Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Nói gì với Hùng John?

 Tùy bút của Ái Nữ     

        "Vấn đề lớn hơn ở đây là vấn đề về xã hội. Tại sao người Việt Nam cứ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhau để kiếm tiền, từ ngành dịch vụ đến bán sản phẩm… Sự lừa dối này đang làm cho xã hội hiện tại của chúng ta bị xấu đi và hơn thế còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai. Hùng đã viết một cuốn sách về việc nuôi dạy con ở Việt Nam. Nhìn thấy những việc như thế này, Hùng càng nghĩ nhiều hơn đến việc trở về Mỹ khi mình xây dựng một gia đình và có con. Một quyết định như thế không hề dễ dàng, bởi vì Hùng đã chấp nhận về Việt Nam và định sống ở đây. Chuyện gì đã xảy ra với một Việt Nam mà mọi người tin tưởng và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh như bà ngoại Hùng đã kể cho Hùng? Ký ức của bà ngoại về Việt Nam có lẽ chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ mà Hùng sẽ không bao giờ thấy được?"
       Đó là lời của tác giả cuốn sách "John đi tìm Hùng" trong một status trên Facebook sáng nay.
      "Nói gì với Hùng John?" được đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 01-4-2014.


       Ồ, xin được nói ngay với các bạn rằng tôi không gặp chuyện gì mắc mớ với anh chàng Hùng John cả. Thậm chí tôi cũng chẳng để ý đến cậu ta lắm, bao nhiêu dòng chữ trên truyền thông cũng chỉ giúp tôi nhớ được là cậu ta có viết một cuốn sách với nhan đề “John đi tìm Hùng” để kể về một chuyến đi của bản thân. Thông tin ấy không hấp dẫn tôi, bởi vì như các bạn biết đấy, mấy năm gần đây người ta đi nhiều quá, kể nhiều quá, cho nên một người dù hiếu kỳ như tôi cũng chẳng muốn tò mò thêm về những chuyến đi nữa.
       Chắc các bạn còn nhớ chuyến đi “nhất bộ nhất bái” của nhà sư Thích Tâm Mẫn kéo dài gần bốn năm ròng rã chứ? Là bác sĩ, tôi không dám khuyên ai làm chuyện tương tự, vì một “chương trình luyện tập” như thế có vẻ phản khoa học và bất lợi cho sức khỏe. Còn về tâm linh, cá nhân tôi không tin rằng “cuộc hành xác vĩ đại” này có thể khiến Trời Phật động lòng mà phù hộ cho Việt Nam “quốc thái dân an”, nhưng tại sao sư thầy Thích Tâm Mẫn cứ nhất quyết phải làm như thế thì chỉ thầy ấy mới biết, tôi không dám bàn luận. Trời Phật có cảm động hay không thì chả ai rõ, nhưng rõ nhiều người động tâm cãi nhau chí chóe trên mạng về chuyến đi của đại đức Thích Tâm Mẫn, ít nhất thì cũng vì lý do… gây cản trở giao thông. Chẳng là thầy ấy không phiêu lưu một mình, mà có cả một bộ phận dẹp đường, “tiền hô hậu ủng”, trong khi đường sá ở Việt Nam thì chật hẹp.
       Lại còn chuyến đi của Huyền Chip. Tôi không đọc sách của Huyền Chip, vì tôi không đủ sức và thời gian đọc tất cả những cuốn sách người ta viết ra, và vì lời phê bình của bạn Acemediavn Trẻ Trâu* cho tôi biết cuốn sách ấy không hợp “khẩu vị” của tôi. Nhưng không vì thế mà tôi không thiện cảm với cô gái Huyền Chip, dù sao nhiều người cũng nên cảm ơn cô ấy đã giúp các bạn đọc được thử thách trong “trường văn trận bút” của một cuộc cãi lộn mà không bên nào giành được phần thắng.

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Hẹn với Dũng

Tùy bút của Ái Nữ      

       Câu chuyện xảy ra cuối năm Mười Ba, được kể lại trên Blog Tiếng Việt. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vốn hòa đồng, thích giao lưu, ông đã hẹn tôi đến những cuộc giao lưu của Blog Tiếng Việt nhiều lần nhưng tôi đều từ chối, vì chưa cảm thấy thích hợp. Nhưng lần này là kỷ niệm mười năm ngày mất của thân phụ ông, cụ Nguyễn Lân. Tôi thấy đây là dịp thích hợp để đáp lễ, cũng tiện giải mối nghi ngờ cho các blogger của Blog Tiếng Việt, kẻo họ cứ mất công dò tìm xem tôi là nhân vật nào trong làng văn giấu mặt để... gây sự. Có người về sau còn cho tôi biết họ tưởng tôi là một lão già trong giới khoa học và có thù oán với giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Họ biết tôi làm sao được, vì bản thân tôi cũng có biết ai vào với ai đâu. Tôi sống xa môi trường văn chương sách vở, thậm chí trước đó còn chẳng biết cụ Nguyễn Lân là ai, giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì tôi biết vì từng nhìn thấy trên ti vi và nhớ được ông vì phong cách nói chuyện dí dỏm. Sự xuất hiện offline của tôi khiến các blogger trố mắt rồi phì cười, vì thấy tôi... vô hại quá. Tôi đúng là Mèo thật, còn Cọp là họ tự tưởng tượng ra thôi.
       Bài dưới đây đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 17-12-2013.

       Buổi sáng ngày Chín tháng Mười Hai tôi qua tiệm sửa xe để thay dầu cho chiếc moto cũ kỹ. Tôi phàn nàn vì xe này hao dầu nhanh quá. Anh thợ sửa xe giải thích rằng với một cái xe cũ thì không thể mong đợi gì hơn, nhất là nếu chạy đường dài thì dầu sẽ bẩn rất nhanh.
       Đúng là cái xe của tôi thường xuyên phải chạy đường dài. Tôi đã hẹn với Dũng chiều hôm ấy tôi sẽ đến Hà Nội và ngủ nhờ phòng trọ của cậu ta ở Cổ Nhuế. Dũng là cậu em đồng môn của tôi hồi chúng tôi học Karate ở võ đường Nghĩa Dũng do thầy Nguyễn Văn Dũng sáng lập. Lớp trưởng của chúng tôi hồi ấy cũng tên là Dũng, biệt hiệu Dũng “chì”. Anh Dũng “chì” lúc ấy là sinh viên đại học công nghiệp, tính trầm tĩnh ít nói, sau này làm kỹ thuật cho một nhà máy của quân đội. Dũng mà tôi hẹn lần này là Đặng Đình Dũng, học ở đại học bách khoa ra và làm việc trong lĩnh vực tin học. Tính cậu ta rất trẻ con nên lúc nào cũng chịu làm một đứa em ngoan ngoãn của tôi.
       Thật ra tôi còn có thể tá túc ở những chỗ khác mà không cần phải chiếm cái gác xép nhỏ bé của Dũng, nhưng tôi thích thế, vì chuyến đi lần này của tôi rất đặc biệt. Chỉ có Trời mới biết tại sao có nhiều người tên là Dũng liên quan đến cuộc đời tôi, không có mối quan hệ nào của tôi với một người tên là Dũng mà dừng lại ở mức độ tầm phào. Lần này tôi đến thủ đô vì có hẹn với chữ “Dũng”: tất cả những người tôi hẹn gặp đều tên là Dũng. Người đầu tiên hẹn tôi là giáo sư Nguyễn Lân Dũng, người thứ hai mà tôi hẹn là bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng, và người thứ ba là anh Phạm Trung Dũng. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với ba người này, tôi hẹn với Đặng Đình Dũng, vì chỗ cậu ta rất gần trường đại học sư phạm Hà Nội, nơi sẽ diễn ra hội thảo về giáo sư Nguyễn Lân vào ngày Mười tháng Mười Hai, hội thảo đó là lý do để tôi xuất hành chuyến này.