Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Những người chăn bò và hòa bình thế giới

(Bài đăng trên Blog Tiếng Việt ngày 15-10-2013)

       Các bạn có nhớ tổng thống Mỹ Obama đến Palestine vào ngày nào không nhỉ? Tôi thì không hay nhớ ngày tháng những chuyện như thế. Tôi đoán là sự kiện đó xảy ra trước ngày Cá tháng Tư, vì từ khi vào Xóm Lá đến nay tôi bỏ quên các bạn trên mạng Skype và cũng không xem kênh CNN nữa. Tôi đã thấy cảnh chào đón Obama ở Palestine được phát trên CNN, và người lãnh đạo của một hiệp hội hoạt động vì hòa bình thế giới đã hỏi ý kiến tôi qua mạng Skype về chuyến đi của ông Obama đến Trung Đông. Sau đây là cuộc trao đổi giữa tôi và Edward Goodpeace:
       - Thưa Ngài, Ngài nghĩ gì về chuyến đi của tổng thống Obama đến Trung Đông? – Anh ta hỏi tôi sau đôi câu chào ngắn gọn qua cửa sổ chát.
       - Tại sao anh lại hỏi tôi điều đó? Anh có nhầm lẫn gì không vậy? – Tôi sửng sốt trước cách xưng hô của anh ta.
       - Không, tôi không nhầm, thưa Ngài! Hãy làm ơn cho tôi biết, chúng ta sẽ có được gì hơn không ngoài chính trị với chuyến đi đó của ông Obama? Chúng ta sẽ có hòa bình hay là không?
       - Obama là một nhà chính trị, và tất nhiên ông ấy đang hoạt động chính trị. Nhưng sao anh lại hỏi tôi? – Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên.
       - Tôi cũng biết Ngài không phải là nhà chính trị, nhưng người ta đều nói rằng Ngài là người biết trước tương lai. Tôi đã “add” nick của Ngài, Ngài còn nhớ chứ?...
       Ồ, thì ra là vậy…
     …
       Khi tôi còn ở khu tập thể của bệnh viện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, một lần tôi đã “add” nick của Edward Goodpeace để nghe đoạn hội thoại giữa Lê Nơ và anh ta trên Skype, họ nói chuyện qua mic, còn tôi thì im lặng. Edward ở Canada, nhưng tổ chức hoạt động của anh ta rộng khắp thế giới, vươn đến cả Tây Tạng. Tôi không biết họ làm những chuyện gì để xây dựng hòa bình thế giới, hay là họ chỉ tổ chức nói chuyện qua mạng. “Vĩ nhân” Lê Nơ cao hứng nói về những vấn đề cao siêu mà tôi nhận thấy rõ là Edward không “bắt sóng” được, mặc dù anh ta dường như cũng đang nói về những vấn đề “tầm cỡ”. Không chỉ tôi, ngay cả Kim Sơn, cô bạn chung phòng với tôi cũng nhận thấy như thế. Vốn tiếng Anh của Kim Sơn còn tồi tệ hơn cả tôi, điều này chứng tỏ Kim Sơn có khả năng nghe bằng “ngôn ngữ của Vũ Trụ”, thật tuyệt! Kim Sơn còn cảm nhận được chính xác khi nói về những chuyện lớn lao thì Lê Nơ và Edward không “giao sóng” được với nhau, nhưng khi quay về nói những việc bình thường trong đời sống thì họ vào chuyện rất dễ dàng. Tôi chẳng biết gì mấy về những nội dung “trên trời” mà Lê Nơ và Edward đã nói, vì tiếng Anh của tôi rất dở, nhưng tôi cũng không cần phải biết làm gì, vì những lời hùng biện như thế chẳng dẫn đến một việc gì xảy ra trong thực tế cả.
       Giữa tháng Hai năm 2008, khi ngồi ở một đầu cầu truyền hình nối với một cuộc diễn thuyết ở Liên Hiệp Quốc về hòa bình, tôi đã vô cùng sửng sốt khi nhìn vào hội trường đó. Trên sân khấu một diễn giả đội tóc giả đang diễn thuyết, ở dưới những hàng ghế có vài người ngủ gật, áo khoác và tóc giả vắt lên thành ghế, họ ngồi rất lộn xộn mặc dù có ít người. Ngay cả một lớp học tẻ ngắt nhất của sinh viên Việt Nam có lẽ cũng không đến nỗi như vậy. Tôi hoa mắt hay sao? Lúc đó chúng tôi đang học trong lớp 20 đầu tiên của ngành Nhân Điện sau khi Thầy Đáng qua đời, nếu tôi có hoa mắt nhìn nhầm thì bạn nào cùng học lớp đó nhắc hộ tôi nhé! Thú thật, tôi vẫn còn nghi ngờ chuyện đầu cầu truyền hình internet đó là một cuộc diễn thuyết ở Liên Hiệp Quốc. Lớp học hàng nghìn người của chúng tôi cũng có nhiều người ngủ gật, nhưng với một lớp học Nhân Điện thì đó lại là chuyện bình thường, vì môn học của chúng tôi rất thoải mái, ngủ trong lớp chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả học tập và cũng không bị cấm. Nhưng ngủ ngay trước một diễn đàn về hòa bình thế giới thì lại là chuyện khác. Chắc lúc ấy đầu óc tôi cố chấp cho nên đã không nhớ ra một điều: Nếu như tôi phải nghe diễn thuyết về hòa bình thế giới, có lẽ tôi cũng ngủ gật mất thôi.
       Edward chưa từng trò chuyện với tôi trước đó và anh ta đã nhầm lẫn. Tôi lấy họ tên đầy đủ của mình làm nick, nhưng treo ảnh Thầy Đáng và câu nói của Thầy: “Sự chấp nhận cho chúng ta tự do hoàn toàn”. Dù Thầy Lương Minh Đáng là một người Việt Nam vô danh, nhưng thế giới đã biết đến Thầy như là “người biết trước tương lai”, những dự báo của Thầy luôn đi trước các nhà khoa học. Edward nhìn bức ảnh và nhận ra Thầy Đáng, nhưng anh ta lại không để ý đến cái nick của tôi, và anh ta không biết là thể xác Thầy Đáng không còn trên đời nữa. Khi còn tại thế, Thầy Đáng không bao giờ có thời gian để “chát chít” trên mạng. Mặc dù chấp nhận dùng cầu truyền hình internet trong những lớp học quốc tế lớn mà cả năm châu lục cùng học một lúc, nhưng nghe nói Thầy Đáng chưa bao giờ tỏ ra thích thú với internet, có lẽ với Thầy thì đó là trình độ lạc hậu của nhân loại. Cũng phải thôi, Thầy Lương Minh Đáng đã lấy thân xác mình làm phương tiện để nhân loại học hỏi với Thượng Đế, nhưng thân xác Thầy chỉ là một người phàm trần. Học trò của Thầy có thể liên lạc với thể xác Thầy qua điện thoại, qua cầu truyền hình internet, nhưng họ không thể dùng đến các mạng viễn thông để kết nối với Chân Lý.
       Tôi treo ảnh Thầy Đáng trên Skype không phải để tìm bạn nói chuyện về hòa bình thế giới. Chẳng qua là tôi thích nhìn bức ảnh ấy của Thầy, nếu gặp bạn đồng môn thì chúng tôi dễ nhận ra nhau, và điều không kém phần quan trọng là để giảm bớt những anh chàng tìm đường thỏa mãn tình dục trên mạng nhảy vào làm mất thời gian. Tôi “buôn dưa lê” trên mạng Skype, và đó là chương trình “tự học tiếng Anh” mà tôi đã nói với anh bạn Không Một Tám. Tôi không có điều kiện để đến với các trung tâm Anh ngữ, mà chương trình đào tạo của họ cũng làm tôi chán. Tôi chỉ cần vốn tiếng Anh để có thể qua cửa sân bay, thuê khách sạn, tìm sự giúp đỡ của người bản xứ khi ở nước ngoài… Tôi chưa bao giờ phải làm việc gì to tát cả. Dù không thích sex-chat, nhưng tôi vẫn có “người yêu” ở vài nước khác nhau, đó là những chàng trai thế hệ 8X và 9X. Nếu đọc những dòng này của tôi, thế nào giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng lại nói rằng Ái Nữ “cưa sừng làm nghé”. Dù bác Lân Dũng biết nhiều “tin đồn” thú vị, nhưng riêng hiểu biết trong chuyện tình cảm nam nữ thì tôi chẳng thể tín nhiệm ông già Khốt-ta-bít đó đâu. Một số bạn đọc biết rằng tôi đã “cãi cọ” với bác Lân Dũng khi bác ấy cung cấp cho chúng ta những “tin đồn” về người đẹp Lưu Hiểu Khánh kèm theo vài lời nhận xét. Đương nhiên tôi không giống Lưu Hiểu Khánh, sắc đẹp của tôi chỉ thuộc loại “giữa đám đông không ai nhìn”. Nhưng đàn ông trên thực tế không phải là những kẻ háo sắc đến mức như họ thường tự nhận, mà là họ luôn thích cái mới. Tôi không dại dột gì mà cấm các chàng trai trẻ trên mạng yêu tôi, vì với trình độ tiếng Anh thảm hại của tôi, nếu như không yêu thích tôi thì họ không kiên nhẫn nói chuyện với tôi làm gì, còn nếu họ không nói đến những chuyện tôi yêu thích thì tôi cũng “gút-bai” họ luôn.
       Trong các bạn chát của tôi có ba chàng sinh viên Bangladesh, họ sống chung phòng và dùng chung một laptop. Đó là Nahian, Raju và Sohrab. Khi tôi hỏi về nghề nghiệp các bạn trên mạng Skype của tôi, đa số họ nói với tôi rằng họ đang làm, đang học về IT hoặc về kinh doanh… Cứ như thể là thanh niên thế giới ngày nay chỉ học về hai thứ đó thôi vậy. Tôi biết trong tiến trình toàn cầu hóa thì hai “trò chơi” đó đóng vai trò tích cực, nhưng tôi vẫn cảm thấy choáng ngợp. Ba người bạn Bangladesh của tôi học về kinh doanh, mặc dù theo như tôi thấy, tâm hồn trong trẻo của họ không có vẻ phù hợp gì với việc buôn bán cả. Đầu tiên là Nahian nói chuyện với tôi, sau đó thì cả ba người cùng trò chuyện với tôi một lúc, họ dạy tôi một số từ tiếng Bangladesh, thích thú khi thấy tôi học rất nhanh nhưng sau đó lại quên sạch. Sohrab ít nói chuyện với tôi nhất, tôi đã nghĩ cậu ấy không thích tôi vì cậu ấy còn quá trẻ, trẻ nhất trong ba người, cậu ấy mới mười chín tuổi. Nhưng sau này khi họ không còn ở chung phòng và không còn dùng chung laptop, Sohrab đã thổ lộ với tôi rằng cậu ấy yêu tôi, cậu ấy còn muốn sẽ cưới tôi nữa. Cậu ấy đã đủ sức làm trái tim cô gái Ngây Thơ trong tôi run lên, nhưng không đủ sức làm lão già Phong Trần trong tôi hoảng hốt. Tôi luôn nhớ tôi chỉ là một diễn viên trong bộ phim “rất nhiều D” của nhân loại. Vì yêu mến Sohrab, tôi giúp cậu ấy “bay ảo” một đoạn trong cuốn phim tình yêu. Mặc dù nhìn thấy tôi qua webcam, cậu ấy không chịu nhớ tuổi tác của tôi, cũng chẳng muốn tin là tình yêu của cậu không có kết quả. Sohrab đúng đắn hơn tôi, cậu ấy đã thuyết phục được tôi rằng tình yêu của cậu ấy có giá trị. Một lần tôi thờ ơ không muốn tán thưởng những lời yêu thương dịu dàng của cậu ấy, cậu ấy không chịu nổi và căn vặn tôi cho bằng được. Tôi xịu mặt trả lời cậu ấy rằng hiện tại tôi cần năm đô la hơn là cần tình yêu, tôi chỉ còn đủ ăn hai bữa nữa, mà sau đó không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Sohrab gục mặt xuống bàn và khóc, cậu ấy nghẹn ngào nức nở đến nỗi tôi phải an ủi, rằng dù tôi muốn chết thì cũng chẳng dễ gì đâu. Sau khi hết cơn sụt sùi, Sohrab nói với tôi là cậu ấy đang lo làm thủ tục sang nước Đức, cậu ấy sẽ tìm kiếm những cơ hội mới, cậu ấy sẽ kiếm được tiền để lo cho tôi. Hình như thanh niên Bangladesh có phong trào di cư sang Đức, Raju đã sang đó, thỉnh thoảng cậu ấy có trao đổi với tôi qua Skype, có vẻ cuộc sống mới làm Raju mệt mỏi, mọi chuyện không được thuận lợi như Raju đã hy vọng. Tôi kể lại điều đó với Sohrab. Sohrab ngạc nhiên: “Vậy ư? Thế mà Raju không nói với tôi về những khó khăn đó. Có thể vì tôi là bạn cậu ấy. Raju không muốn làm tôi thất vọng”…
       Sohrab không thể giúp tôi có được năm đô la, nhưng cậu ấy đã tặng tôi những giọt nước mắt mà tôi không bao giờ quên. Từ khi nhập cư vào Xóm Lá, tôi đã “bỏ rơi” Sohrab, mặc cho hòm thư điện tử của tôi tràn ngập những email của cậu ấy, thỉnh thoảng lắm tôi mới trả lời chiếu lệ rằng tôi không quên cậu ấy nhưng mà tôi rất bận. Năm nay Sohrab đã hai mươi tuổi, cậu ấy cần học cho kỹ rằng nhiều khi đàn bà cần tiền hơn tình yêu, và những tình nhân hèn nhát bỏ chạy là kịch bản không mới của nhân loại.
       Vai diễn “người yêu” không làm tôi vui. May sao đó cũng không phải là vai diễn thường xuyên của tôi. Trên Skype tôi tìm được vài người bạn tuyệt vời, họ yêu thích tôi nhưng không cần tôi phải làm “người yêu” của họ. Mohammed Hamdan Edan Al-lssawi là một trong số đó. Mohammed cùng tuổi với tôi. Mặc dù nhiều sách tử vi cho rằng bạn cùng tuổi Rồng thì không tốt vì hay kèn cựa với nhau, nhưng thực tế cuộc đời tôi chưa bao giờ chứng minh cho những luận điệu nhảm nhí như thế. Những người bạn thân cùng tuổi Rồng với tôi, ở cả hai giới nam và nữ, đều là những người đem lại cho tôi may mắn dù bằng hình thức này hay hình thức khác. Nhiều người sính xem tuổi để chọn bạn hay chọn đối tác, chọn nhân duyên, xem ngày giờ để biết “hoàng đạo” hay “hắc đạo”… Khoa học Tâm Linh của chúng tôi không cho là những phương pháp đó có giá trị thực tế. Từ hồi các thầy tử vi tướng số được người ta ưa chuộng đến nay, thiên hạ càng ngày càng loạn. Mặc dù thỉnh thoảng tôi có lập lá số tử vi để xem cho một số người, nhưng chỉ là kiếm cớ để trò chuyện với họ, vì tôi biết họ tin vào lá số tử vi hơn là tin tôi. Một người nghiên cứu như tôi có thể khai thác được chút kiến thức từ phương pháp xem lá số tử vi, xuất phát từ những nhà nghiên cứu năng lượng vũ trụ cổ xưa. Nhưng đem những kiến thức đó phổ biến cho quần chúng thì thật không phù hợp, giống như những món ăn không thể tiêu hóa nổi. Trước kia thỉnh thoảng tôi xem quẻ cho bạn bè cho vui, cũng nhằm mục đích nghiên cứu, nhưng tôi cũng nói thật với họ là bản thân tôi không áp dụng, vì tôi không phân biệt cái gì là tốt cái gì là xấu đối với tôi, thay cho việc nhớ đến ngày giờ tốt xấu thì tôi chỉ nhớ tích “Tái ông thất mã”*. Khi tiếp thu khoa học Năng Lượng Vũ Trụ của Thầy Lương Minh Đáng, những vị thầy tử vi tướng số trong tôi đều chấp nhận “dẹp tiệm” để học hỏi cái mới hữu dụng hơn. Với khoa học Tâm Linh, tôi chẳng cần mất công mày mò nghiên cứu gì cả, vì mọi cái đều “có sẵn”.
       Thời điểm tôi rời khỏi bệnh viện để sống lang thang không hề dựa theo chỉ dẫn của lá số tử vi, mà theo dẫn dắt của Tâm Linh. Trong những ngày mới mẻ đầu tiên này, tôi đã gặp được Mohammed Hamdan Edan Al-lssawi. Cho dù Mohammed có sinh vào ngày giờ nào, ở phương nào đi chăng nữa, anh cũng là một vì sao tươi sáng chiếu xuống đời tôi. Nói theo cách khác đi, anh là một phần linh hồn tôi nhưng sống trong một thân xác khác. Anh xuất hiện để đem đến cho tôi những điều may mắn. Không phải ngẫu nhiên mà tên anh cùng những lời anh nói về Thượng Đế xuất hiện trong vở kịch “Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết”. Vở kịch ấy vô cùng huyền bí đối với tôi, mặc dù tôi là người đã viết ra nó. Mối quan hệ giữa tôi và Mohammed cũng huyền bí như vậy. Lần đầu tiên chát với tôi, Mohammed đinh ninh rằng tôi là đàn ông. Sau một hồi “tán gẫu” vui vẻ, anh hỏi tôi đã có vợ chưa, tôi trả lời anh rằng tôi không có khả năng lấy vợ. Mohammed ngạc nhiên hỏi lý do, và anh tỏ ra bối rối vì đã động chạm đến một vấn đề tế nhị của người bạn mới. “Vì tôi không phải là đàn ông”. Tôi cho câu trả lời hiện lên cùng cái mặt cười ngoác đến tận mang tai. Mohammed xin lỗi rối rít. Tôi hỏi anh việc tôi là phụ nữ có ảnh hưởng gì đến tình bạn giữa anh và tôi không. “Không, chắc chắn là không!” Mohammed trả lời quả quyết. Và anh là người trung thực. Mohammed không coi thường phụ nữ, anh rất tôn trọng tôi cũng như nâng niu tình bạn giữa chúng tôi. Quan hệ bạn bè giữa anh và tôi khác hẳn với những mối quan hệ khác của tôi trên Skype. Thật ra, nhiều người đàn ông khác khi tưởng tôi là đàn ông, họ đã “delete” cái nick của tôi ngay không thèm tiếp chuyện, vì họ chỉ muốn nói chuyện với đàn bà mà thôi. Còn những người phụ nữ thì không hứng thú để nói chuyện với tôi vì họ cũng chỉ muốn nói chuyện với đàn ông. Mohammed là người đầu tiên trò chuyện một cách thích thú với tôi mặc dù “biết” tôi là đàn ông. Khi “buôn dưa lê” với nhau chúng tôi cảm thấy thư giãn và phấn khích. Nhưng anh không có nhiều thời gian để lên mạng chát, mặc dù anh muốn tôi cải thiện vốn tiếng Anh nhiều hơn nữa. Để chắc chắn rằng liên lạc giữa chúng tôi không bị phụ thuộc vào mạng Skype, anh luôn nhắn cho tôi số điện thoại di động mới của anh mỗi khi anh chuyển vùng từ nước Anh về Iraq hay ngược lại. Về phần tôi, tôi cảm thấy thoải mái khi biết Mohammed nghiên cứu thực vật chứ không phải là kinh doanh hay IT gì đó. Với Mohammed, tôi luôn có thể là chính tôi chứ không cần phải “diễn”, tôi không bao giờ lo lắng về chuyện anh sẽ kính trọng hay xem thường tôi, tôi có thể kể với anh bất cứ điều gì dù bi hay hài. Một lần tôi thông báo cho Mohammed rằng có thể tôi sẽ không lên mạng được một thời gian, vì tôi chuẩn bị bán laptop do hết tiền. Nhưng tôi lại online và tiếp tục chát với anh ngay sau đó không lâu. Anh hỏi: “How are you, my friend?” Tôi đáp: “Still alive” và cho hiện lên một hình mặt trời rạng rỡ. “Great”. Mohammed tán thưởng, và anh hỏi có phải tôi đã mua laptop mới không. Tôi cho anh biết tôi vẫn giữ cái máy cũ, vì nơi tôi ở toàn nông dân nên cuối cùng tôi đã không bán được laptop cho ai cả. Chúng tôi cùng phá lên cười. Mohammed không căn vặn tôi thêm, vì anh thấy với tôi cũng chẳng có chuyện gì nghiêm trọng. Có những lúc tôi cảm nhận được rằng Mohammed đang lo lắng cho tôi, nhưng anh không nói ra điều đó. Có những lúc trong lòng tôi lo lắng, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra mọi nỗi lo chỉ là giả tưởng, và tôi cũng không nói với anh. Chúng tôi chỉ trao đổi với nhau những sự kiện theo kiểu “ý tại ngôn ngoại”. Mohammed là người điềm tĩnh hiếm có. Phải chăng do anh đã từng trải với chiến tranh trên đất nước Iraq nên được tôi luyện thành người như vậy? Nhưng cũng khó mà tìm thấy người nào tinh tế hơn Mohammed. Sự tương đồng của chúng tôi lớn đến mức mọi sự khác biệt chỉ để mối quan hệ giữa chúng tôi thêm phần thú vị. Chúng tôi cùng nhìn nhận mọi chuyện theo cách đơn giản, mà theo cách đó thì dù trời có sập cũng không thể xem là chuyện nghiêm trọng quá.
       …
       Cuộc sống của tôi thì giản dị, những điều tôi quan tâm thì nhỏ bé, những người bạn của tôi thì bình dân… Thế mà Edward Goodpeace lại hỏi tôi về một vấn đề “nghiêm trọng” là hòa bình thế giới và nhắc đến một “vĩ nhân” là tổng thống Obama. Tất nhiên Edward tưởng nhầm tôi là Thầy Đáng nên mới mất thời gian như thế. Nhưng Thầy Đáng khi còn sống cũng không bao giờ trả lời những câu hỏi về chính trị. Học trò của Thầy thường nghĩ là Thầy né tránh chuyện chính trị để bảo vệ ngành học. Tôi thì thấy là Thầy không làm những việc thừa. Thầy Đáng không cần giảng cho học trò về chính trị, vì chính trị thật ra chỉ là “cái bóng” của những vấn đề khác. Chuyện Edward hy vọng ông Obama có thể đem lại hòa bình cho thế giới làm tôi thấy buồn cười. Tác giả một cuốn sách “best seller” nào đó khăng khăng rằng Obama trúng cử nhờ phát thanh viên của một kênh truyền hình đối lập đã mỉm cười khi nhắc đến tên Obama trong bản tin. Những “tin đồn” kiểu như thế nói lên rằng Obama được nhiều người yêu mến. Ngoài tố chất mà những đối thủ của ông đều có ra thì ông còn có nụ cười đẹp có thể làm mê hoặc lòng người. Obama quả là một diễn viên quyến rũ trên sân khấu chính trị. Nhưng dù có làm tổng thống nước Mỹ đi nữa thì Obama cũng chỉ là một “con bướm”*. Mặc dù “con bướm” Obama đã cố gắng để không đập cánh một cách lung tung loạn xạ, nhưng các đại sứ quán của Mỹ vẫn thỉnh thoảng đóng cửa vì sợ bị khủng bố, còn chuyến đi của Obama đến Trung Đông sẽ gây ra “cơn bão” nào tiếp theo thì chính bản thân Obama cũng không thể lường trước được. Từ chuyến đi lịch sử đó đến nay, người dân Palestine có cảm nhận được không khí hòa bình hơn hay không thì không rõ, nhưng các nước Ả Rập thì sôi lên bầu không khí làm cho cả thế giới căng thẳng. Nhiều quốc gia từng tính đến chuyện đưa người của mình rời khỏi Ai Cập vì tình trạng bạo động ở nước này đã có lúc mất kiểm soát. Nga và Mỹ mỗi nước ủng hộ một phe trong cuộc nội chiến ở Syria, rồi người ta được chứng kiến hàng nghìn người chết vì vũ khí hóa học trên đất nước vốn đã đẫm máu này…
       Xóm Lá chúng ta xem thông tin về các cuộc chiến tranh có lẽ chỉ để giải trí, và dù có bao nhiêu người chết vì chiến tranh trên thế giới đi nữa thì trái tim của chúng ta cũng không muốn xúc động mảy may. Chúng ta không phải là những người độc ác, nhưng nỗi đau trong trái tim chúng ta đã chật hết chỗ cả rồi, nên chúng ta hay tỏ ra thản nhiên trơ lỳ trước mọi sự kiện, vì nếu đau thêm chút nữa có lẽ chúng ta không sống nổi. “Blog Tiếng Việt – Blog Việt của người Việt Nam”. Tôi không biết ai là người đầu tiên gọi Blog Việt là Xóm Lá, nhưng tôi yêu cái tên ấy. Cái tên Xóm Lá đem đến cảm giác bình yên. Nhưng cảm giác chỉ là cảm giác. Chúng ta không thể từ chối sự thật rằng Xóm Lá là cả một thế giới. Các blogger của Blog Việt – các công dân của Xóm Lá trải khắp ba miền đất nước Việt Nam, bạn đọc của chúng ta thì không phải chỉ ở trong nước mà còn cả ở những đâu đó trên Trái Đất. Chúng ta dễ dàng nhất trí với nhau rằng Việt Nam là đất nước kỳ lạ nhất vì trong nó tồn tại những chuyện kỳ khôi mà ngay cả các công dân của nó cũng không sao hiểu nổi. Nhiều công dân Xóm Lá đã du học ở nhiều quốc gia khác nhau, tiếp thu văn minh văn hóa từ khắp nơi trên thế giới, nhưng khi đem về Việt Nam thì không biết làm cách nào áp dụng được. Bản sắc Việt là một dấu chấm hỏi lớn. Nếu ai đó công khai nói với chúng ta rằng người Việt Nam là giống người đáng khinh bỉ, thì thế nào chúng ta cũng nổi cơn thịnh nộ và nhất định sẽ cho họ biết tay. Nhưng nếu họ “ve vãn” chúng ta rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc cao quý rất đáng tự hào, thì chúng ta không khỏi nhăn mặt và trong lòng rên rỉ.
       Những công dân Xóm Lá là những đại diện tiêu biểu cho sự kỳ lạ của người Việt Nam. Chúng ta rất tích cực trong việc tỏ ra là người khiêm tốn, nếu ai đó không thể biểu hiện được đức khiêm tốn qua lời nói một cách xuất sắc như chúng ta thì chúng ta thấy có nghĩa vụ phải nhắc nhở họ ngay. Lòng khiêm tốn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình, tạo dựng sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng Xóm Lá. Sự khiêm tốn của chúng ta có tác dụng kỳ diệu đến mức sau một thời gian nhìn lại chúng ta bỗng giật mình kinh ngạc: Bài viết của chúng ta được khen nhiều quá, hầu hết là khen mà rất ít thấy ai chê, không những thế còn khen bốc lên tận trời xanh. Sao thế nhỉ? Chúng ta luôn tâm niệm một phương châm xử thế đã nghe được từ Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, tức là “điều mình không muốn thì đừng làm cho người”, và vì chúng ta rất thông minh cho nên hiểu thêm rằng “điều mình muốn thì hãy làm cho người”. Sự giác ngộ đó đã đem lại kết quả kỳ diệu, thật là xứng đáng! Lòng khiêm tốn muôn năm! Chúng ta cần khai thác triệt để những lợi ích của lòng khiêm tốn, phải đưa nó lên thành nếp sống văn minh trong Xóm Lá. Để làm được điều đó thì lòng khiêm tốn phải đi liền với sự sáng tạo. Chúng ta liền động viên mọi người hãy chê nhiều hơn, kẻo nếu chúng ta toàn nhận lời khen thì thiên hạ lại ngộ nhận rằng chúng ta không khiêm tốn. Tất nhiên chúng ta nhắc nhau phải chê theo kiểu… khiêm tốn, tức là chê mà cũng phải giống như khen. Thể hiện lòng khiêm tốn cần phải được đưa lên thành một kỹ xảo. Có một anh chàng Trẻ Trâu nào đó đi ngang qua Xóm Lá dừng chân lại ngắm nghía chúng ta, rồi buột miệng nhận xét rằng chúng ta là những người rất “Ngu”. Thế là chúng ta nổi cơn giận dữ, dán ngay cho anh bạn Trẻ Trâu cái mác “vô văn hóa” và “mất dạy”. Khách quan mà nói, nếu tra trong từ điển tiếng Việt thì từ “ngu” chỉ có nghĩa là “kém thông minh”, và từ “ngu” chưa bao giờ được xếp vào danh mục những từ tục tĩu. Nhưng thật ra vấn đề ở đây là anh ta không biết “nhập gia tùy tục”, dùng từ “ngu” để chê người khác là chưa đạt được tiêu chuẩn “kỹ xảo thể hiện lòng khiêm tốn”. Nếu không dạy cho anh ta một bài học thì những kẻ như anh ta sẽ phá hỏng “nền văn minh khiêm tốn” của Xóm Lá…
       Đấy! Chỉ lo cho Xóm Lá của chúng ta được bình yên thôi mà đã lắm chuyện thế rồi. Trẻ Trâu gọi chúng ta là “những con người trưởng giả cằn cỗi”, nhưng mặc kệ anh ta, miễn anh ta đừng tiếp tục nói chúng ta “Ngu” là được. Trẻ Trâu không hiểu rằng chúng ta đã đánh mất cả lòng tự tin, bây giờ chúng ta chỉ chờ nghe những lời khích lệ. Trẻ Trâu đã đánh giá chúng ta quá cao khi nghĩ rằng chúng ta có đủ sức để nghe thêm những lời chê bai của thiên hạ. Phản ứng của chúng ta làm cho Trẻ Trâu bị “sốc”, anh bạn ấy tưởng chúng ta là “đàn khỉ trong rạp xiếc sổng chuồng”… Nhưng tiếc thay, Xóm Lá chúng ta không phải là rạp xiếc mà lại là cả một thế giới. “Đàn khỉ” như chúng ta vẫn đủ sức khiến Trẻ Trâu phẫn nộ, hãy nghe những lời thống thiết của anh ta:
       “Tôi có thể quả quyết, chắc chắn rằng, mọi lời kêu gọi khẩu hiệu từ trên trời rơi xuống không lọt vào tai tôi được nữa. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà cái quá trình sa đọa tâm hồn rồi rơi xuống vũng bùn độc địa vẫn diễn ra không ngừng và dưới nhiều hình thức. Cả cuộc đời người ta đã làm cái việc nói suông, làm cho kẻ khác kinh ngạc và khâm phục cái trí tuệ giả tạo uyên thâm của mình. Rồi đến khi cái hiện thực hiện ra, nhiều đến nỗi tràn ngập như cỏ dại triển khai trước mắt họ, thì ta thấy trong họ có sinh ra được một sức kháng cự động vật học nào để kháng cự không? Có thể họ đã làm tự phá sản bởi chính những gì họ nói, nhưng có thể họ vô tình hay hữu ý quay lưng lại cái hiện tượng giả dối ấy thì hơn tất cả, họ đã thành hiện tượng có hại, đầu độc xã hội và góp phần làm mục ruỗng”*.
       Chà, Trẻ Trâu đúng là một nhà hùng biện! Nhưng ai thèm nghe anh ta nói cơ chứ? Những công dân Xóm Lá là những con người tiêu biểu cho đất nước Việt Nam này, chúng ta là những nhà khoa học, những nhà giáo, những thầy thuốc, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, luật sư, cựu chiến binh, cảnh sát… Rất nhiều người trong chúng ta là “người của công chúng”. Không một ai có thể coi thường sự đóng góp của chúng ta cho xã hội. Chẳng cần đến những lời khen ngợi mà thiên hạ đề tặng tràn ngập blog của chúng ta, chúng ta cũng có thể tự hào rằng dù thế nào đi chăng nữa chúng ta vẫn là những con người đẹp đẽ lịch sự nhất nước Việt Nam này. Còn anh ta là ai? Chỉ là một thằng Trẻ Trâu không tên không tuổi, không biết từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên, rỗi việc thừa thời gian ngồi ôm laptop “tự sướng”… Còn chúng ta là những người đang cần mẫn làm việc cho đời, những giá trị của chúng ta không cần thiết phải kể cho anh ta thấy, chúng ta viết blog là để xả stress, để tâm sự cùng nhau, để giúp cho tâm hồn được thảnh thơi... Khi chúng ta nhắc cho anh ta điều đó một cách văn hoa bằng những triết lý ai cũng biết thì anh ta đáp lại chúng ta “lần đầu tiên và lần duy nhất”:
       “Tôi không phải là người tự nhiên chủ nghĩa, những gì viết ở đây không phải là “tự phân tích”, không “tự sướng”, thật ra là không muốn viết nhưng yêu cầu nhiều quá thì viết. Người nguyên thủy thường được văn hóa sử mô tả như một kẻ “duy tâm kỳ bí ưa triết lý cao siêu”, những kẻ ảo tưởng sáng tạo ra Thần, những kẻ “đi tìm ý nghĩa” của cuộc sống. Họ được gán ghép với Yakop Bom gã đóng giày thế kỷ XVI vẫn hay nói “con người phải nói về tinh tú và sức mạnh trời đất bằng sức mạnh thiên nhiên…” và từ đây dẫn đến Thiên Đường và Địa Ngục. Tàn dư của nguyên thủy theo chủ nghĩa giáo điều. Nói triết không nên đem những “trò đùa trẻ con” diễn xiếc. Trước khi luận triết, luận cái này: “Làm gì?” – “Làm người”. Chưa phân biệt được đâu là tư duy hiện đại thì Đừng Bàn Triết.
       Những con người trưởng giả cằn cỗi kia ơi! Đây là lần đầu tiên và lần duy nhất bàn Triết kiểu vô nghĩa này nhé! Tôi không có thời gian tranh luận những vấn đề Chết, về Chết. Và tôi không hề có ý định trốn tránh cuộc sống bằng những suy luận vô bổ khá khôi hài về vũ trụ, mặt trời tắt… Nói chung trong thế giới trưởng giả cái bi kịch cũng nhiều không kém cái ảm đạm. Đàn khỉ trong rạp xiếc sổng chuồng không phải là bi kịch. Các trưởng giả vẫn muốn giúp đời, mừng quá, nếu làm được như nói, làm đi! Họ “giúp cho tâm hồn được thảnh thơi” ư? Thật không hình dung ra một người nào tâm hồn không xúc cảm. Nếu có thì là, thi hài đã làm xong nhiệm vụ sống. Tấm gương cuộc sống ư nhưng tại sao không phản ánh và trình bày cái xấu và miêu tả cái đẹp? Trong cái cuộc suy đồi thối nát này, ngày càng xuất hiện nhiều kẻ đần độn, hoàn toàn không hiểu nổi ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta đã quá tàn tạ sau chống “đế quốc” để ngày chiến thắng thì quá nhiều kẻ cơ hội, xã hội đã tạo ra mọi điều kiện cần và đủ để bần cùng hóa con người. Giáo dục làm ngu hóa con người. Thế hệ suy đồi ngày càng Tiến Bộ về suy đồi”*.
       Anh bạn Trẻ Trâu đã kiên quyết lột “mặt nạ” của chúng ta. Cần gì phải anh ta nói chúng ta mới biết là chúng ta bất lực! Anh ta chưa có thời gian nếm đủ mùi thất bại như chúng ta nên rõ thật kiêu căng. Trẻ Trâu lại đòi bọn già nua cằn cỗi chúng ta làm hiệp sĩ đánh cối xay gió ư? Anh ta đang chứng minh cho chúng ta thấy anh ta là người có lý tưởng ư? Có giỏi thì anh ta làm đi! Đúng là đồ “ngựa non háu đá”, đúng là đồ… thiếu khiêm tốn!
       …
       Tôi đến Xóm Lá mới được hơn sáu tháng, mặc dù hiểu “nền văn minh khiêm tốn” của Xóm Lá nhưng tôi không thích diễn vai một người khiêm tốn, vai diễn ấy đối với tôi nhàm chán quá rồi. Chưa bao giờ tôi thấy thoải mái hơn thế với vai diễn Kẻ Ác, mà Kẻ Ác thì cóc cần khiêm tốn. Blogger Mơ Hoa đã thắc mắc rằng tại sao Ái Nữ cứ phải xuất hiện ở blog của hai vị “lớn” nhất Xóm Lá là giáo sư Nguyễn Lân Dũng và nhà thơ Trần Đăng Khoa để “ăn theo” tên tuổi của họ. Chị Mơ Hoa thật là “tinh mắt”, nếu chị ấy không nhắc thì tôi cũng không để ý đến tình thế này. Tôi chỉ là một “con khỉ” đang “sổng chuồng”, lạc vào Xóm Lá diễn trò, thấy cũng có người vỗ tay khích lệ nên tôi vẫn tiếp tục giúp mọi người giải trí, mặc dù nhiều người thấy tôi vô duyên, nhưng đã là một “con khỉ” thì tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện duyên dáng làm gì. Tôi mang theo “công nghệ tin đồn” đến Xóm Lá, hai “phú ông” Đăng Khoa và Lân Dũng có duyên với tôi nên mới xuất hiện trong tác phẩm “Những thành tựu của công nghệ tin đồn”. Lúc ấy tôi chỉ biết giáo sư Nguyễn Lân Dũng và nhà thơ Trần Đăng Khoa là hai “kênh thu phát tin đồn” trong Xóm Lá, chứ tôi đâu có để ý đến chuyện họ được xem là những người rất “lớn” ở đây. Tôi ngạc nhiên khi thấy chị Mơ Hoa phát biểu như thế ngay trong blog của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, mà giáo sư lại còn cảm ơn chị ấy nữa. Chẳng nhẽ những người viết comment cho blog của giáo sư Nguyễn Lân Dũng và nhà thơ Trần Đăng Khoa đều vì mục đích “ăn theo” tên tuổi của họ sao? Cá nhân tôi thì không sao, dù chị Mơ Hoa có nói gì thì cũng chẳng đủ sức làm tôi giận chị ấy được, tôi vốn yêu thích chị ấy, cách bày tỏ thái độ của chị Mơ Hoa giúp tôi hiểu tính cách của chị ấy hơn. Nhưng tôi không dám chắc là tất cả mọi người đều dễ tính như tôi. Mặc dù Trẻ Trâu gọi chúng ta là “đàn khỉ”, nhưng anh ta vẫn nói Xóm Lá là nơi “ngọa hổ tàng long”. Rất nhiều nhân vật vô danh cứ ẩn ẩn hiện hiện khôn lường, rồi không biết chừng một lúc nào đó họ đột nhiên xuất hiện sừng sững. Nếu chúng ta không tự biết mình, cứ xưng tụng nhau lên làm “vĩ nhân” như vậy khác gì hại nhau. Cứ nhìn giáo sư Nguyễn Lân Dũng mà xem, bác ấy hiền hậu, tốt bụng, nhiệt tình, nhưng hễ bị người ta chê cho một câu là đã giãy nảy lên như đỉa phải vôi, chưa nói là nhiều khi người ta không chê nhưng bác ấy đã tưởng là bị chê. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa? Lão ấy chỉ mong được “siêu thoát ngay khi còn đang thở”*. Đời Lão Khoa nghe chửi nhiều rồi, nếu tôi có lúc nào đấy chửi Lão thì có lẽ Lão sẽ nghĩ rằng tôi chửi Lão chỉ để cho vui. Dù tôi có nói giời nói đất gì đi nữa thì Lão Khoa cũng biết tỏng là tôi đang “diễn chèo”, Lão ấy chả bận tâm gì đâu, có thêm “đồng nghiệp” là Lão ấy vui. Kẻ Ác như tôi thì không có gì để mất hay được, dù thiên hạ có “ném đá” hay “tung hoa” rào rào vào “nhà” của Ái Nữ đi chăng nữa thì cũng là “ném” vào Năng Lực Siêu Hình Trong Vũ Trụ*.
       Xóm Lá chúng ta, dù ai đó ngợi khen, dù ai đó chê cười, vẫn đang tồn tại. Thân xác Ái Nữ chưa từng trải qua chiến tranh với khói lửa đạn bom, nhưng linh hồn Ái Nữ từng trải với chiến tranh nội tâm. Nhiều người tới Xóm Lá để tìm kiếm sự bình yên, nhiều người rời Xóm Lá cũng vì điều đó. Ái Nữ đến với Blog Việt theo chỉ dẫn huyền bí từ chốn cao xanh. “Người Nổi Tiếng và vở kịch ngày Cá tháng Tư” là câu chuyện làm cho Ái Nữ vô cùng xúc động, đó là câu chuyện tuyệt diệu trong cuộc đời Ái Nữ, vì nó đã đưa Ái Nữ đến với các bạn. Thượng Đế không bao giờ cho Ái Nữ biết trước điều gì. Trong cuộc đời Ái Nữ, điều Ái Nữ sẵn sàng đối mặt thì không diễn ra, điều Ái Nữ không dám hy vọng chờ đợi thì xảy đến. Cuộc sống là một chuỗi những sự bất ngờ. Nếu chúng ta chỉ luôn cầu sự an toàn, chúng ta sẽ có được bình an bề ngoài, nhưng tâm chúng ta xao động. Nếu chúng ta chấp nhận mọi sự đều có thể, tâm chúng ta sẽ bình an, và chúng ta tự do.
       …
       - Anh đã nhầm lẫn – Tôi trả lời Edward – Tôi chỉ là học trò của Thầy Lương Minh Đáng mà thôi. Ngành học của chúng tôi giúp đỡ cho những ai thực sự quan tâm đến tương lai, nhưng muốn thế thì họ chỉ có cách duy nhất là học hỏi. Nếu anh muốn học thì hãy đến Việt Nam, tôi sẽ giới thiệu.
       - Vâng, cảm ơn! Tôi sẽ suy nghĩ.
       Không “sưu tập” được “tin đồn” nào về hòa bình thế giới, Edward vội vã rút lui.
       Những người như Edward không làm tôi ngạc nhiên được nhiều hơn. Phần đông những người tôi gặp trong đời đều như vậy. Họ hay nhầm lẫn, không kiểm soát được những việc nhỏ nhất, nhưng lại thích quan tâm đến những chuyện lớn lao. Họ biết rằng cần phải “học, học nữa, học mãi”, nhưng việc học trong đời họ chỉ là những cuộc “sưu tập tin đồn”. Những kiến thức họ thu thập được không giúp họ trở thành một người sáng suốt, mà làm họ bơ phờ trong một đám rối bòng bong. Thay vì kiếm tìm chân lý thì họ lại săn lùng những “thương hiệu”.
       Nhưng có những người làm cho tôi cảm phục, việc họ làm khiến tôi mộng mơ, và tôi tin rằng trong tương lai thế giới sẽ có hòa bình. Một lần cách đây rất nhiều năm, tôi được đọc một bài báo kể về câu chuyện ở một vùng quê, với một nhân vật có tên tuổi địa chỉ rất chi tiết. Người đàn ông này được xem là một “đại gia” về… bò. Anh ấy có nhiều bò nhất vùng, nhưng lại không có một chuồng bò nào. Chuyện cổ tích ư? Không, bò của anh ấy được giữ trong chuồng bò của bà con trong vùng, họ luôn nhớ những con bò nào là của anh ấy, trong khi anh ấy thì lại không cần biết đến điều đó, vì anh ấy không chăn bò. Người đàn ông này có tiền đem cho những người nuôi bò vay làm vốn, nhưng người vay không cần trả bằng tiền mà trả bằng bò, khi nào bò của họ đẻ con thì họ dành con bò ấy để trả nợ, nếu họ không may mắn thì họ sẽ tiếp tục được hỗ trợ cho đến khi đàn bò nhà họ sinh sôi. Người vay không phải thế chấp, không phải ký nợ, không chịu áp lực từ người cho vay, họ đơn giản là nhận một sự giúp đỡ, họ cũng không lo không trả được nợ, vì làm gì có ai không may mắn mãi. Khi những người chăn bò thảnh thơi hạnh phúc thì đàn bò cũng vui vẻ sinh sôi, điều đó không có gì kỳ lạ. Người đàn ông này không đem bò về chuồng nhà mình, mà khi có người mua bò thì mới đến chuồng bò nhà dân để “đòi nợ”, và tất nhiên trước khi đến thì anh ấy biết người vay đã sẵn sàng “trả nợ”… Tôi không nhớ được tên tuổi địa chỉ của nhân vật này, vì tôi không phải là nhà báo cũng như không định mua bò, nhưng câu chuyện ấy thì tôi nhớ mãi. Nhiều học trò của Thầy Đáng không hiểu “nền kinh tế chân ngã” là gì, trong khi có những người không mang tiếng “học đạo” đã thực hiện được điều đó. Bò là một loài vật nuôi rất hiền hòa, mặc dù chúng không được tiếng là thông minh, nhưng chắc chắn chúng có nhiều hạnh phúc. Ngày 13-7-2013 vừa qua, tôi được xem truyền hình trực tiếp buổi giới thiệu và kêu gọi ủng hộ “ngân hàng bò” do Hội Chữ Thập Đỏ Trung Ương tổ chức. “Ngân hàng bò” được lập ra để có tiền mua bò ủng hộ những người nông dân nghèo, hoạt động này đã thu hút được sự ủng hộ từ nhiều tầng lớp, nhiều cá nhân, nhiều tổ chức đoàn thể xã hội. Tôi xem chương trình này mà không bị “đơ” không hiểu gì như nhiều chương trình tuyên truyền khác. Mặc dù sự điều hành “ngân hàng bò” không giống với công việc của người đàn ông trong bài báo mà tôi vừa kể, nhưng nó cũng hướng tới “nền kinh tế chân ngã” và làm mọi người vui vẻ tin tưởng. Có cậu học trò thành phố đã bỏ tiền tiết kiệm riêng để ủng hộ “ngân hàng bò” mười triệu đồng, là số tiền đủ để mua một con bò. Chương trình giúp dân nghèo nuôi bò này đã hoạt động được hai năm có hiệu quả, khi một người có thêm bò mới, họ sẽ chăm sóc cho nó lớn khỏe mạnh rồi đem trao cho một người nghèo cần giúp đỡ khác. Gương mặt của những người nông dân ít học vùng cao hiện ra trên màn hình tươi tắn hồn nhiên, nụ cười của họ rạng rỡ, ánh mắt họ như chưa từng bị vẩn đục vì cuộc sống bon chen. Tôi tin những người sáng lập “ngân hàng bò” làm việc này không phải vì họ đang gồng mình lên gánh vác những công việc cao cả, mà là họ thấy vui khi nhận được những nụ cười ấm lòng như thế… Tôi tin thế giới sẽ có hòa bình, vì nhiều người đang chung tay xây đắp nó.
       Còn tôi? Nói ra thì xấu hổ, tôi là một kẻ vô tích sự, vừa giúp người vừa hại người, biết sai vẫn làm những điều sai, chỉ mong thân mình được bình yên. Bạn Trẻ Trâu nói đúng, tôi vốn là “khỉ trong rạp xiếc”. Có lẽ nhiều bạn đọc không thích cụm từ này, nếu vậy tôi sẽ dùng từ “con rối”. Thật ra “con rối” thì còn thảm hại hơn, nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn thấy nó lịch sự hơn từ “con khỉ”. Tôi muốn kể với các bạn vài câu chuyện trong mười năm “phục vụ” của tôi ở các bệnh viện, một xã hội Việt Nam thu nhỏ với đủ mọi tầng lớp qua lại.
       …
       Từ ngày 15-9-2002 đến hết ngày 31-3-2010, tôi là nhân viên của bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, là “quân” của giám đốc Lê Văn Thuật. Bệnh viện này khi tôi mới đến mang tên bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Thuật đã nâng hạng dần thành bệnh viện hạng I, và do huyện Mê Linh lại trở về với Hà Nội, thị trấn Phúc Yên không đi theo mà trở thành thị xã Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc, cho nên bệnh viện mang tên mới là bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên.
       Giám đốc Lê Văn Thuật là người thông minh và khôn ngoan, khi xã hội được điều tiết bởi cơ chế thị trường và bệnh viện trở thành giống như doanh nghiệp, gọi là “đơn vị sự nghiệp có thu”, người như ông có đủ cơ hội và điều kiện trở thành “ngôi sao” trên bầu trời của ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều bệnh nhân cao tuổi vui mừng trước sự thay đổi tiến bộ của bệnh viện Phúc Yên so với thời bao cấp. Bệnh viện giờ sạch sẽ hơn, bác sĩ niềm nở hơn và không có thái độ cửa quyền như trước, bệnh nhân rất có cảm tình với các bác sĩ trẻ. Nhưng đó mới là một mặt của vấn đề. Còn mặt khác, được minh họa sinh động bởi câu chuyện này:
       Một buổi tối tôi làm nhiệm vụ trực ở khoa nội, có một chiếc cáng được khênh từ khoa khám bệnh vào, trên cáng là một bà già gầy yếu. Chiếc cáng còn đặt trên hè, bệnh nhân chưa được chuyển vào giường bệnh do điều dưỡng chưa kịp xếp giường, nhưng người nhà bệnh nhân đã đặt điều kiện: “Không nằm viện đâu nhé! Bà già chỉ bị táo bón không ỉa được thôi, thụt tháo xong là về ngay”. Tôi đáp nhã nhặn: “Để tôi khám cho bà xong rồi sẽ trao đổi với các anh chị”. Họ gào lên: “Nếu không chấp nhận yêu cầu của chúng tôi thì không khám xét gì hết, chúng tôi không thể để bà già nằm viện, người nhà chúng tôi đã có người chết ở đây rồi, bệnh viện này chẳng ra gì!” Nhưng một thầy thuốc muốn giữ mình thì phải tôn trọng những nguyên tắc tối thiểu, và một bệnh nhân chỉ bị táo bón không bao giờ được ưu tiên vận chuyển bằng cáng. Sau vài lời giải thích nhã nhặn tiếp theo mà không ăn thua, tôi lạnh lùng nói: “Nếu các anh chị không cần bác sĩ khám cho người nhà mình thì không cần đưa bà cụ đến bệnh viện làm gì, nếu tôi không được khám thì tôi cũng không thể nhận bệnh nhân này. Các anh chị đưa bà cụ về nhà hoặc đến chỗ khác đi”. Họ tiếp tục la lối om xòm nhưng rồi nói: “Được, chúng tôi sẽ đưa bà già sang bệnh viện 74, đừng tưởng là chúng tôi cần lắm nhé!” Họ chuẩn bị đưa bệnh nhân đi, tôi mừng thầm rằng tôi thoát được vụ này và tất nhiên tôi nghĩ tôi hành động đúng. Nhưng tôi đã nhầm, mọi việc sau đó chứng minh rằng tôi sai. Bác sĩ trực lãnh đạo, nghe tiếng ồn đã kịp xuất hiện, không cần quan tâm gì đến ý kiến của tôi, anh xin lỗi gia đình bệnh nhân rối rít về cách ứng xử của một bác sĩ trẻ mới ra trường chưa có kinh nghiệm, và ra lệnh chuyển bệnh nhân sang khoa Hồi Sức Cấp Cứu, hứa đảm bảo với họ rằng sẽ chỉ thụt tháo cho bà cụ xong rồi cho bà cụ về. Người nhà của bệnh nhân này rất đông, họ có ô tô riêng và dùng điện thoại di động, mà hồi đó hầu hết các bác sĩ bệnh viện chúng tôi vẫn còn chưa có điện thoại di động. Họ đứng giữa đường bê-tông trong bệnh viện nói oang oang: “Chỉ có táo bón thôi thì việc gì phải nằm viện! Mọi lần ô-sin vẫn cho bà già ỉa được, chẳng qua lần này ô-sin nghỉ phép về quê nên mới phải đưa bà già vào đây…”. Vì ca bệnh ấy mà các bác sĩ trẻ được nhắc nhở phải “rút kinh nghiệm”. Đúng là bệnh nhân ấy ngoài táo bón ra thì chẳng có vấn đề gì đặc biệt, bác sĩ trực Hồi Sức Cấp Cứu chỉ kết luận rằng bà ấy bị suy kiệt nặng mà thôi, và “cằn nhằn” với tôi rằng “chỉ tại mày” mà tua trực Hồi Sức Cấp Cứu phải đảm nhận một việc cỏn con của ô-sin như thế, giúp bệnh nhân thông đại tiện xong rồi để người nhà đưa bệnh nhân về ngay…
       Một câu chuyện khác: Khoa Đông Y chúng tôi vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam cao tuổi thuộc đối tượng bảo hiểm y tế vào điều trị nội trú, ngay sau đó chúng tôi được nhận thêm một mẩu giấy nhỏ có chữ ký của giám đốc ghi mệnh lệnh: “Truyền cho bệnh nhân… một chai đạm”. Có lẽ các bạn đọc là đồng nghiệp của tôi sẽ đều đồng ý rằng những mệnh lệnh với hình thức kiểu như thế là vi phạm quy chế chuyên môn, xúc phạm đồng nghiệp… Nhưng tôi không phải là người chấp vào những tiểu tiết. Trong cơ chế thị trường, giám đốc bệnh viện đã được trao thêm nhiều quyền hạn và ông ấy trở thành giống như ông chủ của tôi, tôi luôn ghi nhớ tôi là “tay chân” của ông ấy. Giám đốc Thuật chỉ có kinh nghiệm về phòng dịch chứ không có kinh nghiệm điều trị lâm sàng, cho nên ông có đủ lý do để không can thiệp thô lỗ vào bệnh án của chúng tôi, việc này không giống phong cách thông thường của ông ấy, đây chắc chắn phải có lý do “tế nhị”. Sau khi khai thác bệnh sử bệnh nhân, tôi được biết ông ta là thầy giáo của sếp Thuật khi sếp còn học phổ thông. Tôi tự suy ra rằng ngay khi vào viện ông bệnh nhân đã lên phòng giám đốc để thăm hỏi học trò cũ, và nếu ông bệnh nhân không “gợi ý” cho sếp của tôi thì sếp đã không bày tỏ sự quan tâm theo kiểu ấy, sếp Thuật không có tác phong “tủn mủn” như vậy. Chẳng biết từ bao giờ, người dân nảy sinh tâm lý thích truyền dịch truyền đạm, và cũng chẳng biết từ bao giờ các thầy thuốc hay dùng thuốc theo thị hiếu của bệnh nhân. Giám đốc Thuật luôn nhắc nhở nhân viên nhớ một câu nói không hiểu đùa hay thật của ai đó nhưng lâu nay đã trở thành khẩu hiệu: “Khách hàng là Thượng Đế”. Ông thượng đế này của chúng tôi thao thao kể về những học trò ngu dốt của ông ta, trong đó có một vị bác sĩ trong bệnh viện của chúng tôi. Ông tỏ thái độ bất bình: “Tôi đã phải nâng điểm cho anh ta để anh ta được lên lớp, để anh ta có thể tốt nghiệp mà vào học đại học. Dốt như anh ta mà làm bác sĩ thì thật nguy hiểm…” Nghe bài diễn văn tràn trề cảm xúc của nhà giáo về hưu này, tôi nhớ đến câu nói của nhân vật Sói Già trong một câu chuyện cổ tích nào đó: “Kẻ nào nhổ bãi nước bọt lên trời thì trước sau nó cũng rơi trúng đầu mình”…
       Trong nhiều năm, bệnh viện Phúc Yên đã sử dụng một số người lao động dài hạn mà không đóng bảo hiểm xã hội cho họ. Trong hai năm đầu tiên, cứ ba tháng một lần tôi và nhiều người bạn của tôi phải ký vào một tờ giấy bằng nửa khổ giấy A4, ngoài chữ ký của mỗi người lao động ra thì phải có thêm 4-5 chữ ký nữa cho mảnh giấy nhỏ đó. Như thế lương của chúng tôi không bị trừ vào việc đóng bảo hiểm xã hội. Tôi là bác sĩ nên sau hai năm đã có cơ hội vào biên chế, chứ còn các điều dưỡng viên thì nhiều người phải 4-5 năm hoặc lâu hơn. Ông Thuật có lý khi tự nhận rằng ông là “giám đốc nhà trẻ”. Trừ các bác sĩ là “mặt hàng nhập khẩu” của Vĩnh Phúc ra, các điều dưỡng viên hầu như ai cũng là con em của các “quan lớn quan nhỏ” nào đó, mà đơn xin việc luôn phải kèm theo chữ ký của “ người bảo lãnh”. Ông Thuật nói: “Như thế còn hơn là ở nhà, nhàn cư vi bất thiện”. Sự thật là các điều dưỡng viên trẻ ăn cơm nhà để phục vụ bố mẹ của người khác, còn lương của họ hoặc dùng vào việc ăn sáng và đổ xăng, hoặc đủ tiền ăn thì thôi đổ xăng và không sắm quần áo, chứ không thể đủ chi cho cá nhân họ được, nhưng họ vẫn có thể đi xe đẹp, đeo trang sức quý… Những người lao động như thế thì không thể đòi hỏi cao ở họ, nhưng dù sao họ cũng đóng góp vào việc làm “trẻ hóa” bệnh viện Phúc Yên, và trải qua thời gian, nhiều người trong số họ đã trưởng thành dần và trở thành lực lượng lao động chủ chốt của bệnh viện. Chúng tôi đều biết để một điều dưỡng viên có thể lọt vào biên chế ở Vĩnh Phúc, cách đây vài năm, theo tin của “thông tấn xã vỉa hè” thì giá đã là tám chục triệu hoặc hơn, còn năm nay nhiều người nói là khoảng hai trăm triệu. Song đó mới chỉ là tin đồn. Một cô điều dưỡng viên của bệnh viện Phúc Yên, trong kỳ thi viên chức vừa rồi, đã đạt số điểm trong một tình huống mà mọi người đều tin rằng cô ấy đỗ. Nhưng cô ấy và gia đình từng hoang mang không dám tin chắc, vì cô ấy làm hợp đồng đã mười một năm nay, đã từng thi trượt, mà lần này thì cô ấy cũng không “chạy” gì cả. Tuy nhiên tin chính xác mà cô ấy thông báo cho tôi gần đây nhất thì cô ấy đỗ thật rồi, chỉ còn chờ giấy báo nữa thôi, không hề mất “phong bao” nào hết. Cách đây khoảng một năm, tôi nghe một vị có chức sắc nói trên một kênh truyền thông chính thống rằng đội ngũ điều dưỡng ở Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều về số lượng, khiến tôi kinh ngạc không hiểu bao nhiêu điều dưỡng viên tốt nghiệp ra trường ăn chực nằm chờ để có việc làm bỗng chốc biến đi đâu. Chúng ta đang ở trên một đất nước kỳ lạ cho nên những sự kiện như thế không thể gây ngạc nhiên được lâu. Dù sao theo tôi, vẫn có nhiều người phải cảm ơn ông Lê Văn Thuật vì đã nhận con em họ vào “nhà trẻ” của ông, nhờ thế mà con em họ cũng dễ kiếm được tấm chồng, và những cuộc đời ấy vẫn tươi đẹp…
       Giám đốc Thuật có tác phong giản dị, nói năng ngắn gọn, luôn đi thẳng vào vấn đề. Nếu người ta bắt gặp ông đang thơ thẩn trong khuôn viên bệnh viện, tay đút túi quần, mắt nghiêng ngó như đang đánh giá nhận định chi tiết nào đó, người ta sẽ tưởng ông là một tay cai thầu xây dựng. Bệnh viện Phúc Yên cứ đập đập xây xây liên tục, và ông Thuật luôn chú ý giám sát chặt chẽ những công trình ấy. Ông quan tâm đến cơ sở hạ tầng của bệnh viện hơn là những con người, hay nói đúng hơn, ông không đủ sức quan tâm đến con người nhiều hơn là quan tâm đến cơ sở hạ tầng của bệnh viện. Ông luôn tỏ ra coi thường các bác sĩ, bởi họ phải lụy ông vì miếng cơm manh áo, trước mặt ông chẳng có ai biết nói năng cho ra hồn, trong bệnh viện có lẽ ông là người thông minh nhất. Một ngày đầu năm 2010, trong lúc ông đang đứng quan sát một công trình xây dựng trong bệnh viện, hai tay đút túi quần, tôi tiến lại mở lời bằng một giọng dè dặt:
       “Thưa chú, cháu không tìm được chú trên phòng giám đốc. Cháu có một đề nghị…”
       “Nói đi!”
       “Cháu xin chuyển công tác…”
       “Không đi đâu hết! Không phải là bệnh viện không cho chuyển, nhưng bây giờ bệnh viện đang thiếu người. Bệnh viện này không phải là cái chợ để thích đến thì đến thích đi thì đi”.
       Cái giọng gia trưởng gay gắt nói như đè mọi ý chí của người khác xuống như thế, tôi nghe ông nói với nhân viên nhiều lần đã quen tai. Nhưng với tôi, đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng ông có cơ hội nói năng với tôi kiểu ấy. Tôi trả lời chậm rãi và rành rọt:
       “Thưa chú, đơn xin chuyển công tác cháu đã đưa đến phòng tổ chức hành chính. Đề nghị chú trả lời cháu bằng văn bản! Chào chú!”
       Trong văn bản hành chính, ông Thuật vẫn có cách để tỏ ra coi thường tôi, bằng cách đồng ý cho tôi liên hệ chuyển công tác nhưng “trong vòng hai tháng, nếu không có cơ quan bệnh viện nào tiếp nhận, bệnh viện sẽ không bao giờ cho phép bác sĩ V.T.T.H đi liên hệ chuyển công tác lần hai”. Tôi phì cười trước nội dung đó. Tôi không phải là người tự ái vặt, và tôi thấy nực cười vì ông Thuật kiêu ngạo đến mức không thèm đọc lá đơn của tôi mà đã cho thư ký soạn văn bản trả lời. Ông tin chắc chắn rằng bệnh viện của ông là “đỉnh” trong tỉnh Vĩnh Phúc, còn nếu chuyển đến một tỉnh khác thì thủ tục không thể hoàn thành trong vòng hai tháng. Nếu ông có đọc lá đơn của tôi mà vẫn trả lời như vậy thì tất nhiên ông là một người ngu xuẩn, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ là ông ngu. Vì không quan tâm đến nhân viên nhiều hơn quan tâm đến cơ sở hạ tầng, cho nên ông Thuật chưa bao giờ hiểu gì về tôi, ông không biết rằng tôi chuẩn bị chuyển đến một nơi mà tôi biết trước là thu nhập của tôi sẽ giảm đi một nửa, chẳng ai muốn chuyển đến đó cả.
       Đúng vào ngày Cá tháng Tư năm 2010, tôi chuyển đến bệnh viện Y Học Cổ Truyền tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi đã nói với các bạn rằng nhiều sự kiện lớn trong cuộc đời tôi xảy ra vào ngày Cá tháng Tư. Người đã tiếp nhận tôi, giám đốc Nguyễn Văn Hùng, là một người đa cảm và mơ mộng. Ông có thể làm thơ để tặng bạn bè, có thể bỏ thời gian gửi email cho tôi để gửi tặng những tác phẩm “kỹ xảo vi tính” khi tôi bày tỏ lòng thán phục về khả năng tin học của ông. Con đường công danh sự nghiệp của ông cũng có vẻ “mơ mộng nên thơ” như con người của ông vậy. Lúc tôi đến làm nhân viên cho bệnh viện Y Học Cổ Truyền thì ông đã có hai mươi năm liên tục làm giám đốc bệnh viện này, các bằng khen, cờ thi đua của bệnh viện xếp đầy nóc tủ vì chật không đủ chỗ mà treo hết. Một cán bộ tổ chức lâu năm của Sở Y Tế trong lúc trò chuyện với tôi đã nhận xét về các “sếp” của tôi đại ý rằng: Ông Thuật thì lo được về tài chính nhưng không chú trọng tới chuyên môn, còn ông Hùng thì chu đáo về chuyên môn nhưng không năng động trong vấn đề kinh tế nên đời sống nhân viên nhiều khó khăn. Nhận xét này tôi được nghe từ lúc còn đang làm thủ tục chuyển công tác, nhưng khi đã “nằm vùng” trong bệnh viện Y Học Cổ Truyền thì tôi thấy nhận xét đó sai bét. Ông Thuật không đủ sức quản việc chuyên môn thì đã có những người khác, cụ thể ở bệnh viện Phúc Yên là những người trực tiếp làm công việc chuyên môn, luôn cố gắng giữ gìn vớt vát chút lòng tự trọng nghề nghiệp còn lại. Ở bệnh viện Phúc Yên có nhiều đồng nghiệp được tôi tin cậy. Còn ở bệnh viện Y Học Cổ Truyền tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động chuyên môn ở đây làm tôi kinh hoàng. Tân dược bị lạm dụng bừa bãi mà các “quan trên” không thể nhìn thấy, đơn giản bởi vì… có công khai vào trong bệnh án đâu mà thấy. Thuốc lấy từ ngoài bệnh viện, nên những khoản tài chính thu chi liên quan đến nó không cần thiết khai và không được khai với bệnh viện. Còn tất nhiên có xảy ra hậu quả gì thì… bấy giờ hãy tính. Đang “ở bầu” chuyển sang “ở ống”, tôi phải đầu hàng nhanh chóng để có thể thích nghi, vì toàn bệnh viện này có lối “sinh hoạt” như vậy. “Đói ăn vụng, túng làm càn”, lương của một điều dưỡng mới ở đây không hơn gì nơi khác, chỉ đủ đổ xăng và ăn sáng, nên họ không có động cơ để chống lại những điều mà ai cũng biết là không đúng. Bệnh viện không lo được thu nhập thêm cho nhân viên, khoa đứng ra lo điều đó cũng vẫn là “tập thể”. Chị em nói với tôi rằng khoa nào cũng “chăm sóc” các sếp cả. Ông Hùng có biết sự thật về “sinh hoạt chuyên môn” trong bệnh viện không thì tôi không hỏi, vì một người ưa giảng đạo đức như ông có lẽ không muốn đối diện với những sự thật như vậy. Nhân viên thường gọi giám đốc Hùng là “cụ Ké”, vì dáng vẻ phong cách của ông hao hao giống Bác Hồ. Khi mới đến gặp ông, tôi cũng được ông nhắc nhở đến tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, và thời điểm ấy có vẻ như ông đã thành công trong việc khiến tôi nghĩ rằng cả đời ông phấn đấu học tập theo tấm gương của Hồ Chủ Tịch vĩ đại. Một người trong Hội Đông Y, mà văn phòng thường trực lúc đó nằm trong bệnh viện Y Học Cổ Truyền, nói với tôi: “Chú Hùng giàu tình cảm nhưng không thực tế”. Tôi không nghĩ vậy, vì nếu không thực tế thì cái ghế giám đốc của ông không đến nỗi chẳng thể ai thay trước khi ông về hưu, chỉ là cách ứng biến với thực tế của ông khác người khác mà thôi. Dù các bạn đồng nghiệp ở bệnh viện Y Học Cổ Truyền tỉnh Vĩnh Phúc có tốt xấu thế nào đi nữa, khi tôi sống và làm việc cùng họ tôi cũng đã trở thành giống họ.
       Đầu năm 2011, vừa nghỉ Tết xong, tôi đến cơ quan xin nghỉ việc với lý do “không còn có điều kiện để làm việc như một viên chức”. Giám đốc vẫn ân cần như trong mọi trường hợp, khuyên tôi với lời khuyên của những bậc cha chú mà kẻ hậu sinh nên nghe. Tôi kiên nhẫn nghe giám đốc một cách lễ phép rồi về viết đơn theo hướng dẫn của trưởng phòng tổ chức. Giám đốc Hùng nghĩ tôi là người “không được bình thường”, nhưng những người “bình thường” như ông làm cho tôi ngao ngán. Vậy là vừa kịp học hỏi xong với “tấm gương sáng” của giám đốc Hùng thì vừa lúc tôi phải ra đi vì những mơ ước “không bình thường” của tôi.
       “Trốn đời” trong bệnh viện đã quen, ra môi trường tự do thấy mình như con nai rừng đột nhiên ra phố. Cuộc “giải ngố cấp tốc” diễn ra trong nửa năm, thuận thế đẩy đưa, tôi vào miền Nam sau khi tìm kiếm được vài thông tin trên mạng internet. Cuộc sống chốn đô thành chưa bao giờ quyến rũ được tôi, cho nên tôi chọn điểm dừng chân mới ở huyện Cẩm Mỹ xinh đẹp của tỉnh Đồng Nai. Không muốn “ngựa quen đường cũ”, nhưng do nhiều áp lực mà tôi lại tiếp tục “trốn” vào trong bệnh viện huyện Cẩm Mỹ. Tôi vẫn nhớ bài học của các cô điều dưỡng trẻ bệnh viện Phúc Yên, cho thiên hạ thấy mình là người tử tế để dễ kiếm tấm chồng. Tôi không định kiếm chồng, nhưng lúc đó tôi vẫn có nhu cầu làm cho thiên hạ tưởng tôi là người tử tế.
       Đồng Nai là một vùng đất của đạo Thiên Chúa với các giáo xứ nối tiếp nhau liên tục không hề đứt đoạn. Không biết có phải do chịu ảnh hưởng của điều đó không mà người dân đến với bệnh viện Cẩm Mỹ giống như thể đến nhà thờ, có khi còn hơn thế. Số bệnh nhân đến với bệnh viện tăng phụ thuộc nhiều vào số thẻ bảo hiểm y tế được cấp tăng thêm hàng năm. Bệnh nhân ở đây đa số là nông dân nên họ không khó tính như các bệnh nhân hưu trí ở bệnh viện Phúc Yên, còn các bác sĩ cũng nhiệt tình hơn. Nhiều người dân có bảo hiểm y tế đã dùng thuốc như thức ăn thường ngày của họ. Nếu thường trực bảo hiểm y tế tại bệnh viện Phúc Yên đã khống chế không cho các bác sĩ kê quá ba đơn thuốc ngoại trú liên tục cho một bệnh nhân (không tính những trường hợp đơn thuốc điều trị bệnh nội tiết như tiểu đường), thì ở bệnh viện Cẩm Mỹ các bác sĩ vẫn được vô tư chưa phải lo nghĩ về điều đó. Rất nhiều bệnh nhân cứ “đến hẹn lại lên”, có những người chăm chỉ uống thuốc hai năm liên tục không bỏ sót ngày nào, cho những bệnh kiểu như đau xương khớp hay đau dạ dày, với những thuốc đông y chế phẩm dùng tiện lợi như thuốc tây và được tin rằng dùng liên tục không có hại. Họ đến bệnh viện chăm chỉ như đi lễ nhà thờ và uống thuốc đều như đọc kinh cầu nguyện. Thật đáng kinh ngạc! Nhưng bệnh viện Cẩm Mỹ thích điều ấy và họ luôn muốn càng ngày càng có nhiều bệnh nhân hơn. “Lương tâm không bằng lương tháng”. Họ cười đùa với nhau như thế khi cùng ăn trưa ở căng tin, trong lòng họ tin rằng câu đó chỉ đúng với đồng nghiệp ở các bệnh viện khác chứ không phải là đúng với họ. Niềm tin ngây thơ của họ có chút lý do. Ở bệnh viện Cẩm Mỹ tôi có vài cuộc đối thoại còn dang dở, và sau đây là đoạn tiếp nối của một trong những đối thoại đó.
       (Với anh Lưu Văn Tường, giám đốc bệnh viện Cẩm Mỹ): Một lần ăn sáng hay uống cà phê gì đó, anh với tôi đã cùng cười anh Hậu - người chăm cây cắt cỏ trong bệnh viện - là một người thiếu tinh tế, vì anh ấy thật ra chẳng hiểu biết gì mấy về công việc của mình. Do tôi mở đầu câu chuyện bằng việc hỏi anh về cái tên của một loài cây rất đẹp vẫn nở hoa đỏ trong bệnh viện chúng ta. Tôi đã hỏi anh Hậu nhưng anh ấy không biết, anh ấy bảo: “Hỏi ông Tường ấy!” Trong mắt anh Hậu thì ông Tường giám đốc là người biết tất tần tật, kể cả tên một cái cây. Nhưng anh đừng vội tưởng bở nhé! Anh Hậu, “giám đốc cây cỏ” kiêm “giám đốc nhà xác”, là một người rất tinh vi. Anh ấy chẳng nói xấu về anh với bất cứ ai bao giờ vì không có lợi gì cho anh ấy cả, không những thế, anh ấy tô vẽ anh lên tận mây xanh, rồi sau đó làm cho người ta hiểu rằng anh ấy là tay chân thân tín của anh. Tôi thì không có cái chức giám đốc như anh, nhưng được anh ấy vẽ ra thành một người tuyệt vời thông minh học nhiều biết rộng, rồi anh ấy làm cho người ta hiểu rằng tôi là… “em út” của anh ấy. Một lần ngồi uống nước với anh Hậu ở quán cà phê, tôi chứng kiến anh ấy làm cho người ta tưởng rằng anh ấy là… cán bộ huyện. Một người cắt cỏ mà đã thích những ánh hào quang giả dối, đã tu luyện đủ những loại thủ đoạn tinh vi để “tung hỏa mù” làm cho mọi người lẫn lộn hết mọi thứ, kể cả hiểu nhầm lẫn nhau… Đó là do đâu? Chính là do anh. Anh sống trong ánh hào quang giả dối đã quen, nhiều người tưởng đó là hào quang thật, anh cũng mặc kệ cho người ta tưởng thật, lâu rồi anh cũng tin nó là thật luôn. Cứ như thế, anh đã trở thành một thứ người phù du lơ lửng, chân không chạm tới đất, tay không với tới trời, hay theo cách dùng từ của dân gian là “ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng”. Thực tế giám đốc bệnh viện công hiện nay là cái gì? Chỉ là một sản phẩm quái thai của cơ chế quản lý y tế. Anh không có đủ quyền, nhưng anh lại phải chịu trách nhiệm. Vì anh nhận chịu trách nhiệm nên anh phải làm cho người ta sợ quyền lực của anh. Khi người ta miễn cưỡng phục tùng quyền lực của anh, anh lại vỗ về người ta bằng những lời mị dân về dân chủ. Tất nhiên người ta sẽ nghĩ anh là một người kiêu ngạo, vì sự thật là như vậy. Anh có tài nhưng vô dụng, thời gian của anh dùng để họp hành, ký giấy tờ, đọc sách về kinh tế (những cuốn sách sắp lỗi thời) để chèo chống cái “doanh nghiệp bệnh viện”… Con người anh không thể hiện một sự sáng tạo nào, hoàn toàn mới chỉ là bắt chước, vậy chẳng phải “khỉ trong rạp xiếc” hay sao? Nếu thế hệ trẻ lại tiếp tục bắt chước anh, thì sẽ nhân ra rất nhiều “đàn khỉ”. Mà những “đàn khỉ” này bắt chước người ta làm động tác gì? Thực hiện tư thế “trồng cây chuối”. Diễn tả hành động cụ thể là cắm đầu xuống đất chổng chân lên trời. Bàn thờ thần tài nhà anh đặt ở đâu? Ai đã vào hoặc chưa vào nhà anh đều biết bàn thờ thần tài nhà anh được đặt dưới đất, vì dân gian người ta đều làm vậy cả, chẳng ai dám đưa thần tài lên cao mà vái lạy. Sự thật thì người ta đội thần tài lên đầu mà thờ từ lâu rồi, nhưng thần tài lại luôn ở dưới đất, cho nên thiên hạ mới phải “trồng cây chuối”. Đó là hình ảnh của gã Tây Độc Âu Dương Phong trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, học phải kinh giả nên kinh mạch vận ngược, quyền chưởng cũng múa ngược, tuy có dọa dẫm được nhiều kẻ, nhưng nhìn cũng không giống người. Do đâu mà anh và những người như anh tiếp tục sống như vậy? Chính là do tôi. Những người như tôi lại ủng hộ vai diễn của những người như anh, khi anh “trồng cây chuối” thì tôi cũng theo anh “trồng cây chuối” chứ tôi không “phá đám”. Một lần anh đang chủ trì giao ban, anh Hậu cắt cỏ xộc vào đưa cái thiếp mời cưới ai đó gửi anh, cử chỉ rất suồng sã như trong quán cà phê. Sau đó tôi đã nhắc nhở anh Hậu rằng anh ấy không nên có những cử chỉ “cá mè một lứa” với giám đốc trước mặt đông đảo nhân viên như vậy, anh ấy giật mình vì thủ đoạn xã giao này anh ấy chưa tu xong. Thật ra người sai không phải là anh Hậu. Nếu tôi nhắc đúng người đúng lỗi thì tôi phải nhắc anh. Vai diễn “người truyền giảng đạo đức” của anh trước những nhân viên của bệnh viện rất là lố bịch, cứ thế lâu ngày thì họ chỉ dự giao ban vì sợ bị cắt lương tăng thêm thôi. Tại anh đã bắt chước theo những kẻ lố bịch nên mới thành ra vậy, rồi tôi cũng phải lố bịch theo anh, vì “ăn cây nào rào cây ấy”. Sự thật trong lòng tôi, anh cũng ngang hàng với chị Mai hộ lý, anh Tuấn bảo vệ, anh Hậu cắt cỏ, cậu Trúc thợ điện, anh Tướng chị Hằng trông xe…, nhưng tại cái hào quang giả dối của anh mà trước mặt anh tôi phải “diễn” nhiều quá. Khi anh hỏi tôi rằng nếu tôi là giám đốc thì tôi sẽ làm gì, tôi đã trả lời anh rằng tôi không có ý định sẽ trở thành giám đốc. Lúc đó đang trong phòng cấp cứu của bệnh viện, trước mặt nhân viên khác, tôi chỉ trả lời đến đấy thôi, tôi giữ thể diện cho anh chính là giữ cho tôi. Hôm nay tôi nói tiếp: Tấm gương của anh chỉ để tôi học những gì cần tránh, tôi không muốn bắt chước theo anh. Với một giám đốc mê tín như anh, lái xe được lệnh thắp hương cúng cái ô tô cấp cứu, bác sĩ sẵn lòng làm nhiệm vụ dâng lên thần linh cai quản bệnh viện “những con gà khỏa thân trong đêm ba mươi”… Trong bệnh viện Cẩm Mỹ có những người sợ ma nhất thế giới. Con ma Văn Hóa Phong Bì chưa kịp xâm chiếm bệnh viện Cẩm Mỹ, vì con ma Ảo Tưởng Mình Trong Sạch vẫn đang dụ dỗ các nhân viên bằng những luận điệu ngọt ngào. Trong môi trường y tế cũng như môi trường xã hội hiện nay, giá trị con người thường được tính bằng danh lợi, kể cả bệnh nhân cũng như thầy thuốc. Cho nên anh tưởng rằng cứ quản lý tài chính cho thật chặt chẽ là sẽ quản lý được con người. Bệnh viện Cẩm Mỹ trước sau cũng có chung một khuôn mặt với các bệnh viện khác, bởi vì anh là người luôn muốn giữ an toàn, anh giống như chiếc xe sợ bị mất cắp đã tự mình khóa cổ. Hãy nghe lời tâm sự từ một đồng nghiệp của chúng ta, bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng, một chuyên gia phẫu thuật thần kinh ở bệnh viện E đang chờ về hưu: “Năm 1985 tức sau một năm công tác tôi tự nhủ: Cái tốt không còn đất để tồn tại. Năm 1988 tôi tự khẳng định: Cái đúng cũng chẳng có đất để sống”. Nhiều người không hiểu tại sao tôi dành thời gian để nói với anh những lời này và tại đây, vì họ không biết anh đã mở lời với tôi, rằng tôi hãy đem những hiểu biết của tôi về Tâm Linh để giúp cho bệnh viện. Với ngành học của chúng tôi, “Tâm Linh là linh nhận sự thật từ cõi lòng sâu thẳm của con người”*. Hôm nay tôi để mở công khai những sự thật trong lòng tôi, khi tôi nói với anh, cả bệnh viện Cẩm Mỹ sẽ cùng nghe thấy. Tôi vẫn còn mắc nợ những người ở bệnh viện Cẩm Mỹ cả tình nghĩa và tiền bạc, cuộc đối thoại này có lẽ còn tiếp tục trong những hoàn cảnh khác. Tôi đã hạ bản thân mình xuống cho đúng với thân phận của tôi, tôi đã rời bệnh viện Cẩm Mỹ sau khi cho mọi người biết sự thật tôi là một kẻ chẳng ra gì. Anh không cần lo là tôi đánh đồng anh với tôi. Cả bệnh viện biết tôi chơi với những người như chị Mai hộ lý, anh Hậu cắt cỏ, anh Tuấn bảo vệ…, chứ chưa hề có ai biết tôi chơi với anh Tường giám đốc cả. Đó là Sự Khác Biệt giữa chúng ta. Cái cây mà anh Hậu không biết tên, anh nói hình như nó là cây Ô-sa-ka Đỏ. Tôi sẽ gọi theo anh như thế. Khi nhớ đến những người ở bệnh viện Cẩm Mỹ, tôi mong rằng họ sẽ có tương lai tươi sáng như những cây Ô-sa-ka Đỏ đơm hoa.
       …
       (Trở lại với các khán giả bạn đọc): Thượng Đế đã tạo ra những chuyện rắc rối để dắt tôi ra khỏi bệnh viện Cẩm Mỹ vào giữa tháng 8-2012. Trên một đường phố ở Phnômpênh, một tên cướp đã giật chiếc túi xách tay của tôi kèm theo tất cả những giấy tờ tùy thân, những đồng tiền ít ỏi cuối cùng còn lại, những tấm thẻ ATM mà trong tài khoản luôn trống rỗng… Trong những vật tôi mất có chiếc túi da và chiếc ví da màu nâu mà Lê Nơ nhiệt tình mua hộ tôi ở Tanzania, đất nước có nhiều kim cương và đá quý. Nàng đã từng luôn tin tưởng tôi trong việc làm trung gian tài chính. Tất nhiên nàng không vui khi tôi đưa tiền cho những kẻ lừa đảo và cướp giật, nhưng rồi nàng sẽ nhớ ra là trên thực tế nàng tốn tiền vào những việc có vẻ ngớ ngẩn không kém, song tôi chưa bao giờ chê trách nàng về điều đó. Trong quá trình thế giới được làm phẳng, mỗi chúng ta đều trở nên giống như một “thầy bói mù” trước “con voi” thế giới có quá nhiều chi tiết và biến hình nhanh chóng. Nếu chúng ta không may mắn thì có thể bị “dẫm bẹp” trong khi còn mải tranh luận về chuyện “con voi” có hình gì, và những người đồng chí có thể phản chúng ta. Nếu chúng ta may mắn, thuận lợi có thể đến với chúng ta bắt đầu từ những kẻ lừa đảo và cướp giật. Nếu các bạn có lúc nào đấy mất sạch tiền bạc và giấy tờ, các bạn hẳn nhận ra giá trị con người chúng ta không hề phụ thuộc vào những thứ đó. Sự kiện này giúp tôi “về không” một cách triệt để, tôi đã trở thành một con người mới, vui vẻ và nhẹ nhõm. Thượng Đế đã đặt tôi vào tay những người tốt bụng, giúp tôi ý thức được rằng tôi không cần lo lắng quá nhiều về tiền bạc, và tôi có thể dành thời gian để làm những việc khác có ích hơn.
       Các bạn hỏi tôi sẽ làm gì để thực hiện những ước mơ “không bình thường” của tôi? “Làm gì? Không có gì để làm cả! Không có gì để làm vì không có vấn đề thêm một cái làm khác vào vô số cái làm đã đày đọa chúng ta… Trước tất cả mọi câu hỏi “làm gì?”, ưu tiên và nền tảng phải là thắc mắc “làm người”. Anh bạn Trẻ Trâu mới nhắc lại với chúng ta những lời ấy trong một bài viết của giáo sư Đăng Trúc*. Tôi chỉ có ước mơ được sống làm người bình thường, “trồng cây chuối” mãi tôi đã mỏi mệt lắm rồi.
       …
       Sau khi về Thái Nguyên làm lại hộ chiếu, chứng minh thư và vài thứ giấy tờ lặt vặt khác, tôi quay trở vào phía Nam để làm một việc thiết thực trong đời tôi, đó là… đi chơi. Khi tôi đang ở Cẩm Mỹ, những người anh con bác tôi ở Tây Nguyên gọi điện nhắn tôi lên đó chơi, nhưng tôi không có đủ thời gian để làm một chuyến đi như thế. Còn bây giờ với tôi ngày dài tháng rộng, tôi đã trở thành “tỷ phú thời gian”, và tôi thích thú được làm vui lòng những người họ hàng mà tôi chưa bao giờ gặp mặt. Chiếc xe khách sau những chặng đường ì ạch trên đường 14, khi qua thị xã Gia Nghĩa một đoạn đã thả tôi xuống ngã ba Đồi Thông lúc quá 12h đêm, dựa vào hai chiếc đèn xi nhan nhấp nháy của những người ra đón tôi làm tín hiệu. Trời tối mò nên mấy anh em chúng tôi chẳng nhìn được rõ mặt nhau, chỉ nghe được tiếng nói. Họ phải đi hai người hai xe để đón tôi, vì tôi nói tôi mang nhiều hành lý, tôi đã chuẩn bị cho một chuyến đi dài. Trên con đường đất gập ghềnh lắt léo nhưng họ phóng với tốc độ mà tôi phải để ý để không bị rớt ra khỏi xe, và họ đi cách nhau một quãng rất xa để xe trước không quạt bụi vào xe sau. Cứ như thế khoảng chục cây số thì đến nơi. Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi thấy mình đang ở giữa một vùng đất đỏ, xung quanh tôi là những trụ tiêu và những cây cà phê.
       “Học bao nhiêu năm mà bây giờ lại bỏ sao? Phí quá!” Câu thắc mắc quen thuộc tôi nghe được từ những cô điều dưỡng ở bệnh viện Phúc Yên cũng như nhiều người khác, giờ tôi tiếp tục nghe lại từ các anh chị tôi ở Đắc Nông, những người nông dân chưa từng học hết chương trình phổ thông. Bằng bác sĩ của tôi được xem như một cái “cần câu cơm” quý giá. Qua thái độ của tuyệt đại đa số những người xung quanh tôi, một lần nữa tôi phải nhìn lại sự thật là mọi người trong xã hội này đang coi việc học chỉ là để kiếm tiền. “Miếng cơm manh áo” chính là tương lai cũng như đã là quá khứ và đang là hiện tại của người dân. Nếu tôi thờ ơ với điều đó thì rõ ràng tôi là “người ngoài hành tinh”, như cách nói của chị Dương, một trong số các anh chị ở đây. “Nhưng em chán làm bác sĩ rồi, bây giờ em thích làm nông dân, như thế không được à?” Họ cười ồ lên: “Tất nhiên là được, nhưng mà… phí”. Thật ra họ cười còn vì chuyện khác, thân xác “mèo con” của tôi khiến họ phì cười khi nghĩ đến chuyện tôi làm nông dân. Tuy nhiên sau vài buổi thu hoạch bắp, họ kết luận rằng dòng máu nông dân vẫn còn chảy trong huyết quản của tôi, và họ tin ý định làm nông dân của tôi là thật.
       Bố của họ là anh trai của mẹ tôi. Bác tôi dẫn sáu người con còn nhỏ vào Đồng Nai xây dựng kinh tế mới, người con cả để lại Lạng Sơn. Lạng Sơn vừa là quê nội vừa là quê ngoại của tôi, có rất nhiều người từ đây đã lên đường vào Nam vì mưu sinh, và không ai muốn quay trở lại. Bác tôi mất đã lâu, một người con gái vẫn làm ăn sinh sống ở Đồng Nai, năm người còn lại tiếp tục chuyển đến Đắc Nông rồi dừng chân, tên của họ theo thứ tự lần lượt là: Pi, Nghiếng, Dương, Dung, Dinh. Chị Dương là người phụ nữ duy nhất trong số đó, nhưng được xem là người làm ăn giỏi nhất. Dung, Dinh là hai anh đã ra đón tôi giữa đêm, tên của họ thường được mọi người gọi ghép với nhau chứ không ghép với tên các chị dâu của tôi như trong những trường hợp khác. Tôi ở cùng gia đình anh Dung. Anh Nghiếng độc thân cũng ở trong gia đình này. Anh Nghiếng năm nay đã năm mươi tuổi, ốm yếu nhất và khó tính nhất. Nhà hai anh Dung, Dinh gần nhau như nhà trên nhà dưới, mỗi nhà có hai đứa trẻ cộng lại là bốn đứa, đứa lớn nhất mười một tuổi, đứa bé nhất bẩy tuổi. Tôi hầu như không nhớ tên khai sinh của bọn trẻ, vì bọn chúng được gọi bằng những cái tên ngộ nghĩnh hơn: Bé, Cò, Pọ Pú, Pọ Dừa. Gia đình anh Pi và gia đình chị Dương thì cách đó vài cây số, nhưng vẫn trong cùng huyện Tuy Đức.
       Ở với các anh chị chưa kịp ấm chỗ, tôi đã nhận được những cuộc điện thoại nheo nhéo gọi tới từ Ayun Pa. Phương đã phải lặp đi lặp lại cái tên thị xã này ở Gia Lai qua điện thoại theo yêu cầu của tôi, nhưng khi viết đến nó, tôi vẫn phải nhờ “bác Gúc-Gồ” nhắc lại lần nữa. Ngay lúc tôi còn đang trên đường từ Bắc vào, Phương đã thông báo cho tôi biết cậu ta đang ở Gia Lai và nằng nặc đòi tôi xuống ngang đường để qua chỗ cậu ấy trước, nhưng tôi đã không làm thế. Có chuyện gì đó mà cậu ta giục giã tôi có vẻ rất sốt ruột, cậu ta ra sức tả cảnh đẹp và những gì nên thơ nhất, rồi cố gắng làm cho tôi hiểu rằng chủ nhà nơi cậu ta đang làm khách là một người “chân tu”. Tôi không hứng thú với việc rời khỏi chỗ các anh chị tôi một cách ngang xương như thế khi mà mấy anh chị em mới được biết nhau lần đầu. Tôi đưa ra cho Phương vài điều mà tôi e ngại, thế là anh Châu, người mà Phương nhắc đến, nói chuyện với tôi qua máy điện thoại của Phương, và tôi nói với anh là tôi sẽ đến thăm. Phương và anh Châu đều là những học trò của Thầy Đáng.
       Gia đình Phương là một gia đình đặc biệt trong đại gia đình ngành Nhân Điện, họ có mối quan hệ với tôi rất gần gũi. Ở đây tôi chỉ giới thiệu với các bạn vài nét dễ nhận thấy nhất ở nhân vật này: dáng người của Phương cao lênh khênh, tóc cậu ta để một số nhánh dài xuống quá vai, cậu ta hay vuốt tóc làm duyên như con gái và hay văng tục như con trai. Mặc dù học viên Nhân Điện là những người rất nhanh thay đổi, nhưng từ ngày tôi gặp cậu ta cách đây sáu năm đến giờ, Phương vẫn còn để tóc dài và vẫn chưa thôi nói tục, lý do chính theo như tôi đoán là vì nhiều bậc phụ huynh ghét kiểu cách ấy, mà cái gì người ta càng ghét thì Phương càng thích ném vào mặt họ… Tuy có vẻ ngang ngược như thế, nhưng Phương là một trong những người thánh thiện nhất mà tôi từng gặp trên Trái Đất, cậu ấy mang linh hồn của một thiên sứ.
       Phương đã nhất quyết gọi tôi, vậy là tôi sẽ lên đường để xem điều gì đang đợi ở Ayun Pa. Hai anh Dung, Dinh đang ở trên núi để đẵn những cây cổ thụ quý cho một cơ quan nào đó thuộc quân đội, nghe nói lấy gỗ để làm tượng. Gia đình chị Dương vừa thu hoạch ngô xong, tôi liền nhờ chị đưa tôi ra đường 14 để bắt xe về Gia Lai. Chị Dương đưa tôi vào chợ để ăn sáng, trong lúc ăn, chị tranh thủ tìm hiểu xem tôi phải đi có việc gì, vì tôi nói đi có việc khoảng một tuần sẽ quay lại. “Việc của em chị chẳng hiểu được đâu”. Câu nói này của tôi có vẻ đã làm chị Dương nóng mặt, chị tuôn ra một tràng: “Nếu dì không nói thì làm sao mà chị hiểu được! Chị xưa nay chưa được ở cùng dì bao giờ, chị em quan tâm đến nhau thì có gì là sai?...” Rõ ràng là chị Dương đang cố tình gây áp lực cho tôi, chị là người rất sắc sảo trong lời ăn tiếng nói cũng như trong mọi vấn đề. Các anh chị tôi đã được nghe tin tức từ Lạng Sơn, rằng tôi đang dùng một môn gì đó rất kỳ bí, mà họ là những người nông dân đã tin theo khoa học. Anh Nghiếng cho rằng chính môn học kỳ lạ này làm cho tôi trở thành người không bình thường. Họ đã nói những điều này sau lưng tôi, vì tôi chưa hề đem chuyện ngành học của Thầy Đáng ra nói với họ. “Em biết là chị rất thông minh. Nhưng công việc của em mà đem nói ra thì dù người thông minh hiểu biết đến mấy cũng không thể hiểu được. Nếu chị muốn biết thì chị cứ đi luôn cùng em!” Chị Dương ngó sững tôi trong vài giây để chắc chắn là tôi nói thật, rồi hỏi: “Mấy ngày?” “Tùy theo như chị thu xếp được”. Chị đáp quả quyết: “Chị có ba ngày”. Thế là chị em tôi vào chợ để mua thêm quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng cho chị Dương. Thay vì một mình tôi đi ô tô như dự định, hai chị em cưỡi mô tô đi Ayun Pa, sau mới biết quãng đường thực là trên ba trăm năm mươi cây số. Chúng tôi không dám phóng nhanh trên đường 14, một con đường mà cứ thỉnh thoảng người ta lại gặp một chiếc xe tải bị lật phơi “bốn vó”, nên mãi đến xế chiều chúng tôi mới đến nơi.
       Anh Châu ra tận đường 14 để đón tôi. Tôi không báo trước cho anh “tình huống phát sinh”, nhưng sự bối rối ngần ngại của anh không giống phong cách của người Nhân Điện. Mà nhìn anh cũng lạ thật: anh mặc quần áo giản dị như người thường, để tóc bình thường và thậm chí còn hơi dài, nhưng tay anh liên tục lần tràng hạt, một chuỗi hạt ngắn anh mang trên tay phải. Tôi đã nghe Phương nói anh Châu theo đạo Phật, nhưng những gì tôi chứng kiến là nằm ngoài mọi sự hình dung của tôi. May sao, chị Dương tôi lại có tinh thần giống những người Nhân Điện, sự tự nhiên quyết đoán của chị đẩy lùi mọi ngần ngại của anh “thầy chùa tại gia”, nên cuối cùng chúng tôi cũng đến được chỗ mà anh dùng làm nơi tu tập, nơi Phương đang dài cổ đợi tôi, cậu ta đã liên tục gọi điện suốt dọc đường chị em tôi đi, nhưng tôi không biết để trả lời máy vì xe đi còn rung hơn cả cái điện thoại.
       Nơi ở của anh Châu, mọi sinh hoạt không khác gì một cái chùa, mặc dù hình thù của cái nhà không giống thế. Anh dùng gian chính giữa để hương đèn thờ Phật, cả Thầy Đáng cũng được anh đưa vào trong đó, và đó cũng là nơi anh ngồi thiền, gõ mõ tụng kinh, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Tôi chỉ nhìn qua cửa chứ không đặt chân vào gian phòng ấy lần nào, mặc dù cánh cửa luôn mở rộng. Tôi chưa từng thấy Phương nhòm ngó gì đến gian phòng ấy, có lẽ vì cậu ta đến trước tôi nên đã hết tò mò. Chỗ thường xuyên của Phương là ở dưới bếp, cậu ta chịu khó và biết việc hơn tôi trong chuyện bếp núc, món trứng rán lá mơ Phương làm cho chúng tôi ăn rất ngon, chị Dương cũng phải tấm tắc khen. Cũng có thể vì Phương đã dồn hết tâm huyết vào món trứng, nó là món ăn duy nhất ở đây có nguồn gốc từ động vật. Anh Châu ăn chay, cả chó mèo của anh cũng ăn chay theo chủ. Con mèo trắng nhỏ gầy gò của anh có thể sánh với mèo của Trạng Quỳnh, nó nhai mì tôm sống và bánh quy rau ráu, nhìn nó đầy “phật tính”, mỗi tội là hơi thiếu sinh khí. Chắc cũng nhờ ăn chay gần nửa tháng rồi mà Phương tăng thêm tính nhẫn nại, cậu ta nói phải chờ tôi đến rồi mới quay lại nhà anh họ ở cách đó vài chục cây số. Lúc bình thường thì Phương thích chứng minh bản lĩnh tu học của cậu ta bằng việc ăn thịt chó và nói tục hơn là ăn chay, mặc dù cậu ta cũng không phải người tham ăn tục uống. Những người trong ngành Nhân Điện hay đến ở với nhau như người nhà, tôi đã từng ở nhà Phương rất nhiều lần khi đến Việt Trì, còn em gái Phương thì từng đến ở với tôi hàng năm trời hồi tôi còn ở Vĩnh Phúc. Người Nhân Điện thích ở với nhau, vì tính thoải mái tự do của họ thường lớn hơn những người ngoài ngành học, và những cuộc “buôn dưa lê” của họ hay dẫn tới nhiều điều kỳ thú. Nhưng ở chỗ anh Châu thì có điểm khác biệt, cả Phương và tôi đều thống nhất với nhau rất nhanh chóng, rằng đây là chỗ của Phật giáo chứ không giống chỗ ở của người Nhân Điện. Anh Châu luôn miệng nhắc nhở chúng tôi việc tu tập. Buổi sáng khi anh hỏi tôi: “Sáng ngủ dậy em đã tập thiền chưa?” Tôi trả lời: “Em không thiền”. Và tôi thấy rõ là câu trả lời của tôi làm anh rất băn khoăn, còn Phương thì tủm tỉm cười. Vợ anh Châu buôn bán phế liệu thành công và tạo mọi điều kiện cho chồng lo việc đạo, nên anh làm một cái nhà trong một cái vườn riêng để làm nơi anh ở và đón tiếp những người tu tập. Anh Châu coi việc chúng tôi đến với anh là cơ hội tốt để anh giáo hóa chúng tôi, những người trẻ tuổi còn nông nổi. Với chị Dương, một người chưa bao giờ biết đến Nhân Điện cũng như không theo đạo Phật, thì anh coi đây là cơ hội để chị được hướng về đường tu. Nhưng tôi đã sơ sơ biết tính chị Dương, nên cố gắng tránh cho chị và anh Châu vài điều không thoải mái. Khi anh Châu gợi ý chị Dương nghe đĩa của nhà Phật và của Nhân Điện, tôi cười nói rằng chúng tôi đến để chơi, để ngắm đất trời Ayun Pa chứ không phải để nghe đĩa. Khi chúng tôi ngồi uống nước nói chuyện phiếm, tinh thần Phật giáo của anh Châu kích thích lòng nhiệt tình của chị Dương, chị phát biểu rằng chị chỉ cần đạo làm người, miễn không làm gì tội lỗi là được. Tôi đá chân chị Dương dưới gầm bàn và cười: “Đấy là theo quan điểm của chị thôi. Còn với nhiều phật tử, việc chị giết một con gà đã là tội lỗi rồi”. Chị Dương thuỗn mặt ra, tôi biết chị không thể nhớ được chị đã giết bao nhiêu con gà trong cuộc đời mình. Còn anh Châu thì được thể nói cho kỹ lưỡng hơn về tội sát sinh…
       Phương đã không hề nói cậu ta gọi tôi đến để làm gì ngoài việc đến chơi, còn tôi cũng không hề hỏi, vì tôi biết việc của người Nhân Điện chỉ toàn việc vặt vãnh chẳng có gì đáng nói. Tuy thế, theo kinh nghiệm của tôi, cuộc sống của chúng ta thường gặp rắc rối vì những chuyện vặt vãnh nhiều hơn là những chuyện lớn lao. Tôi đã phát hiện ra một chuyện vặt khi đến chơi với gia đình anh Đạo, những học viên Nhân Điện đã học với anh Châu. Phương háo hức với chuyến viếng thăm này, cậu sẽ có một bữa ăn mặn sau nhiều ngày chay tịnh. Anh Đạo đến đón tôi cùng chị Dương và Phương đi trước, anh Châu đi sau vì anh bận tụng kinh và tu luyện thiền.
       Mới đầu tôi ngỡ anh Đạo là một bản sao của anh Châu, vì tôi thấy anh cũng lần tràng hạt bằng một chuỗi hạt ngắn y như thế, trong nhà anh cũng thờ Phật và cũng có đĩa của nhà Phật. Nhưng sau tôi nhận ra đó là mới chỉ là vẻ bề ngoài. Vợ chồng anh Đạo gọi anh Châu là “thầy” một cách rất cung kính, mặc dù anh Châu không phải là thầy chùa, vì họ mang ơn anh một cách sâu sắc. Anh Đạo vốn nghiện rượu nặng, nhờ được anh Châu dạy cho môn Nhân Điện mà bỏ được rượu, từ đó gia đình anh yên vui, cho dù sau khi anh bỏ rượu thì anh cũng mất nhiều bạn. Tôi biết nhiều người bỏ thuốc lá, nhiều người cai thuốc phiện, nhưng nghiện rượu nặng mà cai được thì là cả một kỳ tích. Vợ anh Đạo cũng học Nhân Điện cùng anh, chị thu được nhiều kết quả trong việc dùng Nhân Điện chữa bệnh cho mọi người xung quanh, có đồng môn Nhân Điện đến chơi thì chị rất vui. Mâm cơm khách đầy đủ thịt gà thịt lợn cùng nhiều món khác bày lên, mọi người đang hân hoan vui vẻ, anh Đạo bỗng nói: “Thầy Châu mà nhìn thấy thế này thì thầy không vui đâu!” Thấy tôi ngạc nhiên, vợ anh Đạo giải thích rằng thầy Châu khuyên họ ăn chay để bớt mọi tội lỗi, còn trong trường hợp vẫn phải ăn thịt thì không nên tự mình giết mổ gà lợn. Anh Đạo cười ngượng nghịu: “Nhưng lao động chân tay mà ăn chay thì oải lắm cô ạ, thầy dạy thế nhưng mình nhiều khi không thực hiện được”. Tôi buột miệng: “Nếu mình muốn ăn thịt gà nhưng lại chờ người khác thịt để họ chịu tội thay mình thì nghe cũng không lọt tai lắm nhỉ!” Cả nhà cười ồ lên. Vợ anh Đạo khảng khái: “Đúng là nghe không lọt tai chút nào!”
       Vợ chồng anh Đạo có phong cách phóng khoáng như những học viên Nhân Điện tôi thường gặp. Tôi không biết Phương có đúng hay không khi nhận xét rằng họ thờ Phật theo thầy Châu là để được học Nhân Điện. Thầy Đáng vẫn luôn động viên khuyến khích những học viên đến từ các tôn giáo, Thầy tất nhiên không phản đối việc họ học Tâm Linh để giúp cho cộng đoàn tôn giáo của họ sống “tốt đời đẹp đạo”. Nhiều người tin rằng “phép nhiệm màu” của Nhân Điện có thể giúp tôn giáo họ phát triển. Con đường đến với Nhân Điện của các học viên rất khác nhau. Nhiều người có sẵn lòng tin tôn giáo, họ tiếp nhận Nhân Điện với tinh thần tôn giáo và tin Thầy Đáng là Đấng của tôn giáo họ, chỉ là Thầy không nói ra mà thôi. Còn có những người sau khi học Nhân Điện mới bắt đầu tin vào thế giới siêu hình và lại theo một tôn giáo nào đó. Anh Châu, thay vì nhờ Nhân Điện mà bớt khắt khe trong vấn đề tôn giáo, anh lại khoác thêm phương tiện tôn giáo vào cho Nhân Điện. Tôi thấy mình có trách nhiệm giải thích cho vợ chồng anh Đạo rằng Nhân Điện là một ngành học độc lập chứ không phụ thuộc gì vào Phật giáo, và để thực hành Nhân Điện cho tốt thì ăn chay hay ăn mặn không có liên quan gì cả, còn tôi không có ý kiến về các quan niệm trong Phật giáo, vì tôi không phải là phật tử nên rất ít hiểu biết về tôn giáo này. Nghe tôi giải thích, vợ chồng anh Đạo trở nên thoải mái hẳn. Ngoài nghề làm bánh đa, vợ chồng anh còn kiếm sống bằng việc chặt mía thuê, ăn uống kham khổ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, mà không theo lời thầy Châu thì họ rất băn khoăn vì sợ lỗi đạo. Phương cười toe toét. Chị Dương khen các món ăn ngon, trừ một bát nước chấm “cay quá trời đất”. Chúng tôi ăn gần xong thì anh Châu mới tới, có lẽ anh đi sau là để tránh bữa ăn của những người “phàm phu tục tử” như chúng tôi.
       Vì anh Châu dạy Nhân Điện miễn phí nên học viên của anh phải chịu tâm lý mang ơn, họ không dám làm gì trái ý anh. Không những thế, mỗi khi “thầy” gọi đi đâu là “đệ tử” phải lo thu xếp thời gian “tháp tùng” như luật bất thành văn. Lúc đó tôi không thể nói ra sự thật với anh Châu rằng tôi thấy anh đang là người “quyền lực và ích kỷ”, vì anh nóng lòng “hành thiện tích đức” theo lý tưởng của tôn giáo mà anh theo. Có lẽ anh Châu cho việc dạy học Nhân Điện là bố thí chúng sinh theo tinh thần Phật giáo chăng? Nhưng ngành học của Thầy Đáng yêu cầu sự trả giá, đồng thời cũng cho người học viên tự do. Dù vậy, anh Châu và những người như anh đã góp phần truyền bá môn Nhân Điện phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp ấy không hề nhỏ. Khi chia tay, chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn, ánh mắt anh dõi theo chúng tôi với nhiều quyến luyến.
       Sau chuyến đi, chị Dương nói với anh Nghiếng rằng cô em gái của họ là người bình thường, quả thực có một ngành học như thế và nhiều người đã học. Anh Nghiếng vẫn không thay đổi ý kiến, anh còn lo ngại là chị Dương bị “tiêm nhiễm” từ tôi. Sự thật thì chị Dương không phải người nhẹ dạ cũng như dễ bị ảnh hưởng từ người khác. Nhưng chị không trao đổi gì nhiều với anh Nghiếng, vì chị đã biết là không có cách nào nói cho anh Nghiếng hiểu được.
       …
       Ra khỏi thế giới của anh Châu, tôi lọt vào thế giới của vợ chồng chị Dương. Chị Dương vô cùng thán phục Phương về chuyện đã ở được với một người như anh Châu bằng ấy ngày, nên chị nghĩ có lẽ tôi cũng ở được với anh Hon, chồng chị. Giờ tôi đã hiểu tại sao mấy ngày thu hoạch bắp, khi chị Dương bảo tôi ở chơi với chị một tuần thì các anh Dung, Dinh can ngăn với lý do ở đó điện nước không thuận tiện. Một lần anh Tường, anh trai cả của họ từ Lạng Sơn vào Đắc Nông thăm các em, sau khi ở chỗ các anh Dung, Dinh một thời gian thì nảy ra ý định vào trong rẫy chỗ vợ chồng chị Dương ở cho yên tĩnh. Nhưng ngay đêm đầu tiên anh Tường đã khoác túi quay ngược trở ra vì không chịu được khi nghe những lời “mát mẻ” của em rể. Sau này con trai chị Dương cũng nói với tôi: “Bố cháu mà “tỷ đểu” thì không ai giỏi bằng”. Con trai chị thời gian ấy đang nội trú trong trường cấp ba của huyện nên không ở nhà.
       Đối với tôi, nghe những lời “tỷ đểu” là chuyện “nhỏ như con thỏ”, và thích nghi với anh Hon đúng là chuyện dễ như tôi nghĩ. Có thêm tôi, vợ chồng chị Dương hóa ra lại nói chuyện được với nhau dễ hơn. Họ thường khó tạo được cuộc hội thoại tử tế với nhau, và không còn ngủ với nhau đã từ lâu, do chị Dương mất hết cảm xúc với chồng trong chuyện ấy, mà chị là một người bướng bỉnh. Vì không chịu được anh Hon luôn rượu chè và nói nhảm nên chị Dương đã đem con trai duy nhất rời Đồng Nai lên Đắc Nông mua rẫy trồng cà phê. Một thời gian sau anh Hon tìm đến với vợ, họ lại tiếp tục cãi lộn. Một lần anh Hon uống rượu rồi phá chòi, chặt những gốc cà phê mà chị Dương đã bỏ bao công sức trồng và chăm bón. Tức nước vỡ bờ, chị Dương gọi công an đến giải quyết. Không ngờ công an là bài thuốc hiệu nghiệm, anh Hon chỉ tác oai tác quái với vợ chứ trước các nhà chức trách thì anh len lét như rắn mùng năm. Từ đó của cải tài sản không bị hao hụt nhiều vì đập phá, chỉ còn vì nhậu mà thôi. Một tuần anh tỉnh rượu khoảng hai hay ba ngày, đủ để làm những công việc mà đàn bà chân yếu tay mềm không làm nổi, và anh lao động cũng hăng như uống rượu. Đây là cái cớ duy nhất để chị Dương thấy chồng mình vẫn còn cần thiết, họ hợp nhau trong việc tính toán làm ăn. Nhưng ngoài chuyện nhậu ra thì anh Hon giống như thần giữ của, chị Dương cầm tiền nhưng không dám tiêu gì nếu anh Hon không ủng hộ, anh em bạn bè khó mà vay được tiền của họ. Mỗi chuyện đột ngột đi chơi cùng tôi (nhân lúc anh Hon say rượu nhỡ lời mà chị Dương có lý do), chị Dương đã phải phân trần với anh rằng “tiền nong do dì H bao hết”, dù thực tế thì chị em tôi đã “căm-pu-chia” ngẫu hứng. Vợ chồng anh Pi cũng cãi lộn suốt ngày nhưng tính khí hai người ấy đơn giản hơn nhiều, tuy cãi lộn nhưng họ vẫn chung chăn gối. Còn chị Dương và anh Hon đều là những người rất “thâm”, họ quan sát nhau từng ly từng tý, nhất cử nhất động, để đay nghiến nhau bằng ngôn từ. Anh Hon vì sợ công an nên không dám quậy phá quá độ, nhưng anh biết lời nói của anh có thể làm chị Dương căng thẳng, miễn là anh biết giữ đúng ở một giới hạn để chị không có cớ bỏ anh đi được, anh đã phát hiện ra cái ranh giới ấy. Tuy uống rượu triền miên nhưng anh Hon không bao giờ say thật, anh mượn rượu để giữa đêm ngồi nói những chuyện không đầu không cuối mà chỉ có chị Dương mới hiểu, anh biết rõ là chị vẫn nghe chứ chị không ngủ được. Hai giường ở hai buồng nhưng sát vách nhau. Cứ đêm đêm chị Dương chịu đựng như thế, kể cả khi tôi đến ở cùng cũng vậy, khi tôi đến thì có thêm tôi là mục tiêu trong những cuộc “độc thoại” của anh. Chị Dương không nói nhiều như chồng, lời của chị nói với anh luôn giữ lễ đúng mực nhưng giọng nói như có gai độc chứ không ngọt ngào ấm áp như khi chị nói với một người đàn ông khác qua điện thoại, một người bạn tinh thần mà chị cũng giữ mối quan hệ trong vòng lễ giáo. Chị giữ mọi hành xử của mình trong giới hạn của một người có đạo đức gia phong, phục vụ chồng chu đáo việc cơm nước rượu chè không sơ suất. Hai vợ chồng chị làm cho tôi có cảm tưởng là họ nện nhau qua một tấm vải bao, đủ làm cho nhau đau nhưng đối phương không thể chụp lấy chứng cớ rằng họ đã bị tấn công.
       Không ai có thể chê trách hành động cũng như lời nói của chị Dương, cho nên anh Hon luôn bị coi là người có lỗi, một kẻ chẳng ra gì. Đó là kiểu đánh giá thường thấy ở xã hội loài người chúng ta, nhưng điều này tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến thái độ của những con chó mà vợ chồng chị Dương nuôi, chúng yêu quý anh Hon hơn. Chị Dương cho tôi biết hễ anh Hon ở nhà thì chúng ở nhà, còn nếu anh lên rẫy thì chúng cũng theo lên rẫy, mặc dù anh Hon không chăn chó cũng như không hề âu yếm chúng, chưa nói là nếu anh bực mình thì chúng phải tránh ra xa kẻo bị đá. Các bạn có thể cho rằng những con chó này thích hơi đàn ông hơn, nhưng điều đó không đúng, vì từ khi tôi đến thì anh Hon bị “thất sủng”, lũ chó bám lấy tôi chứ không theo anh Hon nữa. Có ba con chó được đặt tên theo màu lông: Đen, Nâu và Vàng. Con Đen khôn và mạnh mẽ nhất, vẻ mặt nó lúc nào cũng tươi tỉnh hớn hở như một kẻ hạnh phúc nhất trên đời, mặc dù niềm vui của nó có thể là nỗi buồn của con chó khác, nếu tôi tung ra trước mặt ba con chó một cục xương thì con Đen sẽ luôn là kẻ chiếm giữ miếng mồi trước vẻ tiu nghỉu cam chịu của hai con chó còn lại. Nó cũng tranh giành tình cảm của tôi khi tôi nô giỡn với chúng. Con Nâu thì dịu dàng và dè dặt hơn. Còn con Vàng có tính nghi ngờ thận trọng, mặc dù nó cũng có vẻ muốn được vỗ về, nhưng nó luôn tránh không cho người chạm tay vào nó. Khi chúng tôi lên rẫy thì con Nâu luôn luôn ở nhà, con Đen và con Vàng đi theo người. Có những khi con Nâu bị bỏ đói, nhưng nó không rời bỏ vị trí, nó cam chịu song cũng có vẻ buồn rầu. Một lần tôi ở nhà rẫy cỏ trong vườn tiêu, ba con chó loanh quanh bên tôi, tôi đã bế con Nâu ôm vào lòng một lúc và hôn lên cái mõm xinh xinh của nó. Từ sau lần ấy con Nâu bỗng thay đổi hẳn, nó vui vẻ nồng nhiệt hơn, bớt hẳn tính dè dặt trước đó. Và có một sự thay đổi kỳ diệu đã xảy ra: Khi tất cả mọi người lên rẫy, con Nâu vẫn trông nhà, nhưng nó không cô đơn nữa, vì con Vàng ở lại cùng nó.
       Cũng như những con chó, tôi không nhận ra anh Hon là người xấu. Anh có những nét dễ thương và giàu tình cảm, có lẽ đó là con người mà chị Dương thương và đồng ý lấy làm chồng, còn phá phách, đay nghiến, keo kiệt là tính cách của những con người khác. Khi chị Dương bực bội vì sự mâu thuẫn không nhất quán của anh Hon, tôi đưa ra ý kiến của tôi rằng chị cần chấp nhận sự thật là chị đang sống cùng vài người khác nhau trong một thân xác anh Hon, do mấy linh hồn này mâu thuẫn với nhau nên anh Hon cũng không sung sướng gì, chị cần phân biệt được để thay đổi thái độ ứng xử cho phù hợp vào từng thời điểm. Nhận xét của tôi làm chị Dương ngẫm nghĩ, vì xưa nay chuyện của ai chị cũng thông, duy nhất chuyện của chị là chị không thông mà thôi. Có lần tôi kiên nhẫn ngồi rót trà và nghe “diễn văn” tràng giang đại hải của anh Hon, cho dù là giữa đêm. Chị Dương vào nằm một mình, nhưng cả hai anh em tôi đều biết là chị không ngủ được. Sáng hôm sau chị Dương cười hỏi: “Anh Hon đã tâm sự chuyện gì?” Tôi trả lời: “Anh ấy nói: “Đời tôi không bằng con chó. Con chó nó còn có cái đuôi”. Cả hai anh chị bò ra cười, vì tôi tường thuật rất chính xác, nhưng tôi đã lắp ghép hai câu ở hai đoạn “diễn văn” khác nhau của anh Hon.
       Trong thời gian ở với vợ chồng chị Dương, tôi còn cứu được con gà trống duy nhất trong đàn gà của chị. Anh Hon có thói quen uống rượu rồi nói lảm nhảm đến khoảng ba giờ sáng mới im. Một đêm khi tất cả chúng tôi đang nằm im lặng thì con gà trống gáy báo sáng. Anh Hon vùng dậy gào lên: “Con gà này láo! Mày gáy linh tinh làm tao không ngủ được. Tao ra tao cắt cổ mày…” Theo kinh nghiệm của chị Dương thì con gà trống đang gặp nguy hiểm. Chị ngồi bật dậy nói át anh Hon một tràng với giọng lanh lảnh: “Anh còn biết nghĩ không? Con gà nó có tội tình gì? Gáy là công việc của nó…” Tôi đã nói với các bạn rằng chị Dương là một người rất sắc sảo, chị ấy mà diễn thuyết thì ngay cả tổng thống Mỹ Obama cũng phải chào thua, và lúc này thì chị đang diễn thuyết về sự đúng đắn của con gà trống. Nhưng chúng tôi đang trong giường ngủ chứ không phải trong hội nghị, nên tôi cảm thấy không khí này không thích hợp cho lắm. Tôi vươn vai ngồi dậy và trách chị Dương: “Chị có bị làm sao không đấy? Tại sao chị không bênh anh Hon mà lại đi bênh con gà?” Chị Dương ngớ người ra và phì cười, không “diễn thuyết” tiếp được nữa. Song tôi cũng không quên rằng chân lý thuộc về con gà, nên tôi bật màn hình điện thoại di động xem giờ cho thật chính xác rồi thông báo rành rọt: “Bây giờ là năm giờ kém mười phút. Con gà gáy rất chuẩn chứ không sai đâu anh Hon ạ!” Nói xong tôi nằm xuống và… ngủ tiếp. Con gà biết điều nên im không dám ho he thêm tiếng nào, anh Hon cũng thôi không đe dọa nó nữa. Những hôm sau chị Dương đem chuyện ấy kể cho mọi người và thêm lần nữa khẳng định: “Dì H đúng là người ngoài hành tinh”.
       Tôi không hề bỏ đi giống anh Tường, mà anh Hon mới là người đòi bỏ đi. Có một linh hồn trong anh lo lắng rằng tôi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chị Dương, mà như thế thì anh có thể không kiểm soát được chị nữa. Anh lên rẫy rồi ở lại luôn trong chòi, vì biết thế nào chị Dương cũng phải theo phục dịch cơm nước cho anh, đó là nguyên tắc của chị. Không còn lý do để ở lại lâu hơn, tôi quay trở ra nhà anh Dung. Sau này khi tôi đã rời Tây Nguyên, thỉnh thoảng anh Hon dùng máy của chị Dương để gọi cho tôi, tôi biết những lúc đó trong anh lại là một linh hồn khác…
       …
       Gia đình anh Dung là một thế giới hòa bình vui vẻ, nó có ảnh hưởng tốt đến gia đình anh Dinh, nhiều khi tôi có cảm giác hai nhà ấy là một. Bốn đứa trẻ nồng nhiệt chào đón tôi trở về. Bọn chúng đã nghe tin cô H ở nhà bác Dương chỉ có lũ chó để chơi cùng, nên thấy như thế rất là phí phạm.
       Bé và Cò là con của anh Dung, còn Pọ Pú và Pọ Dừa là con anh Dinh. Mẹ của Bé và Cò là chị Mai, còn chị Tiền là mẹ của Pọ Pú, Pọ Dừa. Bé và Cò không được khen là thông minh, nhưng cha của chúng thì luôn được mọi người thán phục. Anh Dinh chỉ được mọi người khen ở tài nói hay, nhưng hai đứa con của anh thì ai cũng tin rằng chúng lớn lên sẽ trở thành những người rất giỏi.
       Bé được sinh ra đầu tiên, nhưng mọi người cho rằng Bé không được may mắn. Chị Mai luôn bị chê là vụng về, một lần đi đường chị bị ngã xe, lúc đó chị đang mang thai Bé tháng thứ tám. Rồi Bé được sinh ra tương đối lành lặn về thân thể, nhưng trí tuệ của Bé không phát triển được bình thường như những đứa trẻ khác, và sau này lớn lên cuộc sống của Bé cũng sẽ phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác suốt đời. Bé biết nói biết cười, biết nấu cơm rửa bát, nhưng Bé không học được ở trường nên chỉ ở nhà với mẹ, Bé không tham gia được nhiều trò chơi, khi bị bắt nạt Bé không biết cãi lại. Con mèo là người bạn duy nhất không biệt đối xử với Bé. Nhưng Bé vẫn là đứa trẻ hạnh phúc, vì cha mẹ đã dồn tình yêu thương cho Bé, luôn nói với Bé những lời âu yếm và chăm sóc Bé rất cẩn thận. Còn về phần Bé, Bé có khả năng tỏa niềm vui hạnh phúc của mình cho mọi người xung quanh mà không phải người thông minh bình thường nào cũng làm được như thế. Một lần cả nhà đang ngồi quây quần, nhìn thấy con mèo mướp của Bé đang nằm trên lòng tôi, một con mèo mới lớn mà mắt chưa kịp chuyển màu xanh hẳn, anh Dung trêu Bé: “Chị Bé ơi, bây giờ con mèo yêu cô H chứ không còn yêu chị Bé nữa rồi”. Cha của Bé luôn gọi con gái nhỏ của mình là “chị Bé” như vậy. Bé ngước mắt nhìn tôi, nhìn con mèo, nhưng không nói gì. Sau lần ấy, mỗi khi phát hiện thấy con mèo đang nằm ở đâu đó là Bé lại mang nó về trao cho tôi, mắt Bé lấp lánh niềm vui. Có lẽ Bé tin lời cha của Bé, tin rằng nếu con mèo được tôi bế thì nó sẽ hài lòng hơn. Tôi thì không đủ lý do để tin vào chuyện ấy, nhưng khi chúng tôi không nhìn thấy con mèo và đố nhau tìm thấy nó, thông thường tôi sẽ tìm ra trước, vì tôi biết con mèo có thể nằm ở những đâu. Dù sao tôi cũng có kinh nghiệm về loài mèo hơn Bé.
       Bé có thể đem lại niềm vui cho mọi người, cho cả con mèo của Bé nữa, vì thế tôi không tin rằng Bé không may mắn. Nhưng hầu hết các anh chị tôi đều đổ lỗi cho mẹ của Bé về chuyện cháu của họ sinh ra bị khiếm khuyết, vì sau khi ngã chị bị ra huyết nhưng lúc đó không nói với ai. Họ nghĩ rằng nếu chị đi viện kịp thời thì cái thai đã an toàn. Những lập luận như vậy thật ra không có giá trị thực tế, vì với đường đất ở chỗ họ, chở được một bà bầu động thai ra đến viện thì cũng ngang bằng cho họ ngã thêm lần nữa. Chị Dương và các chị dâu khác còn chê chị Mai lười. Tôi thấy chị Mai suốt ngày lo cơm nước giặt giũ, hái tiêu, cũng không thấy thời gian trống của chị chỗ nào, không hiểu vì lý do gì mà chị bị chê là “lười”. Chị Dương giải thích cho tôi rằng chị Mai không chịu lo lắng tính toán làm ăn, toàn một mình anh Dung lo cả. Có lẽ chị Mai cần bị soi mói trách móc để có sự công bằng, vì không ai phủ nhận chị là người may mắn hạnh phúc nhất trong số các chị của tôi ở đây. Anh Dung thương vợ thương con, hiếm khi nói với vợ một câu nặng lời, khi có khách đến ăn cơm thì đích thân anh vào bếp làm những món ăn mà vợ không đủ trình độ để chế biến. Dù nhà nghèo nhưng anh luôn rộng lòng tiếp đãi những người đến với gia đình anh, bất kể đó là ai. Có những người “không tốt” khi ở với anh cũng thành người hiền lành. Vì thế các anh chị tôi nhiều lúc gọi đùa anh là Tống Công Minh để so sánh sự rộng rãi của anh với một nhân vật trong “Thủy Hử”. Chị Mai không khéo ăn nói, nhưng nếu anh Dung ở với một người phụ nữ khác, chưa chắc anh đã được tự do thoải mái mà làm “Tống Công Minh”. Khi chị Mai tâm sự với tôi về chuyện chị bị chê “lười”, tôi phì cười bảo chị không cần băn khoăn về điều ấy, vì “chăm” như mấy chị khác thì cũng đâu có kết quả tốt đẹp, cứ yên tâm mà sống vẫn hơn. Khi nhận xét này của tôi được đưa ra cho chị Dương, chị Dương rất ngạc nhiên nhưng không phủ nhận là lời tôi nói có thực tế. Cả hai vợ chồng anh Pi đều giỏi và chăm chỉ, nhưng chỉ cần nghe hai người ấy cãi nhau thôi là ai cũng thấy mệt, không ở trong cuộc mà còn muốn “đứt hơi”. Nếu không phải anh em cần giúp nhau công việc thì mọi người ngại đến nhà anh chị, vì chị cứ nhè lúc có khách để kể tội chồng, mỗi sự “khoản đãi” đó của chị là rộng rãi, khách nghe mỏi tai vẫn chưa thôi. Chị cũng biết thế là không hay nhưng “tức không chịu được”. Chị Tiền vợ anh Dinh tuy làm ăn rất giỏi, nhưng đã có lúc khăn gói bỏ về nhà mẹ đẻ, vì anh Dinh không nói hay lúc “tâm sự” với vợ, mà anh rất cục tính. Xem ra cái sự “chăm” và “giỏi” của các chị không hề tỷ lệ thuận với hạnh phúc.
       Anh Dung, anh Dinh cùng hai người đàn ông nữa sau chuyến lên núi đẵn gỗ quý trở về không thu hoạch được gì nhiều nhặn. Có ba cây gỗ cần được hạ nhưng rồi họ chỉ đẵn một cây. Cây cổ thụ rất to mà người ta yêu cầu đẵn ở phần rễ của nó, rất kỳ công, nhưng tiền trả không bõ sức. Họ đã phải mang theo chăn chiếu, nồi niêu, đồ ăn…, vì leo cả buổi mới đến đỉnh núi. Sau một tuần mà họ chỉ hạ được một cây. Anh Dung không ham tiền mà luôn chú ý giữ gìn sức lực. Thu hoạch đáng kể đối với anh có lẽ không phải tiền công mà là một khúc rễ của cây gỗ quý. Anh đã tự tay biến nó thành một chiếc bình cắm cành đào ngày Tết và một chiếc đĩa để bày kẹo mứt. Chiếc đĩa bằng gỗ có những nét vân rất đẹp, mọi người cứ trầm trồ về “của độc” ấy mãi.
       Bán tiêu được ít tiền, anh Dung mua một chiếc tủ lạnh. Đó là hành động rất “ăn chơi”. Nhà chị Dương dù nhiều tiền hơn nhưng chưa thể có những thứ xa xỉ như thế, vì chị sống ở nơi chưa có điện. Ngày chiếc tủ lạnh được đưa về là cả một sự kiện. Bọn trẻ nhảy tưng tưng vui mừng vì từ nay chúng sẽ thường xuyên có nước đá giải khát. Thằng Cò vô cùng khoái chí vì nó được bố cho cái hộp giấy các-tông bọc tủ lạnh to tướng. Nó lập tức lôi cái hộp ra gốc ổi.
       Cây ổi đầu ngõ nhà anh Dung là “vương quốc” riêng của bọn trẻ. Bộ đồ chơi nấu ăn của Bé cũng để ở dưới gốc cây. Một lần thấy Bé đang chơi trò nấu nướng, tôi lên tiếng “chào chủ nhà” thì được trả lời: “Chủ nhà đi vắng rồi”. Thì ra “chủ nhà” là Pọ Pú, nó là đứa lớn thứ hai sau Bé, ranh mãnh nhất và cũng “to mồm” nhất. Lúc đó nó đi học nên “vắng nhà”.
       Lần này cả Pọ Pú và Pọ Dừa đi học vắng. Thằng Cò xoay đi xoay lại cái hộp giấy đủ kiểu rồi cuối cùng đặt cái hộp nằm xuống. Nó giới thiệu đó là một căn nhà, rồi mời tôi và Bé cùng chui vào bên trong. Ở trong “căn nhà” đó, chúng tôi cùng quyết định đâu là cửa sổ, đâu là cửa chính. Chúng tôi không thể chia phòng vì chỉ ba người thôi mà đã chật hết chỗ rồi, nếu Pọ Pú và Pọ Dừa ở nhà thì sẽ phải có giải pháp khác… Ngồi trong cái hộp giấy, bọn trẻ mơ mộng và tưởng tượng ra đủ mọi điều về căn nhà lý tưởng của chúng. Chúng làm cho tôi tưởng tôi đang sống trong chuyện cổ tích, nên tôi nói: “Cái nhà này còn biết bay nữa”. Bé ngước mắt nhìn tôi chăm chú rồi bảo: “Cháu biết cô H có phép thuật”.
       Tôi ngạc nhiên khi thấy Bé biết dùng từ “phép thuật”. Bé đã mười một tuổi nhưng không biết đọc không biết viết. Anh Dung mua về một bảng chữ cái treo tường cho Bé học, cái bảng có thể phát ra tiếng nói yêu cầu chỉ chữ cái, nếu chỉ đúng nó sẽ nói “đúng rồi”, còn nếu chỉ sai thì tất nhiên nó nói “sai rồi”. Nhưng cái bảng chẳng có tác dụng gì với Bé nên nó đã biến thành một thứ đồ chơi chung cho bọn trẻ. Mỗi lần nghe cái bảng nói với giọng cao và kéo dài hai tiếng: “S…a…a…i r…ô…ô…ồ…i!” là bọn trẻ lại nhại theo một cách thích thú.
       Tôi không muốn nói “sai rồi” với Bé, nhưng tôi không biết phép thuật. Chỉ là mỗi khi Bé ngã đau hay bị chuột rút, tôi chạm tay vào chỗ đau của Bé, Bé hết đau liền. Bé nhanh chóng quen với điều đó, nên mỗi khi bị đau Bé lại gọi tôi. Nhưng cái đó không phải phép thuật, mà là điều kỳ diệu. Cái mũi hếch tẹt quá độ, cái trán ngắn trên khuôn mặt Bé giúp người ta dễ nhận thấy Bé là đứa trẻ khiếm khuyết về trí thông minh, nhưng trong ánh mắt Bé vẫn hiện lên điều kỳ diệu, đó là ánh sáng thiên thần, là hồng ân của Thượng Đế.
       Chị Tiền thì không được tự nhiên như Bé, mỗi lần muốn tôi “truyền điện” trị bệnh giúp chị, chị đều len lén gọi tôi ra một góc khuất vì không muốn ai nhìn thấy, đặc biệt là anh Nghiếng. Chẳng là chị hay bị đau mỏi mình mẩy, đêm rất khó ngủ, mỗi lần tôi giúp chị (chỉ mất thời gian chừng một phút) thì chị lại thấy “êm” được mấy ngày. Chị không dám nhờ tôi giúp hàng ngày vì… ngại, không phải ngại tôi, mà là ngại các ông anh tôi. Chị Tiền và chị Huê từng rủ nhau về tận Sài Gòn khám bệnh, tốn bao nhiêu tiền xe cộ thuốc men nhưng vẫn chẳng ra đâu vào đâu. Bệnh của các chị không làm các chị chết được, nhưng làm cho cuộc sống của các chị khá là khó chịu. Chị Huê thường xuyên cảm thấy ngộp thở về đêm, làm cho chị không thú vị gì mỗi khi lên giường ngủ vào buổi tối, không đơn thuốc nào của các bác sĩ có tác dụng với triệu chứng này của chị. Tôi chỉ giúp chị một lần là triệu chứng đó biến mất, nhưng biến mất được bao lâu thì tôi không rõ, vì sau đó tôi không có điều kiện ở gần chị. Tôi có thể “truyền điện” giúp chị từ xa qua điện thoại, nhưng chị Huê không để ý đến khả năng này, có thể vì chị không tin, hoặc sợ tốn tiền điện thoại, hay đơn giản là vì không nhớ. Điều này do thói quen, người ta thường chỉ nhớ đến những phương tiện hữu hình.
       Khi tôi ở bệnh viện Phúc Yên, có vài cô điều dưỡng khoa Đông Y thích nhờ tôi “truyền điện” cho những vấn đề lặt vặt của họ, nhưng đó chỉ là khi nhìn thấy tôi. Họ chấp nhận rằng tôi có thể “truyền điện” mà không hề chạm vào người họ, nhưng họ vẫn không quen với việc “truyền điện từ xa” qua điện thoại hay qua ảnh… Khi tôi không ở đó thì họ không còn nhớ đến phương pháp trị bệnh của Nhân Điện nữa. Thực tế có một số người hoàn toàn chỉ nhờ tôi chữa bệnh từ xa mà thôi, điều đó đối với họ rất tiện. Nhưng số người chấp nhận và làm quen với khả năng này của Nhân Điện chưa nhiều. Người dân Việt Nam dễ chấp nhận chuyện họ bị đau đầu hay méo mặt vì “trúng gió”, tức là tự nhiên bị đau mà không phải do ai dùng búa hay vật gì tương tự đập vào đầu họ. Nhưng nếu bảo họ rằng có thể không chạm vào họ mà giúp họ thoát cơn đau đầu hay đau bụng nào đó, họ sẽ nói “như thế không có cơ sở khoa học nào cả”. Việt Nam chưa phải nước phát triển về khoa học, nhưng người dân thích hùng biện về những cái như “cơ sở khoa học”. Nếu bạn giới thiệu bạn là bác sĩ, họ có thể sẽ “lên lớp” cho bạn một tràng về cách bảo vệ sức khỏe. Nếu bạn “khoe” bạn là giáo viên, khả năng bạn được nghe một “diễn văn” về vấn đề cải cách giáo dục là rất cao. Không phải tôi “quảng cáo” cho những khả năng đặc biệt của Nhân Điện hay của tôi, bởi vì chẳng có gì đặc biệt cả. Nếu những ai đó chưa quen nghe những thông tin như vậy thì tôi muốn họ quen dần, vì trong tương lai không xa lắm, mọi người dân Việt Nam sẽ coi những chuyện đó là bình thường, bình thường như thói quen “đau đầu uống hỗn hợp thần kinh” bây giờ vậy. Nhiều người thắc mắc tại sao chữa bệnh bằng Nhân Điện luôn miễn phí. Nếu thu phí cho việc này, chẳng khác nào đem Thượng Đế bán lấy lãi. Những người “truyền điện” trị bệnh cho người khác, bản thân họ không hề mất gì cả, vì đó không phải năng lượng của họ, mà là Năng Lượng Vũ Trụ. Những người tu Nhân Điện, càng “truyền điện” nhiều bao nhiêu thì họ càng hay gặp may mắn bấy nhiêu. Đó là cái “được” rất lớn, vì tiền cũng không thể nào bằng may mắn.
       Được sống và chơi đùa cùng bốn đứa trẻ này là may mắn đối với tôi, và cũng là may mắn đối với chúng nữa. Sau một tuần, trừ Bé ra, bọn trẻ đều đã biết chơi cầu lông, rồi các bà mẹ của chúng cũng học để chơi với chúng. Anh Dung, anh Dinh biết chơi cầu lông rất tốt, nhưng họ không có thời gian hay tâm trí để dạy lũ nhóc, việc duy nhất họ có thể làm là mua vợt và cầu mà thôi. Tôi chỉ chơi cầu lông không lưới hồi nhỏ nên cũng không giỏi, nhưng tôi lại đặc biệt giỏi trong việc huấn luyện. Vì tôi huấn luyện bọn trẻ nhanh quá nên chẳng mấy chốc chúng đã có thể làm cho tôi mệt phờ khi đòi tôi phải chơi cầu với chúng. Hóa ra thằng bé Pọ Dừa mới bẩy tuổi lại chơi giỏi nhất và dai sức nhất. Nó thì có nhiều cái nhất: học giỏi nhất, hay được khen dễ thương nhất… Nhưng còn “ghê gớm” nhất thì là chị Pọ Pú của nó. Mọi người cho rằng Pọ Pú có nhiều nét giống bác Dương.
       Bọn trẻ giúp tôi đánh máy bản thảo các truyện ngắn. Nói là “giúp” cho oai, chứ thật ra chúng muốn biết cách dùng laptop của tôi. Tôi phải dạy chúng đánh máy tiếng Việt, vì chúng rờ rẫm rất lâu nên tôi chỉ cho chúng gõ một số dòng, nhưng lý do chính là tôi sợ chúng học nhanh quá thì cái laptop của tôi có thể gặp nguy. Lúc đó tôi chưa suy nghĩ gì đến chuyện sẽ đăng những tác phẩm văn chương mà tôi vẫn giữ gìn bản thảo, nhưng do cuộc sống nay đây mai đó, tôi lo các trang viết tay cũ kỹ sẽ thất lạc nên đánh máy lại để “cất” lên mạng internet thông qua hòm thư điện tử. Trước đây chưa lúc nào tôi có thời gian để nhớ đến chúng. Bọn trẻ dùng bàn phím để “chép” trích đoạn bức thư mang tên “Ni cô hoàn tục”. Trừ Bé ra, mỗi đứa đều đòi được gõ một đoạn sao cho công bằng. Tôi nằm trên chiếc võng bên cạnh và phải sẵn sàng nhắc chúng mỗi khi chúng gặp khó khăn với những “huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã”… Pọ Pú là đứa hoàn thành những dòng cuối cùng, nó đứng lên giơ hai nắm tay thật cao hãnh diện tuyên bố: “Khi nào truyện được đăng thì cô phải nhớ công của bọn cháu đấy nhé!” Điệu bộ kể công của nó lúc ấy chỉ khiến tôi cười thầm mà không nói gì, vì tôi không muốn cho nó biết nó sẽ phải thất vọng. Nhưng chẳng ngờ người không biết lại là tôi. Rõ ràng chỉ hai tháng sau đó tôi đã đăng truyện của mình trên Blog Việt, và một điều kỳ lạ nữa, tác phẩm “Ni cô hoàn tục” mà bọn trẻ hì hục đánh máy chính là tác phẩm đầu tiên được khuyên gửi đăng báo in, lời khuyên ấy đến từ một blogger tên là… Nguyễn Lân Dũng. Không phải bác Nguyễn Lân Dũng cho rằng truyện ấy hay nhất, mà đó là tác phẩm đầu tiên bác ấy đọc trong blog của tôi. Bác ấy có tính hồn nhiên, có thể vì vậy mà bọn trẻ đã “thần giao cách cảm” được với bác ấy chăng? Bọn trẻ là những nhà tiên tri ư? Bác Nguyễn Lân Dũng là một độc giả nhiệt tình và có phần dễ tính, cho nên những lời khen của bác ấy không đủ làm cho tôi phổng mũi lên. Nhưng vấn đề là cơ duyên giữa tôi với bác ấy đặc biệt đến mức tôi không có cách nào giải thích. Nhiều người biết là tôi hay “trêu chọc” bác ấy, và mỗi lần như vậy thì bác ấy lại “giận dỗi” tôi. Có lần bác ấy đề comment cho diễn đàn “Sống thử” của bác sĩ Bích Thủy, sau khi đọc comment ấy tôi đã buột miệng “thì thầm” với chị Bích Thủy rằng hình như trong bác Nguyễn Lân Dũng có linh hồn của một cô gái sợ mất giá nào đó. Nhận xét này của tôi làm cho chị Bích Thủy buồn cười mãi. Còn tôi cũng tự tủm tỉm cười mỗi khi nhớ đến bác ấy, bác ấy là người rất thú vị.
       …
       Dù chị Dương đồng ý là tôi hoàn toàn có đủ khả năng để làm một người nông dân, nhưng tôi vẫn ra đi sau hai tháng sống ở Tây Nguyên. Rừng Tây Nguyên đang tiếp tục bị tàn phá, suối cạn dần, những người nông dân còn đang lo thiếu đất để canh tác chứ chưa lo thiếu người làm nghề nông.
       Anh Dung đưa tôi ra ngã ba Đồi Thông để tôi bắt xe về phía Sài Gòn. Ngang đường bỗng anh dừng xe lại rồi hỏi: “Em còn tiền để đi không?” Tôi đáp: “Em còn vừa đủ”. Câu trả lời của tôi chính xác, ba trăm nghìn còn lại vừa đủ để tôi mua vé hai chặng xe, giá vé ngay sau Tết vẫn khác giá những ngày thường, đến nơi mọi việc ra sao thì tôi chưa biết. Nhưng tôi không cần cho anh Dung biết chi tiết như thế. Anh Dung vào một đại lý thu mua tiêu- điều-cà phê cạnh đường, trao đổi vài câu với bà chủ. Tôi đoán anh hỏi chủ đại lý cho ứng tiền trước, hẳn đây là đại lý vẫn thu mua tiêu và cà phê của gia đình anh. Một lát anh quay ra, đưa cho tôi bốn trăm nghìn, bảo tôi cầm để tiêu dọc đường. Tôi cầm tiền anh đưa mà im lặng không nói một lời nào. Với tôi, nói lời cảm ơn lúc này thật sáo rỗng. Tôi không cần lo cho anh Dung, vì trong mắt tôi anh là người giàu có. Dừng lại ở ngã ba, anh Dung nói trước lúc chia tay: “Làm nghề y vẫn hơn em ạ, nghề nông vất vả lắm. Bao giờ làm việc ổn định ở đâu thì gọi điện báo cho anh biết nhé! Lúc nào rảnh nhớ về nhà anh chơi…” Từ đó đến nay tôi vẫn chưa gọi điện cho anh Dung lần nào, vì tôi không làm việc ở đâu cả. Nhưng chị Mai thì thỉnh thoảng vẫn gọi cho tôi.
       Tôi không phải là người biết trước tương lai. Quãng đường “ba trăm nghìn” mà tôi vạch ra tôi đã không đi trọn vẹn. Giữa đường tôi đổi hướng, vì lúc đang nằm trên xe, tôi nhận được một cuộc điện thoại…
       …
       Nếu ai hỏi tôi rằng chúng ta có thể biết trước tương lai không, tôi sẽ trả lời: “Có chứ!” Hãy chơi cùng bọn trẻ, chúng sẽ nói cho ta biết về tương lai, chỉ là khi chúng nói ta có hiểu được không mà thôi.
       Nếu ai hỏi tôi rằng thế giới có hòa bình không, tôi sẽ trả lời: “Có chứ!” Hòa bình đang ở nơi đây, trong căn nhà của bọn trẻ làm bằng hộp giấy. Hòa bình đang ở nơi kia, trên đồng cỏ xanh êm với những đàn bò.
       Nhưng tôi đã không nói điều đó với Edward.
 
 
 
 
Chú thích:
* “Con bướm”: Sự so sánh này xuất phát từ “hiệu ứng cánh bướm”.
* “Tái ông thất mã”: Một tích cổ mà có ý nói rằng cái may bắt đầu từ cái rủi, cái rủi bắt đầu từ cái may.
* “Tôi có thể quả quyết, chắc chắn rằng… góp phần làm mục ruỗng”: Trích trong bài viết “Trò trẻ con” của blogger Acemediavn.
* “Tôi không phải là người tự nhiên chủ nghĩa… Thế hệ suy đồi ngày càng Tiến Bộ về suy đồi”: Trích trong bài viết “Trò trẻ con” của blogger Acemediavn.
* “Tâm Linh là linh nhận sự thật từ cõi lòng sâu thẳm của con người”: Đây là lời của Thầy Lương Minh Đáng.
* “Làm gì? Không có gì để làm cả… ưu tiên và nền tảng phải là thắc mắc “làm người”: Tôi biết đến trích dẫn này nhờ comment của blogger Acemediavn dưới “Bài ca tự do”. Còn theo nguyên văn trong bài viết “Mối tình Non Nước và ý nghĩa Thi Ca” của giáo sư Nguyễn Đăng Trúc như sau:
       “Nhà tư tưởng Jean Brun trong cuộc hội thảo quốc tế về triết học tổ chức tại Roma năm 1978, đã mạnh dạn phát biểu:
       Làm gì?
       Không có gì để làm cả! Không có gì để làm vì không có vấn đề thêm một cái làm khác vào vô số cái làm đã đày đọa chúng ta. Vấn đề là "chân chất tính thể của mình (être)[2].
       Nói cách khác, trước tất cả mọi câu hỏi "làm gì ?", ưu tiên và nền tảng phải là thắc mắc "làm người".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét