Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Tâm Kinh dùng để… ăn sáng

       Đáng lẽ tôi chưa định kể câu chuyện này, nhưng mấy ngày nay giao lưu với những người bạn vui tính trên facebook, chúng tôi có “buôn dưa lê” đôi chút về chuyện bản dịch Tâm Kinh của ông Thích Nhất Hạnh. Tôi không tìm hiểu kinh sách của Phật giáo, nhưng cũng buột miệng khoe rằng tôi có biết một công dụng của Bát Nhã Tâm Kinh, đó là người ta dùng nó để ăn sáng. Đã mất công lục lại kỷ niệm, tôi nghĩ biết đâu câu chuyện lại có ý nghĩa với ai đó, bởi vì ít nhất nó cũng có nhiều ý nghĩa với tôi.

       Cách đây gần chục năm, vào thời điểm mà sư thầy Thích Tâm Mẫn của chùa Hoằng Pháp đã rời điểm xuất phát đâu như chừng ba tháng trên đường Bắc tiến "nhất bộ nhất bái", tôi có kết giao với hai người bạn bên Phật giáo, họ thuộc thế hệ 8X. Đó là những thanh niên rất thú vị.

       Thanh niên thứ nhất (V) là một võ sư. V dạy võ miễn phí cho thanh thiếu niên ở sân đình gần nhà cậu ấy, ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh. V giỏi hơn nhiều võ sư dạy ở các trung tâm mà tôi từng biết. Cậu ấy làm nghề y, y lý vững vàng mà y thuật cũng tinh xảo, bắt mạch tốt hơn các thầy thuốc đông y trong bệnh viện của chúng tôi. V là một cư sĩ Phật giáo. Dường như V trăn trở về đường đạo từ lúc sinh ra. V tu tỉ mỉ mọi đường. Tính V kiên nhẫn mềm mỏng mà ý chí thì cương quyết. Giọng nói của V nhỏ nhẻ gần giống phụ nữ, lời nói thì văn vẻ thận trọng cầu kỳ, đến nỗi đôi khi tôi sốt ruột vì “ái ngữ” của cậu ấy.

       Thanh niên thứ hai (T), như tự nhận vốn là một kẻ… lêu lổng, sành sỏi ăn chơi. T bỏ nghề giáo viên ra ngoài kinh doanh điện thoại di động, việc bon chen với đời của T dường như dễ dàng vì cậu ấy rất nhanh thạo đời. Nhưng mọi chuyện không còn dễ dàng nữa từ khi T gặp V. Cậu ấy mê V hơn mê gái. Cuộc gặp gỡ của họ nghe rất “hài hước lãng mạn”. Với bản tính hiếu kỳ và hiếu thắng, “trẻ trâu” T tìm đến V gây sự, vì nói gì thì nói, T cũng ở ngay cùng xã với V, chỉ là làng trên xóm dưới, danh tiếng V có lẽ vang khắp vùng, T muốn kiểm chứng. Không rõ T gây gổ kiểu gì, chỉ nghe T kể rằng cậu ấy đã bị bắn ra cửa với một công lực mà voi cũng phải bay. Hừm cái thằng cha V, trông loẻo khoẻo như thế mà hắn làm thế nào được vậy nhỉ? Đấy, ở đời mà muốn kết bạn thú vị nhiều khi cứ phải đánh nhau, cách khác không nghiệm hay sao ấy. Nhưng T không mê võ của V mà mê… Phật pháp. Ôi quả thực lại có thứ mở mang trí tuệ được vậy chăng, không phải là huyền thoại? Rõ ràng V là kẻ trí tuệ nhất mà T từng gặp trong đời.

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Từ điển Nguyễn Lân và câu chuyện về sự vô lễ - II

II – ĐIỀU NHẦM LẪN THỨ BẨY – SỰ VÔ LỄ

       Thưa quý vị!
       Ai cũng có lúc trải qua nhầm lẫn, không điều nọ thì điều kia. Nếu muốn thì tự mỗi người trong chúng ta cũng có thể liệt kê ra cho mình những điều nhầm lẫn từng mắc phải trong đời mà không phải khi nào cũng dễ xác định hậu quả của chúng nghiêm trọng đến đâu.
       Khi tôi đăng phần I của bài viết này, có người đọc đã nghĩ rằng tôi chỉ mượn chuyện bà Vòm Trời Riêng để tiếp cận vấn đề. Họ đã nhầm lẫn. Tôi viết bài này với lý do trước tiên cũng là lý do quan trọng nhất, đó là để giữ lễ với bà Vòm Trời Riêng.
       Cho dù bà Vòm Trời Riêng có nhầm lẫn và phi lý đến đâu thì tôi cũng không thể phủ nhận là bà ấy đã bỏ thời gian và nhiệt tình để viết những lời bình luận, chất vấn và than thở. Cho dù tôi và nhiều người chỉ biết bà ấy qua một “nick name” đi chăng nữa, tôi vẫn chấp nhận rằng bà ấy là một nhân vật có thật, xuất hiện và giao lưu ở BTV, tự giới thiệu bản thân bà ấy là một nhà giáo, tức là vai trò trách nhiệm của bà ấy trong xã hội cũng tương tự như ông Nguyễn Lân và ông Nguyễn Lân Dũng. Bà ấy không phải một nhân vật vu vơ mà là người đã giao lưu với tôi trên blog suốt 4 năm qua. Tôi không bao giờ nói bà ấy là một “kẻ hèn nội gián”, mặc dù khi tôi nói tôi sẽ thực hiện bài viết này, có bạn đọc ngăn cản tôi vì cho rằng tôi đang bị bà Vòm Trời Riêng “giật dây”, rằng bà ấy đang mượn tay tôi để làm lớn chuyện về gia đình Nguyễn Lân. Những ai đang tưởng tượng ra những “âm mưu” có thể giữ lại những điều tưởng tượng đó cho riêng mình, nhưng họ không thể thuyết phục tôi rằng đó là câu chuyện nghiêm túc.
       Có một điều tôi không dám cho là bà Vòm Trời Riêng nhầm lẫn: Bà ấy nhắc đi nhắc lại rằng những chuyện ngoài học thuật trong vụ từ điển Nguyễn Lân là chuyện lớn, là chuyện nghiêm trọng. Bà ấy đòi hỏi tôi giữ lời hứa viết bài về chuyện đó, trong khi không chịu để tâm khi bà Phan Lan Hoa đưa ra link bài báo dẫn chứng về việc ông Nguyễn Lân cư xử “ngoài học thuật” như thế nào. Điều đáng nói là sau đó cũng có người ở BTV đưa ra với tôi thắc mắc về vụ phê bình từ điển Nguyễn Lân, mà điều họ thắc mắc cũng không phải vấn đề học thuật. Họ ngạc nhiên không hiểu sao nhiều người phê phán gia đình Nguyễn Lân nặng nề như thế, trong khi họ cảm thấy ông Nguyễn Lân Dũng thật là dễ mến dù chỉ qua một lần tiếp xúc, liệu còn những điều gì ẩn khuất nữa chăng? Tôi nghĩ là tôi hiểu được cảm nhận của họ. Tôi giống họ là có duyên quen biết với ông Nguyễn Lân Dũng qua giao lưu ở BTV, bản thân tôi gặp ông ấy ở ngoài đời không chỉ một lần, và lần nào thì ấn tượng của tôi về ông ấy cũng vẫn thế, không thay đổi: Một người dễ mến, dễ gần, nhẹ dạ, không thâm hiểm.

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Từ điển Nguyễn Lân và câu chuyện về sự vô lễ - I

       I - BẨY ĐIỀU NHẦM LẪN CỦA BÀ VÒM TRỜI RIÊNG

       Thưa bà Vòm Trời Riêng!
       Theo quan sát của tôi, chất lượng những cuốn từ điển của tác giả Nguyễn Lân ra sao là một vấn đề đã ngã ngũ, bàn luận thêm về nó chỉ là chuyện dư thừa. Còn tại sao cuốn sách phê bình từ điển Nguyễn Lân của tác giả Hoàng Tuấn Công mới ra lại gây sốt trong dư luận và nhận được sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có tôi, cũng không là vấn đề phải cần đến tôi để làm sáng tỏ.
       Tôi vốn không có ý định viết bài nào xoay quanh đề tài này, nhưng tôi không thể coi thường bà, sự nhầm lẫn của bà làm tôi phải suy ngẫm. Có lẽ chính vì những chuyện như thế đã bị bỏ qua không được làm rõ, bị né tránh vì thói ngại va chạm của người Việt, nên những người đã nhầm lẫn vẫn cứ nhầm lẫn mãi vì không có ai kiên nhẫn giúp họ nhận ra là mình đã nhầm cả.
       Ông Tín Nhiệm, một blogger ở Blog Tiếng Việt (BTV), đã muốn làm người kiên nhẫn giúp ông Nguyễn Lân Dũng thoát khỏi sai lầm trong thái độ với ông Hoàng Tuấn Công. Như nhiều người đã biết, ông Nguyễn Lân Dũng là một trong những người con của ông Nguyễn Lân, cũng là một blogger lâu năm ở BTV. Ông Nguyễn Lân Dũng được nhiều người biết đến cũng một phần do ông xuất hiện nhiều trên truyền thông với tư cách một nhà khoa học, không phải ngẫu nhiên mà ông tự nhận mình là “người của công chúng”. Khi một người là người của công chúng, nhất cử nhất động của người ấy đều có thể được công chúng quan tâm phân tích mổ xẻ, vì hình ảnh của người ấy ảnh hưởng đến xã hội nhiều hơn những người khác, đặc biệt khi người ấy lại là một nhà giáo như ông Nguyễn Lân Dũng.
       Việc ông Tín Nhiệm đăng “thư ngỏ” gửi ông Nguyễn Lân Dũng là một việc bất đắc dĩ, vì theo như ông trình bày, nội dung thư ấy đã được ông gửi qua email cho ông Nguyễn Lân Dũng để đáp lại thư của ông Nguyễn Lân Dũng gửi đến cá nhân ông Tín Nhiệm sau khi ông Tín Nhiệm đăng trên blog một bài viết giới thiệu sách của ông Hoàng Tuấn Công trong tinh thần ủng hộ công trình ấy (“Đọc "Phê Bình từ điển của GS Nguyễn Lân"- Hậu Sinh Khả Úy”). Ngoài đường link những bài viết có ý phản đối tác phẩm “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, trong email ông Nguyễn Lân Dũng gửi ông Tín Nhiệm có một đoạn viết như sau:

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Ba câu chuyện và đôi lời bàn

       Bài này đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 09-4-2014. Nay đăng lại ở đây với mục đích lưu trữ. Các comment cho bài viết này cũng được đăng kèm vì giá trị của chúng.

       Câu chuyện thứ nhất: Một chuyện có thật.
       Chuyện “có thật” này không phải là có thật, mà là… truyện cổ An-đéc-xen. Tôi xin phép trích vài đoạn hầu quý vị.
       “- Thật là một câu chuyện rùng rợn! Mụ gà mái già ở bên làng, nơi diễn ra tấn thảm kịch kêu lên như vậy. Sân khấu của câu chuyện rùng rợn ấy là một cái chuồng gà. Thật tình là đêm qua tôi sợ chẳng dám ngủ một mình. May sao chúng tôi lại đậu đông cả trên cùng một cầu.
       Rồi mụ bèn kể lể sự biến ấy với một giọng làm cho cử tọa, kể cả lão gà sống có bộ mào rủ, cũng phải sợ dựng đứng cả lông lên:
       - Việc ấy xảy ra trong chuồng gà, bên cạnh chuồng tôi. Mặt trời lặn, bọn gà mái leo cả lên cầu. Trong bọn có cô ả lông trắng, chân ngắn, đẻ trứng rất đều, và xưa nay chưa từng có điều tiếng gì. Leo lên đến cầu, ả ta bèn lấy mỏ rỉa lông. Một cái lông nhỏ rơi ra, ả lẩm bẩm: thế là mình lại rụng mất lông rồi! Ả có tính hay nói đùa; ngoài ra, như tôi đã nói, chả ai chê trách ả ta được điều gì. Sau đó ả ta ngủ thiếp đi.
       Trời tối đen như mực. Bọn gà mái đậu xít vào với nhau. Một đứa, đậu gần ả gà mái trắng vừa nói lúc nãy, không ngủ. Mơ màng nghĩ cách sống sung sướng trên đời này, nó đang muốn tán gẫu tí chút với một đứa bạn.
       - Này, đằng ấy có nghe người ta nói gì không? Tớ không muốn chỉ đích danh, nhưng một cô ả vừa thú nhận rằng đã chải lông để làm đỏm. Tớ mà là gà sống thì cứ là tớ khinh đứt!”

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Nói gì với Hùng John?

 Tùy bút của Ái Nữ     

        "Vấn đề lớn hơn ở đây là vấn đề về xã hội. Tại sao người Việt Nam cứ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhau để kiếm tiền, từ ngành dịch vụ đến bán sản phẩm… Sự lừa dối này đang làm cho xã hội hiện tại của chúng ta bị xấu đi và hơn thế còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai. Hùng đã viết một cuốn sách về việc nuôi dạy con ở Việt Nam. Nhìn thấy những việc như thế này, Hùng càng nghĩ nhiều hơn đến việc trở về Mỹ khi mình xây dựng một gia đình và có con. Một quyết định như thế không hề dễ dàng, bởi vì Hùng đã chấp nhận về Việt Nam và định sống ở đây. Chuyện gì đã xảy ra với một Việt Nam mà mọi người tin tưởng và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh như bà ngoại Hùng đã kể cho Hùng? Ký ức của bà ngoại về Việt Nam có lẽ chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ mà Hùng sẽ không bao giờ thấy được?"
       Đó là lời của tác giả cuốn sách "John đi tìm Hùng" trong một status trên Facebook sáng nay.
      "Nói gì với Hùng John?" được đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 01-4-2014.


       Ồ, xin được nói ngay với các bạn rằng tôi không gặp chuyện gì mắc mớ với anh chàng Hùng John cả. Thậm chí tôi cũng chẳng để ý đến cậu ta lắm, bao nhiêu dòng chữ trên truyền thông cũng chỉ giúp tôi nhớ được là cậu ta có viết một cuốn sách với nhan đề “John đi tìm Hùng” để kể về một chuyến đi của bản thân. Thông tin ấy không hấp dẫn tôi, bởi vì như các bạn biết đấy, mấy năm gần đây người ta đi nhiều quá, kể nhiều quá, cho nên một người dù hiếu kỳ như tôi cũng chẳng muốn tò mò thêm về những chuyến đi nữa.
       Chắc các bạn còn nhớ chuyến đi “nhất bộ nhất bái” của nhà sư Thích Tâm Mẫn kéo dài gần bốn năm ròng rã chứ? Là bác sĩ, tôi không dám khuyên ai làm chuyện tương tự, vì một “chương trình luyện tập” như thế có vẻ phản khoa học và bất lợi cho sức khỏe. Còn về tâm linh, cá nhân tôi không tin rằng “cuộc hành xác vĩ đại” này có thể khiến Trời Phật động lòng mà phù hộ cho Việt Nam “quốc thái dân an”, nhưng tại sao sư thầy Thích Tâm Mẫn cứ nhất quyết phải làm như thế thì chỉ thầy ấy mới biết, tôi không dám bàn luận. Trời Phật có cảm động hay không thì chả ai rõ, nhưng rõ nhiều người động tâm cãi nhau chí chóe trên mạng về chuyến đi của đại đức Thích Tâm Mẫn, ít nhất thì cũng vì lý do… gây cản trở giao thông. Chẳng là thầy ấy không phiêu lưu một mình, mà có cả một bộ phận dẹp đường, “tiền hô hậu ủng”, trong khi đường sá ở Việt Nam thì chật hẹp.
       Lại còn chuyến đi của Huyền Chip. Tôi không đọc sách của Huyền Chip, vì tôi không đủ sức và thời gian đọc tất cả những cuốn sách người ta viết ra, và vì lời phê bình của bạn Acemediavn Trẻ Trâu* cho tôi biết cuốn sách ấy không hợp “khẩu vị” của tôi. Nhưng không vì thế mà tôi không thiện cảm với cô gái Huyền Chip, dù sao nhiều người cũng nên cảm ơn cô ấy đã giúp các bạn đọc được thử thách trong “trường văn trận bút” của một cuộc cãi lộn mà không bên nào giành được phần thắng.

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Hẹn với Dũng

Tùy bút của Ái Nữ      

       Câu chuyện xảy ra cuối năm Mười Ba, được kể lại trên Blog Tiếng Việt. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vốn hòa đồng, thích giao lưu, ông đã hẹn tôi đến những cuộc giao lưu của Blog Tiếng Việt nhiều lần nhưng tôi đều từ chối, vì chưa cảm thấy thích hợp. Nhưng lần này là kỷ niệm mười năm ngày mất của thân phụ ông, cụ Nguyễn Lân. Tôi thấy đây là dịp thích hợp để đáp lễ, cũng tiện giải mối nghi ngờ cho các blogger của Blog Tiếng Việt, kẻo họ cứ mất công dò tìm xem tôi là nhân vật nào trong làng văn giấu mặt để... gây sự. Có người về sau còn cho tôi biết họ tưởng tôi là một lão già trong giới khoa học và có thù oán với giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Họ biết tôi làm sao được, vì bản thân tôi cũng có biết ai vào với ai đâu. Tôi sống xa môi trường văn chương sách vở, thậm chí trước đó còn chẳng biết cụ Nguyễn Lân là ai, giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì tôi biết vì từng nhìn thấy trên ti vi và nhớ được ông vì phong cách nói chuyện dí dỏm. Sự xuất hiện offline của tôi khiến các blogger trố mắt rồi phì cười, vì thấy tôi... vô hại quá. Tôi đúng là Mèo thật, còn Cọp là họ tự tưởng tượng ra thôi.
       Bài dưới đây đăng trên Blog Tiếng Việt vào ngày 17-12-2013.

       Buổi sáng ngày Chín tháng Mười Hai tôi qua tiệm sửa xe để thay dầu cho chiếc moto cũ kỹ. Tôi phàn nàn vì xe này hao dầu nhanh quá. Anh thợ sửa xe giải thích rằng với một cái xe cũ thì không thể mong đợi gì hơn, nhất là nếu chạy đường dài thì dầu sẽ bẩn rất nhanh.
       Đúng là cái xe của tôi thường xuyên phải chạy đường dài. Tôi đã hẹn với Dũng chiều hôm ấy tôi sẽ đến Hà Nội và ngủ nhờ phòng trọ của cậu ta ở Cổ Nhuế. Dũng là cậu em đồng môn của tôi hồi chúng tôi học Karate ở võ đường Nghĩa Dũng do thầy Nguyễn Văn Dũng sáng lập. Lớp trưởng của chúng tôi hồi ấy cũng tên là Dũng, biệt hiệu Dũng “chì”. Anh Dũng “chì” lúc ấy là sinh viên đại học công nghiệp, tính trầm tĩnh ít nói, sau này làm kỹ thuật cho một nhà máy của quân đội. Dũng mà tôi hẹn lần này là Đặng Đình Dũng, học ở đại học bách khoa ra và làm việc trong lĩnh vực tin học. Tính cậu ta rất trẻ con nên lúc nào cũng chịu làm một đứa em ngoan ngoãn của tôi.
       Thật ra tôi còn có thể tá túc ở những chỗ khác mà không cần phải chiếm cái gác xép nhỏ bé của Dũng, nhưng tôi thích thế, vì chuyến đi lần này của tôi rất đặc biệt. Chỉ có Trời mới biết tại sao có nhiều người tên là Dũng liên quan đến cuộc đời tôi, không có mối quan hệ nào của tôi với một người tên là Dũng mà dừng lại ở mức độ tầm phào. Lần này tôi đến thủ đô vì có hẹn với chữ “Dũng”: tất cả những người tôi hẹn gặp đều tên là Dũng. Người đầu tiên hẹn tôi là giáo sư Nguyễn Lân Dũng, người thứ hai mà tôi hẹn là bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng, và người thứ ba là anh Phạm Trung Dũng. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với ba người này, tôi hẹn với Đặng Đình Dũng, vì chỗ cậu ta rất gần trường đại học sư phạm Hà Nội, nơi sẽ diễn ra hội thảo về giáo sư Nguyễn Lân vào ngày Mười tháng Mười Hai, hội thảo đó là lý do để tôi xuất hành chuyến này.

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Mua bán dâm - "Thuận mua vừa bán"?

       Đây không phải là một bài viết độc lập, mà là comment trao đổi với tác giả một bài viết trên báo NCTG, trao đổi này thực hiện trên facebook vào cuối năm ngoái. Lý do tôi đăng lại comment này ở đây là vì vài ngày qua trong những dư luận xung quanh một vụ án đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng, có những người trong khi bày tỏ sự thông cảm với nhân vật đã quá đà khi cho rằng bán dâm chẳng qua cũng là một nghề như bao nghề khác, những người coi khinh nó chỉ là đạo đức giả. Điều đáng nói là số người đó không ít như tôi muốn hình dung, hơn nữa họ còn có những đại diện “nặng ký”, giống như tác giả bài viết “Nghĩ về gái bán hoa” đăng báo cách đây nửa năm vốn là một nữ giảng viên đại học. Comment của tôi không nhận được hồi đáp dù tích cực hay tiêu cực, nhưng tôi xem sự im lặng cũng là một cách trả lời, mặc dù tôi không chắc là tôi có thể đọc được câu trả lời ấy. Chuyện đã qua nên tôi không có ý định tiếp tục đối thoại với tác giả bài viết nữa, chỉ là những mắc mớ này vẫn còn đó, vẫn hiển hiện và không biết đến bao lâu, khi trên mạng xã hội vẫn rất nhiều người “tân tiến” cho rằng “không thể và không nên kỳ thị con người qua nghề nghiệp” mà với họ bán dâm là một nghề nghiệp bình đẳng với những nghề nghiệp khác. Và không ít những người “đạo đức” coi khinh nghề bán dâm nhưng không hiểu sâu xa mà đơn giản là vì họ không lâm vào hoàn cảnh đó. Đau xót là trong xã hội này, người bán dâm bị coi khinh nhưng những kẻ mua dâm lại vẫn được xem là tử tế nếu “ăn bánh” mà trả tiền “sòng phẳng” không quỵt.
       26-6-2017

       H.A ngay từ đầu đã tự nhận mình là "cực kỳ thiếu thực tế" trong chuyện này, đồng thời có tính "nghĩ sao nói vậy". Ở comment phía trên, tác giả bài viết tiếp tục khẳng định mình "không tin việc làm gái bao hay mãi dâm có gì liên quan đến nhân phẩm". Qua đó tôi thấy H.A mơ hồ cả về tư cách của gái bán dâm cũng như mơ hồ về khái niệm "nhân phẩm". Liệu đó có phải là hậu quả của việc sống quá lâu trong một xã hội mà cứ "thuận mua vừa bán" là coi như đã "chơi đẹp" và "tử tế là một sự tế nhị có đi có lại" (lời một nhân vật trong phim "Chuyện tử tế")? Người ta đánh mất ý thức về nhân phẩm, nên không còn hiểu được "nhân phẩm" là gì nữa. Khi viết comment này tôi rất buồn. Tôi sợ rằng tôi không đủ sức làm cho H.A hiểu được những gì tôi muốn trao đổi.

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Bóc băng phỏng vấn cụ Lê Đình Kình ngày 16-6-2017

       Ngay sau quyết định của công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án bắt giữ 38 con tin ở xã Đồng Tâm ngày 13-6-2017, theo lời kể của cụ Lê Đình Kình thì đã có những 8 đoàn báo chí đến thăm và phỏng vấn cụ vào ngày 14-6, nhưng trong thực tế thì những người quan tâm theo dõi cuộc đấu tranh ở xã Đồng Tâm không có được một thông tin nào đáng chú ý từ các báo chính thống, mà chỉ có thông tin về cuộc điện thoại giữa cụ Kình với chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung qua Facebook của võ sư Lương Ngọc Huỳnh và qua một bài của BBC phỏng vấn cụ về cuộc điện thoại ấy (chắc là BBC phỏng vấn cụ qua điện thoại như họ thường làm thế khi phỏng vấn các nhân vật trong nước).
       Phải đến ngày 16-6-2017, khi một nhóm gồm hai nhà hoạt động bất đồng chính kiến là Vũ HằngHồng Thái Hoàng đến xã Đồng Tâm, phát sóng trực tiếp trên Facebook cá nhân của họ cuộc trao đổi trò chuyện của cụ Lê Đình Kình thì một số thông tin về cụ kể từ sau khi bị bắt đến hiện tại mới được mở ra. Khó có thể hình dung được sự quan tâm của của cộng đồng mạng đến câu chuyện cụ Kình kể ở mức nào, nếu như bản thân tôi không có một trải nghiệm nhỏ: Facebook cá nhân của tôi vốn thường dùng để trưng hình hoa lá, chia sẻ lặt vặt, ít người "lai vãng", nếu tôi post một video nào đấy dù thuộc loại nóng đến mấy (đề tài xã hội) cũng chỉ được cao nhất gần một nghìn lượt xem sau hàng tháng trời. Nhưng lần này, khi tôi đăng tải lên video về câu chuyện của cụ Kình ở Đồng Tâm (đăng sau livestream của Vũ Hằng và Hồng Thái Hoàng hai tiếng rưỡi) thì đột ngột video từ Facebook của tôi được chia sẻ rất rộng làm tôi kinh ngạc, chỉ sau 5 ngày đã có 84000 lượt xem, vượt xa cả số lượt xem video gốc của hai nhà hoạt động kia cộng lại. Sau đó video đầy đủ cuộc trò chuyện (từ livestream của FB Hồng Thái Hoàng) đã xuất hiện trên nhiều tài khoản Youtube nhưng với những tiêu đề rất phản cảm không sát với nội dung, cũng thu hút được nhanh chóng rất nhiều lượt xem. 
       Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, đa số người xem nghe cụ Kình kể chuyện qua video chỉ chú ý đến tình tiết cụ Kình bị công an đá một phát văng đi và gẫy xương đùi như thế nào, bị còng tay và nhét giẻ vào miệng ra sao, về quan điểm của cụ rằng đó là một vụ thủ tiêu bịt đầu mối bất thành, mà không quan tâm đến nhiều chi tiết quan trọng khác thể hiện qua câu chuyện kể của cụ, liên hệ chúng với nhau để có một bức tranh toàn cảnh hơn. Theo tôi một phần nguyên nhân dẫn đến sự "lơ đãng" này là do theo dõi qua ghi âm rất khó tập trung, không được như khi đọc. Cũng đã có người xem phàn nàn về điều này. Vì vậy tôi đã bỏ thời gian để "bóc băng" toàn bộ video dài 38 phút một cách tỉ mỉ nhất có thể, giữ nguyên văn phong văn nói của nhân vật, thậm chí những "rằng thì mà là" cũng bớt đi rất ít, chủ yếu cắt từ "tức là" mà cụ Kình dùng để đệm liên tục nhưng không liên quan gì đến logic của câu nói, và có vài từ ở vài chỗ tôi nghe không ra thì bỏ trống và chú thích rõ là nghe không được, nhưng những từ mất này không ảnh hưởng đến thông tin. Những chỗ cụ Kình xưng hô không thống nhất từ đầu tới cuối, lúc xưng "ông" gọi "các cháu", lúc xưng "tôi" gọi "các chị" hay "các đồng chí", tôi cũng giữ nguyên không biên tập.

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần cuối

       Đúng là Nguyễn An Dân đã không được yên, nhưng không phải do tôi. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ liệu có phải anh nghi ngờ tôi là công an không, vì tôi phỏng vấn anh mà chả thấy bài báo nào đăng lên.
       Ngày 13-4-2017, Nguyễn An Dân đăng trên Facebook lời mời một cuộc “nhậu” vào tối 15-4 ở Sài Gòn, những ai tham dự thì đăng ký qua hộp thư Messenger, địa điểm hẹn được thông báo riêng cho từng người vào sát giờ hẹn. Nhưng tôi không thể tham dự, vì lúc đó tôi đã rời xa Sài Gòn.
       Ngày 16-4, trong khi mạng Facebook nóng lên từng giờ với thông tin mấy chục viên cảnh sát cơ động bị người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bắt giữ làm con tin thì tài khoản Facebook của Nguyễn An Dân đã biến mất tăm, đồng thời fanpage Nhóm Biển Xanh cũng không còn tồn tại. Suốt một ngày vẫn không thấy đâu, gọi vào số điện thoại của anh cũng không có người bắt máy. Sáng 17-4, anh xuất hiện trở lại trên Facebook với tài khoản mới. Không phải tài khoản Facebook cũ của anh bị hack, mà anh tự hủy nó. Nhóm Biển Xanh đã chủ động đóng fanpage.
       Nguyễn An Dân không hề nhắc đến buổi “nhậu” tối 15-4 trên trang Facebook cá nhân mới, anh chỉ nói công an đã yêu cầu một số bạn trẻ của nhóm Biển Xanh viết cam kết rời bỏ nhóm. Còn theo thông tin mà K, người tạo trang fanpage Nhóm Biển Xanh cung cấp riêng cho tôi, thì buổi gặp hôm đó có 7 người bao gồm cả Nguyễn An Dân và K. Có cả N.H.A, đại diện miền Bắc của nhóm từ Hà Nội vào. Trong 4 người còn lại thì có 2 người là công an. Tất nhiên K chỉ biết điều này khi K và N.H.A được công an Sài Gòn mời ngay sau cuộc “nhậu”. K cho biết mình đã phải viết cam kết không tiếp tục ủng hộ nhóm Biển Xanh.

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 3

       Mặc dù Nguyễn An Dân là một cây bút được biết đến từ vài năm nay, nhưng anh mới lộ diện với cộng đồng mạng từ vài tháng trở về đây trong những cuộc gặp gỡ “offline” với bạn bè Facebook. Khi chương trình “Minh bạch Formosa” được khởi xướng, những người công khai ủng hộ anh và ra mặt đại diện cho nhóm Biển Xanh cũng là những nhân vật rất mới mẻ. Họ không phải những “hot facebooker”. Nguyễn Hoành Hùng, đại diện phía Nam của nhóm Biển Xanh cho biết rằng anh và Nguyễn An Dân gặp nhau vì cùng mối quan tâm chung là chính trị.
       Nguyễn Hoành Hùng là một trong những người điều hành fanpage Nhóm Biển Xanh. Từ giới thiệu của Nguyễn An Dân, anh đã cho tôi tham gia vào group kín của nhóm trên Facebook. Mặc dù nhóm để chế độ kín, nhưng những trao đổi ở đây cũng không có gì bí mật, chỉ là bàn luận về việc làm sao để việc thu thập chữ ký được hiệu quả. Có người đề nghị tổ chức những buổi công khai tụ tập ký tên để lấy tinh thần cũng như quảng bá hình ảnh hoạt động của nhóm, nhưng Nguyễn An Dân tỏ ra cảnh giác và không khuyến khích, anh lưu ý các thành viên về khả năng bị lực lượng an ninh cản trở. Còn tôi, sau khi post lên group ảnh chụp một tờ phiếu có chữ ký của mình và địa chỉ kèm số điện thoại, tài khoản Facebook của tôi lập tức bị vài lần tấn công. Cũng có thể đó chỉ là tình cờ ngẫu nhiên, vì dạo này rất nhiều người than phiền về tình trạng tài khoản Facebook bị hack.
       Bài phỏng vấn Nguyễn Hoành Hùng là nội dung chính của kỳ 3 phóng sự mà tôi gửi về cho báo X.

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 2

       Ngày 05-4, tôi đã gặp nhà hoạt động Nguyễn An Dân và thực hiện được cuộc phỏng vấn. Bài tôi gửi về làm đau đầu tổng biên tập báo X, vì vừa thừa vừa thiếu cho báo của anh. Anh nói sẽ trao đổi kỹ với tôi trong quá trình biên tập, anh có thiện chí không muốn nhân vật Nguyễn An Dân và nhóm Biển Xanh bị chụp mũ vì những phát biểu trong bài phỏng vấn này. Tuy vậy, do điều kiện hoàn cảnh có những sự việc bất ngờ xảy đến làm cho chúng tôi không có thời gian để trao đổi nhiều, tôi chỉ biết anh đã biên tập nhưng rồi lại hoàn toàn không hài lòng với kết quả.
       Báo X thường không đăng những bài phỏng vấn trực tiếp như vậy. Mặc dù tôi cố nhét bài phỏng vấn vào trong một kỳ phóng sự, nhưng nó vẫn chình ình choán gần hết bài. Nếu đột nhiên xuất hiện bài phỏng vấn này trên báo X, người ta có thể sẽ nghĩ báo X giờ chuyển thành… “lề trái”. Tôi đoán đó là cái khó cho tổng biên tập, vì báo X xưa nay vẫn trung lập, và “hiền”.
       Có cần phải lo nhân vật Nguyễn An Dân bị chụp mũ không? Tôi cho là không. Theo những thông tin mà anh từng tiết lộ trên Facebook cá nhân, cách đây hơn mười năm anh bị nhà cầm quyền tống giam do có liên quan đến một vụ âm mưu lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Gần một năm ở trong tù, đối thoại với những cán bộ an ninh có trình độ, tư tưởng của anh đã thay đổi, anh nhận ra rằng đối đầu chống Đảng Cộng Sản là chuyện viển vông, cần phải có phương pháp đấu tranh khác. Chủ động góp phần thúc đẩy sự chuyển hóa trong nội bộ Đảng Cộng Sản là điều anh tin có thể làm. Giờ anh là người đấu tranh theo đường lối ôn hòa. Nhưng dù vậy, anh vẫn là người đối lập chính trị.
       Nguyễn An Dân trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn, không chút úp mở. Anh có phản xạ rất nhanh trước mọi câu hỏi và thể hiện lập trường vững chắc, cũng như thể hiện sự tự tin về sức ảnh hưởng cá nhân. Trong những phát biểu của anh, tôi đặc biệt chú ý đến đoạn anh nói về vai trò của các linh mục Công Giáo trong phong trào đấu tranh của người dân ở miền Trung, vì trước đó tôi chưa được nghe ai nói vào vấn đề này rõ ràng như thế.
       Không nghi ngờ gì, gây áp lực để lập tư thế đối thoại là mục đích của nhóm Biển Xanh. Còn tôi, tại sao tôi không tiếp cận nhóm Biển Xanh bằng con đường khác dễ dàng hơn để khai thác thông tin mà lại chọn tư cách báo chí? Bởi vì tôi cũng quan tâm đến tư thế đối thoại.
       Nội dung bài mà tôi gửi về cho báo X:

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Đối thoại tháng Tư - Phần 1

       Ngày 03-4-2017, tôi trao đổi với tổng biên tập một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài:
       “Anh có muốn đưa bài về hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam không?”
       “Có đấy. Em viết đi!”
       “… Hoạt động của họ minh bạch đến mức nào, gặp khó khăn thuận lợi ra sao, đoàn kết hay bất đồng… Bắt đầu như thế được chứ?”
       “Được. Mình thử làm xem sao.”
       Hành trình tháng Tư của tôi bắt đầu, lần theo một đầu mối.
       Cứ vài ngày tôi lại gửi về tòa soạn những gì tôi thu thập được, chủ yếu là những bài phỏng vấn mà tôi đã thực hiện. Tôi cũng không biết tổng biên tập của tờ báo sẽ biên tập kiểu gì để dùng. Họ chưa có phóng viên thực địa ở Việt Nam và đề tài này là hoàn toàn mới đối với họ. Chả lẽ lại đột ngột đăng bài phỏng vấn những nhân vật mới toanh và khá vô danh? Tôi đã để những bài phỏng vấn nằm trong phóng sự viết khá sơ sài, chỉ có nội dung phỏng vấn là thông tin đáng kể. Một món ăn khó nấu. Nhưng đây không phải văn chương, không phải là câu chuyện của riêng tôi, mà là câu chuyện tôi muốn trực tiếp khám phá. Tôi không thể biết trước tôi sẽ gặp những điều gì. Nếu tôi để đến kết thúc mọi diễn biến mới viết bài thì tính thời sự của thông tin sẽ giảm và không chắc đó là hành động khôn ngoan nhất. Tôi muốn cho tổng biên tập của tờ báo biết tôi đã làm như tôi nói. Có lẽ anh rất “khó ở” với bài gửi về của tôi, nhưng là một kẻ ích kỷ, tôi không quan tâm quá nhiều về điều đó. Tôi cần tư cách của tờ báo để tiếp cận với nhân vật.
       Phóng sự được tôi đặt tên là “Nhóm Biển Xanh với người dân và Formosa”. Sau đây là nội dung 3 kỳ mà tôi lần lượt gửi về tòa soạn: