông đột ngột hỏi:
       - Mấy cuốn sách tôi giới thiệu, Ái Nữ đã đọc chưa?
       - Mấy cuốn nào cơ? – Tôi ngơ ngác, vì ông giới thiệu rất nhiều sách cho bạn đọc Xóm Lá, tôi không nhớ nổi.
       - Sách nói về cách dạy con làm giàu của người Do Thái và sách của Hùng John.
       - Chưa đâu bác ạ! Làm gì mà em có sách dễ thế! – Tôi trả lời bằng sự thật, vì tôi không sống ở thủ đô, cuộc sống của tôi không tràn ngập những cuốn sách.
       Phải nói thêm một chút là khi mới trò chuyện với giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngoài đời, tôi có phần băn khoăn về việc xưng hô với ông như thế nào cho phải. Ở trên blog, tôi có thể xưng “tôi” với giáo sư một cách lịch sự và bình đẳng như với những người khác. Nhưng ở ngoài đời, đại từ “tôi” trong văn nói của người Việt Nam chưa dễ thích hợp với những người trẻ, mặc dù tôi mong sau này nó sẽ phổ biến, vì như thế sẽ bớt đi cho người Việt Nam nhiều phiền toái. Tôi hỏi ý kiến giáo sư về điều đó. Ông bảo: “Mọi người gọi tôi bằng “thầy”, xưng “em”. Cứ xưng “em” cho gần gũi!”. Thế là tôi xưng “em”, nhưng vì ông không phải là thầy của tôi nên tôi gọi ông bằng “bác”. Kể cũng hơi kỳ kỳ, nhưng sau khi nuốt trôi hết chiếc bánh mỳ pa-tê là suất ăn sáng dành cho mỗi thành viên trong đoàn, tôi cũng “nuốt trôi” cách xưng hô ấy. Thì đó nguyên si là cách xưng hô hồi đầu tôi dùng với ông, khi chưa ai rõ tuổi tác của tôi ra làm sao và còn đặt nhiều câu hỏi về giới tính. Khi ông đăng câu chuyện Trịnh Công Sơn tập võ, giữa chúng tôi đã có đoạn hội thoại vui vẻ:
       “Bác hãy cẩn thận vì em đang chuẩn bị “đá” cho bác một đòn. Bác sẽ không tránh được đâu”.
       “Tôi nghĩ bạn nhất định là Ái Nam chứ không phải Ái Nữ!”
       “Bác lại “sáng tác tin đồn” rồi”.
       “Có cô gái nào lại muốn Đá cho bác một đòn???”
       Tất nhiên tôi không “đá” ông theo nghĩa đen, nhưng tôi đặt tên cho ông là Nhà Sưu Tập Tin Đồn Nổi Tiếng. Vì chuyện ấy mà ông giận dỗi tôi mất một số ngày. Đáng lẽ chính tôi mới là người được giận mới phải, mới đầu tôi tưởng ông sẽ khen bài viết của tôi kia! Ai mà chẳng là “nhà sưu tập tin đồn”, ông hơn người ta hai chữ “nổi tiếng”, thế mà vẫn còn giận!
       Lần trước ông “giận ngược” mất phần của tôi, nên lần này mặc dù không kiếm được cớ gì để giận ông, nhưng tôi vẫn giận, vì vấn đề mà ông vô tình đặt ra cho tôi… “hóc” quá. Để giải thích tại sao, xin quay lại cuộc trò chuyện dang dở giữa chúng tôi về những cuốn sách.
       - Tôi đang có cả hai cuốn ở đây, tôi sẽ tặng cho Ái Nữ một cuốn – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vui vẻ nói - Ái Nữ chọn cuốn nào?
       - Tùy ý bác – Tôi đáp một cách ngần ngừ, phần vì không thích phải lựa chọn, phần vì không có tên sách nào hấp dẫn tôi cả - Bác cho quyển nào thì em lấy quyển ấy.
       Giáo sư Nguyễn Lân Dũng băn khoăn mất ba giây rồi cả quyết đưa cho tôi một cuốn sách:
       - Thế thì quyển này – Ông đưa cho tôi cuốn sách của Hùng John.
       Có lẽ giáo sư Nguyễn Lân Dũng nghĩ tôi không thích chủ đề làm giàu nên mới quyết định như vậy. Đúng là tôi không thích chủ đề làm giàu, nhưng Hùng John thì tôi vừa chán cái mặt vừa ghét cái tên, nên tôi cầm cuốn sách mà trong lòng không lấy gì làm hào hứng cho lắm. Ấy thế mà chưa hết, ông nói tiếp:
       - Hùng John khá lắm! Ái Nữ gọi điện cho cậu ấy nhé! Tôi có số điện thoại ở đây…
       Ông tra danh bạ từ điện thoại và đọc số của Hùng John cho tôi, còn tôi thì dùng bút ghi luôn vào cuốn sách một cách máy móc. Tôi có ý ngờ rằng giáo sư Nguyễn Lân Dũng hiểu tâm lý mấy loài vi sinh vật mà ông nghiên cứu hơn là tâm lý con người, còn tôi thì chỉ tự tin trong hiểu biết về thói quen của loài mèo mà thôi. Vì thế sau khi chép xong số điện thoại của Hùng John, tôi ngơ ngác tự hỏi: Chúng tôi đang muốn gì nhỉ? Tại sao Ái Nữ gọi điện cho Hùng John?
       Có thể là giáo sư Nguyễn Lân Dũng chẳng nghĩ ngợi gì khi đọc số điện thoại của Hùng John cho tôi, vì bản thân tôi cũng có những khi hành động không suy nghĩ. Có thể giáo sư muốn các độc giả của cuốn sách gọi điện cho Hùng John để khen ngợi động viên cậu ấy, và có lẽ ông đã cho rất nhiều người số điện thoại của Hùng John. Nhưng nếu ai cũng gọi điện cho Hùng John thì cậu ấy có dễ chịu không? Vả lại, nếu tôi có gọi điện cho cậu ấy đi chăng nữa, thì tôi sẽ nói gì? Chúc mừng ư? Với tôi thì những lời chúc mừng khá nhạt nhẽo, vì thế nếu tôi nói chúc mừng có lẽ rất khó nghe. Tôi quyết định sau khi đọc sách của Hùng John xong sẽ suy nghĩ tiếp.
       …
       Câu chuyện được kể trong cuốn sách “John đi tìm Hùng” như thế này: Một chàng trai người Mỹ gốc Việt họ tên là Trần Hùng John, được sinh ra vào năm 1989 trên nước Mỹ rồi lớn lên ở đó. Bố mẹ Hùng John đều là người Việt đã di tản sang Mỹ thời chiến tranh. Hùng John tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý trường Đại học Berkeley của Mỹ, cậu ấy từng du học tại Việt Nam vào năm 2010 trong một chương trình trao đổi văn hóa. Năm 2012, Hùng John thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt trong 80 ngày mà không mang theo tiền, với mục đích tìm hiểu cuộc sống thực tế của người Việt Nam, và qua đó tìm hiểu xem mình có được chấp nhận như một người Việt Nam không. Chuyến đi đó là hành trình của một người Mỹ đi tìm con người Việt trong bản thân mình.
       Trong cuốn sách, thông qua việc miêu tả cuộc hành trình, Hùng John đưa ra cái nhìn của mình về con người và đất nước Việt Nam. Dù không ưa Hùng John, nhưng chủ đề cuốn sách lại hợp “khẩu vị” của tôi nên tôi đã đọc cuốn sách một cách thích thú chứ không có gì khó nhọc. Sau những phút khoái trá vì nội dung cuốn sách, tôi mới giật mình nhận ra một điều: Cuốn sách này không ổn, rất rất không ổn, nó phạm vào những cái thiêng liêng của tinh thần dân tộc Việt một cách khủng khiếp, nhưng chỉ vì những người hâm mộ quá thương cho hai cái đầu gối của Hùng John bị đau mà mất hết cả tỉnh táo. Ngoài những điều mà Hùng John khen người Việt ra thì có những đoạn Hùng John đã chê cái xấu của người Việt một cách ghê gớm. Nếu cậu ta nói điêu thì chẳng có gì phải bàn, nhưng cậu ta lại nhắc đến những cái xấu có thật mà không biết đó là điều kiêng kỵ của người Việt. Sống ở Việt Nam thì phải nhớ câu: “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Cái xấu xa là cái rất quý cho nên phải đậy kỹ lại kẻo người khác đánh cắp mất. Nó quý bởi vì nó hiếm. Người Việt Nam đa phần là tốt, người Việt Nam nào cũng có nhiều điểm tốt hơn điểm xấu, cái xấu hay người xấu luôn chỉ ít như “con sâu bỏ rầu nồi canh” thôi, tức là rất rất ít, chỉ vừa đủ độ cần thiết như một thứ gia vị của nồi canh. Ấy thế mà qua lời của anh chàng Hùng John thì cứ như là cái xấu phổ biến lắm vậy. Để tôi lấy dẫn chứng chi tiết cho các bạn từ cuốn “John đi tìm Hùng” do Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ ba đầu năm nay.
       “Theo lối suy nghĩ rất lạc hậu kiểu Việt Nam, người vợ là tài sản thuộc quyền sở hữu của người chồng, sao vợ lại có thể bỏ chồng mà đi”(trang 8).
       Tôi e rằng tư tưởng sở hữu đó chiếm nửa số đàn ông trên quả đất này, nhưng một số rất ít đàn ông Việt dốt nát thô lỗ không biết cách giấu kín nó một cách khôn khéo mà thôi. Song chỉ suy nghĩ thì nào có ăn nhằm gì, hình như Hùng John chưa biết một sự thật khác: Đàn bà ở Việt Nam nhiều người điều khiển chồng mình bằng cách quản lý chặt chẽ tài chính và các mối quan hệ, họ dùng “quyền lực ngầm” để thao túng ngay cả sự nghiệp của chồng trong khi vẫn để cho chồng giữ sĩ diện ở mặt ngoài. Người Việt Nam có câu: “Muốn nói ngoa làm cha mà nói, muốn nói không làm chồng mà nói”, nhưng cũng có câu: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Cho nên chưa chắc đã biết là ai “sở hữu” ai. Vợ là tài sản hay không là tài sản thì nào có quan trọng gì chứ, họ đã muốn đi là bỏ đi liền, các ông chồng đâu có kiện ai được!
       “Cách mà phần lớn các cha mẹ nuôi dạy con ở Việt Nam rất có hại cho việc phát triển của con cái họ. “Nó vẫn còn trẻ con”, người Việt Nam thường sẽ dùng câu nói này để bảo vệ cho con cái của họ. Nhưng thực ra đó không phải tại đứa trẻ, mà là tại lỗi của cha mẹ chúng. Những cha mẹ Việt Nam điển hình thường bao bọc, chăm chút và kiểm soát con thái quá. Việc này bắt đầu từ khi đứa trẻ còn nhỏ… Kết quả của việc nuôi dạy con như vậy là những đứa trẻ dù đã lớn nhưng vẫn có tính dựa dẫm, yếu ớt và thụ động… Làm sao thế hệ trẻ có thể học cách sống và tự chăm lo cho bản thân nếu cha mẹ họ luôn sẵn sang túc trực để nâng đỡ khi họ vấp ngã? Và ví dụ, một khi cha mẹ họ mất đi, làm sao họ có thể tự sống sót?” (trang 31).
       Hùng John cho rằng vì người Việt Nam thời xưa khổ quá nên bây giờ muốn bù đắp cho con cái và mắc phải sai lầm. Nhưng tôi nghĩ nguyên nhân không phải chỉ đơn giản như thế. Tại sao họ không lo bù đắp cho họ mà lại lo bù đắp cho con cái? Vì họ xem con cái là chính họ, là của họ, và họ phải kiểm soát cho bằng được, không để cho chúng thoát khỏi vòng tay. Họ có nhu cầu được thể hiện quyền lực bằng việc kiểm soát những đứa con, và qua đó giúp họ tin vào giá trị của bản thân. “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” là lý do được rất nhiều người viện dẫn. Họ cần đứa con làm minh chứng cho giá trị của mình, chứ họ không lấy chính họ ra làm minh chứng. Như thế đứa con sẽ phải chịu trách nhiệm về thể diện của cha mẹ ông bà họ hàng… cho nên họ không thể để nó xoay sở một mình được. Đời con nặng gánh, có những khi đàn ông lấy vợ chỉ để hầu cha mẹ, đàn bà lấy chồng chỉ để cha mẹ khỏi lo lắng, họ ngán ngẩm với cuộc đời nên giá trị của bản thân mình lại phó thác vào đời con của họ. Giá trị của họ cuối cùng nằm ở chỗ họ đã sống cuộc sống tính bằng năm tháng. Vì không thấu hiểu điều đó, hoặc không ngờ đến, hoặc từng biết mà lại quên mất, nên Hùng John lại một lần nữa bất bình:
       “Phần lớn người lớn tuổi Việt Nam nói chuyện với người trẻ tuổi theo cách không mấy tôn trọng, như thể chỉ cần sống một số năm thì tự nhiên bạn sẽ trở nên thông thái vô cùng. Tôi luôn tôn trọng người lớn tuổi hơn, nhưng không trân trọng sự coi thường và đôi khi là lộng quyền” (trang 103).
       Hùng John ơi là Hùng John! Cậu khen giáo sư Vởn uyên bác ở Huế nói chuyện duyên dáng chứ không “lộng quyền” như những người khác, nhưng ông ta vẫn cười thầm vào mũi cậu suốt cuộc trò chuyện, rồi cuối cùng thì cười lớn: “Dạy bảo như thế đủ rồi. Đi ra ngoài uống cà phê với con gái bác đi. Đi làm người trẻ và tận hưởng cuộc sống một chút” (trang 109).
       Giáo sư Vởn đã “dạy bảo” Hùng John điều gì? “Muốn giúp mọi người là rất tốt, nhưng chưa phải lúc. Cháu cần lo cho bản thân mình trước đã. Đi tìm sự nghiệp và hoàn thành mọi mục tiêu của cháu đã. Tốt nhất là nên quay lại Mĩ, làm việc khoảng năm năm để vững về tài chính. Đi khắp thế giới để học hỏi. Cháu còn quá trẻ để suy nghĩ như một ông già đã về hưu” (trang 108).
       Thôi nhé Hùng John! Theo lời “dạy” của giáo sư Vởn thì bao giờ về hưu mới “phải lúc” để giúp đỡ mọi người. Ý định giúp những người nông dân Việt Nam của Hùng John là rất đẹp đẽ, ai nỡ nào không giúp! Ông giáo sư Vởn cũng hứa giúp: “Bác hứa với cháu rằng sau khi bác nghỉ hưu trong hai năm nữa, và sau khi cháu đã làm xong những điều bác vừa nói với cháu, bác sẽ ủng hộ và hỗ trợ cháu 100%” (trang 108-109). Từ đó đến nay đã gần hai năm rồi, giáo sư Vởn đã hoặc sắp sửa nghỉ hưu, nhưng không biết ông có định giúp Hùng John nữa không, bởi vì trên thực tế Hùng John không quay về kiếm tiền ở Mỹ mà hiện tại vẫn đang ở Việt Nam. Cậu ta không chịu nghe lời giáo sư Vởn.
       Rõ ràng là Hùng John không chịu chấp nhận chuyện “chỉ cần sống một số năm thì tự nhiên bạn sẽ trở nên thông thái”. Đó là John chứ không phải là Hùng. Nếu là người Việt Nam, cậu ta phải hiểu rằng nếu sống lâu thì cây đa hay con rùa cũng có thể được kính trọng, chứ nếu trẻ tuổi thì dù có là người cũng vẫn bị coi thường trên đất nước này. Phải sống thêm một số năm ở Việt Nam thì Hùng John mới đủ “thông thái” để chấp nhận được chuyện đó. Đây là “tinh thần dân tộc” thiêng liêng mà cậu ta đã phơi bày ra trong cuốn sách mất rồi, tệ quá!
       Tại sao có quá nhiều điều làm cho Hùng John khó hiểu và cảm thấy khó chấp nhận ở Việt Nam? Bởi vì John vẫn chiếm ưu thế chứ không phải là Hùng. Ở Mỹ, con người tư duy và hành động theo “khoa học”, luôn tuân theo những lý luận logic bài bản. Còn ở Việt Nam, người dân sống theo “tâm linh”, tức là theo sự dẫn dắt của những năng lực siêu hình. Người Việt Nam cũng học lý luận nhưng thật ra là họ không theo, sách triết học của những nhà tư tưởng phần lớn chỉ để làm đẹp giá sách, lý luận mỹ miều cũng để trang điểm cho “mặt bằng kiến thức”.
       Đằng sau cuộc sống của người Việt là những vị thầy tâm linh lớn nhỏ. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc hành trình xuyên Việt, Hùng John lại gặp cậu đồng Quân. Người này ham chuộng thanh sắc trên mức bình thường, như thích son phấn mặc dù là đàn ông, thích người ta khen mình đẹp, thích khoe mình là người nổi tiếng, đặc biệt là thích kể chuyện mình đã làm nhiều việc thiện và làm phúc khắp nơi. Đây là đặc điểm khá điển hình của giới đồng cốt. Họ còn có một đặc điểm chung nữa là thích “lên đồng”, thích nhảy múa “hầu đồng”. Lẽ dĩ nhiên là cả vũ trụ này luôn “khiêu vũ” và chúng ta đều thích nhảy múa. Nhưng cái “nhảy múa” của tâm linh đồng cốt nó có đặc điểm riêng. Cánh đồng cốt thường “làm phúc” cho thiên hạ bằng cách giúp cho họ “được”: được danh, được lợi, được tình… cho người ta vui. Những cái “được” ấy thật ra là rất nhỏ nhưng thường là cái mà người ta muốn, được rồi người ta sẽ vui mà quên rằng có “được” thì phải có “mất”. Nhưng giúp cho người ta “mất” thì cánh đồng cốt lại chẳng dám làm, họ thường ỉm đi cái vế “mất”, bởi “mất” là cái “được” rất cao mà giới đồng cốt có lẽ ít người dám học, vì nếu học được bản lĩnh “mất” thì ắt họ phải bỏ nghề.
       Nhiều quan chức, trí thức của ta có cố vấn là các thầy cúng thầy bói đồng cốt, hoặc chủ động nhờ vả, hoặc bị ảnh hưởng bởi tần số tâm linh này một cách thụ động. Các thầy chùa mà xem phong thủy, coi quẻ, coi tướng số, cúng dâng sao giải hạn cho người ta cũng là đã hạ linh hồn mình xuống tần số đồng cốt chứ chẳng còn đại diện cho “nhà phật” gì ráo. Sự ảnh hưởng của tâm linh đồng cốt đến đời sống người Việt là rất lớn. Nó thể hiện ở những lễ hội rườm rà tốn kém, những nghi thức dài dòng nhiêu khê trong dân gian và trong tôn giáo. Nó cũng thể hiện ở tính “bốc đồng”, “chập cheng” trong quản lý xã hội. Những ý tưởng gây “sốc” kiểu như xe số chẵn đi ngày chẵn xe số lẻ đi ngày lẻ, đo vòng ngực để cấp giấy phép lái xe, đăng ký khai sinh cho chó mèo toàn quốc… Những quyết định “dẫm chân” lên nhau kiểu như trong thời gian tính bằng tháng mà lúc thì cho dạy ngoại ngữ ở tiểu học lúc thì không cho, lúc thì cấp phép cho nông dân nuôi gián đất lúc thì bắt họ phải đốt hết đi… Những màn “nhảy múa” như vậy khó có thể nói là có lợi cho sức khỏe xã hội. Ấy thế nhưng nó lại là “bản sắc văn hóa”.
       “Ở Mỹ, mọi thứ đều được giải thích bởi khoa học. Linh hồn, bóng ma, và mọi thứ tương tự đều được coi là viễn tưởng. Những người như cậu Quân sẽ bị nhiều người cho là điên và hoang tưởng. Nếu bạn nói với mọi người là bạn có thể giao tiếp với các linh hồn, họ sẽ đưa bạn tới bệnh viện tâm thần ngay. Tôi vừa lắng nghe vừa cố gắng giữ đầu óc cởi mở” (trang 49).
       “Quá nhiều thứ người đàn ông này nói khiến tôi hoài nghi. Ngay tức thì, tôi nghĩ rằng ông ta là một nghệ sĩ dởm. Thật khó tin. Phần đụng chạm mới làm tôi sợ hãi nhất. Ông ấy luôn phải đụng chạm vào chỗ nào đó trên người đối diện trong khi nói. Những cái ôm và ghì là chuyện thường xuyên. Mọi chuyện càng trở nên kỳ cục khi ông ấy cố hôn tôi. Tôi vội quay đầu đi, môi ông ta chạm vào má của tôi. Tôi vẫn cố gắng giữ cho đầu óc cởi mở” (trang 50).
       “Cố gắng giữ cho đầu óc cởi mở” có lẽ là John chứ không phải là Hùng. Vì người Việt Nam có đầu óc cởi mở rất tự nhiên chứ không cần cố gắng. Họ “cởi mở” ngay cả với tính bảo thủ, tính võ đoán và áp đặt của mình. Sống ở Việt Nam, John sẽ “cởi mở” rất nhanh để trở thành Hùng. Bằng chứng là mặc dù khoa học nước Mỹ chưa bao giờ chứng minh linh hồn có thật, nhưng Hùng John đã biết sợ ma, trên đường đi khối phen cậu ta “dựng tóc gáy” với những bóng ma không có thật, những bóng ma mang màu sắc tâm lý. Khi gặp “ma” thật thì cậu ta lại không nhận ra, bởi vì đó là… người. Một cô gái không ưa nhìn, giống như “nhân vật phù thủy trong những bộ phim kinh dị” đã mua cho Hùng John một túi sữa đậu nành, cậu ta uống và bị ngộ độc suýt chết. Nhưng khi gặp người rất tốt, Hùng John lại sợ rằng đó là… ma.
       “Tới buổi trưa, tôi đang đi thì gặp một người đàn ông lạ mặt. Trông ông giống như một nhân vật bước ra từ một bộ phim cũ phương Tây. Người này ngồi trên chiếc xe máy Honda, lạnh lùng, đầu đội chiếc mũ cao bồi, mình mặc áo da, nhìn về phía tôi.
       “Cậu chắc là Trần Hùng John. Lên xe đi, tôi mời dùng bữa trưa”. Ông nói với nụ cười rộng dưới hàng ria với hàm răng trắng muốt. Như thể ông đã đợi tôi ở đó từ bao giờ.
       Có điều gì đó trong dáng vẻ rất phong cách của người này khiến tôi không thấy lo lắng gì hết. Ông chỉnh lại túi đồ buộc sau xe máy để tôi nhảy lên, không hỏi han thêm câu nào” (trang 246).
       Sau khi Hùng John và người đàn ông này ăn trưa, chụp ảnh cùng nhau một cách vui vẻ xong rồi chia tay, những người quen của Hùng John ở vùng đó gọi điện đến để hỏi thăm, nhưng không ai trong số họ biết đến sự tồn tại của người đàn ông đội chiếc mũ cao bồi, còn Hùng John thì chỉ nhớ được “một chiếc nhẫn lớn màu đen có biểu tượng đại bàng” trên tay người đàn ông ấy. Cậu ta hoàn toàn quên mất tên của người đàn ông.
       “Người đàn ông bí hiểm lại càng trở nên bí hiểm hơn. Bất chợt tôi có cảm giác như câu chuyện chưa từng diễn ra, như thể người đàn ông ấy không hề tồn tại. Chẳng nhẽ ông là ma, hay chỉ là sự tưởng tượng của tôi? Không, tôi vừa ăn trưa cùng ông ấy mà, và tôi còn có cả bằng chứng nữa đây. Tôi lôi chiếc máy ảnh ra khỏi bao và lần tìm bức ảnh. Tìm mãi không thấy bức ảnh đâu. Có lẽ nó chưa bao giờ có ở trong đó cả. Đó là một ngày ấm áp, nhưng ý nghĩ khiến tôi lạnh cả sống lưng” (trang 248).
       Tôi quả quyết rằng câu chuyện về người đàn ông này được Hùng John hư cấu với ý thức của một nhà văn. Các độc giả tin Hùng John kể chuyện ấy theo sự thật là những con cá tháng Tư. Hùng John không nhớ tên người đàn ông, nhưng lại nhớ lời ông ấy đến mức có thể để nó ở trong ngoặc kép: “Chú tin là ở đời ai cũng có một con đường riêng để đi. Đó là định mệnh của mỗi người. Con đường của cháu đã được chọn sẵn cho riêng cháu, và một ngày nào đó cháu sẽ biết con đường đó là gì” (trang 248). Đó là điều mà Hùng John tự nhủ với chính mình. Chúng ta hãy tưởng tượng người đàn ông đội mũ cao bồi, tay đeo một chiếc nhẫn lớn màu đen có biểu tượng đại bàng là hình ảnh Hùng John trong tiền kiếp đã sống trên đất Mỹ. Linh hồn ấy tái tục kiếp này trong thân xác được sinh ra từ những người có dòng máu Việt Nam.
       Linh hồn của Trần Hùng John có năng lực cao hơn cánh đồng cốt rất nhiều, nên những thứ “gương lược” của cậu đồng Quân trên thực tế chẳng có tác dụng gì với cậu ấy. Có điều thể xác của Hùng John chưa biết gì về các năng lực siêu hình. Vừa lúc trước cậu ta quỳ gối cầu nguyện: “Tôi không cầu Chúa một cách cụ thể, tôi cầu nguyện cho bất cứ đấng quyền năng nào có thể nghe thấy tôi. Tôi dành những lời cầu nguyện của mình cho gia đình, bạn bè và cho Việt Nam” (trang 264). Thì lúc sau, khi “mọi thứ trở nên sáng rõ hơn”, Hùng John khẳng định: “Không có phép màu, không có sự can thiệp của đấng tối cao, không có số phận, không có sự giúp đỡ từ Chúa trời nào cả, mọi thứ tôi làm được là do sức lực của chính tôi tạo ra. Qua mọi điều đã xảy ra, có một điều chắc chắn không bao giờ thay đổi, đó là niềm tin của tôi dành cho chính bản thân tôi. Và đó là điều mà tự bạn cũng có thể luôn luôn tin tưởng. Chính bạn kiểm soát số phận của mình. Chỉ bạn và chỉ bạn mà thôi” (trang 264). Một thông điệp rất hùng hồn, thảo nào mà tên cậu ta lại là Hùng. Thông điệp ấy đúng, nhưng chỉ là cái đúng một chiều. Cậu ta chưa trải qua tất cả mọi chuyện đâu, cứ sống ở Việt Nam thêm một số năm nữa, cậu ta không biết nghi ngờ bản thân mình thêm lần nào thì là chuyện lạ.
       Niềm tin cứng nhắc là cái mà tôi rất chán, có lẽ nó chỉ hợp với những kẻ sắm vai người hùng. Tôi cũng không thích cách Hùng John gọi chương trình từ thiện là “Trả Ơn Chuyển Tiếp”. Chắc cậu ta muốn nhấn mạnh đến điều này, nên dòng chữ đó đã được in hoa đậm chạy ở chương trình “Talk Vietnam” trên VTV4 khi phỏng vấn Hùng John. Nếu giúp ai đó mà cứ nghĩ là mình đang làm ơn thì không ổn lắm. Nhận sự giúp đỡ rồi mà cứ phải nghĩ đến chuyện trả ơn thì không thoải mái lắm. Nhưng mà đó là việc của cậu ta, tôi không có trách nhiệm phải can thiệp, vì tôi là một NATO* chân chính.
       Nhìn vẻ mặt Hùng John cứ ngốc ngốc thế nào ấy! Nhưng Thượng Đế lại hay ưa chuộng những kẻ ngốc. Có lẽ vì những người khôn rất khó để cho Thượng Đế dẫn dắt, khi họ đâm vào bụi rậm thì ngay cả Thượng Đế cũng không sao kéo họ ra nổi. Hùng John khờ đến nỗi không nhận ra sự hiện diện của Đấng Tối Cao. Nhưng như thế cũng chẳng sao, vì tràng hạt và thánh giá là sở thích của con người chứ không phải là mong muốn của Thượng Đế, Ngài cũng không quan tâm gì đến những đền đài, chùa chiền, nhà thờ hay tháp chuông… Những nghi lễ rắc rối của con người không làm họ gần thêm với Đấng Tối Linh, nếu như không nói là càng gây thêm cản trở. Điều quan trọng là đi đúng con đường mà Thượng Đế dành cho họ, thì họ thường đi chệch. Gã ngốc Hùng John thì có vẻ đang đi đúng. “Tâm linh là linh nhận sự thật từ cõi lòng sâu thẳm của con người”*. Hùng John đi theo tiếng gọi của tâm linh, nhưng lại không biết “tâm linh” là gì. Ở tuổi của cậu ta, tôi còn ngu dốt hơn như thế.
       Việt Nam là một đất nước thần kỳ: kỳ diệu, kỳ bí, kỳ lạ, kỳ cục, kỳ quặc và kỳ quái. Chỉ cần sống một số năm là Hùng John sẽ trở nên thông thái mà thôi. Chuyện cậu ta “bóc mẽ” thói xấu của người Việt cũng không tổn hại đến tôi, vì cái xấu thì tôi có sẵn nhiều lắm, “bóc” thoải mái không hết. Bởi tôi không ưa Hùng John nên mới chê, chứ nhìn lại cho công bằng thì gương mặt cậu ta chưa phải là khó coi lắm, còn tên “Hùng” đi kèm với tên “Dũng” cũng tạo ra một từ ghép không đến nỗi tệ.
       Bây giờ thì tôi đã biết phải nói gì với Trần Hùng John rồi. Sau khi post bài này lên, tôi sẽ dùng số điện thoại mà giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho tôi để báo với Hùng John rằng cậu ta vừa bị một GATO “dìm hàng”.
 
 
Chú thích:
* Acemediavn Trẻ Trâu: Blogger Acemediavn, một nhà phê bình sắc sảo của Xóm Lá, nhưng hiện tại đã “lặn không sủi tăm”.
* “Tâm linh là linh nhận sự thật từ cõi lòng sâu thẳm của con người”: Lời của thầy Lương Minh Đáng.
* NATO và GATO: Từ của cư dân mạng.
       NATO: No Action Talk Only (không làm chỉ nói).
       GATO: Ghen Ăn Tức Ở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét