Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

"CON ĐƯỜNG ĐẠI ĐẠO?"


       Đó là tiêu đề của buổi livestream tối 11-12-2024 cũng là buổi phát sóng trực tiếp đầu tiên của ông Báu trên kênh Youtube mới lập mang tên “Đoàn Văn Báu-Về miền đất Phật”. Cái tiêu đề này mang sức gợi tưởng lớn đến mức tôi mượn nó để làm tiêu đề cho bài viết này.

       Trong một bài đăng cách đây hơn nửa tháng về câu chuyện “Ý ĐẢNG-LÒNG DÂN”, tôi đã viết: “Ông Đoàn Văn Báu là một nhân vật không ai thích hợp hơn để làm trung gian, làm dấu gạch nối giữa hai bên, vì ông vừa là Đảng vừa là dân, mang tình cảm của lòng dân nhưng hành động thì không thể ra ngoài ý Đảng.”

       “Con đường đại đạo” vốn là cụm từ mà ông Báu nhắc tới khi ông đi khảo sát cung đường qua Myanmar. Phản đối kế hoạch của một chuyên gia nước ngoài, ông Báu nói ông sẽ không chọn những con đường lắt léo bất hợp pháp, bởi vì sư Minh Tuệ cần bước đi một cách quang minh chính đại. Cho nên kế hoạch của ông là tổ chức cho đoàn bộ hành đi con đường đại đạo. Ông sẽ liên hệ với hội Chữ Thập Đỏ ở Myanmar, trên đường đi sẽ phát đồ cứu tế, chữa bệnh phát thuốc cho người dân ở đây, và đoàn bộ hành khi đó càng đông càng tốt, có thể lên đến hàng trăm người. Trong khi nhiều người lo lắng về nội chiến ở Myamar chưa chấm dứt thì ông Báu lại không có vẻ gì lo ngại, thấy rằng đi theo cách “trống giong cờ mở” trên đại đạo để xuyên qua đất nước này là phương án hoàn toàn khả thi, thậm chí phải nói là khả thi nhất. Tôi cũng thấy ông rất có lý và hoàn toàn đồng ý với ông.

       Trong video trực tiếp tối 11-12-2024, ông Báu nói rằng kế hoạch đi đại đạo ở Myanmar không có gì thay đổi, không phải là bài toán khó giải, không phải là vấn đề. Vấn đề nan giải nhất lại chính là đường đi từ… Gia Lai tới cửa khẩu để xuất cảnh. Vâng, chặng đường vài ngàn ki-lô-mét qua vài quốc gia trong đó có quốc gia đang nội chiến không thành vấn đề, vấn đề nằm ở chặng đường vài chục ki-lô-mét trên đất nước quê hương yêu dấu đang sống trong hòa bình của người Việt chúng ta.

"Con đường đại đạo?" - Video 11-12-2024 của ông Báu

       Cũng trong video ấy, ông Báu lý giải rằng tại các youtuber cứ tham kiếm tiền, tham câu view mà tung tin chứ có phải là thật sự do yêu kính sư Minh Tuệ hết cả đâu, tại những người sùng bái sư Minh Tuệ cứ u mê, vô tổ chức, vô trật tự chứ nào phải tại ai đâu! Tóm lại vẫn là tại bà con quần chúng cứ yêu quá, u mê quá mà sư không sao đi bộ nổi dù chỉ vài chục cây số ở trong nước. Ông cho rằng dù là mười năm hay hai mươi năm nữa thì sư Minh Tuệ cũng không thể tu hạnh đầu đà ở Việt Nam, chỉ vì sư ở đâu thì người ta cứ xúm đến không có ý thức gì cả. Tức là sư Minh Tuệ không thể tu hành ở Việt Nam vì người dân trong nước cứ yêu quý sư một cách mất kiểm soát.

       Lưu ý rằng trong băng ghi âm lời ông Báu dạy con, chỉ nghe thấy ông Báu dạy con không được kể cho các thế hệ sau nghe rằng có những người ghét và muốn hại sư Minh Tuệ, mà không nghe thấy ông dạy con rằng hãy kể là vị chân tu Minh Tuệ bắt buộc phải ra nước ngoài tu hành chỉ vì ở trong nước người dân yêu quý sư quá đáng làm cho sư mất cả tự do, chỉ có thể ra cổng vài bước lại phải vội quay trở vào, không còn đi đâu được hết. Tôi ngờ rằng ông cũng muốn dặn dò con mình như thế lắm, nhưng lại sợ đứa trẻ không “tiêu hóa” nổi một câu chuyện quá hoang đường như vậy, cho nên ông xoay sang dạy cho các anh em youtuber và dân chúng câu chuyện hoang đường ấy.

       Điều kỳ diệu là không có ai ra mặt cãi ông Báu hết. Họ chỉ muốn ông yên lòng mà lo tổ chức để nhà sư đi cho trót lọt, chứ nói nọ nói kia nhỡ ông giận dỗi mà hỏng việc. Họ đâu đến nỗi ngu hơn một đứa trẻ con! Liên quan đến sư Minh Tuệ thì chuyện hoang đường nào họ cũng sẵn sàng nghe cả, miễn sao không ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà sư. Những chuyện hoang đường liên quan đến vị hành giả này chả nhẽ còn ít? Không phải là do dân chúng u mê, mà chính là do lực lượng an ninh tài giỏi, nơi xuất thân của ông Báu, gây nên.

       Dư luận cũng lắm kẻ leo lẻo nói rằng tại dân chúng u mê mà thần tượng hóa, thánh hóa ông Minh Tuệ lên, cho nên mới làm hại ông ấy. Những kẻ đó hoặc là quá dốt nát, hoặc là đặt điều có động cơ riêng, hoặc đơn giản chỉ là được thuê để phao tin như vậy. Làm cứ như là nước Nam này chưa từng có “thánh sống” bao giờ! Tuy sự thần thánh hóa có thể làm hại người thật, nhưng trong trường hợp hành giả Minh Tuệ thì chưa. Chưa ai từng một lần thấy vị thầy tu này có thái độ kiêu ngạo, đắc ý, cao cao tại thượng bao giờ cả.

       Làm gì có chuyện một vị thánh bước đi không nổi chỉ vì đường… đông người quá. Một vị thánh bước tới đâu là người ta sẽ rẽ ra đến đấy, chứ không nhẽ người ta muốn dẫm chết một vị thánh sao? Trong tâm thư, ông Minh Tuệ khẩn cầu: “Xin mọi người không nên đưa con lên trụ điện ngồi nguy hiểm!” Chính lực lượng an ninh quốc gia này đã thần thánh hóa hành giả Minh Tuệ một cách khó hiểu, đưa vị ấy lên “trụ điện” làm cho lòng dân hoang mang, chứ chả phải là do đám đông u mê nào kia. Đám đông u mê thì thời nào mà chẳng có, nước nào mà chẳng có! Dưới ánh sáng quang vinh đưa đường chỉ lối của Đảng thì nước ta phải ít những kẻ u mê như thế nhất chứ!

       Ở một trong những video gần đây, khi lôi cảnh sát Thái Lan ra hù những Phật tử “manh động” muốn đu bám đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ khi đoàn đi đến đất Thái, ông Báu nói đại ý rằng cảnh sát Thái Lan ghê gớm lắm không đùa được đâu, không phải như ở Việt Nam đâu, và ở Thái Lan người ta bảo vệ các nhà sư đi khất thực nên không ai có thể làm loạn. Ông Báu nhắc làm cho tôi lại phải nhớ đến chuyện cảnh sát ở Việt Nam “dám đùa” người dân như thế nào, và tôi phải nghĩ lại và nghĩ thêm về chuyện ở Việt Nam cảnh sát không bảo vệ người khất thực ra sao.

       Không ai tin là cảnh sát Việt Nam thua kém cảnh sát Thái Lan trong việc dẹp những đám đông hỗn loạn cả. Ít nhất là ở Việt Nam không ai dám tin như thế. Đám đông nào thuộc loại nghiêm túc, nghiêm trọng nhất và khó dẹp nhất? Là đám người biểu tình. Thử google hai cụm từ “biểu tình ở Thái Lan” và “biểu tình ở Việt Nam” để so sánh kết quả mà xem! Ở Thái Lan người ta biểu tình năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, chả cảnh sát nào hù được người dân để họ không còn dám biểu tình cả. Còn ở Việt Nam thì ngay cả báo chí cũng không dám nhắc đến từ “biểu tình” nữa là! Có nhắc thì cũng là nhắc trong những việc kiểu như thông báo rằng luật biểu tình đúng là cần thiết phải có, cần rất khẩn cấp, dự thảo luật biểu tình cũng có rồi, nhưng mãi vẫn chưa được thông qua mà không hiểu vì sao. Vì chưa có luật biểu tình nên dân chúng biểu tình thì sẽ không được gọi là biểu tình mà được gọi là “tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng”, mà được gọi thế là bị cảnh sát dẹp ngay trong một nốt nhạc.

       Đám người chạy theo sư Minh Tuệ thì không có những động cơ ghê gớm như những kẻ biểu tình. Họ chỉ có mong muốn rất đỗi đơn giản là được nhìn thấy nhà sư, may mắn hơn thì được đảnh lễ, may nữa thì được cúng dường. Chấm hết! Cái đám “u mê” này rất dễ dẹp. Nhưng cảnh sát Việt Nam lại không dẹp đám đông này, họ để cho đám đông đi theo cứ đông dần lên đông mãi lên, để tạo cơ hội cho những kẻ không ưa hành giả Minh Tuệ nói rằng vị ấy đi như vậy là làm ảnh hưởng không tốt đến xã hội vì gây kẹt xe, đồng thời dè bỉu “đám đông u mê”. Sư Minh Tuệ biết chấp hành luật giao thông, bản thân ông không vi phạm gì cả, chỉ có đám đông bám theo ông thì khó tránh khỏi vi phạm. Đám đông này không bị dẹp, trong lòng biết ơn cảnh sát muôn vạn, cứ thế họ kéo nhau đông thêm, tạo nên một sự kiện vô tiền khoáng hậu làm nức lòng người này và làm điên lòng kẻ khác. Thế rồi đêm 02 sáng 03-6-2024, hành giả Minh Tuệ biến mất.

       Trong suốt 6 ngày người dân nước Việt hoang mang vì không biết hành giả Minh Tuệ ở đâu, trong khi đoàn “đệ tử” mà ông Minh Tuệ không nhận làm thầy của họ thì bị lực lượng chức năng xé nhỏ thả đi các nơi theo những hướng khác nhau. Các báo chính thống im lặng. Chỉ trong ba giờ đồng hồ, hơn một vạn cú sét đánh xuống thủ đô ngày 05-6 càng làm cho lòng dân bất an, họ thấy họ “u mê” thật rồi. Phía lực lượng công an im lặng không phát ngôn bất cứ điều gì, giống như họ không liên quan và không hề chịu trách nhiệm gì về việc ấy. Tức là họ để cho dân chúng u mê thần thánh hóa sư Minh Tuệ hiểu rằng nhà sư đã dùng phép thần thông bay lên trời hoặc độn thổ để trốn chạy khỏi đám đông; hoặc giả đạo lực, lòng từ bi của nhà sư đã “hóa độ” lực lượng công an làm cho tâm họ mềm nhũn hết cả ra, nên họ bỗng không đủ can đảm để dẹp đám đông u mê kia nữa, mà xoay ra dẹp đám đầu đà vì các vị này hiền lành nhất, dễ bị bắt nạt nhất. Chuyện hoang đường như thế chỉ có bọn con nít còn sợ ngáo ộp may ra chúng tin, chứ tôi chưa thấy người dân nào u mê tới mức tin chuyện đó cả. Họ đều biết là hành giả Minh Tuệ không có vuốt xuống đất, chẳng có cánh lên trời.

       Thế rồi ông Minh Tuệ xuât hiện trên đài truyền hình “chính thống” để xác nhận rằng ông vẫn khỏe mạnh và tự nguyện dừng việc bộ hành. Vị hành giả đã lãnh nhận mọi chuyện về mình mà không một lời oán trách. Rõ ràng là cơ quan công quyền đã đẩy ông lên một vị trí thần thánh chứ không phải là người dân u mê đẩy ông lên. Khi ông xuất hiện đi khất thực trở lại ở quê nhà Gia Lai, người dân lập tức xúm đến đông đúc, chỉ vì họ sợ “vị thánh” lại đột ngột biến mất và không còn cơ hội khác để nhìn thấy ông nữa. Họ lo lắng có đúng không, khi mà vị thầy tu này lại biến mất, lại xuất hiện, rồi lại biến mất lần nữa? Hành tung của ông quá đỗi bí ẩn, và úp úp mở mở có thông tin rằng một thế lực lớn đang “bảo vệ” ông. Quá đỗi thần thánh!

       Thế rồi thế lực lớn ấy cũng lộ diện. Lực lượng an ninh quốc gia khoanh vùng lập chốt cả một khu vực rộng lớn ở Vĩnh Phương - Nha Trang, chỉ để cho hành giả Minh Tuệ đi khất thực trong mùa an cư kiết hạ mà không bị đám đông u mê làm phiền. Thay vào đám dân chúng lăng xăng là nhóm cảnh sát “tiền hô hậu ủng” mỗi lần nhà sư bước ra đường, đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, nhăm nhăm cảnh giác như thể đề phòng vị thầy tu này có thể bị ám sát bất cứ lúc nào. Chưa từng có vị tu sĩ nào trên đất nước này được đặc cách chăm sóc đến mức ấy. Thật là uy danh hiển hách!

       Ấy là lực lượng an ninh cứ “thần thánh hóa” sư Minh Tuệ lên, chứ còn vị hành giả này rất tự biết mình. Sau 108 ngày bị bắt buộc phải làm phiền lực lượng công an và người dân ở xã Vĩnh Phương như thế, ông đề nghị được quay lại quê nhà để cho anh em trong gia đình chăm sóc nhau vậy, tức là chấp nhận rơi vào thế “hoàn tục”, để cho cái “Công Ty TNHH Một Nhà Sư” đang chờ sẵn kia tiếp quản, chấp nhận sự bỉ bôi chê cười của thế gian. Giải pháp này tất nhiên là đã được các cơ quan chức năng “bật đèn xanh”. Độc thay! Diệu thay!

       Nhưng như ông Minh Tuệ từng nói, đã là vàng thì vùi xuống bùn vẫn là vàng mà lôi lên vẫn là vàng. Ông vừa đi khất thực tại quê nhà thì người dân đã ùn ùn kéo tới để chiêm ngưỡng. Tình yêu của họ đối với nhà sư không được giáo hội công nhận này không hề suy chuyển. Ông càng bị vùi dập thì họ càng yêu quý ông hơn. Lần này, công an không còn lập chốt ngăn chặn đám đông giúp ông nữa. họ để cho dân chúng thoải mái đến đứng hai bên đường để đón chào ông, ngày nào cũng như ngày hội. Dân chúng muốn thế, nhưng với hành giả Minh Tuệ thì đó là “ác pháp”. Không chỉ đó là “ác pháp” với chính bản thân ông, mà có lẽ ông đã ngầm hứa với chính quyền rằng mình không để tình trạng đó xảy ra nữa vì chính quyền cũng không muốn. Cả đôi bên đều không muốn điều ấy, dù là vì những động cơ khác nhau: một bên vì không muốn mất “trật tự xã hội”, một bên vì không muốn loạn tâm mình.

       Không muốn thì phải làm thế nào? Ông Minh Tuệ không có quyền làm gì đám đông cả. Lực lượng an ninh thì sẽ không làm gì “đám đông u mê” đó, vì chẳng phải là ông Minh Tuệ không muốn sự “bảo vệ” của họ sao? Đây là một thách thức mà chính vị hành giả đã lãnh nhận, ông còn có thể trách ai? Nếu ông lâm vào ngõ cụt, họ đã chờ sẵn để đưa ông quay lại Vĩnh Phương. Ông có thể đòi hỏi gì hơn?

       Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan của vị hành giả, ngày 09-11-2024, từ trên mạng xã hội ông Đoàn Văn Báu lên tiếng đề xuất giải pháp trong một video phát biểu mang tiêu đề “Bài toán Thích Minh Tuệ”. Trong những lời phát biểu, ông Báu nhìn nhận rằng “vấn đề chính ở đây là chúng ta chưa có một quan điểm chính thức rõ ràng về sự tu tập của sư Minh Tuệ”, tiếp đó là “chưa có một hành lang pháp lý để giải quyết triệt để vấn đề này”.

"Bài toán Thích Minh Tuệ" - Video 09-11-2024 của ông Báu

       “Chúng ta” trong lời phát biểu của ông Báu là ai mà lại u mê đến thế, đến nỗi trải qua tám tháng trời kể từ khi hiện tượng hành giả Minh Tuệ nóng lên đến giờ mà vẫn chưa có nổi một quan điểm rõ ràng về sự tu tập của nhà sư này? “Chúng ta” ấy ắt không phải là 70-80% quần chúng nhân dân, những người mà dưới sự soi sáng của kinh điển nhà Phật qua nghiên cứu của nhiều học giả Phật giáo đã khẳng định rằng hành giả Minh Tuệ tu hoàn toàn đúng theo giới luật của đạo Phật và đúng theo 13 hạnh đầu đà mà Đức Phật đã dạy và ngài Đại Ca Diếp đã thực hành. Đa số dân chúng có quan điểm rõ ràng rằng hành giả Minh Tuệ là một vị chân tu của đạo Phật đáng được ca ngợi, tán thán. “Chúng ta” ấy chắc chắn cũng không phải là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một cái hội mà vào ngày 16-5-2024 đã ra cái văn bản 151 khẳng định rằng ông Minh Tuệ “không phải là tu sĩ Phật giáo”.

       “Chúng ta” trong lời ông Báu không phải là hai đối tượng kể trên. Vì ông Báu là Đảng viên, cho nên chỉ có thể hiểu “chúng ta” trong lời ông ấy chính là Đảng. Nếu ông ấy phát biểu trong một cuộc họp của Đảng thì không cần phải bàn làm gì. Nhưng ông ấy lại phát biểu trên mạng xã hội cho tất cả mọi người đều có thể nghe, thành ra tôi mới phải mất công phân tích. Trên lập trường của một Đảng viên thì quan điểm của Đảng mới có thể coi là quan điểm “chính thức”, chứ còn dân chúng hay Giáo hội có nói gì đi nữa cũng coi như chưa xi nhê gì.

       Tám tháng trời, dân chúng và Giáo hội PGVN xung khắc nhau như nước với lửa do quan điểm trái ngược, còn Đảng thì vẫn “chưa có một quan điểm chính thức rõ ràng”. Không phải là Đảng u mê, mà là Đảng đang… bận. Đảng đang quá bận! Nào thì công cuộc tiếp nối giữa hai đời tổng bí thư, nào thì lo “đốt lò” sao cho lò không tắt, và giờ thì là công cuộc “tinh gọn”… Toàn việc nước sôi lửa bỏng cả! Đảng bận lo cho nội bộ Đảng, chứ còn dân chúng và Giáo hội PGVN chỉ là “ngoại cảnh”, họ có ầm ĩ cũng là chuyện tốt, để họ bớt thời gian soi mói vào chuyện của Đảng. Đám dân chúng đang say mê với lý tưởng buông bỏ Tham-Sân-Si thì không có động cơ nào để làm những chuyện như toan tính lật đổ chính quyền, Giáo hội PGVN thì không có động cơ làm phản. Cứ để họ lao xao với nhau! Với chuyện này không thể phản ứng nhanh ẩu mà cần chu đáo kỹ lưỡng, nên cứ từ từ, để cho các Đảng viên về hưu giữ trận là được. Một mặt ổn định lòng dân, một mặt vỗ về Giáo hội, kiên nhẫn chờ thời khắc có thể dứt điểm.

       Đảng viên Đoàn Văn Báu là một nhân sự hoàn hảo, vừa đa năng, vừa kiên nhẫn, vừa có khả năng phản ứng nhanh, biết chọn thời điểm, biết ứng biến… Một nhân vật hiếm có khó tìm. Đề xuất mà ông Báu đưa ra chính là rất hợp ý Đảng. Đảng theo lý tưởng của Đảng chứ Đảng không theo đạo Phật, cho nên với Đảng thì chân tu hay giả tu cũng quan trọng gì đâu mà cần đưa quan điểm! Chỉ cần mọi thầy tu đều trong “vòng tay” của Đảng là được. Đảng không cần thầy tu “đầu trọc”, Đảng chỉ muốn thầy tu “có tóc”. Cứ gom vào “hội” là thầy tu nào cũng “có tóc” liền.

       Còn chuyện hành lang pháp lý gì đó thì chỉ là cái cớ thôi. Hai lần giải tán đoàn đầu đà vào 03-6 và 13-6 thì đâu cần hành lang pháp lý nào! Đảng không sợ những đám đông u mê. đám đông u mê nào mà không gây bất lợi cho Đảng thì không cần phải dẹp. Nhưng những kẻ cầu tỉnh thức kia thì dù chỉ một nhúm cũng cần đưa họ vào khuôn khổ ngay lập tức. Buông bỏ là buông bỏ thế nào? Giải thoát là giải thoát đi đâu? Bỏ gì thì bỏ chứ đừng đòi bỏ Đảng, thoát đâu thì thoát chứ đừng thoát khỏi tay Đảng. Đảng là thế lực cầm quyền ở đất nước này, bất cứ người dân nào cũng cần nhớ rõ, thầy tu cũng không thể ngoại lệ.

       Nhưng… Đảng là Ai? Ai là Đảng?

       Đảng tất nhiên không phải là ông Báu. Nếu ông Báu là Đảng thì ông đã phải có trách nhiệm đưa ra «quan điểm chính thức rõ ràng» rồi. Ông Báu chỉ là một Đảng viên trong vài triệu Đảng viên, ông không đời nào dám nhận mình là Đảng. Vậy ai dám nhận mình là Đảng? KHÔNG AI CẢ! Hãy nghe lại những lời ca này:


             «Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng

             Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

             Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non

             Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời…

 

             … Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời

             Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai

             Đảng đã mang lại tình yêu thương khắp nơi

             Thế giới quanh ta hân hoan ngàn tiếng cười…»

 

       Đảng vĩ đại như vậy, đầy quyền năng như vậy! Làm sao có cá nhân Đảng viên nào dám tự nhận bản thân mình là Đảng? Đảng chính là «Chúa Trời» của tôn giáo Cộng Sản, với một «giáo chủ» duy nhất là Bác Hồ, người đã nằm trong lăng. Ca khúc «Đảng đã cho ta một mùa xuân» là một trong những «thánh ca» của tôn giáo ấy. Khi viết đến đây tôi đã nghe đi nghe lại bài hát này mà rơi lệ. Người nhạc sĩ hẳn đã viết ca khúc với cả tấm lòng tin yêu «Đảng». Đức tin trong trẻo ấy đã có gì sai? Vấn đề nằm ở chỗ giáo lý của «tôn giáo» Cộng Sản mâu thuẫn với thực tế cuộc sống. Làm sao tôi có thể không nhận thấy rằng một người vô sản thì không thể nắm vai trò lãnh đạo trong một xã hội lấy triết lý duy vật làm kim chỉ nam cho được? «Đảng» trong bài ca ấy, trong đức tin ấy không hiện hữu được trong đời sống thực.

       Thế hệ cha ông của tôi là những người cộng sản. Tôi đã lớn lên trong đức tin của «tôn giáo» đó. Ông Đoàn Văn Báu cùng thế hệ với tôi. Nếu như tôi là người mang lý tưởng cộng sản thì ông Báu lại là người sống trong thực tế của tổ chức Đảng Cộng Sản, một tổ chức mà người như tôi không phù hợp để bước chân vào. Tôi nhận rằng tôi trung thành với lý tưởng, còn ông Báu thì thể hiện rằng ông trung thành với tổ chức.

       Đề xuất của ông Báu về việc lập một hệ phái mới trong Phật giáo để từ ông Minh Tuệ trở xuống nằm trong sự quản lý của Giáo hội PGVN, tức là nằm trong sự quản lý của tổ chức Đảng, là đã cân nhắc cho lợi ích của Đảng. Theo ông đó là giải pháp duy nhất mà ông có thể nghĩ ra để «đưa mọi việc trở về bình thường đúng với bản chất vốn có của nó». Ở đây không thể hiểu «mọi việc trở về bình thường đúng với bản chất vốn có của nó» theo góc nhìn của Triết hay của Đạo. Từ tư cách phát ngôn của ông Báu, cần hiểu là mọi tu sĩ đều phải nằm trong sự quản lý của Đảng, bản chất vấn đề là vậy, bình thường lâu nay vẫn vậy. Nếu ông Minh Tuệ cứ không nhận mình là tu sĩ và không chịu vào hội thì Đảng sẽ không có «hành lang pháp lý» để bảo vệ cho ông và các đầu đà đi khất thực.

       Nhiều người thắc mắc hỏi cái «hành lang pháp lý» gì mà kỳ quái vậy? Ai cũng được tự do tu hành, và ăn xin ăn mày thì cũng không vi phạm pháp luật, sao lại cần «hành lang pháp lý» nào nữa? Câu trả lời nằm trong bài viết gần đây của báo Công An Nhân Dân mà ông Báu đã hết lời khen ngợi. Bài báo ấy có một đoạn thế này: «Nhìn nhận các vấn đề xung quanh hiện tượng Thích Minh Tuệ dưới góc độ pháp luật hiện hành, việc ông Lê Anh Tú không phải nhà tu hành chuyên nghiệp, chưa có thể nhân hợp pháp thì mọi hoạt động truyền bá đạo hay việc xây dựng các địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo dạng tự phát là không đảm bảo theo quy định pháp luật Việt Nam.»

       Tôi không «nuốt trôi» được cái diễn giải pháp luật trong đoạn văn ấy, nhưng tôi đọc thấy cụm từ «nhà tu hành chuyên nghiệp». Tức là trong cách nhìn của Đảng thì tu hành cũng là một nghề kiếm sống như bao nghề khác, có chuyện nghiệp và có nghiệp dư. Dù ông Minh Tuệ có là người xuất gia, từng giây từng phút nhắc mình sống trong chánh niệm đi nữa thì ông cũng chỉ là một kẻ tu tài tử, nghiệp dư, không chính thức, không chính thống… vì ông không có «giấy phép hành nghề» tức là tấm giấy chứng nhận từ Giáo hội PGVN. Về điều này thì Giáo hội PGVN đã nhanh nhẹn ra thông báo bằng văn bản 151 ngày 16-5-2024, có ý nói rằng ông Minh Tuệ là người tu hành không hợp pháp và Giáo hội PGVN không chịu trách nhiệm về ông. Cách nhìn trong bài báo Công An Nhân Dân và cách nhìn của Giáo hội PGVN là thống nhất. Giáo hội PGVN về bản chất là một hội nghề nghiệp nằm trong sự quản lý của Đảng.

       Nhiều người thắc mắc rằng tại sao ông Lê Anh Tú (Minh Tuệ) lại «chưa có thể nhân hợp pháp»? Rõ ràng ông không phải tù nhân, cũng không bị bệnh tâm thần, hoàn toàn có đủ năng lực chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Họ vội vã google từ «thể nhân» xem nó là cái gì mà ông Minh Tuệ lại chưa có đủ, thì mới ngã ngửa ra rằng ông Minh Tuệ không có… tài sản, cho nên không có cái gọi là «thể nhân hợp pháp». Chỗ này thật là quá tréo ngoe! Theo giới luật nhà Phật thì một người xuất gia không được sở hữu tiền của gì nữa. Vậy mà luật pháp lại quy định rằng không có tiền của thì không được đi tu, đi tu theo kiểu ông Minh Tuệ là… bất hợp pháp? Tôi không có đủ thời gian và lòng kiên nhẫn để nghiên cứu xem luật pháp quy định ở chỗ nào như thế, bởi vì ở nước ta thì mọi văn bản về pháp luật khi thực hiện lại phải theo diễn giải của nhà cầm quyền. Nhưng tôi tin ở phát ngôn của ông Báu rằng ông đã đọc bài báo và ông khen nó là bài viết tốt nhất từ trước đến giờ khi bàn về Thích Minh Tuệ, tức là ông đã rất quan tâm chuyện này, đã đọc nhiều bài báo và kết luận rằng bài của báo Công An Nhân Dân là chuẩn xác, ông đã đọc kỹ chứ không phải là chỉ đọc mỗi cái tít. Tôi đã biết rằng theo giới luật của đạo Phật thì một vị tỳ kheo hay tỳ kheo ni đều phải khất thực mà ăn, và cũng đã biết rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội PGVN) cấm tăng ni đi khất thực.

       Từ đây có thể kết luận rằng đạo Phật trong kinh điển nhà Phật và đạo Phật trong Giáo hội PGVN là hai đạo khác nhau mà do chưa để ý kỹ nên rất nhiều người lầm tưởng chúng là một. Không chỉ đông đảo Phật tử và quần chúng nhân dân lầm tưởng, ngay cả nhiều tu sĩ trong Giáo hội PGVN cũng lầm tưởng nốt. Có thể kể ra hai vị tu sĩ điển hình đã thể hiện sự lầm tưởng này là ông Thích Minh Đạo và ông Thích Huệ Thuận. Hai vị này đều đã có những lời ca ngợi hành giả Minh Tuệ vào thời điểm giữa tháng 5-2024, ngay trước khi có văn bản 151 của Giáo hội PGVN để chấn chỉnh sự ngộ nhận của các tu sĩ và Phật tử.

       Khi chuẩn bị cho lễ Phật đản, tu sĩ Thích Minh Đạo đã có phát ngôn: «Xin đại diện Giáo hội tán thán hạnh đầu đà của Minh Tuệ». Ông Thích Minh Đạo là một tu sĩ có chức sắc trong Giáo hội PGVN ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nếu đạo Phật trong Giáo hội PGVN và đạo Phật trong kinh điển nhà Phật là một thì phát ngôn của ông Thích Minh Đạo không thể nói là sai, không những không sai mà còn rất kịp thời, rất đúng lúc, và ông không thể nào lại phải bị họp kiểm điểm lên xuống và phải sám hối vì phát ngôn đó. Sau khi được chấn chỉnh vào ngày 16-5-2024, ông Thích Minh Đạo biết rằng mình đã có một sự ngộ nhận lớn và cần phải thay đổi. Về sau thì ông Thích Minh Đạo đã hoàn tục, rời khỏi Giáo hội PGVN để có thể cải đạo, quay về làm cư sĩ tu theo đạo Phật trong kinh điển nhà Phật.

       Vào ngày 12-5-2024, dựa theo kinh điển, tu sĩ Thích Huệ Thuận đã có bài giảng cho các Phật tử trong đó tán thán hành giả Minh Tuệ. Bài giảng có tiêu đề «Sư Minh Tuệ với hạnh bố thí đệ nhất» này đã làm nhiều Phật tử ấm lòng. Ông Thích Huệ Thuận không có chức sắc trong Giáo hội, cũng không «đại diện» cho Giáo hội khi giảng bài đó. Không có thông tin nào về việc ông bị kiểm điểm hay phải sám hối gì cả. Tuy nhiên, vào giữa tháng 8-2024, ngay sau khi tu sĩ Thích Minh Đạo tuyên bố hoàn tục rời khỏi Giáo hội thì ông Thích Huệ Thuận lập tức xuất hiện với bài phát biểu rằng sư Minh Đạo là «sư phá đạo» vì dám đối nghịch lại với Giáo hội, đồng thời kêu gọi các tăng ni trong Giáo hội nếu như không dám chỉ trích hành giả Minh Tuệ thì cũng đừng khen mà nên im lặng để cho những người khác lên tiếng. Có thể coi đó là hành động chuộc tội của tu sĩ Thích Huệ Thuận. Văn bản 151 của Giáo hội đã giúp ông «sáng mắt sáng lòng» và tự nguyện hối cải, toàn tâm toàn ý đi theo đạo của Giáo hội PGVN. Cũng từ đó ông đã trở nên được biết đến nhiều hơn với những bài phát biểu chỉ trích, bôi nhọ hành giả Minh Tuệ. Ít ai biết ông đã từng là người tán thán sư Minh Tuệ trước đây.

       Giáo hội PGVN là một tổ chức trung thành với Đảng. Việc Giáo hội này coi hành giả Minh Tuệ như «tà đạo» không thể nào là trái ý Đảng được. Nhưng Đảng thì không thể công khai làm gì trái ý dân chúng khi mà tỉ lệ quần chúng ủng hộ hành giả Minh Tuệ là áp đảo, trong đó có cả các Đảng viên. Tình thế này là do từ trước đến giờ Giáo hội PGVN vẫn mượn dùng kinh điển nhà Phật, mặc dù coi nhẹ giới luật. Họ hầu như chưa sửa đổi kinh điển, duy nhất chùa Phật Quang được phát hiện có sửa một trong năm giới cho cư sĩ (sửa giới không tà dâm thành giới không phản bội) nhưng đã bị «nghiệp quật» liểng xiểng, trụ trì Thích Chân Quang thân bại danh liệt. Vậy bản chất đạo của Giáo hội PGVN khác với đạo trong kinh điển nhà Phật thế nào? Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ tháng 11-1981, tức là từ 43 năm trước, các Giáo hội Phật giáo trong nước đã hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam và «cải đạo» từ đạo Phật trong kinh điển nhà Phật sang một cái đạo gọi là «đạo Phật theo phương châm Đạo pháp – Dân tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội» hay gọi một cách ngắn gọn hơn là Phật giáo Xã Hội Chủ Nghĩa. Kể từ sau đó, Giáo hội PGVN trở thành đại diện hợp pháp duy nhất cho Phật giáo tại Việt Nam, các Giáo hội Phật giáo khác bị xóa sổ, nếu còn tồn tại thì cũng bị coi là bất hợp pháp.

       Tại sao Đảng lại bối rối, không thể đưa ra «quan điểm chính thức rõ ràng» trong trường hợp hành giả Minh Tuệ? Đó là vì mọi phát ngôn của Đảng đưa ra phải đạt được lợi ích gì đó, hoặc là tuyên bố chịu trách nhiệm cho hành động nào đó. Nhưng hiện tại, Đảng chưa quyết được phải hành động thế nào, mà chưa quyết hành động thế nào thì nói ra cái gì cũng là tự chặn đường mình một cách vô ích. Vì thế, Đảng chấp nhận cho các Đảng viên cao cấp về hưu lên tiếng ca ngợi hành giả Minh Tuệ, như thế có thể xoa dịu dân chúng đồng thời cũng ám chỉ rằng đó chưa phải là quan điểm chính thức của Đảng, vì các Đảng viên ấy dù cao cấp đến mấy thì cũng đã về vườn, không còn đại diện cho lực lượng công quyền nào nữa, cũng tức là không thể đại diện cho Đảng. Đây là chiến thuật câu giờ, chờ xem có thể «cải đạo» cho hành giả Minh Tuệ hay không.

       Mặc dù hành giả Minh Tuệ là một nhân vật gây bất lợi cho Phật giáo Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng mọi hành động của ông đều quang minh chính đại, danh chính ngôn thuận, hơn hẳn cái Giáo hội PGVN cứ úp úp mở mở cả trong hành vi và phát ngôn. Ông Minh Tuệ nắm rất vững kinh điển nhà Phật, cho đến giờ chưa ai soi mói được lỗi nào của ông. Ông học kinh điển nhà Phật theo các bản dịch của hòa thượng Thích Minh Châu, mà vị hòa thượng này là Tổng Thư ký liên tục 3 nhiệm kỳ đầu của Giáo hội PGVN chứ chả phải là nhân vật «tà đạo» nào ở đâu cả. Quy định của Giáo hội PGVN cấm tăng ni đi khất thực là chống lại giới luật của nhà Phật, nhưng ông Minh Tuệ chưa hề lên tiếng chống lại Giáo hội PGVN, ông chỉ từ bỏ Giáo hội để có thể đi khất thực cho đúng với hạnh tu mà không vi phạm quy định của Giáo hội. Giáo hội PGVN là nơi duy nhất hợp pháp quản lý các tu sĩ Phật giáo ở Việt Nam? Vậy cũng được, ông Minh Tuệ cũng không phản đối. Ông nói ông không phải là sư, không phải là thầy, không phải là tu sĩ gì cả, ông chỉ là một công dân Việt Nam đang tập học theo lời Phật dạy. Cho nên cái văn bản 151 của Giáo hội PGVN không ảnh hưởng gì đến ông Minh Tuệ cả, nó chỉ ảnh hưởng đến chính Giáo hội mà thôi. Từ đây thì người ta mới để ý kỹ rằng Giáo hội PGVN không phải đang theo đạo Phật trong kinh điển, mà là đang theo một đạo khác. Đạo Phật trong kinh điển hóa ra đã biến thành «tà đạo» trên đất nước này từ bao giờ không hay. Vì thế cho nên không tờ báo chính thống nào dám gọi hành giả Minh Tuệ là «sư» cả. Chính xác hơn thì có trang điện tử Dân Việt của báo Nông Thôn Ngày Nay đã dám gọi hành giả Minh Tuệ là «sư Thích Minh Tuệ» trong đúng 3 ngày, sau 3 ngày thì bài báo đó đã sửa «sư Thích Minh Tuệ» thành «ông Thích Minh Tuệ». Một thông điệp tinh tế: «LÒNG DÂN» gọi hành giả Minh Tuệ là nhà sư, nhưng «Ý ĐẢNG» vẫn còn chưa chấp thuận.

       Đảng tạo cơ hội cho ông Minh Tuệ «cải đạo» bằng cách «bật đèn xanh» cho thành lập công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ để cho ông Minh Tuệ có «thể nhân hợp pháp». Nếu ông Minh Tuệ chấp nhận thì ông không còn là người vô sản nữa. «Công ty TNHH Một Nhà Sư» theo cách gọi dân gian này có vốn điều lệ ban đầu là năm trăm triệu đồng, sau vài ngày đã tăng lên mười tỷ. Cái công ty này nhìn ngược nhìn xuôi đều thấy kỳ quái, hoang đường. Cái tên «Thiên Định Tuệ» càng làm thiên hạ sởn cả gai ốc. Kỳ lạ hơn nữa là quần chúng nhân dân nhanh chóng dễ dàng chấp nhận nó, anh em youtuber cũng rất «ngoan hiền», không thấy ai đứng ra phân tích một cách nghiêm túc về công ty này cả, chỉ có vài nhân vật hiếm hoi là dám nói động đến nó. Quần chúng chỉ cần thấy nhà sư yêu quý của họ khỏe mạnh bình yên, có thể xuất hiện để cười với họ, còn lại thì Đảng làm gì họ cũng chấp nhận hết. Hành giả Minh Tuệ cũng chấp nhận, nhưng là chấp nhận ngồi nhờ cái gốc cây trong công ty mà thôi, còn thì ông nói ông không biết công ty này làm gì cả, ông không liên quan gì đến nó ngoại trừ ngồi nhờ gốc cây và có nhờ họ chuyển lời qua lại với bên ngoài. Ông còn biên giấy nói rõ là ông không chỉ chấp nhận ngồi nhờ gốc cây của công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ, mà nếu có công ty khác, gia đình khác có gốc cây cho ông ngồi nhờ thì ông cũng chấp nhận đến những chỗ đó của họ.

       Hành giả Minh Tuệ đi khất thực ở Gia Lai đến ngày 09-11-2024 thì ông Đoàn Văn Báu từ trên mạng xã hội đưa ra đề xuất lập hệ phái mới trong Phật giáo nằm dưới sự quản lý của Giáo hội PGVN. Ngày 17-11, ông Minh Tuệ tuyên bố tạm dừng khất thực cho đến khi đủ điều kiện phù hợp. Ngày 20-11, ông Minh Tuệ lại viết tâm thư nói sẵn sàng buông bỏ hạnh đầu đà, không chấp nhất vào nó nữa, tức là không đòi hỏi mình phải thực hành hạnh đầu đà bằng mọi giá. Ngày 25-11, ông Minh Tuệ lại viết thư phát nguyện bộ hành đến Ấn Độ và xin mọi người giúp đỡ chỉ đường, còn thì ông tự mình đi, không cần ai đi cùng bảo vệ cả. Sau khi thư này phát tán trên mạng, ngay lập tức trong ngày 25-11-2024, ông Đoàn Văn Báu lên tiếng nhận giúp đỡ chỉ đường cho hành giả Minh Tuệ. Ngày 27-11-2024, ông Lê Khả Giáp, một youtuber nổi tiếng uy tín cũng lên tiếng xin nhận giúp đỡ ông Minh Tuệ, không chỉ là chỉ đường và làm thủ tục giấy tờ mà còn bộ hành cùng nhà sư luôn nữa. Ông Lê Khả Giáp đã từng đi bộ qua 13 quốc gia trong đó có những quốc gia mà ông Minh Tuệ sẽ phải đi qua để tới Ấn Độ. Cũng trong ngày 27-11, ông Đoàn Văn Báu đã chứng minh mình nhận được sự đồng ý của ông Minh Tuệ bằng một video ghi hình ghi âm vị hành giả. Sự nhanh nhẹn của ông Báu đã làm dư luận dấy lên nỗi thắc mắc rằng liệu ông Giáp có thể đi cùng nữa không, đây là một sự tế nhị cho tất cả các bên. Không ai dám nghi ngờ khả năng và uy tín của một thượng tá công an về hưu cả, nhưng kinh nghiệm bộ hành đến những nơi xa lạ thì rõ ràng là ông youtuber kia có ưu thế vượt trội. Vả lại, một ông là người của Đảng, còn một ông là người của dân.

       Ông Đoàn Văn Báu ngay sau đó đã thể hiện mình vừa là một người giỏi tổ chức vừa đúng là một chuyện gia tâm lý. Đích thân ông gọi điện cho ông Lê Khả Giáp, đưa ông Lê Khả Giáp đến đảnh lễ sư Minh Tuệ. Hai người này trở thành là những nhân vật chắc chắn được «chốt», làm cho quần chúng nhân dân nức lòng phấn khởi. Quá trình khảo sát cung đường, thông giấy tờ thủ tục cho đoàn được ông Đoàn Văn Báu tiến hành nhanh một cách đáng kinh ngạc nếu ông chỉ là dân thường, và không có gì đáng ngạc nhiên nếu ông đang làm nhiệm vụ cho Đảng. Bất chấp dư luận hoang mang khi báo chính thống gỡ bài về tâm nguyện bộ hành sang đất Phật của ông Minh Tuệ đồng thời những đơn kiện nhố nhăng nhằm vào vị hành giả được tung ra như bươm bướm, ông Báu vẫn khẳng định rằng không có gì trở ngại.

       Tối 11-12-2024, ông Báu phát sóng trực tiếp trên kênh Youtube mới lập của mình, tuyên bố rằng về căn bản ông khảo sát cung đường đã xong, và chặng đường gian nan nhất, bài toán khó giải nhất không phải là đi qua đất nước Myanmar đang nội chiến, vì ở Myanmar đoàn có thể phối hợp với hội Chữ Thập Đỏ quốc tế, đàng hoàng đi trên con đường đại đạo. Bài toán khó giải nhất, chặng đường gian nan nhất chính là làm sao để sư Minh Tuệ có thể đi từ công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ tới cửa khẩu, bởi vì sư Minh Tuệ muốn quang minh chính đại bộ hành trên con đường đại đạo, trong khi điều kiện chưa cho phép.

       Tât nhiên nếu điều kiện là «đám đông u mê» phải chấp nhận rằng ông Minh Tuệ không phải là thầy tu hợp pháp, chỉ là một công dân bình thường tập học theo lời Phật dạy thì đừng nói là mười năm hay hai mươi năm, mà dù trăm năm nghìn năm nữa họ cũng sẽ không chấp nhận, vì sự thật trong lòng họ không phải như vậy. Cho nên để có điều kiện cho phép thì phải trông chờ vào sư Minh Tuệ và vào quan điểm chính thức rõ ràng của Đảng.

       Trước mắt thì chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ là sư Minh Tuệ chấp nhận «cải đạo» cả. Trong những ngày sư Minh Tuệ chờ ông Báu sắp xếp để lên đường về miền đất Phật, một người đã hỏi sư rằng có phải sắp tới sư sẽ thành lập hệ phái đầu đà hay không, vì họ nghe trên Tiktok và Youtube có những người nói thế. Câu trả lời của sư Minh Tuệ: “Không. Con không có thành lập mười ba cái hạnh đầu đà cái gì hết. Mười ba cái hạnh đầu đà thì lời Phật dạy ở trong kinh lâu rồi, mình cứ theo Đức Phật làm đệ tử mà học chứ, mình là cái gì đâu mà đi thành lập mười ba hạnh đầu đà?... Thành lập rồi cũng không thực hiện được mười ba cái hạnh đầu đà thì thành lập làm gì! Nên là cái đấy không phải thành lập, mà là tự hắn, tự theo pháp hắn vận hành, công nhận thì nó cũng thế mà không công nhận thì nó cũng thế, thành lập thì nó cũng thế mà không thành lập thì nó cũng thế… Hạnh đầu đà thì chỉ pháp tự nhiên vận hành không thành lập thì nó cũng đã có rồi, không cần phải thành lập gì hết.”

Sư Minh Tuệ nói về việc không lập hệ phái đầu đà

       «Cải đạo» cho Giáo hội PGVN trải qua cả một quá trình 43 năm vẫn chưa được triệt để. Vậy thì «cải đạo» cho sư Minh Tuệ, một hành giả có giới luật hộ trì như tường đồng vách sắt, cũng không thể ngày một ngày hai. Tất cả đều cần thời gian. Ít nhất thì những cán bộ công an khi làm việc trực tiếp với sư Minh Tuệ hẳn là rất dễ chịu, vì sư coi họ như cha mẹ anh em, luôn muốn họ vui lòng nên chẳng làm gì chống đối họ. Trước sự kiện 03-6 sư đã trả lời cho một Phật tử câu hỏi về Vô Ngã: «Vô ngã là nó không thuộc về của mình. Chẳng hạn như anh nói cái thân này nó là của anh, nhưng gặp một ông vua tới ông chém đầu, ông bắt mình ông nhốt… nó không phải là thuộc về của mình nữa, nó thuộc về người ta rồi.» Trong tâm thư ngày 20-11, sư viết: «Con chỉ tập tư duy mình như một con chó, hay con gà, hay cái cây, hay con trâu, như một người bệnh, người câm, như người sắp chết không có ước muốn, đòi hỏi gì…» Sự khó khăn, khó chịu sẽ rơi vào những người ở trên cao, những người có trách nhiệm giải một bài toán khó. Bài toán đó không phải là làm sao để cho sư Minh Tuệ chịu bước lên một phương tiện giao thông cơ giới, mà là làm sao để cho sư Minh Tuệ chịu «chung xe» trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng tư tưởng.

       Trong video «Bài toán Thích Minh Tuệ», ông Đoàn Văn Báu nói «các bác ở trên chắc cũng đã có những chủ trương». Nói như thế tức là có hay chưa có chủ trương thì cũng như nhau, vì chưa có quan điểm rõ ràng chính thức thì cũng không thể có chủ trương chính thức. Và đây chính là cơ hội cho ông Báu chủ động nhập cuộc. Tôi không thể biết ý kiến đề xuất lập hệ phái của ông Báu là do chính ông đau đầu nghĩ ra như ông nói hay là được chỉ thị từ «các bác ở trên», song với tôi thì điều đó không quan trọng. Bởi vì theo quan sát của tôi thì ông Báu là một người vừa có tầm nhìn chiến lược vừa giỏi sử dụng chiến thuật. Kể cả «các bác ở trên» có chưa kịp nhờ vả thì ông cũng biết «tác chiến» ra sao để không trái «Ý ĐẢNG». Ông Báu đã nhanh chóng nhìn nhận là công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ không có khả năng làm được gì hữu dụng thật sự cho tiến trình «cải đạo», vì trình độ của họ quá kém, theo cách nói của ông là «không thể lường hết được những vấn đề phức tạp». Khi sư Minh Tuệ có tâm thư phát nguyện bộ hành tới Ấn Độ thì ngay lập tức ông Báu đứng ra nhận giúp đỡ. Ai nhanh người đó được chỗ một cách danh chính ngôn thuận, trừ khi bị nghi ngờ về khả năng và uy tín. Với cái thế của ông Báu về mọi mặt thì không ai dám nghi ngờ khả năng và uy tín của ông hết. Sự tham gia của ông Báu đã diễn ra theo cách mà không ai có thể xét nét bắt bẻ, dù rằng còn nhiều người nghi ngờ và không thích, chỉ vì ông vốn là công an. Tuy vậy, xuất thân sĩ quan công an rõ ràng là lợi thế rất mạnh của ông Báu, nó vừa là một sự bảo đảm cho khả năng của ông trước quần chúng, lại vừa bảo đảm cho uy tín của ông với Đảng, đồng thời lại giống như một sự bảo lãnh ngầm của Đảng với sư Minh Tuệ và trách nhiệm của Đảng trước nhân dân. Bởi vì tuy ông Báu là công an về hưu, nhưng tư cách Đảng viên của ông thì không hưu, ông chính là người của Đảng, phải chịu trách nhiệm trước Đảng về mọi hành động của mình liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc.

       Vai trò của ông Báu vừa sáng tỏ lại vừa mập mờ. Người ta không thể biết ông có quyền hạn thực sự thế nào trong chuyến đi. Nhưng tôi nhận thấy ông đã chủ động nhập cuộc với tất cả tinh thần hào hứng và quyết tâm. Rõ ràng đây là một nhiệm vụ lớn trong cuộc đời ông, dù là nhiệm vụ ông tự đặt ra cho mình hay là nhiệm vụ Đảng đặt ra cho ông, một nhiệm vụ đầy tính thách thức. Suốt một tháng qua, ông Báu đã thể hiện là một người đầy năng lực và trách nhiệm, quyết đoán, sáng suốt trong mọi tình huống.

       Video «Con đường đại đạo?» tối 11-12-2024 ông Báu nói rằng ông còn đang ở nước ngoài, ông về sẽ sắp xếp, rằng ông sẽ chọn trung sách là cho sư Minh Tuệ đi bộ đàng hoàng, vừa đông người theo là cho sư lên xe đi luôn. Nhưng đó chỉ là màn nghi binh, đánh lừa cộng đồng mạng. Sự thật thì lúc đó ông đang ở Việt Nam và buổi sáng hôm ấy ông đã trao đổi kế hoạch với sư Minh Tuệ là khoảng 9 giờ sáng ngày 12 sẽ xuất phát. Nhóm Phật tử hỗ trợ các sư nhỏ cũng đã được báo tin để chuẩn bị từ tối ngày 11. Sáng ngày 12 những người không liên quan chỉ biết là lực lượng công an lập chốt quanh công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ mà không rõ chuyện gì. Buổi trưa sư Minh Tuệ đã có mặt ở gần cửa khẩu Bờ Y để bộ hành một đoạn cho đúng nghi thức là bộ hành từ Việt Nam. Dĩ nhiên trong tình thế của sư Minh Tuệ hiện tại thì đó chỉ là tiểu tiết, quan trọng là ông Báu đã đưa sư Minh Tuệ xuất cảnh thành công như đã hứa, không những thế còn làm được một việc quan trọng là tổ chức nhân sự đoàn đi làm hài lòng những người khó tính nhất. Có ông Lê Khả Giáp, một youtuber trung thực được mọi người tín nhiệm nhất, có các «sư nhỏ» được quần chúng mong chờ nhất, gạt lại nhóm nhân sự phiền phức của công ty PTTĐT ở phía sau. Còn cảnh sát Lào theo bảo vệ đoàn là chuyện đương nhiên, dù đó chỉ là vì mối quan hệ «bạn học» đi nữa. Sắp tới khi đến Thái Lan, hoàng gia Thái Lan sẽ cử hai cảnh sát bảo vệ đoàn suốt hành trình qua đất nước này, đó cũng là do mối quan hệ của ông Báu và do «phước của sư Minh Tuệ» chứ không phải là công việc ngoại giao cấp nhà nước. Ông Báu không làm gì vượt ngoài khả năng quyền hạn của ông, tất cả đều là do «chuyện tâm linh không đùa được đâu».

       Trong khi tôi viết những dòng này thì ông Báu đang chờ thêm một thành viên mới của đoàn là chú chó nghiệp vụ mang tên Đại Bảo. Thành viên này đang trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh. Có rất nhiều người cảm thấy bất mãn với ông Báu vì chuyện này hay chuyện khác. Một số người cảm thấy sư Minh Tuệ được bảo vệ hộ tống kỹ như vậy, an toàn như vậy thì còn gì là đi tu nữa. Lại có một số người khác nói sao ông Báu lại làm cứ như đang áp giải sư Minh Tuệ vậy, họ cho rằng như thế là làm sư mất hết tự do. Nhiều người lại không hài lòng vì không được xem phim nhiều góc quay do hàng trăm youtuber cũng cấp như khi ở miền Trung hồi tháng 5… Đối với riêng tôi, đừng nói là ông Báu mang thêm Đại Bảo, cho dù ông có kết nạp thêm Tiểu Bảo nữa tôi cũng không phàn nàn. Không ai có thể xuất sắc hơn ông trong nhiệm vụ này. Với thang điểm mười thì tôi chấm ông mười ba điểm. Trong đó mười điểm là bản lĩnh của cá nhân ông đã phấn đấu trui rèn, còn ba điểm thêm vào là vận mệnh của ông. Một nhân vật như thế xuất hiện trong sự kiện lịch sử này là một điều huyền nhiệm.

       Không tránh khỏi có những giả thiết về việc ông Báu giỏi như vậy mà lại về hưu sớm. Có thể vì năng lực của ông chưa được trọng dụng đúng mức nên ông muốn ra ngoài vẫy vùng cho thỏa chí. Có thể vì ông là một Đảng viên mà trong tư tưởng đã tự diễn biến tự chuyển hóa nên không muốn lún sâu hơn vào chính trị. Cũng có thể vì sự xuất sắc của ông mà ông đã được hợp thức hóa thân phận «về hưu» để nhận những nhiệm vụ tầm cỡ hơn… Tất cả chỉ là giả thiết mà người ngoài không cách nào kiểm chứng. Nhưng dù là như thế nào thì cũng không thay đổi được vai trò quan trọng mà ông đang đảm nhận bây giờ, cả cho dân và cả cho Đảng. Dân muốn sư Minh Tuệ đắc đạo thành Phật, còn Đảng muốn sư Minh Tuệ thành một vị Phật có tính Đảng. Sư Minh Tuệ thì giữ tinh thần vô vi, để cho pháp tự vận hành, gạt bỏ tham đắm, «phùng Phật sát Phật». Duy chỉ có ông Báu là một ẩn số. Hiện tại tôi không thể biết ông Báu muốn gì. Tôi chỉ biết ông chính là biến số mà tôi muốn quan sát trên hành trình tu tập của hành giả Minh Tuệ.

       Nhiều người không ưa ông Báu vì ông hay nói dối. Nhưng ông Báu không đi tu mà ông đi đánh trận. «Binh bất yếm trá». Là một chiến sĩ công an, một chuyên gia tâm lý tội phạm, nhiệm vụ của ông Báu không phải là xây dựng hay bảo vệ đạo lý mà là tiến hành những cuộc chiến tâm lý. Mọi phát ngôn của ông đều ứng dụng những kỹ năng tâm lý chiến. Những kỹ năng này đã giúp ông gạt bỏ trở ngại trong cuộc hành trình tháp tùng sư Minh Tuệ một cách dễ dàng, ít nhất cho đến giờ vẫn là thế.

       Tất nhiên có những trở ngại không thể gạt bỏ bằng kỹ năng tâm lý, thí dụ như bọn rắn rết trùng thú dọc đường. Tôi đã xem một video hành trình ngay trong vài ngày đầu tiên. Một con rắn xanh khá lớn bỗng bò ngang chặn phía trước con đường của đoàn bộ hành, ông Lê Khả Giáp vừa ghi hình nó vừa thuyết minh rằng loài rắn này rất độc, ông Giáp vừa nói xong thì một chiếc xe tải ngược chiều chạy tới và cán chết luôn con rắn. Có lẽ đó là điềm báo trước rằng bọn rắn độc hay trùng thú trong thiên nhiên không phải là thử thách dành cho sư Minh Tuệ trong hành trình lần này. Dù sao thì sư cũng đã có 6 năm để thích nghi với những thử thách kiểu đó. Những trở ngại do xã hội loài người trên đất khách thì ông Báu đã điều động được cảnh sát, chó nghiệp vụ, tình nguyện viên… Tất cả đều do phước của sư Minh Tuệ mà sẵn sàng giúp đỡ ông.

       Vậy thử thách lớn nhất của ông Báu trong nhiệm vụ lần này của ông là gì? Là có thể trở thành người bạn đồng hành chu đáo tuyệt vời, tự nhiên tuyệt vời, chân tình tuyệt vời của sư Minh Tuệ. Tôi đã xem một video hội thoại của ông Báu với sư:

 «- Có một bài hát rất hay về thầy đó là «thầy ơi thầy mỏi chân không, thầy đi khất thực bao năm… » thầy nghe bài đó chưa?» - Ông Báu hỏi sư với giọng ngọt ngào trìu mến.

-         Chưa. - Sư Minh Tuệ trả lời một cách tự nhiên.

-         Chưa nghe! – Ông Báu cười - Bài đó được mọi người rất là yêu thích.»

Ông Báu trò chuyện với sư Minh Tuệ

 Sư Minh Tuệ sẽ không nghe bài hát ấy, vì sư giữ giới tỳ kheo nên không nghe đàn ca hát xướng. Nhưng sư sẽ ngày ngày nghe những lời tâm tình của ông Báu. Đôi bạn chân tình này, một người là chuyên gia tâm lý, một người là hành giả thực hành tâm linh. Một người chuyên sử dụng và dẫn dắt các ảo vọng, vọng tưởng. Một người chuyên nhận diện các ảo vọng, vọng tưởng để gạt bỏ chúng. Một cặp đôi hoàn hảo cho cuộc tâm đấu. Họ sẽ giúp đỡ cho nhau cùng tiến bộ. 

      Trong video «Bài toán Thích Minh Tuệ», ông Báu đã nói: “Muốn trả mọi việc về bình thường thì chính phủ nhà nước phải có một quan điểm rất rõ ràng. Và cần một người có đủ uy tín, vị trí vai trò nào đó để nói rõ cái quan điểm này, để phối hợp với Giáo hội PGVN, cũng như phối hợp với sư Minh Tuệ, để có thể tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động tu tập theo hạnh đầu đà, thì tôi nghĩ bài toán mới được giải quyết.” Liệu ông Báu có muốn bản thân mình trở thành cái nhân vật «có đủ uy tín, vị trí vai trò nào đó» trong lời của ông không? Hoặc giả, những lời của ông Báu trong video này lại là một màn nghi binh với Đảng?

       Tôi tin ông Báu không phải là người ham muốn danh lợi bình thường, mà là một người muốn thách thức những giới hạn. Ông đặt mục tiêu cho bản thân thế nào thì tôi không rõ, nhưng hành trình bên sư Minh Tuệ chắc chắn là vô cùng đáng giá với ông. Với sự tự chủ của mình, ông Đoàn Văn Báu là người có đủ tư cách để đối thoại với dân và với Đảng. Xã hội cần những người có trách nhiệm và tư cách đối thoại.

        «Bài toán Thích Minh Tuệ» như trong video phát biểu của ông Báu không phải là bài toán có thật, vì vốn dĩ đề bài nó đã sai. Một đề toán sai thì không bao giờ có đáp số đúng. Đảng không cần theo đạo Phật, còn đạo Phật thì không có lý do để theo Đảng. Mọi sự mong muốn gắn Đảng và đạo Phật vào nhau chỉ là vọng tưởng. Đảng không thể ra lệnh cho hoa nở hay chỉ thị cho chim hót. Đảng cũng không phải chịu trách nhiệm về những cơn sóng thần. Cứ để những biến cố tầm vũ trụ ấy cho tôn giáo suy tưởng.

       Hoa nở không mang tính Đảng. Hành giả Minh Tuệ dù có thành Phật cũng chỉ có thể nói về Phật tánh chứ không thể rao giảng về Đảng tánh. Đảng mãi mãi chỉ là một «tôn giáo» trong ngoặc kép vì nó không có tu sĩ. Một Đảng viên bỗng một ngày muốn đi tu, xuất gia cầu sự giải thoát thì khi ấy không thể theo Phật giáo Xã Hội Chủ Nghĩa mà thành tựu. Nhà sư Thích Minh Tuệ là một minh chứng. Vậy nên hãy để mọi việc trở về bình thường theo bản chất vốn có của nó. Đảng cứ là một đảng chính trị, còn tôn giáo cứ lo phần tâm linh. Đem hai cái này lai ghép với nhau thì quả của nó không ăn được.

       Bài viết này của tôi có tiếp cận sự thật không? Có thể có. Có thể không. Nhưng tôi cố gắng bày tỏ những gì mà tai tôi nghe, mắt tôi nhìn, trái tim tôi cảm nhận và trí óc tôi suy xét thấy.

       Với tôi, không tồn tại một bài toán Thích Minh Tuệ, không tồn tại một bài toán Đảng hay một bài toán Phật giáo. Tôi quan sát hành trình của hành giả Minh Tuệ, của Đảng viên Đoàn Văn Báu hay những người khác là để học hỏi, mong có thể rút ra bài học cho riêng mình, để giải bài toán của riêng tôi. Tôi ý thức rằng tôi là một công dân Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam, những vấn đề về chính trị hay tôn giáo trên quê hương này đều ảnh hưởng đến tôi. Nhưng còn đời sống tâm linh của tôi, dù tôi hạnh phúc hay đau khổ, thì tôi luôn là người chịu trách nhiệm đầu tiên cũng như sau cùng mà không thể đổ lỗi cho ai được. Nếu tôi chỉ biết mong chờ một nơi tốt đẹp sẵn dành cho mình, chỉ biết mong chờ những ai đó phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tôi hiện tại, thì đó chỉ là «ăn mày xứ khác».


                                                                                   Viết xong vào đêm 24-12-2024

                                                                                          VI THỊ THANH HÀ

      

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét