Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Mua bán dâm - "Thuận mua vừa bán"?

       Đây không phải là một bài viết độc lập, mà là comment trao đổi với tác giả một bài viết trên báo NCTG, trao đổi này thực hiện trên facebook vào cuối năm ngoái. Lý do tôi đăng lại comment này ở đây là vì vài ngày qua trong những dư luận xung quanh một vụ án đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng, có những người trong khi bày tỏ sự thông cảm với nhân vật đã quá đà khi cho rằng bán dâm chẳng qua cũng là một nghề như bao nghề khác, những người coi khinh nó chỉ là đạo đức giả. Điều đáng nói là số người đó không ít như tôi muốn hình dung, hơn nữa họ còn có những đại diện “nặng ký”, giống như tác giả bài viết “Nghĩ về gái bán hoa” đăng báo cách đây nửa năm vốn là một nữ giảng viên đại học. Comment của tôi không nhận được hồi đáp dù tích cực hay tiêu cực, nhưng tôi xem sự im lặng cũng là một cách trả lời, mặc dù tôi không chắc là tôi có thể đọc được câu trả lời ấy. Chuyện đã qua nên tôi không có ý định tiếp tục đối thoại với tác giả bài viết nữa, chỉ là những mắc mớ này vẫn còn đó, vẫn hiển hiện và không biết đến bao lâu, khi trên mạng xã hội vẫn rất nhiều người “tân tiến” cho rằng “không thể và không nên kỳ thị con người qua nghề nghiệp” mà với họ bán dâm là một nghề nghiệp bình đẳng với những nghề nghiệp khác. Và không ít những người “đạo đức” coi khinh nghề bán dâm nhưng không hiểu sâu xa mà đơn giản là vì họ không lâm vào hoàn cảnh đó. Đau xót là trong xã hội này, người bán dâm bị coi khinh nhưng những kẻ mua dâm lại vẫn được xem là tử tế nếu “ăn bánh” mà trả tiền “sòng phẳng” không quỵt.
       26-6-2017

       H.A ngay từ đầu đã tự nhận mình là "cực kỳ thiếu thực tế" trong chuyện này, đồng thời có tính "nghĩ sao nói vậy". Ở comment phía trên, tác giả bài viết tiếp tục khẳng định mình "không tin việc làm gái bao hay mãi dâm có gì liên quan đến nhân phẩm". Qua đó tôi thấy H.A mơ hồ cả về tư cách của gái bán dâm cũng như mơ hồ về khái niệm "nhân phẩm". Liệu đó có phải là hậu quả của việc sống quá lâu trong một xã hội mà cứ "thuận mua vừa bán" là coi như đã "chơi đẹp" và "tử tế là một sự tế nhị có đi có lại" (lời một nhân vật trong phim "Chuyện tử tế")? Người ta đánh mất ý thức về nhân phẩm, nên không còn hiểu được "nhân phẩm" là gì nữa. Khi viết comment này tôi rất buồn. Tôi sợ rằng tôi không đủ sức làm cho H.A hiểu được những gì tôi muốn trao đổi.

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Bóc băng phỏng vấn cụ Lê Đình Kình ngày 16-6-2017

       Ngay sau quyết định của công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án bắt giữ 38 con tin ở xã Đồng Tâm ngày 13-6-2017, theo lời kể của cụ Lê Đình Kình thì đã có những 8 đoàn báo chí đến thăm và phỏng vấn cụ vào ngày 14-6, nhưng trong thực tế thì những người quan tâm theo dõi cuộc đấu tranh ở xã Đồng Tâm không có được một thông tin nào đáng chú ý từ các báo chính thống, mà chỉ có thông tin về cuộc điện thoại giữa cụ Kình với chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung qua Facebook của võ sư Lương Ngọc Huỳnh và qua một bài của BBC phỏng vấn cụ về cuộc điện thoại ấy (chắc là BBC phỏng vấn cụ qua điện thoại như họ thường làm thế khi phỏng vấn các nhân vật trong nước).
       Phải đến ngày 16-6-2017, khi một nhóm gồm hai nhà hoạt động bất đồng chính kiến là Vũ HằngHồng Thái Hoàng đến xã Đồng Tâm, phát sóng trực tiếp trên Facebook cá nhân của họ cuộc trao đổi trò chuyện của cụ Lê Đình Kình thì một số thông tin về cụ kể từ sau khi bị bắt đến hiện tại mới được mở ra. Khó có thể hình dung được sự quan tâm của của cộng đồng mạng đến câu chuyện cụ Kình kể ở mức nào, nếu như bản thân tôi không có một trải nghiệm nhỏ: Facebook cá nhân của tôi vốn thường dùng để trưng hình hoa lá, chia sẻ lặt vặt, ít người "lai vãng", nếu tôi post một video nào đấy dù thuộc loại nóng đến mấy (đề tài xã hội) cũng chỉ được cao nhất gần một nghìn lượt xem sau hàng tháng trời. Nhưng lần này, khi tôi đăng tải lên video về câu chuyện của cụ Kình ở Đồng Tâm (đăng sau livestream của Vũ Hằng và Hồng Thái Hoàng hai tiếng rưỡi) thì đột ngột video từ Facebook của tôi được chia sẻ rất rộng làm tôi kinh ngạc, chỉ sau 5 ngày đã có 84000 lượt xem, vượt xa cả số lượt xem video gốc của hai nhà hoạt động kia cộng lại. Sau đó video đầy đủ cuộc trò chuyện (từ livestream của FB Hồng Thái Hoàng) đã xuất hiện trên nhiều tài khoản Youtube nhưng với những tiêu đề rất phản cảm không sát với nội dung, cũng thu hút được nhanh chóng rất nhiều lượt xem. 
       Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, đa số người xem nghe cụ Kình kể chuyện qua video chỉ chú ý đến tình tiết cụ Kình bị công an đá một phát văng đi và gẫy xương đùi như thế nào, bị còng tay và nhét giẻ vào miệng ra sao, về quan điểm của cụ rằng đó là một vụ thủ tiêu bịt đầu mối bất thành, mà không quan tâm đến nhiều chi tiết quan trọng khác thể hiện qua câu chuyện kể của cụ, liên hệ chúng với nhau để có một bức tranh toàn cảnh hơn. Theo tôi một phần nguyên nhân dẫn đến sự "lơ đãng" này là do theo dõi qua ghi âm rất khó tập trung, không được như khi đọc. Cũng đã có người xem phàn nàn về điều này. Vì vậy tôi đã bỏ thời gian để "bóc băng" toàn bộ video dài 38 phút một cách tỉ mỉ nhất có thể, giữ nguyên văn phong văn nói của nhân vật, thậm chí những "rằng thì mà là" cũng bớt đi rất ít, chủ yếu cắt từ "tức là" mà cụ Kình dùng để đệm liên tục nhưng không liên quan gì đến logic của câu nói, và có vài từ ở vài chỗ tôi nghe không ra thì bỏ trống và chú thích rõ là nghe không được, nhưng những từ mất này không ảnh hưởng đến thông tin. Những chỗ cụ Kình xưng hô không thống nhất từ đầu tới cuối, lúc xưng "ông" gọi "các cháu", lúc xưng "tôi" gọi "các chị" hay "các đồng chí", tôi cũng giữ nguyên không biên tập.