Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Chiếc mũ móc trên cánh cửa

Truyện ngắn của Ái Nữ

       Giới hội họa của thành phố N tổ chức triển lãm tranh. Các áp phích quảng cáo đã treo khắp. Chỉ những họa sĩ tên tuổi mới được mời đem tranh dự triển lãm.
       Họa sĩ V là thầy dạy họa có tiếng trong trường văn hóa nghệ thuật thành phố. Việc người ta mời anh dự triển lãm là chuyện tất nhiên, nhưng không khỏi làm anh băn khoăn. Anh hiểu các bạn vẽ của mình đến chân tơ kẽ tóc, song nghệ thuật vốn chứa đựng bao điều bất ngờ. Phải làm sao có một tác phẩm thật ấn tượng để tên tuổi anh được khẳng định lần nữa.
       Họa sĩ nghĩ mãi, nhưng những ý tưởng cao siêu dường như ghét bỏ anh. Có lẽ phải quay về với thực tế. Ừ, tại sao cứ mơ mộng đâu đâu trong khi cuộc sống thực có bao nhiêu cái hay cái đẹp! 
       Mừng rỡ vì tìm ra lối thoát, họa sĩ V lập tức bắt tay vào việc. Anh mê mải vẽ chiếc nút áo mà theo anh là nét đẹp trong trang phục của một dân tộc thiểu số. Anh vẽ trung thực với mẫu, chỉ riêng kích thước là khác xa. Có những vật nhỏ khó nhìn, người ta phải dùng kính lúp, kính hiển vi. Cái đẹp cũng vậy. Cái đẹp nhỏ người ta bỏ qua không thưởng thức thì anh phóng to lên cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Còn tại sao vẽ cái nút áo mà không vẽ cái khác thì anh không thể lý giải. Đó là linh cảm nghệ thuật.
       Chiếc nút áo trong tranh của họa sĩ V không nằm chỏng chơ mà nó đang cài hai tà áo một cách trang trọng. Một chiếc nút áo nâu thẫm tuyệt đẹp nổi giữa nền áo màu xanh biếc. Ngắm nhìn tác phẩm của mình, họa sĩ xoa tay mãn nguyện. Cái đẹp đích thực đã được tôn vinh.
       Ngày mở cửa triển lãm đã tới. Khách đến xem và đặt mua tranh đông nườm nượp. Họa sĩ V trà trộn vào giữa những khách xem để nghe người ta đánh giá tranh anh ra sao. Anh không ưa những lời tán tụng trước mặt.
       Thoạt tiên, họa sĩ vô cùng thất vọng vì trình độ kém cỏi của người xem. Họ xúm đến trước bức tranh của anh vì tò mò là chính. Thậm chí họ không biết vật anh vẽ trong tranh là cái gì nên cứ tranh cãi với nhau mãi, trong khi tên bức tranh ghi trên miếng giấy nhỏ khiêm tốn dán ở dưới họ không chịu nhìn. Đáng buồn thay cho nền hội họa nước nhà!
       Họa sĩ V lách vào định lên tiếng giảng giải thì bỗng nghe một giọng bình luận đầy vẻ hiểu biết:
       - Cha họa sĩ này ghê nhỉ! Muốn hiểu bức tranh phải suy nghĩ nhiều lắm chứ không đơn giản đâu. Các vị nhìn đây nhé: Hai cánh cửa sơn xanh khép chặt. Chiếc mũ phớt nâu mới tinh mắc lên móc cửa, thành thử không thể biết là cửa khóa hay không khóa. Mà chiếc mũ này của chủ hay của khách, tại sao lại móc lên cửa, chủ nhân chiếc mũ còn quanh đó hay đã đi đâu rồi? Họa sĩ muốn nói điều gì, các vị hãy thử nghĩ xem!
       Họa sĩ bàng hoàng. Ừ nhỉ, người kia nói thực có lý. Điều vô lý chính là cái tên tranh. Những nghệ sĩ giàu năng lực sáng tạo đôi khi không hiểu hết giá trị tác phẩm của mình. Điều này đã xảy ra với nhiều người.
       Miếng giấy đề tên bức tranh được lột bỏ ngay sau đó.
       Sau cuộc triển lãm tranh ấy, tiếng tăm của họa sĩ V lừng lẫy khắp nơi. Anh mở một phòng tranh riêng. Những người yêu thích hội họa nô nức đổ về thưởng thức các tác phẩm của anh. Có những bức anh chưa kịp vẽ xong người ta đã đặt mua với giá mà trước đây anh nằm mơ cũng không thấy.
       Những bức tranh siêu tưởng của họa sĩ V còn nổi tiếng vì một điểm độc đáo: Tranh anh không bao giờ đề tên, để người xem tự suy luận.
                                                                            Tháng 7 - 1999.

49 nhận xét:

  1. Sự thật khó xảy ra, nhưng đôi lúc cũng có Ái Nữ nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui chao ơi, trong truyện này thì bức tranh như vậy là có thật. Ái Nữ bèn viết truyện này đem tặng, ông họa sĩ và học trò của ổng đọc rồi rất... hâm mộ, từ bấy giờ không dám chê là Ái Nữ không biết xem tranh nữa. Nhưng tình thật là đến giờ Ái Nữ vẫn chả hiểu mô tê gì về hội họa cả.
      Nhớ ngày xưa có sách tiểu học, trong đó có câu thơ mang tính giáo dục thế này:
      "Gà tồ vào lớp xem tranh
      Nó chỉ đứng ngắm chứ không mổ vào".

      "Gà tồ" Ái Nữ thì không ngoan như thế, xem tranh đã không hiểu gì thì chớ lại còn... "mổ".

      Xóa
    2. Những nghệ sĩ giàu năng lực sáng tạo đôi khi không hiểu hết giá trị tác phẩm của mình. Điều này đã xảy ra với nhiều người.
      Miếng giấy đề tên bức tranh được lột bỏ ngay sau đó.

      Xóa
    3. Tôi đã thấy là mọi người đều quan tâm đến chi tiết mà Mưa Rừng Chiều để ý. Hì hì...

      Xóa
  2. Một bức tranh xấu hay đẹp mình ko chưa bàn tới, nhưng nếu được người bãn tán và suy nghĩ là thành công rồi phải ko Ái Nữ. Họa sỹ và người viết văn này thành công lắm đó. heee! Giọng văn lôi cuốn quá mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thích bình luận này của anh. Còn với bác Khùng và bác Bu (gớm sao tên "nôm" của họ ấn tượng thế không biết!) thì tôi sẽ đáp lại họ bằng một câu chuyện phía dưới.

      Xóa
  3. Tôi thấy cần phải xem lại bằng cấp của ông thầy họa là giả hay thật hihi

    Trả lờiXóa
  4. Ông họa sĩ này không rõ là theo trường phải nào, Hiện thực, siêu thực, lập thể,..Ông bó ý nghỉ cao siêu để đi vào thực té cuộc sống nghe có vẻ ngược, mà phải là từ thực tế cuộc sống để nâng lên nghệ thuật hội họa. Thành Chương là họa sĩ danh tiếng, vễ hàng chục có lẽ hàng trăm con trâu, Không con nào giống con nào cứ như không phải trâu mà rất trâu của đồng quê Việt.
    Sau khi họa sĩ V đã xác định được quan điểm nghệ thuật ông vẽ ra tác phảm mà người bình làm ông phủ nhận chính ông, thể hiện việc ông gỡ bỏ mảnh giấy đề tên bức tranh.
    Cho nên bạn KHUNG K nói " Tôi thấy cần phải xem lại bằng cấp của ông thầy là giả hay thật"
    là chí phải.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi có một nhược điểm lớn là thiếu trí tưởng tượng. Hình như đến giờ phút này tôi chưa sáng tác được tác phẩm nào trăm phần trăm hư cấu, mà luôn bị "mắc" vào đời sống. Vì thế tôi rất hâm mộ tác giả "Hai vạn dặm dưới đáy biển".

    Đọc bình luận của bác Khùng và bác Bu tôi giật mình khi thấy họ nhắc đến "bằng cấp", làm cho tôi lại phải truy ngược về đời sống của tác giả và nhân vật. Nếu như trong tác phẩm tôi không cho nhân vật họa sĩ là "thầy dạy họa" thì độc giả đã không liên tưởng đến "bằng cấp" là một yếu tố "nhạy cảm" trong xã hội chúng ta ngày nay.

    Khi viết tác phẩm này tôi không có ý định phê phán mà hoàn toàn chỉ là hứng chí mà viết thôi, và tôi có ý định chọc ghẹo ông họa sĩ, đúng ông ấy là thầy dạy họa thật, được người ta khen là giỏi, được học trò kính trọng. Tôi xin kể "nguyên bản" câu chuyện xảy ra ngoài đời giúp vui bạn đọc:

    Thời ấy tôi hãy còn là sinh viên, trường tôi học chẳng liên quan gì đến văn học nghệ thuật. Khi quen biết với anh họa sĩ NL trong thành phố thì tôi rất thích, vì chúng tôi hợp chuyện, mỗi lần gặp nhau toàn "buôn dưa lê" mấy chuyện linh tinh, chả biết vợ anh ấy có hài lòng không. Nhưng tôi lại không hiểu biết gì về hội họa.

    Thế rồi khi thành phố có triển lãm tranh, tôi liền đi coi để mở mang kiến thức. Chẳng có mấy người xem, các bức tranh xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng khiến tôi hoa cả mắt. Tôi cố nhớ tên vài bức tranh cùng tên tác giả của nó, để rồi sẽ hỏi xem anh bạn họa sĩ của tôi bình luận ra sao. Có một "sê-ri" ba bức tranh của họa sĩ TV vẽ hoa văn trang phục dân tộc thiểu số, không phải chỉ có một bức, kích cỡ thì đúng là chiếc nút áo to bằng chiếc mũ thật, và có một bức giống y như tôi đã tả trong truyện ngắn. Quả thật nếu tôi không xem tên bức vẽ thì tôi không thể nhận ra vật trong tranh là cái gì. Không ngờ còn có những người kém hiểu biết hơn tôi, đứng đó bàn tán xem đó là cái gì mà không hề biết đọc tên tranh bên dưới, sự thật này vượt xa sức tưởng tượng của tôi. Trình độ các họa sĩ chắc là không cao lắm, vì tôi thấy một bức vẽ cảnh sinh hoạt theo lối tả chân mà họa sĩ vẽ con mèo lại hao hao giống... chuột, gây phản cảm cho tôi một cách ghê gớm, vì tôi thích mèo.

    Sau đó tôi gặp lại anh họa sĩ NL, khen cho anh nghe một số bức tranh trong triển lãm mà tôi đã xem. Anh NL cười và giải thích cho tôi rằng thưởng thức hội họa thì không giống như thưởng thức văn chương, và những bức tranh tôi khen thì chất lượng rất kém. Nhờ thế tôi cũng vỡ vạc ra nhiều điều. Nhưng hình như tôi không hề đả động gì đến những bức tranh của họa sĩ TV thì phải, vì tôi không nhớ là anh NL có bình luận nào về những bức tranh đó không, nhưng tôi biết ông TV là thầy dạy của anh NL mà anh rất kính trọng. Nhưng khi về nhà tôi nhớ đến những người xem tranh và bật cười rũ rượi, rồi viết ra truyện "Chiếc mũ móc trên cánh cửa" trong sự khoái chí. Sau đó tôi bỏ bản sao truyện này vào một phong bì, nhờ một người học trò khác của ông TV, một cậu học sinh phổ thông mà tôi mới quen, gửi đến tận tay họa sĩ TV, trong thư tôi có vài dòng nhắc đến chuyện tôi có quen biết với anh NL. Ngay từ năm đó tôi đã dùng bút danh Ái Nữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau đó không lâu anh NL đưa ông thầy TV đến nhà tôi chơi, để... chiêm ngưỡng tác giả truyện ngắn. Tôi cảm tưởng ông TV là một người dễ chịu, rất dễ gây thiện cảm. Căn cứ trên những bức họa khác của họa sĩ TV mà tôi từng xem thì kỹ thuật họa của ông TV rất tốt, nếu ông ấy vẽ con mèo thì dứt khoát không thể giống con chuột. Anh họa sĩ NL cũng làm tôi thích thú vì tranh của anh có màu sắc tươi sáng ấm áp. Nhưng chúng tôi không hề trao đổi thêm về những bức tranh ông TV trưng bày ở triển lãm, có lẽ chúng tôi đã quên phắt nó, vì chúng tôi có nhiều câu chuyện thú vị hơn để trao đổi.

      Sau này nhớ lại, tôi nghĩ có khả năng ông TV đã trưng bộ tranh đó để chơi ngông, chơi xỏ người xem và đồng nghiệp. Gì chứ giới nghệ sĩ hay thích "ngông" lắm. Nhưng không may, hoặc là may mà ông lại vớ phải người xem như tôi. Tuy tôi thiếu hiểu biết về nghệ thuật, nhưng riêng thói "ngông" thì dứt khoát không chịu ở trình độ học trò của các vị ấy.

      Nếu ở ngoài đời thật mà họa sĩ TV có thể xé tên tranh và sau đó trở nên nổi tiếng nhờ tranh siêu tưởng như nhân vật trong truyện ngắn của tôi, tôi sẵn sàng bái ông ấy làm sư phụ. Dù sao vẫn có những chuyện chỉ xảy ra được trong tiểu thuyết mà thôi.

      Xóa
    2. À mà một lần nữa tôi hâm mộ nhà văn Jules Verne tột bậc, vì nghe nói người ta đã liệt kê và thấy rằng những truyện khoa học viễn tưởng của ông đều đã thành sự thật, rằng với những phát minh lớn của thế kỷ hai mươi thì trong các tác phẩm của ông ấy chỉ thiếu mỗi... tên lửa mà thôi.

      Xóa
    3. Tôi cũng tin Ái Nữ ko hư cấu, chỉ viết những gì mình thấy thôi nên mới nhận xét là cần xem lại xem bằng của ông thầy họa là giả hay thật. đấy.

      Họa sĩ bàng hoàng. (..)
      Miếng giấy đề tên bức tranh được lột bỏ ngay sau đó.
      @trích

      1. chỉ cần là một họa sĩ đủ lâu, có nhiu tác phẩm đực trưng bày, tiếp cuv1 với những nhận xét, bình luận thì ông sẽ ko dên nỗi bàng hoàng và xé tờ giấy đi. Bởi ông thừa biết chuyện hiểu một tác phẩm khác nhau là chuyện bình thường

      2. Huống chi ông là thầy dạy, thì ko những ông phải biết chuyện ấy, ông còn phải có đủ trình độ lí luận để cắt nghĩa vì sao nó xảy ra

      Xóa
    4. Hic hic... Bác Khung K có phải là... nghệ sĩ không nhỉ? Nhân vật họa sĩ bàng hoàng có thể không phải vì người ta hiểu tranh ông theo cách khác đi, mà bàng hoàng vì ý tưởng sáng tạo mới chợt đến nhờ vào cách nhìn mới mẻ của người xem tranh. Những ý tưởng cao siêu không còn "ghét bỏ" họa sĩ, nên sau đó anh ta triển lãm tranh siêu tưởng.

      Hì hì... Tôi không biết trên thực tế (chứ không phải là trong truyện của tôi) ông TV khi vẽ bức tranh như thế có lý luận gì không, còn tôi khi viết truyện này tuyệt nhiên không lý luận gì cả. Chỉ có nhân vật trong truyện là lý luận.

      Bác Khùng và bác Bu đã chỉ rõ ra rằng truyện của tôi là hoàn toàn hư cấu, mà hư cấu một cách phi lý nữa. Đâm ra bây giờ tôi lại mơ mộng là chuyện giống như vậy có thể xảy ra trong thực tế.

      Xóa
    5. ông TV khi vẽ bức tranh như thế có lý luận gì không, còn tôi khi viết truyện này tuyệt nhiên không lý luận gì cả@trích

      Tôi cũng tin khi một nhà văn, một họa sĩ .. sáng tác, họ thường ko [cần] quan tâm lý luận gì. Công việc lý luận, sắp xếp tác phẩm là tả thực, siêu thực, .. là của nhà phê bình, của thầy giáo khi dạy học.

      tôi lại mơ mộng là chuyện giống như vậy có thể xảy ra trong thực tế.@trích
      Bạn ko cần mơ mộng. Trong thực tế có rất nhiều chuyện như thế rồi. Ý tôi là chuyện một tác phẩm khi ra đời được gán cho một ý nghĩa khác hẳn với ý ban đầu của tác giả. Ý nghĩa mới ấy có thể "tầm thường" hơn hay "sang" hơn, nhiều khi rất xa với ý tác giả. Đặc biệt trong thời buổi văn(g) mạng, những còm khen chê thường chỉ là tán nhảm đầy cảm tính tít cung mây. Điều bình thường này có thể khiến một tác giả trẻ hoặc một thầy giáo dỏm bàng hoàng.

      Ko chỉ trong sáng tác, trong cuộc sống điều tương tự cũng thường xảy ra. Nhiều quan chức bỗng dưng được đánh giá cao hơn bản thân họ tự đánh giá quá xa khiến họ cũng bàng hoàng .. và để có thể duy trì được cái sự đánh giá ấy họ len lén .. nhờ thầy bói, thầy địa.

      p/s: hihi tôi ko phải là nghệ sĩ. Chỉ nhiều khi ngứa miệng nói cho vui thôi :).

      Xóa
    6. Tôi cũng nghĩ anh không phải là nghệ sĩ, nhưng tôi thấy anh am hiểu nghệ thuật. Trong những bạn đọc của tôi ở đây tôi biết là có người quan tâm đến "bếp núc" sáng tác nên tôi kể thêm chuyện cho vui. Như truyện này tôi sáng tác hoàn toàn nhằm mục đích "chọc" ông họa sĩ có thật kia, tôi cho nhân vật lý luận cho bằng ra cái việc vẽ chiếc nút áo, rồi câu chuyện cứ thế tiếp diễn. Tất nhiên nhân vật trong truyện tầm thường, tôi thỏa mãn vì đã thành công trong việc trêu chọc ông thầy dạy họa. Còn ý nghĩa của truyện "tầm thường" hay "sang" thì tôi chưa kịp nghĩ tới vào thời ấy, còn bây giờ thì tôi... không biết. Tôi nghĩ có những người thích đọc truyện này vì nó ngộ nghĩnh và hài hước, tức là có tác dụng giải trí, tôi không nghĩ được xa hơn. Bởi vì câu chuyện này giúp tôi giải trí, nên tôi đoán nó cũng có tác dụng như vậy với bạn đọc.

      Tuy nhiên khi đọc còm của anh và của bác Bu, tôi lại nhớ đến một bạn đọc khác của tác phẩm này. Năm 2000 tôi có ghé qua thăm một người bạn mới quen ở trường viết văn Nguyễn Du, bạn cùng phòng của anh ấy cũng là một nhà văn, anh Tuấn. Anh Tuấn rất thích những truyện của tôi, và có vẻ anh ấy nhiều kinh nghiệm, vì khi anh ấy đề nghị tôi đổi tên một truyện ngắn, cắt đi một câu thừa trong một tác phẩm, tôi thấy đều xác đáng. Thái độ của anh Tuấn đối với truyện "Chiếc mũ móc trên cánh cửa" làm tôi nghĩ rằng nó đã chọc vào đúng "chỗ ngứa" của giới văn nghệ sĩ, và sự hài hước này không làm họ thoải mái. Có lẽ chính bởi vì như anh Khung K nói: "Trong thực tế có rất nhiều chuyện như thế rồi". Và những nghệ sĩ chân chính không thể thích thú chuyện những nhân vật tầm thường lại được hâm mộ như những siêu sao.

      Nhà văn ấy đánh giá các tác phẩm của tôi cao hơn là tôi hình dung. Khi tôi ra về lúc chiều tối muộn, anh tiễn tôi một đoạn rất dài và ân cần xách chiếc cặp của tôi giúp tôi. Khi dừng lại, anh nói: "Trong các tác phẩm của em lấp lánh một tài năng đích thực. Anh sẵn sàng làm viên gạch lót đường cho em bước chân đi. Bữa tiệc cuộc đời đang mở ra trước em". Sau đó chúng tôi không gặp lại nhau nữa. May vì thời ấy chưa dùng điện thoại di động nên tôi trốn được việc nói lời giải thích. Tôi mắc nợ tấm chân tình của người ấy, nhưng lời nói của anh Tuấn làm cho tôi cảm thấy cay đắng. Văn chương đối với tôi giống như máu và nước mắt, làm sao tôi có thể hân hoan trước "bữa tiệc" ấy được. Lúc đó tôi thấy văn chương thật vô tích sự, tôi muốn những hành động cụ thể hơn là việc viết lách. Sau đó tôi không còn viết nữa, trong suốt mười bốn năm không đả động gì đến văn chương. Có thể đó là điều may mắn đối với tôi. Bây giờ tôi viết, nhưng tôi đã là con người khác, khác rất xa thời ấy, cũng nhờ may mắn.

      Xóa
    7. Tôi nhầm rồi. Không phải mười bốn năm, mà là mười ba năm. Nửa cuối năm 1999 tôi còn viết truyện, đến nửa đầu năm 2013 tôi đã lại sáng tác. Con số 13 không buông tôi. Mười ba năm thật là ý nghĩa. Mười ba năm trước tôi nghĩ tôi bất tài, văn chương ấy không dùng được. Bây giờ tôi biết là tôi không cần phải tài giỏi, tôi cứ ở chỗ của mình, những người khác sẽ làm đúng việc của họ. Mọi chuyện đã có Trời.

      Xóa
    8. Nói về phê bình văn học, tôi không tin là lý luận có thể giải thích được linh cảm. Tôi muốn nhà phê bình là một người bạn văn chương luôn nói thật những cảm nghĩ trong lòng anh ta chứ không phải là "nhà giám định" hay "quan tòa". Tôi thích quan điểm của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn được anh trình bày trong tác phẩm "Phê bình văn học của tôi", tôi đã đăng trên Blog Việt trong entry "Kẻ Gác Đền Văn Chương - Tác phẩm thứ nhất" tại đường link này.

      Xóa
    9. tôi không tin là lý luận có thể giải thích được linh cảm.@trích

      Tôi chưa hiểu ý từ "linh cảm" Ái Nữ dùng ở đây lắm. Tuy nhiên chuyện nhà phê bình chưa, thậm chí sẽ ko bao giờ, giải thích được một tác phẩm theo tôi cũng lại là chuyện tất nhiên. Kiều từ khi ra đời đến nay đã có bao nhiêu nhà phê bình vận dụng đủ thứ lí thuyết để giải thích .. và tương lai chắc chắn vẫn còn nhiều nhà phê bình nữa sẽ tiếp tục giải thích nó. Bao giờ còn người đọc, bấy giờ sẽ còn những cách giải thích khác nữa về nó.

      Bởi khi đọc một cuốn sách, xem một bức tranh .. mỗi người đều có đánh giá về nó, tức đã "phê bình" nó. Nhà phê bình hơn người đọc, người xem bình thường ở chổ họ có khả năng diễn đạt tốt hơn những suy nghĩ của họ về tác phẩm, trình bày chúng một cách mạch lạc, có vẻ có cơ sở hơn nhờ dựa vào những lý thuyết nào đó. Tôi nhấn mạnh từ có vẻ vì thật ra một đánh giá dù rất cảm tính của một ai đó vẫn có cơ sở của họ.

      Có thể ví von như này: Người thợ làm ra cái ghế. Mọi người tùy chổ đứng của mình mà nhìn cái ghế. Nếu họ chụp ảnh, các tấm ảnh ấy chắc chắn phải khác nhau. Ai càng đứng gần nhau thì ảnh càng nhiều vẻ giống nhau. Tuy khác nhau, nhưng chúng đều là hình ảnh của cái ghế kia.

      Thưởng thức một tác phẩm cũng vậy, mỗi người có chổ đứng riêng - đấy là toàn bộ kiến thức, trãi nghiệm, .. Ko lạ gì khi trước ta đọc một bài thơ thấy cảm xúc khác, một thời gian sau lại có cx khác. Thế nên chuyện đánh giá một tác phẩm khác nhau là điều tất yếu - khác nhau nhiều hay ít là do chổ đứng gần hay xa .. Nhà phê bình giỏi là người từ chổ đứng của mình, trình bày đủ mạch lạc về những đặc điểm của tác phẩm để người đứng ở nơi khác có thể tìm thấy cái đặc điểm ấy.

      Tôi chỉ mới đọc lướt bài của NHĐ, cảm ơn Ái Nữ đã gt. Tôi thích tựa cuốn sách. Phê bình văn học của TÔI. Vâng chỉ có thể là của Tôi, đừng tham nói thay cho ai. và như thế hóa ra lại có ích. hihi

      Xóa
    10. "Tôi mới chỉ đọc lướt bài của NHĐ". Anh đang nói đến NHĐ nào thế nhỉ? Tôi giới thiệu bài của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn kia mà!
      Tôi nghĩ rằng tôi đồng cảm với Nguyễn Thanh Sơn rất nhiều. Không chỉ có những nhà phê bình ảo tưởng, mà dường như các nhà văn cũng có ảo tưởng rằng mình có thể nói thay cho ai đó, công khai sự thật cho ai đó, mà trong khi chắc gì họ đã biết được sự thật. Sự thật mà họ biết chỉ đúng với chính họ, chưa chắc đã đúng với người khác, chưa chắc người ta đã cần đến họ để biết đến sự thật. Chẳng nhẽ chỉ có mỗi nhà văn biết đến sự thật thôi sao?
      Trên trang Văn Việt mới đây đăng bài "Câu chuyện văn học II", trong đó nhà phê bình văn học Thụy Khuê ở hải ngoại trả lời phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai. Tôi trích một đoạn ở đây nhé:

      Xóa
    11. " LQM: Tuy vậy, với cương vị là nhà phê bình văn học, chắc chị vẫn theo dõi tình hình văn chương trong nước? Theo chị, có cởi mở hơn không? Chị nghĩ thế nào về việc in ấn phát hành tác phẩm của một số tác giả hải ngoại, khi họ trở về thăm Việt Nam?

      TK: Mới đây Nguyễn Thanh Sơn có tuyên bố đại khái rằng: Ở hải ngoại có tự do mà các nhà văn cũng chẳng viết được gì. Còn ở trong nước, người viết cũng rất tự do, cứ việc viết rồi đăng trên Internet thì có ai cấm đâu, vậy mà cũng chẳng có tác phẩm hay. Ý Nguyễn Thanh Sơn muốn nói là bây giờ đã tự do lắm, chỉ tại không có ai viết ra hồn đó thôi. Tóm lại, theo Sơn, tự do là tại mình, mình sợ, mình tự kiểm duyệt cũng lỗi tại mình.

      Là người viết phê bình mà Nguyễn Thanh Sơn nói như vậy là chẳng hiểu gì về bản chất của hành động viết.

      Việc ở hải ngoại có tự do mà nhà văn không viết được, tôi đã nói rõ các lý do ở trên, ở đây chỉ nói về nhà văn trong nước.

      Viết là hành động “vén màn” (dévoiler, chữ của Sartre). Vén màn cho người đọc thấy những tình huống của cuộc sống. Vén màn cho thấy tình yêu, thấy xã hội, thấy lừa lọc, thấy khổ đau, thấy hạnh phúc, thấy chiến tranh, thấy hoà bình, thấy thủy chung, thấy phản bội, thấy tự do, thấy dân chủ, thấy nô lệ, thấy ngục tù, thấy sống, thấy chết… Con người tiến bộ là con người biết tự sửa mình. Xã hội tiên tiến là xã hội biết tự sửa mình."

      Xóa
    12. Lời Thụy Khuê (tiếp theo):

      "Sự sửa mình của xã hội luôn luôn dựa trên văn nghệ sĩ: nước Mỹ tự sửa sự kỳ thị chủng tộc, nhờ những nhà văn, những đạo diễn điện ảnh kỳ tài đã vén màn lên trên sự kỳ thị chủng tộc, để người Mỹ tự soi, thấy xấu hổ mà sửa đổi đi.

      Đầu thế kỷ XX, người Pháp còn vô cùng kỳ thị với vấn đề đồng tính, André Gide đã viết những tác phẩm tuyệt vời về đồng tính, khiến ai đọc qua cũng phải đoạn tuyệt với ý tưởng kỳ thị đồng tính.

      Thập niên 40 thế kỷ XX, vấn đề nữ quyền còn chưa được đặt ra một cách hệ thống ở Âu châu, Simone de Beauvoir viết Deuxième sexe (Phái thứ nhì) làm chao đảo tinh thần những kẻ khinh đàn bà, khiến đọc xong, họ phải cúi đầu bái phục.

      Thập niên 90, sự kỳ thị bệnh Sida còn đang tung hoành trên thế giới, phim Philadelphia của Jonathan Demme với Tom Hanks (Oscar 1994), đã làm những người kỳ thị bệnh Sida phải thay đổi hoàn toàn thái độ của mình.

      Khi con người bị bắt buộc phải chấp nhận chế độ mình đang sống là hoàn hảo, không có gì phải sửa, thì mọi khía cạnh tiêu cực sẽ trở thành tích cực.

      Khi không có phê bình, thì chỉ còn sự tự mãn và thoái hoá.

      Ở nước ta ngày nay, có bao nhiêu vấn đề cần phải xem lại, cần phải khảo sát?

      Và bao nhiêu vấn đề nhà văn được tự do nói đến mặt trái của nó?

      - Chiến tranh ư? Chỉ có cuộc chiến thần thánh đánh Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.

      - Lãnh tụ ư? Chỉ có một bác Hồ vĩ đại miên viễn.

      - Tham nhũng ư? Chỉ là trường hợp cá nhân, giới hạn trong hàng ngũ các con chiên ghẻ.

      - Dân chủ và Nhân quyền ư? Là địa hạt “nhậy cảm”, những người dám đòi hỏi công khai đã vào tù.

      - Báo chí ư? Nhà cầm quyền kiểm soát.

      - Muốn được in ư? Nhà văn có sẵn một quá khứ bưng bít và một hiện tại tốt đẹp dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, làm khung.

      Đó là tự do chăng?

      Người viết nào cũng muốn cho đồng bào mình đọc. Nhưng nay, tác phẩm viết xong, phải gửi trên Internet, ở những mạng có thể sẽ bị tường lửa chặn, hỏi rằng còn mấy ai đọc?

      Một tác phẩm hay là xương máu của con người trong nhiều năm, viết rồi bị số phận như vậy, ai còn can đảm viết?

      Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương, rất có giá trị, đưa 5 nhà xuất bản đều lắc đầu, biết là hay mà họ không dám in. Nếu tự do tại sao họ lại không dám in?

      Viết, trước tiên là để cho đồng bào mình đọc, đồng bào mình tự soi mà sửa đổi những sai lầm của chính mình và của dân tộc mình, để tiến tới. Sách bán ra để nuôi sống tác giả. Sống bằng tác quyền là vinh dự của nhà văn. Bây giờ, tác phẩm phải đưa lên Internet, và nếu cần đã có tường lửa chận. Thế thì viết để làm gì?

      Hiện trạng văn học như tôi vừa nói, đã ít nhiều trả lời câu hỏi thứ nhì của Quỳnh Mai: Chị nghĩ thế nào về việc in ấn phát hành tác phẩm của một số tác giả hải ngoại, khi họ trở về thăm Việt Nam?

      Người viết nào cũng mong sách của mình được đồng bào đọc, đó là lý tưởng.

      Nhưng muốn được in ở trong nước, thì nhà văn hải ngoại phải trải qua cái cầu thanh lọc giống như các nhà văn trong nước, tức là phải tự tước quyền tự do tư tưởng của mình, tự cắt tay chân cho vừa cái khung “nhập gia tùy tục”. Đó cũng là một lựa chọn. Và phải trả giá khá đắt.

      Cách đây 55 năm, bao nhiêu trí thức văn nghệ sĩ trong phong trào NVGP đã đứng lên đòi hỏi quyền tự do sáng tác? Và họ đã phải trả giá cả cuộc đời còn lại.

      Bây giờ, để được in sách, bao nhiêu văn nghệ sĩ, đã từng vượt biển tìm tự do, nay quy về, chịu sự kiểm soát tư tưởng của nhà cầm quyền? Đó cũng là một lựa chọn. Nhưng ngược dòng."

      Xóa
    13. "Sự sửa mình của xã hội luôn luôn dựa trên văn nghệ sĩ".
      Anh Khung K nghĩ thế nào về lời nói này của Thụy Khuê? Tôi thì nghĩ rằng văn nghệ sĩ có thể góp phần giúp xã hội sửa mình dựa trên việc chia sẻ bài học "sửa mình" của chính bản thân họ. Nhưng nói là xã hội luôn phải dựa trên văn nghệ sĩ để "sửa mình" thì có đúng mức không? Liệu giới văn nghệ sĩ có quá ảo tưởng về danh vọng?

      Tôi thấy Nguyễn Thanh Sơn đúng khi cho rằng nhà văn phải tự đòi hỏi ở mình trước. Nếu chính nhà văn không dám tự do từ trong tư tưởng, thì đòi tự do cho họ cũng chẳng ích gì.

      Xóa
    14. sorry, là Nguyễn Thanh Sơn - hôm ấy vừa đọc xong loạt bài của Nguyễn Hoàng Đức nên nhớ nhầm.
      Đang bận, tối ghé nch chơi về vd Ai Nữ vừa đề cập. Nó đụng đến cái nền, cái cốt lõi của chuyện viết lách rôi ..

      Xóa
    15. hì, ngôn ngữ còm chat: nch = nói chuyện, vd = vấn đề, ntn = như thế nào, ko = không v. v..

      Xóa
    16. 1. "Sự sửa mình của xã hội luôn luôn dựa trên văn nghệ sĩ".
      Muốn bác bỏ bà rất dễ: chỉ cần chỉ ra một sự "sửa mình xã hội" nào đó mà ko hề dựa trên văn nghệ sĩ.

      Tôi thú thật chưa tìm ra một phản thí dụ nào như thế.

      Ai có sự nhạy bén để ngửi thấy một điều gì đấy chưa ổn trong xã hội đang sống nếu ko phải là những văn nghệ sĩ ? Muốn xã hội "sửa mình" để loại bỏ cái chưa ổn ấy chắc chắn cần một sự vận động lâu dài trong cộng đồng. Và ai làm công việc vận động ấy nếu ko phải là văn nghệ sĩ ? Văn nghệ sĩ vừa có công phát hiện, vừa có công vận động ..

      Về danh vọng của văn nghệ sĩ với xã hội thì Ở tây người ta lí luận thế này: khi các điều kiện đã chín muồi, thì nếu ko có A. Einstein sẽ có một người khác đưa ra thuyết tương đối. Nhưng nếu Beethoven ko viết Sonate Anh trăng thì ko ai có thể viết được nó.

      2. Tôi chưa được đọc bài của Nguyễn Thanh Sơn, nên ở đây giả thiết là Thụy Khuê tóm tắt chính xác ý của NTS, tức là:
      Còn ở trong nước, người viết cũng rất tự do, cứ việc viết rồi đăng trên Internet thì có ai cấm đâu, vậy mà cũng chẳng có tác phẩm hay. Ý Nguyễn Thanh Sơn muốn nói là bây giờ đã tự do lắm, chỉ tại không có ai viết ra hồn đó thôi. Tóm lại, theo Sơn, tự do là tại mình, mình sợ, mình tự kiểm duyệt cũng lỗi tại mình.

      Thiệt tình tôi ko hiểu nếu đúng như NTS nói là hiện nhà văn đã có tự do rồi thì vì sao họ còn sợ ? sợ cái gì cơ ? vì sao họ phải sợ thế ?

      Thật ra quan niệm thế nào là tự do ko hẳn đã giống nhau giữa mỗi người. Một con kiến có thể hoàn toàn cảm thấy tự do trong chiếc lồng nhôt con chim, nhưng con chim thì chắc là ko thấy thế.

      3. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn, với NTS rằng nhà văn phải tự đòi hỏi ở mình trước. Maxim Gorki được ca ngợi là nhà văn lớn, là con chim báo bão của CM Nga vì ông đã tự đòi hỏi ở mình sự trung thực trong khi phản ánh đời sống xh Nga thời bấy giờ, dù sự trung thực ấy có đem lại cho ông sự tù đày.

      Hihi may là tôi ko phải nhà văn, nên ko có nhu cầu tự đòi hỏi mình phải phản ánh trung thực xã hội bây giờ .. sợ lắm :d

      Xóa
    17. Như vậy là không ai có lý do gì để phản đối vai trò của giới văn nghệ sĩ. Tuy nhiên sự quyến rũ của danh vọng ấy cũng là nguy hiểm. Chả phải là ở Việt Nam hiện đang có rất nhiều nhà văn nhà thơ đang tự do viết đó sao? Cho nên Nguyễn Thanh Sơn nói bây giờ viết tự do lắm là có lý do của anh ta.

      Còn sự chưa thỏa đáng về tự do ngôn luận ở Việt Nam, khó tin là Nguyễn Thanh Sơn không biết. Có lẽ, mượn cách nói của anh, Nguyễn Thanh Sơn có ý nói rằng là con kiến thì cần gì thứ tự do của con chim chăng? Hình như Nguyễn Thanh Sơn đã cố tình chê bai các nhà văn Việt Nam một cách đầy cao ngạo, đọc vào bình luận ấy của anh ta thật khó chịu. Nhưng vì anh ta phê bình văn học cho anh ta, nên tôi chịu không thể phản bác.

      Xóa
    18. Tôi ko đọc trực tiếp bài của NTS nên thực sự ko dám chắc mình hiểu đúng ý ông. Tuy nhiên nếu như ông chê nhà văn bây giờ ko có tác phẩm lớn chả phải vì thiếu tự do thì tôi nghĩ ko phải ông ta ko có lí. Có một thời gian trước đây nhiều người lãng mạn tin rằng có một nền văn học VN trong ngăn kéo, chỉ đợi thời cơ là chúng được trình làng, và mọi người sẽ thấy những tác phẩm tầm cỡ Dr Jivago hay Một ngày trong đời Ivan Denisovich .. Hóa ra .. hình như ko có gì, vì từ khi có internet thì, đồng ý với NTS, nếu ai kẹt quá vẫn có thể public mà chả cần đến CIA phụ trợ như với Pasternak .. Những Di cảo của CLV, Đi tìm cái tôi đã mất của NK .. nổi tiếng ko ẳn vì văn chương mà vì những thứ khác ..

      Hì, đến đây lại nhớ một truyện ngắn của Aziz Nesin .. Giá Ko Có Ruồi ..

      Xóa
    19. Giá Như Không Có Ruồi. Tôi cũng nhớ truyện ấy. Ha ha ha...
      Nền văn học VN trong ngăn kéo ư? Nghe cũng thật là hay! Tôi tin rằng những kẻ "khát" như Nguyễn Thanh Sơn đã lục lọi "ngăn kéo" mọi nhà từ khi có internet. Tôi còn chưa loại trừ được anh ta chính là nhà phê bình ẩn danh trên Blog Việt mà hiện nay đã "lặn" mất, bởi vì tư tưởng và hơi văn rất giống nhau, nếu họ không phải là một thì trình độ cũng ngang ngửa. Đó là một bạn đọc lý tưởng. Tôi chỉ vừa mới lên mạng được một tháng mà anh ta đã tìm thấy rồi. Chúng tôi hay "buôn dưa" cùng nhau. Có lần tôi đã đưa ra một nhận xét gì đó đụng chạm đến vấn đề tự do tư tưởng của các nhà văn và đụng phải "chỗ ngứa" của anh ta, nội dung trao đổi của chúng tôi rất giống với đoạn mà Thụy Khuê tóm tắt. Sau khi anh ta biến mất, tôi vào Gúc-Gồ gõ từ "Thiên Sứ" là tên tác phẩm mà anh ta chú ý nhắc tới, liền tìm thấy Nguyễn Thanh Sơn, sau đó tôi đăng trên blog hai tác phẩm của nhà phê bình này: "Phê bình văn học của tôi" và "Những điều kỳ diệu làm nên văn học". Tôi thích những người lãng mạn như thế. Nếu có tác phẩm văn học lớn trong những "ngăn kéo", tôi tin là không thể giấu được họ đâu.

      Xóa
    20. Nhưng mà anh Khung K ạ, hình như đám "ruồi" cản trở tự do văn chương của nước ta bấy lâu nay sắp bị đập chết hết rồi. Anh thử đọc và bình luận cái này nhé:

      LỜI CHÀO VĂN VIỆT

      Bạn đọc, bạn viết thân mến!

      Thế là Văn Việt, trang web văn chương của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đã chào đời.

      Như tuyên bố của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, Văn Việt ra đời “với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.” Slogan Văn Việt đã chỉ rõ: Vì một nền văn học Việt Nam đích thực, đó là mục tiêu của Văn Việt, ngoài ra không có mục tiêu nào khác. Năm 1987 trên báo Tuổi trẻ nhà thơ Nguyễn Duy đã nói: “Văn hóa cao và rộng hơn chính trị. Văn học không phải là cái đuôi chính trị, nhà văn không phải là cái đuôi của nhà chính trị. Nếu văn học là cái đuôi của chính trị thì ở thái cực nào cũng tầm thường như nhau.” Nhà văn luôn cần có trách nhiệm cao đối với mọi vấn đề của cuộc sống, không có bất cứ điều gì liên quan đến con người là xa lạ đối với chúng ta, nhưng chúng ta không dùng văn chương để hoạt động chính trị, không biến văn chương thành công cụ của chính trị, “dù ở thái cực nào”. Văn Việt quyết mãi đi theo ý hướng đó.

      Kể từ đây Văn Việt xin được làm bạn đường với bạn đọc, bạn viết tiếng Việt cả trong và ngoài nước. Văn Việt sẵn sàng đón nhận tác phẩm của tất cả mọi người với tiêu chí trước tiên và trên hết: văn chương phải hay. Nếu như trên Văn Việt còn có những trang văn không hay, đó là do Văn Việt còn yếu kém chứ không phải tiêu chí văn chương của Văn Việt thay đổi.

      Dẫu còn rất lâu chúng ta mới vươn tới tầm cao của văn chương nhân loại, nhưng văn chương Việt Nam là một bộ phận không rời của văn chương nhân loại, vì thế chúng ta không thể đi chệch hoặc đi ngược với văn chương nhân loại: văn học vì con người.

      Đường còn rất xa, còn lắm chông gai, nhưng Văn Việt quyết đi tới. Rất mong bạn đọc, bạn viết sát cánh bên Văn Việt để hướng đến một nền văn học Việt Nam đích thực, ước mong chung của chúng ta.

      Văn Việt

      Xóa
    21. À đây nữa, đoạn này được trưng bày ở phần chân của trang Văn Việt:

      Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước. Hoạt động của Văn đoàn độc lập Việt Nam nhằm vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

      - Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước.
      - Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ.
      - Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.


      Đấy nhé! Làm gì "ruồi" nào còn đất sống nữa cơ chứ? Nếu sau đây mà các nhà văn Việt Nam không có được những tác phẩm lớn, thì chỉ là do... Trời định mà thôi.

      Xóa
    22. Tôi cũng vừa biết trang web này khoảng một tuần nay. Hì, trước mắt là chúc họ mọi điều tốt lành và chờ xem thôi. Với tư cách là một người khá thích đọc sách, hi vọng sẽ đọc được những tác phẩm hay từ trang web mới này

      Xóa
  6. Ái Nữ viết bài này ngắn nhưng có cái nhìn rất tinh tế...
    Có một cuốn truyện Tây rất hay (quên tên) là:
    Có một bà vợ lấy một ông chồng quý tộc, chín chắn và rất là lịch thiệp. Nàng đi xem triển lãm tranh của một tay thuyền trưởng-họa sĩ tài tử, ngưỡng mộ tranh của ổng và xem ổng như là một... thiên tài, mặc dù chồng nàng bảo là 'tranh của ông ta chả có ý nghĩa gì'. Rồi từ việc ái mộ ông họa sĩ - một tay sống bừa bãi, bẩn thỉu, và nghiện ruợu và thuốc là, một hôm nàng đã tìm đến và tự nguyện dâng hiến thể xác cho ông ta, hắn vồ lấy nàng như một con thú. Rồi lần sau, nàng năn nỉ ông ta lấy nàng và dẫn nàng bỏ trốn: một lời nói khinh bỉ thốt ra từ miệng hắn, hắn tát vào mặt nàng, ăn nói thô tục, mùi thức ăn nôn mửa và mùi thuốc lá bừa bãi trong căn phòng hắn đã xộc vào mũi nàng... Nàng đau khổ bỏ về, xấu hổ gặp chồng để chờ... li dị: ông đã biết chuyện của nàng, nhưng ông cũng rất hiểu phụ nữ!, ông chỉ mĩm cười... Và từ đó, nàng mới hiểu ai là... thiên tài.
    Hihi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh lúc nào cũng là triết gia. Hì hì...

      Xóa
    2. Khi đọc truyện ngắn này của bạn bu không nghỉ là bạn hư cấu hay kể chuyện thật, mà chỉ quan tâm nhân vật của truyện có da thịt không, có hồn cốt không, và tính cách anh ta phát triển có bình thường, có hợp quy luật không. Kết cấu chuyện có chặt chẽ, cách giải quyết mâu thuẩn có thỏa đáng không.
      Cuối cùng là câu chuyện có đưa đến cho bu nhận thức gì mới về văn chương, về nghệ thuật, về cuộc sống....

      Xóa
    3. Ồ tất nhiên là vậy, bạn đọc thì không cần quan tâm đến việc truyện có hư cấu hay không. Nhưng bác Bu đọc như một nhà phê bình nghiêm khắc. Một cô giáo dạy toán của tôi đọc những truyện tôi viết năm 1999 nói rằng: "Đọc thấy cứ tức anh ách". Vì dường như truyện của tôi không giúp người đọc giải quyết mâu thuẫn, mà chỉ đưa đến cho họ sự mâu thuẫn.

      Xóa
    4. Nếu truyện ngắn của bạn làm cho người đọc nhận thức được mâu thuẩn của một thiết chê xã hội...thì bạn đã thành công
      Nói cho rốt ráo thì chức năng văn chương tự cổ chí kim cũng chỉ có thế

      Xóa
  7. VÌ SAO PICASSO
    Picasso miệt mài bên giá vẽ. Tự nhiên ông thấy cáu bản thân mình, quăng hộp màu tung tóe. Vứt bỏ ước mơ là một họa sĩ danh tiếng, đã nhiều năm ông vẽ tranh thuê cho các quí bà, quí ông. Nhắm mắt ông cũng phác họa được vẻ đài các, phong lưu của từng chủ nhân; từng chi tiết phong cảnh sống động, chân thực. Thế mà tranh vẫn ế ẩm.
    Cô người mẫu kiêm nhân tình gầy gò, áo sống xộc xệch vương vãi vẫn ôm mèo ngủ ngon lành. Chú mèo được ấm áp thỉnh thoảng liếm râu kêu “ méo, méo”, thò đuôi dài ve vẩy trong đùi nàng.
    Picasso lượm vội hộp màu, hối hả vẽ. Bức tranh Guernica dần hoàn chỉnh, xác người méo mó và tay chân vương vãi khắp trong tranh. Một trường phái mới ra đời- trường phái lập thể.
    Đến tận bây giờ vẫn thu hút vô vàn người bắt chước theo bởi vì vẽ rất dễ, chả cần học vẽ từng bước căn bản để làm gì. Thích thì đụng đâu vẽ nấy, rất mau trở thành một họa sĩ tài năng và bí hiểm.
    Picasso thật vĩ đại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả thật tôi ít hiểu biết về hội họa, lĩnh vực này tôi rất ngu. Tôi không xem tranh nhiều, nên cũng chưa biết là tôi có thật sự thích Picasso hay không nữa. Nếu tôi là họa sĩ, có vẻ phong cách lập thể không phù hợp với tôi. Nhưng Picasso là bài học đáng để suy nghĩ. Dù sao trước khi "đụng đâu vẽ nấy" thì có lẽ cũng nên tài ngang Picasso đã.

      Xóa
    2. Quang Trần làm mình nhớ câu chuyện kể. Có lần trong một buổi tiệc, Einstein gặp Charlot, nói:

      - ông thật vĩ đại. Xem ông ai cũng hiểu

      Charlot đáp lại:

      - Ông cũng thật vĩ đại. Xem ông chả ai hiểu cái gì

      :d

      Xóa
    3. - Sự hiểu biết về hội họa của mình đã đứng sựng lại ở bậc tiểu học. Thật đấy. Qua nhà anh Kh K xem tranh tượng của những người danh tiếng, mình chỉ nhăm nhe nhìn vào...Thôi, nói ra mắc cỡ chết.
      Chỉ tại vì mình luôn ham thích cái đẹp, người đẹp, những câu chuyện thú vị...nên lâu lâu mình đánh bạo còm một phát. Hì hì
      - Câu chuyện ngộ nghĩnh quá, anh Kh K ạ. Dưng mà hay hết ý.

      Xóa
  8. Rất hay , hay hơn cả là những comment!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi vẫn cho rằng những comment mới là phần thú vị nhất trong blog của tôi.

      Xóa
  9. bản thân truyện là một bức tranh rồi, chúc bạn vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc anh có thể hài lòng là truyện ngắn này không giống... tiểu thuyết. Hì hì...

      Xóa
  10. Thăm và chúc bạn buổi chiều chúa nhật thật vui vẻ và an lành bãn nhé.

    Trả lờiXóa
  11. Có vài bạn ở đây đòi xét lại ông thầy. Hihi, xét làm gì nhỉ? Ổng vẽ được bức tranh đẹp, mọi người không nhận ra cái đẹp ấy mà lại suy diễn lung tung, ổng bèn gỡ tên tranh xuống và từ đó không đặt tên cho tranh nữa. Thế thì có sao! Cứ để cho mọi người xem tranh theo trình độ của mình, không áp cho nó một cái tên/ chủ đề nào cả là một hướng mở.
    Trong phần bình luận, tôi rất đồng ý với bạn ở chỗ nếu muốn vẽ tung toé như Picasso thì trước tiên phải giỏi như Picasso đã! Đừng tưởng tranh trừu tượng là vẩy/ đắp/ trét màu lên vải bố. Nếu thế thì ta nhúng chân con vịt vào palette màu ròii cho nó giẫm lên vải có khi cũng thành tranh. Hì!
    Tôi là hoạ sĩ, không giỏi về lý luận như bạn và vài bạn khác ở đây. Chỉ nói theo cái sự hiểu của tôi thế thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi họa sĩ đến đây rồi! Tôi cứ tưởng chuyện họa sĩ nào đấy cho con vịt dẫm chân lên vải để vẽ lá trôi trên dòng nước là... có thật. Tôi cũng không biết lý luận về hội họa cũng như nghệ thuật nói chung, tôi chỉ... bịa lung tung thế thôi, miễn người đọc vui là được. Hì hì...

      Xóa