Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Bạn tôi - Nhân vật

Quái văn của Ái Nữ

       Tôi không bao giờ thích có một cái gạch ngang trong nhan đề bài viết, nhưng lại yêu sự dễ hiểu trong chữ nghĩa. Có nhiều cây bút thời nay ưa thích cách tân hình thức câu từ, tôi thấy như vậy cũng hay nhưng không có ý định áp dụng, bởi vì chưa cần làm thế thì có nhiều bạn đọc đã than rằng các tác phẩm của tôi làm họ đau đầu. Tôi tin nếu dùng tiêu đề “Bạn tôi quái vật” thì sẽ vẫn dễ hiểu mà không cần đến cái gạch ngang. Tuy nhiên tôi lại là người cực lực phản đối những cách “giật tít” khiêu khích sự hiếu kỳ của độc giả. Vả lại chuyện Ái Nữ là bạn của ma quỷ không còn lạ với bạn đọc quen thuộc của tôi, nên nếu “giật tít” như vậy thì tầm thường đến hai lần. Cuối cùng tôi dùng nhan đề lịch sự như các bạn thấy, mặc dù khi nhớ đến nhân vật này, trong đầu tôi rủa thầm: “Đồ quái vật!”
       “Quái vật” ấy đã tấn công thô bạo vào sự kiêu hãnh của tôi. Hơn một năm nay, kể từ ngày Cá tháng Tư năm trước, tôi tự hào rằng tôi là nhà văn tự do. Cũng cần nói thêm vài lời để giải thích cho câu phía trước, kẻo nhỡ ra tác phẩm này lưu truyền đến hậu thế, các bạn đọc đời sau rất khó hiểu. 

       Năm nay là năm Con Ngựa thứ hai của thế kỷ Hai-Mốt, tức là thế kỷ có hai cái “mốt”. Trong đó cái “mốt” đầu tiên là hai chữ Tự Do, còn cái “mốt” thứ hai thì tùy sự tự do lựa chọn của từng cá nhân. Hai chữ Tự Do không có gì là mới, nó luôn nằm ở giữa hai từ quan trọng khác trên “vương miện” của mọi thứ giấy tờ “hình-là-chánh” trong “vương quốc” Việt Nam, kể cả trong đơn xin đi… vệ sinh của học sinh một trường trung học phổ thông miền Nam*. Từ “vương quốc” lẽ ra không cần để trong ngoặc kép, nhưng tôi phải để vậy vì từ này không được dùng trên giấy tờ chính thức. Việt Nam đúng là một vương quốc, bởi vì nó có vua, dù không người nào đội vương miện. Ở nhiều nước trên Trái Đất, vua là biểu tượng văn hóa đẹp đẽ của quốc gia chứ vua không điều hành đất nước. Ở Việt Nam thì khác, vua điều hành đất nước nhưng không cần phải đẹp, bởi vì vua vô hình, không ai nhìn thấy. Sự tồn tại của vua được biết đến thông qua các nhà hoạt động xã hội đòi quyền dân chủ, đòi quyền tự do, họ đặt cho vua cái tên mỹ miều là “Đài Tộc”. Sự thật thì ở Việt Nam vẫn luôn có tự do, rõ ràng hai chữ quý báu này vẫn luôn hiện diện trên giấy tờ một cách công khai. Tuy nhiên để được tự do công khai thì phải làm đơn xin trước đã, sau khi xin rồi thì phải chờ được phép, còn được phép hay không thì vấn đề mới bắt đầu phức tạp. Đấy mọi chuyện chỉ có thế! Nhưng thời buổi bây giờ người ta sống gấp, đức tính kiên nhẫn đã bị giảm sút, người ta không muốn chờ đợi mỏi mòn như xưa nữa. Bây giờ làm gì còn lý do nào để một cô gái phải chờ đợi người yêu đến mười lăm năm? Những người yêu Tự Do cũng không tìm thấy lý do để chờ đợi thêm, cho nên họ gọi tên hai chữ ấy khắp nơi, đặc biệt các nhà văn là những kẻ gọi tên Tự Do bằng giọng điệu tha thiết nhất. Tôi thì chúa ghét các nhà chính trị, bởi vì ngôn từ họ dùng hết sức khô khan, họ cứ câu kết đủ thứ học thuyết và lý luận vào với nhau, làm cho chuyện đơn giản cũng phải thành rối mù. Song một nhà văn thì không nên lạc mốt với thời cuộc, vì thế tôi chẳng ngại gì mà không khoác chiếc áo Tự Do vào mình. Các độc giả hiện tại thì đã biết Con Ngựa năm nay là ngựa bất kham, đã thế nó lại còn có cánh.
       Niềm tự hào của tôi cũng chỉ nhỏ xíu thôi. Một bạn blogger đã nhắc tôi rằng tự do cũng có nhiều kiểu nhiều loại, như con kiến thì không cần dùng đến thứ tự do của con chim. Thật là chí lý! Đến giờ tôi cũng không biết là tôi đã có nổi một nghìn độc giả hay chưa, nhưng so với những tác giả in mỗi cuốn sách ra một nghìn bản và không bao giờ tái bản thì tôi không cần phải mặc cảm quá, vả lại công việc của tôi dễ dàng hơn họ rất nhiều, và điều quan trọng là tôi tự do hơn, cho dù chỉ là sự tự do của “con kiến”. Đôi cánh đại bàng văn chương của nước nhà thì to khỏe, cánh phải là Văn Hội Nước Nam, cánh trái là Văn Đoàn Nước Việt. “Con kiến” Ái Nữ tự phụ rằng loài kiến cũng hữu ích không kém loài chim, cho nên cứ nhẩn nha viết ra thứ văn chương của kiến, mà theo cách sáng tạo tiếng Việt mới mẻ nhất, văn chương của kiến được gọi là… “kiến văn”. Chà, bây giờ thì từ “kiến văn” đã mang thêm nghĩa mới hay tuyệt!
       Nhưng một buổi sáng mới đây khi tôi còn chưa muốn thức dậy, tôi đã phải biết là ngay cả “kiến văn” cũng không dễ được tự do. Điện thoại của tôi réo lên. Số của nàng – “quái vật”. Âm thanh phát ra từ nàng choang choang như tiếng cái vung nồi bị rớt: “Trời ơi! Giờ này mà vẫn còn ngủ à?...”
       Đến đây tôi thấy cần khoe rằng tôi có một niềm hạnh phúc. Đó là trong số các độc giả của tôi có cả người nhà và bè bạn tôi ngoài đời, dù chỉ vài người ít ỏi. Người ta vẫn bảo “bụt chùa nhà không thiêng”, nên chuyện có những người quen cũng đọc tác phẩm của mình làm tôi đắc chí. Nàng gọi điện để báo cho tôi biết nàng đã đọc truyện của tôi. Nàng khen: “Mày viết văn hay y như ngày xưa ấy nhỉ!” Nửa câu đầu của nàng đưa tôi lên mây xanh, còn nửa câu sau giáng tôi xuống đất một cách thảm thương. Ngày xưa nàng mới chỉ đọc những bài tập làm văn ở trường của tôi thôi. Ôi sao tôi ghét những bài viết ấy thế! “Nhưng mà truyện mày viết chẳng có hậu gì cả, rõ chán!” Đấy, kiểu này thì có lẽ nàng đánh giá những tiểu thuyết diễm tình lá cải cao hơn văn chương của tôi. Người như nàng chỉ nên đọc truyện cổ tích.
       - Mày đưa tao vào làm nhân vật trong truyện của mày đi! – Giọng nàng nũng nịu chứ không còn choang choang nữa.
       - Hả? Nhưng mày thì có gì mà hay! – Tôi gắt gỏng, cố chống lại cơn buồn ngủ.
       - Thì mày phải hư cấu lên chứ!
       Dường như tôi không thể tỉnh ngủ được hoàn toàn. “Quái vật” đang muốn nói gì với từ “hư cấu”? Tôi hình dung ra những bức “ảnh cưới nghệ thuật”, chú rể thì mọi người quen đều nhận ra, còn cô dâu thì phải có thêm lời thuyết minh rằng đó là… cô nào, kẻo người ta ngờ oan chú rể đã bỏ người cũ để lấy người mới toanh. Tôi đã xem vô số những album ảnh cưới như thế, thật là sự sỉ nhục với nghệ thuật chân chính. Lỗi không phải chỉ do thợ trang điểm và nhiếp ảnh gia, mà còn do tâm lý các cô dâu. Cô nào cũng muốn mình mang đôi môi trái tim, đôi mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa… Đề nghị của nàng nghe cũng không hấp dẫn hơn chút nào. Tôi càu nhàu:
       - Mày để yên cho tao ngủ đã!
       “Quái vật” tạm buông tha cho tôi sau khi hẹn sẽ gọi lại.
       Nhưng thật lạ là sau đó tôi lại không sao ngủ được nữa. Một ý nghĩ chợt đến để dày vò tôi: Một nghệ sĩ giỏi thì phải biết sáng tác theo đơn đặt hàng, vì nghệ thuật dù sao cũng để phục vụ cho đời sống. Cho dù nàng không hiểu biết nhiều về nghệ thuật đi nữa, nhưng nàng lại là người đầu tiên “đặt hàng” tôi sáng tác, lẽ ra tôi phải cảm ơn nàng thay vì tỏ ra kiêu ngạo. Tôi lại nhớ đến câu chuyện về một nhà điêu khắc làm tượng con ngựa, ông đã khiến cho những khách hàng quý tộc dốt nát hài lòng bằng một tiểu xảo rất khó tin, trong khi vẫn giữ được tự do sáng tạo của mình. Nếu nàng là hồ ly, tôi không thể dùng văn chương để vẽ nàng thành tiên nữ được, nhưng tôi có thể thuyết phục nàng rằng hồ ly cũng dễ thương và hấp dẫn, còn tiên nữ thì không phải ai cũng thích. Dù sao trong những mối quan hệ của tôi, nàng cũng thuộc “đẳng cấp quý tộc”, từ chối nàng sao tiện!
       Nàng gọi lại vào lúc tôi đang ngủ trưa, và lại than: “Vẫn đang ngủ à?!” Thật ra lúc ấy đã sang chiều, nhưng tôi thức hay ngủ không theo giờ giấc của mọi người, nếu nàng không gọi tôi sẽ ngủ cho đến tối. Tôi đồng ý tiếp tục câu chuyện, nhưng nàng cần để tôi đi gội đầu cái đã. Nàng lại chất vấn: “Sao không gội đầu trước khi đi ngủ? Bẩn thế!” Vì tôi cần gội đầu, mà khi tôi gội đầu xong thì nàng lại bận, nên câu chuyện của chúng tôi tiếp tục lúc mười giờ đêm, lúc tôi đã thức từ lâu còn nàng thì chưa ngủ. Nhưng hãy tạm gác câu chuyện giữa chúng tôi sang một bên, tôi muốn kể cho các bạn nghe về nàng.
       …
       Khi còn ở tiểu học, có một năm tôi học chung lớp với nàng. Hình ảnh đầu tiên của nàng lưu vào ký ức tôi không mấy dễ chịu: Một đứa bé bắng nhắng, hay cười toe toét vô duyên, đùa dai quá đà mà không cần biết người khác thích hay không. Tóc nó bồng xồng tự nhiên như đầu chú cún bông, vì ghét nó nên chúng tôi gọi nó là “Xồm”. Rất khó để không ghét đứa bé ấy, vì nó cứ giấu bút chì, giấu cục tẩy của chúng tôi mà không chịu trả, lại còn giơ ra trước mặt chúng tôi để trêu tức, hễ “nạn nhân” của nó đuổi theo thì nó chạy, rồi nó quay lại trêu tiếp. Chúng tôi không thể kiên nhẫn hơn, nên một lần đã lập hội đồng để trừng phạt “Xồm”. Tất cả “hội đồng” chúng tôi đuổi bắt nó bằng được, rồi khiêng ngửa nó như khiêng heo đem giễu một đoạn trên sân trường, khi nó khóc gào ầm ĩ lên thì chúng tôi đặt nó nằm xuống đất rồi cùng nhau bỏ chạy hết vào lớp, nó tự đứng dậy phủi quần áo rồi khóc mãi không thôi. Sau đó nó có chừa thói đùa dai không thì tôi không nhớ, lớp chúng tôi bị tách và nó không còn học cùng tôi.
       Năm chúng tôi lên lớp Tám, “Xồm” lại ở trong số những học sinh từ lớp khác nhập vào lớp tôi. Mới đầu tôi cũng không quan tâm đến nàng, vì nàng không còn giấu bút hay thước kẻ của chúng tôi nữa. Nhưng có một chuyện nhỏ xảy ra làm thay đổi tình cảm giữa tôi và nàng. Một lần có bài kiểm tra toán tại lớp, bài không phải là khó, nhưng chúng tôi cứ nhầm lẫn linh tinh cả, dù hôm đó không hề có nhật thực hay nguyệt thực. Nộp bài xong tôi mới nhận ra mình đã làm nhầm phép tính một cách ngớ ngẩn, nhưng tôi biết là sự nhầm lẫn này không đủ làm cho trời sập. Lúc đó cũng vừa tan học, cả lớp ra về hết. Song riêng nàng ngồi lại, tôi thấy nước mắt nàng chảy dài trên má. Lại khóc! Chuyện gì nữa đây? Tôi đến bên nàng hỏi han xem vì sao nàng buồn, giọng tôi nói với nàng khi ấy rất dịu dàng chứ không càu nhàu gắt gỏng như bây giờ. Thế là nàng càng khóc nức nở, nói rằng nàng sợ bài kiểm tra ấy nàng sẽ bị điểm kém, vì nàng giải sai bài toán mất rồi. Tôi dỗ cho nàng bình tĩnh hơn và bảo nàng kể xem nàng đã làm bài kiểm tra như thế nào. Khi nàng kể xong, tôi nói chắc chắn nàng sẽ được điểm Năm chứ không phải là điểm quá kém, và tôi cho nàng biết tôi cũng đã làm sai nên điểm của tôi không hơn điểm của nàng đâu. Nàng tròn mắt nhìn tôi và nín hẳn. Chẳng gì thì tôi cũng nằm trong “tốp ba” của lớp, nếu tôi còn tính sai thì việc gì mà nàng phải khóc cơ chứ! Hóa ra sự nhầm lẫn của tôi trong bài kiểm tra lại là may mắn, nếu không thì việc dỗ nàng không phải dễ, tôi nhớ là nàng khóc dai lắm.
       Tôi đã đoán đúng, cả tôi và nàng đều được điểm Năm. Sau lần ấy nàng luôn quấn quýt với tôi, còn tôi thì hay đến nhà nàng chơi, ăn ngủ ở nhà nàng như ở nhà mình. Cả nhà nàng có bốn người mà toàn là đàn bà: mẹ nàng và ba chị em nàng. Tất cả họ đều có giọng nói oang oang, thẳng tính và bộc tuệch. Có lẽ vì sự khác biệt gần như trái ngược trong tính cách mà chúng tôi hợp nhau. Chị nàng và em gái nàng thậm chí còn thân với tôi hơn cả nàng nữa. Mẹ nàng nói về tôi với mọi người: “Nó thì có khác gì đàn ông!” Ở nhà nàng tôi không bao giờ nấu ăn, cũng chẳng làm việc gì cả. Nhưng tôi kiên nhẫn và chiều họ những việc nho nhỏ không tên. Phụ nữ là như vậy, những việc làm họ thoải mái không phải là việc lớn lao gì. Sau này khi chị gái nàng có chồng, một lần chị rủ tôi đạp xe ra phố cùng chị, tôi sẵn sàng đi với chị mà chẳng hỏi là đi đâu làm gì, loanh quanh một hồi mới rõ là chị đi… đánh ghen, may mà chị không tìm thấy tình địch, tôi cũng chưa bao giờ biết rõ là tình địch ấy có thật không. Nhưng đó là chuyện sau này.
       Nhà nàng không có đàn ông, vì bố nàng bỏ mẹ nàng đi với người đàn bà khác. Cũng có một lần bố nàng về tính chuyện làm ăn và sống tử tế với vợ con. Ông mở một quán thịt chó nhưng rồi lỗ nặng, vì khách toàn người quen, họ ăn chịu rất nhiều. Vả lại, mười người mở quán thì may có một người thành công, việc nằm trong số chín mươi phần trăm thất bại không đủ đánh giá một người đàn ông là kém cỏi. Tuy nhiên bố nàng đã để “mất điểm” với mẹ con nàng nhiều quá, đến nỗi ba chị em nàng hận bố. Nàng là người hợp tính bố nhất, nhưng trong một lúc giận dữ, nàng đã tham gia cùng chị gái và em gái xúm vào tóm bắt ông bố như lúc nhỏ chúng tôi đã làm với nàng, nhưng nghe nói không chỉ đơn giản là khênh lên đặt xuống. Rồi bố nàng bỏ đi biệt tăm, chỉ quay về khi ốm nặng sắp lìa đời. Mẹ nàng vẫn chăm sóc và lo hậu sự cho ông một cách chu đáo.
       Tuy hoàn cảnh gia đình không mấy hoàn hảo, nhưng nàng vẫn là người may mắn. Mẹ nàng là một tấm gương thuyết phục đối với tôi rằng bản thân hoàn cảnh không phải là điều làm con người đau khổ. Ánh mắt của bà vẫn lấp lánh niềm lạc quan làm cho gương mặt khắc khổ trở nên tươi sáng. Bà là trụ cột vững chãi cho chị em nàng, mặc dù giống như mọi con người trên trái đất, không phải lúc nào bà cũng có thể suy nghĩ đúng đắn.
       Với mẹ nàng, chỉ cần tôi làm các con bà vui, thế là đủ. Với chị gái nàng, chỉ cần tôi chịu khó ngắm nghía và đưa ra lời nhận xét hợp lý khi chị thử những bộ quần áo mới, thế là ổn. Với em gái nàng, chỉ cần tôi có thể ăn món trứng rán nhai phải muối mà không kêu quá mặn, thế là chẳng còn gì để phàn nàn. Nhưng với nàng, tôi phải để cho nàng sở hữu tôi vô giới hạn. Tôi không được can thiệp vào niềm tin của nàng rằng có một người bạn thân như tôi là độc quyền của nàng. Tôi không thể can ngăn nàng khoe với những người bạn khác rằng tôi có rất nhiều phẩm chất ưu tú, mà một trong những bằng chứng hùng hồn là tôi luôn cầm lái đạp xe đèo nàng đi học trong khi nàng to gấp rưỡi tôi. Hậu quả là tất cả những đứa nào đi nhờ xe tôi đều hồn nhiên đòi ngồi đằng sau, dù bọn chúng đều không nhỏ hơn nàng. Khi chúng tôi đi chơi với một đứa bạn cùng lớp lại gần nhà tôi, nàng và đứa bạn ấy cãi nhau không ngừng nghỉ từ lúc đi đến lúc về. Khi chỉ còn hai chúng tôi, nàng phụng phịu hờn dỗi: “Sao mày lại chơi thân với nó? Mày chỉ được chơi thân với tao thôi chứ!”
       …
       Nàng là một nhà độc tài bẩm sinh. Cuộc trò chuyện lúc mười giờ đêm thông qua “chát” trên Facebook giữa chúng tôi sẽ cho các bạn biết cách đấu tranh của tôi với một nhà độc tài. Sau khi hầu chuyện nàng giúp nàng khuây khỏa một nỗi niềm riêng, tôi hỏi:
       - Mày còn muốn làm nhân vật trong văn chương nữa không?
       - Có chứ - Nàng trả lời nhanh nhẹn – Bạn mình viết văn giỏi thế chả nhẽ không có mình thấp thoáng trong đấy nhỉ!
       - Nếu muốn thấp thoáng trong đấy thì mày phải trả nhuận bút cho tao.
       - Hi hi… Ok.
       - Mày mua cho tao một cái máy sấy tóc, để tao có thể gội đầu trước khi đi ngủ. Bao giờ có máy sấy tóc rồi thì tao sẽ viết.
       - Ok.
       - Cả nhà mày đọc sẽ nhận ra mày.
       - Mày đừng có bôi bác tao trong truyện của mày đấy nhé!
       - Sao lại bôi bác? Thế các họa sĩ khi vẽ tranh nếu không “bôi” thì họ phải làm thế nào cho thành tranh?
       - Bó tay! Ý tao là mày viết về tao nhẹ nhàng thôi, chỉ phảng phất thôi chứ đừng rõ quá mà chưa đọc xong mọi người đã nhận ra tao rồi.
       - Tức là cứ đọc xong nhận ra là được chứ gì! Phảng phất thì cũng phải nhận ra được chứ! Quan trọng không phải là người ta nhận ra mà là mày nhận ra. Nếu đọc mà mày cũng không nhận ra được mày thì còn nói gì nữa!
       - Hi hi… Mày viết cho tao thì kiểu gì tao chả nhận ra. Để xem mày nghĩ về tao như thế nào.
       - Vấn đề không phải là tao nghĩ về mày như thế nào, mà là người đọc có cảm xúc như thế nào về nhân vật trong truyện, nhân vật “phảng phất mày” ấy đóng góp như thế nào cho giá trị tác phẩm. Như thế mới là văn chương. Mày cũng biết văn chương là phải hư cấu rồi còn gì! Tao chỉ mượn ở mày những nét phù hợp với nhân vật của tao thôi. Văn chương không phải là chỗ để tao bày tỏ xem tao nghĩ gì về nhân vật, mà là thông qua nhân vật để đưa ra cách nhìn mới mẻ về cuộc đời.
       - Hi hi… Mày viết thế nào thì viết, đừng có nói đểu tao đấy nhé!
       - Nhưng nếu không “đểu” tí nào thì lọt vào văn chương sao nổi? Tao đâu có viết về công chúa trong truyện cổ tích!
       - Mày không được viết để đọc xong rồi người ta bình luận thế này thế kia những điều không tốt, tao sẽ giận mày.
       - Người ta bình luận về nhân vật trong tác phẩm chứ không bình luận về mày. Người thật như mày thì nhạt thếch, ai muốn đọc!
       - Thế thì mày phải làm cho nhân vật ấy tốt chứ không được xấu.
       - Nếu người ta bình luận về nhân vật thì là nhân vật trong tác phẩm, chỉ phảng phất giống mày thôi chứ có phải là mày đâu! Nếu nhân vật ấy tốt thì lại không phải là mày rồi.
       - Nhưng tao vẫn tự ái chứ! Từ trước đến giờ tao vẫn là người tốt mà!
       - Người đẹp có xưng hô mày tao không? Người tốt có nói tục chửi bậy không?
       - Quan trọng là đối xử với nhau như thế nào thôi.
       - Một người đàn bà ngoại tình có được coi là người tốt không? Người ấy đối xử với chồng có tốt không?
       - Vẫn tốt bình thường. Quan trọng là mình biết điều gì là chủ yếu, và cái gì là gia vị của cuộc sống.
       - Ha ha ha… Thế theo mày thì thế nào là người xấu?
       - Người xấu là người lúc nào cũng nghĩ người khác theo chiều hướng tiêu cực.
       - Nhưng tiêu cực đâu có nghĩa là xấu? Người khác quả thật tiêu cực mà lại khen họ tích cực thế nào được?
       - Ai cũng có mặt tốt mặt xấu, chỉ có điều là họ nghiêng về phía nào thôi.
       - Đấy nhé! Nếu nhân vật trong truyện của tao mà chỉ có mỗi mặt tốt thôi thì có ai tin được không?
       - Hi hi… Nhưng tao nghiêng về phía tốt mà!
       - Nếu không phải là đang ở mặt xấu thì cần gì phải nghiêng về mặt tốt?
       - Hi hi… Thôi nha, tao… đang bận. Lúc khác nói chuyện tiếp…
       Nàng đã “chuồn” khỏi chủ đề “tốt-xấu” như thế.
       …
       Đoạn phía trên là tôi viết ngay sau khi thực hiện đoạn hội thoại trên Facebook chứ không phải là sau khi có máy sấy tóc, trong đó tôi thản nhiên gán cho nàng tội ngoại tình mà nàng không cần phải chối trước tôi. Sự thật ngoài đời thì nàng rất hèn nhát, nàng chỉ dám ngoại tình trong… tư tưởng. Nhưng nàng tuyên bố hùng hồn với chồng rằng nếu chồng nàng ngoại tình một thì nàng sẽ ngoại tình mười. Chồng nàng có cơ sở để lo lắng, nên chiều chuộng nàng rất mực. Công bằng mà nói thì nàng không đẹp: Chân nàng không dài, tóc nàng thì “xồm”, mũi nàng thì tẹt, răng nàng thì không trắng bóng. Nhưng điều đó không hề ngăn cản nàng sở hữu sự quyến rũ kỳ lạ đối với đàn ông. Ánh mắt lẳng lơ đi kèm với sự hồn nhiên của trẻ nhỏ cùng vài nét riêng nữa là công thức phức tạp của Thượng Đế để làm ra tạo vật là nàng khiến cho cánh đàn ông si mê.
       Thuở nàng đang tuổi cập kê, bao gã trai ngốc xúm quanh nàng chờ ân phước của thần tình ái, nàng thích điều đó vô cùng nhưng lại không thích gã trai nào, cho nên nàng cứ lửng lơ như con cá vàng để các chàng ôm niềm hy vọng. Có một công tử con nhà giàu, vừa tử tế lại có học, đeo đuổi nàng nhưng bị nàng từ chối, chàng ta chạy đến nhà tôi ăn vạ, đòi tôi phải giúp, bởi vì chàng ta trót quá yêu nàng, thề nếu không lấy được nàng thì chàng sẽ xuống tóc đi tu. Tôi chỉ mỉm cười, trong lòng mơ mộng nghĩ rằng nếu có thêm một người đi tu thì thêm phúc cho thiên hạ, tôi nên ủng hộ cho đạo Phật hơn là giúp đỡ mấy chuyện mây mưa. May có ông anh trai tôi đem lòng thương cảm, ngồi nghe chàng ta dãi bày tâm sự thâu đêm. Anh trai tôi khen chàng ta tốt nết, nên đã nói mấy lời với nàng rằng người như thế mà nàng yêu được thì rất hay, nàng trả lời ngúng nguẩy: “Nhưng làm sao mà em có thể thích nó được!” Tính nàng vốn trẻ con như thế, nhưng ai ngờ anh chàng kia còn trẻ con hơn. Khi nàng còn chưa kịp đính ước với ai thì chàng đã vội vàng lấy vợ chứ không hề xuống tóc hay vào chùa gì cả. Có lẽ chàng ta đã giác ngộ câu “Thứ nhất là tu tại gia…” Không biết nàng có ấm ức không, nhưng lúc nào nhắc đến chuyện đó nàng cũng luôn làm cho người khác hiểu rằng vợ của chàng kia xấu hơn và kém cỏi hơn nàng. Khi chê bai gã trai nào đó, nàng vênh mặt cong môi nói: “Hạng ấy không đáng xách dép cho tao!” Nhưng nàng vẫn cuốn hút một đám trai khờ khạo vây quanh, không phải để xách dép mà để làm “hào quang” cho nàng.
       Cuối cùng cũng có một gã thật sự khiến nàng cảm động và đồng ý kết nghĩa trăm năm. Đó là người bạn trai cùng lớp nàng ở trường đại học. Cuộc tình này gặp nhiều cản trở, vì mẹ nàng cứ khăng khăng không đồng ý, lý do là gã này nghèo, nhà thì ở tít trong xó xỉnh nông thôn vùng sâu vùng xa, đã là con cả lại đông anh em, với hoàn cảnh ấy của gã thì mẹ nàng tưởng tượng ra tương lai của nàng xám xịt. Tôi không can thiệp, nhưng trong lòng ngấm ngầm ủng hộ nàng. Chẳng gì thì đây cũng là cơ hội để bạn tôi chứng minh rằng nàng yêu người hơn yêu tiền. Gã trai bạn nàng cũng ghi điểm ngoạn mục khi chịu nhẫn nhục trước sự hắt hủi của mẹ người yêu để giành chiến thắng là trở thành chồng nàng từ thuở đó đến giờ. Bây giờ thì mẹ nàng không còn lý do gì để phàn nàn nữa. Cái “xó xỉnh” của vợ chồng nàng trên thực tế chỉ cách thành phố hơn chục cây số. Họ ăn nên làm ra với nghề bác sĩ thú y kiêm những dịch vụ có liên quan đến gia súc, con cái thì hai đứa theo đúng kế hoạch lại “đủ nếp đủ tẻ”. Gia đình nàng yên ấm, mặc dù ánh mắt nàng vẫn lẳng lơ còn chồng nàng thì vẫn có tính ghen, đó chính là cách để họ giữ nhau. Mới hôm rồi nàng chia sẻ một ảnh nghệ thuật của nàng trên Facebook, tuy rất đẹp nhưng tôi lại thấy giống… chị gái nàng.
       Chúng tôi hẹn gặp nhau ở nhà mẹ nàng. Vừa nhìn thấy chị em nàng, tôi đã phàn nàn về chuyện ảnh của nàng trông giống hệt chị gái. Mẹ nàng cũng ngạc nhiên: “Không hiểu sao bây giờ ba chị em nó nhìn rất giống nhau, ngày trước đâu có thế!” Tôi cũng nhớ là ba chị em nàng vốn không giống nhau, nhưng bây giờ thì gương mặt họ có chung nhiều đường nét, và đều giống mẹ nàng. Thế là thế nào nhỉ?
       Cuộc sống gia đình riêng của chị gái nàng không phải ngay từ đầu đã êm ả. Đã nhiều lần vợ chồng chị muốn chia tay nhau, và một lần họ làm xong thủ tục ly dị thật. Nhưng cuộc sống còn có nhiều thứ mà nếu đem chia thì rất bất tiện, bất tiện đến mức họ nhận ra sự tự ái cá nhân của họ không đủ giúp họ sức mạnh để họ sống xa rời nhau. Họ đã đăng ký kết hôn lại, dù sao thì việc này cũng dễ dàng hơn. Thời gian qua đi, mọi sóng gió đều lắng xuống, đứa con gái duy nhất của họ có thể yên tâm rằng bố mẹ nó vẫn luôn ở bên cạnh.
       Không giống như chị gái nàng sống ngay cạnh mẹ, em gái nàng đi làm dâu, sống chung với bố mẹ chồng, một cuộc sống tốt cho những ai muốn rèn luyện tính chịu đựng. Em rể nàng không thuộc mẫu đàn ông hoàn hảo, điều đó không có gì lạ, vì đàn ông hoàn hảo chắc chỉ tồn tại trên lý thuyết. Mặc dù rất nhiều lúc mệt mỏi và stress, nhưng có lẽ lâu dần em nàng cũng quen. Cuộc sống cứ trôi đi với hai đứa con đang lớn dần.
       Trong ba chị em thì môi trường làm việc của nàng thoải mái nhất. Chị gái và em gái nàng không phải bác sĩ thú y, họ cùng làm điều dưỡng trong một bệnh viện tâm thần, môi trường thường có nhiều ức chế chồng chéo. Vợ chồng nàng thì không làm việc cho nhà nước, tự lo tự làm tự hưởng. Nhưng nàng vẫn có những ức chế. Nàng còn đang tươi trẻ phơi phới thế này, những người đàn ông quanh nàng vẫn luôn bị thu hút, luôn dành những ánh mắt ngưỡng mộ cho nàng. Vợ chồng nàng sống êm ấm thật, nhưng lâu ngày đâu còn có thể ngây ngất si mê. Vậy mà nàng chẳng dám đáp lại những tấm tình si kia, chỉ vì một nỗi sợ gia đình tan nát, tấm gương của bố nàng vẫn còn ám ảnh trong trí nhớ. Nhưng tại sao nàng không thể có chút “gia vị” trong đời sống? Sự chán chường làm cho cuộc sống của người ta trở nên nặng nhọc mà không biết phải đổ lỗi cho ai.
       Khi trò chuyện cùng nàng trên Facebook, tôi đã cười rằng nàng không phải lo, mấy tấm tình si của cánh đàn ông chẳng qua là thứ “lửa rơm” mà thôi, nó chẳng thể làm tan nát gia đình nàng. Bởi vì vợ chồng là duyên nợ tâm linh, không dễ gì mà tan nát được, khi hết duyên thì nó nát bằng mọi cách, dù nàng chung thủy cũng giống như ngoại tình, người ta chia tay nhau bằng những lý do vô cùng vớ vẩn. Cứ nhìn vợ chồng chị gái và anh rể nàng mà xem, vợ chồng là một liên minh không dễ gì bị chia cắt nếu như Trời đã muốn thế, còn khi Trời hết muốn thì hàn gắn kiểu gì cũng không xong. Tính nàng vốn chóng chán, tôi không tin nàng sẽ yêu ai hơn yêu chồng nàng được. Còn nếu như nàng tìm thấy một người mà nàng có thể yêu nhiều hơn, thì sự kiện ấy sẽ đem lại cho nàng hoặc là đau khổ, hoặc là hạnh phúc, tùy theo khả năng kiểm soát bản thân của nàng. Tình yêu chân chính không phải là một thứ gia vị, nó là những tảng đá xây nên nền móng căn nhà nội tâm của con người, đồng thời lại là đôi cánh nâng tâm hồn con người bay cao. Nếu như nàng biết yêu, nàng sẽ hạnh phúc. Nếu nàng không biết yêu, sự chung thủy của vợ chồng nàng chỉ là bức tường nhà ngục. Tình yêu nào là tình yêu đích thực? Có những người đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không biết được điều đó, họ hối hận vì đã sống một đời uổng phí. Những đôi vợ chồng sống bên nhau với một sự ổn định an toàn thì nhiều khi đánh mất những điều mới mẻ. Tôi không phải là một nhà đạo đức nên không có nghĩa vụ khuyên bảo nàng phải biết an phận để giữ gìn những gì nàng đang có, tôi chỉ muốn nàng có cơ hội biết được thật sự là nàng đang có những gì. Những nhà tù hạnh phúc đang được canh giữ khắp nơi với những tù nhân mơ giấc mơ đào tẩu, họ muốn được phiêu lưu an toàn rồi sẽ ngoan ngoãn quay trở về với xà lim và những gông cùm do chính họ sáng tạo nên. Họ muốn phần bay bổng lãng mạn trong những bộ phim, nhưng phần hy sinh của nhân vật trong phim thì họ khó chấp nhận. Cứ như thế, cuộc sống của họ trở thành những thước phim tẻ nhạt, không có kịch tính, chẳng có cao trào.
       Buổi tối, nàng dắt ra chiếc xe tay ga mới để đưa tôi đi uống cà phê. Chị gái nàng cười “đểu”: “Ngồi sau xe nó thì mày cứ bình tĩnh mà… run, H ạ!” Nàng không chu mỏ lên phản ứng như thường lệ, mà cẩn thận dắt xe từ sân qua cổng xuống ngõ mới để tôi trèo lên. Bây giờ nàng không còn lý do để đòi tôi chở như ngày xưa, vì nàng không cần đến sức lực để đạp xe nữa. Cái xe mới này của nàng giá sáu chục triệu, mua được hơn một năm rồi mà mới chạy chừng hai trăm cây số. Chồng nàng sau khi mua ô tô đã mua chiếc xe này cho riêng nàng, để vợ mình không thua kém vợ người khác, chứ nàng có mấy khi dùng đến đâu, cho nên nàng đi không thạo. Chẳng bù cho chiếc xe cũ nát của tôi cứ phải chạy liên hồi mà không được nghỉ ngơi. Nếu những chiếc xe biết suy nghĩ như con người, hẳn là chúng sẽ liên tục kể lể về số phận.
       Quán cà phê có ban-công rất đẹp, nhưng chúng tôi không thể ngồi ở ngoài vì nàng không chịu được gió lạnh. Lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp ngồi cùng nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa. Nàng kể tôi đã từng giúp nàng những chuyện mà nàng không quên, nhưng trong trí nhớ của tôi không hề thấy lưu những chuyện đó. Tuy nhiên khi nàng kể nàng đã khóc khi tôi để nàng ở nhà tôi một mình vào buổi tối, vì tôi phải đưa một đứa bạn khác trở về nhà của nó, thì tôi có thể hình dung lại được. Lúc ấy tôi trở về, nàng không còn khóc to nữa, nhưng nước mắt nàng vẫn đọng trên mi, gương mặt nàng đầy vẻ hờn dỗi… Gương mặt nàng hồi ấy không hẳn giống bây giờ. Bây giờ nàng không còn mái tóc “xồm” nữa, mà tóc nàng đã ép phẳng và nhuộm nâu. Nàng đã trở thành một nhân vật tóc nâu môi trầm như trong phim Hàn Quốc. Nàng mở điện thoại cho tôi xem những pô ảnh chụp gần đây của nàng, không phải là ảnh nghệ thuật mà là ảnh chụp những lúc bình thường, nhưng tôi lắc đầu chịu không nhận được ra nàng, hết ảnh này đến ảnh khác nhưng tôi vẫn không sao tìm được nét nào của riêng nàng trong đó. Cái cười điệu đà, cái vắt chân kiểu cách, cái nhìn mơ mộng… Đẹp nhưng không giống nàng, và cũng không hấp dẫn. Nàng xịu mặt: “Đứa nào cũng nhận xét y như mày, tao cũng không thấy giống, chán nhỉ!” Chúng tôi lại nói về những chàng trai trong quá khứ, và tôi được nghe lại từ nàng một câu quen thuộc: “Cái loại nó không đáng xách dép cho tao!” Lúc ấy nàng cong môi trông thật duyên dáng giống nàng, có những người đàn ông sẽ bỏ qua nội dung lời nói kiêu ngạo mà muốn xách dép cho nàng thật. Nàng vẫn còn tỏa “hào quang”.
       Nàng đã chuẩn bị sẵn cho tôi một chiếc máy sấy tóc mác Honey’s xinh xinh màu hồng có miệng thắt vào loe ra như hình chiếc nơ. Nàng có vẻ thích thú với màu sắc và kiểu dáng chiếc máy mà nàng chọn mua. Tôi mỉm cười. Nếu nàng hiểu tôi nhiều hơn thì đã không lựa chọn như thế, nhưng nó sẽ nhắc cho tôi nhớ gu thẩm mỹ của nàng.
       Khi chúng tôi rời quán cà phê ra về, nàng nói: “Tao lãng mạn như thế là do chơi với mày nên chịu ảnh hưởng đấy!” Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Nếu như tôi là người lãng mạn thì sự lãng mạn của tôi không có chỗ nào giống nàng. Cánh đàn ông tuyệt nhiên không dám mon men quanh tôi, mặc dù tôi luôn nói với họ những lời rất lịch sự chứ không bao giờ chê bai họ như nàng. Tôi luôn biết cách để không làm mất thời gian cho cả tôi và họ, và cách hữu hiệu là để cho ảo tưởng của họ về vai trò đàn ông tan tành như mây khói. Đàn ông không thể tán tỉnh được tôi bằng những lời có cánh, còn tôi thì không chịu quyến rũ họ. Tôi đã dần dần đi đến chỗ tin rằng nếu đàn ông sống cạnh tôi thì họ sẽ ức chế không chịu nổi mà gặp họa, đó là niềm tin lãng mạn của tôi. Nếu nàng nói với những người thân quen là nàng chịu ảnh hưởng từ tôi về chuyện tình ái thì chắc chắn không ai tin nổi. Tuy nhiên tôi sẽ luôn bênh vực nàng.
       …
       Sau lần gặp nhau ấy, nàng chưa bao giờ gọi điện hay nhắn tin nhắc tôi về tác phẩm văn chương có nàng là nhân vật, có lẽ nàng sợ đọc thấy những điều mà nàng không mong muốn, hoặc có thể gặp tôi nàng vui mà đã quên rồi. Cũng có thể, nàng đã gặp được một người trong mơ nào đấy và ngày ngày hồi hộp chờ họ xuất hiện trên Facebook, những cuộc trò chuyện giữa họ đương nhiên là những tác phẩm hay nhất, trong đó nàng luôn luôn là nhân vật đáng yêu được ngưỡng mộ.
       Tôi thì ngần ngại mãi không muốn hoàn thành câu chuyện về nàng, bởi vì chúng tôi chưa dễ có sự đồng thuận về sự thật và cái đẹp trong văn chương. Những điều tôi muốn nói có thể là những điều nàng không muốn nghe. Những gì tôi nói với nàng về nhân vật trong văn chương thật ra chỉ là để bắt nạt nàng thôi, chứ tôi biết văn chương là do Thần Văn Chương cai quản, không đến lượt tôi lý luận. Thần Văn Chương cũng chính là Thần Tự Do, đồng thời là Thần Sáng Tạo, vị thần ấy điều khiển ngòi bút chứ ngòi bút không thể điều khiển ngược lại. Các bạn tưởng cứ “dùng bút làm đòn xoay chế độ” mới là thể hiện của sự tự do ư? Nếu ngày nay các bạn viết những bài chống chế độ mà bị nhốt vào tù thì sẽ không ít người tung hô các bạn như những anh hùng, trong khi chưa chắc những điều các bạn viết là đúng. Cũng ngày nay, nếu các bạn viết đúng sự thật ý nghĩ của các bạn về người thân quen của mình, có thể các bạn sẽ bị lên án. Tôi cũng không biết tại sao như vậy, nhưng tôi nhận ra “triệu chứng” này qua những bài viết phê bình đầy mỹ từ dành cho những tập thơ văn của bạn bè do người nọ người kia viết mà tôi không sao nhớ nổi, bởi vì nội dung luôn rất chung chung với ý ca ngợi mà người đọc đọc xong cũng không nhớ được là tác giả ca ngợi điều gì, vì những bài phê bình đó cũng nhạt nhẽo không kém gì các tác phẩm được phê bình.
       Tôi chưa đến nỗi quá ảo tưởng về văn tài của mình. Tôi nghĩ tác phẩm viết về “quái vật” có thể lưu truyền hậu thế chỉ vì nếu nàng ưng ý, nàng sẽ cho con cháu của nàng đọc. Song nếu tôi viết cho nàng ưng ý mà tác phẩm lại dở vô cùng, cũng chẳng giống với sự thật, hậu duệ của nàng sẽ cười vào mũi tôi, à không, cười vào tên tuổi của tôi nếu không may khi ấy tên tôi đã trở thành nổi tiếng.
       Tôi nghĩ gì về nàng ư? Một nhân vật rất phải chăng. Không có tật xấu đến mức để người ta không chịu được. Không có phẩm chất cao quý đến mức người ta phải nghiêng mình tôn kính. Không có tội lỗi đáng để người đời bàn đến chuyện tha thứ. Không có công trạng đáng để người đời nghĩ đến chuyện tôn vinh. Hạnh phúc của nàng không phải là hạnh phúc mà tôi mong ước. Đau khổ của nàng không đủ làm tôi chấn động tâm hồn… Đó là con người hiện tại của nàng, không phải là nàng trong quá khứ, cũng chưa chắc là nàng trong tương lai.
       Chưa bao giờ tôi cảm thấy thiếu tự tin trong một bài viết đến thế. Từ đầu chí cuối tôi đã viết những điều linh tinh lộn xộn và không thông suốt. Đó là do ả “gà mái” Ái Nữ mắc phải cái máy sấy tóc. Tôi đã phạm sai lầm muôn thủa: nghĩ rằng tài năng có thể thay thế được một số điều kiện.
       …
       Như “quái vật” mong muốn, tác phẩm này kết thúc có hậu: Dù tôi viết hay hay dở thì tôi cũng đã có được cái máy sấy tóc, như thế tôi có thể gội đầu bất cứ lúc nào, và lời chê bai của nàng rằng tôi ở bẩn sẽ trở nên có lý hơn. Mỗi lần cầm đến chiếc máy xinh xắn, tôi lại nhìn thấy màu hồng và từ “honey”. Tôi mỉm cười nhớ đến nàng, và tôi biết nàng mua cái máy là để chăm sóc cho tôi như một người bạn, chứ không phải là để trả công.
       Mặc dù tác phẩm viết về nàng có nhiều lầm lỗi, nhưng tôi vẫn phải đăng lên mà không từ bỏ nó như đã từng gạt bỏ không thương tiếc những đoạn văn mà tôi không thấy vừa ý. Bởi vì tôi hình dung đến một ngày, khi nàng vỡ mộng về ai đấy hoặc về chính mình, nàng sẽ gọi điện thoại hẹn gặp tôi trên Facebook. Rồi trong khi tôi hầu chuyện nàng giúp nàng giải tỏa nỗi niềm, nàng chợt hỏi: “Truyện của tao đâu?”
                                                                                Viết xong ngày 05 – 6 – 2014.
 Chú thích:
* “đơn xin đi… vệ sinh của học sinh một trường trung học phổ thông miền Nam”: là câu chuyện ở trường THPT Nguyễn Văn Linh (Q8-TP Hồ Chí Minh) được quan tâm trên báo chí. (Link ở đây).

24 nhận xét:

  1. Chúc Ái Nữ vui và thanh thản

    Thăm từ Bà Rịa VT.

    Trả lờiXóa
  2. Đố Ái Nữ biết, đọc bài này của bạn có dễ không? Và bình luận bài này của bạn có dễ không?
    Đố nhé, nên tôi không có lời đáp ở đây.
    Tôi chưa xác định được thể loại của bài viết này, chỉ thấy nhân vật "Nàng" của bạn hiện lên rõ mồn một. Kể ra nếu lấy nguyên mẫu người này để viết một tác phẩm nào đó, tựa như tuyện ngắn hay tiểu thuyết thì coi bộ hơi bị khó, vì - đúng như bạn nói - Nàng là "Một nhân vật rất phải chăng. Không có tật xấu đến mức để người ta không chịu được. Không có phẩm chất cao quý đến mức người ta phải nghiêng mình tôn kính. Không có tội lỗi đáng để người đời bàn đến chuyện tha thứ. Không có công trạng đáng để người đời nghĩ đến chuyện tôn vinh." Thế thì có gì để khai thác nữa cơ chứ!
    Tôi mường tượng, nếu Nàng đọc được bài này của Ái Nữ, chắc Nàng bực mình lắm đây! Hihi! Nếu là mình thì tôi sẽ khuyếch đại cái tốt của Nàng lên, rồi gắn một cốt truyện vào đó. Thế là bản thân mình không thấy gượng gạo khi không phải vẽ tả thực (mình sáng tác mà), và Nàng sẽ phấn khởi hơn. Tốt cả đôi đường! Haha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu đố của bạn, tôi... đầu hàng.
      Tôi cũng không biết bài này thuộc thể loại gì, cho nên đã đặt tên thể loại mới là "quái văn". Nhân vật "Nàng" của tôi sẽ rất phấn khởi vì nàng xuất hiện trong một thể loại mới đặc biệt của văn chương. Nếu theo giải pháp của bạn, sẽ chẳng ai nhận được ra nàng, thế thì lấy gì làm bằng chứng là nàng đã xuất hiện trong tác phẩm của Ái Nữ?

      Xóa
    2. Bạn viết theo đơn đặt hàng, và lại mắc cái máy sấy tóc nữa, nên chỉ cần chính Nàng nhận ra Nàng là đủ rồi! Để nhạn ra cũng quá dễ, chỉ cần cái đoạn rất sinh động hồi bé và cái đoạn các anh giai vây xung quanh là đủ chân dung rõ mồn một.
      "Quái văn" nghe ấn tượng ghê á! :D

      Xóa
    3. Nếu sử dụng thủ thuật "cắt dán" kiểu như thế, trước sau gì nàng cũng biết là nàng bị lừa. Thể xác nàng không thạo "bếp núc" văn chương, nhưng linh hồn nàng biết, chẳng thể coi thường. Vả lại chớ quên là nàng sẽ đem khoe, sẽ ra sao nếu những người thân của nàng nói: "Chẳng thấy giống gì cả!" Có thể mới đầu nàng bực mình, nhưng sau đó nàng sẽ nhận ra và thấy là tôi có lý, càng về sau nàng sẽ càng hài lòng. Nhiều bạn đọc khen chân dung này của nàng dễ thương kia mà!

      Xóa
  3. Ái Nữ ơi! Bạn thông cảm cho cái bộ não thích đình công của Sỏi.
    Ngay sau khi đăng sỏi đã đọc, đọc xong ngồi lặng nhớ lại ...không nhớ được...Đành về mà không dám có ý kiến.
    Nay dậy sớm sang blog bạn để đọc ... thực tình cũng chả biết sao mình không biết viết bình thế nào.
    Chẳng lẽ sang chào rồi về thì không muốn vậy...
    Chắc mình lẫn và hỏng cái Memory rồi !
    Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Từ đầu chí cuối tôi đã viết những điều linh tinh lộn xộn và không thông suốt".
      Nếu như bạn đọc cũng không có khả năng thông suốt thì... chịu rồi. Hic hic...

      Xóa
  4. Vào lúc này tôi không mở được BlogTV nên phải có ý kiến phản hồi ở đây nhé:
    Lúc đọc tôi mang tâm trạng của "Quái vật", còn TQT lại hòa nhập với người viết Quái văn nên mỗi người có nhận định khác nhau đó mà. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi việc gì mà bạn phải vội vã như thế chứ! TQT đâu có cướp mất lời của bạn. Hic hic...
      Tôi thấy "quái vật" sống như vậy tốt rồi mà, thỉnh thoảng giận dỗi cho đời thêm "gia vị".
      Ha ha...

      Xóa
  5. Mình đọc quái văn này bên nhà NGỐ, nhảy sang đây tìm chủ nhân đọc tiếp. Mình chỉ khoái phần mào đầu và một số đoạn. Trong đó có đoạn: "Tình yêu chân chính không phải là một thứ gia vị, nó là những tảng đá xây nên nền móng căn nhà nội tâm của con người, đồng thời lại là đôi cánh nâng tâm hồn con người bay cao. Nếu như nàng biết yêu, nàng sẽ hạnh phúc. Nếu nàng không biết yêu, sự chung thủy của vợ chồng nàng chỉ là bức tường nhà ngục."
    Nhân vật chính trong quái văn này nhiều điểm giống mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng biết nhà NGỐ thỉnh thoảng đăng bài của tôi, nhưng nếu chị không nói thì tôi không biết NGỐ đăng "quái văn" này, vì bài bên nhà NGỐ trôi nhanh như tin trên Facebook.

      Chị "khoái phần mào đầu và một số đoạn" là đã ưu ái nhiều lắm rồi.
      "Quái vật" sẽ rất vui khi biết có người đồng cảm.

      Xóa
  6. 1- Tác giả không gọi bài viết của mình là một trong những thể tài truyền thống như truyện ngắn, tản văn, bút kí… mà gán cho nó là Quái văn. Trước đây có Bồ Tùng Linh viết Liêu Trai Chí Dị, nhưng cái quái dị của LTCD là ở nội dung câu chuyện chớ không ở câu văn. Mới đây Cao Tự Thanh dịch LTCD ra tiếng Việt rất mạch lạc sáng sủa. Tác giả Ái Nữ tự nhận mình là bạn của ma quỷ nhưng văn chương của Ái Nữ không thấy ma quỷ thấp thoáng trong câu chữ mà rất dễ hiểu, rất phổ thông. Người đọc là bu tui không thấy bài văn này là Quái văn hay Văn quái gì cả.
    2- Với những gì bạn viết ra có thể xem nó là truyện ngắn . Trong đó nhân vật chính là Nàng cùng một số nhân vật là tác giả Ái Nữ, mẹ Nàng, các chị em gái Nàng…nó có dáng dấp một “Truyện ngắn mảnh vở” xuất hiện bên Tây từ năm 1950 mà tiêu biểu là nhà văn Donald Barthelme. Ông này quan niệm truyện ngắn hay hiện nay phải là truyện ngắn được xây dựng từ những mảnh vở của hiện thực. Truyện của bạn chẵn 10 trang chữ 12 khổ A4 có vẻ được lắp ghép bằng hai mảnh. Mảnh thữ nhất khoảng 1 trang và 9 dòng, mảnh thứ hai gần 11 trang. Mảnh đầu bạn luận về tự do, với lời văn thoải mái, phóng túng, thâm trầm mà dí dỏm với những chiết tự, nói lái. Thế kỉ Hai - Mốt (21) có hai mốt, mốt đầu tiên là tự do… Vua của “vương quốc Việt” là giống “Đài tộc” . Hay lắm, Đài là rêu, Đài tộc theo chữ nghĩa là giống rêu, người ta vẫn dẫm dưới gót giày. Theo tác giả thì vương quốc này không có vua, nhưng đồng chí Nguyễn Văn An nguyên chủ tịch Quốc Hội thì vương quốc này có tới 16 ông vua… Kiến văn là văn của kiến, nhưng “kiến” là thấy và “văn” là nghe, … hihi nghe và thấy thì kém chi Quán Thế Âm bồ tát. Văn chương nước nhà là con chim đại bàng, một cánh là Văn Hội Nước Nam (của ông Hữu Thỉnh và ông Quang Thiều) cánh kia là Văn Đoàn Nước Việt (của ông Nguyên Ngọc). Cánh nọ là đại khắc tinh của cánh kia nên Đại Bàng ỳ ạch bò dưới đất mà không bay lên được. Một các nói bu tui khoái lắm. Mảnh thứ hai thì không có gì đặc sắc để mà chiêm nghiệm. Nó là trích ngang nhân vật Nàng từ khi còn là cô bé học trò hay đùa dai, lớn lên không mấy nhan sắc nhưng lắm chảng mê mệt. Rồi Nàng lấy chồng, được chồng yêu chiều sắm xe hơi cho mình và sắm xe máy đắt tiền cho vợ. Sống đầy đủ thế nhưng Nàng vẫn ngoại tình cho dù chỉ ngoại tình trong tư tưởng. Nàng thích được Ái Nữ cho lên văn chương nhưng chỉ được nói cái hay cái tốt thôi…Tóm lại nàng là một phụ nữ thị dân rất bình thường không có biểu hiện gì là quái vật cả. Chính Ái Nữ đã viết “ (Nàng là) một nhân vật phải chăng, không có tật xấu đến mức để người ta không chịu được. không có phẩm chất cao quý đến mức người ta phải nghiêng mình tôn kính. Không có tội lỗi đáng để người đời bàn đến chuyện tha thứ. Không có công trạng để người đời nghỉ đaến chuyện tôn vinh”. Không hiểu sao “khi nhớ đến nhân vật này, trong đầu tôi rủa thầm “đồ quái vật”” như tác giả kết luận.
    3- So với nhân vật Nàng rất đỗi bình thường đầy rẫy trong các phố phường làng mạc thì nhân vật tác giả mới là khác thường. Lúc còn là học trò chơi thân với Nàng, có lần mẹ ngàng đã thốt lên “Nó thì có khác gì đàn ông” và chính tác giả nói về mình “Cánh đàn ông tuyệt nhiên không dám mon men quanh tôi ….. đàn ông không thể tán tỉnh được tôi bằng những lời có cánh, còn tôi thì không chịu quyến rủ họ”. Bạn với ma quỷ cho nên mới khác người vậy chăng …hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một phụ nữ thị dân bình thường có thể đánh đổ tự do của một nhà văn, lại còn không phải "quái" hay sao? Nhân vật tác giả không chịu nhượng bộ với đàn ông thì ngược lại dễ mềm lòng bởi phụ nữ. Bác Bu thật thà quá nên không hề nghi ngờ rằng Ái Nữ đã vì cái máy sấy tóc của "quái vật" mà hư cấu cho nàng trở nên không còn xấu nữa, nhưng do không còn xấu nữa cho nên cũng không có cách nào mà tốt được, vì tốt xấu giống như hai mặt của một đồng xu. Cuối cùng Ái Nữ phải chấp nhận mô tả một nhân vật "rất bình thường" trong một bài viết lôn xộn.

      Nhà văn muốn tự do đâu phải là dễ! Có vẻ như không ai muốn bỏ tiền ra mua sự thật về mình, mà chỉ muốn sự thật về người khác. Nhưng không có sự thật về người này thì cũng chẳng có sự thật về người kia.

      Xóa
  7. Sáng giờ cô không vào được nhà ai bên blog tiếng Việt vì lỗi Forbidden You don't have permission to access / on this server. Loay hoay bấm tới bấm lui cô vào được nhà mới của AN. AN tậu nhiều nhà, vui quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bên Blog Việt thỉnh thoảng có sự cố mạng toàn bộ hoặc cục bộ. Ái Nữ không định tậu thêm cái nhà thứ hai đâu, chỉ vì phòng "sự cố" nên mới "cơi nới" sang thêm bên này, nhưng nhờ thế mà biết thêm một số blogger rất thú vị. Bạn đọc bên Blogspot đọc "Hơi Thở Của Vũ Trụ" bên Blog Việt nhiều hơn là bạn đọc bên Blog Việt đọc "Hơi Thở Của Vũ Trụ" bên Blogspot. Nguyên nhân rất dễ hiểu, vì đọc còm bên Blog Việt nhiều khi thú vị hơn đọc entry chính.

      Xóa
    2. Bạn đọc "Hơi Thở Của Vũ Trụ" bên Blogspot tuy ít, nhưng lại là những người rất sắc sảo.

      Xóa
  8. Nhưng điều quan trọng nàng lại là bạn, mà lại là bạn thân của Ái Nữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, đó chính là điều đặc biệt của nhân vật phải không?
      Chỉ riêng điều đó thôi đã đủ để nói lên rất nhiều điều rồi.

      Xóa
    2. Vâng, theo tôi thì, dù có thể nhân vật Ái Nữ trong từng phân đoạn đã thể hiện được nhiều khía cạnh về con người cô bạn, mặc dù cá nhân tôi nghĩ để khắc họa được cô bạn cũng không cần nhiều nét vẽ đến

      Xóa
    3. thế, nhưng có thể đó là ý đồ của tác giả muốn rõ hơn về nhân vật cô bạn cho sát sườn, tôi cũng thấy rằng Ái Nữ đã hiểu bạn rất nhiều, đến từng ngóc ngách của tính cách cô bạn, kể cả quan điểm tốt xấu khi lên tác phẩm, ngược lại cô bạn khi bị gí bởi loat câu hỏi của Ái Nữ cũng phải im lặng thoái lui, chứng tỏ rằng trong tình bạn không tồn tại khái niệm ai hơn ai, ai cao siêu hơn ai.
      Bài viết khá dài với nhiều vấn đề đặt ra khiến tôi ngẫm nghĩ một xíu.
      Thanks bạn.

      Xóa
  9. Thần Văn Chương sao cứ điều khiển J xoay mòng mòng thế này. Say!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm nhận từ: Hoàng Trọng Muôn [Blogger]
      17.06.14@13:03

      Mình mò sang đọc lần này là lần thứ ba rồi, lần nào cũng định viết mấy dòng nhưng sao lại thôi. Thấy mọi người comment nhiều, lắm thứ cũng đáng ngẫm ngợi...


      Phản hồi từ: Ái Nữ [Blogger] Email
      17.06.14@15:43

      Có người không công khai ghi cảm nhận ở đây, nhưng cũng trao đổi với tôi rằng họ có cảm giác giống bác Hai Rạch Giá, tức là đọc bài viết này thấy mệt, mà không hiểu thì rốt cục tác giả định nói gì.

      Qua các bình luận, tôi nhận thấy ở entry này các bạn đọc đã chia rẽ thành hai tuyến: Những bạn đọc là đàn ông thấy rất mệt, còn những bạn đọc là phụ nữ thì thấy rất vui.

      Xóa
    2. Tình trạng bên Blog Việt là vậy, nhưng ở Blogspot thì khác.
      Ở Blogspot, có vẻ bạn đọc ở hai giới tính không có cảm nhận khác biệt.

      Xóa