Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Chú bé trong vườn hoa

Truyện ngắn của Ái Nữ

        Lần đầu tiên gặp, tôi không thích nó.
       Con trai gì mà lại thích bôi son đánh phấn! Nhìn mấy cô bạn tôi loay hoay xoa phấn lên mặt nó mà bực. Tôi không ưa son phấn. Mặc kệ các cô bạn nài tôi để họ trang điểm cho, tôi dửng dưng không đồng ý. Còn nó thì đòi được trang điểm.
       Lần ấy các bạn rủ tôi ra công viên thành phố để chụp ảnh, kỷ niệm ngày thi tốt nghiệp vừa xong. Chúng tôi gặp nó ở đó, một thằng bé mười tuổi lang thang không cha không mẹ. Quần áo của nó bạc phếch, nhưng không rách nhiều và khá sạch sẽ. Vườn hoa trong công viên tuy chưa phải là đẹp lắm, nhưng ở đây có những cây lớn nhiều bóng mát, bên dưới đều có ghế đá, một nơi lý tưởng với những kẻ bụi đời. Thằng bé thích làm quen với mọi người, nó khoe chúng tôi một cuốn vở mà có những bạn cùng trường tôi đã dạy nó viết. Nhưng nó chưa biết viết. 

       Sau khi được vẽ mặt xong, nó lấy những cánh hoa râm bụt đỏ dán lên trán lên má để làm gà trống. Nhìn nó làm như thế tôi thấy đỡ ghét hơn, vì đó cũng là trò mà tôi hay làm khi bằng tuổi nó. Mặt nó tròn với đôi má bầu, mắt cười tươi hơn hớn. Dù sao thì nó cũng chỉ là một đứa trẻ con. Khi đứng vào chụp ảnh, nó đòi được đeo chiếc xắc của một cô bạn tôi, và đội chiếc mũ rộng vành của một cô khác. Hình ảnh nó đã được lưu giữ trong ảnh của chúng tôi như thế.
       Khi chúng tôi ra về, nó ngỏ ý muốn được theo về nhà chúng tôi chơi. Những cô bạn của tôi nhìn nhau ngần ngại và khó xử. Tôi bèn bảo nó ngồi lên xe đạp của tôi, vì đưa nó về nhà tôi chơi không phải là việc khó. Ở nhà tôi tự do thoải mái, bố mẹ tôi thì đi làm ăn xa. Dạo ấy bố tôi đang ở nhà, nhưng ông thường tôn trọng những quyết định của tôi.
       Nó rất vui vẻ tự nhiên khi ở nhà tôi, cứ cười nói ríu ran suốt. Thật lạ là tôi chẳng được như nó, mặc dù có bố mẹ đầy đủ, nhưng năm mười tuổi tôi đã rất ưu tư. Nó kể rằng bố mẹ nó đi đào vàng, cùng bị sập hầm chết từ ba năm trước, họ hàng thì nó chẳng biết ai, nó cũng không rõ là nó còn có họ hàng không, rồi nó theo đám trẻ bụi đời sống lang thang.
       Ăn trưa xong, tôi cho nó nằm nghỉ chung giường với tôi, nó cứ xoay qua xoay lại không yên, làm cho tôi phải vỗ về. Đột nhiên nó bảo: “Chị ơi, để em gọi chị là “em”, còn chị thì gọi em là “anh” nhé!” Tôi ngẩn người sững sờ nhìn nó, nhưng không nhận ra trong ánh mắt nó có điều gì lạ lùng cả. Rõ ràng nó chỉ là một thằng bé mười tuổi ngây ngô. Tôi hỏi có phải nó hay đi xem video không, nó gật đầu. Những năm chín mươi ấy, xem phim nhựa nước ngoài qua máy video còn là món ăn tinh thần mới mẻ ở tỉnh lẻ chúng tôi. Hai loại phim phổ biến nhất mà người ta phục vụ là phim chưởng Hồng Kông và phim tình yêu của Ấn Độ. Bọn trẻ nhỏ có thể lọt vào phòng chiếu video không mất vé. Không khó hiểu khi nó học được cách xưng hô âu yếm kiểu như thế. Bỏ qua đề nghị ngớ ngẩn của nó, tôi bảo nó nằm yên, và chỉ một lát sau là nó ngủ tít.
       Buổi chiều khi ngủ dậy, nó đã hoàn toàn quên về chuyện xưng hô. Nó mượn tôi chiếc xe đạp để ra đường cái tập đi, nó đã biết đi nhưng chưa thạo lắm. Một tiếng đồng hồ sau khi đem xe về trả cho tôi, nó nhìn tôi hơi lạ và hỏi: “Chị cho em mượn xe mà không sợ em lấy cắp mất à?” Tôi lắc đầu. Miệng tôi mỉm cười với nó mà lòng tôi nhói đau.
       Đoạn nối từ đường ngõ lên sân nhà tôi rất gồ ghề nham nhở, nó dùng cuốc vun đất san cho bằng, để xe đạp đi qua không bị vấp. Bố tôi thấy thế khen nó lanh lợi được việc. Tranh thủ lúc bố tôi vui, tôi bèn nói riêng với ông, xin ông nhận nó làm con nuôi. Ông trầm ngâm suy nghĩ một lúc, rồi tỏ ý lo ngại rằng chưa chắc những điều nó kể đã là thật, nếu sau này có người đến đòi con thì rất phiền toái. Tôi vẫn năn nỉ. Ông đồng ý, nói sẽ cho nó đến trường học, nhưng trước mắt khi mọi người đi vắng thì phải khóa cửa để nó chơi ở ngoài hè thôi, bởi vì chưa thể tin nó được. Tôi không dám phản đối, mặc dù thâm tâm tôi cảm thấy xót xa khi nó bị đối xử như thế. Nhưng bố tôi đồng ý nhận nuôi thêm nó thì tôi thấy cũng may mắn rồi. Vì vậy khi anh trai tôi đi học về, tôi khoe với anh là nhà sắp có thêm một đứa em.
       Song tôi đã mừng quá sớm. Người không đồng ý là nó. Lý do là nó đang ở với một người anh cùng quê, mà nó không muốn xa người anh ấy. Bố tôi hơi bất ngờ. Tôi thì không dám hỏi nó thêm, tôi nghi ngờ rằng có thể nó đã nghe được cuộc trao đổi của bố con tôi chăng, có thể nó đã bị tổn thương khi bố tôi lo nó trộm cắp.
       …
       Sự nghi ngờ của tôi có lẽ không đúng. Một thời gian sau nó tự tìm đến thăm tôi, khi ấy bố tôi không còn ở nhà nữa. Đi cùng nó là người anh mà nó đã nhắc đến lần trước, một đứa trẻ mười ba tuổi. Nhìn gương mặt và vóc dáng hoàn toàn đối nghịch của hai thằng bé, tôi tin rằng chúng không hề có mối quan hệ ruột thịt nào với nhau, có lẽ chúng đã gặp được nhau ở đâu đó rồi tự nhiên gắn bó thành anh em.
       Bọn trẻ mang theo một bó chổi chít. Chúng nói chúng đi bán chổi dạo. Tôi băn khoăn ghê gớm. Liệu công việc này có đủ để chúng nuôi nhau hay không? Lúc nhỏ tôi đã từng mang bán dọc đường những chiếc làn tre bố tôi đan, và tôi biết bán được cho người ta không phải là chuyện dễ, họ sẽ mặc cả ép giá lên xuống, lại còn coi thường trẻ nhỏ nữa.
       Anh trai tôi không ở nhà. Chỉ có hai đứa trẻ ăn trưa cùng tôi. Thức ăn không còn nhiều, chỉ vài miếng thịt nạc kho mặn cùng ít rau luộc. Đứa anh rất ít nói, ăn một cách tập trung nhưng từ tốn. Gương mặt cậu không giống như một đứa trẻ mười ba tuổi, hơi dài và gầy, xanh xao nhưng nghiêm nghị, phảng phất nét buồn pha vẻ cam chịu. Đôi bàn tay cậu cũng xanh xao với những ngón tay thon dài như tay nghệ sĩ dương cầm. Ở cậu toát lên một vẻ thanh thoát nào đó, khiến tôi tin rằng cậu không bao giờ có thể hư hỏng, và sự lựa chọn của thằng bé em là có cơ sở.
       Hai thằng bé ăn một cách ý tứ hơn là tôi muốn. Tôi gắp một miếng thịt cho thằng bé em, nó từ chối và gắp bỏ vào bát của tôi. Nhân lúc nó quay đi, tôi lại gắp trả vào bát của nó, vì dù sao cũng không còn miếng nào khác. Nó phát hiện ngay đó là miếng thịt khi trước, khăng khăng không chịu và nhìn tôi đầy hờn dỗi. Tôi đành chịu thua trước nó. Dù nó mang vẻ mặt ngây thơ chứ không nghiêm nghị như người anh, nhưng nó luôn quyết đoán.
       Đó là lần duy nhất tôi được gặp người anh của nó.
       …
       Cách lần đầu tiên tôi gặp nó chừng nửa năm, nó đợi tôi ở cổng trường đại học. Tôi lại đưa nó cùng về nhà. Không quá vui vẻ háo hức như những lần trước nữa, nhưng nó quyến luyến tôi chẳng muốn rời. Khi chia tay, tôi muốn tặng cho nó món đồ chơi gì đó. Nhưng tôi không có thứ gì đáng giá, ngoài một chiếc thuyền buồm kết bằng tre mà đứa bạn thân sau chuyến nghỉ mát ở biển đã tặng tôi, và một chiếc đèn ông sao tự tay tôi làm từ trung thu năm trước. Sau khi lau bụi cho sạch sẽ, tôi trao nó hai vật ấy và nhận lại từ nó ánh mắt cười rạng rỡ.
       Nó đã ra đi như thế, với chiếc thuyền buồm và ngôi sao trên tay.
       …
       Một thời gian lâu không thấy nó đến, tôi bỗng cảm thấy lo lắng. Nhớ đến tên người đàn bà và tên xóm mà nó nói anh em nó vẫn thường ngủ trọ, tôi tìm đến hỏi thăm. Xóm này ở ngay gần bến xe, tôi hỏi được nhà người đàn bà không khó khăn gì lắm. Người đàn bà có nhà, nhưng bà ta không mở cổng cho tôi mà nhìn tôi qua cánh cổng với ánh mắt soi mói dữ tợn. Khi tôi nhắc đến tên của hai thằng bé, bà ta bỗng nói giọng the thé như muốn gào lên: “Hai cái thằng mất dạy ấy à? Tao đuổi chúng nó đi lâu rồi. Chúng nó dám ăn cắp của tao cái bật lửa!...” Rồi bà ta quay ngoắt vào nhà không để tôi kịp hỏi thêm.
       Tôi thấy sao mà lạ lùng quá, người đàn bà này thật đáng nghi ngờ. Nhưng nếu tôi không tin bà ta thì tôi còn biết hỏi ai? Đây là địa chỉ duy nhất của nó mà tôi biết. Nước mắt tôi trào ra.
       Tôi không đau lòng cho nó, tôi chỉ khóc cho tôi. Tôi là một kẻ ích kỷ, vô tâm. Tại sao chưa bao giờ tôi đến với nó, mà lại chỉ luôn chờ nó đến với tôi? Tôi bận thi cử, bận học hành ư? Chẳng có lý do nào chính đáng. Nó không đến với tôi được nữa, tôi biết tìm nó ở đâu trong thế giới mênh mông này?
                                                                            Viết xong ngày 19 – 4 – 2014.

53 nhận xét:

  1. Truyện viết hay thế.

    -Một tâm hồn trẻ phải lăn lóc giữ bụi đường thì quả thật đau xót. Chúng ta đi đuờng vẫn bắt gặp những đứa trẻ lang thang bán bánh, vé số dạo...
    -Một số người có lương tâm cùng lắm cũng chỉ mua ủng hộ hay cho vài nghìn tiền lẻ. Bao nhiêu đó cũng chưa đủ.
    -Đôi khi chúng ta lại vô tình tạo ra khoảng cách không đáng có.Đôi khi nghi hoặc vì thế khoảng cách càng xa hơn.

    Một truyện hay đáng để cho tất cả chúng ta suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  2. Thật khó để người ta có thể tin tưởng một đứa trẻ lang thang nếu không có một tấm lòng nhân ái thực sự để hiểu được chiều sâu nội tâm của nó. Nếu nó có cha mẹ tử tế, người ta có xem việc lấy cái bật lửa là "đồ mất dạy" không nhỉ? Có đuổi nó đi như vậy không nhỉ?
    Truyện của AN đã đánh thức lương tâm con người rất nhẹ nhàng mà sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  3. Ăn cắp cái bật lửa cũng là... ăn cắp. Tôi chỉ mong nó không phải là sự thật mà chỉ là do bà chủ nhà dựng chuyện để đuổi chúng đi mà không cảm thấy ăn năn băn khoăn gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc comment của bạn, tôi không nghĩ được gì, chỉ biết thở dài.
      Sao người lớn lại đòi hỏi ở bọn trẻ con cao đến thế nhỉ? Dựa vào đâu?

      Xóa
    2. Nói thật, tôi nghi ngờ liệu có thể có một đứa trẻ ko từng nói dối, hay ăn cắp vặt cái gì đó chăng. Tôi e rằng đấy là một đứa trẻ ko bình thường. Hoặc là thiên tài, có khả năng hiểu được rất sớm những khái niệm trừu tượng như danh dự, trung thực và đủ ý chí để kiềm chế những thứ cảm xúc như sợ hãi, ham muốn .. Hoặc là thiểu năng.

      Xóa
    3. Về chuyện nói dối thì chả ai thoát được cả, bởi có những tình thế bắt buộc. Còn nói về ăn cắp, theo cuộc sống thực tế mà tôi biết, bọn trẻ con rất thích vặt trộm hoa quả, đào trộm khoai... và xem đó như là chiến tích, là trò chơi vui của chúng. Bản thân tôi lúc nhỏ cũng thế. Còn với bọn trẻ trong truyện ngắn này, ăn cắp không còn là trò vui nữa mà là chuyện sinh tồn cay đắng. Dĩ nhiên tôi không tin người đàn bà trong truyện đuổi bọn trẻ vì mất cái bật lửa, mà khả năng nhiều hơn là chúng không trả đủ tiền ngủ trọ như đã hứa.

      Nếu đứa trẻ trong truyện này có ăn cắp cái xe đạp thì người lớn cũng không cần phải thất vọng vì đạo đức của nó. Cuộc đời đã lấy đi của nó nhiều hơn thế. Nó không cần ngưới lớn phải dạy để biết được rằng nó cần tình thương và sự tin cậy nhiều hơn là một cái xe. Cái tôi nghi ngờ là những người lớn có đủ tư cách để dạy dỗ bọn trẻ con về đạo đức và lòng tự trọng hay không.

      Xóa
    4. Có vẻ bạn lan man qua một đề tài khác thì phải, mặc dù các vấn đề bạn đặt ra đều là những dấu hỏi lớn.
      Ở đây trong khuôn khổ một câu chuyện, cái người ta chú ý nhất là tình tiết nó lấy xe đạp đi và về trả lại, trong khi cuối truyện là hình ảnh cậu bé bị đuổi đi do trộm cái bật lửa. Chiếc xe đạp-bật lửa, hai thứ có giá trị chênh lệch nhau khiến cho người đọc sẽ nghĩ rằng xe đạp nó không lấy, mắc gì lấy cái bật lửa. Là tôi nói thế để cho bạn thấy tính phi logic trong câu chuyện này.

      Xóa
    5. Logic của cuộc sống khác với logic do con người tưởng tượng.

      Xóa
    6. @UD: thì bởi nó trả chiếc xe đạp nhưng lại lấy bật lửa, nên rất logic - no là đứa trẻ, thích thì lấy thui.
      .
      Nhớ có lần họp khu phố, nói về chuyện an ninh gì đấy. Anh chàng bí thư kp ba hoa ... ko được nhậu nhẹt, rượu vào lời ra rất mất tư cách .. Đang nói chợt nhìn xuống thấy một số chiến hữu cười tủm tỉm, anh chàng nhột, bèn tiếp Nhưng nếu lỡ nhậu thì đừng say .. ah uhm .. lỡ say thì về nhà ngủ, đừng quậy làng quậy xóm

      Hì, anh chàng chỉ là một chức sắc nhỏ, nên còn bit ngượng.
      .
      Xưa nay, ta thường tỏ ý khinh bỉ những người nói một đằng làm một nẻo là đạo đức giả.

      Cái tôi nghi ngờ là những người lớn có đủ tư cách để dạy dỗ bọn trẻ con về đạo đức và lòng tự trọng hay không.

      Nhưng nếu thế thì, giả sử tôi cũng từng ăn cắp, thậm chí đang ăn cắp, tôi ko thể / ko nên dạy con đừng ăn cắp chăng ?

      [Dĩ nhiên tôi chỉ nói trường hợp tôi ăn cắp mà con ko biết (tham nhũng hối lộ v v .. kín đáo, hoặc con còn nhỏ), chứ nếu ăn cắp mà con biết thì dạy nó vô ích rồi].

      Xóa
    7. Chim : Lấy xe đạp dễ bị công an hỏi thăm, ko khéo bị ở tù. Lấy bật lửa thường được coi là " cầm nhầm", dễ bỏ qua. Nhu cầu xài quẹt ga nhiều nhất có lẽ là giới dán keo xe- điện thoại, hít hàng trắng.
      Mình có đọc chuyện ( lâu quá, quên gần hết) : một giáo sư Liên Xô khả kính, lương cao bị bắt quả tang ăn trộm chiếc vỏ xe Lada. Thời ấy phụ tùng đắt đỏ, hiếm. Có dư tiền cũng phải đăng ký xếp hàng chờ rất lâu.
      Có lẽ Ái Nữ đang dẫn dắt bạn đọc đến những khía cạnh không ngờ, những góc khuất trong đời sống ?

      Xóa
    8. A, QT có lý! Chả thế mà Ái Nữ rất kỳ công xây dựng hình tượng cậu bé.

      Xóa
    9. @anh Khung K: thì ra đó là thứ logic trẻ con, thế mà bạn Ái Nữ lại nâng cao quan điểm thành logic cuộc sống, logic tưởng tượng gì đấy.

      Xóa
    10. @ Khung K
      Câu hỏi của anh rất hay. Có lẽ chúng ta chỉ không gặp nhau ở vấn đề từ ngữ thôi. Tôi không dám lấy bản thân mình làm gương sáng để dạy bọn trẻ, vì cuộc đời tôi từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai đều có những góc khuất không ngờ. Tôi sẽ không dạy bọn trẻ về đạo đức, nhưng tôi tin rằng tôi có thể chia sẻ với chúng những kinh nghiệm của tôi về cuộc sống.

      @ Quang Trần
      Tôi không có ý định đưa ra những nhân vật hình mẫu trong tác phẩm, tôi chỉ kể ra những tình huống thôi. Chuyện đứa trẻ mười tuổi ăn cắp hay không ăn cắp cái bật lửa chả có mấy ý nghĩa, về điểm này thì tôi hoàn toàn đồng ý với anh Khung K, rằng một đứa trẻ không lấy cắp cái xe đạp nhưng lại lấy cắp cái bật lửa không có gì là phi logic trong đời sống thực. Cái mà nhân vật "tôi" nghi ngờ là chuyện bà chủ nhà nhận rằng mình đã đuổi bọn trẻ đi vì lý do mất cái bật lửa. Nói bộp vào mặt người ta một câu như vậy rồi quay đi ngay không hỏi han gì cũng không giải thích gì thêm, hành động này cũng có vẻ rất... giang hồ, cho nên thông tin của bà ta chẳng giúp ai hình dung được điều gì rõ ràng cả. Cuộc sống vốn như vậy, nó chẳng hiện lên rõ ràng mạch lạc như những câu chuyện được hình dung trong trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta có thể mù mờ ngay từ những tình tiết nhỏ nhất. Thế cho nên không có gì lạ khi con người thường xuyên thất bại khi "lập trình" cuộc đời mình.

      Xóa
    11. @ Chim Biển
      Logic của bọn trẻ con cũng có giá trị cuộc sống. Chúng ta quan sát chúng thực tế hơn là tưởng tượng về chúng. Như thế có gì mà gọi là "nâng cao quan điểm"? Nếu chúng ta coi thường "logic trẻ con" thì làm sao chúng ta có thể hiểu chúng?

      Xóa
    12. Tôi thấy bạn rất hay lan man trong tranh luận.

      Xóa
    13. Đồng ý với bạn. Khi không có gì để nói thêm về tác phẩm thì tôi "buôn dưa lê" với bạn đọc. Những câu chuyện "lan man" như thế giúp ích cho tôi rất nhiều. Bạn có thể "lan man" thoải mái mà tôi chẳng thấy phiền, vì thời gian trên blog khá chủ động mà.

      Xóa
    14. Tất nhiên nếu có ai có cuộc sống hoàn toàn gương mẫu thì thật lí tưởng để đứng ra dạy con trẻ.

      Nhưng mấy ai thực sự ok từ a-z ? và nếu vì thế mà ta ko dám dạy trẻ những lí tưởng đạo đức thì tôi e rằng xã hội sẽ nguy to.

      Đây cũng chính là cơ sở của kiểu ngụy biện ad hominem: Thay vì chỉ ra sai lầm logic, lại quay qua chỉ trích cá nhân - Anh cũng ăn cắp, lấy tư cách gì dạy người khác ? đồ đạo đức giả

      Chả ai dám bảo đảm chắc chắn rằng mấy ông quan tòa là những người gương mẫu từ a-z. Tuy nhiên những gì họ phán quyết người này có tội người kia vô tội vẫn được xã hội thừa nhận là đúng đắn, nếu những phán quyết của họ dựa trên những cơ sở khách quan rõ ràng. và khi họ tuyên án, họ ko nhân danh cá nhân họ mà nhân danh công lí, nhân danh nhà nước.
      Một anh HLV bóng đá có thể đá bóng ko hay, nhưng anh ta vẫn có thể dạy cho cầu thủ đá bóng (và thường là dạy hiệu quả hơn một cầu thủ xuất sắc).

      Phật giáo có cái gọi là Tứ y & Tứ bất y, trong đó cái đầu tiên là Y pháp bất y nhân đại khái có nghĩa là chỉ căn cứ vào cái được nói ra, ko căn cứ vào ai nói ra, để xem xét đánh giá.

      Thật ra khi viết Tôi sẽ không dạy bọn trẻ về đạo đức, nhưng tôi tin rằng tôi có thể chia sẻ với chúng những kinh nghiệm của tôi về cuộc sống. thì đấy là cách nói khiêm nhường, bạn đã dạy cho bọn trẻ rồi. Trao truyền kinh nghiệm chẳng phải là dạy thì là gì ?

      Xóa
    15. "Có lẽ chúng ta chỉ không gặp nhau ở vấn đề từ ngữ thôi". Tôi cũng thừa nhận như vậy. Vấn đề mà anh đưa ra thêm một lần nữa rất hay.

      Những người nhân danh công lý ở tòa án là do đã được xã hội phân công, đây là "luật chơi" của loài người, một kiểu quy ước. Nhưng pháp luật và vấn đề hành pháp ở Việt Nam kém uy tín thì là lý do gì?

      Câu "y pháp bất y nhân" cũng hay, nhưng nó cũng chỉ nói lên một chiều của vấn đề. Ai truyền được pháp ấy là điều cần để tâm. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay còn nan giải, chẳng phải vì lớp trẻ vẫn chú ý "y nhân" không kém "y pháp" đó sao?

      Cá nhân tôi không dạy được bọn trẻ về đạo đức, tuy nhiên với những vai diễn mà tôi phải đóng trong đời, tất nhiên tôi sẽ có những biện pháp để xoay xở. Bọn trẻ sẽ học được bằng cách quan sát tôi nhiều hơn là từ những gì tôi nói với chúng.

      Xóa
    16. Nhưng pháp luật và vấn đề hành pháp ở Việt Nam kém uy tín thì là lý do gì?@trích

      Pháp luật kém uy tín ko phải do tư cách cá nhân của mấy ông tòa kém uy tín, mà do những phán quyết của họ trong nhiều vụ án quan trọng ko dựa trên những cơ sở khách quan (ở còm trên tôi có nhắc đến điều kiện này nếu muốn một phán quyết được xã hội chấp nhận)

      Giáo dục cũng vậy. Vấn đề ko phải ở tư cách, đạo đức cá nhân của giáo viên, mà do nhiều yếu tố khác mà nếu phân tích thì .. quá lan man. Tôi nhớ trong một bài viết GS Hoàng Tụy có ví von ngôi nhà giáo dục hiện nay ko còn thích hợp, và càng cơi nới sửa đổi nó càng dị dạng. Chỉ có cách là làm lại, từ móng.

      Nhưng nói gì thì nói, chúng ta thường dựa vào cảm tính: cùng một câu nói, người này nói thì nghe lọt tai, người mà ta đã ghét nói thì nghe ko vô. Bởi thế nên mới có sự nhắc nhở về tứ y: lắng nghe ko thành kiến, và nếu nội dung ok thì chấp nhận, bất kể người nói là ai. Dĩ nhiên điều này ko dễ. Nên tốt nhất là nếu muốn dạy con thì phải sống sao cho gương mẫu, ít nhất là trong mắt chúng, khi chúng còn bé. Có nhậu thì đừng say, lỡ say thì về nằm ngủ, đừng quậy mẹ nó hihi.

      Xóa
    17. "Nhưng nói gì thì nói, chúng ta thường dựa vào cảm tính: cùng một câu nói, người này nói thì nghe lọt tai, người mà ta đã ghét nói thì nghe ko vô". Chúng ta không thể nhắm mắt bỏ qua thực tế này. Còn một thực tế nữa: những người gương mẫu có nhiều khi... khó gần lắm. Hu hu...

      Xóa
    18. Hôm qua lúc đọc trả lời của Ái Nữ tôi cũng tính nói có lẽ bạn ấy có chút ngộ nhận về vai trò của giáo dục. Nhà truyền giáo hay giáo sư... đều chỉ là phương tiện truyền đạt.

      Xóa
    19. Pháp luật kém uy tín ko phải do tư cách cá nhân của mấy ông tòa kém uy tín, mà do những phán quyết của họ trong nhiều vụ án quan trọng ko dựa trên những cơ sở khách quan
      Thưa anh Khung K kính mến!
      Điều này không hẳn. Đó chỉ là một yếu tố trong vô số những nguyên nhân gây ra tình trạng kém uy tín của pháp luật hiện hành. Rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật ở mình người ta tìm thấy có trên 20 ngàn văn bản kém chất lượng, sai đủ thứ.
      (Ah, có vẻ chúng ta quá lan man rồi! Kệ, chơi luôn đi!)

      Xóa
    20. uh, dĩ nhiên chuyện hệ thống PL kém uy tín ko phải chỉ nói trong một câu là xong được. Nên chỉ có thể nói cái cốt lõi nhất thui. Ví dụ với một người bình thường, người ta chả hiểu gì nhiều về các điều luật chỏi nhau hay kém chất lượng như nào. Người ta chỉ theo dõi các phiên tòa, và thấy nhiều phiên tòa các thủ xét xử có vấn đề, nhiều phán quyết ko dựa trên cơ sở khách quan, nên chúng ko thuyết phục. Thế thôi. Nhớ câu bình của GS Ngô Bảo Châu về vụ án CHHV: "Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này." Lại nhớ ông gì cựu chánh án Tòa án tối cao cũng phát biểu trước quốc hội, đại khái Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được. Thế thì vấn đề đâu phải do chất lượng của cái rừng luật ấy ?

      Xóa
    21. Hoan hô bạn Chim Biển đã chấp nhận "lan man" một cách vui vẻ! Tất nhiên là tôi thường xuyên ngộ nhận về mọi thứ, vì tôi có phải là Thượng Đế đâu. Chẳng phải vô cớ mà tôi cứ thích câu kéo bạn đọc vào những comment "lan man", với tôi chúng thú vị vô cùng.

      Chúng ta khó có thể coi thường phương tiện. Nhưng một khi đã coi thường thì chúng ta có thể coi thường hết thảy. "Pháp" cũng chỉ là phương tiện mà thôi, có pháp cũng được, không có pháp cũng xong. Nhưng qua được sông rồi thì hãy bỏ đò nhé!

      Xóa
    22. Qua sông phải lụy đò, tôi chưa nghe câu qua được sông rồi thì hãy bỏ đò, nhỡ đâu bỏ quên đồ bên bờ kia thì... hỏng bét!

      Xóa
    23. Nếu chưa từng được nghe thì hôm nay bạn được nghe. Câu đó không phải của tôi, nhưng dù là của ai cũng không quan trọng. Qua sông rồi thì bỏ đò lại ở bến sông, lên đường bộ mà còn vác đò theo thì biết bao giờ đến đích? Mỗi chặng đường con người lại cần một phương tiện mới phù hợp hơn, không thể cứ ôm ấp mãi những điều xưa cũ được.

      "Qua sông thì phải lụy đò". Bạn nhớ được câu ấy thì là nhớ nhiều rồi.

      Xóa
    24. Tôi chết cười với câu trả lời này của bạn.
      Có lần tôi nghe cô giáo tôi trong lần chia tay cuối cấp hai, cô ấy rơm rớm nước mắt bảo, người thầy là những người lái đò qua sông. Qua sông rồi mấy ai còn nhớ con đò và người lái đò năm xưa. Lúc ấy tôi nghe chăm chú lắm, một phần là tôi chưa thấy tận mắt con đò bao giờ vì chỗ tôi là vùng núi, phần vì cô vừa nói vừa sụt sịt. Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy sự so sánh ví von này rất đúng như những gì chúng ta đang "lan man".
      Thú thật là tôi chưa từng nghe qua câu nói ấy bao giờ, nghe nó cứ thế nào ấy!
      Cho nên ở tuổi này và thời đại này tôi không thể dung nạp một thứ gì tôi không rõ nguồn gốc xuất xứ, hơn nữa mới nghe thôi tôi đã hấy có màu... không ổn.

      Xóa
    25. Tôi vui vì có thể mua vui cho bạn.
      Tôi không nề hà khi giao tiếp với bạn mặc dù không rõ bạn xuất xứ từ đâu, chỉ cần bạn dùng tiếng Việt là dễ dàng rồi. Tôi "buôn dưa lê" cho vui, bạn cứ để mọi lời của tôi từ tai này qua tai kia rồi cho gió bay, quan trọng gì mà phải nghĩ đến "dung nạp". Đối với tôi, một người như bạn không có vẻ gì là không ổn, và những lời của bạn cũng không có gì không ổn đối với tôi. Bạn cứ xả stress cho thoải mái, có sao đâu!

      Xóa
    26. Ôi chao, bạn nôỉ giận rồi đấy ư? Rất không tốt cho một cuộc tranh luận, ai nổi nóng trước sẽ bị thua non đấy ạ.
      Nhưng dù gì, bạn nên bình tĩnh đọc lại comment của tôi. Tôi vẫn đang nói về chuyện con đò, tôi có nói gì bạn đâu?

      Xóa
    27. Ồ, tôi tưởng bạn "lan man" với tôi cho vui, hóa ra là bạn đang muốn chuyện thắng thua ư? Tôi đọc comment của bạn và thấy bạn đang lo lắng về vấn đề xuất xứ, cho nên tôi muốn dẫn một thí dụ trực quan gần gũi để bạn thấy rằng chuyện xuất xứ chả phải quan trọng lắm. Con đò thì ở vùng sông nước nào chả có, bạn lo lắng về xuất xứ của nó làm chi?

      Xóa
    28. ???
      Ôi, bạn có hiểu được từ ngữ không đấy? Tranh-luận mà không có chuyện người thắng, kẻ thua, người đúng-kẻ sai thì hóa ra chúng ta đang nói trên trời dưới đất lan man không đầu không đũa đấy à?
      Tôi nói cụm từ mà bạn trích dẫn "qua sông rồi mới bỏ đò" khi phân tích vai trò của phương tiện truyền đạt bạn không nhớ là ai đã nói, thì tôi nghĩ bạn trích thiếu căn cứ tôi không thể nghe theo được, vì đây với tôi cũng có thể được xem là một luồng thông tin mới mang tính giáo dục, tôi tiếp nhận hoặc dung nạp nó như thế nào nếu ngay lần đầu nghe tôi đã cảm thấy không ổn?
      Con đò ở vùng sông nước nào chả có, bạn lo lắng về xuất xứ của nó làm chi?
      Bạn đánh máy nhanh chắc lược bớt đi nhiều chữ. Nhưng toàn những chữ quan trọng, cũng như việc chẩn đoán bệnh không thể bỏ qua các chi tiết quan trọng vì diều này có khi làm ta đoán bệnh trật lất, hix, do tôi đang ốm nên tôi phòng xa, tôi xin đính chính lại là:
      Qua sông được rồi thì hãy bỏ đò , câu này do bạn Ái Nữ trong lúc tranh luận đã trích dẫn, tôi lo lắng về xuất xứ câu nói đó

      Xóa
    29. Tôi phải vào đây để nói điều này. Tôi mới được một vị tiền bối mà tôi khá kính nể vì kiến thức sâu rộng và trình cãi cọ trên mạng cho vui rất cao của anh (cãi cọ là cách gọi vui của chúng tôi về các cuộc tranh luận mang ý nghĩa tích cực) nói rằng qua những gì đọc anh được trong các tranh luận của chúng ta, bạn Ái Nữ rất thiện chí và cởi mở, còn tôi giọng điệu cứ có ý khiêu khích liên tục. Riêng câu nói về con đò mà bạn Ái Nữ trích dẫn lúc tranh luận thì đó là một câu nói trong kinh Phật.
      Tôi nghe anh nói thế thì tự cảm thấy khá là xấu hổ vì những suy nghĩ thiển cận cùng với kiến thức còn hẹp hòi của mình.
      Tôi rất cảm ơn tiền bối và bạn Ái Nữ đã cho tôi được cơ hội giao lưu học hỏi được điều hay.

      Xóa
    30. Để hiểu nhau, tôi thích anh hoài nghi tôi để rồi có ngày tin cho chắc chắn. Tôi không thích anh vội tin tôi để đi đến hoài nghi. - M.Gorki -
      Câu này thì đúng chứ bạn?

      Xóa
    31. Bạn Chim Biển yêu quý!
      Tôi muốn nói rằng bạn là người khiến tôi cảm thấy vô-cùng-thú-vị.
      Đoạn "lan man" mà bạn đóng góp cùng tôi và anh Khung K rất hay và nhiều ý nghĩa. Tôi cũng cảm ơn vị tiền bối nào đó đã theo dõi và giúp đỡ chúng ta.

      Tôi không đọc nhiều nên không thể kiểm chứng nguồn gốc xuất xứ câu mà bạn trích dẫn là của M. Gorki có đúng hay không, nhưng với tôi thì điều đó không quan trọng. Điều quan trọng mà tôi muốn nói là: Bạn đúng.

      Xóa
    32. Hìhi, tôi cũng thấy vô cùng thú vị với Chim biển. Kiến thức thì dễ có, còn biết sai và nhận sai thì khó hơn nhiều. Nên theo tôi, Chim Biển còn hay hơn vị tiền bối vô danh nào đó (còn thú vị hơn thì dĩ nhiên rồi :) ).

      Xóa
    33. Nhân trong một còm trên có nói đến nguyên nhân vì sao PL hiện nay kém uy tín, ko thuyết phục, xin gởi link sau để ai quan tâm đọc. Nội dung là lá đơn của bà vơ nhà báo Trương Duy Nhất gởi tóa Phúc thẩm Đà Nẳng sẽ xét xử phúc thẩm chồng bà vào 26/6 tới đây, phân tích những điều theo bà là sai trái trong thủ tục tố tụng ở tòa sơ thẩm

      Nhớ Trương Duy Nhất

      Xóa
    34. Đường link anh dẫn không xem được. Tôi đã xem ở đây.
      Vụ Bầu Kiên nghe nói cũng không thuyết phục.
      Cái nước mình nó thế, còn thế đến bao giờ thì...

      Xóa
    35. Thật ra thì tiền bối có bảo rằng nó trong kinh Phật, cuốn nào chương nào tờ nào thì không nhớ, nhưng nói về cái bè chứ không phải con đò, và bonus thêm rằng do cái bè rẻ bèo bỏ không tiếc.
      Chỉ là vì ông ta là tiền bối nên tôi nghe ổng và chịu thua trong cuộc tranh luận này.
      Tôi không biết tôi đoán đúng không, nhưng tôi thấy anh Khung K là người vui nhất, chả thế mà anh kết luận tôi SAI và còn bảo tôi rất thú vị nữa cơ.
      Xin hỏi anh Khung K, theo tôi nhận thấy khác với thói quen thường thấy của anh, nếu không có căn cứ cơ sở sao anh lại tin lời tôi nhanh đến thế?

      Xóa
    36. Nếu anh Khung K nói Chim Biển sai thì ảnh SAI rồi.
      Còn Chim Biển nói bạn "thua" thì cũng sai nốt, vì đặc điểm những cuộc tranh luận ở đây là không có người nào thua, bởi vì ai cũng có thu hoạch, và thu hoạch chung là chúng ta có được một màn trao đổi giúp gợi lên rất nhiều ý tưởng mới.

      Chim Biển cho tôi gửi lời đến vị tiền bối đó rằng tôi thấy ổng thật là hài hước. Tôi rất thích những người hài hước như vậy.

      Xóa
    37. @Chim Biển: Ko tin em thì tin ai hả ? Tin em là có cơ sở, cơ sở rất vững nữa là khác.
      - em giỏi chính tả hơn anh, hát hay hơn anh, .. và nhất là trung thực hơn anh. Nói thật, anh nhậu về, bx có tra tấn kiểu gì thì anh cũng trước sau như một, ko uống là ko uống, chỉ là bạn bè ép đổ rượu vào mồm. Em như thế ko tin thì tin ai ?
      - anh lúc rảnh rỗi cũng có đọc vài cuốn kinh Phật, và có nhớ cái vụ vứt bè này là một dụ ngôn trong kinh Kim Cương, thường được nhắc đến với tên gọi là Phiệt dụ.

      Hai cơ sở, một chủ quan - là lòng tin đối với em, một khách quan - là sách vở. Đủ chưa nào ?

      Xóa
    38. @ Khung K
      Giờ thì chúng ta đã có được thực tế sinh động về cái gọi là y nhân bất y pháp.
      Hì hì...

      Xóa



  4. Câu chuyện của bạn có vẻ là trung bình cộng giữa truyện ngắn văn học và truyện kể. Bu nói “có vẻ” vì tính truyện kể nhiều hơn chút xíu. Có thể câu chuyện ấy có thật 100% và cũng có thể bạn chỉ dựa vào một mẫu sự thật còn lại là hư cấu. Nhưng nghệ thuật hư cấu chưa chắp cánh được cho câu chuyện bay lên trong cảm thụ thẩm mĩ của người đọc.
    Có một cái gì đó chênh vênh trong tính cách cậu bé 10 tuổi. Có vẻ NỮ TÍNH khi cậu thích bôi son phấn nhưng lại dán hoa dâm bụt để làm GÀ TRỐNG, chứ không giả bộ cục ta cục tác như GÀ MÁI. Bụi đời nhưng lại có tiền xem vi deo đến độ nhập tâm trong cách xưng hồ ANH EM tréo ngoe với bà chị sắp thi vào đại học. Bữa cơm thịt không dủ nhiều nên cậu (chắc là rất thèm) vẫn kiên quyết không ăn mà nhường chị. Cậu bé hành xử như các cụ dạy con cháu “Ăn xem nồi ngồi xem hướng”. Từ chối lời đề nghị làm con nuôi để thủy chung với một ông anh không máu mủ ruột thịt, đang lang bạt kì hồ... Nó nghiễm nhiên làm theo lời dạy của Khổng tử “Giàu với sang ai chẳng muốn, nhưng chẳng phải đạo mà được giàu sang thì người quân tử chẳng thèm (chương Lý Nhân) . Với nó bỏ ông anh đói khổ để được sung sướng một mình là phi đạo lí. Nhưng đáng phục “ bậc quân tử 10 tuổi” là khi nó hỏi: “ chị cho em mượn xe mà không sợ em láy cắp mất à” . Bụi đời 10 tuổi, là quân tử, lại là nhà tâm lí thượng thặng…Ngần ấy tính cách khí quá tả (ngô nghê, trẻ con) khi quá hữu (cụ non, quân tử Tàu) liệu có dung nạp được trong cậu bé 10 tuổi này không. Bu chưa nói đến vụ cái bật lửa….và lời tự thú của bạn ở cuối bài.
    Nói gì thì nói, nếu truyện ngắn của bạn là bộ phim truyền hình thì câu “ Nó đã ra đi như thế, với chiếc thuyền buồm và ngôi sao trên tay” có sức gợi về sự vươn xa, bay cao, đầy tính nhân văn. Nó là một chi tiết điện ảnh, rất điện ảnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ít có bạn đọc nào chịu khó công khai phân tích tỉ mỉ như bác Bu. Khi tôi viết, tôi không nghĩ được nhiều đến vậy, cũng không có ý định lý luận bằng nhân vật. Có những độc giả giống như bác Bu, không được thỏa mãn với truyện ngắn này, dù họ không công khai viết comment nhưng họ có trao đổi với tôi như thế. Ngược lại, có những độc giả khi đọc truyện này đã thở phào, như thể cuối cùng thì họ cũng được thấy một sáng tạo đích thực nào đó của Ái Nữ, chứ không phải là những tác phẩm "lên gân" như những entry khác mà những người như bác Bu thích.

      Bây giờ thì tôi có thể hình dung được nhiều hơn về sự mâu thuẫn giữa giới sáng tác và giới phê bình văn học, có vẻ như không khó hiểu. Điều bất ngờ luôn ở phía bạn đọc cùng thời gian. Số phận của một tác phẩm văn chương không nằm trong tay tác giả của nó.

      Nếu chúng ta bày tỏ cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều.

      Xóa
    2. À mà hình như bác Bu đọc truyện chưa kỹ. Những đứa trẻ này bé quá nên người ta không đòi tiền vé xem video của chúng, trong khi cũng không "cấm trẻ em dưới mười sáu tuổi". Cái này là sự thật tỉnh lẻ chứ không phải tôi bịa. Còn chuyện cách xưng hô "tréo ngoe" ấy có phải là hậu quả của việc xem video không thì là do nhân vật "tôi" phỏng đoán, bạn đọc chả cần tin.

      Xóa
    3. Nói gì thì nói, nếu truyện ngắn của bạn là bộ phim truyền hình thì câu “Nó đã ra đi như thế, với chiếc thuyền buồm và ngôi sao trên tay” có sức gợi về sự vươn xa, bay cao, đầy tính nhân văn. Nó là một chi tiết điện ảnh, rất điện ảnh
      Tôi ít khi chen vào còm của ai, nhưng bác Bu Lu làm tôi... ngứa mồm chút.
      Tôi xin hỏi bác có căn cớ nào khẳng định đó là chi tiết rất điện ảnh không ạ?
      Cá nhân tôi nhận thấy câu đó còn.. hơi bị thừa thải và sến sẩm.

      Xóa
  5. Úi dà, Ái Nữ có bên này, nay mới biết, (cách đây mấy hôm), vì mấy lần trước, khá lâu rồi, LB bấm 'ở đây' thì dzọt qua blog Việt liền à, hi..., thôi thôi bỏ qua.
    À, LB có suy nghĩ, LB kg nhìn chi tiết như bạn Bu đâu, LB có 1 cái trực giác rất... mạnh, chắc nàng hiểu, có điều là 2 'chuyện thường ngày ở huyện' của nàng vừa rồi có nét chuyển rất mạnh, đó là chữ 'thường', nó sẽ đánh dấu * trong văn của AN, đó là cách nghĩ của LB.
    Thân ái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lá Bàng may mắn có được sự tinh tế mà chúng ta thường gặp ở nữ giới.
      Còn về bác Bu thì Ái Nữ không thể không khen. Bác ấy là một độc giả đầy kinh nghiệm.

      "Điều bất ngờ luôn ở phía bạn đọc cùng thời gian".

      Xóa
  6. Thấy bạn lan man nhiều với bạn Chim và anh Khung, quên mất cả giả nhời những người đến trước kìa!
    Truyện này của bạn dễ đọc, dễ cảm hơn mấy truyện tôi đã được đọc trước đây. Đọc xong tôi thấy thích. Thích vì cái thứ tình cảm bạn truyền vào cáu chuyện, nó không mang sự "sắt đá" và tính triết lý đôi khi được thể hiện bằng giọng văn tưng tửng, mỉa mai như bạn hay dùng. Cảm nhận được thứ tình cảm đó, tôi thấy câu chuyện này mang tính nhân văn giản dị.
    Có chi tiết tôi không thích là bạn hơi nhấn mạnh vào cái ấn tượng ban đầu của nhân vật Tôi với cậu bé. Nhân vật không ưa cậu bé vì nó là con trai mà lại thích đánh phấn giống con gái. Có thể ngoài đời có những đứa bé như thế thật, nhưng nếu bạn đưa vào tác phẩm văn học thì nó phải mang một ý nghĩa nào đó. Còn ở đây, tôi dfojc hết truyện vẫn không thấy nó nói lên điều gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người đến trước đã có được kết luận của mình, họ không hỏi Ái Nữ nên không nhất thiết phải trả lời.

      Các bạn đọc có những kinh nghiệm đời sống, những trải nghiệm tâm linh khác nhau nên họ cảm nhận khác nhau khi tiếp xúc với một tác phẩm, nếu chưa hòa đồng và cộng hưởng được với không gian tâm linh trong truyện thì họ sẽ cảm thấy ấm ức không thoải mái.

      OM chỉ tìm ra một chi tiết "không thích" như thế có lẽ là đã bớt lời. Nói nhỏ với OM: Truyện này chưa hết. Tôi mới chỉ viết xong một phần. Không phải do tôi quá lười mà vì tôi còn phải đợi thêm sự kiện, đợi thêm nhân vật. Bây giờ tôi mới bắt đầu viết phần tiếp theo.

      Xóa
    2. Có lẽ những cmt còn thú vị hơn cả nội dung câu chuyện :))

      Xóa
    3. Tôi cũng thấy thế, cho nên hay kiếm chuyện "lan man".

      Xóa
    4. À, anh Bu có nhắc đến chi tiết câu bé xem film video đến độ nhập tâm... Thực thì đúng là những năm cuối 89 đến đầu 90 thì cafe video đầy tràn các hè phố HN. Người ta xem ké, gác cả chân lên vỉa hè khi vẫn cưỡi xe đạp để đi cho nhanh nếu bị chủ quán ra mời khéo. Ko biết ý anh Bu có phải là nói 1 cậu bé kiểu '' Không gia đình '' như vậy thì ít có khả năng xem được video nhiều như thế ko :))

      Thực thì người ta xem chùa cũng nhiều, mà phần đông thì các '' Không gia đình '' như vậy xem ké là rất nhiều.

      Xóa
    5. Tỉnh lẻ thì không có video đầy tràn như thế, nhưng "có gia đình" như tôi vẫn xem video mà không mất vé. Bộ phim video màu tôi xem đầu tiên và ấn tượng vẫn còn lưu lại đến tận bây giờ thì không phải là phim Hồng Kông hay Ấn Độ, của nước nào thì tôi không biết, nhưng tên phim là "Nữ chúa rừng xanh". Một trường quân đội ở gần nhà chúng tôi tổ chức cho mọi người xem miễn phí hoàn toàn, tất cả từ quân đến dân đều ngồi trên... bãi cỏ. Thật là thiên đường! Đoạn cuối phim ấy, nữ chúa rừng xanh và anh nhà báo của thế giới văn minh hôn nhau, làm cho con cọp gần đó cũng phải mở to mắt ra nhìn, nhưng nó chẳng thể nhìn lâu, bởi vì nó không phải là... chúa sơn lâm, nữ chúa kia đã vẫy tay bảo nó đi chỗ khác để nữ chúa còn thực tập việc yêu kiểu văn minh. Hic hic...

      Xóa