Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 3

       Mặc dù Nguyễn An Dân là một cây bút được biết đến từ vài năm nay, nhưng anh mới lộ diện với cộng đồng mạng từ vài tháng trở về đây trong những cuộc gặp gỡ “offline” với bạn bè Facebook. Khi chương trình “Minh bạch Formosa” được khởi xướng, những người công khai ủng hộ anh và ra mặt đại diện cho nhóm Biển Xanh cũng là những nhân vật rất mới mẻ. Họ không phải những “hot facebooker”. Nguyễn Hoành Hùng, đại diện phía Nam của nhóm Biển Xanh cho biết rằng anh và Nguyễn An Dân gặp nhau vì cùng mối quan tâm chung là chính trị.
       Nguyễn Hoành Hùng là một trong những người điều hành fanpage Nhóm Biển Xanh. Từ giới thiệu của Nguyễn An Dân, anh đã cho tôi tham gia vào group kín của nhóm trên Facebook. Mặc dù nhóm để chế độ kín, nhưng những trao đổi ở đây cũng không có gì bí mật, chỉ là bàn luận về việc làm sao để việc thu thập chữ ký được hiệu quả. Có người đề nghị tổ chức những buổi công khai tụ tập ký tên để lấy tinh thần cũng như quảng bá hình ảnh hoạt động của nhóm, nhưng Nguyễn An Dân tỏ ra cảnh giác và không khuyến khích, anh lưu ý các thành viên về khả năng bị lực lượng an ninh cản trở. Còn tôi, sau khi post lên group ảnh chụp một tờ phiếu có chữ ký của mình và địa chỉ kèm số điện thoại, tài khoản Facebook của tôi lập tức bị vài lần tấn công. Cũng có thể đó chỉ là tình cờ ngẫu nhiên, vì dạo này rất nhiều người than phiền về tình trạng tài khoản Facebook bị hack.
       Bài phỏng vấn Nguyễn Hoành Hùng là nội dung chính của kỳ 3 phóng sự mà tôi gửi về cho báo X.

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 2

       Ngày 05-4, tôi đã gặp nhà hoạt động Nguyễn An Dân và thực hiện được cuộc phỏng vấn. Bài tôi gửi về làm đau đầu tổng biên tập báo X, vì vừa thừa vừa thiếu cho báo của anh. Anh nói sẽ trao đổi kỹ với tôi trong quá trình biên tập, anh có thiện chí không muốn nhân vật Nguyễn An Dân và nhóm Biển Xanh bị chụp mũ vì những phát biểu trong bài phỏng vấn này. Tuy vậy, do điều kiện hoàn cảnh có những sự việc bất ngờ xảy đến làm cho chúng tôi không có thời gian để trao đổi nhiều, tôi chỉ biết anh đã biên tập nhưng rồi lại hoàn toàn không hài lòng với kết quả.
       Báo X thường không đăng những bài phỏng vấn trực tiếp như vậy. Mặc dù tôi cố nhét bài phỏng vấn vào trong một kỳ phóng sự, nhưng nó vẫn chình ình choán gần hết bài. Nếu đột nhiên xuất hiện bài phỏng vấn này trên báo X, người ta có thể sẽ nghĩ báo X giờ chuyển thành… “lề trái”. Tôi đoán đó là cái khó cho tổng biên tập, vì báo X xưa nay vẫn trung lập, và “hiền”.
       Có cần phải lo nhân vật Nguyễn An Dân bị chụp mũ không? Tôi cho là không. Theo những thông tin mà anh từng tiết lộ trên Facebook cá nhân, cách đây hơn mười năm anh bị nhà cầm quyền tống giam do có liên quan đến một vụ âm mưu lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Gần một năm ở trong tù, đối thoại với những cán bộ an ninh có trình độ, tư tưởng của anh đã thay đổi, anh nhận ra rằng đối đầu chống Đảng Cộng Sản là chuyện viển vông, cần phải có phương pháp đấu tranh khác. Chủ động góp phần thúc đẩy sự chuyển hóa trong nội bộ Đảng Cộng Sản là điều anh tin có thể làm. Giờ anh là người đấu tranh theo đường lối ôn hòa. Nhưng dù vậy, anh vẫn là người đối lập chính trị.
       Nguyễn An Dân trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn, không chút úp mở. Anh có phản xạ rất nhanh trước mọi câu hỏi và thể hiện lập trường vững chắc, cũng như thể hiện sự tự tin về sức ảnh hưởng cá nhân. Trong những phát biểu của anh, tôi đặc biệt chú ý đến đoạn anh nói về vai trò của các linh mục Công Giáo trong phong trào đấu tranh của người dân ở miền Trung, vì trước đó tôi chưa được nghe ai nói vào vấn đề này rõ ràng như thế.
       Không nghi ngờ gì, gây áp lực để lập tư thế đối thoại là mục đích của nhóm Biển Xanh. Còn tôi, tại sao tôi không tiếp cận nhóm Biển Xanh bằng con đường khác dễ dàng hơn để khai thác thông tin mà lại chọn tư cách báo chí? Bởi vì tôi cũng quan tâm đến tư thế đối thoại.
       Nội dung bài mà tôi gửi về cho báo X:

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 1

       Ngày 03-4-2017, tôi trao đổi với tổng biên tập một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài:
       “Anh có muốn đưa bài về hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam không?”
       “Có đấy. Em viết đi!”
       “… Hoạt động của họ minh bạch đến mức nào, gặp khó khăn thuận lợi ra sao, đoàn kết hay bất đồng… Bắt đầu như thế được chứ?”
       “Được. Mình thử làm xem sao.”
       Hành trình tháng Tư của tôi bắt đầu, lần theo một đầu mối.
       Cứ vài ngày tôi lại gửi về tòa soạn những gì tôi thu thập được, chủ yếu là những bài phỏng vấn mà tôi đã thực hiện. Tôi cũng không biết tổng biên tập của tờ báo sẽ biên tập kiểu gì để dùng. Họ chưa có phóng viên thực địa ở Việt Nam và đề tài này là hoàn toàn mới đối với họ. Chả lẽ lại đột ngột đăng bài phỏng vấn những nhân vật mới toanh và khá vô danh? Tôi đã để những bài phỏng vấn nằm trong phóng sự viết khá sơ sài, chỉ có nội dung phỏng vấn là thông tin đáng kể. Một món ăn khó nấu. Nhưng đây không phải văn chương, không phải là câu chuyện của riêng tôi, mà là câu chuyện tôi muốn trực tiếp khám phá. Tôi không thể biết trước tôi sẽ gặp những điều gì. Nếu tôi để đến kết thúc mọi diễn biến mới viết bài thì tính thời sự của thông tin sẽ giảm và không chắc đó là hành động khôn ngoan nhất. Tôi muốn cho tổng biên tập của tờ báo biết tôi đã làm như tôi nói. Có lẽ anh rất “khó ở” với bài gửi về của tôi, nhưng là một kẻ ích kỷ, tôi không quan tâm quá nhiều về điều đó. Tôi cần tư cách của tờ báo để tiếp cận với nhân vật.
       Phóng sự được tôi đặt tên là “Nhóm Biển Xanh với người dân và Formosa”. Sau đây là nội dung 3 kỳ mà tôi lần lượt gửi về tòa soạn: