Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc cùng bạn đọc

Với bạn đọc:
       Thưa các bạn,
      Tôi là một độc giả mới của Triết Học Đường Phố và rất yêu mến trang của những cây viết tự do này. Mấy ngày trước tôi đọc được một bài đăng trên Triết Học Đường Phố ngày 08-02-2014 với tiêu đề dễ làm nhiều người Việt Nam giật mình: "Những điểm giống nhau giữa chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản". Tác giả của bài viết này là tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc. Thật ra tên gốc bài viết là  "Chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản", đường link nguồn của bài viết này dẫn tới blog của Nguyễn Hưng Quốc trên VOA Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Qua những bình luận của độc giả Triết Học Đường Phố, tôi thấy có những người không hài lòng và có những người lo lắng về việc một bài viết như thế lại đăng trên Triết Học Đường Phố, vì rằng bài viết ấy viết về chính trị và nó có vẻ... phản động.
       Tôi thấy sự cảnh giác của bạn đọc là có lý do, nhưng tôi cho rằng chúng ta không cần quá lo ngại mà nên thấy đó là cơ hội để học hỏi khi gặp một vấn đề làm ta phải suy nghĩ. Hôm nay tôi sẽ trao đổi cách nhìn của tôi đối với bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc.

Với ông Nguyễn Hưng Quốc:
       Thưa tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc,
      Tôi mới có hân hạnh được đọc bài viết "Chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản" đăng ngày 07-4-2013 trên blog cá nhân của ông và đăng ngày 08-02-2014 trên trang Triết Học Đường Phố với tiêu đề "Những điểm giống nhau giữa chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Cộng sản". Bài viết của ông đã gây nên những dư luận trái chiều, có những ý kiến đồng tình ủng hộ, có những ý kiến phản đối gay gắt. Là một người được sinh ra sau năm 1975 và lớn lên trong đất nước do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, tôi muốn trao đổi với ông với tư cách một cá nhân tự do, trên lập trường quan điểm của riêng bản thân tôi.
Một người Việt Nam có kinh nghiệm viết là ông Hồ Chí Minh có chia sẻ với những người cầm bút rằng khi đặt bút, cần xác định rõ vài điều: viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì, cách viết thế nào. Những điều ấy rất mạch lạc và dễ hiểu, nên tôi sẽ dựa vào đó để phân tích chất lượng bài viết của ông.
Ba điều đầu tiên: Ông viết cho ai, viết cái gì và viết để làm gì. Tôi xin trích dẫn đoạn cuối bài viết của ông:
"Trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ kéo dài hơn một thập niên, chủ nghĩa Cộng sản kéo đến hơn bảy thập niên; trong khi hầu như mọi người đều nhận ra tội ác của chủ nghĩa Phát-xít, không ít người vẫn còn ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng sản; trong khi chủ nghĩa Phát-xít đã trở thành quá khứ, chủ nghĩa Cộng sản vẫn ở trong thì hiện tại, ít nhất là ở năm nước: Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam.
    Chữ “Việt Nam”, xuất hiện trong ngữ cảnh ấy, quả là một điều đau đớn.
    Lý do chính khiến tôi viết bài này là vì tôi biết, ở Việt Nam hiện nay, có không ít người, kể cả trong giới trí thức, chưa nhận ra chủ nghĩa Cộng sản, tự bản chất, rất gần với chủ nghĩa Phát-xít, điều mà họ luôn luôn nguyền rủa".
Như vậy là ông viết cho những người Việt đang sống ở Việt Nam, viết để giúp cho những người mà theo ông thì họ còn mê muội nên chưa nhận ra một chân lý mà ông đã nhận ra. Điều này rất tốt, rất thiện chí, thưa ông! Ông viết cái gì? Viết về nỗi đau đớn rằng chủ nghĩa Cộng sản vẫn còn đất sống tại Việt Nam. Thưa ông, tôi biết có một bộ phận không nhỏ người Việt ở nước ngoài là những người mà quyền lợi cá nhân của họ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí nhân phẩm bị xúc phạm sau mùa xuân năm 1975, khi Miền Nam Việt Nam về tay những người theo chủ nghĩa cộng sản. Họ có lý do để đau đớn khi nghe nhắc tới bốn chữ "chủ nghĩa cộng sản", và ông có lý do để đau đớn cùng họ. Đó là hậu quả khó tránh khỏi của những cuộc binh biến xưa nay, ở bất cứ nơi nào có chiến tranh trên thế giới. Về điểm này, cá nhân tôi có thể thông cảm và chia sẻ cùng ông, và tôi tin rằng nhiều người có thể đồng cảm với ông.
Thế thì lý do gì mà có những bạn đọc cho rằng bài viết của ông "lá cải" và "phản động"? Tôi thấy sự trục trặc đã xảy ra ở điều thứ bốn: ông đã viết như thế nào.
Mở đầu bài viết, ông kể một câu chuyện "vui" với phong cách "buôn dưa lê" về một người nông dân Việt Nam lẫn lộn giữa hai từ "mác-xít" và "phát-xít", và về mấy sinh viên Miền Nam không lẫn lộn nhưng nói thì thầm với nhau rằng "Thì Mác-xít hay Phát-xít cũng vậy thôi!" Đó là câu chuyện mà theo ông đã xảy ra hơn 35 năm về trước, nay ông kể lại làm quà cho bạn đọc trước khi dắt họ sang những câu chuyện khác. 
       Những câu chuyện khác trong bài viết của ông là chuyện gì? Thật đáng ngạc nhiên, để chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít giống nhau, trong bài viết không dài của mình (bài viết của ông có tổng cộng 1937 từ), ông đã dẫn đến tên sáu cuốn sách và ý kiến của mười ba tác giả khác nhau, và tôi không tìm thấy những ý nào nói lên quan điểm của riêng cá nhân ông và thể hiện trí tuệ của ông. Đến nỗi tôi phải tự đặt ra câu hỏi rằng có phải ông thiếu tự tin về hiểu biết của bản thân nên mới phải viện dẫn đến quá nhiều những ý kiến của người khác hay không? Làm như vậy, bài viết của ông nó có vẻ giống như một bài điểm sách. 
       Với những độc giả am hiểu xã hội và nghiên cứu triết học, họ không cần đọc bài viết của ông để thu được hiểu biết về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít. Còn với những độc giả tự thấy mình thiếu hiểu biết nên mới cần tìm hiểu ý kiến của những người mang học vị tiến sĩ như ông, họ sẽ thấy hoang mang, vì để nắm được sự thật nào đấy thông qua bài viết của ông, họ sẽ phải đọc sách của hơn chục tác giả khác mà ông nêu tên trước đã, và tôi tin chắc rằng họ sẽ bỏ cuộc. Vậy thì bài viết của ông giúp được gì cho họ ngoài một nhận định áp đặt rằng chủ nghĩa cộng sản giống chủ nghĩa phát-xít? Nếu họ căm ghét cộng sản thì tự họ có thể có nhận định ấy mà không cần đến ông. Họ đọc bài viết của một học giả là mong có được những phân tích khách quan đưa họ đến một cái nhìn mới mẻ hoặc giúp họ khẳng định hay bảo vệ những quan điểm cũ. Đặt mình vào cương vị những độc giả ấy, tôi thấy thất vọng về bài viết của ông. 
       Để cho bài viết của mình thêm vẻ hùng hồn, ông đưa ra vài con số: "Trong hơn mười năm (1933-1945), chủ nghĩa Phát-xít giết hại khoảng 25 triệu người và trong vòng hơn 70 năm (1917-1990), chủ nghĩa Cộng sản giết hại khoảng từ 80 đến 100 triệu người". Những con số thường hấp dẫn, vì chúng có thể nói sự thật với ta hoặc đánh lừa ta. Những con số ông nêu ở đây, tôi không xét đến chuyện những ai là người thống kê và họ thống kê theo tiêu chuẩn nào, nhưng tôi thấy rất hàm hồ khi gắn chúng với những "chủ nghĩa". Những người chết được thống kê phải là những con người thật, chết trong những sự kiện có thật được nhiều người chứng kiến, và những sự kiện ấy luôn rất phức tạp với bao mối liên hệ chằng chịt. Còn chủ nghĩa, dù là chủ nghĩa gì đi chăng nữa, cũng là đối tượng vô hình mà chúng ta không thể đem ra một tòa án công khai để xét xử. Nếu buộc số người chết vào một chủ nghĩa nào đó như cách làm của ông, rất có thể rồi chúng ta sẽ được đọc những bài viết kiểu như "Sự giống nhau giữa chủ nghĩa khủng bố và tai nạn giao thông". Như thế thì quả là hài hước! Và nhiều bạn đọc sẽ không bằng lòng khi thấy ông khôi hài trong một chủ đề rất đỗi nghiêm túc.
    Ngoài những điều tôi kể ra ở trên, tôi đã cố gắng nhưng cũng không tìm được đoạn văn nào khách quan tỉnh táo giúp tôi học hỏi được điều gì đó. Toàn bài viết chỉ còn đọng lại trong tôi là thái độ của ông căm ghét chủ nghĩa cộng sản và muốn thủ tiêu nó. Tôi hiểu được và rất thông cảm nguyện vọng ấy của ông, thưa ông! Cá nhân tôi còn muốn thủ tiêu tất cả những chủ nghĩa đã từng tồn tại trên đời, vì chúng làm cho nhân loại bị chia rẽ một cách sâu sắc, gây nên bao cuộc chiến tranh làm tổn hại cả thể xác lẫn tinh thần con người dưới mọi hình thức. 
Ông nói rằng chủ nghĩa cộng sản, thông qua "một thứ văn học nghệ thuật Cộng sản", đã "dung dưỡng các ảo tưởng". Riêng điều này thì tôi đồng ý với ông. Nhưng tôi cho rằng đó chính là ưu điểm của chủ nghĩa cộng sản, và những giấc mơ tươi đẹp tự bản thân nó không thể gây nên thảm họa. Chúng ta cần chấp nhận một sự thật rằng con người luôn sống với những ảo tưởng, luôn được dẫn dắt bởi những ảo tưởng có tên gọi là ước mơ. Sai lầm đem đến thất bại của những người theo chủ nghĩa cộng sản không phải là họ đã mơ ước, mà là có những người không trung thực, khi họ biết họ không đủ sức và trong tâm họ đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản nhưng họ lại nói dối những người khác, nói dối dân chúng, họ chỉ còn là những kẻ đội lốt mà thôi. Sự dối trá là sai lầm của con người từng xảy ra ở mọi nơi, mọi chủ nghĩa, mọi tôn giáo, mọi thời đại, chứ không phải chỉ có ở những người nằm trong Đảng Cộng Sản.
Chúng ta không có lý do để đòi giết chết những ước mơ tươi đẹp của con người, mặc dù có những khi chúng mang những hình thức mà ta không hiểu nổi. Tuy các nhà khoa học chưa bao giờ chứng minh được là một người phụ nữ đồng trinh có thể mang thai và sinh nở, nhưng hình tượng Đức Mẹ Maria trong đạo Thiên Chúa vẫn sưởi ấm trái tim rất nhiều người, kể cả những người không theo tôn giáo ấy. Còn hình tượng Phật Bà Quán Âm vẫn chiếm được niềm tin của rất nhiều tín đồ đạo Phật. Những người mà họ, hoặc thế hệ cha ông họ đã chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, và hiện tại trong tâm họ vẫn trung thành với lý tưởng ấy, làm sao mà ông có thể đòi họ chấp nhận rằng chủ nghĩa cộng sản giống và thậm chí còn nguy hiểm hơn chủ nghĩa phát-xít, trong khi họ được trang bị cả một học thuyết Marx - Lenin đã được xây dựng bài bản và nhân loại đến nay vẫn còn chưa thôi nghiên cứu? Chỉ những người căm ghét cộng sản mới hoan nghênh bài viết của ông mà thôi. Như vậy, bài viết của ông không những không đạt được mục đích giúp người dân Việt Nam nhận ra một điều cần thiết nào đó, mà nó còn gây chia rẽ lòng người.
Thưa ông, mặc dù tôi có thiện cảm về việc ông có lòng quan tâm đến quê hương Việt Nam, nhưng tôi không thể bao biện được cho ông về việc ông đã viết một bài viết rất tồi. Nhân vì bài viết của ông nói đến vấn đề ảo tưởng, tôi cũng muốn nhắc lại một điều không mới rằng dù chúng ta nhiệt tình yêu quê hương đất nước, nhưng khi làm việc thì chúng ta phải dùng đến năng lực thực sự. Song với một việc chưa lớn như là viết một bài viết mà ông còn làm một cách cẩu thả bừa bãi như thế, thì e rằng tình yêu của ông chỉ dừng lại ở chót lưỡi đầu môi, ở câu chữ múa may huê dạng chứ chưa giúp ích được điều gì thực tế cho dân tộc cả. Vì ông lấy việc viết lách làm nghề nghiệp, nên tôi mong ông từ nay hãy cẩn trọng hơn với ngòi bút, để có thể viết ra những bài viết thực tế hơn đóng góp cho đất nước cho dân tộc, không tự làm mất uy tín với cái tên Hưng Quốc của ông!
Với bạn đọc:
       Thưa các bạn!
       Chúng ta vẫn hằng mong muốn đạt được tự do ngôn luận thật sự trên đất nước Việt Nam, vậy thì thay cho việc ngăn người khác nói, chúng ta hãy học cách chấp nhận ngôn luận của họ đồng thời rèn luyện cho mình cách nói, viết sao cho những người khác cũng chấp nhận được ngôn luận của chúng ta. Khi chúng ta lên án sai lầm của người khác, rất có thể chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của họ. Vì thế, thái độ trung dung là điều mấu chốt giúp đầu óc tỉnh táo khi nhìn nhận sự việc cũng như giữ được sự bình đẳng trong tranh luận. Tôi mong các bạn đọc dù không đồng tình với quan điểm trong bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc thì vẫn giữ thiện chí với con người ông ấy, còn các bạn đọc đồng tình với quan điểm bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc thì cũng có thể chấp nhận cách nhìn trong bài viết của tôi với thái độ trung dung. 
                                                                                           Ái Nữ

Với bạn đọc của Blog Việt và Blogspot:
       Tôi không có cơ hội được biết bạn đọc của Triết Học Đường Phố có chấp nhận bài viết của tôi với "thái độ trung dung" hay không, vì sau khi tôi gửi đăng, biên tập viên của Triết Học Đường Phố đã gửi email tới tôi để thông báo: "Chào bạn, mình là biên tập viên của Triết Học Đường Phố. Bài "Trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc cùng bạn đọc về một bài viết" của bạn không được xét duyệt vì lý luận thiếu logic".
       Chao ôi, tôi được một phen "ngã ngửa" ra với với cái gọi là "Nơi hội tụ của những ngòi viết tự do" này. Bài của tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là do admin của họ sưu tầm chọn đăng, họ cũng đăng những bài kiểu như "Học thuyết Karl Marx - Lenin đã không còn giá trị nữa", "Chủ nghĩa xã hội vẫn là mùa xuân của nhân loại?"... Quả thật họ cũng đã đăng một bài viết phản biện cho bài "Học thuyết Karl Marx - Lenin đã không còn giá trị nữa", nhưng có thể thấy rằng những bài phản biện kiểu như thế không gây được sự chú ý, độc giả chỉ còn nghe thấy những cái "tít" tạo dư âm trái chiều với sự tuyên truyền của hệ thống chính trị Việt Nam mà thôi.
       Tôi cũng biết rằng bài viết của tôi "thiếu logic", nhưng tôi nghĩ chính vì thế mà họ nên đăng để cân bằng với những bài "thừa logic" như của ông Nguyễn Hưng Quốc mới phải. Hóa ra họ cho rằng từ trước đến nay trang của họ chỉ đăng toàn những bài tuyệt hảo và thuyết phục. Họ chấp nhận "lá cải" mà dứt khoát không chấp nhận "củ cải", thế thì hỏi làm sao mà "hội tụ" được? Trên trang Triết Học Đường Phố có những cây bút trẻ rất đáng yêu, nhưng cái người đứng đằng sau trang này thì quả là yêu không dễ. 
       Tôi không thuộc đảng phái nào, và tôi không có nhiệm vụ bao biện cho những đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam về những gì họ chưa làm được. Tôi cũng muốn ủng hộ những người tìm lối đi mới cho dân cho nước, nhưng đó phải là những người chân chính tạo được uy tín đối với tôi. Một người nông dân ít chữ không phân biệt được hai từ "Mác-xít" và "Phát-xít" không thể gây ra những sai lầm nguy hiểm bằng một người mang danh trí thức dùng xảo ngôn để kích động quần chúng. "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa". Những người trẻ tuổi nên nghe ai bây giờ? 


       Chú thích:  www.triethocduongpho.com là một trang mạng mới ra đời vào tháng 8-2013, với tiền thân là một trang Facebook. Trang này có rất đông bạn đọc trẻ tuổi, chỉ đến thời điểm hiện tại đã có trên 76000 lượt "like", được đánh giá là một trang có rất nhiều tiềm năng.
        Chú ý: Các bạn có thể đọc những lời bình luận sôi nổi cho bài viết này tại đây.

38 nhận xét:

  1. Bài viết hay nhưng khi nói chinh trị mình...sợ quá! Dọt. Heee!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước khi "dọt" còn đàng hoàng để lại dấu vết mới... "sợ" chứ!

      Xóa
  2. Bài viết đa chiều, nhiều khía cạnh mà báo chí chính thống không đề cập.

    Ai cũng dễ dàng nhận ra nhưng còn thay đổi là chuyện khác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Ai cũng dễ dàng nhận ra" nhưng người ta không muốn nhận ra nữa, tự bịt mắt che tai chui vào tháp ngà mất rồi, cho nên "thay đổi là chuyện khác".

      Xóa
  3. Tôi thích lập luận săc sảo, chính diện của AN!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra những bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc không đáng để tôi phải dụng tâm, tôi chỉ muốn viết cho các bạn trẻ tham khảo một cách nhìn. Nhưng khi trang Triết Học Đường Phố từ chối bài viết, tôi mới thấy vấn đề còn lớn hơn tôi tưởng. Người sáng lập trang này đang sống trên đất Mỹ. Những bài viết "lá cải" không thể gây hại cho Đảng Cộng Sản, chỉ là tự họ làm mất uy tín của họ mà thôi.

      Xóa
    2. Đọc được khoảng 2/3 bài chị nghĩ là em nên gửi đăng ở đâu đó( lấy nhuận bút mua ít giống cây để chị trồng.....ý nghĩ đến nhanh vậy đó).
      Kiếp này Ái Nữ có tiếng nói thật sự giá trị với...chị Ong,hì.....

      Xóa
    3. Ấy chết, chị đừng có xui dại em! Em không thích diễn vai nhà hoạt động chính trị.

      Xóa
  4. Xin góp với bạn mấy ý.

    1. với những độc giả tự thấy mình thiếu hiểu biết nên mới cần tìm hiểu ý kiến của những người mang học vị tiến sĩ như ông, họ sẽ thấy hoang mang, vì để nắm được sự thật nào đấy thông qua bài viết của ông, họ sẽ phải đọc sách của hơn chục tác giả khác mà ông nêu tên trước đã, và tôi tin chắc rằng họ sẽ bỏ cuộc.

    Tôi thì thú thật, nếu NHQ cố gắng chứng minh rằng Marxism = Facism tôi mới hoang mang. Như tôi cũng sẽ hoang mang khi nghe một anh kĩ sư lí giải về bệnh lý vậy. NHQ là nhà phê bình văn học. Với sử học xã hội học triết học anh ta là người ngoại đạo, nếu anh ta viết về những thứ ấy thì có họa điên mới đọc :d. Nhưng anh ta có thể đọc hiểu, đánh giá được đúng/sai các lập luận của các sử gia, nhà xh học theo những hiểu biết của anh ta - như chúng ta đánh giá chiên lược chiến thuật của các cầu thủ í - và sau đó giới thiệu các tác phẩm mà anh ta cho là OK. Ai dễ tính thì tin luôn các trích dẫn của anh ta, ai khó tính hoặc muốn hiểu sâu hơn thì tìm nguyên tác mà đọc. Thế thôi.

    2. Chúng ta cần chấp nhận một sự thật rằng con người luôn sống với những ảo tưởng, luôn được dẫn dắt bởi những ảo tưởng có tên gọi là ước mơ.
    Nhiều khi ước mơ của chúng ta là ảo tưởng trong mắt người khác, hoặc khi ở một giai đoạn nào đó ta nhìn lại .. Nhưng ảo tưởng thì thường ko thể là ước mơ. Một gnười bình thương chả ai ước mơ một cái ảo tưởng cả.

    3. Đoạn bạn trích đầu tiên (chữ đỏ) cho thấy theo NHQ, anh ta viết là vì có người "chưa nhận ra chủ nghĩa Cộng sản, tự bản chất, rất gần với chủ nghĩa Phát-xít,"
    Còn bạn thì cho là: "Ông viết cái gì? Viết về nỗi đau đớn rằng chủ nghĩa Cộng sản vẫn còn đất sống tại Việt Nam." và lí do ông ta viết thế vì ông ta thuộc bộ phận ko nhỏ bị CS xúc phạm sau 1975 .. Tóm lại là anh ta viết cho hả giận

    Hihi, cái anỳ có mà cãi nhau đến mồng thất ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh! Anh quả là tinh ý!

      1. Đúng như anh nói, thế thì tôi mới nói bài viết của ông ta giống như bài điểm sách. Nhưng tôi không tin anh thuộc loại độc giả cần đến những bài viết như của Nguyễn Hưng Quốc để hiểu về chủ nghĩa nọ kia, cho nên anh sẽ "hoang mang" về những chuyện khác với những độc giả ấy.

      2. Cái gì chưa thành sự thật thì nó vẫn còn là "ảo". Tâm lý người ta không muốn ước mơ của mình chỉ là ảo tưởng, nhưng sự thật là như vậy, cho đến khi cái ảo biến thành cái thật.

      3. Đoạn bạn trích đầu tiên (chữ đỏ) cho thấy theo NHQ, anh ta viết là vì có người "chưa nhận ra chủ nghĩa Cộng sản, tự bản chất, rất gần với chủ nghĩa Phát-xít,"
      Cái này thì tôi đã chấm điểm vào chỗ ông ta viết để làm gì rồi, và cho điểm thiện chí, ông ta đâu có bị thiệt.
      "chủ nghĩa Cộng sản vẫn ở trong thì hiện tại, ít nhất là ở năm nước: Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam.
      Chữ “Việt Nam”, xuất hiện trong ngữ cảnh ấy, quả là một điều đau đớn."

      Và chẳng phải ông ta đã muốn độc giả thấy cộng sản giống phát-xít để thấy cộng sản còn là đau đớn đó sao?

      Vấn đề bài viết của Nguyễn Hưng Quốc chính là thái độ, cho nên tôi mới đáp lại bằng thái độ. Tôi "mặc định" rằng ông ta viết với thái độ căm giận chả phải độc giả sẽ thiện cảm với ông ta hơn rằng ông ta viết vì tiền hay sao? Nếu không thì vì động cơ nào mà nhà phê bình văn học lại liên tục hò hét trên diễn đàn về triết học và chính trị? Còn nếu chỉ vì tình yêu nước (tôi cũng "mặc định" luôn là ông ta viết vì yêu nước yêu dân Việt Nam như đoạn cuối bài ông ta thể hiện) thì cũng không thể phủ nhận rằng bài viết ấy rất tồi (chất lượng kém không đạt được mục đích).

      Nói chung, tôi đã cố gắng nâng ông ta hết mức rồi nhưng chỉ được thế thôi.
      Điều thiếu logic ở đây chính là đáng lẽ tôi không động đến những bài viết kiểu như thế cho mất thời gian, tôi không có động cơ giúp ông Nguyễn Hưng Quốc vì điều ấy vượt tầm khả năng của tôi, ông ấy đang muốn giúp người dân Việt Nam kia mà! Tôi chỉ muốn đặt ra vấn đề với những người bạn trẻ.

      Xóa
    2. "NHQ là nhà phê bình văn học. Với sử học xã hội học triết học anh ta là người ngoại đạo, nếu anh ta viết về những thứ ấy thì có họa điên mới đọc".
      Tôi không đồng ý với anh Khung K ở điểm này. Dù ông Nguyễn Hưng Quốc không phải là "nhà" gì đi nữa thì ông ấy cũng vẫn có thể viết về mọi đề tài. Kiến thức là của chung nhân loại nên không có ai là người "ngoại đạo". Tôi không phản đối ông ấy viết, nhưng chính vì thế mà ông ấy cần chịu trách nhiệm về bài viết của mình.

      Xóa
    3. Oh, có lẻ tôi vắn tắt quá nên bạn chưa hiểu đúng ý tôi. Xin được trình bày rõ hơn như sau:

      1. Với tư cách là một trí thức, ông NHQ có quyền và cả nghĩa vụ có ý kiến về mọi vấn đề liên quan đến tình hình đất nước, phù thế giáo một vài câu thanh nghị - cụ Uy Viễn viết từ mấy trăm năm trước. Trí thức thoái thác chỉ lo chuyên môn đã có tên gọi rồi: trí thức trùm chăn

      2. Để có thể có ý kiến, thì phải có thông tin. Thông tin về sử thì lấy ở nhà sử học, thông tin về xã hội thì lấy từ những khảo sát của nhà Xh học, các số liệu thống kê thì tìm hỏi nhà thống kê .. Đây là các lĩnh vực chuyên môn sâu, ko fai ai cũng có thể làm. Nên tôi đùa, nếu NHQ mà viết về sử, về Xh thì mới đáng băn khoăn.

      3. Tất nhiên thông tin về sử ko chỉ có một nguồn. Muốn sử dụng thì phải biết đánh giá. Ta ko hát được, nhưng có thể đánh giá được người này hát hay, người kia hát dỡ (tất nhiên nếu ko thể đánh giá thì dựa cột mà nghe, đừng nói). NHQ khi sử dụng nguồn tin nào đó, để làm cơ sở lí luận thì dĩ nhiên phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.

      4. Tôi đã đọc bài của NHQ, và cách viết của ông là đứng đắn: mỗi ý ko phải của ông đều dẫn nguồn rõ ràng, để thứ nhất, là tỏ rõ sự liêm khiết trí thức, ko đạo văn; thứ hai là để người đọc ai muốn check lại xem ông trích dẫn đúng hay xuyên tạc thì dễ dàng kiểm tra, ai muốn tìm hiểu sâu hơn thì dễ dàng tìm đọc.
      Nhân đây cũng nói thêm người Việt ta rất ưa cầm nhầm ý người khác, trích dẫn ko ghi nguồn. Ai ghi nguồn thì lại dè bĩu khoe chữ, khoe đọc nhiều, hàn lâm quá đại khái thế.

      5. Trên đây tôi chỉ nhận xét về kỷ thuật trình bày của NHQ thôi. Còn về nội dung, tất nhiên nếu ko ok ta có quyền phản bác. Nhưng tôi nghĩ phản bác thì nhắm vào các lí lẻ a, b, c của ông ta, lập luận logic chỉ ra từng điểm sai ở đâu, tránh những phê phán mang tính cách cảm tính, những suy đoán chủ quan. Có như thế mới thuyết phục được người đọc.

      Xóa
    4. Cảm ơn anh! Những comment của anh luôn có giá trị.
      Về những ý 1, 2, 3, 4 thì tôi đồng ý với anh.
      Về ý thứ 5: Bài viết của tôi không nhằm mục đích phản bác những lý lẽ của Nguyễn Hưng Quốc để bảo rằng ông ta sai, vì tôi thấy việc tranh cãi sai đúng về các chủ nghĩa là không thực tế và không có lợi ích. Tôi chỉ đưa ra cách nhìn của tôi về bài viết của Nguyễn Hưng Quốc để nói rằng ông ta chưa đủ sức để tạo uy tín với tôi. Tôi không hề thuyết phục người đọc rằng chủ nghĩa cộng sản không có điểm nào giống chủ nghĩa phát-xít. Tôi chỉ nói rằng bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc không những không có ích lợi mà còn gây chia rẽ lòng người.
      Nếu các nhà trí thức không để ý đến những điều thiết thực là "viết cho ai, viết để làm gì" mà cứ "tỏ rõ sự liêm khiết trí thức" để dùng vào việc "viết cái gì" thì dễ sa bẫy chiến thuật tâm lý. Những diễn đàn như của ông Nguyễn Hưng Quốc theo nhận xét chủ quan của tôi là nhằm mục đích tạo nên "không khí chống cộng", nếu cứ sa vào việc phản bác qua lại những lý lẽ của ông ta thì tức là giúp ông ta đạt được mục đích của mình. Theo tôi, "chống cộng" không phải là giải pháp thực tế với chính trị Việt Nam, nó sẽ dẫn đến "vơ đũa cả nắm". Đã mắc bẫy để người ta lợi dụng rồi thì dù "cách viết thế nào" cũng vậy thôi.

      Xóa
    5. Tôi tiếp tục góp ý với bạn nhé.

      1. Tôi chỉ đưa ra cách nhìn của tôi về bài viết của Nguyễn Hưng Quốc để nói rằng ông ta chưa đủ sức để tạo uy tín với tôi (..) Tôi chỉ nói rằng bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc không những không có ích lợi mà còn gây chia rẽ lòng người.
      OK, bạn nghĩ như nào vể ông ta là quyền của bạn. Nhưng nếu bạn muốn người đọc đồng cảm với bạn là ông ta chả có uy tín gì, ông ta chỉ nói bậy bạ để gây chia rẽ v. v thì bạn cần có lí lẻ chứng minh điều mình nói. Tất nhiên nếu bạn ko có ý thuyết phục người khác thì việc ch/m ko cần.

      2. Những diễn đàn như của ông Nguyễn Hưng Quốc theo nhận xét chủ quan của tôi là nhằm mục đích tạo nên "không khí chống cộng", nếu cứ sa vào việc phản bác qua lại những lý lẽ của ông ta thì tức là giúp ông ta đạt được mục đích của mình.
      Cụm từ Những diễn đàn như của ông Nguyễn Hưng Quốc dùng trong đoạn trên tôi ko hiểu cụ thể ý bạn nói về dđ nào nên ko bình luận. Riêng bản thân NHQ thì ko khó gì để thấy ông ta là người chống cộng - ông nói rõ từ đầu, từ lâu, còn gì phải đoán :). Trước những bài viết chống cộng của ông, tất nhiên mỗi người có những cách hành xử riêng. Có người đồng ý, vổ tay. Có người thắc mắc, chủ nghĩa CS tốt thế cơ mà, vì sao ổng lại chống, và tìm hiểu xem ông nói bậy như nào để dạy cho ông ta một bài học. Có người cho ông ta nói bậy, và chửi cho ông ta sợ mà chừa (dưới bài của ông số người chưởi ổng hình như cũng ko ít - tôi đọc lướt mấy hôm trước, ko đếm). Nghĩ như bạn, tẩy chay bài ổng, ko thèm đọc rồi phản bác qua lại để khỏi mắc mưu cũng là một cách. Nhưng nếu như bạn muốn thueyt phục gnười khác cũng tẩy chay như bạn, thì bạn cần chứng tỏ suy nghĩ của mình là đúng đắn bằng lí lẻ, chứ nếu nói khơi khơi cảm tính thì tôi e rằng ko mấy người nghe theo.

      3. Nếu các nhà trí thức không để ý đến những điều thiết thực là "viết cho ai, viết để làm gì" mà cứ "tỏ rõ sự liêm khiết trí thức" để dùng vào việc "viết cái gì" thì dễ sa bẫy chiến thuật tâm lý.
      Thú thật tôi ko hiểu hàm ý đoạn này lắm.
      - dễ sa vào bẫy chiến thuật tâm lý: bạn có lo xa quá ko, trí thức hay "cục phân" (mượn từ của bác Mao) mà dễ bị mắc bẫy chiến thuật tâm lí thế nhỉ ?
      - Nếu các nhà trí thức ko để ý đến những điều thiết thực là viết cho ai, viết để làm gì .. Bạn muốn ám chỉ ai ? Nếu là NHQ thì ko đúng: ông ta biết rõ ông viết để làm gì, viết cho ai đấy. Nói thật, đọc bài và còm của bạn, tôi e rằng bạn mắc chính lỗi này thì có. Này nhé:
      i) trong bài bạn ghi rõ "Với ông NHQ: Thưa TS NHQ .." => là bạn muốn đối thoại với ông ta, còn gì ?.
      ii) ở đoạn cuối - với bạn đọc, bạn kêu gọi mọi người dù ko đồng tình/đồng tình với quan điểm trong bài viết của ông NHQ thì vẫn nên có thái độ trung dung, tỉnh táo v.v .. => Thái độ muốn đối thoại được lập lại, ko những thế còn kêu gọi người đọc bày tỏ ý kiến với các quan điểm của ông ta
      iii) Nhưng trong còm vừa rồi, bạn lại bảo việc qua lại phản bác với ông ta là sập bẫy gì đấy.
      Thế là thế nào ? nên tìm hiểu quan điểm của ông ta để phản bác các sai lầm hay ko ?
      Và bạn có nghĩ rằng do bài viết của bạn mà nhiều blog friend của bạn tìm đọc bài của ông ta, vô tình bị sập bẩy gì đấy ko hihi

      Xóa
    6. Cái này ngứa miệng nói thêm cho vui:

      .. không để ý đến những điều thiết thực là "viết cho ai, viết để làm gì" ..

      Thấy bạn dẫn ý kiến của ông cụ về Viết cho ai, viết để làm gì v . v .
      tôi tò mò tìm hiểu trên mạng, thấy ghi ở trang web của Cục Văn Thư & Lưu Trữ Nhà Nước như này (trích nguyên văn):

      Lần đầu tiên Hồ Chí Minh nói về câu chuyện này là Cách viết, tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương vào ngày 17-8-1952; sau đó, Bác lặp lại ngày 18-9-1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam:

      “Kinh nghiệm của tôi là thế này: mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi:

      - Viết cho ai xem?

      - Viết để làm gì?

      - Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”.

      Điều cần lưu ý, tuy chỉ là bài nói với giới báo chí nhưng rồi do sự cần thiết, chúng ta chủ trương vận dụng ý kiến của Hồ Chí Minh cho mọi dạng viết, mọi chữ nghĩa, trong đó có văn chương – học thuật.


      Tôi ko rõ nguyên nhân cụ thể nào khiến ông cụ nhắc nhở các nhà báo thế. Phải chăng bấy giờ đang cần tuyên truyền chính sách gì đấy cho dân chúng đa số ít học, mà các nhà báo viết cao xa bóng bẩy khó hiểu quá, nên ông cụ phải nhắc nhở ? Tuy nhiên khi "vận dụng" ý kiến ông cụ tràn lan mọi lúc mọi nơi đã gây ko ít sai lầm, làm ông cụ mang tiếng oan: Nhiều bức tranh vẽ ra, bị ai đấy hỏi: vẽ cho ai, vẽ để làm gì ? và thế là họa sĩ hoảng, phải vẽ thêm anh nông dân hay con trâu gì đấy vào bức tranh. Bài thơ ko vần viết ra, bị hỏi: viết cho ai, để làm gì. Thế là nhà thơ quay về với các thể thơ truyền thống lục bát, 5 chữ, 7 chữ .. vần vè dễ đọc dễ hiểu. Và thơ thì viết về công nhân nhà máy gì đó, tình yêu nếu có thì cũng chỉ chút chút như bột ngọt thoang thoảng, đậm quá là thơ tình dành cho các cô cậu tiểu tư sản phải lo mà dấu kín .. Và nền nghệ thuật VN mấy chục năm dừng lại ở cái chủ nghĩa hiện thực - realism ở Tây có từ thế kỷ XIX, có mới chăng, là thêm cái đuôi Xã hội Chủ nghĩa ..

      Thật ra, có ai mà khi viết ko nghĩ mình viết để làm gì, viết cho ai nhỉ ? Tôi viết bức thư tình, là để bày tỏ tình cảm của tôi với cô ấy; là để cho cô ấy đọc. Kể cả khi vì nhát gái, ko dám trao thư thì, bức thư cũng là viết cho cổ. Kể cả khi tôi ngồi viết vu vơ kín 3 trang giấy tên người tôi yêu "nguyễn thị nở" thì cũng rõ ràng: i) viết để đỡ nhớ ii) viết cho tôi. Từ thủa xa xưa, chuyện viết để làm gì viết cho ai người ta cũng bàn nát ra: văn dĩ tải đạo, văn dĩ quán đạo, văn dĩ minh đạo và cả văn thị văn, đạo thị đạo .. Gần với thời điểm ông cụ nói chuyện (1952) thì triêt gia Pháp J.P. Satre viết cả một cuốn sách mấy trăm trang xuất bản năm 1947 tựa Văn chương là gì ? trong đó ba chương đầu dành cho ba câu hỏi Qu'est-ce qu'écrire ? (Viết là gì), Pourquoi écrire ? (Tại sao viết), Pour qui écrit-on ? (viết cho ai). Gần hơn tí, năm 1949 khi nhận giải Nobel, nhà văn Mỹ W Faulkner đã có bài diễn văn được đánh giá là hay nhất trong số các bài diễn văn nhận giải xưa nay, trong đó đề cập đến sứ mệnh của nhà văn, cũng là bàn về hai câu hỏi cơ bản kia - viết để làm gì, viết cho ai ..

      Xóa
    7. Tôi đã nói rất rõ: "Khi chúng ta lên án sai lầm của người khác, rất có thể chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của họ". Tôi chấp nhận rằng tôi có thể sai lầm, vì tôi biết tôi không thể làm đúng mọi nhẽ. Bài viết của tôi thì có vẻ không trung dung, bởi vì tôi đứng từ một cực khác nhìn lại. Một sự cực đoan đối lại với một sự cực đoan. Tôi đã nói là tôi đưa ra một cách nhìn khác, và vì thế tôi sẽ có cơ hội quan sát thái độ của bạn đọc. Nhờ vậy tôi đã có cơ hội biết anh là người có thể tỏ thái độ trung dung.
      "Nhưng nếu như bạn muốn thuyết phục người khác cũng tẩy chay như bạn, thì bạn cần chứng tỏ suy nghĩ của mình là đúng đắn bằng lí lẻ, chứ nếu nói khơi khơi cảm tính thì tôi e rằng ko mấy người nghe theo."
      Tôi không đề cập đến vấn đề "tẩy chay" ở đây, vì điều đó là không cần thiết. Người ta nếu không đọc những bài của ông Nguyễn Hưng Quốc thì vẫn sẽ đọc những dạng tương tự. Nhưng tôi muốn được thấy thái độ của bạn đọc với bài viết của tôi, khi tôi công kích ông Nguyễn Hưng Quốc. Ông Nguyễn Hưng Quốc có những bạn đọc của ông ấy, còn tôi thì có những bạn đọc khác, nhưng sẽ có những người đọc cả hai. Tôi có thể quan sát các comment và nhìn nhận những đặc điểm riêng chung.
      Các bạn đọc không nghe theo ông Nguyễn Hưng Quốc cũng không nghe theo tôi, mà họ nghe chính họ. Cái mà họ cần ở những bài viết này chính là "cảm tính". Có những người mượn bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc để bày tỏ thái độ, có những người lại mượn bài viết của tôi, họ cảm thấy được sự ủng hộ từ bài viết nào thì họ sẽ tìm thấy những lý lẽ trong bài viết đó.
      Nếu anh cứ đi tìm những lý lẽ trong bài viết của tôi thì cuối cùng sẽ không tìm thấy lý lẽ nào cần thiết cả, cũng như tôi hoàn toàn có thể khiến cho nhiều bạn đọc ủng hộ rằng những lý lẽ của ông Nguyễn Hưng Quốc rất vớ vẩn. Ngay như ông Marx bài bản vậy mà còn không đủ lý để thuyết phục tất cả mọi người, huống gì mấy người nhỏ bé như chúng tôi? Nhưng động cơ nào để chúng tôi thực hiện những vai diễn như vậy? Những người quan sát sẽ có những nhận định của riêng họ chứ họ không đơn thuần là tin vào lời của chúng tôi. Ngay cả bản thân chúng tôi cũng chưa chắc đã tự biết hết chứ chưa nói là diễn tả bằng lời.
      Dù trong lòng chúng ta không thiên vị, nhưng trên thực tế có nhiều khi chúng ta không có cơ hội đứng trung lập ở những tình thế trong đời sống. Bởi vì sự trung dung của một cá nhân không đáng kể gì so với sự trung dung của trời đất. Khi vào cuộc nhiều lúc chúng ta không có thời gian để lý luận, thậm chí lý luận cũng không có giá trị gì, chúng ta bị (hay được) xô đẩy. Hiểu biết cá nhân của chúng ta không khi nào là đủ.
      Tại sao tôi luôn nói tôi là một "diễn viên"? Bởi vì diễn viên nói theo vai diễn chứ không nói theo chân lý. Tôi chấp nhận những phản bác của anh đối với bài viết cũng như các comment phía trên của tôi là đúng đắn và chính trực, đồng thời cũng coi đó là sự bênh vực thích đáng cho ông Nguyễn Hưng Quốc.
      Ông Nguyễn Hưng Quốc không "chống cộng", ông ấy chỉ đang thực hiện những phương cách mà ông ấy biết và đủ sức làm để sinh tồn và chống lại những lực cản chặn đường tiến lên của ông ấy theo đúng hiểu biết của bản thân. Đối với mỗi cá nhân thì điều đó luôn chính đáng. Chúng ta có thể mặc sức bình luận, nhưng không ai trong chúng ta có đủ tư cách để phán xét con người ông Nguyễn Hưng Quốc cũng như bất kỳ người nào khác.

      Tôi đang ấp ủ một tác phẩm dài, trong đó tôi và các bạn tôi đã phê phán những sai lầm của người khác, và không phải "rất có thể" mà là thường xuyên, thậm chí luôn luôn lặp lại những sai lầm tương tự của họ. Còn đây chỉ là một vai diễn nhỏ.
      Vô cùng cảm ơn những đóng góp của anh Khung K! Trò chuyện cùng anh luôn làm tôi cảm thấy thú vị.

      Xóa
    8. Và cảm ơn cả phần "ngứa miệng" của anh!

      Xóa
  5. Ái nữ phím chiến hay ghê
    Tuy cùng một nghề nhưng khác cách ăn
    Khách hàng nay khó dắt chăn
    Thi nhau chém gió bằng khăn trải bàn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào người bạn "nặc danh"!
      Đoạn văn vần của bạn rất vần, nhưng có vẻ khó hiểu. Tôi không biết bạn có vô tư khi gõ phím đăng comment vào đây hay không, hay là phải được "ăn" gì thì bạn mới làm?

      Xóa
  6. chào bạn, mình không tin là VN đang ôm ấp một chủ nghĩa cộng sản, những gì thấy được trong xã hội hiện nay không phải cộng sản đâu. chúc bạn chúa nhật vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn ý kiến của anh! Tôi không thấy anh nói sai.

      Xóa
  7. Lòng nhiệt tình và trí tuệ của mọi người khiến tôi hâm mộ. Phần đúng sai thì bàn sau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Blog "Hơi Thở Của Vũ Trụ" mà thiếu các "còm thủ" thì mất nhiều phần hấp dẫn, vì họ chính là các đồng tác giả. Chị cứ tưởng tượng một bài viết bên Blog Việt mà có năm ngàn lượt đọc thì thật ra chỉ có khoảng hai hay ba ngàn độc giả, còn lại là vẫn những người ấy chạy qua chạy lại để theo dõi... "còm". Là Ái Nữ đoán mò thế, vì Blog Việt chưa hiện đại đến mức cho phép chủ blog phân tích tỉ mỉ các số liệu. Tổng số lượt đọc của tất cả các bài cộng lại thì lớn hơn rất nhiều so với tổng số lượt đọc của cả blog.

      Xóa
  8. Sang đây để xem lại những com của người khác, để hiểu thêm về chủ nghĩa cộng sản. chúc bạn vui vẻ bình an nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, nhưng hình như chúng tôi không phải đang nói về chủ nghĩa cộng sản.
      Chúc anh mạnh khỏe!

      Xóa
    2. Xin lổi bạn, mình viết thiếu, đúng là "để hiểu thêm về chủ nghĩa cộng sản ở VN mà Nguyễn Hưng Quốc đã nói". thành thật xin lổi, mình vô ý quá.mong bạn và mọi người bỏ qua cho.

      Xóa
    3. Ôi có chuyện gì đâu, anh đừng quan trọng hóa vấn đề!

      Xóa
  9. Chào Ái Nữ,
    Mình có đọc 1 bài tương tự của NHQ, bài này của bạn, comt của Khung K và của Mẫn, mình chỉ có ý kiến ngắn gọn như sau:
    -Anh NHQ quá cực đoan cá nhân mà ý tưởng của anh không khách quan, bạn hãy tin rằng chả có mấy người trong nước đọc và tin vào nội dung bài viết của anh ta đâu.
    -Bạn lập luận rất vững chắc, tôi thích, và tôi cũng không quá khắt khe về một số chi tiết nhỏ với một entry khi nó đã nói được nội dung cơ bản của vấn đề: không có cái gì là hoàn hảo.
    -Câu "chào bạn, mình không tin là VN đang ôm ấp một chủ nghĩa cộng sản, những gì thấy được trong xã hội hiện nay không phải cộng sản đâu. chúc bạn chúa nhật vui vẻ nhé": like!
    Bạn nên đăng bài này ở một tạp chí nào đó, vì nó... hay, hihi...
    Thân ái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là đến giờ phút này có hai người khuyên tôi nên đăng bài viết trên, một người với lý do là để lấy nhuận bút, một người với lý do là "vì nó... hay", nhưng không ai nói vì lý do cần thiết cả. Hic hic...
      Theo Lá Bàng thì những tạp chí nào hiện nay phù hợp để đăng bài viết trên?

      Xóa
  10. Hì....
    Lấy được nhuận bút có nghĩa là được đăng- nhất định không thể dở đúng không? Cần thiết với ai thì chị không biết chứ chị thì nguyên là chỉ thấy thích thôi. Để viết được một bài viết như thế chị luôn liên tưởng dân học chuyên toán mà lại giỏi văn( của hơi hiếm), thích thôi chứ chị chả có thời gian đào sâu tìm hiểu thêm đâu. Đọc cái gì mà chả cần hiểu hết nhưng cuốn hút
    thì mới không tiếc thời gian.hì hì.....
    Sao hồi này em hay hic hic thía?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị Ong đúng là... thật thà. Cái gì người ta viết cũng cần đọc thì có nước... chết sớm.
      Ngày trước em chỉ "hì hì" với "ha ha" thôi, nhưng sau khi "một người bạn" của em rời khỏi blog thì em mới "hic hic", những lúc đó là bạn ấy đang cười trong em.

      Xóa
    2. Hôm nay mới đọc lại và biết em trả lời- cười rất tươi đây.

      Xóa
  11. Chào bạn, đọc bài của bạn hơi khó nhưng tôi rất thích lập luận sắc bén của bạn. Mong rằng chúng ta nên đứng trung dung để xét vấn đề hơn là cực đoan một chiều, vì ai cũng có chính kiến của riêng mình. Chúc bạn ngày càng... "bén" hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Hồng Lập đã quan tâm!
      Ngôn từ có những khi như đao kiếm, càng "bén" lại càng "đứt ruột" bạn ơi!

      Xóa
  12. Sang thăm chúc bạn buổi chiều thật vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi biết về NHQ ở 1 diễn đàn chả liên quan gì đến văn học, nghệ thuật hay chính trị gì cảv à từ 2003. Nó dành cho bọn '' tứ chi phát triển '' bọn tôi trao đổi :))

      Nhưng có 1 Mục dành cho việc đại loại là chém gió thượng vàng hạ cám. Ở cái Mục đó, có 1 anh bạn ở xứ cờ Hoa sau khi '' củ lạc '' ở nhiều Topic, đã quẳng bài ở Mục đó theo kiểu C&P. Tất nhiên, sau những lúc vận động cho tứ chi phát triển thì chém gió ở đó cũng vui.

      Và sau đó thì bọn tôi nghiêm túc hơn với những C&P này, và đã góp ý, thậm chí tranh luận rất gay gắt về quan điểm của tay NHQ này. Tôi chả thấy trí tuệ gì ở những bài viết của hắn. Nên ở entry này, bỏ qua những trao đổi cmt, thì nội dung là ok. Chỉ là tôi nghĩ, bạn không nên so sánh bài của bạn với bài của Vỹ nhân ko gặp thời NHQ, cũng như ko cần akay bọn admin của cái tờ gì đó đã ko đăng bài của bạn. Bởi mình nên tôn trọng mình hơn khi so sánh với họ.

      Thân mến.

      Xóa
    2. Tôi không hề nghĩ NHQ là "vĩ nhân không gặp thời". Với khả năng của ổng như vậy, tôi thấy ổng sang nước Úc làm việc, cộng tác với Hoa Kỳ, giờ lại kết nối với giới văn sĩ trong nước, cũng được nhiều người nhìn nhận, như vậy Trời cũng thương ổng nhiều rồi. Nhưng nghe nói gần đây ổng lại ra sách chuyên đề về chính trị và triết học thì tôi thấy ổng cố gắng hơi quá sức. Ở "Triết Học Đường Phố" lần đầu tiên tôi biết đến Nguyễn Hưng Quốc, đó cũng là cơ duyên. Tôi đóng góp cho ai cũng là vì có duyên mà thôi, chứ tôi không phân biệt giỏi dốt sang hèn.

      Tôi thấy Triết Học Đường Phố có duyên may làm được một số điều hữu ích cho nên muốn đóng góp với họ. Tuy va chạm vậy nhưng tôi không giữ thành kiến, tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy họ giao tiếp với tôi rất thiếu bài bản khiến tôi thất vọng, sau đó Nguyễn Hoàng Huy và tôi có trao đổi với nhau qua comments nhưng càng khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa trước thái độ cực đoan độc đoán của anh ta. Tuy nhiên tuổi đời anh ta ít hơn tôi khá nhiều và anh ta không có những lợi thế giống như tôi. Nếu chúng ta không hành động, không va chạm thì không có gì để mà tác động đến nhau. Nói gì thì nói, trang Triết Học Đường Phố vẫn là một trang tiến bộ vì nó giúp một số người trẻ tuổi cởi mở những suy nghĩ của mình, thỉnh thoảng tôi vẫn tham gia bình luận cho họ. Cứ cái gì tích cực, phần nào tích cực thì tôi đều ủng hộ. Còn điểm không mạnh của họ thì chắc chắn chả phải chỉ có tôi nhận ra.

      Xóa