Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

“Pedro Páramo” và một độc giả ít tuổi


       Tôi là một độc giả hồn nhiên, không hiếu thắng, không tham vọng. Gần đây tôi mới để ý và nhận ra điều đó. Tôi đã thừa nhận với nhiều người là tôi đọc ít, một phần do điều kiện hoàn cảnh năng lực riêng của cá nhân, phần còn lại do tôi không tin tưởng nhiều lắm vào sách vở. Những người say mê văn chương có thể ngạc nhiên khi biết có những tác gia kinh điển với những tác phẩm được dịch được in ở Việt Nam từ rất sớm nhưng tôi chưa hề đọc đến. Tôi chưa đọc hầu hết các cuốn sách được giới thiệu là “không thể không đọc” và phần nhiều cũng sẽ không đọc chúng trong tương lai.

       Mọi chuyện rất dễ hiểu nếu quý vị hình dung được điều kiện sách vở ở một tỉnh lẻ vào cái thời tôi còn là học sinh phổ thông, khi tôi có thời gian và có hứng thú thì tôi lại không có nhiều thứ để đọc. Thượng vàng hạ cám cứ món gì đến tay tôi là tôi đọc tuốt. Đọc mà không cần nhớ tên tác giả, không nhớ tên dịch giả. Không nhiều, chỉ đủ để gây thèm thuồng, một cơn thèm không được thỏa mãn cũng không làm ai chết được. Thời ấy cái đói của dạ dày mới là đáng kể. Đến khi hết đói, sách vở nhiều lên thì tôi lại chả còn sức lực cũng như tâm trạng để mà đọc nữa. Những người sống quanh tôi nếu không xem việc đọc sách là hành vi bệnh hoạn thì cũng tốt lắm rồi.

       Gần đây tôi có điều kiện và tâm trạng tốt để đọc, và tôi tiếp tục đọc để giải trí như hồi còn nhỏ. Bây giờ lại nhiều sách quá, mà những cuốn sách được quảng cáo rùm beng không chắc là lựa chọn tốt. Sự thèm thuồng cũng khó quay trở lại. Tôi hầu như làm ngơ với văn chương kinh điển, làm ngơ với các tác giả Nobel cũng như với các tác phẩm mới viết từ hải ngoại được dư luận ưu ái. Tôi đọc sách kiếm hiệp cũ và mừng rằng nó giúp tôi quay lại làm một đứa trẻ.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Kẻ đào hầm mòn hết bảy cái thìa


        Ở bài review trước, tôi nói rằng có nhiều người không nên đọc cuốn “Chết trong ngày Chúa Nhật”. Có thể sẽ có người anh em sau khi xem xong bài review ấy quyết định không đọc tiểu thuyết này thật, nhưng lỗi chẳng phải tại tôi. Đàng nào lỗi cũng không phải tại tôi mà lỗi thuộc về tác giả.

       Nếu nhà văn làm cho người đọc cảm thấy việc lần tìm manh mối trong câu chuyện của anh ta khó như việc phải đào một đường hầm dài dặc trong khi công cụ trong tay chỉ có một chiếc thìa thì tất nhiên anh ta xứng đáng nhận được sự trả thù từ phía họ.


       Vâng tôi không hề nói điêu. Vâng dù hầm đào xong thì cũng chẳng để làm gì. Vâng không hề có manh mối nào cả, hoặc nói theo cách khác là quá nhiều manh mối nhưng không manh mối nào khả tín. Vâng đọc bằng xong truyện cũng không biết được nhân vật điên hay không điên, giết hay không giết, chết hay không chết…

       Nhưng tôi có cả thảy bảy ngày rảnh rỗi không phải làm gì hết. Hay là có rất nhiều việc phải làm nhưng không thể làm gì cả. Và các anh em không thể nói rằng tôi dùng thời gian đó vào việc đọc tiểu thuyết là không chính đáng.

       Ngày thứ nhất tôi dùng để nghỉ ngơi. Nhà văn đã có. Tác phẩm đã có. Người đọc đã có. Sách thì tôi biết rồi, trong ấy chỉ có Lời. Lời chi chít trên giấy không có chỗ nào xuống hàng, không có chỗ nào phân tách. Một khối chữ dày đặc tối tăm.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

“Chết trong ngày Chúa Nhật”– cơn hồng thủy?


       Trong tháng vừa rồi có một sự kiện, đó là một cuốn tiểu thuyết gần chục năm nay lăn lóc chu du qua cửa các nhà xuất bản nhưng chưa từng được nơi nào đón nhận, đã đến tay người đọc bằng câu thần chú “lưu hành nội bộ”.
       
       Mấy năm trước tôi nghe có nhà phê bình nói rằng văn học Việt Nam những năm gần đây “không có tác phẩm”, họ cũng phủ nhận sự tồn tại của “văn học ngăn kéo”. Tôi thì lười nên vẫn cứ trông chờ những người đọc chuyên nghiệp và chăm chỉ. Thông tin ra sách vẫn ào ào và trong đó rất nhiều tác phẩm “gan ruột” của các cây bút, nhưng tôi vẫn chưa thể quan tâm. Tôi không đọc. Các nhà phê bình hình như đã rút vào “cổ mộ” thì phải, âm thanh từ phía họ không vang đến tôi.
       
       Tôi không nghiên cứu phê bình văn học cũng không làm nghề xuất bản, chuyện nước nhà có hay không có tác phẩm văn học “ra hồn” không phải chuyện của tôi. Tôi không cần vội.
       
       Thế mà tôi đã vội vã đọc “Chết trong ngày Chúa Nhật” ngay khi sách vừa lưu hành. Có mấy động cơ đồng thời. Thứ nhất là cơ hội tìm hiểu khung thẩm mỹ văn chương và mức độ kiểm duyệt (bị phàn nàn bất bình quá nhiều) của các nhà xuất bản hiện tại. Thứ hai là tò mò muốn biết với nhịp văn (đều đều chán ngắt) như ở vài trang hé lộ trước thì người viết chuyển nhịp kiểu gì, còn trong trường hợp cả sáu trăm trang (nghe nói là không hề xuống dòng) vẫn giữ nguyên nhịp như vậy thì thần kinh của tôi có tiếp nhận được suôn sẻ không, trong khi có những người chỉ xem một trang đã bỏ cuộc vì họ sợ đọc một thứ như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm hứng đọc văn chương của họ. Thứ ba là… Có động cơ thứ ba nữa không nhỉ? Có chứ! Nhưng động cơ này mơ hồ khó gọi tên ra được, có lẽ đó là linh cảm.