Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Ba câu chuyện và đôi lời bàn

       Bài này đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 09-4-2014. Nay đăng lại ở đây với mục đích lưu trữ. Các comment cho bài viết này cũng được đăng kèm vì giá trị của chúng.

       Câu chuyện thứ nhất: Một chuyện có thật.
       Chuyện “có thật” này không phải là có thật, mà là… truyện cổ An-đéc-xen. Tôi xin phép trích vài đoạn hầu quý vị.
       “- Thật là một câu chuyện rùng rợn! Mụ gà mái già ở bên làng, nơi diễn ra tấn thảm kịch kêu lên như vậy. Sân khấu của câu chuyện rùng rợn ấy là một cái chuồng gà. Thật tình là đêm qua tôi sợ chẳng dám ngủ một mình. May sao chúng tôi lại đậu đông cả trên cùng một cầu.
       Rồi mụ bèn kể lể sự biến ấy với một giọng làm cho cử tọa, kể cả lão gà sống có bộ mào rủ, cũng phải sợ dựng đứng cả lông lên:
       - Việc ấy xảy ra trong chuồng gà, bên cạnh chuồng tôi. Mặt trời lặn, bọn gà mái leo cả lên cầu. Trong bọn có cô ả lông trắng, chân ngắn, đẻ trứng rất đều, và xưa nay chưa từng có điều tiếng gì. Leo lên đến cầu, ả ta bèn lấy mỏ rỉa lông. Một cái lông nhỏ rơi ra, ả lẩm bẩm: thế là mình lại rụng mất lông rồi! Ả có tính hay nói đùa; ngoài ra, như tôi đã nói, chả ai chê trách ả ta được điều gì. Sau đó ả ta ngủ thiếp đi.
       Trời tối đen như mực. Bọn gà mái đậu xít vào với nhau. Một đứa, đậu gần ả gà mái trắng vừa nói lúc nãy, không ngủ. Mơ màng nghĩ cách sống sung sướng trên đời này, nó đang muốn tán gẫu tí chút với một đứa bạn.
       - Này, đằng ấy có nghe người ta nói gì không? Tớ không muốn chỉ đích danh, nhưng một cô ả vừa thú nhận rằng đã chải lông để làm đỏm. Tớ mà là gà sống thì cứ là tớ khinh đứt!”
       Sống bên trên chuồng gà ấy là lũ cú mèo, sống gần chuồng gà ấy là lũ chim câu, tiếp theo chuồng gà ấy là những chuồng gà khác. Những lời đưa chuyện tiếp theo lần lượt như sau:
       “Dưới kia có một cô ả gà mái mất giống đến nỗi rỉa lông để chài gà sống”.
       “Có một ả gà mái nhổ tiệt cả lông để làm đỏm với gà sống. Phen này thì cứ gọi là chết rét chứ chẳng chơi”.
       “Có một mụ gà mái, người thì bảo hai cơ đấy, muốn làm ra vẻ khác thường, nhổ tiệt cả lông đi để chài gà sống. Thật là một trò chơi nguy hiểm. Như thế có thể bị cảm lạnh, hoặc lên cơn sốt, thậm chí có thể chết, và quả là cả hai đứa cũng đã chung số phận ấy rồi”.
       “Có ba ả gà mái tơ… thất tình với một gà sống! đã chết vì đau khổ… Các cô ả đã tự vặt tiệt cả lông đi. Thật là khủng khiếp. Tôi thấy cần phải loan báo cho bà con biết chuyện này”.
       “Thế là câu chuyện truyền từ chuồng gà này sang chuồng gà khác và cuối cùng lại trở về nơi xuất phát. Người ta đồn rằng:
    - Có năm ả gà mái đã tự vặt tiệt cả lông đi để thi xem đứa nào gầy mòn đi nhất vì tương tư một anh gà sống. Sau đó chúng đánh nhau, máu me đầm đìa rồi chết cả nút. Thật là điếm nhục gia phong và lại còn làm thiệt hại lớn cho nhà chủ nữa.
       Ả gà mái lúc đầu đã đánh rụng một cái lông con, bây giờ không nhận ra được đấy là chuyện của chính mình, vốn đứng đắn, ả ta kêu lên:
       - Nhục nhã thay cho những mụ gà mái ấy! Cũng may mà cái hạng gà như thế cũng chả có mấy! Phải phổ biến rộng rãi câu chuyện này ra mới được, ta sẽ làm đủ mọi cách để truyền câu chuyện này ra nước ngoài. Thật là đáng kiếp cho những quân khốn nạn ấy!
       Thế là câu chuyện được đăng dưới nhan đề:
       “MỘT CHUYỆN CÓ THẬT”
       Câu chuyện thứ hai: Chuyện thằng Nhái.
       Truyện “Thằng Nhái” không phải là “hàng nhái” mà là “hàng xịn”, bản quyền thuộc về blogger Hoàng Hương Lan, một trí thức đáng kính trọng, một nhà giáo có tâm huyết với nghề nghiệp. Nhà giáo Hoàng Hương Lan đau lòng trước câu chuyện này nên đã dành công sức để viết và đăng trên blog cá nhân, ở mục “cảm nhận cuộc sống”, xem như một tấm gương có ý nghĩa giáo dục. Tôi xin trích đoạn truyện ấy:
       “Ở ngôi trường dành riêng cho con em Liệt sĩ và gia đình Cách mạng này, thằng Nhái vừa là học sinh giỏi vừa là bí thư chi đoàn của Đội Cờ đỏ - Chi đoàn ưu tú nhất của trường. Nó là điển hình của sự gương mẫu và tận tụy. Thầy cô rất yêu mến và lấy nó làm gương cho học sinh noi theo.
       Ba thằng Nhái hy sinh trong trận đơn vị bị địch mai phục khi hành quân qua Tân Uyên. Mẹ nó bị giặc bắt và bị tra tấn đến chết vẫn không khai nửa lời. Thằng Nhái được bà nội đem về nuôi dưỡng nhưng lúc mới lên bốn tuổi thì bà nội cũng qua đời. Nó sống cùng ông bác và sau ngày giải phóng thì được đưa vào trường con em liệt sĩ của Tỉnh học. Tính nết nó lanh lẹ nên chiếm được cảm tình của thầy cô.
       Tên sao người vậy. Người nó dài nhẵng, dáng đi cứ loi choi nhao về phía trước. Khuôn mặt lưỡi cày và đôi mắt hơi lồi. Nhìn thoáng qua cứ ngỡ nó hiền và pha chút ngờ nghệch, nhưng khi nó nói, đôi mắt ánh lên và tinh anh khiến gương mặt hoạt bát không ngờ”.
       Trong câu chuyện này, thằng Nhái có bốn thằng bạn học là Tân, Mun, Đen, Hùng. Bốn thằng bạn ấy cũng học giỏi, nhưng chúng vô cùng nghịch ngợm quậy phá chứ không gương mẫu và không tạo được uy tín với thầy cô giáo như thằng Nhái.
       “Tốt nghiệp xong, chưa có kết quả thi Đại học, thằng Nhái và bốn đứa được chọn đi Đông Đức. Ông Hiệu trưởng đã phân vân mãi trước khi kí hồ sơ của bốn đứa kia. Ông sợ chúng sang làm hổ danh con liệt sĩ và của người Việt Nam. Trước khi đi, ông gọi bốn thằng lên phòng ông và bài diễn văn kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Chúng ngọ ngoạy chân tay tỏ vẻ sốt ruột nhưng vẫn ngoan ngoãn dạ vâng…
       Ngày lên đường, chúng như những con chim giang cánh bay thẳng vào bầu trời cao rộng”.
       Sau bốn năm ở Đông Đức, năm nhân vật ra đi ngày ấy sắp được trở về Việt Nam.
       “Thế nhưng ngày 9 tháng 11 năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ, Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức đã mất đi sự ủng hộ của người dân. Và ngày 3 tháng 10 (tác giả không ghi năm), Cộng hòa Dân chủ Đức chính thức chấm dứt sự tồn tại của nó”.
       Năm nhân vật trong truyện tìm cách vượt sang Tây Đức. Và đoạn cuối của truyện “Thằng Nhái” thế này:
       “Thế nhưng khi vừa vượt bức tường ngăn cách thì chúng bị bắt. Một yêu cầu được đưa ra: Hãy viết đơn từ bỏ Đảng cộng sản, từ bỏ quê hương Việt Nam. Viết xong sẽ chính thức là công dân của Cộng hòa liên bang Đức. Nếu không, ngay ngày mai phải trở về Việt Nam. Thằng Mun nhìn thằng thông dịch bằng ánh mắt tóe lửa. Nó chửi thề:
       - Đ.M mày! Có mày đi liếm đít bọn bơ sữa chứ tao thì không!
       Thằng Đen vội can:
       - Thôi mày, cãi nhau với bọn nó làm gì!
       Ngay trong đêm ấy, bọn chúng bị dồn ra sân bay. Lúc chuẩn bị lên xe thì phát hiện ra không có thằng Nhái. Thằng Mun hốt hoảng:
       - Phải quay lại! Thằng Nhái lạc rồi!
       Thằng Hùng nói tiếng Đức giỏi nhất đến trình bày với mấy cảnh sát. Nhưng những cái lắc đầu và dùi cui được giơ ra. Cả bọn nháy mắt nhau xông vào. Đầu thằng Phe tóe máu, cánh tay thằng Hùng bị quật gẫy… Cả bọn vẫn cố xông ra tìm thằng Nhái. Bỗng nhiên cả bốn thằng sững người khi nghe tiếng loa phát thanh:
       - Tôi là Nguyễn Văn Nhái, từ giờ phút này trở đi tôi tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản, từ bỏ Việt Nam… Tôi là Nguyễn Văn Nhái…
       Thằng Mun gầm lên:
       - Đù má! Mày chỉ cần bước chân xuống sân bay Việt Nam là tao giết mày!
       Thằng Tân vội xé áo băng đầu cho thằng Phe, thằng Mun lấy dây thắt lưng cột vội cánh tay bị gãy của thằng Hùng. Chúng dìu nhau lên xe như những tàn binh… Tiếng thằng Nhái vẫn eo éo trên loa… Thằng Mun vẫn không thôi gầm rít:
       - Đù má thằng chó đẻ! Tao mà gặp mầy là tao giết!”
       Những trích dẫn trên là nguyên văn, tôi không biết tại sao nhân vật Đen đến cuối truyện lại bỗng có tên là Phe. Sau đây là những bình luận:
        Trantam51: Thôi thì Nhái cũng đã lớn và có tri thức. Là người, không ai dám từ bỏ dân tộc và cha mẹ mình trong bất kỳ trường hợp nào!
       Hoàng Hương Lan (trả lời Trantam51): Có lẽ đó là điều đau đớn nhất cho các thầy cô đã thay cha mẹ nó dạy nó. Mỗi khi họp mặt các thầy cô của nó gần như không nhắc đến nó anh ạ.
       Lam Chiều: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Thằng Nhái mà về Việt Nam chắc bị bằm nấu cháo mất!
       Phauthuattk:  Lam Chiều là Lam Chiều ơi
                          Cái sự ở đời khó thuộc lắm sao?
                          Thằng Nhái cùng những thằng nào
                          “Việt Kiều yêu nước” về bao nhiêu lần
                          Thêm anh xa, lắm em gần
                          Băng cờ biểu ngữ đầy sân đón chào
                          Yêu nước phải làm thế nào
                          Góp phần nho nhỏ nâng cao nước mình
                          Ôm mãi cái thứ linh tinh
                          Xuống đến âm phủ tiếc mình phí công!
       Trang Nam Anh: Quá đúng cho mình ké com với chú Phẫu nha, tuyệt!
       Hoàng Hương Lan: Chị Lam Chiều nói đúng chị ạ. Nếu muốn về mà không bị “bằm cháo” thằng Nhái chắc phải để thời gian phôi pha phải không chị.
       Anh Phẫu và anh Trang Nam Anh!
       Một trong bốn đứa ấy đã nói với em rằng, chúng em không tha thứ được cho một thằng đã phản bội lại cha mẹ mình. Nó là loài súc vật chứ không phải là người, nhất là khi cha mẹ nó đã hy sinh. Thực sự trong đầu chúng nó không có Đảng hay chính trị gì đâu…
       Lam Chiều: Anh Phẫu ơi, là anh Phẫu ơi! Thằng Nhái sau này về Việt Nam chỉ cần có mấy trăm đô mua được danh “Việt Kiều yêu nước” tha hồ mà nhậu cháo “Nhái” với mấy ông CQ nhà ta! (comment này được Lam Chiều in đậm).
       Trần Mỹ Giống: Đọc rồi… Buồn quá…
       Hoàng Hương Lan (trả lời Trần Mỹ Giống): Em viết truyện này lâu rồi anh ạ. Nhưng mãi mà vẫn chưa xong. Em rất đau lòng anh ạ.
       Hatrongdam: Đứng trước sự sống và cái chết bản lĩnh và ý thức con người mới thực sự được kiểm chứng em à.
       Thời chiến tranh nhiều anh sợ chết tìm mọi cách trở ra vùng giải phóng… Ngày nay, anh nào cũng là Cựu Chiến Binh ngực trĩu huân chương và kể chuyện chiến trường như thật.
       Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh cũng từ Lào về Buôn Ma Thuột… ngầm sông Bé, Bình Long, Phước Long, Thủ Dầu Một, Bình Dương, Bình Mỹ, Tân Uyên, Bến Cát, Lái Thiêu… dinh Độc Lập… đấy.
       Nhớ câu hát: có qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau…
       Hoàng Hương Lan (trả lời Hatrongdam): Anh nói đúng ạ. “Đứng trước sự sống và cái chết bản lĩnh và ý thức con người mới thực sự được kiểm chứng”. Em rất buồn khi thằng Nhái không thể vượt qua! Có lẽ ở VN nó đã bao lần đói khổ, không cha, không mẹ. Nó sợ phải trở lại cảnh ngày xưa… Và vì vậy mà nó đã làm thế. Em buồn nhưng vẫn tha thứ được cho nó anh ạ.
       Titan: Truyện này em đã đọc ở Chiếu Làng của anh Quang chị ạ, hình như chị cắt bớt đi sao ấy chị ạ, truyện của chị mà các nhân vật đổi chỗ cho nhau như quân cờ trên bàn cờ chị ạ! Cuộc sống biến cải, con người đổi thay, cuộc sống có những cái vô lý nhưng người ta phải chấp nhận mặc dù không muốn chị nhỉ?
       Hoàng Hương Lan (trả lời Titan): Ồ, chị không để ý nữa em ạ. Chị đã đăng bài này trong blog nhưng ở chế độ ẩn. Giờ muốn đăng thì công khai thôi…
       Thực tế cuộc sống là vậy em ạ, dẫu chúng ta muốn hay không.
       Luong Tu: Bài viết mạnh tay thật, chúc mừng nhé.
       Hoàng Hương Lan (trả lời Luong Tu): Anh trai ơi, đọc cảm nhận này em thêm buồn quá. Vì không phải là em mạnh tay mà là sự thật anh ạ. Chuyện của lũ học trò em đấy.
       Vuhungviet: Đọc xong câu chuyện, thấy đáng trách, nhưng thấy buồn cho số phận một con người, đứng trước sự lựa chọn giữa sướng và khổ, sống và chết, nếu không đủ bản lĩnh sẽ là kẻ có tội.
       Hoàng Hương Lan (trả lời Vuhungviet): Anh ạ, khi lũ học trò xuống thăm em và kể lại. Em tê tái buồn. Ngày ấy em là Bí thư Đoàn trường và nó là đứa Bí thư em rất yêu mến. Thế nhưng ngay lúc ấy em thấy nó đáng trách thôi. Nó đã quá khổ. Từ bé nó luôn phải sống vất vưởng. Vào trường học cũng bữa đói bữa no. Nó chỉ thật thấy đầy đủ khi sang bên Đức. Vì thế sự đấu tranh trong nó là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với những người khác.
       Năm vừa rồi, bọn học trò lại về thăm em, mấy đứa kia cũng bảo, nó chẳng thèm giết nếu thằng Nhái về. Tóc bạc cả rồi…
       Phauthuattk: Có thể nói, từ khi có chính quyền Việt Minh những câu chuyện như thế này đã xảy ra khá thường xuyên trong thực tế.
       Đọc chuyện của Lan mỗi người hẳn có những suy nghĩ của riêng mình.
       Tôi không giận thằng Nhái đến mức ấy…
       Tác giả để thằng Nhái nói trên loa rằng từ bỏ Đảng thì chưa sao, từ ngày chưa có đảng người Việt ta vẫn yêu nước, vẫn thể hiện được tình yêu ấy, vẫn đánh đuổi được ngoại xâm đấy thôi… nhưng “từ bỏ Việt Nam” thì… mâu thuẫn quá… Một thằng thông minh và giỏi như thằng Nhái… chắc có cách nói khác.
       Chính vì vậy, thay vì giận thằng Nhái tôi lại giận… tác giả. Sao không tìm một cách khác để bốn đứa kia biết rằng thằng Nhái đã bỏ sang Tây Đức?
       Ta là người Việt… tự hào lắm nhưng nhiều khi cũng… nhục nhã lắm thay.
       Ta từng 1000 năm lệ thuộc người Tàu, 100 năm lệ thuộc người Tây… để đến nỗi “sính ngoại” đã ăn vào máu nhiều người (kể cả người có học), bây giờ ta có tên nước nhưng đã có thể tin chắc chắn rằng ta đã hoàn toàn “độc lập” được chưa? Những gì đang diễn ra khiến ai đó nghi ngờ… có phải là vô lý?
       Nhiều điều muốn nói nhưng thôi!
       Xin tác giả đổi cái tình tiết ấy đi. “Thằng Nhái đã nhét một bức thư vào túi thằng bạn” chẳng hạn.
       Một tên du thủ du thực hành động như vậy có thể dễ chấp nhận hơn nhưng một con liệt sĩ, một đảng viên, một người thông minh mẫn cán… tóm lại là một người Việt điển hình thì… Đau lòng cho những kẻ khác quá!
       Hoàng Hương Lan (trả lời Phauthuattk): Xin lỗi lão anh trai! Viết truyện thì có quyền hư cấu nhưng rất tiếc chi tiết anh trai không thích lại là chi tiết có thật. Thế nên đành để lão anh trai giận. Và thực sự nó là một nỗi đau của tất cả những thầy cô giáo, những người thay cha mẹ nó dạy dỗ nó.
       Thằng Nhái có về nước nhưng nó vẫn phải trốn nhủi. Vì những đứa con liệt sĩ không phải chỉ là 4 đứa kia. Và chúng nó không giết thì thằng Nhái chắc cũng khó sống lão anh trai ạ. Và hàng trăm đứa con liệt sĩ em dạy thì chỉ có một thằng Nhái đó thôi! Cũng còn sự an ủi đó cho đỡ xấu hổ!
       Phauthuattk (đáp lời Hoàng Hương Lan): Tôi đã viết một phản hồi dài nhưng thiết nghĩ không cần thiết nên đã gửi vào email cho Hương Lan.
       Tôi bình tĩnh để biết mình là ai? Tốt hay xấu? Yêu nước đến đâu?
       Hoàng Hương Lan (trả lời Phauthuattk): Không hiểu ý anh trai chỗ này?
       Tranthanhxuan: Tôi đang tự hỏi: Trong cuộc sống sự trung thực liệu có phải lúc nào cũng tốt? Và tư tưởng của mỗi người đâu có tồn tại mãi được, hãy thông cảm cho thằng Nhái đi bạn ơi, nó bất hạnh và chịu khổ nhiều rồi.
       Hoàng Hương Lan (trả lời Tranthanhxuan): Có phải ông khuyên tôi không nên viết trung thực những chuyện xảy ra trong cuộc đời, khi chuyện đó nhạy cảm và đau lòng?
       Tôi có nghe nói rằng không có gì tồn tại vĩnh viễn, tình yêu cũng thế. Do vậy, chuyện thằng Nhái thay đổi cũng là trong quy luật. Nhưng nếu vậy sao mọi người lại không đồng tình?
       Thằng Nhái có thể xa rời Đảng nếu nó thấy không còn phù hợp với lý tưởng sống của nó nhưng lại phản bội lại cha mẹ và đất nước thì không thể. Chẳng phải dân VN mà là dân tất cả các nước khác cũng không thể chấp nhận.
       Tôi có thể thông cảm cho em ấy, nhưng nếu em ấy mà về gặp, tôi không thể nhìn ông ạ.
       Bichthuyhn: Cậu ơi, cậu còn nghĩ về tớ như trước đây nữa không khi biết rằng tớ không phải là Đảng viên và chưa bao giờ tớ có ý định vào Đảng mặc dù bao giờ tớ cũng luôn cố gắng vì những điều tốt đẹp?
       Bài viết của cậu rất trung thực, tớ thích nó vì điểm này cậu ạ.
       Hoàng Hương Lan (trả lời Bichthuyhn): Tớ chưa bao giờ chọn bạn vì tiêu chuẩn Đảng viên cả. Và tớ đang há hốc mồm vì ngạc nhiên khi đọc dòng này của cậu đây.
       Những câu chuyện tớ viết về học trò tình tiết có thể tớ thêm bớt cho nổi bật chủ đề chứ thường cốt chuyện và các tình tiết quan trọng tớ giữ nguyên cậu ạ.
       Nguyenthongbg: Sang thăm “Thằng Nhái” thấy chuyện buồn của những sinh viên VN sang học ở Đông Đức thời buổi ấy, mà Thằng Nhái là một điển hình đau lòng trước tình cảm bức bối ép buộc thì biết làm sao được… Mấy câu nói trên loa ngày ấy của Nhái là bị ép buộc để “hòa nhập” đừng “hòa tan” là được, chúng ta cũng nên soi xét kỹ càng hoàn cảnh lúc đó mà thông cảm cho Nhái!
       Hoàng Hương Lan (trả lời Nguyenthongbg): Em cũng tin là dòng máu Việt vẫn chảy trong huyết quản nó anh ạ.
       Em thực sự rất vui khi mọi người luôn có cái nhìn rộng lượng và bao dung. Nếu thằng Nhái biết được em tin nó sẽ sống tốt hơn.
       Maikim: Gia tài của mẹ một bọn lai căng
            Gia tài của mẹ một lũ bội tình (TCS).
       Với cái gia tài như vậy thì chuyện gì cũng có thể xảy ra cậu ạ.
       Hôm nay tớ thấy cậu phạm vào điều 3 của phật dạy (3 điều mà cậu vẫn tâm đắc ý).
       Hoàng Hương Lan (trả lời Maikim): Ừ, cuộc đời nhiều chuyện xảy ra mình không thể ngờ được cậu ạ.
       Học trò kể về thằng Nhái cho tớ nghe vì chúng biết tớ đã rất yêu mến Thằng Nhái. Tớ cũng chẳng muốn “thấy” đâu cậu ạ.
       Ái Nữ: Tôi chỉ thấy thương thằng Nhái. Rõ ràng từ nhỏ ý thức của nó đã là sống phải phụ thuộc vào người khác, cho nên lúc nào nó cũng ngoan ngoãn và “gương mẫu”. Chẳng phải người Việt luôn ưa những kẻ ngoan ngoãn đó sao? Thằng Nhái chỉ có bản lĩnh của kẻ thức thời để cuộc sống của mình được dễ dàng hơn, nó không có tính độc lập thường được cho là “bướng bỉnh”, mà người ta “sợ chúng sang làm hổ danh con liệt sĩ và của người Việt Nam” của bốn thằng bạn kia. Khi ở Đức, một lần nữa nó lại ngoan ngoãn phục tùng những người mạnh hơn nó và nó nghĩ là có thể dựa vào họ.
       Nhân vật thằng Nhái là điển hình cho một kẻ yếu đuối phải tìm những phương thức thích hợp với mình để sinh tồn. Chỉ đáng thương, không đáng giận.
       Hoàng Hương Lan: Ái Nữ à! Mình thật vui khi bạn có cái nhìn rộng lượng với Nhái. Tuy nhiên, vẫn có đứa rất ngoan nhưng đứng trước thử thách chúng vẫn vượt qua đấy bạn ạ. Sang Đức, trường mình có cả gần trăm đứa nhưng duy nhất chỉ có thằng Nhái thế thôi.
       Thông điệp của chuyện thằng Nhái mình rút ra được chính là khi gặp thử thách lớn lao bản chất con người mới bộc lộ rõ nhất. Những gì vụn vặt hàng ngày chưa hẳn đã là bản chất của họ. Là nhà giáo mình phải rất chú ý điều này.
       Phamcamloan: Truyện ngắn có cái kết thúc buồn chị nhỉ! Ban đầu đọc em có cảm tình với Nhái nhiều, nhưng đến cái kết đã có sự hụt hẫng.
       Tiếc vì Nhái đã có sự ra đi, từ bỏ, phủ nhận mọi thứ.
       Hoàng Hương Lan (trả lời Phamcamloan): Mình tin em ấy đã có những ngày sống day dứt, nhất là khi nhìn lại những bạn cùng trang lứa với mình, cùng hoàn cảnh như mình nhưng bây giờ vẫn giàu có, phát đạt ngay ngay trên chính quê hương của mình.
       Mình vẫn hy vọng em ấy quay về, về với quê hương mà một lần dại dột em đã quay lưng.
       Tholang: Thật bất ngờ! Mong rằng thằng Nhái không phải là lớp trẻ có giáo dục ở Việt Nam!
       Hoàng Hương Lan (trả lời Tholang): Nhưng nó lại đúng là thế mới buồn anh ạ!
       Trong một số lời bình luận ở trên, tôi đã cắt bớt những lời cảm ơn chúc tụng hoặc những câu mang nội dung ngoài lề.
       Giống như “Một chuyện có thật” trong truyện cổ An-đéc-xen, “chuyện có thật” của nhà giáo Hoàng Hương Lan cũng đã truyền ra nước ngoài. Ở ngoài nước có nhiều bạn đọc và một số blogger của Blog Việt, cũng là những trí thức rất đáng kính.
       Bạn đọc Người Hà Nội vốn từng sống ở Đông Âu, khi đọc truyện “Thằng Nhái” cho rằng nó không phải là chuyện có thật, vì Tây Đức không có chính sách kỳ thị dân tộc hay đảng phái kiểu như thế. Nhưng có lẽ trước thái độ khăng khăng bảo vệ “chân lý” của Hoàng Hương Lan, có thể thấy rất rõ ở phản hồi dành cho blogger Phauthuattk và blogger Tranthanhxuan, Người Hà Nội không muốn tranh luận tại đó, mà sang blog của nhà thơ Trần Đăng Khoa để đưa tin chung, lại nhắn tin cho bạn đọc Long Ẩn, người từng nhận là sống ở nước Đức.
       Người Hà Nội luôn tỏ ra mong muốn là sứ giả hòa bình như chim câu. Còn Long Ẩn thì thường xuyên tỏ vẻ tinh tường như chim cú. “Chim câu” Người Hà Nội và “chim cú” Long Ẩn họp lại với nhau ở nhà “gà mái” Ái Nữ để trao đổi.
       Cô ả Ái Nữ thì khỏi phải nói, bản tính ả đã xấu lại ác, chẳng thế mà bạn đọc Mắt Đời phải lo lắng cảnh báo với bạn đọc: “Nếu ai đi theo Ái Nữ nhiều thì sẽ bị cô ấy giải phóng con thú dữ trong hồn mình mà cứ tưởng là chính mình”*. Mặc dù lời nói này của bạn đọc Mắt Đời có phần khó hiểu, có lẽ do hoảng hốt quá nên phát ngôn bị lẫn lộn, nhưng nó cũng góp phần chứng tỏ rằng cô ả Ái Nữ là thành phần mà người ta không nên dây vào. Song khi Mắt Đời “để mắt” đến Ái Nữ thì đã muộn, bà con Xóm Lá từng nhiều phen phải chịu đựng với ả nên đã… quen. Thật ra thì ả Ái Nữ chẳng có tài năng gì nổi trội ngoài tài “bới lông tìm vết”, kể xấu về người khác để “đánh bóng” tên tuổi của mình. Ả không tuyên truyền về các chủ đề đứng đắn như những ai kia, mà lại chuyên “tán gẫu” về những chuyện linh tinh trong đời sống, xui nguyên giục bị khiến cho người ta cãi nhau. Thay vì bàn luận các vấn đề với thái độ và bằng hình thức của một học giả chân chính, ả lại thường xuyên sử dụng mọi kiểu ngụy biện, cả những kiểu mà người ta đã đặt tên, cả những kiểu người ta chưa kịp đặt tên, lại còn sáng tác thêm nhiều kiểu mới, trộn lẫn chúng vào với nhau, làm cho người đọc rối bời, thiện ác bất phân, tốt xấu lẫn lộn…
       Tranh thủ lúc “Chim Câu” và Gió Thầm Thì mâu thuẫn với nhau, “gà mái” Ái Nữ vội vã tung tin về “chuyện có thật” của Hoàng Hương Lan. Gió Thầm Thì giật bắn cả mình “thầm thì” rõ to:
       “Ái Nữ, tôi đã đọc câu chuyện “Thằng Nhái” theo đường link bạn đưa. Câu chuyện nói với tôi một điều. Đây là sự bịa đặt đáng thương hại nhất mà tôi gặp. Nó nói với tôi hoặc đây là một sự hiểu biết quá kém cỏi. Hoặc là một sự vô trách nhiệm trầm trọng về lời ăn tiếng nói của mình. Hoặc là một sự vô cảm đáng thương tâm của nhân cách. Liệu người viết có khi nào nghĩ đến những hậu quả của những dòng chữ mình viết ra? Hư cấu đến đâu chẳng nữa nhưng bóp méo 100% sự thật về một đất nước và chính sách của đất nước mà mình không hề biết đến, đó là một việc làm không có nhân cách, và không nên làm. Người ta chỉ có thể viết những câu chuyện như thế này, khi tên nước là một nơi không tồn tại, hay nơi ấy có sự thật là như thế”.
       Nên nói thêm rằng Gió Thầm Thì khi ấy mới gia nhập Xóm Lá chưa được bao lâu, ít giao lưu qua lại các blog nên chưa hề biết Hoàng Hương Lan là một nhà giáo đáng kính. Lời bình luận này của Gió Thầm Thì hoàn toàn chỉ căn cứ vào nội dung bài viết của Hoàng Hương Lan chứ không chịu ảnh hưởng của tình cảm cá nhân hay những mối quan hệ “offline”. Gió Thầm Thì sống ở mãi tận bên… Đức.
       “Chim Câu” tiếp lời:
       “Một khi bức xúc vì một lý do gì đấy mà không biết thổ lộ hoặc phản thùng thế nào, người ta lại đem câu chuyện cũ rích “phản Đảng, phản dân” ra dọa nhau. Đáng tiếc rằng, rất nhiều người Việt, trong đó có Ái Nữ, chỉ cần nghe loáng thoáng tới vấn đề đó là tin sái cổ. Đáng tiếc rằng đã gần 40 năm thống nhất Việt Nam rồi, lúc cần người ta vẫn đem nó ra để dọa nhau, để xúc phạm nhau”.
       Ả “gà mái” Ái Nữ tức lộn tiết lên. Chẳng là bấy lâu nay có nhiều kẻ biết ả ưa nịnh nên đã phỉnh phờ khiến ả tưởng rằng ả là một nhà thông thái. Nào ngờ “Chim Câu” chỉ ra rằng ả “ngây thơ như con gà mơ”, mà điều đó lại… đúng. Ả đành xuống nước năn nỉ “Chim Câu” và Gió Thầm Thì:
       (Với Người Hà Nội): “Anh thấy đấy, muốn chỉ ra người ta nói dối thì cần phải có bằng chứng. Có khi dựa vào suy luận tôi biết người ta nói dối tôi mười mươi nhưng tôi vẫn tỏ ra tin người ta vì nghĩ rằng tôi không thiệt hại gì lắm. Nhưng với chuyện “Thằng Nhái”, dù là chuyện có thật đi chăng nữa (tôi phải tạm “mặc định” như vậy vì tôi không có kiến thức thực tế nào về đất nước xa lạ ấy) thì tôi vẫn không thể hiểu tại sao người ta lại giận dữ với nhân vật thằng Nhái đến thế. Nếu anh chỉ ra được là chuyện đó bịa đặt thì tôi có thể hiểu câu chuyện theo một logic khác”.
       (Với Gió Thầm Thì): “Tôi tha thiết muốn bạn chỉ cho tôi rõ chuyện “Thằng Nhái” đã “bóp méo 100% sự thật” như thế nào. Thật không hay nếu tôi đọc một câu chuyện mà lại hiểu nhầm lịch sử và chính sách của một đất nước mà tôi chưa từng đặt chân tới và chưa từng tìm hiểu về nó trước đó. Nếu bạn giúp tôi biết sự thật thì tôi vô cùng cảm ơn bạn!”
       “Chim Câu” (nói với Ái Nữ):
       “Thằng Nhái” vô lý ở những chỗ nào!
       Ở Việt Nam cũng như ở một số nước viễn đông, một lời nói đúng lúc, đúng chỗ có thể biến người ta thành anh hùng. Lời nói sai lúc hoặc sai chỗ có thể làm cả đời hẩm hiu. Tôi muốn nói là chỉ cần hô khẩu hiệu, không cần thực hành cũng đủ. Thế tại sao VN không áp dụng hô khẩu hiệu để giáo huấn con người, mà cần đến trại cải tạo dằng dẵng nhiều năm trời? Bên phương Tây. Lời nói thiếu dẫn chứng là lời nói vô dụng, trừ khi nó quá hiển nhiên. Thằng Nhái kia, sau khi hô khẩu hiệu sẽ phải trả lời câu hỏi tại sao. Từ Đảng. Có thể trả lời được. Từ Việt Nam. Đố Ái Nữ tìm ra được câu trả lời logic để người ta tin, tôi sẵn sàng đóng vai người phỏng vấn. Nên nhớ rằng, người phương Tây, nhất là người Đức có tư duy logic rất tốt, chẳng thế mà Xóm Lá thường xuyên đem tên các nhà triết học Đức ra để dọa nhau.
       Trả lời thế đã đủ chưa?
       Thực ra. Chính phủ Đức bất kể dưới thể chế nào, không có thái độ thù địch với chính phủ Việt Nam bất kể Bắc hay Nam. Hơn nữa bắt đầu từ năm 1975 uy tín, tiếng tăm của Việt Nam giảm dần đến mức người ta không coi là mối đe dọa cho phe tư bản nữa. Đức rất tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc sống trên đất Đức”.
       Gió Thầm Thì không cần nói gì thêm vì “Chim Cú” Long Ẩn đã lên tiếng:
       (Với Gió Thầm Thì): “Tôi là người lao động đã từng sống ở Đông Âu thời “Thằng Nhái”. Tôi rất đồng ý với ý kiến của Gió Thì Thầm. Tôi đã có phản hồi ngay bên trang của tác giả. Bạn có thể xem thêm.
       Truýt”.
       (Với Ái Nữ): “Ái Nữ thân mến, Người Hà Nội và Gió Thì Thầm đã viết rất đúng về chuyện “Thằng Nhái” – truyện bịa 100%. Viết văn cần có trí tưởng tượng, nhưng “tưởng” quá hóa vô lý thì không được. Truyện này không khác gì truyện “Người quản giáo cụt tay” đã đăng bên nhà GS Nguyễn Lân Dũng. Thời đó, tôi đã sống ở Đông Âu, nên tôi xin mang danh dự của mình ra đảm bảo với bà con Xóm Lá như vậy”.
       Ả “gà mái” Ái Nữ thở dài im lặng vì không tìm được câu trả lời logic cho việc người Tây Đức đòi những người nhập cư chối bỏ nguồn gốc quê hương. Tại sao không chỉ có ả mà rất nhiều cư dân Xóm Lá đã vội vàng “tin sái cổ” vào chuyện đó? Một là vì thói quen đọc hời hợt qua loa. Hai là vì họ sống ở Việt Nam. Việt Nam là một xứ sở kỳ lạ mà bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra, bất chấp logic, không thể lý giải. Chẳng thế mà gã “gà trống” Acemediavn nát rượu cứ lải nhải cái câu mà gã cho là của nhà văn Bùi Ngọc Tấn: “Sống ở Việt Nam thì đừng ngạc nhiên khi ông Trời xuống gõ cửa rủ bạn đi nhậu...”* Ngay như bác sĩ Bích Thủy, một người hiểu biết, quan hệ rộng, từng du ngoạn nhiều nơi trên thế giới mà cũng vẫn tin câu chuyện “Thằng Nhái” là “rất trung thực”. Tìm kiếm trên Gúc-Gồ, “gà mái” Ái Nữ tìm thấy thông tin nói rằng có hàng trăm hoặc hàng nghìn người thiệt mạng vì trốn từ Đông Đức sang Tây Đức trong thời gian tồn tại của bức tường Berlin, nhưng chịu trách nhiệm về việc này là Đông Đức chứ không phải Tây Đức, còn vào thời điểm bức tường Berlin bị phá thì không xảy ra bạo lực. Ả không moi ra được thông tin nào ủng hộ cho tình tiết trọng tâm ấy trong câu chuyện của nhà giáo Hoàng Hương Lan.
       Trao đổi của “Chim Cú” và tác giả “Thằng Nhái” bên blog của Hoàng Hương Lan:
       Long Ẩn: Truyện này của bạn HHL, tôi cam đoan là không thật tới 90%.
       Thời ấy, tôi chưa thấy ở đâu kết nạp thằng bé lớp 11 vào Đảng. Ngay trong trường, may ra chỉ có vài thầy cô là đảng viên thôi.
       Công nhân Việt Nam bị cắt hợp đồng lao động ở Đức, Nga hay Tiệp… Có quyền lựa chọn: Về hay ở. Không ai bắt buộc. Về, thì có tiền bồi thường. Ở thì được đăng ký tạm trú đàng hoàng và tự lập sống.
       Những người chạy sang Tây Đức, vào trại, khai bằng hồ sơ giấy tờ. Lý do xin tị nạn phần lớn ghi là “vì lý do chính trị”. Phần lớn khai tên giả. Không có ai phải lên loa phóng thanh nói như kiểu “Thằng Nhái”. Hơn nữa, ở khu nhà của công nhân lao động, làm gì có trại tị nạn mà bắc loa cho nói kiểu đấy. Trại nằm mãi bên Tây Đức cơ mà (?) Làm gì có chuyện nói xong là thành công dân CHLB Đức ngay (?)
       Cảnh sát và quân nhân, thường là những người mẫu mực trong xã hội. Họ hiểu luật và khi làm công vụ, họ rất nghiêm túc. Không bao giờ có chuyện như tác giả viết: Họ đánh đập gẫy tay vỡ mặt mấy người Việt Nam định đi tìm thằng Nhái. Đưa công nhân trở về, có đội trưởng, phiên dịch, đại diện của nhà máy, làm gì có cảnh sát ở đấy (?)
       Truyện này tác giả viết không khác gì truyện bịa “Người quản giáo cụt tay” đăng trên blog của giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
       Hoàng Hương Lan: Tôi rất thích ý kiến cảm nhận của bạn. Vì tôi được hiểu ra nhiều việc mà tôi rất mơ hồ. nhưng bạn bảo trường học không kết nạp Đảng khi học trò học lớp 11 thì bạn đừng vội khẳng định như thế. Đây là điều rất thật. Và ở trường tôi không chỉ kết nạp mình thằng Nhái. (Cũng nói rõ với bạn, tên nhân vật chính không phải như vậy). Và người thay mặt bên Đoàn, bí thư Đoàn trường là chính tôi viết giấy giới thiệu. Có nhiều chi tiết bạn phản hồi khác, tôi không khẳng định được đúng sai vì thứ nhất tôi nghĩ bạn chưa đọc kỹ bài tôi viết, thứ hai tôi chỉ nghe học trò kể lại như trong trả lời cảm nhận mọi người tôi đã nói.
       Rất cám ơn bạn đã đến đọc và ghi nhận xét.
       Long Ẩn: Hoàng Hương Lan thân mến,
       Truyện này, những tình tiết bạn viết ở Việt Nam thì tôi không dám cãi, có thể bạn trải nghiệm nhiều và biết rõ hơn tôi. Nhưng những tình tiết xảy ra bên Đức, Tiệp, Ba Lan… bạn cần phải có tư liệu chính xác.
       Thời đó, tôi đã có một truyện ngắn như thế, nếu bạn muốn tham khảo, hãy cho tôi xin địa chỉ mail, tôi sẽ gửi cho bạn xem.
       Hoàng Hương Lan: Bạn Long Ẩn!
       Sau cảm nhận của bạn tôi suy nghĩ rất nhiều. Thực lòng tôi chỉ muốn viết về những đứa học trò của tôi. Thằng Nhái thực sự là một đảng viên và một học sinh gương mẫu của trường và của chính tôi. Như bạn nói có thể những đứa khác không bị đánh đập vì lý do chính trị nhưng việc Thằng Nhái tị nạn về chính trị là có thật. Với tôi, đó mới là vấn đề nhức nhối của những người làm thầy làm cô. Mình dạy dỗ thế nào, giáo dục ra sao để học sinh có thể rời bỏ quê hương như thế? Có bào chữa thế nào đấy cũng là điều thất bại. Đáng xấu hổ!
       Kể lại chuyện này tôi chỉ muốn nói thế, không có ý xúc phạm đến ai khác, nhất là một đất nước mà tôi không biết. Và cũng chính vì vậy tôi đã không xác minh lại chính xác lời học trò kể lại để các bạn có những sự phản ứng không nên có. Và nếu bạn đọc kỹ bài tôi cũng đã trả lời các cảm nhận tôi chỉ nghe học trò kể lại.
       Nếu có những tình tiết thực sự không như học trò kể lại, tôi thành thật xin lỗi bạn và mọi người. Và cũng mong bạn hãy hiểu mục đích tôi viết bài này!
       Địa chỉ mail của tôi: tranthilanhuong29@yahoo.com.
       Vậy là “Chim Cú” đã thực hiện được cuộc trao đổi góp ý trong hòa bình hữu hảo, và hẳn là nhờ thế mà nhà giáo Hoàng Hương Lan hiểu ra nhiều điều hơn. Nhưng còn “Chim Câu” thì không gặp may mắn như thế, mà đã bị Hoàng Hương Lan trách móc. Sau khi nhận được từ “Chim Câu” đường link dẫn tới cuộc trao đổi bên nhà “gà mái” Ái Nữ, Hoàng Hương Lan đã trả lời như sau:
       “Người Hà Nội!
       Tôi thật buồn khi bạn không thẳng thắn với tôi, dù bạn luôn thẳng thắn với mọi người. Tôi không buồn người khác nói xấu mình, đánh giá mình thế nọ thế kia (dù chỉ qua một bài viết, dẫu có thể sai, mà đã đánh giá này nọ thì đúng là người quá nóng nảy) nhưng tôi lại buồn bạn. Chúng ta không chỉ mới biết nhau, không phải bạn không hiểu tôi là người thế nào… Vậy sao bạn bức xúc về chuyện “Thằng Nhái” bạn lại không thẳng thắn trao đổi với tôi thế?
       Tôi đã đọc hết những ý kiến bên nhà Ái Nữ nhưng tôi không phản hồi. Chắc bạn hiểu ý tôi!”
       Đọc những lời trên của Hoàng Hương Lan, ả “gà mái” Ái Nữ tuyệt nhiên không hiểu gì ý tứ của nhà giáo đáng kính. Còn gã “Chim Câu” thì không biết có hiểu gì không, hay gã thấy gã có lỗi mà im re không nói câu nào nữa. Các bạn đọc thì chưa thể đọc được lời xin lỗi của Hoàng Hương Lan, bởi vì nó quá dè dặt và mơ hồ, nó cũng chưa phải là lời xin lỗi, vì Hoàng Hương Lan vẫn chưa đủ cơ sở để biết mình có thực mắc lỗi hay chưa: “Nếu có những tình tiết thực sự không như học trò kể lại, tôi thành thật xin lỗi bạn và mọi người”. Nhưng đã có rất nhiều người đọc và tin vào câu chuyện “Thằng Nhái” như tin “một chuyện có thật”.
       Lời bình luận của bạn đọc Mắt Đời xứng đáng được dùng để kết thúc câu chuyện này:
       “Một bài viết hay. Một bài viết có nhiều sự thật và phía sau những sự thật đó lại có nhiều sự thật khác.
       Còn riêng về thằng Nhái, nếu nó chịu về nước chắc nó sẽ sung sướng hơn, chắc chắn một người thông minh như nó lại được học ở Đông Đức thì ngày nay đã được làm lãnh đạo rồi. Không biết nó có hối tiếc về quyết định của mình không nhỉ?
       Đến một lúc nào đó người ta sẽ không chọn những điều mà đa số người khác đã chọn. Một cánh chim trưởng thành cần khoảng trời tự do để tung bay”.
       Câu chuyện thứ ba: Chồng của Lưu Hiểu Khánh là ai?
       Chồng của một nữ diễn viên điện ảnh Trung Quốc là ai thì cũng chẳng liên quan gì đến bà con Xóm Lá. Tuy nhiên thông tin lại là cái có liên quan. Một sai lầm “không chết ai” của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một quý ngài được kính trọng vào bậc nhất trên mạng Blog Tiếng Việt, một mạng “thu phát tin đồn” đáng kể với tên gọi tắt thông dụng là BTV. Việc sai lầm này trở thành nghiêm trọng hơn rất có thể lại liên quan đến ả “gà mái” Ái Nữ. Cô ả lắm điều này cứ “đâm bị thóc chọc bị gạo” khắp nơi khắp chốn, nên khó tránh khỏi liên đới.
       Ai cũng biết giáo sư Nguyễn Lân Dũng là một quý ngài tốt bụng, nhiệt tình. Vì sự nhiệt tình của ngài mà báo giới thường xuyên phiền nhiễu ngài về mọi vấn đề, họ đề nghị ngài trả lời phỏng vấn trên mọi lĩnh vực, cả khoa học lẫn đời sống, trăm thứ bà rằn, không chừa cả lĩnh vực… làm đẹp. Ngày 02-8-2013, giáo sư Nguyễn Lân Dũng đăng trên blog cá nhân bài trả lời phỏng vấn với tựa đề: “Muốn trẻ đẹp như Lưu Hiểu Khánh”. Trong bài viết, ngài đưa ra một ít kiến thức khoa học cùng với rất nhiều ảnh của diễn viên Lưu Hiểu Khánh, một huyền thoại về sắc đẹp không tuổi tác. “Bí quyết” trẻ đẹp mà diễn viên sáng giá này tiết lộ được nói đến trong bài viết chỉ là: “Mỗi ngày bà uống 2 ly sữa tươi nguyên chất và dành ra 1 tiếng để tập thể thao, đắp mặt nạ sữa tươi khoai tây…”
       Chiếm phần đáng kể trong bài viết là những bức ảnh đẹp, thông tin về tài năng cùng chuyện đời tư của Lưu Hiểu Khánh. Đặc biệt có những câu làm cho ả “gà mái” Ái Nữ phải “sốc tiết”: “Nhưng trường hợp Lưu Hiểu Khánh đâu đáng làm gương cho chị em ta? Nữ diễn viên 62 tuổi này từng trải qua hơn chục cuộc tình, trong số đó với khá nhiều những người đàn ông kém tuổi”. Ngài giáo sư có ý tốt muốn giáo dục cho phụ nữ về thuần phong mỹ tục, theo đó thì Lưu Hiểu Khánh dù đẹp nhưng vẫn… vô duyên. “Không nên “cưa sừng làm nghé” và phải làm đẹp theo lứa tuổi của mình. Trong đó đẹp phải đi kèm với sự duyên dáng và tri thức giao tiếp. Kịch tác gia Pháp A.V.Arnault (1766 – 1834) đã có một danh ngôn là: “Một bông hồng không có mùi thơm cũng chẳng được quý trọng hơn một người phụ nữ đẹp mà vô duyên”. Để trở thành một phụ nữ đẹp vì có duyên đừng nghĩ là chuyện dễ!”
       Một quý ngài ở thế hệ như giáo sư Nguyễn Lân Dũng nghĩ như vậy không phải là chuyện lạ. Nhưng ả “gà mái” Ái Nữ là một kẻ vô cùng cố chấp khi ai đó tấn công vào những quan điểm “tân tiến” của ả ta. Cô ả không thể hiểu tại sao một người thấy mình còn trẻ lại phải tập tác phong của một người già để vừa lòng công chúng, và cũng không chấp nhận cách nhìn rằng phụ nữ mà yêu những người đàn ông kém tuổi là vô duyên. Tại sao đàn ông làm như vậy thì được mà phụ nữ lại không làm được? Nếu những màn “cưa sừng làm nghé” của Lưu Hiểu Khánh bị nhiều kẻ chê bai thì màn “lắp sừng làm trâu già” của cô ả Ái Nữ cũng bị “ném đá” dữ dội. Ả ta xông vào blog của ngài giáo sư chê lấy chê để, không những chê bài viết chán ngắt, ả ta còn chê giáo sư cổ hủ và… thiếu hiểu biết.
       Kể ra thì một tiến sĩ sinh học không “sành gái” đâu phải là thiếu sót gì ghê gớm! Bất cứ một người đẹp nào cũng đủ tư cách để chê ngài giáo sư thiếu hiểu biết về phụ nữ. Nhưng chuyên mục “Hỏi gì đáp nấy” đã làm cho những người hâm mộ yêu mến giáo sư Nguyễn Lân Dũng mê mẩn, và việc công khai chê bai giáo sư như vậy thì hình như chưa có tiền lệ. Vả lại khi ấy ả “gà mái” Ái Nữ mới nhập cư vào BTV, bà con Xóm Lá và bạn đọc còn chưa quen được với giọng lưỡi độc địa của ả ta nên rất dễ “sốc”. Các “fan” của ngài giáo sư nổi đóa lên như thể danh dự của họ bị xúc phạm vậy, họ liên kết với nhau để dạy dỗ cho ả “gà mái” chua ngoa một phen. Song cô ả Ái Nữ vốn xuất thân là “gà rừng”, ả cứ bay nhảy lượn lách làm cho bao nhiêu “đá” không những không ném trúng ả lại còn gây “tác dụng phụ”. Hậu quả là ngài giáo sư khả kính phải “thu dọn chiến trường” kẻo bao nhiêu bạn đọc nhìn vào thấy nhức hết cả mắt. Mệt nhoài trong bối cảnh như thế, giáo sư đã mắc phải một sai lầm mang tính nguyên tắc.
       Trong những thông tin “ba hoa” sưu tập được về diễn viên Lưu Hiểu Khánh, hẳn là ngài giáo sư đã không kiểm tra lại hết sự chính xác của chúng. Đây là một sai lầm dễ mắc phải và có thể sửa chữa. Nhưng sai lầm đáng kể của giáo sư lại là chuyện khác. Có một quý ông định cư bên Word Press là ngài Phạm Phú Quảng sang thăm blog của giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ngài Phạm Phú Quảng đã đọc bài “Muốn trẻ đẹp như Lưu Hiểu Khánh” và ngạc nhiên bất bình trước một thông tin sai lệch về đời tư của nữ diễn viên, ngài đã lên tiếng chất vấn tác giả. Trước tiên ngài ấy trích dẫn một đoạn trong bài viết: “Hiện nay Lưu Hiểu Khánh đang chung sống với một người chồng, kém cô nhiều tuổi. Đám cưới của Lâm Chí Dĩnh với Lưu Hiểu Khánh tổ chức ngày 30 tháng 7 vừa qua tại đảo Phuket, Thái Lan. Theo thông tin đăng tải trên trang QQ, chi phí đám cưới của anh chừng 3 triệu Đài tệ (khoảng 2,1 tỉ đồng). Anh cũng đã chia sẻ những hình ảnh trong đám cưới của mình với tất cả mọi người”. Rồi ngài ấy đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao GS lại nhắc tới đoạn này? Vừa qua Lâm Chí Dĩnh cưới tại Thái Lan, cô dâu là Trần Nhược Nghi, chẳng có chút gì liên quan đến Lưu Hiểu Khánh cả!”
       Có lẽ giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã quá mệt mỏi nên không hề đọc đến comment của ngài Phạm Phú Quảng. Vì thế câu hỏi của ngài Phạm Phú Quảng không nhận được phản hồi và thông tin trong bài viết của giáo sư không được sửa chữa. Ả “gà mái” Ái Nữ tuy có đọc thấy thắc mắc của ngài Phạm Phú Quảng, nhưng ả ta cho rằng nên để ngài giáo sư nghỉ ngơi và xem lại sau. Ả ta cũng không hề xác minh xem thông tin của ngài nào là đúng, vì Lưu Hiểu Khánh cưới ai không phải là điều mà ả quan tâm.
       Nhưng sau đó giáo sư Nguyễn Lân Dũng không hề phúc đáp câu hỏi của ngài Phạm Phú Quảng, cũng không hề sửa chữa bài viết. Còn ngài Phạm Phú Quảng chẳng biết có để bụng không nhưng ngài nhớ rất dai. Nửa năm sau, nhân đọc bài viết “Tiếng Việt ngày càng mất chuẩn” trên blog của nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngài Phạm Phú Quảng đã đăng hai comment liên tiếp ở đó vào ngày 12 – 02 – 2014 với nội dung như sau:
       “Tôi thấy đây đúng là vấn đề quan trọng, rất quan trọng. Nhưng các bác cũng cần nhìn lại bản thân, từ việc viết, “com men”… Các bác cứ đọc lại ngay chính bài viết của Lão Khoa (là một người tôi rất thích đọc, nghe nói chuyện) thử xem đã đúng tiếng Việt chuẩn chưa? Đã đúng chính tả chưa? Chỗ thì “thầy”, chỗ lại “thày”. Tôi cũng không hiểu “khiêm đứng lớp” là gì?
       Tôi còn nhớ trong một bài viết của GS Nguyễn Lân Dũng, bài nói về nữ diễn viên Lưu Hiểu Khánh, bác Dũng đã đưa thông tin là bà này cưới Lâm Chí Dĩnh thì phải…
       Các bác cần biết lời các bác là vàng là ngọc, không tùy tiện được!”
       Quả thật không thể phản đối ý kiến xác đáng của ngài Phạm Phú Quảng. Chúng ta cứ la lối lên về chuyện tiếng Việt hiện nay không “chuẩn” như ý muốn chúng ta, nhưng lại xem thường việc đưa thông tin chuẩn xác để phục vụ độc giả thì rất khó chấp nhận. Vì sự lưu tâm của ngài Phạm Phú Quảng, tôi đã đọc xem các trang báo mạng đưa thông tin như thế nào về hôn nhân của Lâm Chí Dĩnh và Lưu Hiểu Khánh. Thì hỡi ôi, cô dâu mà Lâm Chí Dĩnh làm đám cưới ở Thái Lan là Trần Nhược Nghi, còn chồng “không cũ” của Lưu Hiểu Khánh là Vương Hiểu Ngọc, người hơn Lưu Hiểu Khánh gần chục tuổi. Không có trang nào đưa thông tin trùng với thông tin mà ngài giáo sư Nguyễn Lân Dũng đem đến cho bạn đọc. Như vậy, hoặc là tất cả các báo đã sai, chỉ một mình giáo sư Nguyễn Lân Dũng là đúng. Hoặc ngài giáo sư đã vội vã mà nhớ nhầm khi sưu tập và sao chép “tin đồn”. Hoặc giả ngài giáo sư đã sáng tác ra “tin đồn” Lưu Hiểu Khánh kết hôn với Lâm Chí Dĩnh để nhấn mạnh cái thói “cưa sừng làm nghé” của nữ diễn viên này mà giáo sư vốn không ưa. Vì giáo sư Nguyễn Lân Dũng không đáp lời cũng không sửa chữa, nên một độc giả cẩn thận như ngài Phạm Phú Quảng bất bình là hoàn toàn chính đáng.
       Lời bàn thứ nhất: Qua những câu chuyện ở trên, quý vị có thể thấy rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của những “tin đồn” thất thiệt tam sao thất bản, thậm chí tam thập lục sao thất thập nhị bản và nhiều hơn nữa. Trong trường hợp đó chúng ta không cần phải lo lắng một cách không cần thiết. Bởi vì như quý vị thấy đấy: Trong câu chuyện thứ nhất, chẳng có ả gà mái nào bị trụi lông rồi chết rét hay chết vì đánh nhau cả. Trong câu chuyện thứ hai, chắc chắn sẽ không có thằng Nhái nào bị “bằm cháo”, mà chỉ có những người giữ sự tức giận trong lòng là tổn hại sức khỏe mà thôi. Còn trong câu chuyện thứ ba, giả sử như có ngày nào đó mà Lưu Hiểu Khánh và Lâm Chí Dĩnh có mối quan hệ “trên mức bình thường” cùng nhau, thì chắc chắn lý do không phải vì sự “gán ghép” của giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
       Lời bàn thứ hai: Vì những sai lầm của chúng ta không làm chết ai, nên thật bất công nếu người ta gọi BTV là Mạng Thu Phát Tin Đồn Chuồng Gà. Tất nhiên trong chúng ta vẫn còn có ả “gà mái” Ái Nữ xấu xa độc địa, nhưng “may mà cái hạng gà như thế cũng chả có mấy!”
Phụ chú:
* “Một chuyện có thật” nằm trong tập 1 “Truyện cổ An-đec-xen” (Cả bộ có 2 tập) – Nhà Xuất Bản Đà Nẵng 1986. Dịch giả là Nguyễn Văn Hải – Vũ Minh Toàn. Không hiểu sao tên truyện này cùng vài truyện khác không có trong phần mục lục của sách, nhưng độc giả có thể tìm thấy truyện bắt đầu ở trang 277 và kết thúc ở trang 280. Tập truyện này lại theo bản của NXB Văn hóa – Hà Nội – 1963.


Cảm nhận:

1. Cảm nhận từ: ray [Bạn đọc] Email 09.04.14@21:18
AN nói thẳng nói thật, sắc bén như dao nhưng tế nhị và lịch sự. Hiếm gặp người như AN (may mà cái hạng gà như thế cũng chả có mấy!). Cô có đứa em đi hợp tác lao động ở Đông Đức, khi bức tường Berlin sụp đổ, bạn nó nhiều đứa đăng ký về VN, được nhà nuóc Đức hổ trợ vốn. Còn nó đăng ký ở lại, tự lực cánh sinh. Câu chuyện "Thằng nhái" theo cô Không bao giờ có chuyện như tác giả viết. Hư cấu là quyền của tác giả, nhưng cũng phải lựa chọn sao cho người đọc chấp nhận được.

Cô chúc AN vui.
1-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@21:34
"Sang Đức, trường mình có cả gần trăm đứa nhưng duy nhất chỉ có thằng Nhái thế thôi".
"Và hàng trăm đứa con liệt sĩ em dạy thì chỉ có một thằng Nhái đó thôi! Cũng còn sự an ủi đó cho đỡ xấu hổ!"


Đọc những câu trên, chẳng phải rất giống với câu:
"Cũng may mà cái hạng gà như thế cũng chả có mấy!"
hay sao?
2. Cảm nhận từ: vomtroirieng [Blogger] Email 09.04.14@21:23
Ôi,bài viết này nhiều vấn đề để com rồi,có lẽ chi VTR sẽ có ý kiến từng phần một,AN nhé
1/chuyện thứ nhất:sao lại gọi là gà sống?có phải là gà trống ko AN?
Chuyện thứ nhất thì com nhiêu đó thôi,lẽ ra dài hơn nhưng vì bị cuốn vào chuyện cu Nhái nên dừng!
2/Về chị Hoang Hương Lan,chị chưa qua lại trang blog,nhưng có lần Người Hà Nội đã khuyên chị"hãy tìm người tâm tình như Hoang Hương Lan,.như chị Hoa Mai.." khuyên rất thật tình,đầy trìu mến khi nhắc tên chị HHL(hì hì)
Còn phản ứng của bọn trẻ sau khi sự viêc thằng Nhái lên tiềng chối bỏ quê hương,chị nghĩ nếu chị là cô giáo của bọn trẻ đó,viêc đầu tiên là chị sẽ giận,rất giận,sẽ mắng bon chúng 1 trận ra trò,chị không bao giờ chấp nhận hoc trò mở miệng ra là đòi chém giết bạn bè trước mặt chị đâu
(đó là cảm nhận riêng của chị về từng nhân vật,xin đừng hiểu chị đả kich gì tác giả,cũng như mọi người và Người HN,chị rất mến chị HHL)
Cá nhân chị cũng đồng ý với com của 1 số ac ở trên
Ngày 30/4,giải phóng miền nam,bao sĩ quan cùng gia đình và 1 số người vượt biên bằng mọi cách,họ đã bị nguyền rũa không tiếc lời,ngay cả cố nhạc sĩ Phạm Duy từ miền bắc vào miền nam sinh sống rồi từ miền nam ra hải ngoại cũng ko ngoại lệ
Thế nhưng,sau 1 thời gian,từ tội đồ,họ trở thành Việt Kiều yêu nước
Thôi tạm dừng ở đây,chị sẽ com tiếp tuc sau khi uốn lưỡi 7 lần cho bảo đảm nha AN
2-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@21:39
"Gà sống" và "gà trống" là một chị Vòm Trời Riêng ạ! Em trích dẫn nguyên văn theo bản dịch của Nguyễn Văn Hải - Vũ Minh Toàn.
3. Cảm nhận từ: vomtroirieng [Blogger] Email 09.04.14@21:37
Chị com tiếp nè,nhưng chẳng thèm uốn lưỡi
thằng Nhái là con liệt sĩ,mà chối bỏ để theo kẻ thù=>đáng trách
AN trả lời hộ chị
nếu một người con sinh ra trong gia đình sĩ quan chế độ cũ,cha mất đột ngột sau những ngày đi hoc 'đai hoc ở rừng",cuôc sống gia đình tuột dốc không phanh phải cố hết sức để vưc dậy,thế mà người con lớn lên,đứng trong hàng ngũ ĐCSVN,là đai diện tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước
Người con ấy có đáng bị nghe chửi thề,đáng bị cả giòng họ đòi chém giết?
3-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@21:48
Theo Ái Nữ nghĩ đó là những áp đặt đạo đức phi lý và không thực tế. Nhưng đáng tiếc nó lại bám rễ sâu trong tư tưởng của không ít người, chẳng hạn như nhà giáo Hoàng Hương Lan.
Truyện "Thằng Nhái" cùng những lời bình luận, bỏ qua những "gán ghép" bịa đặt cho nước Đức, thì cần phải nhận diện những tư tưởng sai lầm, xa rời nhân bản.
4. Cảm nhận từ: trongkhangqn [Blogger] Email09.04.14@21:42
Những câu chuyện thú vị, nhưng hết sức nghiêm túc, đề cập đến tồn tại vô ý thức cần được góp ý.
4-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@22:31
Chúng ta có thể mất thời gian và sức lực để làm những việc vô nghĩa và không có lợi ích thực tế. Đây là sự thật.
4-2. Phản hồi từ: trongkhangqn [Blogger] Email10.04.14@09:05
Nói thật, tôi hoàn toàn bất mãn chuyện thằng Nhái, vì cách nhìn, cách bày tỏ chỉ từ một góc độ hết sức thiên kiến, lệch lạc, như trên cái tinh thần "chế độ dân chủ vạn lần". Quyền sáng tác, hư cấu là ảnh hưởng đến hình ảnh một quốc gia, một nền dân chủ, không còn là "không nên" mà là không được. Cần nhìn nhận đúng mức hơn về dân chủ tư sản. Tôi có hai anh bạn lao động Đông Đức vào dịp bức tường Béc Lanh sụp đổ nên nắm được tình hình. Ở một nên dân chủ khác như Úc, vào dịp biểu tình, cản sát không can thiệp (miễn là không có xô sát) nên có những đoàn gốc Việt tỏ thái độ tình cảm khác nhau, tốp người này mang cờ đỏ sao vàng, tốp kia mng cờ quẻ ly của chế độ VNCH.
Chuyện anh cnàng Nhái xảy ra, cứ hao hao như bối cảnh Việt Nam. Thời còn chiến tranh, khi bắt được tù binh, quân đội VNCH thường đưa người tu binh đó lên máy bay trực thăng, gọi loa chiêu hồi xuống chiến tuyến bên kia, ví như "Hỡi các cán binh Bắc Việt...". Còn chuyện đánh nhau vỡ đầu tháo máu, chắc là hình ảnh cảnh sát VNCH ngày xưa đàn áp hay công an bảo đảm trật tự gần đây rồi.
Còn Nhái là đảng viên, theo tôi là có thật. Chuyện kết nạp học sinh cấp ba vào đảng là một chủ trương, lớp tôi cũng có. Kể ra anh bạn Nhái phụ lòng thầy cô, bạn bè thì nhiều người lăn tăn. Chắc vì động cơ mưu sinh thôi, có thể thông cảm được chăng. Nhưng sau đó, thiếu gì những quan chức và các đối tượng khác, từng được chế độ ân hưởng có suy nghĩ hơn Nhái, vẫn "phá rào" sang Phương Tây.
4-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@17:05
Anh nói trúng cái mà tôi hình dung, đúng là "cứ hao hao"...
Lẽ tất nhiên Hoàng Hương Lan có thể đã nói thật về chuyện có năm người học trò như thế ngoài đời. Nhưng tôi vẫn hy vọng là truyện này hư cấu trăm phần trăm, bởi vì nếu nó có thật, thì thương cho Hoàng Hương Lan quá. Vũ trụ luôn "vật đổi sao dời", nếu mình không thay đổi thì không phù hợp với cuộc sống.
5. Cảm nhận từ: ray [Bạn đọc] Email 09.04.14@21:43
AN ơi, ý cô muốn nói là phải biết chọn lọc thông tin: đúng, sai chứ không phải nghe như vậy rồi thông tin lại như vậy. Cô giáo HHL có nói "Tôi suy nghĩ rất nhiều ... Nếu có những tình tiết thực sự không như học trò kể lại, tôi thành thật xin lỗi bạn và mọi người. Và cũng mong bạn hãy hiểu mục đích tôi viết bài này!".
5-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@22:19
Câu nói của Hoàng Hương Lan, Ái Nữ đã nhận xét là "nó quá dè dặt và mơ hồ, nó cũng chưa phải là lời xin lỗi". Bởi vì người ta có thể hiểu với ý rằng chỉ cần Hoàng Hương Lan đã kể đúng như lời học trò kể lại thì Hoàng Hương Lan là người trung thực, không có lỗi, lỗi là ở mấy người học trò đã bịa đặt kia. Nếu đơn giản như vậy thì thôi chúng ta hãy cất trí tuệ đi vì chẳng cần dùng đến làm gì nữa.

Ái Nữ có quyền nghi ngờ rằng truyện này là hư cấu trăm phần trăm chứ không hề tồn tại những người học trò như thế trong đời thực. Hoàng Hương Lan viết truyện ra với ý thức để "giáo dục đạo đức cách mạng". Nhưng nói là thật mà lại không phải là thật, thì có thể giáo dục ai đây?

Ái Nữ thắc mắc, Hoàng Hương Lan trước sau tỏ thái độ buồn giận thằng Nhái, nhưng khi độc giả cho biết "tình tiết đắt giá" trong câu chuyện thằng Nhái không có thật, thì không hề thấy Hoàng Hương Lan tỏ thái độ vui mừng gì cả, bởi nếu nhận ra sự thật không phải xấu như mình nghe kể lại thì đúng ra Hoàng Hương Lan phải vui mừng chứ? Hoàng Hương Lan vốn yêu quý thằng Nhái lắm kia mà! Hay bây giờ Hoàng Hương Lan lại đang mải buồn giận bốn người học trò bịa đặt kia? Nếu như vậy thì suốt đời nhà giáo này sẽ buồn giận những người "thiếu đạo đức", như vậy không có lợi gì cho sức khỏe. Riêng chuyện đặt tên cho nhân vật là Nhái (trong khi đã thú nhận rằng tên nhân vật ngoài đời không phải như thế) đã có thể khiến cho độc giả có cảm tưởng rằng tác giả vô cùng ác cảm với nhân vật, nên đặt tên là "Nhái" để "bằm cháo" cho dễ.

Tôi thấy Hoàng Hương Lan buồn giận Người Hà Nội cũng rất bất công và vô lý. Chẳng phải Người Hà Nội sau khi "gom" được những ý kiến phản hồi đã sang thông báo cho Hoàng Hương Lan là gì? Chính nhờ có Người Hà Nội mà câu chuyện mới được sáng tỏ, như vậy Hoàng Hương Lan sẽ trút bỏ được gánh nặng trong lòng về người học trò yêu. Nhưng không, Hoàng Hương Lan vẫn bám víu lý do giận thằng Nhái vào chuyện nó đã "tị nạn chính trị", trong khi như Long Ẩn đã chỉ rõ đó chỉ là giải pháp quyền biến rất bình thường. Hoàng Hương Lan lại nói "người khác nói xấu mình, đánh giá mình thế nọ thế kia", như thể Người Hà Nội đã đưa chuyện để người ta nói xấu Hoàng Hương Lan vậy. Tôi thấy lời bình luận của Gió Thầm Thì đưa ra vài khả năng rất rành mạch, không thể gọi đó là "nói xấu" được. Xấu mà nói cho thành tốt thì mới là xấu chứ! Hoàng Hương Lan có thể không cần cảm ơn Người Hà Nội, nhưng sao lại trách móc?
6. Cảm nhận từ: buithison [Blogger] Email 09.04.14@22:07
Mình đã đọc hết bài viết của bạn nhưng chưa kịp đọc các đường linh " Ở đây".
Sẽ đọc và co ý kiến sau nhé !
6-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@23:02
Gái Núi yên tâm, những nội dung "ở đây" ấy ngắn lắm.
6-2. Phản hồi từ: buithison [Blogger] Email10.04.14@04:17
Người xưa bảo là " Tam sao thất bản" có đúng trong trường hợp nào trên không Ái Nữ ?
6-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@17:10
Tôi nghĩ là đúng trong cả ba câu chuyện trên. Ngay cả tôi khi trích dẫn cũng ra một bản sao khác, chẳng hạn như tôi đã chữa lỗi đánh máy trong đoạn văn của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, trong khi thực ra ông Phạm Phú Quảng copy nguyên si lỗi đánh máy ấy dán vào comment.
7. Cảm nhận từ: Ví giặm ân tình [Blogger] 09.04.14@23:15
Ở câu chuyện thứ hai và thứ ba, ả Ví rút ra một điều: khoảng 90% (con số ước lượng, không chính xác, có thể hơn hoặc kém chút đỉnh) người Việt sống rất ngây thơ. chuyện vậy mà cũng xúm vào còm nhiệt tình luôn ?!

- Ở cái sân bay quốc tế, mỗi một hành động, cử chỉ đều bị ghi hình, thu âm vào camera, cảnh sát mà lại dám đánh gãy tay người ngoại quốc một cách lộ liễu vậy được sao? dám cho người ngoại quốc lên loa tuyên bố từ bỏ tổ quốc mình được sao?

- Hix. “Mỗi ngày bà uống 2 ly sữa tươi nguyên chất và dành ra 1 tiếng để tập thể thao, đắp mặt nạ sữa tươi khoai tây…” nhiều ả gà mái VN chắc chắn diễn trò này nhiều hơn một tiếng, Bác GS nên hỏi họ để có kết quả thực tế hơn...

Phúc đức cho VN, vẫn còn lấy dăm ba người như "ả gà mái AN" 
7-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@23:24
"Khoảng 90% (con số ước lượng, không chính xác, có thể hơn hoặc kém chút đỉnh) người Việt sống rất ngây thơ. chuyện vậy mà cũng xúm vào còm nhiệt tình luôn ?!"
Trong số đó vẫn có cả ả "gà mái" Ái Nữ đấy chị Ví ơi!
"Chim Câu" đã chỉ rõ ra thế rồi còn gì! Đúng quá, phải cảm ơn anh ta.
7-2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@23:29
À mà cái vụ xô xát trong truyện "Thằng Nhái" không thấy nói là xảy ra ở sân bay. Nói chung không có gì cụ thể lắm về địa điểm, chỉ nói là bị dồn để lên xe đi đến sân bay thôi. Bị "dồn ra sân bay" nhưng chưa phải là ở sân bay.

"Em viết truyện này lâu rồi anh ạ. Nhưng mãi mà vẫn chưa xong. Em rất đau lòng anh ạ".
Dựa vào lời tâm sự trên của Hoàng Hương Lan với Trần Mỹ Giống, cùng với một số tình tiết phi logic khác mà tôi đã phân tích ở comment 5-1 phía trên, tôi suy đoán rằng Hoàng Hương Lan viết truyện này hoàn toàn chỉ dựa trên một nỗi "đau lòng" nào đó, nên viết truyện lâu mà chưa xong, còn tồn tại nhiều sai sót, truyện được đăng cho độc giả đọc rồi mà vẫn "chưa xong".
7-3. Phản hồi từ: Ví giặm ân tình [Blogger] 09.04.14@23:34
Ơ hay! AN trích dẫn rồi không nhớ là mân răng? Như thế này thi không phải xảy ra ở sân bay, thi ở đâu?

Ngay trong đêm ấy, bọn chúng bị dồn ra sân bay. Lúc chuẩn bị lên xe thì phát hiện ra không có thằng Nhái. Thằng Mun hốt hoảng:
- Phải quay lại! Thằng Nhái lạc rồi!
Thằng Hùng nói tiếng Đức giỏi nhất đến trình bày với mấy cảnh sát. Nhưng những cái lắc đầu và dùi cui được giơ ra. Cả bọn nháy mắt nhau xông vào. Đầu thằng Phe tóe máu, cánh tay thằng Hùng bị quật gẫy… Cả bọn vẫn cố xông ra tìm thằng Nhái. Bỗng nhiên cả bốn thằng sững người khi nghe tiếng loa phát thanh:
- Tôi là Nguyễn Văn Nhái, từ giờ phút này trở đi tôi tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản, từ bỏ Việt Nam… Tôi là Nguyễn Văn Nhái…
Thằng Mun gầm lên:
- Đù má! Mày chỉ cần bước chân xuống sân bay Việt Nam là tao giết mày!
7-4. Phản hồi từ: Ví giặm ân tình [Blogger] 09.04.14@23:42
Ờ. cũng có thể là ở ngoài sân bay, nhưng dù vậy, người ngoại quốc theo thông lệ quốc tế sẽ không được đánh đập, chứ đừng nói đánh gãy tay. Ở VN mới rồi có hai thằng Trung Quốc giết người trên Lạng Sơn mà ta còn không dám nữa là... 
7-5. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 09.04.14@23:43
Chị đọc lại đi, nó mới chỉ là "lúc chuẩn bị lên xe" thôi, chứ không phải là chuẩn bị lên máy bay.
Không phải ở sân bay, nhưng còn ở đâu thì... chịu.
7-6. Phản hồi từ: Ả Ví [Bạn đọc] Email 10.04.14@12:18
Ả Ví xin còm thêm một câu:
Ch.2 là một ví dụ thực tiễn chứng minh cho ý kiến của ả Ví ở bài trước. CN Công Sản nói xấu CN Phát Xít. He he... 
7-7. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@17:12
Nói xấu nhau là tính xấu nói chung của con người, chứ không phải chỉ có những người theo CN cộng sản hay CN phát xít. Ha ha ha...
7-8. Phản hồi từ: HỮU ĐẠT [Blogger] Email16.04.14@10:20
Điều đó là có thật vì bạn tôi kể. Kể từ ngày bức tường béc lanh sụp đổ họ bảo tất cả công nhân lao động hợp đồng là họ không đồng ý cho cư trú nữa. phaỉ về nước theo thời gian họ định. Những người cố ở lại bị dồn ra sân bay. Nghe nói một số nước cũng thực hiện như vậy. không những buộc về nước bằng dùi cui mà hàng hóa bị phá hỏng, giữ lại (nếu không nói là cướp.) Có người đi lao động xuất khẩu về bị điên vì tôi nhớ trên báo tuổi trẻ năm 199... có đăng chuyện đó, người ta phỏng vấn Dại sứ quán Nga tại Viẹt Nam
Hỏi:
sao lại có tình trạng như thế?
Đại Sứ quán:
Người Việt quá tham lam đem quá số hàng cho phép.
Phóng viên Vn: Ông nghĩ sao nếu chuyen gia Nga ở Vn về với 3- 4 cái đầu vi ô Nhạt Thậm chí nhiều Hơn. Thạm chí những cái ở Nga có nhưng không tốt bằng đồ Nhật đò Thái người Nga đèu mang them vài cái đẻ tặng bạn bè. Chúng tôi chỉ mang thêm vài cái chậu. vài bộ ly thủy tinh cho là tham....
Nếu chị Ví không tin em sẽ dẫn chị tới gặp 3 người ở Vĩnh Linh tất cả họ đều khẳng định như vậy. Có lẽ chị Ví quá tin tưởng vào cách ứng xử văn minh của các nước phưong tây trên tii vi, báo chí...Nên nghĩ cảnh sát họ không bao giờ đánh người. Nếu chị gõ những vụ án người viẹt tại Nga sẽ rõ. Chắc chị sẽ cho là em nói sai, chị luôn đúng mà thôi. Vì đáp án vẫn còn phía trước.
7-9. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 16.04.14@11:26
@ Bác Đạt
Nga khác Đức (cả Đông lẫn Tây) nhiều lắm. Đừng nên lấy chuyện ở Nga để diễn giải câu chuyện ở Đức.
@ Chị Ví
Nếu chị Ví gặp những người đó, trước hết hỏi họ đã sống ở đâu.
7-10. Phản hồi từ: O ví [Bạn đọc] Email 16.04.14@12:29
@ Hữu Đạt.

Ráng đọc cẩn trọng trước khi phản hồi nhé. Cẩn thận cũng là đức tính dành cho bác sĩ phải không nhỉ?

Chắc chị sẽ cho là em nói sai, chị luôn đúng mà thôi.
???

Giọng điệu có vẻ vu khống nhỉ! 
Lần trước HĐ tự nhiên gây sự tại nhà bác Phẫu, rốt cuộc là vì lý do HĐ không đọc kỹ bài viết. Lần này lặp lại tình trạng đó ???

Chị Ví này không phải là người chỉ nghe báo rồi nói. Và người trong cuộc kể lại cũng chưa chắc hoàn toàn đúng ?

Chị Ví lấy một ví dụ cụ thể ngay tại VN, tại Hà Tĩnh nhà chị Ví luôn: tỉnh chủ trương XD một công viên nghĩa trang theo tư tưởng hiện đại. Dân cự nự chỉ vì một lý do duy nhất "Không muốn đem ma nơi khác về chôn ở xã mình" và thế là hò nhau đập phá nhà can bộ xã, nhốt 4 chiến sĩ công an. Báo chí đưa lên bài thì bênh dân, bài lại đổ lỗi cho dân. Lý do là vì phóng viên thì theo dân để phỏng vấn, bài thì phóng viên theo quan để phỏng vấn. Liệu trường hợp đó nghe báo thì biết đường nào đúng, đường nào sai? Chúng ta không lạ gì kiểu người trong hoàn cảnh kể chuyện luôn luôn tự cho là mình đúng và chính quyền sai.

Kể từ ngày bức tường béc lanh sụp đổ họ bảo tất cả công nhân lao động hợp đồng là họ không đồng ý cho cư trú nữa. phaỉ về nước theo thời gian họ định. Những người cố ở lại bị dồn ra sân bay. Nghe nói một số nước cũng thực hiện như vậy. không những buộc về nước bằng dùi cui mà hàng hóa bị phá hỏng, giữ lại (nếu không nói là cướp.)


Vẫn chỉ là nghe nói và đọc báo, vậy mà lại đổ cho chị Ví chỉ biết theo báo chí là sao?

Có người đi lao động xuất khẩu về bị điên vì tôi nhớ trên báo tuổi trẻ năm 199... có đăng chuyện đó


Lại vẫn là báo. He he...

Việc bị phá vỡ hàng hóa là có thể xảy ra. Nhưng cái sự hiểu của chị Ví ở đây không giống vời HĐ. Chỉ là mức độ mang hàng hóa theo đường máy bay là có hạn, mà người LĐ thi muốn vô hạn để đem được nhiều thứ về nhà. Và nước nào mà chả có những mặt hàng có quy định cấm nhập, cấm xuất, hoặc cho xuất có mức độ. Bất kể người Việt hay người nước nào cũng bị thu hồi khi sai với quy định.

Trong câu chuyện có một tình tiết đó là người lao động khi bị dồn ép đã gây sự xông vào với cảnh sát

Cái đáng bàn là do người lao động không hiểu các quy định, nên khi mất mát tài sản thì trở nên trắng tay mà hóa điên cũng có. Thậm chí trong cộng đồng người việt lừa gạt nhau cũng có.

Chị Ví cũng nghe nói ở Đức có bọn đầu trọc kỳ thị chủng tộc và hay đánh người da vàng nữa kìa. Nhưng đó là xã hội, không phải pháp luật nước họ. Xã hội thì nước nào cũng có lương thiện và lưu manh tồn tại.

Còn phải xem xem những người đi lao động đó ở dạng nào? Tại sao cũng là người Việt mà có người được ở lại, có người bị đuổi về? Phải có lý do chứ, đúng không?

Năm ngoái chẳng có bộ phim do cộng đồng người Việt ở Đức tài trợ để nói lại nỗi khổ của họ đó thôi. Trong đó mô tả, cơ bản khổ là vì nhập cảnh trái phép, cư ngụ không chính thống, nên làm ăn cũng phải chui nhủi...

=====

Nhưng mà tất cả đó chỉ là bàn vào cái ý của Hữu Đạt vu không chị Ví. còn như trong câu chuyện của AN bàn, thì nội dung có một vấn đề mà có chặt đâu chị Ví chị cũng cho là bịa 100%, đó là thắng Nhái bị bắt nói trong loa phóng thanh từ bỏ VN ???

“Thế nhưng khi vừa vượt bức tường ngăn cách thì chúng bị bắt."


Đây là một hành động vi phạm pháp luật của nước sở tại?

Thằng Hùng nói tiếng Đức giỏi nhất đến trình bày với mấy cảnh sát. Nhưng những cái lắc đầu và dùi cui được giơ ra. Cả bọn nháy mắt nhau xông vào. Đầu thằng Phe tóe máu, cánh tay thằng Hùng bị quật gẫy

Thêm một hành động chống đối cảnh sát. nên bị ăn dùi cui tất nhiên rồi!

Chi tiết "cánh tay thắng hùng bị quật gẫy: có hay không, có thể nhờ tác giả liên lạc với thằng Hùng kiểm tra tay thằng Hùng xem sau khi nó bị quật gẫy thì sẽ vào bệnh viện hay đeo lủng lẳng cái tay gãy về VN?


Một yêu cầu được đưa ra: Hãy viết đơn từ bỏ Đảng cộng sản, từ bỏ quê hương Việt Nam. Viết xong sẽ chính thức là công dân của Cộng hòa liên bang Đức. Nếu không, ngay ngày mai phải trở về Việt Nam


Đây là một sự bịa đặt chỉ có người ngây thơ mới tin ???

Đồng ý là viết truyện thì có hư cấu, nhưng hư gì thì hư cũng trong khuôn khổ cho phép. Cái sự hư này quá đà, ảnh hưởng đến danh dự nước Đức. Điều đó với ý thức cá nhân chị Ví, chị cho là không được.

Cho nên HĐ tin thì cứ tin, chị Ví không tin là quyên của chị Ví. Và khi chị Ví không tin, chị có quyền phản biện.

Chả nhẽ HĐ nghĩ chỉ có HĐ mới đúng đắn, mới có quyền phát biểu? Chả nhẽ có người vu khống mình, thì chị Ví cũng không nên phản biện???

Phi lý phải không HĐ?
Cuối cùng, chị Ví mong HĐ, muốn nói gì, phê phán ai, nên chịu khó đọc kỹ nội dung bài viết, nội dung CN đã rồi ý kiến. Đây là lần thứ hai chị Ví bị HĐ vu khống rồi nhé.
8. Cảm nhận từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 10.04.14@04:42
1. Trẻ em gốc Việt được Đức khen học giỏi. Xem bài báo theo link ở đây. Tóm tắt: Những học sinh Đức giỏi nhất xuất thân từ Việt Nam. Trẻ Việt học giỏi hơn trẻ Đức, bố mẹ chúng là những người Việt trước lao động ở Đông Đức, nhưng bố mẹ chúng quá nghiêm..
2. Bồ Câu. Nay là nạn. Châu Âu khổ sở vì tụi nó ị bậy, chỗ nào cũng tuơng, có nơi phải dùng lưới bảo vệ những vật thể quý, chẳng hạn xem ảnh dưới:

Chúa Jê Xu trên cửa chính của nhà thờ - được đặt sau lưới để chống bồ câu và các thứ bẩn khác. 
3. Cú Mèo. Được coi là thông minh, vì nhìn thấu màn đêm, không bị hạn chế bởi góc nhìn, có thể quay đầu nhìn 360 độ.
4. Từ Việt Nam. Đố Ái Nữ tìm ra được câu trả lời logic để người ta tin, tôi sẵn sàng đóng vai người phỏng vấn.
Chỉ riêng "từ (bỏ) Việt Nam" đã mang tính phân biệt chủng tộc rồi. Các nước ở Châu Âu rất kỵ với phân biệt chủng tộc, đặc biệt Đức và Áo, các nước gây ra Đại Chiến Thế Giới II, mà chủ nghĩa Phát Xít cộng với phân biệt chủng tộc là nguyên nhân chính.
Vì thấy mọi người hay giẫy nảy lên khi bị kể xấu, nên định làm khó Ái Nữ, với hy vọng Ái Nữ kể xấu người Việt, để bà con Xóm Lá có cớ mà ném đá tảng.
8-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@17:32
1. Nếu ai ở gần tôi bây giờ mà chịu dạy tôi tiếng Đức, tôi sẽ cắp tráp theo học ngay. Nhưng tiếc là chẳng có ai, nên nếu thông minh cũng đành bỏ phí(!)
2. Bồ câu. Nếu cái lũ ị bậy ấy mà ở Việt Nam thì chúng sẽ bị bắt đem nấu cháo hết ngay. Người Việt Nam thích ăn cháo bồ câu hơn là cháo... nhái.
3. Cú mèo. Thông minh hay không thì không biết. Nhưng chuyện người ta nói "tinh như cú" thì không phải là áp đặt không có cơ sở.
4. Tôi đã gợi ý cho anh mở triển lãm "kể xấu" mà anh không chịu nhận, sợ làm lu mờ cái danh Kẻ Ác của tôi. Lòng tốt của anh, tôi không nỡ phụ.
8-2. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 10.04.14@21:52

Re còm 8-1 1.
Bài báo hay đó. Qua đó sẽ thấy một phần nào thái độ của Đức đối với dân nước ngoài.
Sao không thầm thì cùng gió, để mang nó về VN. Chẳng lẽ thủ thì thù thì mãi, nhưng nay lời nói gió bay.
Tôi thiếu thời gian, hơn nữa viết còm mà cứ thậm thụt như X30 phá lưới, nên nếu có thực lòng muốn giúp, cũng đành chịu.
8-3. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 10.04.14@22:02
Re-còm 8-1 4.
Trích còm 8: để bà con Xóm Lá có cớ mà ném đá tảng.
Ái Nữ hiểu sai. Ý tôi: Ái Nữ kể xấu dân VN để được ở Tây Đức, bà con thấy tức mà ném đá AN.
8-4. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@22:40
Gọi anh là Chim Câu cũng chẳng sai, vì anh sợ bị... nấu cháo.
9. Cảm nhận từ: vomtroirieng [Blogger] Email 10.04.14@05:50
Việc thằng Nhái đươc viết ra có thể hơi cường điệu về chi tiết Nhái bị bắt buôc nói trong loa sẽ từ bỏ quê hương(đại khái thế)
Nhưng rất thật ở chi tiết các hoc trò căm giận thằng Nhái,viêc này cũng xảy ra ngoài thưc tế rồi
-Tại miền nam,sau 75,ca sĩ Phương Hồng Quế đi lưu diễn nươc ngoài và ở lại luôn,bị lên án dữ dội,sau thì cô ca sĩ này phải viết thư về xin lỗi với lý do ở lại để tìm cách lo cho người chồng bị mù
-Tại miền bắc,ca sĩ Aí Vân đi lưu diễn ở Đông Đức rồi sang luôn Tây Đức,cũng bị chỉ trích 1 thời gian
-Tai thành phố Hồ Chí Minh,đia danh Củ Chi đất thép thành đồng sản sinh toàn dân cách mạng,người dân ở đây một lòng một dạ theo cách mạng,họ sẳn sàng hy sinh tất cả và hết lòng che giầu,nuôi cán bộ đưới địa đạo cả cuôc chiến,họ sẽ rất căn giận hoặc từ bỏ nếu người thân họ theo Mỹ -Nguỵ .
Cho nên,nếu tác giả thay đổi chi tiết thay vì cho thằng Nhái nói trong loa,thì để cho nó âm thầm trốn đi,và các bạn của nó khi phát hiện sẽ tưc giận,viêc nó nói trong loa làm tăng tính"hèn"của nó và cac bạn bị đánh tăng thêm tihn1 anh hùng thôi
Chị chỉ góp ý cho bài viết mà thôi,
9-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@17:38
Như vậy là chị đã rất đồng cảm với bác Phẫu.
Lòng căm giận là có thật, nếu không thì đã không bao giờ xuất hiện câu chuyện "Thằng Nhái".
Và có cả sự thật nữa là lòng căm giận không đem lại hạnh phúc, bất kể căm giận ai, bất kể căm giận vì lý do gì.
9-2. Phản hồi từ: vomtroirieng [Blogger] Email10.04.14@20:42
Cũng là do một anh đồng nghiệp của chị chuyển từ Củ Chi về,anh ấy kể lại tinh thần cách mạng của bà con Củ Chi, cũng là lý do anh ấy không chịu làm rễ tại đó.
Nhưng đó là thời gian trươc,AN à,sau này,người dân từng theo CM cũng ít nhiều nhận ra vấn đề rôi,nhất là những người từng đươc bà con che giấu dưới địa đạo giờ trở nên sang trọng và xa lạ quá
9-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@21:14
Bởi vì có những lúc "chúng ta là một", rồi lại có những lúc "chúng ta không thể là một". Thế đó Vòm Trời Riêng à!
10. Cảm nhận từ: saumietvuon [Blogger] Email10.04.14@06:26
Bài dài quá tui sẽ đọc sau, chúc AiNu ngày mới nhiều niềm vui.
10-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@18:05
Bao giờ bác Sáu đọc xong rồi "com" một thể cũng được mà!
11. Cảm nhận từ: Quỳnh Trâm [Bạn đọc] Email10.04.14@09:51
Ái Nữ thật tinh tường, sắc sảo và mạnh mẽ. Chị rất thích!
11-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@17:47
Chắc chắn có một số người không phản đối rằng Ái Nữ là thiên tài về ngụy biện. Cho nên nếu ai dùng ngụy biện mà không khéo, Ái Nữ sẽ chê.
12. Cảm nhận từ: vomtroirieng [Blogger] Email10.04.14@13:02
Nhỏ nè,từ đêm qua đến giờ chị cứ lăn tăn suy nghĩ,chẳng an tâm
-Có ý kiến nói ko đươc qua loa,com chiếu lệ,phải chân tình chỉ rõ điều chưa hay
-Thầy giáo của chị cũng nói phê bình là viêc rất tế nhị,có những lời phê binh ,góp ý sẽ giúp người ta tốt nhưng nhưng cũng có những lời góp ý làm người nản chí
-Đôi lúc,chị đoc bài viết của bạn bè nơi đây,có đôi chỗ chưa chính xác,chị những muốn góp ý tế nhị bằng cách gọi hay nhắn qua điện thoại,nhưng phiền là tác giả bài viết ko đăng số phone,phiền nữa là bản thân chị cũng e dè,biết tác giả có chịu tiếp mình hay ko,ngay cả anh Hatrongdam gọi điện góp ý cho anh T.Quang cũng cũng gây bão thời gian qua rồi
Cho nên nhân ở nhà AN,chị cũng xin nói thêm,chị vụng về,nghĩ gì nói nấy,nhưng chân thành,chẳng phải ném đá gì đâu
Quay về bài viết của em,về thằng Nhái...thôi thì mỗi người 1 cảm nhận ,ngay cả những tác phẩm đưa vào sgk còn sai lệch hơn nhiều ,như tác phẩn Hòn Đất,đề cập tên sĩ quan nguỵ giết VC rồi mổ bụng ăn gan mật chi đó-chị ko tin trên đời có người như thế-,như dạo trước giải phóng vào saigon,người ta tin viêc các anh lính giải phóng sẽ dùng kìm kẹp rút hết móng tay móng chân phụ nữ saigon...
Hay nhất là ta cứ đoc,cứ cảm nhận đúng sai dựa trên trải nghiệm sống là hay nhất.
Com cuối cùng của chị cho bài viết này đó AN
12-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@18:01
Chị không tin, nhưng "người ta tin". Cho nên Gió Thầm Thì mới có ý kiến gay gắt như thế. Những thông tin sai lệch sẽ gây hậu quả khôn lường. Cuộc sống mới là người thầy đúng đắn nhất của chúng ta, vừa độ lượng, vừa khắt khe, và chúng ta cần sửa mình cho phù hợp.
Chuyện anh Hà Trọng Đạm góp ý cho anh Nguyễn Thanh Quang qua điện thoại gây nên "tiếng gầm" trong Xóm Lá, nhưng mà nhìn lại thì thật ra chả có gì ghê gớm. Tốt nhất là chúng ta cứ tranh luận thẳng thắn ngay trên blog để mọi người cùng học hỏi kinh nghiệm. Cứ "tế nhị" mãi mà không làm rõ được vấn đề mâu thuẫn ở đâu, thì cuối cùng chúng ta đành giữ lấy cái đẹp giả dối mà xài vậy.
12-2. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 11.04.14@11:36
@ Bác Hà Trọng Đạm, AN, VTR và mọi người
Thấy mọi người nhắc đến bác Nguyễn Thanh Quang. Có ai lưu giữ văn thơ của bác ấy không?
12-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 11.04.14@15:39
Văn thơ của anh Thanh Quang vẫn nằm trong blog của anh ấy và chúng ta vẫn có thể xem được, Blog Việt đã lưu giữ cho anh ấy rồi.
Cho dù văn thơ của anh Thanh Quang chưa hay lắm đi chăng nữa, nhưng con người anh ấy rất hay, dám nghĩ dám làm, còn làm có thành công hay không lại là chuyện khác.
Từ trước đến nay tôi chưa thành công được gì, được mỗi vai diễn Kẻ Ác có vẻ xôm trò, vinh dự được bạn đọc Mắt Đời trao "vòng nguyệt quế" thì nay bạn ấy lại... đòi, nhưng mà tôi không chịu. Tôi cũng cần có chút gì đó để còn ảo tưởng chứ!
13. Cảm nhận từ: vuoncuadat [Blogger] 10.04.14@18:24
XIN GÓP MỘT CHUYỆN CÓP NHẶT VÀ MỘT LỜI BÀN:
CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
LỜI BÀN: Chẳng dám bàn gì thêm, vì Khổng Tử đã nói cả rồi. Có những chuyện chính mắt ta thấy mà vẫn chưa phải là sự thật, cho nên những lời đồn đại, trừ những chuyện trà dư tửu hậu thì thôi, còn lại đều phải kiểm tra kẻo không lại hồ đồ.
13-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 10.04.14@19:59
Câu chuyện mà anh dẫn thật là nhiều ý nghĩa. Có những việc, nhìn thì thế mà không phải thế, nghe thì thế mà không phải thế. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một lần chính mình ở trong hoàn cảnh tương tự. Nếu đã không phải là người trong cuộc, chúng ta đều có thể trở thành kẻ hồ đồ. Khi là người trong cuộc, chúng ta cũng dễ mất tỉnh táo. Vì vậy nhìn sự việc theo nhiều chiều sẽ giúp chúng ta không ngộ nhận.

Không phải việc gì chúng ta cũng có thể kiểm tra lại, nếu không có nguồn cung cấp thông tin. Tôi nhớ ngày xưa có một lần huynh trưởng của tôi báo cáo với sư phụ về một việc mà tôi xin được làm, mà sự thật không phải như thế, đó là việc tôi chưa đủ tư cách làm, tôi chỉ nhận sẽ giúp cho huynh trưởng tôi làm việc ấy mà thôi. Khi vị sư phụ viết thư riêng gửi tôi, tôi ngớ cả người ra, và nghĩ rằng huynh trưởng của tôi đầu óc lộn xộn nên nghe nhầm hiểu nhầm hay sao. Nhưng sư phụ quan tâm rất ân cần chứ không hề quở trách tôi, tế nhị bảo rằng sau này tôi có thể làm việc ấy sau. Tôi không hề thanh minh vì thấy cũng không cần thiết, dù tôi đúng hay sai thì người thầy ấy vẫn yêu thương tôi và không hiểu sai bản chất con người tôi, vậy thì việc tôi đúng hay sai đâu còn quan trọng gì nữa? Tôi cũng thương huynh trưởng của tôi là người đau khổ rối ren lẩn thẩn nên khi huynh trưởng cãi tôi rằng đã nghe tôi nói đúng như thế (không có ai làm chứng) tôi cũng không buồn làm cho ra nhẽ nữa, vả lại không ai nghi ngờ là huynh trưởng rất yêu thương tôi. Mãi về sau, trải qua nhiều sự kiện, tôi mới đủ sáng suốt để hiểu được rằng huynh trưởng của tôi không hề nhầm lẫn, mà việc báo cáo sai sự thật là một sự cố tình. Nhưng lúc tôi nhận ra điều ấy thì tôi không hề giận, mà càng thấy thương huynh trưởng của tôi hơn. Khi con người ta cảm thấy bất lực, người ta có thể làm mọi cách để giữ được chút ảo tưởng về bản thân, người ta vịn vào những ảo tưởng ấy để sống. Những người như thế, thương họ chưa đủ, giận họ đâu để làm gì?

Chúng ta không tránh khỏi nhầm lẫn trong nhiều trường hợp, nhưng tình yêu thương sẽ giúp chúng ta hạn chế những sai lầm. Sự giận dữ, lòng căm thù làm chúng ta mất đi sự sáng suốt.
14. Cảm nhận từ: Mắt Đời [Bạn đọc] Email 11.04.14@00:46
Tôi rất ít khi, hầu như là không vào BTV để đọc bài, nếu có vào thì chỉ thường đọc bài của 3 người. một người tôi rất quan tâm, một người tôi quý trọng và một người nữa là bạn, vì những điều bạn viết cũng khá thú vị. Nghe câu này chắc bạn lại châm biếm tôi cho coi :) . Vốn dĩ tính cách con người không giống như những nhân vật trong văn học hay điện ảnh chỉ có một chiều, trong bạn còn có nhiều điều rất quý giá mà người khác không có. Chính vì thế tôi muốn rút lại một nửa những lời tôi đã đánh giá về bạn, với tôi những đánh giá có thể thay đổi, khi ai đóng vai chính diện tôi hoan hô, khi ai đóng vai phản diện tôi ném đá, khi ai khuyến khích người ta phải suy nghĩ tôi ủng hộ, khi ai vì mục đích của mình mà dùng những thủ đoạn làm người khác bị tổn thương thì tôi phê phán. Mọi sự nên có giới hạn của nó.
Nói thật khi đọc trích dẫn các cmt trong câu chuyện Thằng Nhái quả thật tôi có mong chờ nhìn thấy cmt của mình, tôi thất vọng khi không thấy trong chuỗi cmt và vui mừng khi thấy ở cuối câu chuyện. Đó cũng là cảm xúc thường tình của mỗi con người mà phải không? nhưng đó không phải điều làm tôi thay đổi suy nghĩ về bạn, chính cái cmt phía trên đã làm tôi nghĩ lại, một người trí tuệ và hiểu thấu lòng người như bạn chắc không phải xấu như tôi tưởng. Nhưng thường những người quá thông minh thường thích cái trò chơi điều khiển người khác, dẫn dắt người khác làm theo ý mình hay vạch ra những điều thầm kín nơi họ và đôi khi chính điều này đã làm họ tổn thương. Nhiều người thông minh bị trí thông minh của mình đầu độc. Chắc bạn hiểu ý tôi? bạn sẽ cmt là "không hiểu gì" nhưng tôi biết bạn hiểu :)
Riêng về chuyện Thằng Nhái và các cmt, có nhiều người đọc và hiểu, nhiều người lại không hiểu, có người ban đầu không hiểu nhưng sau đó lại hiểu. cái hay của câu chuyện là ở chỗ đó, lời kể vẽ lên những hình ảnh rõ ràng như Khổng Tử thấy Nhan Hồi ăn vụng cơm, nó phô bày một sự phi lý khiến người ta nóng giận, nhưng đằng sau nó lại bộc lộ một sự thật khác, một ý nghĩa khác.
Có thể phía sau những lời nói độc địa của ai đó là một tấm lòng cao cả, cũng có khi phía sau những chân lý là chén độc dược. Phải không?
14-1. Phản hồi từ: Lời gió thầm thì [Blogger] Email11.04.14@03:51
like
14-2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 11.04.14@04:45
Ồ, bạn Mắt Đời yêu mến ơi! Vì bạn đã từng được thưởng thức tài năng châm biếm của tôi, nên lần này tôi tạm thời hoãn món đó lại. Tôi không muốn bạn rút lại những lời bạn đã đánh giá về tôi, vì món quà đã trao mà đòi lại thì không được đẹp. Thứ nhất là những lời ấy không hề làm tổn thương tôi, bởi không phải chúng ta cứ thích làm tổn thương ai thì sẽ làm được. Thứ hai là tôi trót xem comment của bạn như một tác phẩm mà tôi có thể trích dẫn, và coi bạn như một bạn diễn sáng giá. Nếu bây giờ bạn rút lại thì dẫn chứng của tôi thành ra mất giá trị, vì thế tôi phải chịu tổn thất. Như cái gã "Chim Câu" ấy, gã từng mắng mỏ tôi xoe xóe mà sau đó gã có "rút lời" đâu, tôi cũng kịp thời "trưng dụng" bình luận của gã trong những comment và entry quan trọng, và gã biết rõ là tôi chẳng thiệt hại gì cả.

Những lời nhận xét của bạn trước kia tuy có phần khó hiểu, nhưng nếu ta muốn thì có thể biến nó thành dễ hiểu và có giá trị. Chẳng hạn như câu mà tôi đã trích dẫn trong bài viết này: "Nếu ai đi theo Ái Nữ nhiều thì sẽ bị cô ấy giải phóng con thú dữ trong hồn mình mà cứ tưởng là chính mình". Sự thật là chẳng ai có thể "đi theo" tôi, vì tôi nuôi tôi còn chưa xong, dụ người ta theo mình làm gì chứ? Tất nhiên ta nên hiểu theo nghĩa là "nếu ai chịu ảnh hưởng của Ái Nữ nhiều" thì sẽ sáng sủa hơn. "... sẽ bị cô ấy giải phóng con thú dữ trong hồn mình mà cứ tưởng là chính mình". Tôi sẽ hiểu cho bạn là bạn có cái nhìn nhân ái, những gì tốt đẹp trong một người nào đấy thì bạn cho đó mới là họ, còn những gì xấu và ác thì không phải, cho nên "thú dữ" thì không phải họ. Nhưng điều này lại không logic. Bởi nếu trong họ không có "con thú dữ trong hồn" thì làm sao cô Ái Nữ có thể giải phóng nó ra được? Nếu có "con thú dữ" trong hồn mình mà lại không chịu thừa nhận nó là mình, không chịu trách nhiệm về việc nó có nổi dậy hay không mà lại đổ cho người khác thì không phải là điều dễ chấp nhận. Blogger Tranquoctrung78 đã không thể "nuốt trôi" được câu đó. Đa số người đời cũng sẽ không chấp nhận được cho chúng ta điều đó.

Tuy nhiên, cách phân tách ra nhiều linh hồn trong một người như vậy lại chính là "ảo thuật" của người thầy tâm linh của chúng tôi, giúp cho những học trò của ông tránh bị mặc cảm, tự tin trên con đường tu học, và không phê phán những người khác. Song khi học trò của ông đã tiến bộ hơn thì ông lại hóa giải đi "phép thuật" đó bằng cách nói: bài học xấu bài học dở mới là bài học cao, nếu không dám học thì không thể đạt tới minh triết giác ngộ. Nếu tôi có kích thích "con thú dữ" trong người nào đó thì là để giúp họ nhận diện được là trong họ có nó và tình huống nào thì họ dễ mất kiểm soát, tuy nhiên điều đó không nguy hiểm gì vì "con thú dữ" đó sẽ xông vào... tôi, trước tiên là vào tôi chứ không phải là vào ai khác. Khi "con thú dữ" đó tấn công tôi mà không hiệu quả, nó sẽ thôi không còn dữ nữa, và họ sẽ được trải qua một bài học tâm linh một cách an toàn. Trong tôi cũng phải có "con thú dữ" thì tôi mới hiểu được nó chứ, và nếu biết dùng năng lực của nó đúng lúc đúng chỗ thì sẽ có tác dụng tích cực. Chúng ta là "con-người" chứ không đơn giản là "người", cần chấp nhận sự thật này.

"Nhưng thường những người quá thông minh thường thích cái trò chơi điều khiển người khác, dẫn dắt người khác làm theo ý mình hay vạch ra những điều thầm kín nơi họ và đôi khi chính điều này đã làm họ tổn thương. Nhiều người thông minh bị trí thông minh của mình đầu độc". Ồ điều này nghe cũng rất hay. Tuy nhiên riêng trí thông minh thôi thì không phải là sự giác ngộ. Có người ví trí thông minh như con dao sắc dễ làm đứt tay người có nó. Như vậy là còn cần có người điều khiển dao. Muốn dẫn dắt điều khiển người khác cũng phải có năng lực chứ không phải chỉ thông minh là làm được. Vấn đề là dắt người ta đi đâu, để làm gì? Sự thật thì không ai đủ sức dắt ai được mãi, năng lực tâm linh chính là năng lực vũ trụ ở nhiều tầng nhiều chiều khác nhau, nó chuyển hóa theo quy luật, ai sử dụng nó không đúng luật thì sẽ chịu hậu quả.

Về chuyện "vạch ra những điều thầm kín nơi họ và đôi khi chính điều này đã làm họ tổn thương". Nếu không đủ sức vạch ra những điều thầm kín nơi tâm hồn người khác thì chẳng nên viết văn làm gì. Người ta đọc văn chương chính là để khám phá những điều thầm kín trong tâm hồn, để có trải nghiệm tâm linh phong phú hơn, và điều này có ích cho cuộc sống. Có nụ cười thì cũng phải có nước mắt. Con người không bao giờ thích chịu đau khổ, nhưng sự thật là nếu không được nếm mùi đau khổ thì họ không thể lớn lên, không thể trưởng thành. Làm người khác tổn thương thì cũng có những động cơ khác nhau, hoặc hại người, hoặc cứu người. Chúng ta hãy hình dung công việc của người bác sĩ phẫu thuật, họ thường xuyên làm tổn thương đến cơ thể người khác, nhưng với mục đích để tránh cho người bệnh một tổn thương lớn hơn, mặc dù không phải lúc nào họ cũng thành công. Nhưng công việc của họ là cần thiết. Không phải cuộc phẫu thuật nào cũng dùng đến thuốc gây mê được, khi hết tác dụng của thuốc gây mê gây tê thì đằng nào cũng vẫn bị đau. Chưa cần nói đến mổ xẻ, chỉ cần động tác tiêm chích thôi bệnh nhân cũng không ưa rồi, nhưng những người bệnh vẫn biết điều đó là cần thiết. Với văn chương, cuộc "phẫu thuật tâm hồn" còn cần tỉ mỉ tinh tế hơn nữa, nhưng đặc điểm của cuộc phẫu thuật này là không thể dùng thuốc gây mê gây tê. Thuốc mê thuốc tê bao giờ cũng là thuốc độc, dùng nó không đúng liều lượng thì chết bệnh nhân. Căn bệnh tinh thần là bệnh "mê" mà còn cho thêm "thuốc mê" nữa sao được? Các loại thuốc giảm đau trong y học hầu hết là có hại, lạm dụng nó thì người bệnh bị suy giảm miễn dịch, mất sức đề kháng dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu bác sĩ chiều chuộng bệnh nhân thì chỉ làm hại cho họ. Còn các nhà văn thì không cho "bệnh nhân" của họ "thuốc giảm đau", họ chỉ mang lại cho bạn đọc sức mạnh để chịu đựng nỗi đau, đó chính là sự đồng cảm.

Bạn có bao giờ nhận ra rằng, để làm tổn thương được tâm hồn người khác thì chính ta phải chịu tổn thương trước? Chẳng hạn như tác giả truyện "Thằng Nhái", nếu có một người học trò làm cho cô giáo Hoàng Hương Lan đau khổ, rồi cô ấy viết truyện này, người học trò đọc được họ sẽ đau xót. Còn nếu câu chuyện được hư cấu hoàn toàn, thì nỗi đau của tác giả hoặc là giả tạo, hoặc là đồng cảm với nỗi căm giận của nhiều người khác, và sẽ làm cho sự giận dữ trong cộng đồng tăng lên. Làm bùng phát sự căm giận thì chỉ thích hợp với chiến tranh, mà bây giờ nhiều người đã nhận ra rằng làm đổ máu là kiểu đấu tranh lạc hậu, không đi đến kết quả tốt đẹp. Những tác phẩm kiểu như "Thằng Nhái" khó được người ta hoan nghênh vì không còn hợp thời, nếu ở thời trước nó có thể được sử dụng để "phục vụ cách mạng", nhưng ngày nay đã nhiều người tiến bộ hơn rồi.

Còn tôi, nếu tôi viết những gì không hợp thời, người ta cũng sẽ không đọc. Có những tác phẩm văn chương hợp thời ngay lúc viết ra, nhưng sau đó sẽ trôi vào quên lãng. Có những tác phẩm lúc mới viết ra không được người ta quan tâm, nhưng về sau người ta sẽ nhận ra giá trị của nó. Tôi thì không quan tâm nhiều đến điều ấy, vì khi viết và chia sẻ với bạn đọc là lúc tôi được học hỏi. Bài học ngày hôm nay sẽ có giá trị mãi đối với tôi, sang cả kiếp sau. Còn những tác phẩm của tôi có được người đời tôn vinh hay không, có giá trị trường tồn hay không thì không liên quan đến bản thân tôi nữa, đó là việc của người khác, tôi không cần phải trôi theo "những đám mây" đó, vì tôi quan tâm đến những bài học mới của tôi.

Nếu ai đó chịu tổn thương vì tôi thì đó là cơ duyên. Nếu không phải là với tôi, thì họ sẽ học bài học ấy với người khác. Nếu tôi làm ai đó tổn thương, thì là vì tôi không đủ sức tránh được điều ấy. Nếu tôi làm cho ai đó bị tổn thương thì chắc chắn tôi đã phải bị tổn thương, bởi vì Chúng-Tôi-Là-Một.
14-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 11.04.14@15:23
"... một người trí tuệ và hiểu thấu lòng người như bạn chắc không phải xấu như tôi tưởng".
Ồ, điều này thì bạn nhầm rồi, vì thực tế tôi còn xấu hơn bạn tưởng. Chính vì thế bạn càng không cần rút lại bất cứ lời nhận xét "xấu" nào về tôi.

Chúng ta hãy thử nhớ lại xem: Jeffrey Thai đã rất chân thật khi viết "Thư gửi những người không quen", còn tôi cũng rất thật khi viết "Thư gửi những người bạn". Trong đó chúng ta có thể nhận ra Jeffrey Thai là người dễ bị tổn thương, còn tôi khi viết thư ấy là lúc tôi đã làm tổn thương, đã "chà đạp" lên khối người rồi. Jeffrey Thai trung thực nói rằng không dễ gì mà làm bạn được với tất cả mọi người, bởi vì thực chất mới chỉ là những người "không quen". Điều đó là sự thật. Còn tôi nói sự thật của tôi. Không có ai là con người mà lại xa lạ với tôi, tôi có thể làm bạn với tất cả bọn họ, bởi vì tôi còn là bạn của ma quỷ. Con người quen thuộc với tôi bởi vì trong họ đều có một phần của ma quỷ.

Bi kịch của loài người chính là không chịu thừa nhận phần "ma quỷ" hay "thú dữ" trong mình, nếu có tồn tại cái xấu cái ác thì tất là ở kẻ khác chứ không không phải ở mình. Chúng ta đều thấy đấy: Loài người sùng mộ Chúa, Phật, Thánh Thần đã bao đời nay, theo sự chỉ dẫn của tôn giáo, của các bậc hiền triết đã bao đời nay, vậy mà tự họ cũng thấy nhân loại chẳng trong sạch thêm được tí nào. Họ chẳng dám làm bạn với Chúa, Phật, Thánh Thần vì thấy các vị ấy cao xa quá không với tới nổi, thành ra bao lời dạy dỗ cũng chỉ như "đàn gẩy tai trâu". Một kẻ như tôi lại dễ gần với họ hơn, bởi vì tôi có phần giống với ma quỷ, hoặc chính là ma quỷ. Tôi không chỉ là bạn mà còn là thầy của ma quỷ. Tôi không cần phải phủ nhận cái xấu cái ác ở tôi làm gì.

Bao đời nay nhân loại bảo nhau tránh xa cái xấu cái ác, rồi cuối cùng có tránh được đâu? Họ lại hè nhau tiêu diệt các ác, mãi mà cái ác có biến mất đâu? Cái xấu cái ác ngày nay lại còn mang bộ mặt tinh vi hơn, mỹ miều hơn. Chẳng nghi ngờ gì nữa, ngày nay kẻ ác là kẻ mạnh. Vì thế tôi là Kẻ Ác, chẳng phải rất hợp thời hay sao? Con người càng chối bỏ cái ác thì cái ác càng mạnh hơn, đó là sự thật. Vậy tôi có nên giúp ai che giấu cái ác cái xấu để khỏi làm cho họ bị "tổn thương" hay không? Tôi thừa nhận là tôi rất ác rất xấu, nhưng so với bao kẻ cao đạo, mặt ngoài rao giảng đạo đức mà bên trong buôn thần bán thánh, tôi hãy còn trung thực hơn nhiều.

"Vòng nguyệt quế" bạn đã trao cho tôi, không có lý do gì mà đòi lại, bởi vì thành công của tôi hoàn toàn xứng đáng với nó.
14-4. Phản hồi từ: Mắt Đời [Bạn đọc] Email11.04.14@19:29
Nói thật, khi đọc cmt của bạn tôi đã bật cười, xin đừng hiểu lầm là tôi cười với ý chê bai, nụ cười đó rất khó mà cắt nghĩa, nó nhẹ nhàn và bình lặng. Vâng! không rút lại lời tôi nói, bạn là người xấu 100% vì "không phải lúc buồn thì muốn ném đá sao là ném còn lúc vui thì coi như chưa nói gì" đúng không nào? hihi. Nhưng khoan! nếu tôi nghĩ là bạn xấu thì tôi không thể tin lời bạn được, vậy một suy luận hợp lý là tôi phải nghĩ ngược lại lời bạn nói. nghĩa là bạn không xấu...nếu bạn không xấu thì tôi làm sao tôi lời bạn nói là bạn xấu được nhỉ? Ôi phức tạp quá, công nhận xấu hay không xấu để làm gì kia chứ trong khi "trái đất vẫn quay quanh mặt trời" mỗi ngày. bạn tốt hay xấu là tự bạn biết còn tôi chỉ nhìn những việc bạn làm để nhận định thôi. Và những nhận định tốt xấu của tôi xuất phát từ thước đo đạo đức trong tôi. Khi tôi thấy một hành động là xấu theo ý tôi, một hành động có thể làm sản sinh ra nhiều cái xấu thì tôi phê phán nó, chỉ rõ nó để nhiều người thấy, còn thấy như thế nào thì lại là chuyện của người khác rồi. và khi thấy một hành động tốt thì tôi ủng hộ. và trong tất cả những cái ác thì tôi phản ứng kịch liệt nhất những ai làm gương mù gương xấu hay khơi nguồn cho cái ác trỗi dậy. Vậy nên không phải người tôi gọi là xấu thì sẽ không khen khi họ làm tốt và chưa chắc tôi sẽ không ném đá nếu người tôi nghĩ là tốt lại làm chuyện xấu. rất đơn giản và dễ hiểu mà đúng không?
Bạn nói đúng về cái thiện và cái ác luôn nằm trong bản chất con người và ta phải chấp nhận sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên sau khi chấp nhận chúng thì việc đối với chúng như thế nào mới là quan trọng, người ta sẽ chọn đề cao cái thiện - khống chế cái ác trong mình hay buông thả cho cái ác hoành hành và cái thiện lạc lối. giả như người ta nuông chìu cái thiện thì kết quả của nó thường là điều tốt với bản thân và kẻ khác, nhưng nếu buôn thả cái ác thì hậu quả nó rất khó lường, và khi hậu quả phát sinh thì rất khó bù đắp. Đồng ý để người ta có thể tự nhìn ra chính mình thì ta cũng cần chỉ cho họ thấy cái ác, và cái cách khơi lên cái ác trong họ là một việc làm nguy hiểm như chơi với lửa. Không biết bạn nghe bài vọng cổ "con cua đực, con cua cái" do Minh Dương trình bày chưa? để chứng minh quan điểm "lòng dạ đàn bà thâm độc" của mình, ông vua nước Sở đã ban lệnh vợ giết chồng và chồng giết vợ thì sẽ được thưởng. giả như bài vọng cổ này
giúp người ta nhìn ra lòng người nhưng cái biện pháp nó thực hiện lại quá tàn ác, cái ác có thể có nhưng nó chỉ có 1 nhưng người ta lại thúc đẩy, kích thích nó để nó lớn mạnh thành 10. khi cái ác hiện hiện ở 10 thì người thúc đẩy nó lại thỏa mãng mà nói "thấy chưa lời tôi nói có sai đâu" như sự kết luận cuối bài hát của ông vua nước Sở. Thật ra thì ông ta sai rồi, cái ác chỉ có 1, phần 9 còn lại chính là do ông ta tạo ra. Tôi ghét cái bài vọng cổ đó vì thứ nhất biện pháp nó sai, thứ 2 nó chà đạp phụ nữ để thỏa cái tính tự tôn của đàn ông. Thế mà nhiều người lại thích nó, trong đó có cả phụ nữ. Vậy tôi nói về bài hát đó để làm chi? để nhắc nhở những ai muốn vạch ra sự thật thì nên cẩn thận, có rất nhiều phương pháp để làm điều đó, và theo tôi nên chọn phương pháp ít để lại hậu quả nhất.
Vấn đề thứ 2 mà tôi muốn nói là thái độ của con người. người ta có thể hành động vì nhiều góc nhìn khác nhau, một người tốt muốn giúp người khác nhìn ra sự thật, một người nghĩ mình đứng trên người khác nên chỉ kẻ đứng dưới, một người vừa chỉ cho người khác thấy sự thật với thái độ khinh bỉ, một người xem những người khác như những đàn chiên và lùa đi theo ý họ. Vậy thái độ quyết định hành động. Đó cũng là lý do vì sao tôi ném đá bạn ở bài kia.
"vòng nguyệt quế" tôi không có, chỉ có vài lời nhàm tai thôi. Nói thật, nếu quả bạn là phụ nữ thì bạn rất lôi cuốn, còn nếu bạn là đàn ông thì bạn rất nguy hiểm. vì cái tính cách bạn đang thể hiện rất phù hợp với một phụ nữ nhưng lại quá siêu đẳng với một người đàn ông.
14-5. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.04.14@01:32
"Và những nhận định tốt xấu của tôi xuất phát từ thước đo đạo đức trong tôi".
Bạn nói trúng vấn đề rồi đấy. Người ta hay dùng "thước đo đạo đức" của riêng mình để đánh giá con người tốt xấu hành động tốt xấu. Nhưng với những người mà hành động của họ bạn chẳng bao giờ đoán được trước thì đánh giá họ tốt hay xấu chẳng giúp được gì. Và xã hội Việt Nam chúng ta ngày nay thường xuyên xảy ra những điều mà người ta không đoán được trước, thậm chí không ngờ nổi. Nếu đem "thước đo đạo đức" ra dùng thì khiến người ta rất đỗi hoang mang. Tôi nghĩ "thước đo đạo đức" là một kiểu "suy bụng ta ra bụng người".

Chẳng nhẽ phải chờ bạn nói người ta mới biết đề cao cái thiện hay sao? Nhưng kết quả thì bạn hãy nhìn đi? Sau bao nhiêu năm "đề cao cái thiện" mà bây giờ người ta lại than thở là đạo đức xã hội xuống cấp. Đó có phải là kết quả của sự bất công không? "Cái thiện" mà người ta đề cao ấy có thật sự là "cao" không? Bài giảng về đạo đức luân lý của bạn nói thật là cũ rích. Tôi nghi ngờ là bạn cũng chẳng hiểu gì lắm về cái thiện. Có lẽ vì người ta không biết "cái thiện" thật sự mặt mũi nó như thế nào, nên sau bao thế kỷ "đề cao cái thiện", nhân loại cũng chẳng tiến bộ được hơn.

Bây giờ người ta làm từ thiện bằng tiền, tiền đã biến thành "cái thiện". Những người đóng góp được nhiều tiền cho xã hội sẽ được đề cao. Đấy "cái thiện" đã được đề cao đấy. Để có được nhiều tiền thì người ta phải có điều kiện nào nhỉ? Phải có "đạo đức tốt" để những người khác tin tưởng.

Bạn lại còn thích phân biệt phụ nữ với đàn ông như phân biệt thiện ác nữa chứ! Nếu không phải là phân biệt, thì "lôi cuốn" và "nguy hiểm" có giá trị tương đương đúng không? Vì ưu ái bạn đã giúp cho bộ "sưu tập đá" của tôi thêm phần phong phú, tôi cũng sẽ phân biệt theo kiểu của bạn một lần. Nếu bạn là phụ nữ thì bạn rất dễ thương, còn nếu bạn là đàn ông thì rất... chán.
14-6. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.04.14@12:37
Tôi đoán bạn là phụ nữ, Mắt Đời ạ! Bởi vì người đề comment 18 dưới kia là phụ nữ, là bạn của tác giả truyện "Thằng Nhái".
Bạn rất dễ thương! 
14-7. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 14.04.14@01:02
Câu chuyện Thằng Nhái chẳng có gì đặc biệt, mọi người thấy đấy làm vô hiệu hóa nó quá dễ, bởi thế ngay sau khi đọc nó tôi đã quyết định làm ngơ. Nhưng chỉ vì cái bác Lời Gió Thầm Thì. Vào nhà Ái Nữ, mà cứ thích thầm thì, lại còn nhắc nhở mọi người thầm thì theo, nếu không thì sẽ không chịu đọc hết (còm 21 link ở đây). Tò mò, xem thử thực hư ra sao. Ai dè, bác ấy thầm thì hơn người khác hét (còm 21-9 ở đấy). 
14-8. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@01:40
"...bác ấy thầm thì hơn người khác hét"...
Anh làm tôi buồn cười quá! Nhưng anh nói điêu nó vừa vừa thôi! Nếu quả thật anh "đã quyết định làm ngơ" thì làm gì đến nỗi Lời Gió Thầm Thì lại biến thành Lời Hét?
14-9. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 14.04.14@04:40
Ai làm ai thầm thì to hơn hét?
Thầm thì với tôi:
Chính vì vậy tôi sẽ khg quan tâm đến những điều họ nói trong giới hạn cm này của bạn. Link tới còm 21-6 tại đây.
Thầm thì với Ái Nữ:
Ái Nữ, tôi đã đọc câu truyện "THẰNG NHÁI" theo đường link bạn đưa. Còm 21-9 tại đấy.

Rõ ràng tôi "đã quyết định làm ngơ".
14-10. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@05:05
Chà, anh ngụy biện khéo quá nhỉ! Tôi không... chê.
14-11. Phản hồi từ: thaixuannguyen [Blogger] 14.04.14@16:03
"Có nụ cười thì cũng phải có nước mắt. Con người không bao giờ thích chịu đau khổ, nhưng sự thật là nếu không được nếm mùi đau khổ thì họ không thể lớn lên, không thể trưởng thành. Làm người khác tổn thương thì cũng có những động cơ khác nhau, hoặc hại người, hoặc cứu người. Chúng ta hãy hình dung công việc của người bác sĩ phẫu thuật, họ thường xuyên làm tổn thương đến cơ thể người khác, nhưng với mục đích để tránh cho người bệnh một tổn thương lớn hơn, mặc dù không phải lúc nào họ cũng thành công. Nhưng công việc của họ là cần thiết. Không phải cuộc phẫu thuật nào cũng dùng đến thuốc gây mê được, khi hết tác dụng của thuốc gây mê gây tê thì đằng nào cũng vẫn bị đau. Chưa cần nói đến mổ xẻ, chỉ cần động tác tiêm chích thôi bệnh nhân cũng không ưa rồi, nhưng những người bệnh vẫn biết điều đó là cần thiết. Với văn chương, cuộc "phẫu thuật tâm hồn" còn cần tỉ mỉ tinh tế hơn nữa, nhưng đặc điểm của cuộc phẫu thuật này là không thể dùng thuốc gây mê gây tê. Thuốc mê thuốc tê bao giờ cũng là thuốc độc, dùng nó không đúng liều lượng thì chết bệnh nhân. Căn bệnh tinh thần là bệnh "mê" mà còn cho thêm "thuốc mê" nữa sao được? Các loại thuốc giảm đau trong y học hầu hết là có hại, lạm dụng nó thì người bệnh bị suy giảm miễn dịch, mất sức đề kháng dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu bác sĩ chiều chuộng bệnh nhân thì chỉ làm hại cho họ. Còn các nhà văn thì không cho "bệnh nhân" của họ "thuốc giảm đau", họ chỉ mang lại cho bạn đọc sức mạnh để chịu đựng nỗi đau, đó chính là sự đồng cảm."
Thật chuẩn xác và sâu sắc. Đáng tiếc nhiều người không hiểu điều đó.
14-12. Phản hồi từ: HỮU ĐẠT [Blogger] Email16.04.14@10:32
Hay tuyệt Hoan hô anh tôi copy coment này và biến thành câu châm ngôn cử đời. Hay tuyệt Hoan hô anh lần nữa.
14-13. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@18:35
Anh Hữu Đạt đã hoan hô anh Nguyễn Xuân Thái vì anh Nguyễn Xuân Thái hoan hô Ái Nữ. Như vậy cả hai anh đều đồng ý rằng sự hồi đáp của tôi dành cho bạn Mắt Đời ở comment 14-2 là nghiêm túc và công phu. Vì các anh đã quan tâm, nên tôi sẽ chuyển đoạn mà anh Nguyễn Xuân Thái trích dẫn từ comment 14-2 xuống comment 14-11 thành in nghiêng.
14-14. Phản hồi từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email16.04.14@23:54
Những kẻ giết người hàng loạt vẫn vỗ về lẫn nhau. Và nếu vẫn chưa thỏa mãn chúng thèm khát những lời an ủi từ chính những nạn nhân của mình. Tôi thích suy nghĩ này bởi câu nói rất hay của bạn Ái Nữ "những người làm tổn thương người khác trước tiên đang làm tổn thương chính mình". Nhưng câu này chỉ đúng với Con Người những Người có lương tâm. Còn đối với những kẻ sống bằng phần Con - chúng chỉ ngu xuẩn nêu ra vấn đề rồi gián tiếp cung cấp giải pháp. Vâng - tất nhiên rồi- tôi chưa bao giờ là người thông minh. Nên nhiều khi tôi cũng bực bội vì bị người khác điều khiển. Nhưng tại sao ta phải hét lên khi vẫn có thể nói những tiếng thì thầm sau cuối.
Không thể ngạc nhiên tôi thất vọng về chính mình. Tôi phải làm gì? 
14-15. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 17.04.14@00:28
Tôi thì không bực khi được người khác điều khiển. Ai điều khiển tôi thì sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc tôi làm dưới sự điều khiển của họ. Tôi chỉ bực khi người ta điều khiển tôi không đúng cách mà thôi. Khi sự kiên nhẫn trở nên hết giá trị, tôi sẽ thôi không chấp nhận để họ điều khiển tôi nữa.

Bạn Mắt Đời thật là đã ảo tưởng về khả năng của tôi quá. Thật ra ai cũng để hành động của họ dẫn dắt chính họ, không ai ngoại lệ. Chấp nhận để cho ai đấy dẫn dắt điều khiển mình cũng là tự do lựa chọn của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, càng những người sợ bị người khác điều khiển bao nhiêu lại càng thích điều khiển người khác bấy nhiêu. Bạn Mắt Đời cũng cứ hô ầm ĩ lên để người ta nghe theo ý kiến của bạn ấy. Nhưng muốn để người khác nghe thì cũng phải có lý chứ!

Khi thất vọng về chính mình thì phải làm gì ư? Chẳng làm gì nữa cả. Đấy là cách của tôi. Thế nên tôi mới có thời gian để mua vui mua buồn cho mọi người chứ!
14-16. Phản hồi từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email17.04.14@01:09
"Ai điều khiển tôi thì phải chịu trách nhiệm những việc tôi làm dưới sự điều khiển của họ"
Đây là sự thật mà tất cả chúng ta đều phải công nhận nó. Nhưng chấp nhận có nghĩa là đang đứng bên bờ nguy hiểm. Nhưng ngay cả khi chấp nhận sự mạo hiểm nhưng bạn vẫn không ngạc nhiên về điều đó. Tôi không có khả năng điều khiển người khác nên tôi ko có cái ham muốn ấy. Bởi tôi biết trong tất cả thể loại đỉnh cao thì đỉnh cao nhất là nghệ thuật điều khiển đầu óc con người. Đỉnh cao của nghệ thuật điều khiển đầu óc con người là biết người khác nghĩ gì và làm gì trước cả khi họ nghĩ đến điều đó. Cho đến nay chỉ có: Kierkegaard và Nietzsche làm được điều này. Thật ngu xuẩn khi chúng ta nghĩ mình có đủ kĩ năng để thuần phục lòng người. Thất vọng nhưng mình đã làm gì đâu cơ chứ. Bởi tất cả đều là hư vô. Hư vô chẳng thể diễn tả bằng ngôn từ.
14-17. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 17.04.14@01:36
Suy nghĩ của bạn đúng là "hư vô" thật. Hai cái ông mà bạn cho rằng đạt đến "đỉnh cao của nghệ thuật điều khiển đầu óc con người" ấy có điều khiển được cuộc đời của họ không? Điều khiển đầu óc của con người để làm gì? Cứ thử điều khiển đầu óc của chính mình đi xem có làm được không đã! Ông Nietzsche chết trước khi bạn ra đời, nên không thể bắt ông ta chịu trách nhiệm về việc đã "điều khiển đầu óc" của bạn được.
14-18. Phản hồi từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email17.04.14@02:09
"Hãy là chính mình" Nitezsche (một người điên thuần túy) đã điều khiển cả thế giới bằng câu nói này mà cũng chẳng điều khiển ai. Cuộc đời là biến động vô thường nhưng cả 2 ông đấy đều làm chủ đời mình.
14-19. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 17.04.14@02:36
Câu ấy của ông Nietzsche thì thiếu gì người nói được! Thường quá đi! Quan trọng là ông ấy đã sống cuộc sống của ông ấy. Thì bạn cứ sống cuộc sống của bạn, việc gì mà phải thất vọng! Bằng việc sống cuộc sống của chính bạn một cách chân thành (chứ không phải là bằng một hay nhiều câu nói nào đó) thì bạn cũng điều khiển cả thế giới đấy chứ!
14-20. Phản hồi từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email17.04.14@03:34
Đấy là sự khác biệt nhưng sẽ là thừa khi nói về điều này. Oh thế giới là đại diện của con người. Có phải không? Con người sáng tạo ra thế giới...Nhưng cái thế mà tôi sống là một thế giới hư vô. Tự dưng lại nhớ câu nói chẳng biết của ai "không còn gì để mất mát trong hư vô nhưng cảm giác mất mát vẫn tồn tại một cách vô ngôn. Đây là một sự phi lý". Đối diện với hư vô tôi phải sánh tạo ra chính mình chứ không chấp nhận chính mình hư vô. Tôi còn có thể làm gì nữa đây
?
14-21. Phản hồi từ: nhagomlabang [Blogger] Email31.05.14@15:52
Tối hôm qua, LB có đọc bài này và tất cả các lời bình, LB thích các lời bình 13, 14-2, 14-3, 32 (mẩu chuyện nhỏ), v..v…, và thấy rằng, ở đời, chúng ta gặp nhiều thằng Nhái ‘to’ hơn, nên rất rất nhiều việc, ta phải nhìn đa chiều và không thể vội vã đi đến kết luận ngay được...
Tóm lại, LB đã mê say đọc từ đầu đến cuối, nó làm LB tiêu tốn hết... 3 tiếng đồng hồ và 1 gói thuốc lá, nói chung là LB đang cố gắng làm ăn để... mua lại gói thuốc lá mới, hehe...
14-22. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 31.05.14@19:13
Lá Bàng không phải người đầu tiên và duy nhất tiêu tốn hết một bao thuốc khi đọc một bài viết cùng bình luận của Ái Nữ. Nếu Lá Bàng muốn tìm người cùng cảnh ngộ thì đọc ở đây.
15. Cảm nhận từ: nguyenlamcan [Blogger] Email11.04.14@10:47
Chưa có thời gian để đọc hết ý kiến của mọi người Ái Nũ à!
Cứ bàn đi! Mọi lời bàn đều cho ta rút ra được một cái gì đó cho mình!
15-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.04.14@13:36
Bác cứ đọc từ từ, chẳng bàn thì nghe vậy.
16. Cảm nhận từ: saumietvuon [Blogger] Email11.04.14@21:34
Ôi! Nàng Ái Nữ kiều diễm ui! Chiện "Thằng Nhái" là có thiệt đó! Tui đã nghe trong phim MÙA GIÓ CHƯỚNG vào những năm đầu thống nhất tức trước khi bức tường Bá Linh bị đổ xa, lúc đó thằng Nhái đóng vai Tám Khoẻ và hét rằng "Tôi là Tám Khoẻ, xin ly khai với Việt cộng" nếu ai ko tin cứ tìm lại bộ phim ấy thì rỏ.heeee.
16-1. Phản hồi từ: saumietvuon [Blogger] Email12.04.14@06:45
Um! Còn chiện thật nữa nè: bà MerKel phải dập đầu xuống đất 1 triệu lần và hô như thằng Nhái mới được nhân dân Đức cho mần chức thủ tướng đó bởi vì bà ta cũng xuất thân là công dân CHDC Đức...heee.
16-2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.04.14@13:37
Bác Sáu lắm "chiện thật" quá! 
16-3. Phản hồi từ: HỮU ĐẠT [Blogger] Email16.04.14@10:34
Đó là Phim "Làng Ven"
17. Cảm nhận từ: Hương [Bạn đọc] 12.04.14@04:16
Chiện "Thằng Nhái" là có thiệt đó! 
Thì đúng là thật nếu Thằng Nhái chỉ nói: "Tôi là Thằng Nhái, xin ly khai với Việt cộng" bởi vì bọn "tư bản giãy chết" vốn rất sợ khi nghe chúng ta hô to: "Chủ nghĩa Mác Lê-nin vô địch muôn năm". Bởi vì họ sợ sẽ bị chúng ta truyền bá chủ nghĩa CS giống như cảnh thiên đàng của loài người (hiện chỉ có 4 nước sống trong "thiên đàng") sang nước họ nên họ bắt buộc dân nhập cư phải rời bỏ Đảng CS.

Tôi nói có sách, mách có chứng hẳn hòi theo kiểu "người thật việc thật":
Mấy năm trước, bạn tôi tưởng chỉ cần rút ra khỏi Đảng CS 2 năm là đủ thời gian quy định để được định cư ở Mỹ nhưng không dè bọn đế quốc Mỹ lại ép buộc: "Dân đi định cư nếu thuộc ở các nước CS khác chỉ cần ra khỏi Đảng 2 năm là đủ, nhưng đặc biệt dân Trung Quốc và Việt Nam thì phải xin ra khỏi Đảng CS trước thời gian phỏng vấn 5 năm mới được chấp nhận...".

Còn việc chối bỏ tư cách là người VN thì rõ rất quái gỡ khi mới nghe, bởi không có mấy ai có thể chối bỏ nguồn gốc xuất thân của mình bằng 1 lời nói.
Nhưng thực tế không biết có phải điều đó đang muốn chững minh cái nghị quyết gì gì đó thời gian gần đây không?
Hàng triệu kiều bào sẽ mất quốc tịch nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trước thời hạn 1/7/2014 tới.
Chà, thông báo này cũng nghe thiên hạ bàn tán loạn lên:
"Một kiểu làm tiền hiện đại. Taị sao lại mất quốc tịch? Quốc Tịch cũng phải gia hạn như Hạn Sử dụng của Đồ ăn phải không? Nếu không gia hạn, sợ Quốc Tịch bị Thiu, Ôi, thối rữa phải không nhỉ?".
17-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.04.14@05:13
"- Việc mất quốc tịch Việt Nam ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, công việc của kiều bào?

- Khó khăn đầu tiên là việc đầu tư về Việt Nam sẽ không được nhìn nhận là đầu tư của người Việt ở trong nước mà là của người Việt Nam từ nước ngoài. Như vậy các ưu đãi, quyền lợi cho nhà đầu tư sẽ bị thiệt hơn. Nếu giữ được quốc tịch, việc hồi hương hay thăm thân nhân cũng thuận lợi hơn.

Bà con có 2 quốc tịch trước hết là được hưởng tất cả các ưu đãi, đảm bảo quyền lợi tại cả hai quốc gia. Khi bà con về Việt Nam có thể sử dụng quốc tịch Việt Nam để sinh sống theo pháp luật nước nhà.

Luật Quốc tịch hiện nay không nêu rõ là được phép mang 2 quốc tịch. Tuy nhiên, chúng ta áp dụng cơ chế mềm dẻo, nếu Việt kiều đã mang quốc tịch các quốc gia họ đang sinh sống mà nước đó không yêu cầu phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam thì chúng ta vẫn chấp nhận cho bà con giữ quốc tịch. Ngược lại khi bà con muốn đăng ký quốc tịch Việt Nam thì bà con vẫn được giữ quốc tịch thứ 2 nếu quốc gia kia không yêu cầu phải bỏ."


(Trích bài phỏng vấn thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tại đây).
17-2. Phản hồi từ: O ví [Bạn đọc] Email 16.04.14@12:55
Tôi nói có sách, mách có chứng hẳn hòi theo kiểu "người thật việc thật":
Mấy năm trước, bạn tôi tưởng chỉ cần rút ra khỏi Đảng CS 2 năm là đủ thời gian quy định để được định cư ở Mỹ nhưng không dè bọn đế quốc Mỹ lại ép buộc: "Dân đi định cư nếu thuộc ở các nước CS khác chỉ cần ra khỏi Đảng 2 năm là đủ, nhưng đặc biệt dân Trung Quốc và Việt Nam thì phải xin ra khỏi Đảng CS trước thời gian phỏng vấn 5 năm mới được chấp nhận...".


O Ví cũng có chuyện người thật việc thật nè:
Toàn bộ cán bộ lãnh đạo ngành DK, tính từ cấp phó phòng đổ lên đều là đảng viên ĐCS. nói 100% thì có lẽ hơi ngoa, nhưng giỏi lắm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những người chưa kết nạp Đảng.

Và họ mang mác ĐVĐCS đi công tác nước ngoài như đi chợ. Nếu chị Hương không tin, thì cứ giả đóng vai phóng viên vào 674 - Nguyễn Hữu Thọ - quận nhà Bè (Tòa nhà Petrotower) làm một cuộc phóng vấn với Ban lãnh đạo xem họ sang Mỹ bao nhiêu lần và có ai bị yêu cầu khai trừ khỏi ĐCS trước khi đi không nhé?
17-3. Phản hồi từ: bạn đọc [Bạn đọc] Email18.04.14@18:52
Thì đúng là thật nếu Thằng Nhái chỉ nói: "Tôi là Thằng Nhái, xin ly khai với Việt cộng" bởi vì bọn "tư bản giãy chết" vốn rất sợ khi nghe chúng ta hô to: "Chủ nghĩa Mác Lê-nin vô địch muôn năm". Bởi vì họ sợ sẽ bị chúng ta truyền bá chủ nghĩa CS giống như cảnh thiên đàng của loài người (hiện chỉ có 4 nước sống trong "thiên đàng") sang nước họ nên họ bắt buộc dân nhập cư phải rời bỏ Đảng CS.




Cô Hoàng Hương Lan thân mến. Cô cả đời không ra khỏi chốn quê mà sao lại thích nói phép chuyện nước người như thật nhể. Một cô giáo viết văn đã hư cấu quá đà còn cố bảo thủ lấy được, chẳng giống tư cách một cô giáo gì cả ???
17-4. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 18.04.14@21:11
"Bạn đọc" này hình như nghe chuyện còn chưa thủng.
Bạn đọc Hương và Hoàng Hương Lan là hai người khác nhau, nhưng qua "còm" của "bạn đọc", người ta có thể ngờ là "bạn đọc" đang gộp họ thành một. 
17-5. Phản hồi từ: vomtroirieng [Blogger] Email18.04.14@21:27
Trời đất,cái bạn đoc này,sao bạn lại nặng lời quá vậy
-Không ra khỏi chốn quê mà thích nói chuyện nước người:vậy cứ ở quê thì chỉ đươc nói chuyện ở quê sao bạn
-Chẳng giống tư cách cô giáo :vậy chị HHL phải làm gì để giống tư cách nhà giáo mà bạn mong muốn?
17-6. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 18.04.14@21:39
@ Vòm Trời Riêng
Có vẻ như "bạn đọc" đang muốn làm "lộn tùng phèo" mọi thứ lên, cho nên bạn ấy nói lấy được. Khi bạn ấy nói "lộn" thì còn kể nặng nhẹ làm gì! 
17-7. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 19.04.14@03:46
Chẳng biết Việt Nam đã xâm chiếm được Mỹ từ bao giờ?
17-8. Phản hồi từ: Hương [Bạn đọc] 19.04.14@04:39
Có vẻ như có người đọc vội hoặc không phân biệt được khái niệm ĐỊNH CƯ, NHẬP CƯ với đi công tác, tham quan?

Tôi đang là thường trú nhân ở tiểu bang Texas nên không thể đến khu Nhà Bè gì đó để phỏng vấn như các bạn nói được.

Ái Nữ chỉ cần nhìn số IP hay ID gì đó của người đăng nhập để còm là có thể biết còm ấy xuất phát từ nước nào có phải không?
Đặc biệt là nếu "lỡ quên' như bạn Mắt Đời đăng nhập trên 1 máy tính, lúc là Blogger, lúc là bạn đọc đã bị AN nhận ra là ai.
17-9. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 19.04.14@05:06
@ Hương
Tôi không biết mấy về máy tính, nên đến giờ chưa biết "khoanh vùng" bằng IP. Tuy nhiên xưa nay tôi không chú trọng đến chuyện ấy. Thử đặt ra trường hợp có hai người khác nhau cùng sử dụng một máy tính để vào bình luận, hoàn toàn được chứ sao! Trong trường hợp một người đóng được hai hay ba vai diễn khác nhau thì càng hay, tôi có thể học hỏi nhiều điều ở họ, và tôi cũng chấp nhận xem như đó là hai hay ba người khác nhau. Chẳng hạn như Người Hà Nội từng "ăn gian" với bạn đọc khi đóng hai vai trong "Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết", nhưng anh ta lại không "ăn gian" với tôi, vẫn chỉ dùng duy nhất một email mà thôi. Khi một người di chuyển qua các nước khác nhau thì IP của họ cũng thay đổi phải không? Tôi là một người rất dễ tính, bạn Hương ạ!

@ Người Hà Nội
Anh hãy dạy tôi cách phân biệt qua IP đi! Tôi thấy cách anh giảng rất dễ hiểu. Dù sao tôi cũng nên học kẻo mù máy tính quá. Nhưng tôi sẽ không dùng những hiểu biết này để "bắt nạt" các diễn viên, vì như thế e sẽ không công bằng với các độc giả, bởi vì thông tin của tôi chỉ là thông tin một chiều.
17-10. Phản hồi từ: Hương [Bạn đọc] 19.04.14@08:45
@Ái Nữ,
Ở 1 số trang Web thì chỉ có các admins là có thể thấy số IP của người đăng nhập vào xem hoặc ghi còm thôi.

HI vọng NHN có thể giúp bạn.


À mà bạn NHN đã đăng ký lại quốc tịch Việt Nam chưa?
17-11. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 19.04.14@11:49
@ Bác Ái
Bác Ái nói sai rồi. Tôi đã nói rồi, chỉ với một tên đã làm nhiều người cuống lên rồi, việc gì tôi phải dùng thêm tên khác (Link tới các còm 51-x, với x >= 0 tại đây). Ở "Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết" tôi là tôi, còn kẻ giả là kẻ giả. Hơn nữa có được kiến thức về Hán Nôm là do tôi học được từ thầy đồ Xuân Hinh (còm 41-3 của bài này), vậy tôi không dủ khả năng để viết như Phuơng Giả trong "Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết" (Link tới còm 22 tại đây). Phuơng Giả muốn nhận re-còm qua e-mail, còn Phương Thật không. Tôi không rõ địa chỉ email của tôi có được hiển thị cho chủ nhà không? Không nên trả miếng thiếu thuyết phục vì bị bất bí với "Cây Gậy..." nhé.

Ps.
Anh hãy dạy tôi cách phân biệt qua IP đi!
- Để hồi sau bàn tiếp.
17-12. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 19.04.14@11:55
@ Bác Hương
À mà bạn NHN đã đăng ký lại quốc tịch Việt Nam chưa?
- Tôi đăng phân vân. Chẳng biết lệ phí, thủ tục thế nào? Nhẹ? Đơn giản?
17-13. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 19.04.14@12:06
- Anh hãy dạy tôi cách phân biệt qua IP đi!
- Ở 1 số trang Web thì chỉ có các admins là có thể thấy số IP của người đăng nhập vào xem hoặc ghi còm thôi.

- Bác Ái ơi! Con đường ngắn nhất, cưa một chàng Admin. Con đường dài, học, học nữa, học mãi... học cho đến hói như Lê Nin, mà chưa chắc có cơ duyên để xem được (nếu ngược lại, có mà loạn). Vậy phương án tối ưu là đi cưa.
17-14. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 19.04.14@12:16
@ Người Hà Nội

Tôi đâu có nói Phương Thật đóng vai Phương Giả mà anh phải cuống lên? Anh ghét Phương Giả đến thế cơ à? 

Cái tay Phương Giả đó đâu có bắt bí được Ái Nữ! Hắn chỉ được cái ngốn nhiều sách thôi, nhưng mà va chạm thực tế thì vứt! Giỏi lắm thì hắn kiếm được nhiều tiền hơn tôi nhờ sắc sảo, chứ còn đừng mơ màng đến Vũ Trụ với cái nhìn thiên về Nhị Nguyên Khác Biệt ấy! Không thể chỉ đọc sách mà biết về Vũ Trụ đâu, mỗi chữ "Có" với chữ "Không" mà tiêu hóa chẳng xong. Vấn đề của hắn ở chỗ hắn không chịu Là-Một, nên hắn không chịu nổi "nhiệt" ở Xóm Lá, do tồn tại Sự Khác Biệt quá lớn.

Mọi comment của bloggers và bạn đọc đều được hiển thị email và IP cho chủ blog.
17-15. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 20.04.14@01:41
Mọi comment của bloggers và bạn đọc đều được hiển thị email và IP cho chủ blog.-Ái Nữ-
Mạo tên được, mạo email được, nhưng không mạo IP được. Thế mà có kẻ dám mạo danh Phương, để Phương thành Người Hà Nội "lội mọi phương giời". Liều thật.
Có thể dễ dàng xác định IP từ nước nào. Chẳng hạn vào trang
https://www.countryipblocks.net
Ở cột màu xanh bên trái:
1. Điền IP vào ô "Enter IP Address:"
2. Nhấn phím chuột vào nút "Locate IP".
Lưu ý. Trong địa phận một "làng IP" mỗi máy tính có một IP riêng, nhưng khi ra khỏi "làng IP" các máy tính lại dùng một IP chung cho cả làng, khi đó máy chủ của BlogTV chỉ nghi nhận IP chung đó,làm người ta cứ tưởng nhiều người dùng chung một máy…
Nếu muốn rõ dùng IP thế nào, thì đành đi cưa một chàng Admin hoặc lại hỏi đồng môn theo nghề IT. Nhớ rằng, rất có thể không biết gì hơn.
Nhớ chuyện xưa.
Ngày xửa, ngày xưa. Có một sư phụ truyền hết nghề cho trò cưng. Tuổi càng cao, sức càng suy sụp. Xa nhau đã lâu. Một hôm trò gặp sư phụ lọm khọm chống gậy trúc lần từng bước khó nhọc. Sẵn có kiếm sắc trong tay:
- Xin sư phụ truyền cho con bí quyết cuối cùng. Nếu không, sư phụ không qua nổi chỗ này.
- Ta nay sức đã cạn, thôi chẳng cần giấu làm gì nữa. Nhưng ta muốn xem công lực của con tiến bộ tới đâu. Với một nhát hãy chặt đứt cây gậy này.
Trò vung kiếm, một nhát cắt vát cây gậy, hở sườn phơi trước mũi cây gậy nhọn hoắt. Các bác nghĩ xem, ông già làm gì với trò này.
17-16. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 20.04.14@03:21
@ Người Hà Nội

Cảm ơn anh nhé! Tuy nhiên trang anh đưa lại khó dùng với tôi, cho nên tôi dùng trang này:
http://www.iplocationfinder.com
Tôi biết bạn Hương đúng là đang ở Texas. Bạn Mắt Đời và "bạn đọc", "bụi" đều ở Việt Nam. Lời Gió Thầm Thì và "Chim Cú" đều ở Đức. Còn "Chim Câu" thì chỉ ở cạnh nước Đức thôi.

Kể ra một chút thế cho vui vì những người này không ai cần bí mật. Còn thì tôi không thích cách xác định theo không gian ba chiều cho lắm. Nếu hai người mà có thể hóa thành một, hoặc một người mà lại hóa được ra ba thì tôi vẫn thích hơn. Rõ ràng là chúng ta không thể cãi lại bạn Mắt Đời dưới bài "Thư gửi những người bạn" về chuyện Chúng-Ta-Là-Một. 
18. Cảm nhận từ: LAM CHIỀU [Blogger] 12.04.14@09:58
Ái Nữ ơi, chuyện có đáng đem ra mổ xẻ để làm tổn thương những người bạn cùng sinh hoạt trong một sân chơi khi họ chỉ là những cây bút không chuyên?
18-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.04.14@12:02
Tôi không thể hiểu nổi "cao kiến" của chị Lam Chiều.

Thứ nhất: Liệu có phải chị cho rằng tôi nên coi thường mà đừng chấp nhà giáo Hoàng Hương Lan hay giáo sư Nguyễn Lân Dũng, bởi vì họ chỉ là những... trí thức mà thôi?

Thứ hai: Những người khi cầm bút họ đều muốn chuyển tải đến người đọc những thông điệp của mình. Tôi là một người đọc, tôi cần gì phải biết người viết là "chuyên" hay "không chuyên"? Những người viết cần được cư xử một cách bình đẳng, dù tác phẩm của họ là "đầu tay" hay "cuối tay". Chẳng nhẽ bao nhiêu tập văn thơ được in đầy rẫy ra kia lại còn phải được "dán nhãn" là "chuyên" hay "không chuyên" vào đấy nữa hay sao?

Thứ ba: Cảm ơn chị đã nhắc đến chữ "tổn thương"! Vậy xin hỏi là những "Thằng Nhái" kia khi bị đem mổ xẻ thì nó có phải chịu tổn thương hay không?
18-2. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 13.04.14@02:36
@ BÁc Lam Chiều
Lam Chiều: Anh Phẫu ơi, là anh Phẫu ơi! Thằng Nhái sau này về Việt Nam chỉ cần có mấy trăm đô mua được danh “Việt Kiều yêu nước” tha hồ mà nhậu cháo “Nhái” với mấy ông CQ nhà ta! (comment này được Lam Chiều in đậm). 

Ngoài này khi bọn người gốc Việt gặp nhau,chẳng thấy ai khoe "tôi có danh là “Việt Kiều yêu nước”, còn bác?". Có lẽ bác Lam Chiều giao bán cái yêu nước của bác với giá quá rẻ mạt, nên cái bọn Việt Kiều nghi là hàng rởm, mà chẳng thèm mua.
18-3. Phản hồi từ: saumietvuon [Blogger] Email13.04.14@06:02
Chị Lam Chiều ạ, theo em thì bài viết của nàng ÁiNu có tính "gạn đục khơi trong" nếu ta nhìn theo hướng tích cực, vì ngay bản thân sáu khi đọc bài này thì tự nhìn lại các bài viết của mình cũng như "vặn mình soát bụng bóp trán" 7 lần mới dám gõ phím đây. Tuy tính nàng ta hơi thẳng thắn nên làm cho người "được góp ý" khó chịu nhưng ko đến nỗi bị tổn thương vì những điều nàng ấy nói đều có chừng mực, chính cá tính cứng cỏi này đã làm nên một AiNu khác biệt đến độc đáo nên những bài viết dài "dằn dặt" của nàng luôn được nhiều người quan tâm.Đây chỉ là nhận xét của riêng em.
18-4. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 13.04.14@17:53
@ Bác Sáu Miệt Vườn
Mắt Đời phải lo lắng cảnh báo với bạn đọc: “Nếu ai đi theo Ái Nữ nhiều thì sẽ bị cô ấy giải phóng con thú dữ trong hồn mình mà cứ tưởng là chính mình”*.
Ở nhà này như vậy đó. Bác Sáu không nên rào trước đón sau như vậy, nên để con thú dữ của bác Lam Chiều xổ chuồng.
18-5. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 13.04.14@21:39
Tại đây thì chưa thấy "con thú dữ" của Lam Chiều xuất hiện, mới chỉ thấy "con thú dữ" của Người Hà Nội "xổ chuồng" mà thôi. 

Có lẽ Lam Chiều muốn gợi ý cho Ái Nữ thay "đường thẳng" bằng "đường cong mềm mại" ấy mà. Dạo này thiên hạ cứ bàn tán xôn xao về cái "đường cong mềm mại" ấy, và ngạc nhiên nhận ra rằng người Việt Nam đã xài "đường cong" một cách vô tội vạ, nên bây giờ hậu quả là khó mà "mềm mại" được nữa. Mọi người xem lại hậu quả "đường cong mềm mại" ở đây nhé!
18-6. Phản hồi từ: bụi [Bạn đọc] Email 14.04.14@08:56
*Blog là nơi để tìm lại những khoảng lặng bình yên và những sẻ chia chân tình,là nơi để trở về sau những phút giây ồn ã giữa một thế giới ganh đua,lọc lừa và đầy toan tính. Nhưng tôi lại không tìm thấy được những gì bình yên bên nhà Aí Nữ? Ái Nữ đã bao giờ "nhìn thấy lại ban mai đời mình" từ khi mở cửa blog chưa nhỉ?

*Phật dạy: nói nhiều thì rước họa, nghe nhiều thì phiền não, thấy nhiều thì khổ tâm .Việc gì cũng chừng mực...phải không?

*"Nên để con thú dữ của bác Lam Chiều xổ chuồng" Người Hà Nội " đã là người học thức tại sao lại thốt ra những lời bất kính như vậy ? Anh vào blog để tìm vui,chia sẻ hay chỉ để buôn những lời cay độc khi chính họ cũng là bà con xóm lá với mình?
*Tôi 18 tuổi*
18-7. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 14.04.14@12:10
@ Bác Tôi 18 tuổi
Bác Tây hay Ta?
Chỉ cần mấy trăm đô la là có thể mua được danh yêu Việt. Ai bán? Ai chào hàng? Người Việt? Chẳng lẽ Tây?
Mời bác còm.
18-8. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@20:22
@ Bụi
Nếu bạn đã 18 tuổi thì là lớn lắm rồi đấy. Nếu người mới 8 tuổi mà nói lời có lý thì tôi vẫn tiếp thu. Nếu bạn mà là Phật tái sinh thì buồn cho đạo Phật suy đồi.

"Blog là nơi để tìm lại những khoảng lặng bình yên và những sẻ chia chân tình,là nơi để trở về sau những phút giây ồn ã giữa một thế giới ganh đua,lọc lừa và đầy toan tính".
Tôi chẳng hiểu cái định nghĩa về blog ấy có phải là định nghĩa của... Phật không? Những người thiếu sự bình yên, thiếu sự chân tình thì họ mới phải đi tìm, đó là việc của họ, tại sao lại đòi tôi cũng phải tìm như họ nhỉ? Ai không tìm được bình yên ở đây thì cứ đi chỗ khác, có ai bắt họ phải tìm ở nhà tôi đâu?

Tôi chưa bao giờ nhận blog của tôi là nơi thanh cao hay là nơi "đề cao cái thiện". Thú dữ cũng được, cay độc cũng được, bụi bặm cũng được... Nếu không thì "bụi" làm gì có cơ hội mà lọt vào đây! Bạn cứ vô tư thoải mái đi! Hì hì...
18-9. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 14.04.14@23:07
@ Bác Tôi 18 tuổi
*”Blog là nơi để tìm lại những khoảng lặng bình yên và những sẻ chia chân tình…”
Nếu đúng vậy thì bác Lời Gió Thầm Thì đã không thầm thì to hơn người khác hét.
Nếu đúng vậy thì bác Việt An đã không có câu chuyện sau:

@Ái Nữ!,
ĐOÁN MÒ
-Ba ơi! lúc ba đi vắng, có bác nhà văn, hay nhà báo gì đó đến tìm ba. Bác ấy chờ ba lâu quá, nên đã về rồi.
-Sao con lại đoán bác ấy là nhà văn, nhà báo?
-Dạ! Con thấy bác ấy mang theo người 1 cái bút thẳng, 1 cái bút cong, lại có cả 1 bịch đá cục nữa ạ.
-Ừ nhỉ! còn thiếu cái mặt nạ nữa. Có lẽ bác ấy để trong cốp xe? Nhưng con ạ, vẫn có những nhà văn, nhà báo không giống thế đâu.
Việt An 29.03.14@09:12. Link tới còm 11-7 tại đây -


“*Phật dạy: nói nhiều thì rước họa, nghe nhiều thì phiền não, thấy nhiều thì khổ tâm ..”
Theo Phật, sướng khổ chỉ cho được bản thân mình, cớ sao đem Phật ra dọa người khác? Nếu ăn phải quả đắng, sao không xem lại tại sao ở mình, cớ sao tìm tại sao ở người khác?

*"Nên để con thú dữ của bác Lam Chiều xổ chuồng…” 
Nhắc câu nói ngồ ngộ của Mắt Đời “giải phóng thú dữ” cho vui thôi. Chứ câu nói đó sai bét nhè. Bởi lẽ. Người phàm với vài câu nói trên mạng ảo làm sao có thể lôi cái thú tính của người khác được, nếu như bản thân nó không tự xuất hiện. Hơn nữa các bác Xóm Lá già dặn lõi đời, được tôi luyện trong môi trường phải giữ ý tứ từng lời nói, nếu không thì mọt đời, có chăng chỉ có ông Trời mới kéo được con thú ấy ra. Đừng vì câu nói sai bét nhè của Mắt Đời mà đổ lỗi cho tôi. Con thú dữ của HHL được xổ chuồng từ khi viết bài Thằng Nhái trở về trước, con thú của LC từ khi giao bán cái yêu nước và thèm thuồng cháo Thằng Nhái. Mà cái con thú của LC thật mù quoáng, tưởng rằng làm nhục được mấy thằng Việt Kiều, có ngờ đâu, lại nấu cháo cái danh dự của chính bản thân mình.
(hồi sau kể lể tiếp)
18-10. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 15.04.14@00:11
@ Người Hà Nội

Ngày nào anh nói với Mắt Đời:
"Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ"
.
Thế rồi Mắt Đời không về thật, tôi đã thầm khen anh giỏi. Nhưng hôm nay Mắt Đời trong còm 27 đã giận dỗi nói: "Sau khi đọc những gì cmt của NGƯỜIHN tôi thấy những điều mình nói khi trước là đúng, nhà bạn là một vũng bùn..."rồi nguây nguẩy nói "tôi thì tôi đi đây". Là do những còm của anh chứ không phải là do còm 26 của tôi đâu nhé! Anh làm thế nào để Mắt Đời quay lại đi, vì tôi thích Mắt Đời mà. Những người "đem trái tim để lên đầu" như thế hơi vất vả một chút, nhưng cơ mà họ rất dễ thương.

Cái chuyện "giải phóng con thú dữ" của Mắt Đời thì kể cũng buồn cười thật, nhưng nàng ấy đã khen tôi tài thì tôi cũng tranh thủ ba hoa một chút, chứ làm gì có người trí tuệ nào lại tin nổi là tôi có khả năng ấy.

À mà bạn đọc "bụi" ấy chắc đúng là 18 tuổi đấy "Chim Câu" ạ. Bạn ấy là người đầu tiên vào blog "Hơi Thở Của Vũ Trụ" mà lại xưng tuổi, như vậy hẳn là muốn có được sự ưu tiên, kiểu như "tôi mới 18 tuổi thôi, xin hãy nhẹ tay với tôi đấy nhé". Không được khí phách cho lắm! Cứ tưởng "ngựa non" thì đá khỏe, ai ngờ lại tự nhận "tôi mới còn non thôi". Đã thế thì cũng nên có chút ưu tiên cho bạn ấy. Nói gì thì nói, mới sống có 18 năm thì sao thấu hết tình đời? Đến như mấy vị Đạt Lại Lạt Ma kia, dù được người ta rước về từ bé, nhưng cũng phải phân công người kèm cặp dạy dỗ chán chê chứ đâu phải cứ là "Phật sống" thì thích phán thế nào thì phán!

Mà này, anh có tin là có "Phật sống" không? Tôi thì thấy chuyện này hồ đồ lắm.
18-11. Phản hồi từ: N gười Hà Nội [Bạn đọc] 17.04.14@03:43
@ Ái Nữ
Anh làm thế nào để Mắt Đời quay lại đi, vì tôi thích Mắt Đời mà. Hóa ra đang mơ mộng, người ơi, người ở đừng về...


@ Mắt Đời
Mắt Đời ra đi, vì lúc đó câu chuyện "giải phóng con thú dữ"của Mắt Đời được cho là đúng, nên lỗi được cho là ở tôi. Nay câu chuyện "giải phóng con thú dữ" rõ ràng là sai, hy vọng Mắt Đời quay lại để tìm lý do chính đáng, chứ vô cớ mà giận dữ bỏ đi, thì chán quá.
19. Cảm nhận từ: nguyenchunhac [Blogger] Email12.04.14@18:49
@ AN

Đã hết bài và còm.
Nàng AN thật tài.
19-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 12.04.14@19:06
Ồ, tôi đâu có tài được như An-đéc-xen!
Ái Nữ chỉ có ưu điểm ở chỗ "vô tình" mà thôi.
20. Cảm nhận từ: trandinhnhan [Blogger] Email13.04.14@15:25
Lâu ngày trở lại thăm nhau
Hỏi rằng ÁI nữ có màu gì không
Thế trời điên đảo lông bông
Nước bao nhiêu nước mà trông cõi người

hí... ĐỌC chuyện thứ nhất "Chuyện có thật" là chuyện thật hay sáng tác thì tùy người đọc chứ việc gì phải cãi nhau!

Chuyên thứ hai của HHL, nếu HHL hạn chế địa lý thì đó là cái hạn chế của tác giả, tự hạ thấp tác phẩm của mình mà ngước lại những chi tiết đó quá cũ rồi đâu phải lần đầu thấy đâu. Chỉ vậy thôi có chi mà phải nhớn nhác có hay không có chứ?! Ở đời dễ ai biết được tất cả. Vũ trụ thì rộng lớn còn tri thức con người liệu có đựng đầy vỏ hến ko ta? Chỉ có điều HHL đã hạ tác phẩm của mình xuống một tầm thấp đến độ đáng thương mà thôi, đã vậy thì đọc giả của tác phẩm của HHL đã mất công đọc còn mất công tranh cãi thì còn đáng thương chưng nào./.

Chuyện thứ ba:
Chuyện của giáo sư NLD! NLD là giáo sư thì cái gì ông ấy chẳng giỏi hí hí hí... Mà ả gà mái Aí nữ yêu người ta thì cốc ta... cộc tác với người ta là phải rồi!!! hí hí hí!!! Mà nè! Lưu Hiểu Khánh với Lâm Chí Dĩnh này chỉ có GS Nguyễn Lân Dũng biết chứ bộ... hiiiii còn mọi người và cả ông Phạm Phú Quảng nữa biết quái gì mà cãi
hiiiiiii./.
20-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 13.04.14@22:09
Sao lần nào "gà mái" Ái Nữ "cộc ta cộc tác", anh Trần Đình Nhân cũng dòm thấy hết vậy? Thảo nào mà giáo sư Nguyễn Lân Dũng chả dòm thấy Lưu Hiểu Khánh "tư tình" với Lâm Chí Dĩnh! Bác ấy là "nhà sưu tập tin đồn" thượng hạng mà! 
21. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 14.04.14@00:44
tôi lão nông chi điền thích nghe đàn bầu hơn nghe pi á lồ những cái gì dính dáng đến hàn lâm là tôi hãi
mong ÁI trang chủ có bài xẩm sến nào để tôi còn hóng
chào ÁI - GÀ CHỌI
21-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@01:32
Ả "gà mái" Ái Nữ chỉ "cộc ta cộc tác" thôi chứ ả đâu có "chọi", bác Mài Kim cứ nói quá lên! Mà cái "còm" của bác thiên vị cho số 4 quá, tới năm số 4 lận.

"Xẩm sến" cũng có, nhưng không thể chuyển gam, chuyển cung bậc nhanh quá được, bác chớ sốt ruột!
22. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 14.04.14@02:20
cám ơn gà chọi đã hồi âm
điều tôi thích nhất ở nhà gà chọi là tôn trọng đối thủ dù bất đồng chính kiến cũng đuơc phúc đáp đến thấu tình ,đạt lý -một vài nơi khác không như thế
tôi không hay còm vặt nhưng luôn hóng nhà gà chọi
đáo để nhưng hay !
22-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@03:00
Nếu có những blog không hồi âm bạn đọc được đầy đủ và thỏa đáng thì bác cũng nên thông cảm cho họ. Một là họ không đủ thời gian, hai là làm cho "thấu tình đạt lý" rất khó. Để đáp lại một còm "nhạt" bằng một re-còm "không nhạt" là cả một kỳ công, chưa nói đến những bất đồng chính kiến. Điều này hao tổn năng lượng và mất nhiều thời gian.

Tôi luôn đầu tư "chăm sóc" các cảm nhận, bởi vì mỗi người đọc vốn đã là một tác phẩm mà tôi không dễ có cơ hội tiếp cận, việc họ quan tâm và đặt "còm" cho bài viết của tôi là điều mà tôi muốn cảm ơn, và tôi tận dụng những cơ hội thông qua phản hồi bạn đọc để đưa ra những cách nhìn nhiều chiều hơn, soi đến nhiều góc khuất hơn, để cả tôi và bạn đọc cùng nâng cao năng lực tư duy. Chừng nào điều kiện còn cho phép thì tôi còn cố gắng.

Như giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng làm cho tôi ngạc nhiên về sự tận tình phúc đáp các cảm nhận, ông là một chủ nhà chu đáo. Tuy nhiên trong tình huống mà tôi nhắc đến ở bài viết này, do bối cảnh "hỡi ơi" mà ông bỏ sót mất comment quý giá của bác Phạm Phú Quảng. Tất cả mọi người đều có thể sai lầm và sai sót, chỉ là chúng ta tránh được chừng nào hay chừng ấy mà thôi.
23. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 14.04.14@03:59
tôi đồng ý với ÁI
có những cái còm nhạt hoét gây khó cho trang chủ bởi luật bất thành văn anh sang nhà tôi thì tôi phải sang nhà anh đáp lễ
một tác phẩm của người ta lao tâm khổ tứ mà anh thẩm trong một phút rồi còm làm phép chẳng làm khó cho trang chủ lắm sao ?
họa sỹ khi vẽ rồng bao giờ cũng có một vài đám mây che chắn ,khi ẩn ,lúc hiện thế mới huyền bí ,thế mới linh thiêng =tôi có cảm giác đạo diễn LÊ HOÀNG ,giáo sư VĂN NHƯ CƯƠNG ,giáo sư NGUYỄN LÂN DŨNG đang đánh mất những áng mây huyền bí ấy
sự im lặng trước bác PHẠM PHÚ QUẢNG cũng nên hiểu đó là câu trả lời ÁI đã nói rồi phàm là con người ai cũng có sai sót và sai lầm bận tâm làm gì ÁI
23-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@04:29
Chà, quả là khó quá nhỉ! May mà tôi không vẽ rồng, đến giờ phút này tôi mới chỉ "vẽ" mèo, khỉ và... gà.
23-2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 20.04.14@13:14
Diễn viên nào cũng cần tập trung diễn đúng vai và đúng sân thì mới có kết quả đẹp mỹ mãn được. Chẳng hạn như GS Nguyễn Lân Dũng nói về làm đẹp hay về chính trị thì khó hấp dẫn, nhưng hãy xem và nghe bài nói chuyện này của ông sẽ thấy thú vị vô cùng. Nhân lúc chính phủ đang bối rối về vấn đề đổi mới giáo dục và sách giáo khoa, tôi ring clip này về đây để mọi người cùng thưởng thức.

24. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 14.04.14@04:59
muốn chúc ngủ ngon mà không có cơ hội
24-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@05:07
Ồ, chúc bác khi nào ngủ thì ngủ ngon! 
25. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 14.04.14@05:36
OK !chỉ nên ngủ ngon một mắt khi còn đang giờ làm việc
26. Cảm nhận từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@06:40
NHỮNG CẢM NHẬN THIÊN VỊ

Tại sao bạn đọc Mắt Đời “ném đá” vào Ái Nữ và blogger Lam Chiều không muốn Ái Nữ đem những bài viết trong Xóm Lá ra bàn luận?


Chúng ta không nên xem thiên vị như một tính xấu, mà hãy xem nó như một đặc điểm vốn tồn tại trong bản thân chúng ta. Hẳn trong chúng ta ai cũng vui khi được người khác ưu ái cho mình, nhưng đồng thời chúng ta cũng biết thiên vị có ảnh hưởng tiêu cực đến sự công bằng. Nó làm lợi cho chúng ta lúc này thì ắt làm hại cho chúng ta lúc khác.

Bài viết "Thư gửi những người bạn" của Ái Nữ dựa trên nền tảng là bài viết “Thư gửi những người không quen” của Jeffrey Thai, đã bị bạn đọc Mắt Đời phản đối, với những lý lẽ làm nhiều người ngạc nhiên vì nó khá… kỳ cục. Tuy nhiên bạn đọc Mắt Đời không nhận ra được sự kỳ cục của mình, bởi vì khi đó bạn đọc Mắt Đời có những tình cảm, cảm xúc thiên vị. Thiên vị cho Jeffrey Thai và thiên vị cho lối đọc hiểu đơn giản một chiều, ít suy nghĩ của mình. Bởi vì như Mắt Đời tự nhận, Jeffrey Thái vốn là người mà Mắt Đời quý trọng, còn Ái Nữ thì là người mà Mắt Đời đọc đến văn lần đầu. Bởi vì bài viết của Ái Nữ đưa ra cái nhìn nhiều chiều của ít nhất hai người là Ái Nữ và Jefrrey Thai. Trong “Thư gửi những người không quen” của Jeffrey Thai vốn đã tồn tại nhiều cung bậc cảm xúc, Ái Nữ lại đem nó “gài” vào “Thư gửi những người bạn”, mượn một số lời của Jeffrey Thai để bày tỏ ý mình, đồng thời cho bạn đọc nhìn thấy những chiều khác của một cách xưng hô, của một chữ “bạn”.

Mắt Đời đã phản đối Ái Nữ bằng những lời lẽ rất hùng hồn: “Nếu ai hiểu Jeffrey Thái sẽ hiểu bài đó viết cho những người bạn, những người mà anh ấy xem là bạn. Đơn giản vì anh ấy mở lòng mình ra cho những người bạn dù gọi họ là "người không quen" mà điều này rất hiếm hoi với một người thiên về nội tâm như anh ấy. Tôi vô cùng kinh ngạc khi bạn cũng có trong những người bạn được anh ấy bày tỏ lại đi lấy nỗi lòng đó chà đạp để nâng mình lên. Hoặc bạn không hiểu nội dung bài hoặc bạn hiểu nhưng thay vì cảm động bạn lại khinh bỉ tình cảm đó. Một người khinh bỉ tình bạn dành cho mình lại đi rao giảng về chữ bạn. Thật kinh ngạc đáng kinh ngạc hơn nữa lại có nhiều người chạy đến hùa theo bài này trong khi chẳng biết mô tê gì cả, đừng tưởng đọc cả 2 bài là sẽ hiểu. Cái mà Ái Nữ giỏi nhất là dẫn dắt mọi người chạy theo sau mình. Phải chăng chính cái bệnh hư vô đã truyền nhiễm cho họ nên họ viết những lời lẽ châm biếm về một người mà họ không hiểu? Những ai hiểu lời tôi nói thì hãy đọc lại các bài viết sẽ thấy được rằng không hề tồn tại bất cứ giới hạn đạo đức nào trong suy nghĩ của AN. Nếu ai đi theo AN nhiều thì sẽ bị cô ấy giải phóng con thú dữ trong hồn mình mà cứ tưởng mình là chính mình”.

Nhưng chẳng ai hiểu được lời Mắt Đời nói, đơn giản vì không thể tìm được chứng cớ nào. Không ai tìm thấy Ái Nữ đã “vu oan giá họa” cho Jeffrey Thai ở chỗ nào, cũng không thể nhận ra Ái Nữ đã “khinh bỉ tình bạn” của Jeffrey Thai ở câu chữ nào. Tóm lại là một mình Mắt Đời sử dụng một logic riêng để “giải mã” bài viết của Ái Nữ. Lý do đơn giản chỉ có thể là Mắt Đời đã coi Jeffrey Thai như một người bạn với tình bạn sâu sắc, còn Ái Nữ với Mắt Đời mới chỉ là Người-Không-Quen thôi. Khi Ái Nữ đưa thêm cách nhìn khác với cách nhìn của Jeffrey Thai (khác không đồng nghĩa là phủ nhận) thì Mắt Đời nổi giận. Bởi vì Mắt Đời là người nặng tình.

Ngoài Mắt Đời có thái độ thiên vị ra thì cũng còn có bạn đọc khác như bạn đọc Ray chẳng hạn. Cảm nhận của bạn đọc Ray mang đầy thiên kiến: “Cô nghĩ Jeffrey Thai tuổi đời còn trẻ (chưa lên hàng lão như cô); không cởi mở như bác Nguyễn Lân Dũng; Không hòa đồng như phauthuattk. Cởi mở, hòa đồng là đức tính cần thiết mà người male phải có. Thiên về nội tâm, triết lí quá có khi mất vui khi trò chuyện”. Bạn đọc Ray nói rằng thấy gần gũi với Ái Nữ hơn. Tất nhiên như thế là thiên vị theo cảm tính, và ý kiến cho rằng nam phải thế nọ nữ phải thế kia là hoàn toàn áp đặt. Ngoài bạn đọc Ray ra thì chỉ có mỗi blogger Tranquoctrung78 là chê Jeffrey Thai, nhưng không phải là “chạy đến hùa theo” Ái Nữ để “khinh bỉ” Jeffrey Thai, mà là chê Ái Nữ lại đi thưởng thức những bài viết “ngớ ngẩn và vụng về” ấy. Như vậy là mặc dù chê Jeffrey Thai, nhưng Tranquoctrung78 cũng không hề nhận ra Ái Nữ đã “khinh bỉ tình bạn” ở điểm nào. Tranquoctrung78 chê Mắt Đời là “mắt quá kém”. Đến đây thì phải nói là Ái Nữ cũng đã thiên vị cho Mắt Đời và Jeffrey Thai trước Tranquoctrung78, bởi vì nàng ta nghĩ rằng người ta đang chìm đắm trong tình cảm, người ta đang bày tỏ tình cảm mà lại đi phân tích rằng người ta thiếu trí tuệ thì quả là không hợp lúc.

Nếu không phải là vì tình cảm mà thiên vị cho Mắt Đời thì đáng lẽ Ái Nữ đã nói gì? Trong “Thư gửi những người bạn” Ái Nữ đã nói rõ: “Tôi biết tôi đang ở đâu, các bạn có thể giúp đỡ nhưng đừng sai khiến dạy dỗ tôi. Tôi không nỡ lòng nói với các bạn những lời nặng nề như Người-Không-Quen Jeffrey Thai”. Những lời nặng nề của Jeffrey Thai là như thế nào? “Tôi cho rằng bi kịch lớn nhất của một cá thể con người là cố gắng để trở nên giống nhau, để trở nên một bản sao của một ai khác; và điều ngu xuẩn và lố bịch nhất của một cá thể con người là luôn tỏ ra lạc quan để tỏ ra mình thông minh hơn và dạy dỗ kẻ khác”. Chính vì Ái Nữ rất muốn nói như thế nhưng lại không nỡ nên mới phải mượn đến lời của Jeffrey Thai. Nếu nặng lời, Ái Nữ sẽ bảo rằng Mắt Đời thật “ngu xuẩn và lố bịch” khi tỏ ra là mình thông minh hơn và lên giọng dạy dỗ các bạn đọc khác. Thật ra có nhiều người đề cảm nhận tỏ ra đồng tình với Jeffrey Thai, họ cũng chẳng nhận thấy Ái Nữ đã “chà đạp” lên Jeffrey Thai ở chỗ nào. Nếu xem lại các cảm nhận của Saumietvuon, Chử Thu Hằng, Thaixuannguyen, Trantam51, ngonguyen2012, Buithison, Hatrongdam, Dizikimi thì sẽ thấy họ thích ý kiến của Jeffrey Thai. Những người thích “tứ hải giai huynh đệ” cũng không hề chê bai hay châm biếm Jeffrey Thai, chỉ có mỗi Mắt Đời là nhìn ra như thế. Còn như blogger Hairachgia, đọc hai bài viết rất cẩn thận, mất mấy hôm mới góp ý cho Jeffrey Thai bằng một bài thơ ngắn, trong đó không hề có ý coi thường nào cả. Tóm lại, Mắt Đời sau khi "suy nghĩ một chốc" đã coi thường và chê bai các bạn đọc khác một cách thiếu căn cứ, đó là do Mắt Đời “nặng tình”. Vì để tình cảm chi phối, nên Mắt Đời “ném đá” vào Ái Nữ mà “ném” không trúng, bị Tranquoctrung78 chê là “Mắt Mù”. Chẳng thế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát: “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa”. Đó là thói thường của nhân loại. Jeffrey Thai cũng là người nặng tình, bị Tranquoctrung78 chê không phải là không có lý do. Những người có trí tuệ lớn không phải là người vô cảm, nhưng cái tình của họ không “nặng”. Nhưng Ái Nữ cũng chỉ giống như Mắt Đời, thích Jeffrey Thai ở chỗ sống nội tâm, mà không đòi hỏi gì ở Jeffrey Thai trí tuệ lớn như một nhà triết học lớn, thế nên nàng ta lờ tịt ý kiến của Tranquoctrung78 đi, vả lại bình luận của Tranquoctrung78 khi đó lạc đề.

Ở bài viết “Ba câu chuyện và đôi lời bàn”, lại đến lượt blogger Lam Chiều tỏ ý chưa tán thành khi Ái Nữ đem chuyện những bài viết chưa được đúng đắn chính xác trong Xóm Lá ra để bàn. Lam Chiều đã thiên vị cho những người trong nội bộ Blog Việt, tức là vì họ ở gần mình hơn nên cần được ưu tiên hơn. Đã thế Lam Chiều còn ngụy biện cho những cây bút không chuyên nữa. Tâm lý này khá thường thấy. Thậm chí có nhà phê bình văn học còn không viết phê bình tác phẩm của nhà văn bạn mình khi nhà văn ấy còn sống, vì họ sợ họ sẽ không đủ sức khách quan, sợ gây tổn thương đến bạn.

Còn Ái Nữ, nàng ta không muốn là người cả nể, vì cả nể sẽ dẫn đến dở dang. Nếu “một trăm cái lý” lúc nào cũng thua “một tí cái tình” thì blog của nàng ta “sập tiệm” mất.
27. Cảm nhận từ: Mắt Đời [Bạn đọc] Email 14.04.14@12:09
@ ái nữ: thật đáng thất vọng biết bao cho những mong chờ của tôi ở bạn. Sau khi đọc những gì cmt của NGƯỜIHN tôi thấy những điều mình nói khi trước là đúng, nhà bạn là một vũng bùn, trong đó tồn tại những kẻ trơ trẽn nhất, kể cả một chút sự tôn trọng dành cho người khác cũng không có, nhờ bạn mà cái tôi của mỗi người được tôn lên, không có sự khách sáo trong xã giao nữa. con người bộc lộ một cách trần trụi. sự văn minh đôi khi nó khiến ta xa rời tự nhiên nhưng cũng chính nó giúp ta thấy được mình là một con người chứ không phải một con thú. tôi cảm thấy tôi không thể hòa vào một nơi mà cái tốt cái xấu lẫn lộn được, mỗi con người như một con rối bị người ta giật dây và lột trần chẳng khác nào những thằng hề. ở đây, mỗi người sẽ được một lần làm hề cho bà con chiêm ngưỡng. anh Thái, bác Lân Dũng, chị HHL, lời gió thầm thì...tôi thì tôi đi đây. Chúc mỗi người diễn tốt trong vai hề.
27-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@20:44
Đấy, khi nhìn thế giới bằng "Mắt Đời" thì chẳng thể biết đâu là trật tự nữa, tình đời cứ gọi là xoay như chong chóng. Người ta không mong chờ ở chính mình mà cứ dài cổ mong chờ ở người khác, nên phải chịu thất vọng là tất nhiên thôi. Thế mới biết cái thứ văn minh "xa rời tự nhiên" của con người nó giả dối biết bao nhiêu! Họ cứ tưởng chối bỏ phần "con thú" trong mình thì sẽ trở thành thanh cao được, bao nhiêu xấu xa lại cứ đổ cho loài thú, mà lại chẳng chịu nhận loài thú chính là mình.
Chẳng biết những anh Thái, bác Lân Dũng, chị HHL, Lời gió thầm thì... có ai biết vai hề Mắt Đời là do ai đóng không nhỉ? Người ta đang chào để đi, lần thứ mấy thì tôi không nhớ.
27-2. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 17.04.14@21:40
@ Mắt Đời
Đi đâu vội thế chàng ôi. Sao không ngoảnh lại để tôi tỏ tường. Còm 18-11.
27-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 17.04.14@21:59
@ Người Hà Nội

Ở còm 18-10 tôi đã gọi Mắt Đời là "nàng ấy" rồi. Ưu tiên cho Mắt Đời, tôi sẽ phân biệt theo kiểu của nàng ấy. Vì nàng ấy thấy việc phân biệt đàn ông và phụ nữ có giá trị đáng kể, cho nên tôi quyết đoán rằng Mắt Đời là nữ nhi. Bởi nếu không thì rất khó lý giải việc Mắt Đời khư khư bảo vệ cho Jeffrey Thai theo kiểu "nữ nhi thường tình".

Vì rất yêu mến Jeffrey Thai, cho nên Ái Nữ yêu luôn cả người yêu của chàng ấy. 
27-4. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 17.04.14@22:20
Ái Nữ ái nữ. Không sai. 
Còn J. Thái?
Ái Nữ ái nam? 
28. Cảm nhận từ: vomtroirieng [Blogger] Email14.04.14@13:46
AN à,chị đã cảm thấy mình nhiều lời nên đã hứa ko com nữa,nhưng hôm nay,như thường lệ,vào blog là bao giờ chị cũng ghé thăm nhà em và phải com tiếp vì vừa đoc com của bạn MĐ-chưa kịp đoc gì ở phía trên
+Với bạn Mắt Đời:bạn đã nói rất chính xác:
*nơi đây là 1 vũng bùn,nên đã cho phép bất kỳ một người ko tên tuổi vào phát ngôn tự do,chẳng sàng lọc,điều này bạn ko thể tìm thấy ở những"vũng "cao sang khác!
*Nơi đây,những trần trụi,trơ trẽn nhất đươc bôc lộ,đươc vạch trần,ko có sự khách sáo giả tạo ,nơi đây,mỗi khi bạn lỡ tay gõ phím com theo kiểu"bá đạo",ko theo kiểu quý tôc cao sang,bạn cũng ko sợ làm phiền chủ nhà
*Bạn đã lầm khi cho rằng anh Thái nào đó,bác Lân Dũng,chị HHL đã trở thành "hề"qua bài viết của AN ,có lẽ do bạn đã nhìn thấy khía cạnh "hề" của những điều AN phân tích,bản thân tôi,trừ bài viết về "anh Thái" về "lời gió thầm thì'tôi ko đọc,còn lại,tôi chẳng thấy điều gì khiến họ trở thành "hề",tôi vẫn quý mến và kính trọng GS. và chị HHL
Đơn giản vì tôi hiểu,trong khi bạn chưa hiểu,tôi-bạn-và bất kỳ ai đều là con người,mà con người luôn ko hoàn hảo,chỉ khác nhau giữa 1 hạ dân và 1 vip là vip biết che giấu và đươc những vệ tinh xung quanh che giấu giúp những gì kém hoàn hảo đến mức tối đa
Tôi ít khi dùng từ Xóm Lá VÌ "xÓM " rất thiêng liêng ,quan trọng ở miền Nam,tại XÓM,thân thương như 1 gia đình,mọi sai trái,hay,dở đều bị đem ra phân tích ,thậm chí còn bị bậc cao tuổi la mắng ,điều này chẳng làm tổn thương ai,có quan tâm,người ta mới góp ý cho tốt hơn
,tôi nghĩ GS.NLD và chị HHL chẳng phải người tầm thường để giận hờn chi AN viêc này,bạn ạ
*Với AN:
+Chị vẫn hiểu và yêu quý em,sau bài viết này,có lẽ chị sẽ cẩn thận hơn trong khi viết về điều gì đó mang tính chính xác và phù hợp với xã hội hiện tại hơn
+Chị vẫn giữ quan niệm phê và tự phê là cần thiết nhưng tuỳ mỗi đối tượng mà ta nên có cách phê phù hợp vì nhiều người dễ bị tổn thương,tự ái cho bản thân hay tổn thương ,tự ái "từ thiện" cho người khác,bên gd ,có hs cần roi vọt,la mắng,nhưng cũng có hs chỉ cần vài lời nhẹ nhàng ...
So sánh giữa hs của chị với người lớn nơi đây là khập khiễng,nếu AN hỏi kiểu phê bình thế nào cho phù hợp thì chị ...thua,đã chẳng có người bảo chị nên chui rúc trong vòm trời riêng của mình,đừng toc mạch vào viêc người khác sao
Chị đã làm theo lời phê bình ấy,trừ những gì xảy ra nơi đây,có lẽ "con thú dữ" trong chị đã xổng chuồng!
Đi bắt trói nó lại thôi!
28-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@21:08
Hì hì... "Con thú dữ" của Vòm Trời Riêng... lành quá!
29. Cảm nhận từ: Lưu Quốc Hòa [Bạn đọc] Email · http://MGTG 14.04.14@20:35
Rất khó tranh biện...rất khó tranh biện. Thế mới đau cơ chứ
29-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 14.04.14@21:16
Thì cũng chịu, chứ còn biết làm sao!
30. Cảm nhận từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 15.04.14@05:30
1. Cảm nhận cuối cùng về câu chuyện thứ nhất, không dẫn chứng:


2.

3. Cảm nhận cuối cùng về câu chuyện thứ ba, không dẫn chứng:
Lần này Ái Nữ "đá" trượt rồi.
30-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 15.04.14@05:56
Nào ai "đá" cái gì mà trượt? Anh chỉ được cái lắm chuyện!
Anh có cách nào làm cho bạn Mắt Đời quay lại nữa không?
30-2. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 15.04.14@12:02
Giống như lần trước, tôi đang dìm hàng Mắt Đời, để anh ta chán nản bỏ ra về kể khổ với bác J. Thái, để rồi bác J. Thái chán đời mà rũ sạch bụi đời trong thiền định như lần trước. À, cái bài về "rũ bụi bằng thiền định" (chỉ nêu ý tên bài) của bác J. Thái cũng rất ngồ ngộ, dáng tiếc bác ấy xóa mất rồi. Xem Blog của bác ấy, tôi có cảm giác bác ấy chuẩn bị bỏ Xóm Lá đi bụi đời.
Tôi ko có nhiều thời gian. Hay tôi đưa ra ý chính, để Ái Nữ phát triển thành còm hoàn chỉnh?
30-4. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 15.04.14@16:16
1. Tôi đã sửa cho anh rồi.

2. Không có chứng cớ nào để nói rằng những bài viết hay comment trong blog của tôi có liên quan đến việc Jeffrey Thai đi "bụi đời" hay "ở ẩn". Và tôi cũng không nghĩ rằng Jeffrey Thai chán đời, bởi vì ngay gần đây blog của Jeffrey Thai ở cả hai sân Blog Việt và Blogspot đều chuyển màu sáng hơn, tôi nghĩ rằng bạn ấy vui hơn. Cũng đính chính rằng không phải tôi là người đầu tiên bạn ấy trả lời sau thời gian dài "bế quan", có vài bạn đọc trong nước vẫn giao lưu được với bạn ấy qua comment. Tuy nhiên nếu "Thư gửi những người không quen" mà viết chỉ cho một số người bạn trong phạm vi hẹp như Mắt Đời nói thì tôi không muốn tin là đúng, bởi vì trang Jeffrey Thai Blog trên Blogspot là một trang blog có độ phổ cập rất cao, số lượt xem blog của tôi trong cả một năm có khi chỉ bằng số lượt xem blog của Jefrrey Thai trong vòng đôi tháng. Tất nhiên mỗi blog có đặc trưng riêng và số lượt xem chưa đủ để nói lên điều gì đặc biệt cả. Chẳng hạn như số lượt xem của cả blog Lão Khoa và blog Nguyễn Lân Dũng cộng lại cũng không bằng số lượt xem của riêng blog Trần Mỹ Giống là một trang blog "sinh sau đẻ muộn". Nhưng nó nói lên rằng Jefrrey Thai có nhiều bạn đọc theo dõi, mà nào phải chỉ có người lên tiếng nói mới là bạn đọc chung thủy thực sự đâu? Cũng có thể bình luận của Mắt Đời trong "Thư gửi những người bạn" đã làm cho Jeffrey Thai nhận ra sự thiếu hợp lý nào đó, nên bạn ấy đã xóa những tên viết tắt cùng "..." dưới tiêu đề "Thư gửi những người không quen", để tránh cho Mắt Đời và vài bạn đọc nào đó ngộ nhận.

Blog Việt là một môi trường có đặc trưng riêng khó nói bằng lời, nên việc Jeffrey Thai đóng cửa phần comment theo tôi là hành động thông minh và hợp lý, trong khi vẫn tiếp nhận comment ở Blogspot. Những bài mà Jeffrey Thai chọn để post lên Blog Việt cũng lại là một sự hợp lý nữa. Điều này nói lên rằng Jeffrey Thai là người tinh tế và nhạy cảm. Sống nặng tình cảm là một đặc trưng của người Việt, mặc dù sống ở hải ngoại nhưng Jeffrey Thai vẫn giữ nguyên nét tính cách ấy. Mặc dù "nặng tình" có vẻ cực đoan, nhưng "nặng lý" cũng cực đoan không kém. Có người thế này thì ắt có người thế kia. Gần đây Jeffrey Thai có bài "Ăn Mày và Ăn Mày Dĩ Vãng" mà tôi thích, tôi thích cái tình trong đó. Lúc ấy là lúc mà người ta "ném đá" túi bụi vào nghệ sĩ Chánh Tín, cho nên tôi đem bài viết của Jeffrey Thai chia sẻ với một blogger bên Blogspot, nào ngờ ổng "ngứa miệng" đem từng đoạn ra bẻ lý, mà bẻ rất... có lý, nhưng tôi vẫn cảm thấy có sự cực đoan nào đó trong phân tích của ổng. Nghĩa là sự "nặng tình" sẽ luôn húc phải sự "nặng lý", và tôi phải cảm ơn những người cực đoan đã giúp tôi bài học về sự cân bằng. Cái tình của những người như Jeffrey Thai mang đến cho cuộc đời là bài học lớn. "Tình" là một trong ba chữ "Danh-Lợi-Tình", là một nấc thang mà con người cần phải vượt qua để đạt đến cái TÌNH cao hơn - tình thương của Thượng Đế.
30-5. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 15.04.14@16:25
Lần này tôi có "đá" ai đâu? Nếu "đá" thì tôi đã thông báo trước. Tôi chỉ "chụp ảnh hiện trường" mang triển lãm thôi mà. Chẳng ai "đá" nổi cái "hiện trường", còn "hiện trường" thì làm sao phải "tránh"?
30-6. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 15.04.14@16:52
"Bác hãy cẩn thận vì em đang chuẩn bị “đá” cho bác một đòn. Bác sẽ không tránh được đâu."
Được báo trước ngày 1/04/2014 trong dịp "Nói gì với Hùng John?".
Ngày 1/04/2014 sớm hơn 09/04/2014, là ngày phát hành câu chuyện thứ 3.
Đã "đã thông báo trước", nhưng chưa "đá", chỉ mới "đá" hiện trường?
30-7. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 15.04.14@17:07
Anh lại kiếm chuyện trêu chọc bác Lân Dũng phải không? Anh nên chuyển sang nghiên cứu lĩnh vực tiên tri có khi hay đấy!
30-8. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 15.04.14@20:38
1. Tôi đã nói rồi "Cảm nhận cuối cùng về câu chuyện thứ ba, không dẫn chứng: Lần này Ái Nữ "đá" trượt rồi." Do Ái Nữ ngạ gẫm, nên ngoại lệ thêm một tý, hiện truờng thế, nhưng không phải thế. Chẳng phải ông Không Tử đã than ôi như vậy không.
2. Mắt Đời có mấy câu ngồ ngộ. Thêm câu nữa. "Hoan hô vì nhờ tôi mà blog bạn càng thêm nổi tiếng."(Link tới còm 21-4 ở đây). Chẳng biết Mắt Đời là ai, nên lúc đó tôi cho rằng Mắt Đời mắc bệnh hoang tưởng. Nay xem thấy số nhấn phím chuột của bác J. Thái mới hiểu rằng: Mắt Đời là bạn của bác J. Thái, nên số nhấn chuột tự nhiên truyền sang Mắt Đời. Nhưng con số đó chưa nói lên số bạn đọc. Ở Xóm Lá do quan hệ thân mật với Ban Quản Trị BLog nên có thể kiểm tra được số nhấn chuột từ địa chỉ IP của những máy tính nào. Chỉ lạ tại sao số nhấn chuột bên Spots to áp đảo số ở BlogTV.
Tại BlogTV Mắt Đời ra sức bảo vệ bác J. Thái, sẵn sàng viết dài dằng dặc, không ngần ngại sáng tác ra những câu ngồ ngộ, có khi cay cú. Tính tình không dứt khoát, ngúng ngẩy dọa bỏ đi nhưng lại quay lại cãi tiếp.
Câu hỏi tới Ái Nữ: Bên Blogspot. Khi Ái Nữ tranh cãi với bác J. Thái, Mắt Đời có nghé vào góp ý không? Nếu có thì đúng là có Mắt Đời. Nếu không, thì câu hỏi tiếp tại sao Mắt Đời ở đó quân tử, không thèm chấp vặt thế.
Chuyện còn dài. Tạm dừng ở đây, vì tôi còn phải tiếp tục chỗ khác.
30-9. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 15.04.14@21:41
1. Hiện trường thế, nhưng không phải thế, mà là... thế.

2. Có vẻ như anh lại đang tung hỏa mù làm cho mọi người hoa mắt loạn óc phải không? Độc giả nào có ai kiểm chứng được "quan hệ thân mật với Ban Quản Trị Blog" của anh? Trang của Jeffrey Thai bên Blogspot được đầu tư nhiều entry hơn, giới thiệu nhiều bộ phim hay, tác phẩm văn chương trong nước ngoài nước, đặc biệt có những audio đọc truyện rất tốt cho những người thích nghe đọc truyện trước khi vào giấc ngủ. Nhưng Blog Việt không cần phải "ghen" vì Jeffrey Thai đã ưu tiên đăng trên Blog Việt những bài viết của chính Jeffrey Thai, tức là chọn lọc hơn so với Blogspot.

Tôi chưa từng đọc thấy những comment tranh cãi nào bên nhà Jeffrey Thai ở Blogspot, tôi cũng chưa từng tranh cãi lần nào với Jeffrey Thai, cũng như chưa từng gặp Mắt Đời bên đó. Nhưng tôi chưa kịp đọc hết blog của Jeffrey Thai nên không biết có "còm" của Mắt Đời hay không. Nhưng điều đó thì có quan trọng đâu nhỉ? Chỉ biết là ở đây tôi có bạn đọc Mắt Đời và tôi thích bạn ấy. Dù bạn ấy có viết những lời khó hiểu nhưng quan trọng là bạn ấy đã quan tâm đến tôi, dù ghét hay yêu cũng thế. Nếu không quan tâm ai sẵn lòng viết comment dài như thế làm gì? Tôi nghĩ mục đích của Mắt Đời không phải là bảo vệ Jeffrey Thai, vì tôi đâu có làm gì Jeffrey Thai mà Mắt Đời phải bảo vệ? Tôi tin rằng Mắt Đời muốn "gây gổ tình cảm" với tôi mà thôi. Nhìn cho kỹ thì comment nào của Mắt Đời cũng đều là khen tôi đấy chứ! Nhìn thấy thế mà không phải thế...

Tôi thích bạn đọc Mắt Đời rồi. Tôi mà đã nặng tình thì dù cả Jeffrey Thai cùng Mắt Đời cộng lại cũng chẳng theo kịp với tôi. Tôi thích Mắt Đời hơn là các nhà triết học. Tôi không thích triết học, dù quý Tranquoctrung78 mà tôi có bao giờ bàn luận về triết học với bạn ấy đâu! Cũng có thể vì đặc biệt yêu thích Jeffrey Thai mà tôi thích Mắt Đời, xem Mắt Đời như là tặng phẩm mà Jeffrey Thai dành cho tôi. Anh biết rồi đấy: "Ghét người ghét cả đường đi, yêu người yêu cả tông ti họ hàng". Người Việt có câu như vậy. Tôi là người Việt. Cho dù anh có đòi "truy cùng diệt tận" đi chăng nữa thì tôi vẫn thấy có bạn Mắt Đời, dễ thương và đáng yêu vô cùng.
30-10. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 16.04.14@11:35
Hội chứng Stockholm
Căn bệnh dễ thuơng.
30-11. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@22:07
Cái mà anh dẫn cũng ngộ đáo để. Nhưng nếu mà đem áp dụng vào chuyện này thì là anh đang đánh giá cao cho bạn Mắt Đời chứ còn "dìm hàng" nỗi chi?
31. Cảm nhận từ: phauthuattk [Blogger] Email15.04.14@23:07
Lạ nhỉ! Có thế mà cũng ... ghê nhỉ, tưởng thôi rồi!

Nội cái lý lịch gia đình, bản thân và lời nói cuối cùng của Nhái, lẽ ra đã đủ nói lên tất cả rồi chứ nhỉ.!!!
31-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 15.04.14@23:21
Vấn đề là mỗi người đọc quan tâm đến truyện này theo một khía cạnh khác nhau, bác Phẫu ạ!
Làm gì có cái gì "đủ nói lên tất cả"???
31-2. Phản hồi từ: phauthuattk [Blogger] Email16.04.14@00:20
Đấy là cách nghĩ của AN thôi! Tôi thấy đủ rồi... Có phải đa số Đảng viên đều như thằng Nhái, lí lịch như thế, quá trình phấn đấu như thế nhưng khi có thể lại theo Tư bản...
Đọc chuyện tôi thấy ... bình thường! Nhưng đọc các CN thì lại khác!
Thôi! Tôi không nói chuyện này nữa nhé!
31-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@00:50
Nếu ai cũng thấy bình thường thì còn cần nói làm gì nữa? Sự áp đặt đạo đức chính trị là bình thường trong lịch sử, nhưng với nhân văn là sự khiên cưỡng bất công với một con người. Lịch sử nhân loại đã bao lần hành động khiên cưỡng rồi.
Với bác Phẫu thì không cần phải nói nhiều.
32. Cảm nhận từ: trthanhliem [Blogger] Email 16.04.14@01:36
Chủ đề của bạn Ái Nữ đưa ra thật bổ ích. Xin cảm ơn quý vị đã có những lời cảm nhận rất sâu sắc. TL xin được góp một vài ý hiến nhỏ về
LỜI ĐÀM TIẾU
Ông cha ta - những bậc tiền bối là những triết nhân đã từng chắt lọc, đúc kết ra rằng: Chuyện nhảm nhí rất kỵ những người thông minh. Một khi những chuyện nhảm nhí truyền đến tai người thông minh, thì nó sẽ bị dập tắt ngay, không còn có chốn dung thân nữa.
Chính vì vậy, một người muốn thực sự trở thành người thông minh, muốn bước lên nấc thang danh vọng thì hãy học cách phân biệt chính – tà, tốt – xấu, đúng – sai, hãy đặt mình ngoài những việc tầm phào vô bổ, hãy gạt bỏ những điều nhảm nhí, những tin đồn không có thật.
Tin đồn là những lời rất phù phiếm và nhảm nhí. Những lời đó người ta có thể nói ra mà không chịu bất cứ một trách nhiệm nào. Những lời đồn đó tồn tại được là nhờ tính hiếu kỳ tò mò của chính những con người hiếu kỳ. Dù ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, không phân biệt màu da, sắc tộc, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, dù con người ta sống trong xã hội tiến bộ hay lạc hậu thì vẫn thấy sự hiển diện của tin đồn. Nó đã trở thành một kẻ đồng hành trong cuộc sống, ngang nhiên lọt vào tai mọi người để rồi lan đi khắp nơi, đến tận cùng mọi ngõ ngách, xó xỉnh.
Lời đồn thổi thường được sinh ra và lan đi khắp nơi như thế nào? Vấn đề này từ hàng nghìn năm trước đã được Khổng Tử làm rõ: Một hôm thấy học trò nấu cháo cho mình nhưng lại nếm trước, thầy liền đem chuyện này kể cho một học trò khác nghe, học trò này liền trách mắng đồng môn, trò kia mới trình bày: “Đệ đang nấu cháo cho thầy thì bỗng trời đổ gió, tro bụi bay vào cháo, nên đệ không nỡ bỏ đi mới ăn, chứ đệ đâu cố ý mạo phạm thầy”. Khổng Tử nghe vậy liền bảo: “Ta đã trách nhầm con rồi! Nhiều khi có những chuyện tận mắt ta chứng kiến nhưng cũng chưa chắc đã đúng, huống hồ ta chỉ nghe từ miệng người khác, đúng không các con?”. Như vậy rõ ràng là chỉ có sự suy đoán hồ đồ mới chính là “thủ phạm” và cũng là nguyên nhân gây nên những điều đàm tiếu thị phi mà thôi.
Chúng ta hãy xem thêm một mẩu chuyện nhỏ sau đây để làm rõ thêm vấn đề trên:
“Một hôm, có một người hớt hải chạy đến tìm nhà hiền triết nói:
- Tôi có một tin muốn cho ông biết…
- Đợi một lát! – Nhà hiền triết ngắt lời anh ta – Cái tin mà anh định báo cho ta đã được lọc qua ba cái sàng chưa?
Người nọ không hiểu hỏi lại:
- Ba cái sàng nào cơ ạ?
- Cái đầu tiên sự thật. Thông tin mà anh mang đến cho ta có phải là sự thật hay không?
– Không ạ!
Nhà hiền triết hỏi.
- Bây giờ anh hãy dùng cái sàng thứ hai để kiểm tra lại nguồn tin đó. Nếu cái tin mà anh nói không phải là sự thật thì nó cũng là một ý tốt?
Anh chàng nọ chần chừ nói:
- Không. Ngược lại…
Nhà hiền triết ngắt lời anh ta:
- Thế thì anh dùng tiếp cái sàng thứ ba vậy! Tôi xin hỏi anh, cái tin làm anh kích động như vậy có phải là tin tức quan trọng hay không?
- Cũng không phải. – Anh chàng nọ ngượng nghịu đáp.
Nhà hiền triết lúc này mới thong thả nói:
- Cái tin mà anh báo cho ta là không có thật, cũng chẳng phải là một điều gì đó tốt đẹp, lại cũng không quan trọng, vậy thì thôi, đừng nói ra là xong! Thế là cái tin kia sẽ chẳng làm anh và tôi phải bận tâm suy nghĩ.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có một thái độ không giống nhau trước một vấn đề. Với những tin đồn cũng sẽ là như thế. Trước một một tin đồn, có người thì tỏ ra rất quan tâm và đón nhận chúng, nhưng có người thì thờ ơ trước những thông tin đó và coi đó là những điều vớ vẩn, có khi còn tuyên bố rằng: “Mặc kệ nó đi, biết đâu lại tốt hơn”.
Nhiều khi có những chuyện tận mắt ta chứng kiến nhưng cũng chưa chắc đã đúng, huống hồ ta chỉ nghe từ miệng người khác.

Biết rõ căn nguyên là cách ứng phó hữu ích nhất trước những lời đàm tiếu, vậy thì còn gì để ta phải sợ nó nữa chứ? Những lời đàm tiếu xung quanh ta không khó để tìm ra cách giải thích cho thích đáng. Chỉ cần ta có quan điểm, lập trường đúng đắn và có phẩm chất đạo đức xã hội chuẩn mực thì ta sẽ nhanh chóng dập tắt được chúng, bởi lời đồn không có thực thì sức sống chỉ trong giây lát. Có lẽ nào chúng ta tin vào những thứ chỉ tồn tại trong giây lát? Không. Tuyệt đối không bao giờ! Chân lý vĩnh hằng mới đáng được coi là giá trị đích thực của cuộc sống. Dư luận đàm tiếu cũng chỉ như con ong vò vẽ bay lượn suốt ngày không biết mệt mà thôi. Chúng ta tuyệt đối không được nương tay đối với chúng. Chỉ khi nào ta thực sự tin rằng mình hoàn toàn có thể chiến thắng tin đồn thì chúng ta mới thực sự tống khứ được chúng, nếu không ta sẽ bị chúng công kích mạnh hơn.
TTTL
32-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@19:57
Cảm ơn sự đóng góp của bác Thanh Liêm! Tuy nhiên tôi thấy cách nhìn của bác còn hơi đơn giản và chưa phù hợp với thực tế. Xin trích dẫn một đoạn trong comment của bác:

"Những lời đàm tiếu xung quanh ta không khó để tìm ra cách giải thích cho thích đáng. Chỉ cần ta có quan điểm, lập trường đúng đắn và có phẩm chất đạo đức xã hội chuẩn mực thì ta sẽ nhanh chóng dập tắt được chúng, bởi lời đồn không có thực thì sức sống chỉ trong giây lát. Có lẽ nào chúng ta tin vào những thứ chỉ tồn tại trong giây lát? Không. Tuyệt đối không bao giờ! Chân lý vĩnh hằng mới đáng được coi là giá trị đích thực của cuộc sống. Dư luận đàm tiếu cũng chỉ như con ong vò vẽ bay lượn suốt ngày không biết mệt mà thôi. Chúng ta tuyệt đối không được nương tay đối với chúng. Chỉ khi nào ta thực sự tin rằng mình hoàn toàn có thể chiến thắng tin đồn thì chúng ta mới thực sự tống khứ được chúng, nếu không ta sẽ bị chúng công kích mạnh hơn.

Thứ nhất, không dễ gì để giải thích cho sự phát sinh của những tin đồn, bởi nhiều khi nó mang tính ngẫu hứng, có khi lại do chủ ý. Chẳng hạn như trong "Một chuyện có thật" của An-đec-xen, khó hình dung được là chuyện năm ả gà mái tự vặt trụi lông lại là bản sao của chuyện một con gà mái bị rụng một chiếc lông. Giải thích cho tin đồn không phải là chuyện dễ, cũng như tin đồn không phải bao giờ cũng với mục đích đàm tiếu. Chúng ta không nên thiên vị cho một tin không chính xác khi nó không mang mục đích đàm tiếu. Chẳng hạn như câu chuyện Khổng Tử mà bác trích dẫn, so với "phiên bản" ở comment 13 của blogger Vườn Của Đạt đã khác nhiều, nghĩa là người ta đã bịa chuyện gán cho ông Khổng Tử, mục đích của việc bịa chuyện này có thiện chí, tuy nhiên nó chứng tỏ sự thiếu tự tin của những người bịa chuyện, vì họ phải đem tên Khổng Tử ra "đánh bóng" cho câu chuyện của mình, trong khi những chuyện như vậy trong thực tế đầy rẫy, họ muốn nhấn mạnh rằng khôn như ông Khổng Tử mà nhiều khi cũng dại. Những tin đồn "đẹp" như vậy được người ta gọi là "giai thoại".

Thứ hai, việc bác cho rằng "lời đồn không có thực thì sức sống chỉ trong giây lát" là không thực tế. Thậm chí những lời đồn có sức sống lâu hơn cả thông tin xác thực, được người ta ghi nhớ trong lòng như là sự thực. Hãy xem trường hợp các truyền thuyết. Ai mà tin nổi chuyện con rùa biết nói? Nhưng truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một di sản được xem là thiêng liêng trong tâm hồn dân tộc Việt. Và chớ nghĩ rằng chỉ có trẻ con mới tin vào chuyện cổ tích. Nghe nói có nhà Hà Nội học còn thành kính gọi rùa Hồ Gươm là... Cụ, muốn gọi "Cụ" lên thì thắp hương khấn nguyện. Tại sao thế? Tôi cho rằng vì con người đã quen đặt giá trị của mình vào sự phán xét của người đời, nên mới phát sinh nhu cầu "tô hồng" cho lịch sử. Nếu đơn giản đem mọi thứ khoa học ra để chứng minh rằng đó chỉ là tin đồn nhảm nhí, hoặc do các nhà chính trị đời Lê ngụy tạo ra để "ru ngủ" đám dân đen mê tín, e có nhiều người không hài lòng. Vậy là truyền thuyết "trả gươm" sống mãi. Nếu những câu chuyện đẹp sống mãi thì chắc chắn có nhiều câu chuyện xấu cũng trường tồn mà không phải khi nào chúng ta cũng có cơ hội biết được sự thật, dù cho chúng ta "có quan điểm, lập trường đúng đắn và có phẩm chất đạo đức xã hội chuẩn mực".

"Có lẽ nào chúng ta tin vào những thứ chỉ tồn tại trong giây lát? Không. Tuyệt đối không bao giờ! Chân lý vĩnh hằng mới đáng được coi là giá trị đích thực của cuộc sống". Cái này rất tốt để làm khẩu hiệu, nhưng không giúp được ai giác ngộ. Chẳng hạn như nắm xôi đặt trước mặt thằng Bờm thì chắc chắn là nó "chỉ tồn tại trong giây lát" mà thôi, nhưng nắm xôi ấy vẫn có giá trị đích thực cho cuộc sống. Chân lý vĩnh hằng là gì? Là trong vũ trụ không có cái gì tồn tại vĩnh hằng cả. Chính "chân lý vĩnh hằng" này là cơ sở cho các tin đồn tồn tại và phát triển. Nếu "chúng ta tuyệt đối không được nương tay đối với chúng" thì chúng ta sẽ mệt lắm.

Chúng ta không cần phải "tống khứ" những lời đàm tiếu, bởi nếu nó không có giá trị đối với chúng ta thì nó cũng chẳng làm hại chúng ta. Hãy xem những nghệ sĩ với các "xì-căng-đan", họ vẫn sống khỏe. Tuy nhiên nếu chúng ta đưa ra những thông tin không phải là sự thật mà lại khẳng định nó là sự thật, thì chúng ta có nguy cơ gặp sự phản đối của những người khác, khi ấy hãy xem xét xem chúng ta có chịu được áp lực hay không.
32-2. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 20.04.14@11:54
Chẳng hạn như câu chuyện Khổng Tử mà bác trích dẫn, so với "phiên bản" ở comment 13 của blogger Vườn Của Đạt đã khác nhiều, nghĩa là người ta đã bịa chuyện gán cho ông Khổng Tử,... - Ái Nữ -
Ai bịa?
Ở đây. Học trò mắng nhau. Thế mà Khổng Tử than "Ta đã trách nhầm con rồi!.."
32-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 20.04.14@12:15
Tôi đoán cả hai "phiên bản" này đều là bịa hết. Mà dù tôi không ưa Khổng Tử đi nữa, tôi cũng không tin ông ấy là người chấp nhặt quá như vậy. Chẳng thà bịa hẳn chuyện như đoạn trích mà bạn Tranquoctrung78 dẫn phía dưới lại hay, mà vẫn thấy bóng dáng Khổng Tử trong đó.
32-4. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 20.04.14@12:36
Ông KT ở đây than trách nhầm mình.
Ông KT ở kia, thấy trò hư mà im lặng rồi buồn rồi than thở trách thân mình. Trong khi đó nếu phải VTR thì "thì biết tay chị,hì hì (còm 44-4)"
33. Cảm nhận từ: trantam51 [Blogger] Email 16.04.14@06:17
Tôi đã đọc tất cả, từ từ và nghiêm túc. Tôi mong người nào chưa đọc hãy đọc cho hết, cho kỹ. Nhiều vấn đề gợi mở lắm!
33-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@20:54
Vâng, quả là có nhiều vấn đề gợi mở. Những comment vẫn đang tiếp tục được mở ra phía trên và phía dưới comment của bác.
34. Cảm nhận từ: HỮU ĐẠT [Blogger] Email 16.04.14@09:55
Tôi đồng ý với ý kiến phẫu thuật thần kinh. Vì lựa chọn đường đi cho cuộc sống là quyền con người. Đôi người vì lý tưởng nào đó mà lao theo một cách vô vọng là quyền của họ.
Nếu nói thằng nhái phản bội lại cái gì của cha mẹ nó đã hy sinh thì chưa hẵn đúng.
Biết đâu tâm nguyện của những người ấy muốn mình chiến đấu để sau này con mình có cuộc sống sung sướng, đến được bất cứ chân trời nào nó muốn Hoặc thỏa nguyện ước mơ làm giàu, nghiên cứu, hưởng lạc...thì sao? Nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ phải là người Việt Nam, máu đỏ da vàng, con Hồng cháu Lạc thì suốt đời trung thành với Đảng với cách mạng, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Hồ chủ tịch mới phải lẽ... Nhưng những Việt Kiều thành đạt đang cư ngụ ở Mỹ, Anh, Pháp, Ca na đa, Nga Cu ba, Lào, Thái Lan,Thậm chí là Bắc Triều Tiên... Nhiều trong số họ có phải quốc tịch Việt Nam đâu. (Đôi khi trước đây có nhưng bằng mọi giá họ đã có quốc tich mới.) Họ càng không phải người có truyền thống cách mạng chống xâm lăng. Thậm chí cha mẹ ông bà họ theo ngoại bang, nhưng họ vẫn được thế giới và rất nhiều người TÔN VINH. Nếu như nhà toán học, nhạc sỹ nào đó theo tiếng gọi tổ quốc về với Việt Nam thì họ có làm được kỳ tích như vậy k? Lựa chọn môi trường để có cưộc sống là quyền con người. Đừng vì họ không hợp ý ta mà cho là đi ngược thời đại là sai.
Rất nhiều khi cái sai thuộc về đa số. Ví dụ Lại văn Sâm đã dẫn chứng trên "Ai là triệu Phú" Rất rất nhiều khi cái sai thuộc về số đồng. Và trước khi có đáp án, Người đua đáp án sai cứ nghĩ là họ đúng.
Trước kia trên 99% tin là mặt trời đi quanh trái Đất. Chỉ mỗi Copech nich là đưa ra lập luận ngược lại.
Hoặc định luật tương đối AnhXtanh,...
Khi Pháp đô hộ ta, ai cũng nghĩ nó mạnh thế, bạo động là tự diệt mình. Khác nào ném thịt cho hổ đói, tay không trêu gấu trói hổ trong rừng....
Phan Chu trinh thì chủ trương "Pháp Việt đề huề bắt tay nhau."
Nhưng Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng... Rồi Hồ Chí minh quyết tâm đánh đưổi Pháp mới có độc lập tự do. Lúc ấy không phải nhà chí sỹ nào cũng nghĩ đánh đuổi Pháp là điều sẽ thành hiện thực đâu. Ví như mấy ai tiin ta lại thắng Pháp ở Điện Biên Phủ, Mấy ai tin với trình độ, khả năng, con người, vật lực, thiết bị.... của chúng ta như thế mà buộc Mỹ phải rút quân ra khỏi Miền Nam Việt Nam...
Người Việt Nam luôn có hiệu ứng số Đông. (Biểu thị tình đồng kết.) chính vì vậy mà Ái nữ công kích Giáo sư có tiếng, thì dù có đúng cũng không ai theo là điều đương nhiên. Mỗi anh Phẫu là có chính kiến của mình. Người dám nói lên chính kiến mình trước bao ý kiến ngược lại mới là dũng cảm. Hoan Hô anh Phẫu, Vỗ tay Ái Nữ. tuiy xin dĩ hòa vi quý SỐ ĐÔNG LUÔN ĐÚNG HE HE
34-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@20:57
Xin cảm ơn anh Hữu Đạt đã hoan hô! Tuy nhiên anh hãy áp dụng tinh thần "dĩ hòa vi quý" cho comment 7-10 nhé! 
35. Cảm nhận từ: nguyendoantuyet [Blogger] Email16.04.14@19:14
Sự thật bao giờ cũng vẫn là sự thật, dù có bị bóp méo hay nhìn nhận theo kiểu bị quáng gà đến như thế nào thì cũng có lúc được phơi bày đúng như nó vốn có thôi, đúng không Aí Nữ?
35-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@21:04
Ôi, không đơn giản như thế đâu Hoa Pơlang ơi! Sự thật thì lúc nào cũng ở đó, nhưng nó lại có nhiều tầng lớp và nhiều chiều, mà trong thực tế cuộc sống vận dụng chiều nào của sự thật cho đúng lúc đúng chỗ không hề là chuyện dễ. Một nửa chiếc bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Khó thế đấy Hoa Pơlang ạ!
36. Cảm nhận từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email16.04.14@19:33
Tôi có người bạn chơi rất thân học hồi mẫu giáo nhưng từ hồi lên cấp 1 chẳng có dịp gặp nhau. Người bạn của tôi tên là Việt Nam. Thằng Nhái ở câu chuyện trên [tôi tin là có thật] đã tuyên bố rằng nó "từ bỏ Việt Nam". Bất chợt tôi lại nhớ đến người bạn xưa kia của mình. Nhiều thành viên trong xóm đã có bằng thông thông cơ sở. Điều này là không cần bàn cãi, chính vì vậy, họ đều biết Việt Nam chỉ là một tên riêng như muôn ngàn cái tên riêng khác. Đứng trước cái tên Việt Nam là gì? Con người hay vật thể...? Biết đâu thằng Nhái có quen người bạn của tôi nhưng đã phát sinh mẫu thuẫn đến nỗi phải tuyên "từ bỏ Việt Nam". Từ bỏ tức có nghĩa là không quan hệ, không gắn kết, mà thằng Nhái nó hoàn toàn có quyền thiết lập/chối bỏ một mối quan hệ bất kỳ với con người hay một vật thể nào đó. Thật xúc động khi tôi - vẫn nghe thấy bên đời: những tiếng đời thoảng thốt kêu rên. Ôi! Những con người có lương tâm xúc vật đã bắt đầu mở lời hiếu nghĩa...Tấm lòng thành của họ, quả thật, mượn chữ của bạn Ái Nữ "Nói gì bây giờ nhỉ?". Nhưng tôi sẽ không nói lại sự tích "bát cơm Nhan Hồi" đã đọc từ hồ còn trẻ con - trong cuốn "cổ học Trung Hoa". Ngày nay, người ta viết lại điển cố là điều đã được viết thành thơ:
"Máu xương tinh thể thiên tài
Da xương làm chiếc quan tài chôn thây
Lũ người trước tớ sau thầy
Nhai văn nhá chữ miệng đầy máu xương"
-Hình như TG là Bùi Giáng-
Thay vào đó tôi sẽ giới thiệu với mọi người đọc qua cuộc "Đàm Luận giữa Khổng Tử và John Dewey"
37. Cảm nhận từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email16.04.14@19:36
Khổng Tử: Cung ­Thỉnh, Tiến sĩ Dewey! "Có những bằng hữu ham mộ đạo lý, nghe tiếng mình là người học cao đức lớn, chẳng ngại đường xa đến viếng mình, há không lấy đó làm vui sao?"[2]

Dewey: Thưa Phu Tử, thật là vui thú lắm. Đây cũng là một sự thay đổi trong những việc thường ngày của tại hạ tại Mỹ.

Khổng Tử: Theo những đệ tử của ta nghiên cứu thì ngài là một trong những triết gia và nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất của Mỹ quốc. Ta rất hân hạnh được ngài ghé thăm tệ xá.

Dewey: Xin mượn lời của Phu Tử: "Kẻ nào miệng nói lời hoa mỹ, còn mặt mày thì trau chuốt, hình dạng thì kiểu cách, áo quần thì lòe loẹt, kẻ ấy hẳn kém lòng nhân."[3] Ha ha...Xin đùa Sư Phụ một chút.

Khổng Tử: Ta cũng xuýt nữa thì nổi giận rồi đó. "Bậc quân tử nếu chẳng tự trọng, thì chẳng được oai nghiêm, người ta không kính nể, rồi ra sự học vấn của mình không được kiên cố...Chẳng nên làm bạn với kẻ chẳng như mình."[4] Ngay cả đệ tử của ta là Tăng Tử còn nói: "Hằng ngày ta tự xét mình,..., làm việc với ai ta có hết lòng hay chăng?"[5]

Dewey: Xin cám ơn Sư Phụ. Ngài nghiêm trang quá, không có tính khôi hài tí nào. Vậy thì tại hạ xin hỏi ngài một chuyện thành thật, nghiêm túc: Đại học là cái gì? Nghĩa là, mục đích của đại học là để làm gì?

Khổng Tử: Đại học dạy như vầy: "Trước hết phải làm sáng tỏ cái đức của mình, rồi dùng cái đức đó cải cách cho mọi người, rồi nên nhắm mức trọn lành mà theo và ở yên nơi mức ấy."[6]

Dewey: Xin ngài khai triển thêm.

Khổng Tử: "Các vị vua thuở xưa muốn làm cho cái đức của mình tỏ sáng ra trong thiên hạ, trước phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình, thì phải tề gia trước. Muốn tề gia thì phải tu thân trước. Muốn tu thân thì phải làm cho ý mình trở nên thành thật. Muốn làm cho ý mình trở nên thành thật phải có tri thức chu đáo. Muốn có tri thức chu đáo ắt phải nghiên cứu sự vật."[7]

Dewey: Đúng vậy, tri thức được mở rộng nằm ở chỗ nghiên cứu sự vật. Thế còn gì nữa, thưa Phu tử?

Khổng Tử: "Khi đã nghiên cứu sự vật, cái tri thức mới được chu đáo. Cái tri thức được chu đáo, cái ý mình mời thành thật. Cái ý mình đã thành thật, lòng dạ mình mới ngay thẳng. Lòng dạ mình đã ngay thẳng mới tu tập lấy mình được. Đã tu tập lấy mình được, thì mới sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề. Nhà cửa đã chỉnh tề, thì mới sửa trị nước được. Nước đã sửa trị, thiên hạ mới bình an."[8]

Dewey: Như vậy thì kết luận là...

Khổng Tử: "Từ bậc Thiên tử lần xuống chí hạng bình dân, ai nấy đều phải lấy sự tu tập lấy mình làm gốc."[9]

Dewey: Thật là triết lý cao thâm. (Mở miệng cười toe). Tại hạ là một người thực tiễn. Tại hạ dạy những điều có tính cách thực tế hơn.

Khổng Tử: "Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết. Như vậy mới là biết thật."[10] Tiến sĩ Dewey, xin cho biết cao kiến.

Dewey: Một trong những chủ đề của chủ nghĩa thực dụng cho rằng triết học nên chú trọng vào giải quyết những vấn đề của con người hơn là cứ loay hoay với những suy luận siêu hình. [Cái gọi là] chân lý chỉ có tính cách phỏng đoán, một sự xác định đã được kiểm chứng chứ không có tính chất tuyệt đối và phổ quát.

Khổng Tử: Nghe giống y chang như ta đang nói vậy. (Cười).

Dewey: (Tặc lưỡi). Không, không, không phải đâu, thưa Sư phụ, xin nghe tại hạ nói thêm. Tại hạ tin rằng chân lý được rút ra từ kinh nghiệm của con người. Nó gồm có việc thử nghiệm hay xác minh một ý tưởng bằng cách áp dụng ý tưởng này để xem kết quả của sự áp dụng này có giải quyết được cái vấn nạn của ta hay không.

Khổng Tử: Thế ngài không gọi cái đó là Đại Học hay sao?

Dewey: Không, thưa Sư phụ. Cái đó gọi là chủ nghĩa thực nghiệm. Chúng tôi xem xét những định chế và giá trị dựa trên sự tương tác của chúng với những tình huống đang thay đổi trong đời sống Mỹ. Chúng tôi lập luận rằng những định chế và giá trị xã hội không còn có thể dựa vào cái chủ nghĩa truyền thống và giữ nguyên hiện trạng có sao giữ vậy.

Khổng Tử: Điều ngài nói là cho ta cảm thấy lúng túng. Ngài phủ nhận hoàn toàn cái chủ nghĩa truyền thống của ta. Năm ngàn năm văn hóa Trung Hoa trôi tuột xuống cống, mất sạch. (Thở dài!)

Dewey: Tại hạ xin lỗi Phu Tử về chuyện này. Nhưng đó thật sự là những gì tại hạ thấy và tin tưởng. Tại hạ đã sống qua một chuỗi những biến cố quan trọng và những biến cố này đã tạo nên hình thái và khuôn mẫu của đời sống hiện đại. Sống tới 93 tuổi thật cũng chẳng phải là một điều dễ dàng.

Khổng Tử: Nói về thời hỗn loạn, ngài nên ở vào thời đại sau khi ta chết như Thời Chiến quốc và tranh chấp dưới đời Nhà Chu.

Dewey: Xin thưa cho ngài rõ. Trong đời tại hạ đã chứng kiến hai cuộc Thế chiến, đó là chưa kể đến trận Nội chiến khi tại hạ còn là một đứa tiểu nhi. Tại hạ đã thấy nước Mỹ trải qua một cuộc đại hóa thân từ một xã hội và kinh tế nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp và kỹ thuật.

Khổng Tử: Ta thật ganh tỵ với ngài vì ngài được sống trong một đất nước vĩ đại còn đang ở trong tuổi thanh xuân.

Dewey: Đúng vậy. Tại hạ đã sống qua những cuộc chuyển biến chính trị trọng yếu từ phong trào cấp tiến sang đến Đại Khủng hoảng kinh tế, rồi đến Chính sách Giao ước Mới.[11] Hiện nay, nước Mỹ là một trong hai đại cường quốc trong thời đại vũ khí năng lượng và nguyên tử.

Khổng Tử: Hãy xem những điều người Cộng sản đang gây ra cho dân tộc Trung Hoa! Ta có thể thấy nền văn hóa Trung Hoa đang ở trên bờ diệt vong.

Dewey: Xin hãy trở lại với triết lý giáo dục cấp tiến của tại hạ. Giáo dục là một tiến trình giải quyết những vấn đề của con người một cách thông minh, sử dụng phương pháp khoa học thay vì chỉ dựa vào việc học cho nhuần nhuyễn những khối lượng kiến thức được sắp xếp thành từng môn học.

Khổng Tử: Những ý tưởng này thật là thú vị. Nhưng chẳng phải là tại một số trường học của quý quốc, thầy cô chỉ mới có chạm được tới bề mặt của triết học của ngài thôi hay sao? Họ chỉ dùng một số từ ngữ quan trọng như là "học qua thực tập," "học qua sinh hoạt," "giải quyết vấn đề," rồi thì "nhu cầu và quyền lợi của trẻ em" để soạn bài giảng cho học sinh. Những thầy cô này chỉ lựa một phần nào trong triết học của ngài mà họ thấy hứng thú, chứ đâu có chấp nhận triết lý của ngài đâu.

Dewey: Thật là buồn khi phải công nhận đây là sự thật. Nhưng những điều này vẫn thường xảy ra khi tư tưởng của mình được áp dụng rộng rãi. Chẳng phải những nhà cầm quyền trong suốt lịch sử của Trung quốc cũng đã dùng chủ nghĩa truyền thống của Sư phụ để bảo vệ địa vị của họ hay sao?

Trích
TG: Tiến sĩ Ching Chen Wang.
37-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 16.04.14@20:44
Cảm ơn bạn đã đem đến "tin đồn" do ngài tiến sĩ Ching Chen Wang sáng tác thật là hay! Tôi vốn ghét triết học, nhưng đặc biệt không ưa ông Khổng Tử, do những thứ "khuôn đóng gạch" mà ông ấy chế tạo ra. Thật ra thì ông ta chế tạo ra bao nhiêu "khuôn" cũng không sao, nhưng linh hồn ông ta theo tôi là chẳng thiêng được tí nào, nên cứ để người ta mượn những "khuôn" ấy đem "đóng gạch" linh tinh trên nước Việt Nam.
38. Cảm nhận từ: trthanhliem [Blogger] Email 17.04.14@01:54
Cảm ơn quý vị độc giả rất nhiều, đọc bài của quý vị tôi sáng tỏ ra nhiều. tuy nhiên bạn tranquoctrung78 ơi, tôi đọc đoạn này:
"...Nhưng tôi sẽ không nói lại sự tích "bát cơm Nhan Hồi" đã đọc từ hồ còn trẻ con - trong cuốn "cổ học Trung Hoa". Ngày nay, người ta viết lại điển cố là điều đã được viết thành thơ:
"Máu xương tinh thể thiên tài
Da xương làm chiếc quan tài chôn thây
Lũ người trước tớ sau thầy
Nhai văn nhá chữ miệng đầy máu xương"
-Hình như TG là Bùi Giáng-
Thay vào đó tôi sẽ giới thiệu với mọi người đọc qua cuộc "Đàm Luận giữa Khổng Tử và John Dewey"
Cảm ơn các bạn nra"
tôi lại nhớ tới lời Niu tơn nói đại khái là: Sở dĩ tôi trông được xa hơn là nhờ tôi đứng trên vai những người khổng lồ". Việc viết lại tiểu thuyết, thơ văn nếu bệ nguyên xi thì ko được nhưng có khả năng để viết lại được cho người đời đọc Hồng lâu mộng ko fai là 4 tập mà chỉ vài trăm trang thôi,... cũng có cái hay của nó chứ.
Cảm ơn bạn rất nhiều về những lời bình hay.
Cảm phục bạn Ái Nữ về những lời bình luận triết lý và sắc sảo!
Trân trọng!
TTTL tri ân!
38-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 17.04.14@02:26
Cảm ơn bác Thanh Liêm đã quan tâm đến bài viết này!
Bác cũng thức khuya thật đấy!
Tôi thích được mọi người đóng góp những bình luận, nên bạn đọc thường viết comment rất tỉ mỉ. Bài viết của tôi vốn đã không ngắn, nhưng đọc các comment còn cần nhiều thời gian hơn.
Tôi không được đọc nhiều sách vở, chỉ có mớ kiến thức chắp nhặt dông dài, nhưng cũng mạnh dạn giúp vui cho bạn đọc.
38-2. Phản hồi từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email17.04.14@03:01
Chúng ta có thể viết gì là tùy ý nhưng nếu chúng biết tự trọng thì đừng biến Tào Tuyết Cần thành tg của tiểu thuyết "Vợ chồng A Phủ". Và nếu tôn trọng tg thì đừng xuyên tạc lại những gì tg viết. Nếu không tự trọng chính mình và tôn trọng mọi người. Thì đừng nghĩ mọi người tôn trọng mình. Có thể cô thấy hay nhưng với cháu thì coi thường và khinh bỉ cái lũ giả hình ấy. Phải chăng chúng ngây thơ không biết việc mình đang làm. Mảnh đất này là nơi sự ngây thơ không thể sinh thành. Chỉ có sự mục ruỗng và thối nát của những người chết chưa chôn. Bi kịch thay...
39. Cảm nhận từ: levanhai56 [Blogger] Email 17.04.14@12:05
Mất cả buổi sáng rồi. Bỏ qua thật, hư về không gian, sự việc, chỉ lấy cái chi tiết mấy người bạn của “Nhái” nhầm tưởng về “Nhái”. Họ cố cứu giúp “Nhái” khi “Nhái” không cần cứu giúp vì “Nhái” đã chọn con đường khác. Chí ít thì “Nhái” cũng sòng phẳng. Ai từng bị như Mun, Hùng, Đen, Tân? Không biết ai khác, nhưng biết chắc chính mình AN ạ. Nhiều “đồng chí” của mình âm thầm rẽ con đường khác, chỉ cái bóng của họ vẫn đang “hăm hở” bước trên “con đường xưa em đi”. Đau lắm khi biết mình “chung đường, chung bước” với cái bóng...ma ! Bao giờ họ “sòng phẳng” một lời thôi!
39-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 17.04.14@12:37
Đau lắm! Vậy thì cần phải giúp cho họ đủ dũng cảm để sòng phẳng. Dù sao thì những xác chết cũng cần phải được đem chôn. Truyện "Thằng Nhái" cũng như rất nhiều tác phẩm khác, giống bóng ma giả hình người sống, để người ta tiếp tục yên tâm sống trong ảo tưởng, yên tâm tin tưởng các "đồng chí" mà không đòi phải nói ra sự thật rằng các "đồng chí" chỉ còn là cái bóng mà thôi. Cả dân tộc cứ yên tâm "hầu bóng", "hầu thánh". Hãy kiên nhẫn chờ các cô cậu đồng mệt đứt hơi không còn nhảy múa được nữa, tiếng nhạc ma quái chẳng thể mãi rộn ràng. Dù sao thì người ta cũng không thể dùng vàng mã để mua đồ được.
40. Cảm nhận từ: levanhai56 [Blogger] Email 17.04.14@17:10
Khi không “”đồng nhất” nữa thì hoặc đấu tranh cho trở về “đồng nhất” như cũ (không tưởng) hoặc “đổi mới” theo cho “đồng nhất” với “thứ mới” (mất tự trọng), hoặc dừng lại, hoặc chọn lối khác,..., và mình với ít ra là một số bạn bè quen biết đã chọn dừng lại. “Dừng lại”, không rời nó nhưng không bước tiếp (bất lực). Mình hát AN chiu khó nghe nhé “Người đi đi ngoài phố, mấy dấu chân lạc loài, hình bóng cũ người yêu xưa còn đâu...còn đâu...”. “Nhái” có cần giúp đâu!
40-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 17.04.14@20:36
Anh Hai Ly quả thật rất có tố chất nghệ sĩ. Hôm nay Ái Nữ mới hiểu tại sao có những người ở Việt Nam từ thời phong kiến xưa cho đến cả đời nay nói câu: "Xướng ca vô loài".
Ái Nữ cũng chưa biết mình đi đâu, xin hát cùng anh Hai Ly.

BÀI CA TỰ DO

Thơ của Ái Nữ
(Tặng những người bạn của tôi)


"Các bạn là những người dân hạnh phúc
Trên đất nước anh hùng của dân tộc vinh quang".
Trái tim tôi thổn thức
Bạn ơi, đó không phải là lời tôi nói
Mà là tiếng từ xa xăm vọng lại
Của những thời đã qua, của những tháng năm chưa tới...
Tôi chỉ là một con người với trăm nghìn bối rối
Với những khát khao, với bao trăn trở cùng hai chữ Niềm Tin.
"Xã hội chúng ta công bằng dân chủ văn minh
Tương lai của con em chúng ta tươi sáng".
Bạn ơi, xin chớ làm cho tôi kinh ngạc
Tôi biết đó không phải là những lời bạn mới viết sáng nay
Chúng ta vẫn ngày ngày nhìn thấy dòng chữ đó trên cây
Ước mơ của chúng ta đang hô vang trên đường phố
Niềm tự hào của chúng ta hiện lên to và rõ
Trong các tấm bảng gắn trên những cây cột bên đường...
Bạn nói với tôi bạn là người tuyệt vọng
Trong bi kịch khốn cùng của thân phận nhỏ nhoi
Giữa chốn đông người mà bạn vẫn thấy đơn côi
Bạn trò chuyện ồn ào để quên lòng mình nặng trĩu
Đã lâu rồi bạn không còn tin vào những điều kỳ diệu
Của ánh sáng yêu thương trong khối nhân quần...

Vũ Trụ vẫn còn đây những mùa xuân
Hoa vẫn nở và chim vẫn hót
Nhạc dương cầm vẫn vang lên thánh thót
Những người dũng cảm vẫn lên đường
bỏ lại chúng ta đằng sau với nỗi hoài nghi...
Chúng ta kiếm tìm gì trong những quán rượu kia?
Chúng ta còn lại gì sau những cuộc hát hò vui vẻ?
Ngậm ngùi cho những cuộc đời dâu bể
Tự giấu lòng rằng mình không đến nỗi đớn hèn.
Chúng ta thấy gì sau những gương mặt thân quen?
Ôi cũ kỹ, ôi vô duyên, ôi nhàm chán
Chẳng khác nào khuôn mặt chúng ta hàng ngày soi gương
nhìn thấy mà ngao ngán
Đâu mất rồi những mơ ước tuổi thanh xuân
Những điều ta từng mơ không chỉ một đôi lần...

"Các bạn là những người dân hạnh phúc
Trên đất nước anh hùng của dân tộc vinh quang".
Ôi ôi đừng nói nữa, xin đừng nói nữa
Trái tim tôi không đựng nổi những tình cảm quá lớn lao
Con người tôi không có chút gì đáng tự hào
Tôi không phải anh hùng không vinh quang chi hết
Càng nghe những lời ngợi ca càng thấy mình mỏi mệt
Hồn chơi vơi đi trong cõi mịt mùng...
"Xã hội chúng ta công bằng dân chủ văn minh
Tương lai của con em chúng ta tươi sáng".
Thôi thôi đi, bạn của tôi không muốn nghe những mỹ từ sáo rỗng
Hãy nói những gì xoa dịu trái tim đau
Nhưng ngôn từ giờ cũng ích chi đâu
Bạn của tôi nhìn thấy tương lai toàn màu xám
Và tâm hồn dường như đã thành vô cảm...

Ước mơ của chúng ta đang hô vang trên đường phố
Niềm tự hào của chúng ta hiện lên to và rõ
Trong các tấm bảng gắn trên những cây cột bên đường...
Sự thật trong lòng chúng ta giấu kín như bưng
Để giết thời gian ta viết những vần thơ thương xót nhớ nhung
Thơ ta thương người không khiến ai nhỏ lệ
Thơ ta thương mình thiên hạ đọc rồi chúc tụng khen hay
Hồn ta đang ở đâu trong thế giới này?
Ta muốn như cánh chim vút bay lên trời biếc
Ta muốn làm ngọn sóng du ngoạn giữa trùng khơi
Nhưng tâm hồn ta kìm nén giữa cuộc đời.
Ai sẽ giúp hồn ta tung cánh rộng?
Ai sẽ nâng bước chân ta trên đường gió lộng?
Trái tim ta muốn tha thiết yêu người
Nhưng nhìn lại quanh mình, chỉ còn ta với ta thôi.


(Bài đăng ngày 11-8-2013 tại đây).
41. Cảm nhận từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 18.04.14@05:18
Không vất vả lắm để thuyết phục người đọc không tin hoặc nghi ngờ cái thật của câu chuyện “Thằng Nhái”, vì thế tôi xếp câu chuyện này vào loại không thưởng, không phạt. Mỹ khi làm phim về Việt Nam có khi nói ngang không chịu được. Nếu muốn chê, thì chê một tí. Ở đây tác giả phải dùng lý do đắt tiền “từ bỏ nguồn gốc”, có vậy lời gửi gắm mới ngấm và dễ tìm được đồng minh, nhưng quên rằng trong những kẻ bị động chạm có không ít kẻ lắm mồn. Đáng tiếc, tác giả không chuẩn bị tư liệu kỹ càng, không tìm hiểu hiện trường bên Đức cho thật tốt, để phòng đá tảng.
Tôi không quan tâm nhiều lắm đến lý do tại sao một người thường treo bài hiền lành, đột nhiên treo bài với lòng căm thù lỗi thời như câu chuyện “Thằng Nhái”. Tôi không biết các quan hệ offline của tác giả, nếu bây giờ giải thích bằng giả thiết, thì sẽ có bác phật ý.
Phản ứng của nhiều người khi đọc Thằng Nhái đáng để suy nghĩ.
Nếu tôi còm ngay từ đầu, tôi sẽ còm như bác Xuân, bác Phẫu để tác giả nhanh chóng kìm giận mà xem lại, chứ không còm lấy lệ chỉ để đổ thêm dầu vào lửa, lại càng không mượn gió bẻ măng để rồi “tay làm, hàm nhai” như bác Lam Chiều.
Nếu tôi bất bình phản đối, thì tôi sẽ còm như bác Long Ẩn (link tới còm >=16 tại đây), chứ không còm như bác Lời Gió Thầm Thì (link tới còm 21-6 tại đây).
Tại sao bác Hoàng Hương Lan bỏ Xóm Lá đi nghỉ mát một thời gian? Xin chịu. Thôi thì nói bừa cho đồng bào của ai nghe. Chả có ai thánh thiện cả. Nếu bác HHL không tin, tôi sẽ còm thêm một tí nữa, để bác tin. Chỉ e rằng sẽ có một số bác khác trong đó có những người thân với bác HHL bất bình, khi đó mong mọi người thông cảm không phải vì tôi xấu tính.
Câu chuyện Thằng Nhái không thuyết phục được nhiều người, những người tin vào câu chuyện này thì ít mồm, ngắn hơi. Mặc dù vậy tôi tin rằng, bác HHL không bịa mà đã nghe 4 học trò Không Nhái kể lại. Nhiều người đã tin câu chuyện Thằng Nhái qua lời kể của bác HHL, vậy chẳng ai có quyền bất bình khi bác HHL tin vào câu chuyện đó từ 4 học trò Không Nhái của mình, vậy thì chẳng ai có thể bất bình khi bác HHL viết điều bác ấy tin thành chữ. Nói vậy có gì sai không hả Bác Ái?
Ở Đức cũng như nhiều nước Tây Âu khác thỉnh thoảng cũng có người nước ngoài bị trục xuất khỏi nước sở tại, trong đó có người Việt, nếu những người bị trục xuất là những người lương thiện, thì có nhiều người Đức phản đối việc đó, khi đó có cho ăn kẹo cảnh sát Đức cũng không dám hành hung, chưa kể đến cảnh sát Đức rất tôn trọng pháp luật, làm sai dễ mất việc, ngoài ra họ to khỏe hơn người Việt, kháng cự họ khó lắm. Có thể xem video dưới đây, người Đức phản đối việc 109 người Việt bị trục xuất:

Khó lý giải, tại sao thằng Nhái bị 4 đứa bạn thân thiết căm thù không nguôi đến tận xương tủy, thậm chí sẵn sàng lấy mạng. Việc thằng Nhái công bố qua loa phóng thanh, như đã phân tích, là bịa 100%. Tôi nghĩ trong Xóm Lá chẳng có ai căm thù bạn thân của mình như vậy, chỉ vì kẻ đó ở lại Tây Đức, đất nước rất trung hòa trong chiến tranh Việt-Mỹ, có chăng, là thất vọng, giận dữ, nhưng rồi chóng quên. Trong chiến tranh Việt-Mỹ, các nước đồng minh bị Mỹ ép phải tham gia cùng Mỹ. Thay vì gửi quân đội, Tây Đức đưa tầu thủy to tới miền Nam với đội ngũ y tế Tây Đức làm bệnh viện nổi, chữa và điều dưỡng nạn nhân chiến tranh. Vậy ở lại Tây Đức có gì là phản quốc. Vậy nguyên nhân của lòng căm thù dai dẳng đó, rất có thể là những thiệt hại về tiền bạc, kinh tế.
Tôi không tin rằng cảnh sát Đức đánh đập 4 kẻ Không Nhái khi bị trục xuất, trừ khi đó là những kẻ phạm pháp bị trục xuất khỏi Đức và tìm cách chống lại khi bị áp tải. Phạm pháp cái gì? Khó trả lời. Ở thời gian của câu chuyện Thằng Nhái rất có thể dính lứu tới buôn bán lậu thuốc lá. Đây là vấn đề làm Đức đau đầu trong những năm 1900. Các bác nên tự tìm hiểu về việc người Việt buôn lậu và chém giết lẫn nhau vì thuốc lá bên Đức. Tìm trên Gu Gờ với khóa “vietnamese cigarette smuggling Germany”. Trích bài viết về tội phạm buôn lậu thuốc lá: The Nicotine Racket, Trafficking in Untaxed Cigarettes: A Case Study of Organized Crime in Germany by Klaus von Lampe (Link tại đây):

The conflict between the rivaling factions culminated in a virtual gangland war in late 1995 and early 1996. Just before Christmas on a weekday afternoon one Vietnamese was killed and two seriously injured in a shoot out on a busy street in East Berlin. Stray bullets grazed a passer-by and hit two passing cars(66). In May of 1996 the war reached its climax when six Vietnamese, known to the police as vendors of untaxed cigarettes, were shot to death in an East Berlin apartment. As investigators found out later, the killers had tried to learn the whereabouts of a gang leader to take revenge for the murder of one of their own vendors three days earlier. In retaliation for the mass murder three vendors aligned with the opposing faction were killed execution style two days later
“(Link tại đây)

Để tránh suy diễn lung tung.Bổ xung. Đại đa số bà con Việt tôn trọng luật pháp của Đức, cố gắng hòa nhập với cộng đồng Đức. Đức không kỷ thị chủng tộc. Vừa rồi có người gốc Việt, ông Philipp Rösler làm Phó Thủ Tướng Đức sau 2 nhiệm kỳ làm bộ trưởng hai bộ khác nhau (Link tại đây).
Bối cảnh, tình tiết của câu chuyện Thằng Nhái không hợp với cảnh Đức một tí nào, mà rất hợp với Việt Nam. Điều này nói lên kiến thức của 4 thằng Không Nhái về nước Đức rất kém, vì chúng nó chơi thân với nhau, hoàn cảnh gần giống nhau, từ đó suy ra kiến thức của Thằng Nhái cũng thế. Vậy khó mà nói được Thằng Nhái ở lại Đức vì động cơ chính trị, mà là vì miếng ăn. Nếu vì miếng ăn thì có gì là xấu, nó lại không ăn mất phần của người dân Việt, thế chẳng quý hơn những người mà các bác thích phê phán à.
Với những thông tin mới ở trên bác HHL nên tìm hiểu lại 5 học trò của mình. Biết đâu đấy. Ta là địch. Địch chưa chắc là địch.
41-1. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 18.04.14@05:27
Nếu không xem được video thì nhấn vào đây:
http://www.youtube.com/watch?v=DbpngkFcUU8
41-2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 18.04.14@05:56
Anh nói không sai. Không ai bất bình về chuyện nhà giáo Hoàng Hương Lan kể lại câu chuyện mình nghe được. Mà với bản thân tôi thì câu chuyện năm người học trò đó có trong thực tế hay hoàn toàn hư cấu ra không ảnh hưởng đến giá trị truyện ngắn. Nhưng tôi không muốn tin là những nhân vật có thật, vì nếu là chuyện thực có năm người học trò ấy thì những người trong cuộc sẽ bị tổn thương nhiều hơn. Và suy đoán trên cơ sở năm người ấy có thật thì anh mới có những phân tích ở comment 41, mà phân tích này của anh rất ác. Bốn người bạn kia căm ghét thằng Nhái vì miếng ăn, thế còn nhà giáo Hoàng Hương Lan tại sao lại đặt sự căm ghét vào nhân vật thằng Nhái? Vì lý tưởng ư? Chọn trường hợp đẹp đẽ nhất là vì lý tưởng, thì Gió Thầm Thì đã đưa ra khả năng là vì hiểu biết kém cỏi, như thế rất hợp lý, không phải là nói xấu.

"Thằng Nhái" là truyện hoàn toàn hư cấu thì sẽ dễ hơn cho tác giả, còn nó lại là "một nửa sự thật" thì rất rắc rối. Hoàng Hương Lan đóng cửa blog trước khi tôi đăng entry này vài tiếng đồng hồ, cho nên sự mệt mỏi nào đấy nếu có của Hoàng Hương Lan không liên quan đến bài viết của tôi.
41-3. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 18.04.14@06:19
Vấn đề ở chỗ, tại sao bác HHL tự nhiên treo bài Thằng Nhái. Theo tôi, nguyên nhân bình thường thôi. Bác Ái đừng gầm lên như thế. Đáng tiếc Mắt Đời vì hiểu nhầm tôi mà bỏ Xóm Lá. Thành ra có người ngẩn ngơ:
Bảo ở, mà không ở, lại bỏ ra về. Mắt Đời ơi, Mắt Đời ơi....

Ps. Nếu không xem được nhấn nút sau:
http://www.youtube.com/watch?v=gEr_E4qBCKs
41-4. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 18.04.14@10:48
Cũng ko nên quan trọng hóa về kiến thức. Người viết thế, nếu người đọc cũng tin là thật, thì người đọc đó thế nào? Thế nên. Bác Ái ơi. Chuyện bình thường thôi.
41-5. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 18.04.14@21:19
Thì tôi đã cảm ơn anh rồi còn gì nữa! (Xem còm 7-1). Người nào cũng phải chịu trách nhiệm về việc của mình. Cẩn thận kẻo anh nói hết phần của người khác đấy!
41-6. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 18.04.14@22:08
Tôi chưa nói gì và cũng ko nói đứng đắn như trên nữa! (Xem còm 41-3). Nên chẳng cần phải cẩn thận.
42. Cảm nhận từ: HỮU ĐẠT [Blogger] Email 18.04.14@21:09
Ái nữ à! Anh cũng chả tranh luận làm với người luôn cho là mình đúng. Đúng là không có xã hôi nào cho phép dùng bạo lực, nhưng họ đã làm ngơ để kẻ xấu lợi dụng. Những chuyện anh biết là do những người đi lao động xuất khẩu về kể lại. Còn báo đọc vào khoảng sau năm 1990 nên không nhớ rõ năm. Hồi đó ít báo lắm không nhiều như bây giờ mà nhớ nhầm.
Còn phim xây dựng vào nagyf nay mục đích để gắn tình đoàn kết tăng cường quan hệ làm ăn thì phải gạn đục khơi trong chứ. Thôi tạm biệt Ái Nữ em biết mail của anh rồi đó. Khi nào em qua đó anh đã nháy vào nhà em. Cú ghe chơi ta trao đổi bình đẳng. Thôi tạm biệt mọi người tạm biệt cái blog hay cãi nhau này.
42-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 18.04.14@21:23
Tuy người ta hay cãi nhau trong blog này, nhưng mà đều bình đẳng đấy chứ! Anh không thích tranh luận thêm ở đây thì thôi, cũng là quyền bình đẳng của anh. Hì hì...
42-2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 28.04.14@04:44
Anh Hữu Đạt tuyên bố bỏ Blogtiengviet.net lúc 21h45' ngày 18-4-2014. Hóa ra "cái blog hay cãi nhau này" là Blog Việt chứ không phải là riêng blog "Hơi Thở Của Vũ Trụ".

O Ví quả là "cường bạo"! 
43. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 19.04.14@12:14
e ..hèm ..năm nay khó mà được giấy khen GIA ĐÌNH VĂN HÓA - chán chê chẳng sao ,cứ MỞ CỬA là y như rằng có CÃI NHAU
MẤT TRẬT TỰ nhất xóm
43-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 19.04.14@12:22
Ôi thôi thôi! Giấy khen ấy có đem ăn được đâu hả bác!
Cãi nhau xả stress còn vui hơn! 
44. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 19.04.14@14:58
Ờ !không ăn được ,nhưng có thì oai hơn (cười)
tôi mà ở gần thế nào cũng xin bằng được chân bán nước ,trông xe nhà đông khách thế này thì phát tài chả mấy
44-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 19.04.14@19:13
Không báu bở gì cái "oai" đâu bác Mài Kim ơi!
Thà bán nước, trông xe... còn dễ bề xoay xở.
Chứ "oai" ấy mà, khi cần khó "chuyển gam" lắm! 
44-2. Phản hồi từ: vomtroirieng [Blogger] Email20.04.14@09:58
Chị VTR cũng lợi dụng cơ hội,mở lớp dạy kèm con cháu mấy người bán nước,trông xe..mà nước giải khát nha AN
44-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 20.04.14@10:11
Nhưng chị dạy thế nào thì dạy, phải làm sao để cho chúng nó biết cách... cãi nhau đấy nhé! 
44-4. Phản hồi từ: vomtroirieng [Blogger] Email20.04.14@11:17
Uhm...trước tiên là phải dạy cho bọn nhóc hiểu và sử dụng đúng từ "cãi lộn","đánh lộn"
Cãi thì phải cãi cho đúng việc đúng đối tượng,chứ nhóc nào mà cãi"lộn'chỗ "lộn" người thì biết tay chị,hì hì
44-5. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 20.04.14@14:53
Bác VTR và bác Mài Kim tranh nhau bán nước!
Không sợ à?
Không cãi nhau à?
45. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 20.04.14@18:12
ờ ! chuyện cho vui ngày cuối tuần ấy mà
sức được mấy nả mà đám động vào 2 bà chằn xóm lá cây da ,cây đề còn gẫy cành ,bật rễ -gương tầy liếp ra đấy =dâu ai dễ dám quên
NGƯỜI HÀ NỘI có nhớ cậu dế chũi cuả ông TÔ HOÀI không ? trêu CHỊ CÒ , CHỊ CỐC gì đấy -có một nhát mỏ mà suýt phải đi VIỆT ĐỨC chỉnh hình
CHẢ DẠI!
45-1. Phản hồi từ: vomtroirieng [Blogger] Email20.04.14@20:38
Trời ạ,Maikim dám phong hàm cho Aí Nữ và Người Hà Nội là hai bà chằn kìa
45-2. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 20.04.14@20:46
Vòm Trời Riêng đang "đá bóng sang chân người khác" đấy!
Là Mài Kim đang nói Vòm Trời Riêng, người có "con thú dữ" đang phải tìm cách tự bắt trói lại kìa...
46. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 20.04.14@21:24
tôi mà bị VTR oánh,nhị vị cũng được chia phần đấy
46-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 21.04.14@05:50
Hóa ra bác Mài Kim là... thú rừng sao?
47. Cảm nhận từ: Hải Minh [Blogger] Email 21.04.14@08:35
trong SÁCH ĐỎ trang 18 có bài và hình của tôi lúc nào rảnh mời ÁI vào xem
quý ,hiếm lắm đấy
chúc một tuần mới như ý
cám ơn cả nhà vì những giây phút thư dãn cuối tuần
47-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 21.04.14@23:37
Ôi, tôi không có Sách Đỏ nên không xem được. Bạn nào có thì chụp ảnh trang 18 post lên đây để mọi người cùng thưởng thức sắc đẹp của loài "maikim" nhé! 
47-2. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 22.04.14@04:27
Ôi, không phải SÁCH ĐỎ, mà là sách đó -đờ o đo sắc đó-, "Dế Mèn phiêu lưu ký"
47-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 22.04.14@09:32
Đây phải không?

48. Cảm nhận từ: Lời gió thầm thì [Blogger] Email21.04.14@14:21
Hôm nay là ngày lễ hội trứng cuối cùng, có chút thời gian nên tôi lại chạy sang nhà bạn. Tôi bất ngờ, mà suy cho cùng cũng khg còn bất ngờ lắm nữa trước sự " sôi nổi" trong ngôi nhà của bạn. Những cm dài quá, tôi khg muốn dành cả buổi sáng nhàn rỗi này để đọc chúng. Một khi nào đó thì có thể. Hôm nay tôi muốn dành nhìu thời gian cho những quyển sách của tôi.
Chỉ muốn viết với bạn đôi điều thôi, về câu truyện thứ nhất của " ả gà mái" ấy. Thật thâm thúy và sâu sắc, thói hư tật xấu của sự phóng đại, và sự phóng đại lại nằm trong thói quen của mỗi chúng ta. Đôi khi, mặc dù ta dày công luyện tập cho mình 1 cách nhìn đời trung thực hơn, nhưng vẫn khg tránh khỏi được những thói xấu của mình trong khoảnh khắc nào đó, ta vẫn có thể phạm vào như thường. Bởi điều ta nghe, nhiều khi nhìn thấy tận mắt vẫn khg thể nào thấy đc sự thật tận tường... Điều này chắc bạn biết hơn tôi . Nên chỉ mạo muội nói vậy thôi.
Còn 1 điều nữa tôi muốn tiện bài viết này, nói lại những suy nghĩ của mình. Mặc dù với tôi nó đã qua. Nhưng có lẽ vì bạn nhắc lại, nên tôi cùng nhắc lại. Đó là những dòng cm này bên nhà bạn của tôi, và với bạn: “Ái Nữ, tôi đã đọc câu chuyện “Thằng Nhái” theo đường link bạn đưa. Câu chuyện nói với tôi một điều. Đây là sự bịa đặt đáng thương hại nhất mà tôi gặp. Nó nói với tôi hoặc đây là một sự hiểu biết quá kém cỏi. Hoặc là một sự vô trách nhiệm trầm trọng về lời ăn tiếng nói của mình. Hoặc là một sự vô cảm đáng thương tâm của nhân cách. Liệu người viết có khi nào nghĩ đến những hậu quả của những dòng chữ mình viết ra? Hư cấu đến đâu chẳng nữa nhưng bóp méo 100% sự thật về một đất nước và chính sách của đất nước mà mình không hề biết đến, đó là một việc làm không có nhân cách, và không nên làm. Người ta chỉ có thể viết những câu chuyện như thế này, khi tên nước là một nơi không tồn tại, hay nơi ấy có sự thật là như thế”

Bạn mến, tôi đã viết những dòng cm này trên dòng cảm xúc mà chưa có những suy nghĩ và những cái nhìn phía sau những điều chưa thật. Mặc dù cm của tôi chính xác về cái nhìn thứ nhất. Bởi nước Đức khg có bắt người nước khác phải nói vào loa và phỉ báng hay từ chối đất nước của mình như " thằng Nhái" phải làm.Cm của tôi dành cho khía cạnh này, khía cạnh nhắc về nước Đức. Nhưng câu truyện của những kẻ quay về lại khg phải là câu chuyện của "thằng Nhái" và tôi chợt hiểu ra một nỗi đau khác, nỗi đau nằm trong bài viết ấy. Nỗi đau của tình người và quyền con người bị đánh mất và nhục mạ từ lâu. Vì vậy tôi đã viết bài viết " Sứ giả của mùa xuân" này bên nhà mình ở đây.

Bạn nói bạn là diễn viên và sao chép hiện trường, thế nên đây là bài viết mà chứng minh cho 1 câu truyện của Khổng Tử và nồi cơm của người học trò thật gần
48-1. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 21.04.14@23:49
Bạn thân mến, nếu có sự thật nào bao gồm được tất cả mọi sự thật, thì hẳn là không dành cho những phàm nhân như chúng ta. Trong một kiếp người ngắn ngủi chúng ta không có đủ cơ hội để học hỏi tất cả mọi điều trong vũ trụ. Vì thế chớ nên ngần ngại quá nhiều về những sai lầm mà nên học cách chấp nhận nó. Thật hay Giả cũng Là-Một mà thôi.
48-2. Phản hồi từ: Lời gió thầm thì [Blogger] Email22.04.14@19:15
Bạn mến! tôi không nghĩ như bạn. Tôi nghĩ rằng sự thật có đấy, không cần phải có mọi cơ hội của vũ trụ, nó chân chính và giản dị. Đôi khi sự giản dị đến mức như đất dưới chân ta, như bầu không khí ta thở, hay như cơn gió đang mơn man làn da hồng ấm... Sự thật luôn tồn tại, những con người lại nhiều khi không muốn nó tồn tại, họ vay mượn muôn vàn phương tiện hay mánh khóe để lấp vùi sự thật. Mặc dù vậy sự thật vẫn sống và ta luôn cảm nhận được chúng. Chúng sẽ chỉ hiện hình khi đến thời điểm, và mặc kệ ta muốn nhìn thấy chúng hay không mà thôi. Lầm lỗi chỉ có thể tồn tại khi sự thật tồn tại có phải vậy khg bạn.
48-3. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 22.04.14@19:28
Không có lầm lỗi, chẳng qua là sự thật của người này không giống với sự thật của người khác mà thôi. 
48-4. Phản hồi từ: Lời gió thầm thì [Blogger] Email22.04.14@19:47
 Điều này luôn tồn tại mà. sự thật nằm vào vị trí nào và thế giới nào thì để là sự thât. Như vậy là có sự thật trong suy nghĩ của bạn đúng khg ạ?
Đó là cái gọi là sự thật của riêng tư, mà chỉ có thời gian mới có thể cho bạn thấy đó có phải là sự thật chân chính hay khg mà thôi. Chỉ có sự thật chân chính mới tồn tại nổi với thời gian và khg gian thôi có phải khg ạ?
48-5. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 22.04.14@19:56
Nếu cứ cố gắng phân biệt "sự thật chân chính" và "sự thật không chân chính", rất có thể một lúc nào đó chúng ta bị kết án là "độc tài" cũng nên. 
48-6. Phản hồi từ: Lời gió thầm thì [Blogger] Email22.04.14@20:02
 Bạn mến, khi chúng ta cố gắng phân biệt đâu là sự thật chân chính và đâu là sự thật không chân chính. Thì đó là lúc chúng ta đang giam mình vào 1 giới hạn. Mà giới hạn thì khó lắm để nhìn ra sự thật. Tôi nghĩ rằng sự thật là điều ta tự nhận ra, bởi chúng thật giản đơn bạn nhỉ. Nó như gió, như hoa, như cỏ như cây. Chúng tồn tại đâu cần ta phân biệt.
Điều mà có lẽ mỗi chúng ta nên làm là tôn trọng sự thật, chỉ vậy thôi, dâu cần gì to tát ạ!
48-7. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 22.04.14@20:10
48-8. Phản hồi từ: Mắt Đời [Bạn đọc] Email22.04.14@22:11
@ Lời gió thầm thì: like
48-9. Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email 22.04.14@22:23
Ôi bạn Mắt Đời đáng yêu dễ thương đây rồi! 

@ Người Hà Nội
Món chèo cổ với quan họ của anh xem ra không được quyến rũ như lời thầm thì của Gió.
48-10. Phản hồi từ: Người Hà Nội [Bạn đọc] 24.04.14@02:08
@ Mắt Đời
Khách đến í đến chơi hự nhà là chơi hự ư nhà.
Đốt than ớ ơ dậu mà quạt nước mấy pha trà
mời người xơi là chén có a trà này.
Quý vậy ơ quý vậy đôi người ơi.i hi
Mỗi người là người xơi mỗi chén ấy
cho em í i vui lòng là em í i muốn cho
Sông cạn í ơ sông cạn í ơ đất liền.

49. Cảm nhận từ: tranquoctrung78 [Blogger] Email24.04.14@12:53
"Nếu cứ cố gắng phân biệt "sự thật chân chính" và "sự thật không chân chính", rất có thể một lúc nào đó chúng ta bị kết án là "độc tài" cũng nên". Đọc cm này của bạn Ái Nữ mới thấy thế giới thật nhỏ bé. Trong cuộc sống có những điều rất ngẫu nhiên. Hôm qua, mình được một người anh [trong lúc nhậu] có ý "nhắn nhủ" phải sống ra sao, rằng phải thoát bỏ chính mình, rằng "Sự thật giải phóng chính mình".
Giả sử "Thằng Nhái" là sự thật. Vậy "Thằng Nhái" có phải là một sự giải phóng?
Sự thật giải phóng nó khỏi những gì?
Nó có biết? Nó không thể thoát khỏi sự thật. Chắc chắn chỉ có một sự thực duy nhất tồn tại đó là: Không có sự thật.
Tất cả sự thật đều được vẽ bởi lũ giả thần giả quỷ - mà không ai biết thần và quỷ ra sao.
Sự Thật Là Một Điều Phi Lý

Lev Tolstoi có nói: "Một người có thể thoái hoá đến mức chẳng khác gì con vật. Khi đó anh ta sẽ sống theo qui luật của đời sống động vật, thậm chí là đời sống của con vật vô sinh. Nhưng trong những biểu hiện chung nhất, con người luôn luôn đã và sẽ mãi mãi là một sinh vật khác hẳn với tất cả những sinh vật khác trong thế giới. Bởi chỉ duy nhất con người mới có lí trí và ý chí."
Lev Tolstoi đã tự lên án mình một cách cay đắng nhất, khi ông bất lực trước sự phi lý đang hiện hữu trong đời sống. Nhưng phải chăng, cũng vì những phi lý ấy mà chúng ta đã có một tác phẩm bất hủ: "Sống lại". Tôi muốn nhắc đến "Sống lại" chỉ để khẳng định một điều hiển nhiên: Chỉ có lũ người thấp hèn hạ đẳng mới có thể hạnh phúc sống kiếp súc vật trong xác người. Đúng vậy - Sự thật là điều phi lý

Giả sử "Thằng Nhái" là một t/p văn chương [như ý kiến bạn Ái Nữ] thì thật mỉa mia khi xét đến nền nghệ thuật ngày nay. "Thằng Nhái" chắc chắn không phải là một "trò chơi" về ẩn ngữ. Bởi cách gọi như thế là cho phép độc giả hình dung rành mạch về sự ngu xuẩn đã thấm nhuần trong tư tưởng của người viết. Ta thấy - Nghệ thuật bị lợi dụng một cách thô bỉ để thực hiện những mục đích đê hèn. Ở đây, t/g chú ý đến những mâu thuẫn trong cuộc sống, sự hỗn loạn dẫn tới phân tâm - qua đó khai thác độc giả thể hiện những hành vi chính trị công khai. Và chúng ta, không thể không thừa nhận: Phải thật sự ngu xuẩn thì họ mới có thể thực hiện được những phương pháp uyển chuyển đấy. Bởi không còn ai bị mắc lừa và quan tâm tới những bàn tán hèn hạ của lũ súc vật có hình người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét